Nhím Thanh Lịch epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 9: Vàng Mờ
gay đối diện với cửa ra vào, trong luồng tia sáng, có treo một bức tranh.
Hoàn cảnh thế này: tôi là Renée, năm mươi tư tuổi và có vết chai ở chân, sinh ra trong bùn bẩn và số phận được định đoạt sống ở đó, tôi đến ăn tối ở nhà một người Nhật Bản giàu có ở tòa nhà mà tôi làm gác cổng, vì lỗi lầm duy nhất là đã giật nảy mình khi nghe thấy một câu trích từ tiểu thuyết Anna Karénine, tôi, Renée, rụt rè và sợ hãi đến tận xương tủy, cũng như ý thức được đến mức suýt ngất về điều bất lịch sự và sự xúc phạm khi tôi có mặt ở nơi này, nơi mà mặc dù có thể bước vào được về mặt không gian, nhưng cũng là một thế giới không phải của tôi và không chấp nhận những người gác cổng, tôi, Renée, vậy là tôi làm như vô ý đưa mắt ra phía sau ông Ozu, nhìn theo tia sáng chiếu vào bức tranh nhỏ lồng trong khung bằng gỗ sẫm màu.
Chỉ khi thấy được tất cả vẻ lộng lẫy của Nghệ thuật, người ta mới giải thích được vì sao ý thức về sự thiếu tư cách của tôi chợt biến mất khi ngây ngất trước cái đẹp. Tôi không còn nhận ra mình nữa. Tôi đi vòng quanh ông Ozu, hầu như bị bức tranh hút hồn.
Đó là một bức tranh tĩnh vật, miêu tả một chiếc bàn với bữa ăn nhẹ gồm sò và bánh mì. Ở phía trước, trong chiếc đĩa bằng bạc, một quả chanh đã gọt vỏ một nửa và một con dao có cán chạm trổ. Phía sau, hai con sò ngậm miệng, một tia lấp lánh của vỏ sò mà lớp xà cừ lộ rõ và một chiếc đĩa bằng thiếc bên trong chắc là đựng hạt tiêu. Ở giữa là một cốc thủy tinh nằm lăn lóc, một chiếc bánh mì nhỏ lộ phần ruột màu trắng, bên trái là một chiếc cốc to, nửa cốc đựng một thứ chất lỏng màu nhợt và ánh vàng, lõm xuống như một cái vòm lộn ngược, chân cốc rộng và hình ống được trang trí bằng những viên thủy tinh hình tròn. Gam màu đi từ vàng đến đen. Đáy bằng vàng mờ, hơi bẩn.
Tôi là một người cực kỳ hâm mộ tranh tĩnh vật. Tôi đã mượn ở thư viện tất cả các tác phẩm trong kho tranh ảnh và chọn ra những bức kiểu này. Tôi đã đi các bảo tàng như Lourve, Orsay, bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và tôi đã xem - phát hiện và thán phục - triển lãm của Chardin năm 1979 ở Petit Palais. Nhưng bất kỳ tác phẩm nào của Chardin cũng không giá trị bằng một bức tranh bậc thầy duy nhất của hội họa Hà Lan thế kỷ mười bảy. Tranh tĩnh vật của Pieter Claesz, Willem Claesz-Heda, Willem Kalf và Osias Beert là những kiệt tác của thể loại này - và nói ngắn gọn là những kiệt tác mà tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả hội họa Ý thế kỷ mười lăm không chút do dự.
Mà bức tranh này, cũng không do dự, chính là một tác phẩm của Pieter Claesz.
- Đây là bản sao, - ông Ozu nói; ông ấy đứng ngay sau lưng tôi, nhưng tôi đã hoàn toàn quên mất ông ấy.
Con người này cứ phải làm tôi giật nảy người nữa sao.
Tôi giật nảy mình.
Sau khi đã trấn tĩnh lại, tôi định nói gì đó kiểu như:
- Đẹp quá, - lời nói này với Nghệ thuật cũng giống như giải quyết cho với vẻ đẹp của ngôn ngữ.
Khi đã làm chủ được mình, tôi định tiếp tục đóng vai người gác cổng đầu óc chậm chạp bằng cách nói câu:
- Bây giờ có cái gì mà người ta không làm được đâu (để đáp lại câu: đây là bản sao).
Và tôi cũng định giáng một đòn quyết định để đập tan hoàn toàn mối nghi ngờ của ông Ozu và thiết lập sự hiển nhiên mãi mãi về trình độ thấp kém của tôi:
- Mấy cái cốc kỳ cục quá.
Tôi quay người lại.
Những từ: - Bản sao của cái gì? mà tôi bỗng nhiên cho rằng thích hợp nhất lại bị nghẹn trong họng tôi.
Thay vì nói như vậy, tôi lại nói:
- Đẹp làm sao.
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch