Người Hai Đầu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 40: Rừng Không Còn Lại Tiếng Kêu Con - Bến Đò Suýt Thành Nơi Chia Ly
ãy nói Âm Bà Bà chạy quanh rừng dụ Vân Đạt đuổi theo, quả nhiên ông già điên khùng cứ đuổi theo hoài, mồm thì kêu gọi:
- Thiết Diện Điểu Trảo, trả lại con gái cho ta…
Chỉ trong nháy mắt, hai người đã chạy được mấy dặm liền.
Âm Bà Bà thấy đã đi cách quần hùng khá xa, liền chạy lên một ngọn núi đứng đợi chờ Vân Đạt đang như con hổ điên xấn xổ nhảy tới.
Âm Bà Bà chờ Vân Đạt tới gần liền quát hỏi:
- Trương Vân Đạt, ngươi muốn tìm thấy con gái phải không?
Vân Đạt đã giơ song chưởng lên, nghe Âm Bà Bà hỏi như vậy liền ngừng tay lại và đáp:
- Lẽ dĩ nhiên, mụ đã đem con gái của ta đi đâu thế?
Âm Bà Bà đáp:
- Nếu lão muốn tìm thấy con gái, thì hãy để già này chỉ đường cho. Bằng không già này mặc kệ, để cho lão cứ việc điên khùng, chứ không cho lão biết tin nữa đâu.
Vân Đạt giận dữ nói tiếp:
- Nếu hôm nay mụ không trao trả con gái cho ta, thì mụ đừng có hòng thoát thân.
Âm Bà Bà liền chỉ tay vào trong khu rừng đang cháy và đáp:
- Con gái của lão đã lọt vào tay của Thiết Diện Điểu Trảo, sào huyệt của tên ma đầu ấy ở sau vách đá tại khu rừng này, nhưng bây giờ lửa đang cháy to không vào trong ấy được. Lão cứ đứng ở đây đợi chờ đi, thể nào lát nữa Thiết Diện Điểu Trảo cũng ra đây. Lúc ấy lão cứ việc hỏi mà đòi con.
Lúc này tâm trí đã u mê, nghe thấy Âm Bà Bà nói như vậy, Vân Đạt ngẩng mặt lên trời cười ha hả:
- Ngọn lửa nho nhỏ này thì làm khó dễ sao nổi Trương mỗ? Coi ta vào rừng tìm kiếm.
Nói xong ông ta phất tay áo định xông xuống chân núi luôn. Âm Bà Bà vội ngăn cản:
- Hãy khoan! Tuy lão không sợ lửa nhưng trên vách đá có cơ quan máy móc, muốn vào bên trong không phải là chuyện dễ, chi bằng cứ đứng ở đây đợi chờ chúng ra thì hơn.
Ngẫm nghĩ giây lát, Vân Đạt gật đầu tán thành:
- Hay! Lão cứ ở đây đợi chờ, nhưng nếu chờ không thấy Thiết Diện Điểu Trảo thì mụ cũng đừng có hòng sống.
Nói xong ông ta đứng chắn ngang lối đi không cho Âm Bà Bà đào tẩu. Âm Bà Bà liền trả lời:
- Lão cứ yên trí, già này vẫn ở đây đợi chờ lão. Nếu không thấy Thiết Diện Điểu Trảo, lúc ấy lão cứ hỏi già này.
Quả nhiên Vân Đạt ngồi ngay lên trên tròn một tảng đá nghỉ ngơi và đợi chờ.
Âm Bà Bà thấy thế mừng thầm nghĩ bụng: “Có một tay trợ giúp đắc lực như thế này ở đây đợi chờ, thì tên ma đầu đừng có hòng thoát khỏi được nơi đây. Ta hãy đi báo tin cho mọi người được biết, hễ y quây quần được Thiết Diện Điểu Trảo thì lúc ấy các người sẽ vây đánh tên ma đầu luôn.”
Bà ta quyết định như vậy liền lẳng lặng lẻn xuống dưới núi, tìm đến chỗ con ngân ngưu với con hươu mai hoa rồi vội vàng quay trở về Lan Châu luôn.
Hãy nói Vân Đạt nghe lời Âm Bà Bà một mình ngồi ở trên đỉnh núi để đợi chờ con gái cưng, hai mắt nhìn thẳng vào vách đá không chớp như người đi săn đợi bắt thỏ rừng vậy.
Ngọn lửa sắp tắt, Vân Đạt đã thấy đói bụng, nhưng lại không dám rời khỏi nơi đó đi kiếm thức ăn nên cứ ngồi yên nhìn vào vách đá, mồm thì lẩm bẩm nói:
- Thiến nhi! Thiến nhi con khỏi lo, cha đã đến cứu con đây.
Ngọn lửa đã tắt dần, Vân Đạt cũng không thấy chỗ vách núi có động tĩnh gì hết, chỉ có mấy con chim ưng đói bay lượn ở trên không kiếm mồi thôi.
Mặt trời đã lặn, trời sắp tối đến nơi thì bỗng thấy phía chính Bắc của bên lề rừng có một cái bóng đen xuất hiện và chạy nhanh cực độ. Vân Đạt trông thấy cái bóng đó mừng rỡ khôn tả nghĩ bụng:
- Hừ! Giỏi thật! Dù sao ta cũng chờ được ngươi ra.
Nói xong ông ta vội nhảy lại bắt cái bóng ấy.
Bóng đen ấy đi tới chỗ cạnh bìa rừng, lúc ấy người ta mới trông thấy rõ ràng đó là một hòa thượng già, lông mày trắng, áo bào rách rưới và như bẩn hết sức đang đứng nhìn khu rừng bị cháy, khẽ lắc đầu thở dài nói:
- Hà! Đáng tiếc thực! Đáng tiếc thực!
Vân Đạt rón rén đi tới, đột nhiên quát lớn:
- Đáng tiếc cái gì? Trương mỗ đã đợi ngươi một ngày rồi. Mau trả con ta đi.
Nói xong ông ta múa chưởng tấn công lão hòa thượng luôn. Lão hòa thượng ấy không thèm quay đầu lại nhìn, chỉ dùng tay áo phất một cái, người đã lui ra ngoài xa bốn năm thước.
Vân Đạt là người có võ công rất sao siêu, có thể gọi là cao thủ số một, số hai của đương kim võ lâm được. Chưởng vừa rồi của ông ta tuy chưa dùng toàn lực, nhưng cũng đủ khiến các nhân vật võ lâm thường không sao tránh khỏi, không ngờ thân pháp của lão hòa thượng này lại nhanh nhẹn đến như thế, nên chưởng lực của Vân Đạt mới tấn công hụt.
Lão hòa thượng quay đầu lại nhìn Vân Đạt hỏi:
- Lão già này vô lý thực, chúng ta chưa hề quen biết nhau bao giờ, sao chưa chi ngươi lại ra tay tấn công trộm lão tăng như thế?
Vân Đạt quát lớn:
- Ngươi giấu con gái lão phu đi đâu? Nếu ngươi không nói lão phu sẽ giết chết ngươi ngay.
Lão hòa thượng ngạc nhiên vô cùng vội hỏi:
- Ai giấu con gái của lão?
Vân Đạt đáp:
- Trương mỗ đã đợi chờ ngươi ở đây suốt ngày, mãi đến giờ mới thấy ngươi xuất hiện. Ngươi lại còn muốn chối phải không?
Ông ta vừa nói lại vừa múa chưởng nhằm ngực lão hòa thượng tấn công luôn. Lão hòa thượng thấy thế mặt hơi biến sắc. Lần này y không tránh né nữa mà phất tay áo để đỡ chưởng ấy của Vân Đạt. Tức thì liền có tiếng “Bùng”, Vân Đạt với lão hòa thượng đều loạng choạng lui về phía sau năm bước. Cả hai đều kinh hãi nhìn nhau.
Hòa thượng cười ha hả nói:
- Không ngờ lão già này cũng biết hai miếng võ ấy.
- Ngươi không trả con gái cho ta, ta còn cho ngươi biết thêm nhiều món võ lợi hại nữa.
- Đã lâu lão tăng không được đánh một trận nào cho sướng tay hết, bây giờ chúng ta hãy đấu với nhau vài hiệp trước đã, rồi hãy nói chuyện với nhau sau.
- Đánh thì đánh, lão phu sợ gì ngươi.
Lão hòa thượng không trả lời nữa, chắp tay đứng lấy thế để đợi chờ Vân Đạt tấn công.
Vân Đạt liền tấn công hờ một thế, thì đã thấy chưởng lực của lão hòa thượng nhằm ngực mình lấn át tới. Ông ta giật mình kinh hãi, bụng bảo dạ rằng: “Thảo nào y dám bắt con gái ta. Thì ra y đã luyện Bách Bộ Thần Quyền rồi, nhưng chả lẽ ta sợ y hay sao”.
Nghĩ đoạn ông ta liền giơ hữu chưởng lên, đỡ luôn thế công đó của lão hòa thượng. Sau một tiếng kêu “Bùm”, hai người lại cùng bị đẩy lui về sau bảy bước. Lão hòa thượng thấy thế cả cười nói tiếp:
- Hay lắm! Ngươi hãy tiếp thế này của lão tăng xem sao.
Nói xong, y bỗng ngửa người về phía sau, lộn một vòng rồi thế giơ song quyền lên tấn công hai quyền một lúc nhanh như gió cuốn.
Vân Đạt thấy thế “Tiểu ngọa thiền lâm” của lão hòa thượng không những già dặn mà nội lực lại rất mạnh, ông ta cũng phải kinh hãi thầm. Tuy vậy, ông ta vẫn xoay người sang bên để đợi chờ quyền phong của đối phương đánh hụt, liền thừa cơ tiến lên ba bước. Lão hòa thượng thấy thế vội la lớn:
- Không ngờ ngày hôm nay lão tăng hòa thượng nầy lại được gặp gỡ một cao thủ ở nơi đây.
Vân Đạt chỉ cười khảy một hơi lại tấn công luôn bảy tám chưởng một lúc, chưởng nào cũng nhằm những nơi yếu huyệt của lão hòa thượng công tới.
Lão hòa thượng lại rú lên một tiếng thực dài, mồm thì la lớn:
- Thích thú quá! Thích thú quá!
Hai người một dùng quyền, một dùng chưởng đều ra tay đánh rất nhanh, chỉ trong nháy mắt đôi bên đã đấu được gần trăm hiệp, thực là kỳ phùng địch thủ, không ai thẳng thế được cả.
Vân Đạt đấu mãi vẫn không thắng được đối phương, đã nóng lòng, sốt ruột, một mặt mẳng chửi thầm đối thủ, còn một mặt càng ra tay tấn công nhanh hơn, hầu như chỉ muốn giết được đối phương ngay mới hả dạ vậy.
Vừa đấu xong trăm hiệp, lão hòa thượng đột nhiên nhảy ra ngoài vòng đấu nghiêm nghị hỏi:
- Các hạ võ nghệ siêu tuyệt như thế này, dám hỏi quý tánh đại danh là chi?
Vân Đạt đáp:
- Ngươi khỏi cần biết đại danh tiểu danh gì hết. Nếu ngươi không trả lại con gái cho ta thì chúng ta sẽ chiến đấu đến ba ngày ba đêm ta cũng không hãi sợ.
- Căn cứ vào quần áo và võ công của bạn, lão tăng đã nghĩ ra một người.
- Ngươi nghĩ ra được ai?
- Người đó đã khét tiếng là thiện nhân và cũng là một triệu phú, xưa nay vẫn xưng là Hầu gia. Sự thực thì ông ta là một cao thủ thượng thặng trong võ lâm, nội ngoại công đều đã luyện đến mức thượng thừa. Lão tăng nghe danh đã lâu nhưng chỉ hận chưa được gặp mặt.
Vân Đạt đáp:
- Người mà hòa thượng hỏi ấy có lẽ là Trương mỗ cũng nên.
Hòa thượng nọ vừa cười vừa đáp:
- Lão tăng cũng đoán được là Trương Hầu gia rồi…
Vân Đạt quát lớn:
- Ngươi đừng có dùng lời lẽ ngon ngọt để thoái thác như thế nữa. Biết điều thì mau trả con gái cho lão phu đi.
Lão hòa thượng biết đối phương là Trương Vân Đạt và cũng là chủ nhân của Kim Toàn Viện tiếng tăm lẫy lừng khắp thiên hạ mình đã ngưỡng mộ từ lâu, nên thấy đối phương nổi giận hòa thượng vẫn cười và đỡ lời:
- Xin hầu gia chớ có hiểu lầm như thế. Lão tăng đến đây là muốn đấu với tên ma đầu Thiết Diện Điểu Trảo, nhưng chỉ tiếc lão tăng đến chậm một chút, khu rằng này đã cháy rụi và cũng không hề trông thấy lệnh ái của lão hầu gia đâu hết.
Vân Đạt ngẩn người ra nghe một hồi lại quát hỏi tiếp:
- Vậy ngươi là ai?
- Lão tăng vẫn được người ta gọi là Tứ Hải Thượng nhân…
Ông ta chưa nói dứt thì đã có tiếng cười thực lớn nổi lên và cũng có tiếng người nói thật lớn đỡ lời lão hòa thượng luôn:
- Hân hạnh! Hân hạnh! Không ngờ lại gặp được Tứ Hải Thượng Nhân oai trấn bốn bề ở nơi đây.
Lão hòa thượng với Vân Đạt nghe nói liền quay đầu lại nhìn, liền thấy một người mặc áo dài xanh, mặt lạnh lùng và nhợt nhạt không có râu đang đứng ở chỗ cách mình chừng bảy, tám trượng. Đồng thời lại thấy người đó tay cầm cái quạt nan, tuy y mỉm cười nhưng trông mặt y lại khó coi như là khóc.
Vân Đạt thấy thế giận dữ hỏi:
- Ngươi là ai? Cười cái gì?
Người nọ xòe cái quạt ra phe phẩy, thủng thẳng đáp:
- Tại hạ là Triệu Canh Thạch ở núi Hải Tầm tới đây. Hồi nẫy nghe nói lệnh ái của Hầu gia bị Thiết Diện Điểu Trảo bắt đi thì vừa lúc tại hạ cũng đang muốn gặp tên ma đầu ấy để thử tài một phen. Như vậy chúng ta có thể nói là đồng chí với nhau được. Sao lại có sự gặp gỡ may mắn đến như thế này?
Tứ Hải Thượng Nhân liền xen lời hỏi:
- Chắc bạn là Hải Tâm Sơn Chủ, Vô Hình Tú Sĩ Triệu thí chủ phải không?
Canh Thạch vẫn phe phẩy cái quạt đáp:
- Không dám! Chính tại hạ đây.
Vân Đạt hỏi tiếp:
- Ngươi muốn kiếm Thiết Diện Điểu Trảo để làm chi?
Canh Thạch đáp:
- Vấn đề này… Triệu mỗ có một vật sắp sửa đến tay mình, không ngờ lại bị Thiết Diện Điểu Trảo cướp mất nên đã muốn kiếm y để trả mối hận này từ lâu rồi.
Tứ Hải Thượng Nhân vừa cười vừa hỏi tiếp:
- Vật mà Triệu thí chủ vừa nói đó có phải là di báu ở trong Âm Phong Cốc hay không?
Canh Thạch giật mình đánh thót một cái, vội cười gằn hai tiếng và đáp:
- Thượng Nhân sáng suốt thật, chỉ đoán một cái đã trúng liền. Vì vậy dị báu ấy, Triệu mỗ đã không quản ngại thất lễ Phật sống ở Hoàng giáo, không ngờ Thiết Diện Điểu Trảo nhân lúc cò trai đang giằng co nhau, y làm ông lão vọng ở giữa nhân cơ hội cướp luôn.
Vân Đạt có vẻ nóng lòng sốt ruột xen lời nói:
- Lão phu không có thì giờ nghe những chuyện ấy của các người. Các người không phải Thiết Diện Điểu Trảo thì hãy tránh sang một bên để lão phu đi kiếm y.
Nói xong, ông ta xoay người tiến thẳng vào trong rừng ngay. Lúc ấy ngọn lửa đã gần tắt ngóm, cả khu rừng chỉ còn lại những gốc cây đang bốc khói lên thôi. Vân Đạt không ngại bên dưới than đang đỏ hồng, cứ lẹ bước đi trên những cành khô mà tiến vào bên trong, vừa đi vừa kêu gọi:
- Thiết Diện Điểu Trảo, trả con gái cho lão phu đi.
Lời kêu gọi của ông ta thực là rầu rĩ bi đát khôn tả và cũng vọng đi rất xa, nên hỏa trường đã yên tĩnh rồi, vì những tiếng kêu ấy lại vang động liên tiếp.
Tứ Hải Thượng Nhân thấy thế lắc đầu thở dài nói:
- Lòng thương con không sao tả xiết được. Tội nghiệp cho Trương Hầu gia, vì nhớ con mà biến thành người điên khùng như thế.
Canh Thạch cũng bỏ đi luôn, trước khi đi còn quay đầu lại nói với Tứ Hải Thượng Nhân rằng:
- Thượng Nhân cũng có lòng từ bi như vậy, sao không cùng đi để gặp tên Thiết Diện Điểu Trảo?
Lão hòa thượng nghe nói bỗng rú lên một tiếng thật dài và cũng giở hết tốc lực ra đuổi theo Vân Đạt ngay…
Ba cao thủ thượng thặng của võ lâm như ba luồng khói lần lượt theo nhau, chỉ trong nháy mắt đã tìm kiếm khắp cả khu rừng vừa bị thiêu trụi đó. Chừng ba người không biết lối vào hang động bí mật của Thiết Diện Điểu Trảo, mà dù có biết then chốt mở cửa bí mật là cái cây thông vừa to vừa lùn kia đi chăng nữa, lúc này cũng không sao tìm thấy được bọn y nữa.
Lúc ấy vào tháng ba cuối mùa xuân ở Giang Nam có đã xanh rì, trăm hoa bắt đầu đua nở, nhưng còn trên miền Bắc thì tuyết mới bắt đầu tan, lúc lạnh nóng ấm và cũng là thời tiết khiến người ta bực mình nhất.
Trên con đường cái quan đi xuống miền Nam, đường lối lầy lội vì nước tuyết, tuy là lúc tuyết bắt đầu tan mà gió thổi vẫn còn buốt xương lộng óc, bỗng có hai thanh niên nam nữ cưỡi ngựa phóng trên con đường lầy lội tiến thẳng xuống miền Nam.
Thiếu niên rất đẹp trai và thiếu nữ cũng đẹp như tranh vẽ, trên vai của nàng ta còn đeo một thanh đoản kiếm. Thiếu niên vừa phóng ngựa vừa cau mày, mặt lộ vẻ rầu rĩ, hình như đầy bầu tâm sự, và thiếu nữ cũng rầu rĩ, thỉnh thoảng còn tự lẩm bẩm nói:
- Lạ thực! Hoa Gia Bảo đồ sộ như thế, tại sao lại bị cháy rụi thế này? Ai đã ra tay thiêu đốt như vậy?
Thiếu niên liền gò cương lại hậm hực đỡ lời:
- Ngoài Thiết Diện Điểu Trảo thì còn ai vào đây nữa.
- Thế còn chị họ Hoa, chị họ Hàn, và còn cha mẹ nuôi với Hoa Bảo chủ đi đâu cả? Nhiều người như thế chả lẽ lại không địch nổi Thiết Diện Điểu Trảo hay sao?
- Võ công của Thiết Diện Điểu Trảo cao siêu lắm! Có lẽ các người bị y tấn công bất ngờ mà bị đánh bại, hoặc giả nhân lúc các người đi vắng, Thiết Diện Điểu Trảo đến tấn công… Bây giờ chúng ta chỉ có một cách là kiếm ra được Thiết Diện Điểu Trảo là sẽ biết rõ chuyện ngay.
Thiếu nữ nghe thanh niên nói như vậy liền lẳng lặng không nói năng gì nữa, rồi hai người lại tiếp tục đi xuống miền Nam. Không cần nói rõ chắc quý vị cũng biết được hai người đó là Thiên Tứ và Trương Thiến Thiến rồi.
Thì ra hai người ở trong Vạn Kiếp cốc luôn hai tháng, cho tới khi Trương Thiên Thiên học thuộc pho “Âm Kiếm Thập Nhị Thức” mới từ biệt vợ chồng Độc Cô Quân quay trở về Hoa Gia Bảo, nhưng khi tới nơi thì chỉ còn thấy đống gạch vụn thôi.
Thiên Tứ giật mình kinh hãi, vội tiến thẳng vào trong đống gạch vụn đó tìm kiếm, nhưng tìm mãi vẫn không thấy xác của Bại Sư lão nhân với hai nàng, chàng mới yên tâm bàn với Trương Thiến Thiến cùng xuống Lan Châu. Vì Thiên Tứ biết Thương Nguyên chơi rất thân với Khổng Nghi, như vậy chỉ đến nhà Khổng Nghi là tìm thấy ông ta liền, không ngờ khi đã tới nhà họ Khổng lại không thấy mặt mọi người.
Nghe người nhà họ Khổng nói Khổng Nghi, Thương Nguyên các người tìm kiếm sào huyệt của Thiết Diện Điểu Trảo không thấy gì cả, các người nản chí vô cùng. Sau nghe thấy đồng đảng ấy đã vào Tứ Xuyên cho nên Ngọc Hồ, Lực Như Cư Sĩ, vợ chồng Bại Sư lão nhân, Thương Nguyên, Khổng Nghi với hai nàng Thiên Thiên vội đi Tứ Xuyên ngay. Khi Thiên Tứ với Trương Thiên Thiên tới nhà Khổng Nghi thì các người đã lên đường được nửa tháng rồi.
Thiên Tứ liền mượn hai con ngựa của nhà họ Khổng cùng Trương Thiến Thiến đi Tứ Xuyên ngay.
Thiên Tứ sinh trưởng ở vùng cao nguyên phía Tây Bắc từ hồi còn nhỏ, mà Trương Thiên Thiên thì không ra khỏi Kim Toàn Viện nửa bước, bây giờ hai người mới xuống miền Nam lần đầu nên cảnh sắc ở Giang Nam khiến hai người bỡ ngỡ vô cùng.
Lúc đó hai người đã thấy phía trước mặt có một thị trấn. Trương Thiên Thiên chỉ về phía đó và nói:
- Đại ca! Chúng ta hãy vào thị trấn kia ăn uống và nghỉ ngơi một lát rồi hãy đi tiếp.
Thiên Tứ gật đầu đáp:
- Cũng được! Nhưng chỉ e thị trấn nho nhỏ này không có thức ăn gì ngon thôi.
Chỉ trong nháy mắt hai người đã phi tới trước cổng thị trấn. Lúc ấy Thiên Tứ mới biết thị trấn này không nhỏ, ít nhất cũng có đến hai trăm nóc nhà, trong đó có cả tửu lâu, trà quán và khách sạn, người đi lại rất đông đảo, náo nhiệt vô cùng.
Hai người vào tới trong thị trấn, hấp dẫn rất nhiều người đi lại trong phố, khiến ai cũng phải ngắm nhìn và bảo hai người là Kim Đồng, Ngọc Nữ hạ phàm.
Thiên Tứ thấy nhiều người ngắm nhìn mình như thế ngượng nghịu vô cùng, Trương Thiên Thiên rất ngây thơ không hổ thẹn chút nào, lại còn nhìn ngang nhìn ngửa và lên tiếng hỏi:
- Đại ca, họ cứ nhìn chúng ta hoài làm chi thế? Chả lẽ quần áo của chúng ta ăn mặc rất kỳ lạ chăng?
Thiên Tứ mặt đỏ bừng đáp:
- Kệ họ, vì họ thấy chúng ta là người lạ mặt nên mới chú ý đến như vậy thôi…
Lúc ấy hai người đã tới trước một tửu lâu. Một tên phổ kỵ đã chặn trước đầu ngựa và mời mọc:
- Mời công tử với tiểu thư vào xơi cơm dùng rượu, tửu điếm vừa sạch sẽ, thức ăn lại ngon lành.
Thiên Tứ liền mỉm cười xuống ngựa và trao ngựa cho phổ kỵ, đang định gọi Thiến Thiến xuống ngựa thì trong tửu điếm có ba người chạy ra. Chúng cởi cương ngựa của chúng rồi phi thân lên trên yên và phóng ngựa phi thẳng về miền Nam luôn.
Thiên Tứ vừa trông thấy ba người đó đã biến sắc mặt, vội giằng lấy cương ngựa ở trong tay tên phổ kỵ, rồi cũng phi thân lên trên yên và khẽ bảo Trương Thiến Thiến:
- Thiến muội đừng ăn cơm vội, chúng ta đuổi theo ba tên kia đi.
Thiến Thiến ngơ ngác hỏi lại:
- Tại sao? Chúng là ai thế?
- Đừng hỏi nhiều. Chúng là đồng đảng của Thiết Diện Điểu Trảo đấy.
Chàng vừa nói vừa thúc ngựa đi luôn, Thiến Thiến cũng lên ngựa đuổi theo ngay.
Tên phổ kỵ đứng đờ người ra như tượng gỗ, một lát sau mới khẽ nói:
- Hai người này có bệnh thần kinh chắc?
Thiên Tứ phi ngựa ra khỏi thị trấn đã trông thấy ba tên nọ đang phóng ngựa phi thẳng về phía Nam. Chúng là hai nam một nữ, tên nào cũng đeo khí giới, vì chính xác là Xảo Yến, Tú Hân và Kim Vũ. Chàng định đuổi theo sát nút, nhưng sợ Thiến Thiến không theo kịp nên đành phải gò cương lại đợi chờ nàng, nên khi Thiến Thiến tới nơi thì bọn Xảo Yến đã đi được khá xa rồi.
Thiến Thiến vội hỏi:
- Tứ đại ca, chúng là ai thế?
Thiên Tứ đáp:
- Ba người này đều là đệ tử của Thiết Diện Điểu Trảo. Chúng đã lộ diện ở nơi đây thì chắc là Thiết Diện Điểu Trảo chỉ quanh quẩn đây thôi. Hiền muội chớ có rời khỏi ngu huynh. Chúng ta phải đuổi theo chúng mới được.
Trương Thiến Thiến trố mắt lên hỏi tiếp:
- Có thực không? Nếu vậy chúng ta mau đuổi theo đi.
Rồi hai người lại vội vã phóng ngựa đuổi theo tiếp. Một lát sau hai người đã trông thấy bọn Xảo Yến rẽ vào một con đường ngách bên phía Đông. Thiên Tứ vội nói:
- Chúng ta cứ lẳng lặng theo sau xem chúng làm gì đã.
Hai người lại đuổi theo được bảy, tám dặm đường, tới một con sông, bọn Xảo Yến liền tới chỗ bến đò. Thiên Tứ không dám đuổi theo sát quá, nên lẳng lặng phóng đến gần. Chàng thấy bọn Xảo Yến xuống ngựa nhưng không qua sông, chỉ vào một quán trà ngồi đợi, hình như đang đợi chờ ai vậy.
Thiên Tứ cũng xuống ngựa. Chàng với Thiến Thiến giấu ngựa vào trong rừng trúc, rồi mới vào hỏi thăm một nhà nông, mới biết nơi đây là Đào Hoa Độ, miền thượng du của sông Gia Lãng.
"Bọn Xảo Yến đi đến một chỗ vắng vẻ, không phải là chỗ qua đường, vậy chẳng hay chúng ở đây để đợi chờ ai?"
Thiên Tứ suy tính như vậy rồi lại nghĩ tiếp:
"Chả lẽ chúng đợi chờ Thiết Diện Điểu Trảo hay Vương Mai chăng? Bằng không thì không khi nào chúng lại đi đến chỗ bến đò mà không qua sông và lại vào trong quán nước đợi chờ như thế?"
Nghĩ đoạn chàng liền đưa Thiến Thiến tới một chỗ gốc cây cổ thụ cách bến đò chừng hơn mười trượng, rồi cả hai nhảy lên trên cành cây ngồi núp ở trên đó đợi chờ. Ngồi ở trên đó có thể trông thấy rõ tình hình trong quán nước và trên bến đò, cũng không sợ lộ tung tích.
Một lát sau, trên sông bỗng có một chiếc thuyền nhỏ lướt sóng, mũi và đuôi thuyền đều có hai người phu thuyền bơi chèo, trong khoang có một già một trẻ, chỉ trong nháy mắt chiếc thuyền nọ đã tới chỗ cách bến đò không xa.
Bọn Xảo Yến ba người trông thấy chiếc thuyền đó vội đứng cả dậy, một mặt sửa soạn quần áo, một mặt ở phía sau quán trà lại dắt thêm hai con ngựa lớn ra nữa. Ba người dắt năm con ngựa đi đến trước bến đò cung kính đợi chờ.
Thiên Tứ thấy thế ngạc nhiên vô cùng và nhìn kỹ hai người ngồi trên thuyền, thì thấy người già mặt đỏ, mắt lộ ánh sáng như hai ngọn đèn ló, tuổi trạc bảy mươi, mặc áo đạo bào màu bồ kép, tay cầm chiếc quái trượng rất nặng, chỉ thoáng trông cũng đủ biết y là một tay cao thủ có nội công rất thâm hậu.
Thanh niên ngồi cạnh ông già ấy tuổi trạc ba mươi, mình mặc võ trang, lưng đeo trường kiếm. Thiên Tứ ngắm nhìn hai người đó hồi lâu, trong lòng thắc mắc vô cùng, vì chàng không hiểu hai người này là ai hết.
Bọn Xảo Yến đối với hai người này rất cung kính. Chàng đoán chắc thân phận và địa vị của hai người này thế nào cũng rất cao, nhưng họ không phải là Thiết Diện Điểu Trảo với Vương Mai. Vậy hai người này là ai?
Sau chàng sực nhớ ra một việc, vì chàng thấy thanh niên ngồi ở dưới thuyền trông hao hao giống Xảo Yến với Tô Hãn, nên chàng đã vỡ nhẽ một phần nào rồi.
Lúc ấy thuyền đã vào bờ. Tô Hãn với Kim Vũ vội chạy vào đỡ lấy dây thừng để cột thuyền vào cái cọc ở trên bờ. Ông già ở trên thuyền liền đứng dậy nhìn bọn Xảo Yến khẽ gật đầu, rồi y chỉ khẽ chống cây thiết trượng vào thân thuyền một cái, người đã phi lên trên bờ ngay.
Thiên Tứ trông thấy thế rất kinh hãi, vì chàng đã biết ông già này không phải tầm thường.
Một người có võ công thâm hậu, từ giữa sông nhảy vào trong bờ hay đi ở trên mặt nước cũng đều phải nhờ một vật gì để mượn sức và phải lấy thế mới nhảy đi được, còn ông già này không thấy nhún vai khom lưng gì hết, chỉ khẽ chống cây thiết trượng một cái mà đã phi thân lên được trên bờ ngay, trông tuy rất bình thường, nhưng ít người có thể làm nổi.
Thiên Tứ thấy thế liền ngấm ngầm đề phòng ông gia này và trong bụng bảo dạ rằng:
- Lão già này khó đối phó lắm…
Chàng đang nghĩ thì thiếu niên kia cũng đã nhảy lên trên bờ. Bọn Xảo Yến ba người vội quỳ xuống vái lạy ông già nọ ngay và đồng thanh nói:
- Tiểu bối Tô Hãn, Kim Vũ, Xảo Yến cung kính thỉnh Bạch lão tiền bối kim an.
Thiên Tứ nghe thấy bọn Xảo Yến ba người gọi ông già là Bạch lão tiền bối liền gật đầu nghĩ bụng: “Quả thật là y…”
Ông già nọ khẽ gật đầu đáp:
- Đứng dậy đi. Lão phu không thích cái trò lễ phép phiền phức này đâu.
Bọn Xảo Yến liền vái một cái rồi mới đứng dậy, rồi cả ba lại cung kính hỏi thanh niên kia rằng:
- Đại ca vẫn mạnh giỏi đấy chứ?
Người kia mỉm cười đáp:
- Cha không tới ư?
Xảo Yến vội đáp:
- Không dám giấu diếm đại ca, cha hiện giờ đang bị thương nặng, đã hàng tuần nay cứ nằm liệt giường liệt chiếu, nếu không phải thế thì tiểu muội đâu dám kinh động đến Bạch lão tiền bối và đại ca đi ra thế này.
Thanh niên nọ nghe thấy Xảo Yến nói như vậy chỉ sầm nét mặt lại thôi, chứ không nói năng gì nữa, rồi y lại mời ông già kia lên ngựa.
Anh em Xảo Yến với Kim Vũ đợi chờ ông già lên ngựa xong, mới nhảy lên trên lưng ngựa luôn, năm người cưỡi năm con ngựa từ từ đi về phía Tây.
Trương Thiến Thiến khẽ hỏi:
- Đại ca, chúng là ai thế?
Thiên Tứ vội bịt miệng nàng lại khẽ đáp:
- Chớ có lên tiếng, công lực của lão già này thâm hậu lắm, không phải tay vừa đâu…
Lúc ấy năm con ngựa đã đi tới cạnh cây cổ thụ ấy. Thiên Tứ với Thiên Thiên đều vội im hơi lặng tiếng núp ở trên cây. Ông già nọ bỗng dừng cương ngựa lại, bọn Xảo Yến cũng phải ngừng cương theo. Ai nấy không hẹn mà nên, đều nhìn thẳng vào mặt ông già.
Chỉ thấy ông già nhăn mặt ngồi yên ở trên lưng ngựa, hình như đang lắng tai nghe cái gì vậy.
Giây phút sau ông già bỗng trợn tròn đôi mắt lên, lạnh lùng hỏi Tô Hãn:
- Các ngươi có bao nhiêu người tới đây?
Tô Hãn ngơ ngác đáp:
- Chỉ có anh em tiểu bối với Kim sư đệ, ba người là đặc biệt tới đây cung kính đón lão tiền bối thôi.
Ông già lại hỏi tiếp:
- Thế có chòi canh ngầm hay mai phục gì ở đây không?
Tô Hãn ngơ ngác đáp:
- Không…
Ông già liền dùng giọng mũi kêu “Hừ” một tiếng, rồi lẩm bẩm nói tiếp:
- Như vậy hai bạn ẩn núp ở trên cây là cố ý dọ thám hành tung của lão già nầy hay sao?
Thiên Tứ với Thiến Thiến rùng mình kinh hãi, nhưng không biết ông già ấy có phải là nói mình hay nói người khác.
Đột nhiên ông già nọ bỗng giơ tay áo lên phất một cái, đã có một luồng kình phong nhằm chỗ Trương Thiến Thiến đang ẩn núp át tới, mồm thì khẽ quát bảo:
- Quân giấu đầu lòi đuôi. Ngươi có mau lăn xuống dưới gốc cây ngay không?
Thiên Tứ thấy thế giật mình kinh hãi, vội dùng tay trái lôi Thiến Thiến sang bên và giờ hữu chưởng lên giở “Phách Không Chưởng” chống đỡ.
Chưởng lực của hai người vừa đụng nhau, ông già ở trên lưng ngựa cũng phải hơi lảo đảo một chút và lui về sau hai bước. Còn Thiên Tứ thì đột ngột ra tay, lại ở trên cây không có chỗ lấy sức nên bị chưởng lực của đối phương làm cho suýt nữa thì té từ trên cây rơi xuống bên dưới.
Chàng kinh hãi vô cùng, thừa thế ôm luôn Thiến Thiến phi thân xuống dưới đất.
- Nhỏ kia hãy còn ít tuổi như vậy mà đã có chưởng lực khá thâm hậu như thế, chẳng hay tên ngươi là gì?
Không đợi chờ Thiên Tứ trả lời, Xảo Yến đã vội cướp lời đáp:
- Y họ La, là tên vong ân bội nghĩa, tên y là Thiên Tứ và cũng là kẻ đương đầu số một của chúng cháu đấy.
Ông già gật đầu nói tiếp:
- Nếu vậy lão phu cũng phải thử thách xem mi có bao nhiêu cân lạng mới được.
Nói xong y đã phi thân xuống đất. Thiên Tứ cũng biết ông già này là kình địch, không dám coi thường. Chàng khẽ lôi Thiến Thiến về phía sau rồi chắp tay vừa cười vừa nói:
- Dám hỏi lão tiền bối có phải là Thái Bạch Thần Tú Bạch Ngạn Minh đấy không?
Ông già áo xám ngạc nhiên vô cùng hỏi lại:
- Ủa, sao ngươi lại biết tên họ của lão phu?
Thiên Tứ vừa cười vừa đáp:
- Hồi nhỏ tiểu bối đã làm mục đồng ở mục trường Lũng Tây, đã biết Trị Toàn có một người con trai tên là Tô Long và đã vái Thái Bạch Thần Tú Bạch Ngạn Minh làm sự phụ, nên đã lên núi Thái Bạch từ hồi nhỏ. Nay thấy chàng thanh niên đeo trường kiếm mặt hao hao giống Tô Hãn với Xảo Yến, cho nên tiểu bối đoán chắc tiền bối chính là Bạch Ngạn Minh.
Thái Bạch Thần Tú là người rất ngông cuồng, xưa nay vẫn ẩn cư ở núi Thái Bạch, ít khi đi lại trên giang hồ. Tuy có võ công xuất thần nhập hóa, nhưng người trong võ lâm ít ai biết tới. Nên bây giờ y thấy Thiên Tứ biết mình như vậy, trong lòng đã cởi mở ngay vừa lửa giận vừa rồi đã tiêu tán hết. Y gật đầu nói tiếp:
- Hay lắm! Hôm nay lão phu mới xuống núi lần đầu và ngươi đã ở mục trường Lũng Tây, thì lão phu đặc biệt tha cho ngươi một phen…
Y chưa dứt lời thì Trương Thiến Thiến đã rút trường kiếm ra quát lớn:
- Ngươi muốn thôi nhưng bổn cô nương không bằng lòng. Vừa rồi ngươi đã ra tay tấn công một chưởng như vậy, chả lẽ bổn cô nương ta để cho yên hay sao?
Bạch Ngạn Minh mặt biến sắc, nhưng mắt vẫn không rời thanh Xích Dương đoản kiếm của Thiên Thiên, mồm thì cười khẩy nói tiếp:
- Con nhỏ này táo gan thật, nhưng khi nào ta lại thèm đấu với con nhỏ như mi.
Nói tới đó y liền quay đầu lại bảo thanh niên kia rằng:
- Long nhi, con hãy ra cho con nhỏ ngông cuồng này một bài học đi.
Tô Long vừa rút kiếm ra khỏi bao thì Xảo Yến đã múa kiếm xông lên và bảo:
- Đại ca hà tất ra tay làm chi, để tiểu muội cho y thị một bài học.
Trương Thiến Thiến vừa cười vừa hỏi Thiên Tứ:
- Đại ca, tiểu muội sử dụng Âm Kiếm Thập Nhị Thức để trừng trị con nhỏ không biết hổ thẹn này nhé!
Thiên Tứ gật đầu:
- Thiên muội phải cẩn thận mới được. Người đàn bà này có môn Địa Sát chưởng và đã luyện tới mức hỏa hầu khá cao siêu rồi.
Thiến Thiến mỉm cười vâng lời, tay cầm Xích Dương đoản kiếm, giơ mũi kiếm chỉ vào Xảo Yến mà thách thức:
- Này, ngươi ra tay trước đi.
Xảo Yến thấy nàng không coi vào đâu cả, sát khí nổi lên, giơ tay trái lên làm hoa mắt địch, rồi tay phải múa kiếm nhằm đại huyệt U Môn của đối phương đâm luôn, mồm thì quát lớn:
- Coi nhãi kia, hãy chống đỡ thế kiếm của ta.
Mới được kiếm thần, Thiến Thiến muốn có dịp thử thách, để xem kiếm mang dài ngắn ra sao và có thể chặt đứt khí giới của địch thủ được hay không, nên nàng rất ung dung, liền quay người một vòng đã hóa thành một luồng hồng quang chống đỡ kiếm của địch thủ.
Chỉ nghe “coong” một cái, Xảo Yến đã thấy kiếm của mình bị hất sang bên, vội cúi đầu nhìn kiếm đã thấy sứt một chỗ khuyết khẩu nho nhỏ dài chừng nửa tấc.
Xảo Yến vừa hổ thẹn vừa tức giận, lại múa kiếm xông lên tấn công tiếp, tay trái ngấm ngầm vận Địa Sát Chưởng lên. Y thị tấn công luôn năm thế kiếm một lúc, chỉ muốn chém Thiến Thiến ra làm hai mảnh mới hả dạ.
Thiến Thiến vẫn ung dung tập trung tinh thần vào pho Âm Kiếm Thập Nhị Thức của Độc Cô nữ mới dạy cho. Nàng giở từ thế thứ nhất ra là Ngũ Âm Triều Thiên nghinh hợp với tiên thiên âm khí của bản thân mà thủng thẳng nghênh địch.
Thế kiếm của nàng đưa ra trông rất chậm chạp, nhưng thế kiếm nào cũng liên hệ mật thiết với chân khí trong người, cho nên khi thế kiếm của nàng đưa ra thì chân lực cũng dồn ra như thác chảy vậy, không gì có thể cản trở được.
Đấu được bốn, năm hiệp Xảo Yến mới biết kiếm pháp của đối phương cao siêu hơn mình nhiều. Y thị kinh hãi vừa suy tính cách hạ độc thủ để giết hại đối thủ.
Thoạt tiên sử dụng thanh kiếm này, một hai hiệp đầu Thiến Thiến còn bỡ ngỡ, ra tay còn chậm chạp, nhưng đấu được vài hiệp rồi, kiếm thế của nàng càng lúc càng nhanh, càng thuần thuộc, trong lòng càng mừng rỡ khôn tả. Thanh đoản kiếm của nàng càng biểu diễn bao nhiêu nàng càng cảm thấy có một luồng hơi nóng như thiêu dồn ra và kèm theo tiếng gió vi vu hoài.
Xảo Yến kinh hãi vô cùng, đột nhiên hét lớn một tiếng, giở hết sức bình sinh ra sử dụng thế “Hậu Nghệ Xạ Nhật” đâm thẳng vào trong màn kiếm của Thiến Thiến, đồng thời tay kia của nàng sử dụng Địa Sát Chưởng nhằm bụng dưới của đối phương tấn công luôn.
Thế công này, Xảo Yến đã giở hết công lực ra và nàng biết đoản kiếm của Thiến Thiến rất sắc bén, mà vẫn đâm liều đưa kiếm của mình vào để cho kiếm của đối phương chém sứt mẻ cũng bất chấp. Nàng chỉ muốn thừa cơ dùng Địa Sát Chưởng giết chết Thiến Thiến thôi.
Vì kém kinh nghiệm đối địch, Thiến Thiến thấy thế kiếm của mình chặt đứt kiếm của đối phương, hơi ngẩn người ra một chút đã thấy tả chưởng của Xảo Yến đè tới chỗ bụng mình cách chừng ba tấc thôi.
Thiên Tứ thấy thế cả kinh, đột nhiên hét lớn một tiếng, vội giơ tay lên sử dụng thế Thiên Lôi Sơ Động tấn công ngang luôn…
Nhưng chàng vừa ra chưởng thì đã nghe thấy có tiếng cười khẩy và có tiếng lạnh lùng hỏi:
- Họ La kia, muốn hai người đánh một phải không?
Tiếp theo đó có bóng người xuất hiện. Tô Long nhảy ra, giơ chưởng lên chống đỡ luôn chưởng thế của Thiên Tứ. Chưởng lực của hai người vừa chạm nhau một cái đã có tiếng “Hự” vang lên luôn.
Thiên Tứ ra tay cứu vợ cưng không thành lại hóa ra đấu chưởng với Tô Long. Chịu đựng sao nổi oai lực của Thiên Lôi Thần Công, Tô long kêu “Hự” một tiếng và đã bị đẩy lui về sau bảy, tám bước ngay, trong người rạo rực khó chịu, mồm khạc một búng máu tươi tức thì.
Cùng một lúc ấy, Thiến Thiến cũng không kịp tránh né, bị chưởng lực của Xảo Yến đánh trúng bụng dưới. Nội lực của nàng đã không được thâm hậu, bị chưởng lực của đối phương đánh trúng liền cảm thấy rùng mình ngay. Trong lúc hoảng hốt, nàng chém luôn vào vai Xảo Yến một nhát, thế là cả hai đều lui về phía sau năm bước.
Xảo Yến bị thương trên vai, máu chảy ra ướt cả áo, nhưng đó chỉ là ngoại thương thôi, còn Thiến Thiến thì mặt đã biến sắc, mồ hôi toát ra như tắm, người lảo đảo hai cái, suýt nữa thì té ngã.
Thiên Tứ vội tiến lên đỡ ngang lưng nàng và bảo:
- Thiến muội, làm sao thế?
Trương Thiến Thiến ngửng đầu lên nhìn Thiên Tứ, gắng sức lắm mới trả lời được:
- Không… không sao. Em cũng đánh trúng nó.
Nói tới đó thì hai mắt nàng nhắm nghiền, người lảo đảo muốn té ngay xuống đất. Thiên Tứ nhặt thanh kiếm của nàng vừa rớt lên, rồi ẵm nàng lên giận dữ quát bảo Xảo Yến rằng:
- Giỏi lắm! Cô dám hạ độc thủ.
Bạch Nhạn Minh cười ha hả nói:
- Một kiếm đổi lấy một chưởng, hai bên cũng không thiệt thòi gì. Tiểu bối họ La kia, lão phu nể ngươi vì đã luyện được võ công khá cao siêu, không phải là dễ dàng mà đạt được tới mức đó nên mới tha thứ cho lần này, nhưng lần sau còn bắt gặp ta thì ngươi phải cẩn thận đấy.
Nói xong y vẫy tay gọi bọn Xảo Yến các người và quát bảo tiếp:
- Đi thôi.
Tô Long và Xảo Yến hậm hực nhìn Thiên Tứ một cái, nhảy lên mình ngựa, chỉ trong nháy mắt đã mất hút.
Thiên Tứ nghiến răng, nhưng chàng biết điều cần nhất là phải chữa thương cho Thiến Thiến trước. Huống hồ dù mình có đuổi theo chúng đi chăng nữa, với tài ba của mình chưa chắc đã thắng nổi Bạch Nhạn Minh, nên chàng đánh nghiến răng nhìn theo bọn họ cho tới khi khuất dạng. Bất đắc dĩ chàng bèn cúi đầu xem vết thương của Thiến Thiến, thấy chỗ bụng dưới có một dấu vết bàn tay thâm tím và nàng thì cứ nhắm nghiền hai mắt lại, hơi thở yếu ớt có vẻ nguy hiểm lắm.
Thiên Tứ không cần biết đó là bến đò hay lối đi, liền ngồi xếp bằng tròn vận ngay thần công dồn chân khí của mình sang Mệnh môn của Thiến Thiến.
Một lát sau Trương Thiên Thiên hô hấp đã được như thường và đã gượng mở mắt ra nhìn được rồi. Nàng thấy mình đang nằm trong lòng chồng, dường như đã quên hết cả sự đau đớn vừa rồi, gượng cười ấp úng hỏi;
- Đại ca… tiểu muội… chưa chết đấy chứ?
Thiên Tứ giơ tay lên chùi mồ hôi trên trán, dịu giọng đáp:
- Hiền muội đừng có nói như thế. Vết thương của hiền muội cũng khá nặng, ngu huynh phải kiếm chỗ vắng cứu chữa cho hiền muội mới được.
Thiến Thiến gật đầu hỏi tiếp:
- Vết thương của muội có thể chữa khỏi được không?
- Tất nhiên phải khỏi chứ, nhưng…
- Nhưng cái gì hả đại ca?
- Nhưng chỉ e một thời gian ngắn không sao khỏi ngay được, ít nhất cũng phải hai ngày đêm ngu huynh mới đẩy được chất độc ở trong người hiền muội ra ngoài.
- Nếu đại ca phải vất vả tốn công quá thì đừng tốn công chữa cho tiểu muội nữa.
- Hiền muội chớ nói bậy như thế. Cứ nhắm mắt lại nghỉ ngơi đi, để ngu huynh kiếm chỗ vắng vẻ. Dù phải hi sinh tính mạng, ngu huynh cũng phải chữa khỏi cho hiền muội.
Nói xong Thiên Tứ ẵm Thiến Thiến lên rồi đi ra phía sau cây, cởi cương ngựa rồi ẵm nàng nhảy lên mình ngựa đi vào trong phố ở thị trấn mua ít lương khô, rồi mới đi kiếm chỗ để cứu chữa cho Thiến Thiến.
Ra khỏi thị trấn, đi chừng vài dặm thấy có một ngọn núi nhỏ vừa trên núi hình như có ngôi miểu đổ nát, chàng liền xuống ngựa đi lên núi xem, quả thấy có ngôi miếu đã đổ nát và bên trong có mạng nhện giăng đầy, hình như đã lâu không có người ở. Chàng mừng thầm nghĩ bụng: “Nơi đây ít người lui tới, ta chữa cho Thiến Thiến ở chỗ này rất thích hợp, có lẽ chúng ta phải ở đây hai, ba ngày không chừng’’.
Nghĩ đoạn, chàng xuống núi dắt ngựa lên và thả ngựa ra phía sau miếu, rồi chàng ẵm Thiến Thiến đi vào trong miếu. Thấy khám thờ ở chính giữa hãy còn yên lành, mấy pho tượng đổ nát nằm ngổn ngang ở dưới đất, chàng liền quét sạch bàn thờ và sau khám thờ, đặt mấy pho tượng ấy lên trên khám. Chàng định chữa cho Thiên Thiên ở phía sau khám, nơi đó rất kín đáo.
Chàng nằm ở trong đó chữa thương cho Thiến Thiến, có thể nhìn thấy người ở bên ngoài, trái lại, người ở bên ngoài không sao trông thấy chàng, thật là một nơi chữa thương rất lý tưởng. Chàng bèn đặt Thiến Thiến nằm vào trong khám, cởi từng cái áo một ra, chỉ còn cái yếm che bụng thôi.
Chàng bèn ngồi xếp bằng tròn, vận công điều tức, bắt đầu chữa thương cho nàng. Vợ chồng chàng yên trí ở nơi đó cứu chữa cho nhau.
Không bao lâu đã qua được một ngày, màn đêm đã kéo xuống, chàng nghỉ ngơi giây lát, ăn chút lương khô, lại bắt đầu ra tay chữa thương cho vợ. Nhưng trong lúc chàng đang chăm chú chữa thương cho vợ thì bỗng nghe thấy có tiếng rú thật dài, thật rùng rợn vọng tới.
Thoạt tiên, tiếng rú ấy ở ngoài chừng mấy dặm, nhưng chỉ một thoáng cái đã tới gần ngay. Như vậy chàng không kinh hoảng sao được.
Tiếp theo đó, chàng lại nghe thấy ngoài cửa miếu có tiếng kêu gọi rất thảm thiết:
- Thiết Diện Điểu Trảo trả con gái cho ta đi!
Nghe thấy tiếng kêu ấy, Thiên Tứ lại rùng mình đến thót một cái…
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu