Ở Vaugirard
ùa đông đã đậm đà. Không phải cái thứ mùa đông tự tạo như ông đã làm ra ở Hòn Bà, thứ mùa đông rốt cuộc cũng khiến ông tin như thể đúng là mùa đông ở Lausanne. Giờ thì lạnh cắt da cắt thịt thực sự. Phải rắc muối lên vỉa hè cho đỡ trơn. Giờ đây Yersin đã là một ông già sáu mươi tuổi vận áo bađờxuy đen, đội mũ và khăn trùm mũi. Đã bảy năm ông không quay về châu Âu, lâu rồi ông không ăn mặc kiểu này, cũng không đeo găng tay.
Ông lại chậm rãi bước đi trên Paris, theo ông là đám mây nhỏ hình thành từ hơi nước toát ra từ hơi thở của ông. Ông đã quên điều này, nó nhắc ông nhớ đến tuổi thơ bên bờ Hồ. Ông mỉm cười, lưỡng lự băng qua các đại lộ trước đám taxi đông đảo phóng như điên, cả chúng cũng có làn khói trắng thoát ra từ ống xả tan vào làn không khí lạnh giá. Ông nghĩ đến toàn bộ số tiền mà lẽ ra ông bạn Serpollet đã thu hoạch được. Ông nhìn những cái lốp, trong đó một số được làm từ cao su Suối Giao. Những đèn màu trang trí nhấp nháy trên những cành cây trụi lá. Yersin từng nghe trên đài về cái thứ hiện đại này, cũng như sự cuồng nhiệt tiếp ngay sau cuộc nồi da nấu thịt mới đây. Quãng giữa những năm hai mươi mà người ta hay gọi là Những năm điên rồ ấy. Tòa tháp cao bằng sắt được chiếu sáng rực rỡ, ông còn nhớ mình từng dõi theo việc xây dựng nó, rồi lễ khánh thành được tổ chức bốn năm sau khi ông tới Paris, cái mùa hè khi ông đã tuân lời, thay thế Roux để giảng về vi trùng. Đó là mùa hè dịp Kỷ niệm Trăm năm. Ở đây nhiều hơn ở Nha Trang, ông thấy thấm thía sức nặng của Lịch sử, hoặc giả chỉ là sức nặng đời mình, trên hai vai. Ông đã ở vào cái tuổi của Wigand và Pasteur khi ông bắt đầu quen biết họ, ở Marburg và Paris. Ông đi dọc quảng trường Concorde, đó từng là quảng trường của Cách mạng và bất hòa (Ở đây tác giả chơi chữ: quảng trường Concorde ở cuối đại lộ Champs-Élysées có nghĩa “hòa giải”, “hòa hợp”, còn “bất hòa” là “discorde”, từ trái nghĩ với “concorde”), ra bờ ke Mégisserie để xem lũ thú. Trời quá lạnh. Các chuồng thú bị giữ bên trong.
Mặc dù chưa bao giờ thực sự phân biệt giữa mình và Viện, từ khi cộng dồn tiền thu nhập từ vắcxin thú y, cao su và ký ninh, Yersin là một người giàu có. Ông ít khi tận dụng điều này. Ở cửa hàng Vilmorin, ông chọn các loại hạt và củ, cây ráy và thu hải đường, mào gà và dã yên thảo, anh thảo, bách hợp, thược dược, kim tước và anh túc đỏ. Ông cho chuyển một lô tới Marseille, đến bờ ke của Hãng Đường biển và một lô khác sang Thụy Sĩ, một lô hạt và củ tặng chị gái mình, ông về khách sạn. Ông không quen biết những người khách quen mới của Lutetia. Trong số họ có những nhà văn đang rất thời thượng. André Gide, những lúc không ở bên Congo, và Blaise Cendrars, những lúc không ở bên Braxin. Hai nhân viên trông thang máy là những thương binh, những người cụt tay cụt chân vì chiến tranh, đeo huân chương đầy ngực. Đã bảy năm rồi Yersin chưa quay lại Paris. Đã bảy năm rồi ông chưa gặp lại những khuôn mặt thân thiết, Calmette và Roux ở Pháp, Émilie bên Thụy Sĩ. Đã quá lâu. Ông hơi mất phương hướng.
Buổi sáng, ông đi qua phố trước khách sạn, xuống các bậc thang của bến tàu điện ngầm Sèvres-Babylone, mua một vé hạng nhất, lên tuyến đường số 12, hồi ấy vẫn được gọi là tuyến Bắc-Nam. Thẳng tới Viện luôn. “Trên tàu điện ngầm mà em vẫn hay dùng, đám đông thật là khó tả. Trên các đại lộ, người đông nghẹt lại và tạo thành một dòng chảy không ngớt. Ở khu phố có Viện Pasteur, sự náo nhiệt giảm xuống, gần như có thể tưởng tượng là đang ở nông thôn.” Chính trên các phố ấy, trong sự tĩnh lặng, ông lại muốn đi dạo. Phố Dutot, phố Volontaires, và các phố ngang rồi những phố dọc, phố Mathurin-Régnier, phố Plumet hay phố Blomet. Xã Vaugirard bắt đầu trực thuộc Paris dưới thời Đế chế thứ Hai, năm sáu mươi của thế kỷ trước, cái năm Mouhot phát hiện đền đài Angkor, năm Pasteur đi qua Biển Băng. Hai mươi năm sau, cuộc quyên góp quốc tế đã cho phép người ta mua ở đó vài hécta đất trồng rau để dựng Viện giữa những cánh đồng bắp cải.
Giữa những năm hai mươi ấy, chỉ cách vài bước chân những bàn thí nghiệm trắng được khử trùng, bơm kim tiêm đã tiệt trùng và kính hiển vi, trật tự và sự sạch sẽ của các phòng thí nghiệm, vàng và đá hoa cương đen của hầm mộ kiểu Byzance, là các tòa nhà xập xệ và xưởng sản xuất đã trở thành xưởng nghệ sĩ quanh quán rượu Vũ hội Da đen. Những kẻ ở trong những nhà máy bị bỏ hoang hồi chiến tranh, được xây dựng lại xa hơn ngoài ngoại ô, trong đó các nhà công nghiệp thiếu nhân lực sau cuộc nồi da nấu thịt đút cả đống nhân công Bắc Phi, là các nghệ sĩ còn chưa đủ tiền đề thuê phòng ở Lutetia và chắc hẳn sẽ chẳng bao giờ kiếm đủ tiền. Đó là những kẻ vô danh phải sống trong cảnh bần cùng. Tất tật những thứ ngớ ngẩn hội họa và văn chương ấy. Cái nhóm nhỏ phố Blomet. Masson, Leiris, Desnos, Miró, và hẳn ông già vận bađờxuy đen đã bắt gặp họ ở bến tàu Volontaires, những người trẻ tuổi mặc veston đang rời các toa tàu điện ngầm hạng hai ấy. “Bến Volontaires và những lối xuống nổi tiếng của nó khiến tôi nhớ đến Gaudí vĩ đại, người đã gây ảnh hưởng to lớn lên tôi”, họa sĩ người Catalan (Chắc hẳn tác giả đang muốn nói đến họa sĩ Joan Miró) sẽ viết như vậy, lúc ông cũng đã trở thành một nhân vật thời thượng.
Bóng ma của tương lai, cái gã cầm quyển sổ bìa bọc da chuột chũi đi theo Yersin như cái bóng của ông, và cũng từ Nha Trang đi sang đây, chân giá lạnh, đi cùng Yersin trong những cuộc dạo chơi của ông. Phố Plumet, bởi vì quả thật trời quá lạnh, hai người đẩy cánh cửa của Sélect, một quán rượu nằm ngoài thời gian, bài trí hẳn vẫn giống hệt như hồi những năm hai mươi ấy. Họ gọi cà phê.
Bóng ma của tương lai chép vào quyển sổ của mình mấy câu của nhà thơ Robert Desnos rồi cho Yersin xem. “Người bộ hành vào một buổi chiều thơ thẩn trên phố Blomet có thể trông thấy, không cách xa quán Vũ hội Da đen là bao, một tòa nhà lớn bị đổ. Cỏ đã mọc đầy ở đó. Những lùm cây duyên nhà kế bên mọc cao quá tường và đằng sau cánh cổng có một cái cây lực lưỡng. Tôi đã ở số 45 phố Blomet nhiều năm, nơi hơn một người từng là bạn tôi, và vẫn là bạn tôi, sẽ nhớ mình từng đặt chân tới.” Những người ấy thuộc về một nhóm nhỏ khác. Artaud, Bataille hay Breton, và như họa sĩ người Catalan sẽ nhớ lại khi ông đã trở thành một nhân vật thời thượng, bởi người ta rất thích, chừng nào đã trở thành thời thượng, nhớ rằng trong quá khứ không phải lúc nào mình cũng thời thượng: “Chúng tôi nốc rượu rất ghê. Đó là thời của rượu mạnh và rượu quất curaçao. Họ tới bằng tàu điện ngầm, cái tuyến Bắc-Nam lừng danh, cầu nối khu Montmartre của cánh siêu thực với những kẻ cổ lỗ bên Montparnasse.”
Yersin nhún vai, nhấc áo bađờxuy, đội mũ lên đầu. Ngày nay, một vườn trẻ và trụ sở Hiệp hội Bi sắt của quận 15 được đặt ở chỗ xưa kia từng là các xưởng. Nơi đây người ta đã dựng một tác phẩm điêu khắc của họa sĩ người Catalan kia, Con chim mặt trăng, vinh danh Desnos qua đời vì sốt phát ban ở Theresienstadt sau khi bị tống đi trại tập trung Buchenwald. Bóng ma của tương lai nhìn ông đi xa dần, ních trong chiếc bađờxuy đen. Yersin đi ngược lên về hướng phố Dutot, vào phòng gác cổng chào hỏi Joseph Meister. Sau cuộc họp bàn công việc với Roux, và với Eugène Wollman, đang tiến hành nghiên cứu thể ăn khuẩn về con vi khuẩn của Yersin, bởi vì cái lũ sinh vật nhỏ xíu xấu xa kia không ngừng ăn lẫn nhau, ông vào phòng làm việc rất ấm của Calmette, “ở đó em đã tìm được một góc bàn để viết thư.”
Trước khi quay về Đông Dương, ông ăn trưa với ông bạn Doumer, vẫn chưa ngán món chính trị. Bốn trong số các con trai của ông đã ngã xuống ngoài chiến trường vinh quang. Ông vừa lập ra Liên minh cánh tả. Ông lại được cử làm Bộ trưởng Tài chính trong nội các của Aristide Briand. Giá biết điều gì đang chờ đợi mình, hẳn ông cũng đã chọn chăm sóc khu vườn của mình, đến cửa hàng Vilmorin mua hạt giống. Hoặc giả rút về sống ở Đà Lạt, tại Lang Bian Palace mà ông đã cho xây.
Nhờ các công trình trồng thử nghiệm cây canhkina, Yersin được nhận huy chương của Hội Địa lý Thương mại, một vinh dự rất khiêm nhường, trong khi Calmette được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học. Người ta đã quên mất ông, Yersin. Đó là con người của một thế kỷ khác. Ông chiến thắng dịch hạch đã được ba mươi năm rồi.
Yersinia pestis.
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả