Chương 36
húng tôi gởi thư đến tất cả các anh chị của Alethea, và họ đều hỏa tốc đến ngay Roughborough. Trước lúc họ kịp đến nơi, Alethea tội nghiệp của chúng ta đã rơi vào tình trạng mê sảng, và tôi nửa buồn nhưng nửa mừng rằng việc cô ấy cứ mãi mê sảng như thế lại tốt cho cô ấy hơn.
Tôi đã biết tất cả những người này cả đời rồi, một sự quen biết mà chỉ có những người đã từng chơi với nhau từ thuở nhỏ mới có được. Và tôi cũng biết là tất cả họ, có lẽ đỡ nhất là Theobald, ít hay nhiều đều làm khổ Alethea cho đến khi cái chết và của thừa kế từ cha cô biến cô thành bà chủ tự do theo ý thích mình. Tôi rất bực mình khi bọn họ, từng người một khi đến Roughborough, đều hỏi là liệu em gái họ có đủ tỉnh táo để gặp họ hay không. Mọi người đều biết là tôi đã chăm sóc cho cô thời gian mang bệnh vừa qua, và tôi vẫn còn ở lại Roughborough. Tôi thừa nhận là đã rất tức giận với cái vẻ hỗn tạp giữa nghi ngờ, coi thường và tọc mạch mà họ dành cho tôi. Tôi nghĩ là họ, ngoại trừ Theobald, sẽ loại tôi ra ngoài ngay nếu như không tin rằng tôi biết được điều gì đó mà họ muốn biết, và có thể họ sẽ moi được nó từ tôi, bởi rõ ràng tôi có liên quan theo cách nào đó đến việc lập di chúc của Alethea. Không một ai có chút hoài nghi về sự thật ẩn sau cái di chúc này, nhưng tôi nghĩ là họ sợ Alethea sẽ để lại tài sản cho những việc phục vụ cộng đồng. John nói với tôi theo cách nhã nhặn nhất của anh, rằng anh mang mang nhớ là đã nghe Alethea nói về ý nghĩ để lại tài sản cho việc thiết lập một trường đại học, hay để lại cho những tác giả kịch nghệ đang lâm cảnh túng quẫn. Tôi chẳng buồn trả lời anh ta, và tôi chắc chắn rằng làm như thế chỉ khiến anh ta càng nghi ngờ hơn nữa.
Khi đến lúc phải giải quyết mọi chuyện, tôi đưa luật sư của Alethea ra và nói cho các anh chị của cô biết rằng cô đã quyết định như thế nào đối với tài sản của mình. Họ không nổi trận xung thiên, nhưng từng người một lên xe về nhà mình mà chẳng thèm ở lại dự tang lễ của cô, và họ cũng chẳng buồn để ý đến tôi. Đó có lẽ là điều tốt nhất họ đã làm cho tôi, bởi cách hành xử của họ khiến tôi vô cùng tức giận đến nỗi tôi thấy thích thú với quyết định hợp lý của Alethea quá đỗi. Nhưng tôi cũng cảm nhận được sâu sắc rằng di chúc của cô đã đặt tôi vào một vị trí mà mọi người đều muốn xa lánh, cũng như đè lên vai tôi một trách nhiệm quá nặng nề. Tôi chẳng thể tìm ra cách nào thoát được chuyện này, mà chỉ có thể để mọi việc tiến triển theo cách của nó mà thôi. Alethea đã nói rõ mong muốn là được chôn cất tại Paleham, vì thế vài ngày sau, tôi đưa xác cô về đó. Kể từ lúc cha tôi mất cách đây sáu năm, tôi chưa về lại nơi này. Tôi luôn muốn về Paleham, nhưng lại cứ chần chừ mãi, trong khi chị tôi đã về đó được hai hay ba lần rồi. Tôi không thể chịu nổi khi phải nhìn ngôi nhà vốn là nhà của chúng tôi trong rất nhiều năm cuộc đời giờ lại thuộc quyền của những người lạ, phải rung một cách khách sáo chiếc chuông mà tôi vốn chẳng bao giờ đụng đến trừ lúc đùa giỡn thuở nhỏ, phải cảm thấy bất lực đối với mảnh vườn mà khi còn là một đứa trẻ tôi đã hái ở đó biết bao bó hoa thơm và đã là mảnh đất dường như của riêng tôi suốt nhiều năm trời, tôi còn phải nhìn những căn phòng giờ đã mất đi tất cả những nét quen thuộc, và trở nên đầy xa lạ dù vẫn là căn nhà thân thuộc khi xưa. Chừng đó lý do chưa đủ ư? Đáng ra tôi nên chấp nhận những điều này như chuyện chẳng đặng đừng, và nên chắc chắn rằng những điều tôi nghĩ là quá đáng so với thực tế, nhưng với tôi, chẳng có một lý do đặc biệt nào khiến tôi về lại Paleham, và cứ thế lâu nay tôi trốn tránh việc đó. Nhưng, bây giờ, tôi phải về đó, và tôi thú nhận rằng chưa bao giờ tôi thấy buồn sầu hơn lúc này, khi tôi về đây cùng với người bạn vui đùa thuở nhỏ nhưng giờ đã chỉ còn là cái xác không hồn.
Tôi nhận thấy ngôi làng đã thay đổi nhiều hơn tôi tưởng. Đường sắt đã đến được nơi này, và một nhà ga mới toanh màu vàng xây bằng gạch đã được dựng lên trên ngôi nhà tranh của ông bà cụ Pontifex, mảnh đất đó giờ chỉ còn sót lại xưởng mộc mà thôi. Tôi gặp thấy nhiều khuôn mặt quen, nhưng qua sáu năm, dường như họ đã già đi một cách lạ lùng. Một vài người vốn quá già giờ đã không còn nữa, và những người già thì lại trở nên rất già thay thế cho họ. Cảm giác của tôi giống như thể người tiên về lại nhân gian sau sáu năm ngủ vùi vậy. Tất cả mọi người đều mừng khi gặp tôi, mặc dù tôi thấy chẳng có lý do gì đặc biệt để họ như vậy, và tất cả những ai còn nhớ ông bà cụ Pontifex đều rất hồn hậu nói về họ, và lấy làm vui lòng khi đứa cháu gái của ông bà mong muốn được chôn cạnh họ. Khi bước vào nghĩa trang và trong ánh chạng vạng của một ngày mây mù dông gió, đứng gần mộ của bà cụ Pontifex, nơi tôi đã chọn để chôn cất Alethea, nhiều lần tôi nghĩ rằng, cô ấy, người từ nay về sau sẽ nằm lại tại đây, và tôi, người một ngày nào đó cũng sẽ nằm xuống dù chưa biết lúc nào và tại đâu, hai chúng tôi đã từng được một thời cùng nhau vui đùa chạy đuổi quanh chốn này đây khi còn là những đứa trẻ. Sáng hôm sau, tôi đưa cô ấy ra mộ phần, và đặt mộ bia cho cô ấy bằng một phiến đá, đơn giản hệt như bia mộ của ông bà nội cô. Tôi ghi trên đó ngày sinh và ngày mất, ngoài ra chẳng thêm gì ngoài dòng chữ nói rằng bia mộ này được dựng lên bởi một người đã biết và đã yêu cô. Biết cô đam mê âm nhạc, tôi đã từng lưỡng lự với việc khắc lên bia một vài dòng nhạc nếu như có thể tìm được đoạn nào phù hợp với cô, nhưng vì biết là cô rất không thích bất kỳ thứ gì đặc biệt trên mộ bia của mình, nên tôi đã thôi không làm như vậy.
Tuy nhiên, trước khi đi đến quyết định không khắc nhạc lên bia này, tôi đã nghĩ rằng Ernest có thể giúp tôi quyết định cho đúng đắn, và đã viết thư hỏi nó về việc này. Lá thư trả lời tôi nhận được như sau.
‘Bố kính mến. Con gởi cho bố những gì tốt nhất mà con có thể nghĩ ra được, đây là phần cuối trong sáu bản fuga của Handel, và nó như sau:
(Bản nhạc)
Bản nhạc này hợp hơn cho một người đàn ông, đặc biệt là cho một người già vô cùng hối tiếc về mọi chuyện, hơn là cho một người phụ nữ, nhưng con không nghĩ ra được đoạn nào hợp hơn nữa, nếu bố không thích dùng nó cho cô Alethea, thì con sẽ giữ nó cho riêng con.
Con đỡ đầu yêu quý của bố,
ERNEST PONTIFEX.’
Đây chẳng phải là đứa nhỏ chỉ có thể mua kẹo bằng hai xu còn hai xu rưỡi thì không hay sao? Ôi, tôi ơi, tôi chợt nghĩ về bản thân mình, thật là sóng sau xô sóng trước. Lúc mới mười lăm tuổi, nó đã chọn cho mình dòng mộ chí dành cho một người ‘vô cùng hối tiếc về mọi chuyện,’ và giọng điệu của nó nghe như của leonardo da Vinci vậy. Rồi tôi lại hạ thấp nó xuống xem như một đứa nhỏ tự phụ càn rỡ mà thôi, chắc chắn nó là vậy, mà cùng độ tuổi của nó, rất nhiều đứa như vậy mà.
Xác Thịt Về Đâu Xác Thịt Về Đâu - Samuel Butler Xác Thịt Về Đâu