Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[11]
ã đến lúc lại phải lên đường. Chúng tôi bắt xe khách đến Detroit. Giờ thì tiền sắp cạn. Hai thằng kéo lê hành lý trên bến xe. Lúc này, cái ngón tay băng bó của Dean đã đen thui lại gần bằng cục than và bung cả ra. Cả hai thằng đều thảm hại như bất cứ ai sau những gì bọn tôi đã làm những ngày vừa qua. Kiệt sức, Dean ngủ gục trên xe khách suốt đoạn chạy qua bang Michigan. Tôi bắt chuyện với một cô gái quê duyên dáng, mặc áo sợi bông cổ xẻ sâu, để lộ ra cặp vú rám nắng tuyệt đẹp. Nàng hơi tối dạ. Nàng kể chuyện những buổi tối ở nông thôn làm bỏng ngô trên hiên nhà. Hồi trước chuyện làm bỏng ngô cũng từng làm tôi sướng vui, nhưng bởi nàng chẳng mấy vui mừng khi kể lại nên tôi biết rằng đó chỉ là việc nàng bắt buộc phải làm. “Em còn làm gì nữa để vui?” Tôi cố đề cập đến bạn trai và tình dục. Đôi mắt to màu đen của nàng ngước nhìn tôi trống rỗng, phảng phất một nỗi u hoài đã ăn sâu vào máu thịt từ đời này sang đời khác vì không được làm điều mình khao khát làm - bất kể đó là điều gì, và ai cũng biết đó là điều gì. “Em chờ đợi gì ở cuộc đời này?” Tôi muốn đón nàng đi và đánh thức điều đó. Nàng không có chút ý niệm nào về chuyện mình đang chờ đợi điều gì. Nàng chỉ lảm nhảm nói về công việc, phim ảnh, về kỳ nghỉ hè ở nhà bà, về chuyện nàng mong ước được đến New York và vào vũ trường Roxy, chuyện nàng sẽ mặc cái gì - thứ gì đó như bộ nàng đã mặc hồi lễ Phục sinh, mũ rộng vành trăng, hoa hồng, giày đế mềm màu hồng, áo khoác vải gabađin in hình hoa oải hương. “Chiều Chủ nhật em làm gì?” tôi hỏi. Nàng nói ngồi trên hiên nhà. Bọn con trai đi xe đạp qua và dừng lại để tán chuyện. Nàng đọc những tờ báo hài hước, nằm nghỉ trên võng. “Thế vào một đêm mùa hạ oi ả em làm gì?” Nàng vẫn ngồi trên hiên nhà, nhìn ô tô chạy qua đường. Nàng và mẹ làm bỏng ngô. “Còn bố em làm gì?” Ông ấy phải làm việc, làm ca đêm ở nhà máy đầu máy xe lửa, ông ấy sống cả đời như thế để nuôi bà vợ và đám con bà ấy đẻ ra, không tin tưởng cũng chẳng yêu thương. “Thế em trai em?” Nó đi xe đạp vòng vòng rồi đạp ra quán giải khát. “Thế điều nó mong mỏi được làm là gì? Và chúng ta nữa, chúng ta đang mong mỏi được làm gì?” Nàng không biết. Nàng ngáp. Nàng buồn ngủ. Hỏi thế là quá nhiều rồi. Chả ai có thể trả lời được. Chả ai thèm trả lời. Chấm hết. Nàng mười tám tuổi và rất kháu, nhưng hỏng bét rồi.
Thế rồi Dean và tôi, thảm hại, bẩn thỉu như vừa được móc từ cống lên, lảo đảo xuống xe ở Detroit. Chúng tôi định ngủ qua đêm trong các rạp chiếu bóng suốt đêm ở Skid Row. Ngoài vườn hoa công cộng thì quá lạnh. Hassel cũng từng ở Skid Row, đôi mắt u ám của hắn từng nhiều lần thưởng ngoạn mọi sòng bạc, mọi rạp chiếu bóng đêm và mọi quán bar ồn ào. Bóng hình hắn ám ảnh chúng tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ còn tìm thấy hắn ở Quảng trường Thời Đại nữa. Chúng tôi nghĩ bụng biết đâu ông già của Dean cũng tình cờ có mặt ở đây, nhưng không phải thế. Mỗi thằng bỏ ra ba mươi lăm xu, chúng tôi vào một rạp chiếu bóng hạng bét và ngồi trên ghế ban công đến tận sáng tới khi bị đuổi mới xuống. Khách vào rạp này đều là những kẻ dưới đáy xã hội. Hội da đen thảm hại đến từ Alabama vì nghe đồn các nhà máy ô tô cần người làm; đám bụi đời già da trắng, dân hippy trẻ tóc dài, những kẻ đã đi đến tận cùng con đường và tìm đến rượu, gái điếm, những cặp bình thường, và những bà nội trợ không biết làm gì, không biết đi đâu, không tin được ai. Nếu đặt cả Detroit vào một cái giỏ thép mà phân tích thì phần cốt lõi đậm đặc và thảm hại của sự cặn bã không thể được nhìn thấy ở đâu rõ hơn ở đây. Trên phim đang chiếu cảnh gã cao bồi Eddie Dean luôn mồm ca hát cùng chú ngựa trắng hào hoa tên là Bloop, đây là phim đầu tiên. Tiếp theo là một phim về Istanbul với diễn xuất của George Raft, Sidney Greenstreet và Peter Lorre. Bọn tôi xem mỗi phim sáu lần liền đến tận hết đêm. Chúng tôi thấy họ đi lại, nghe thấy họ ngủ, cảm nhận giấc mơ của họ, đến sáng thì đã hoàn toàn ngấm cả Huyền thoại miền Tây kỳ lạ lẫn Huyền thoại miền Đông tăm tối dị thường. Mọi hành động của tôi sau đó đều được lọc qua trải nghiệm kinh khủng này rồi tự động ghi vào tiềm thức. Hàng trăm lần tôi nghe thấy tiếng Greenstreet nhạo báng; tôi nghe Peter Lorre tự làm nên nét quyến rũ đầy nham hiểm của chính mình; tôi cùng George Raft trải qua nỗi sợ hãi hoang tưởng của gã; tôi cùng lái xe, cùng hát với Eddie Dean và vô số lần bắn hạ dân trộm bò. Những người xung quanh tu rượu cả chai, quay ngang quay ngửa khắp phòng chiếu để tìm việc mà làm, tìm người mà nói chuyện. Trong đầu mỗi người trong số họ là sự im lặng tội lỗi, không ai nói năng gì cả. Trong buổi bình minh xám xịt đang dâng lên ngoài cửa sổ như một bóng ma, tôi gục đầu vào thành ghế gỗ mà ngủ trong lúc sáu nhân viên rạp chiếu bóng kéo đến, khua chổi quét đi toàn bộ rác rưởi đêm, vun thành một đống lớn, bụi mù mịt xộc vào mũi tôi ngay trong khi tôi vẫn ngáy như kéo bễ - cho đến khi suýt nữa thì họ quét cả tôi đi luôn. Dean ngồi sau tôi mười hàng ghế, sau này kể lại với tôi như vậy. Đầu mẩu thuốc lá, vỏ chai, vỏ diêm, mọi thứ được mang đến rồi dùng cạn kiệt đều được thu vào một đống. Nếu họ cũng gom tôi vào đống rác ấy thì Dean sẽ chẳng bao giờ còn nhìn thấy tôi nữa. Hắn sẽ phải đi khắp nơi trên đất Mỹ, lục tìm trong tất cả các thùng rác từ bờ biển này sang bờ biển kia để rồi tìm thấy tôi như một cái bào thai rúm ró trong đống rác rưởi đời tôi, đời hắn và đời mỗi con người, bất chấp có liên quan hay không. Tôi có thể nói gì với hắn từ cái tổ rác của mình nhỉ? “Đừng có bận tâm đến tôi, tôi lấy làm hạnh phúc ở nơi tôi đang ở. Ông đã lạc mất tôi một đêm ở Detroit, tháng Tám 1949. Ai cho phép ông đến quấy rầy giấc mơ của tôi ở chốn thối tha này?” Năm 1942, tôi từng là ngôi sao của một trong những bi kịch tởm lợm nhất của mọi thời. Bấy giờ tôi là thủy thủ và đến Imperial Café ở Quảng trường Scollay, Boston để nhậu, tôi đánh gục tại trận sáu mươi vại bia rồi vào toa lét, trong đó tôi nằm lăn ra dưới chân cái bồn cầu mà ngủ. Đêm đó, ít nhất có một trăm thủy thủ và dân thường thuộc đủ màu da đã vào toa lét và tháo cống lên người tôi, cho đến khi tôi biến thành một cái bánh không ra hình thù gì. Cuối cùng thì có gì khác biệt nào? - sự vô danh trong thế giới con người còn đáng giá hơn sự nổi tiếng trên thiên đường, bởi vì thiên đường là cái qué gì? Trần thế là cái qué gì? Vấn đề tư tưởng cả thôi.
Chúng tôi lập cập chui ra khỏi cái hố khủng khiếp ấy vào lúc sáng sớm và đi kiếm xe ở phòng du lịch. Sau khi tiêu phần tươi đẹp nhất của buổi sáng vào các quán rượu da đen, tán gái và nghe jazz từ đĩa hát, chúng tôi phải vật lộn suốt năm dặm đường trên xe buýt địa phương với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh để về nhà một thằng cha chịu chở chúng tôi đi New York với giá bốn đô một người. Đó là một gã trung tuổi, tóc vàng đeo kính, một vợ, một nhóc và một mái nhà dễ chịu. Chúng tôi đợi ở ngoài sân để họ chuẩn bị. Chị vợ dễ thương mặc đồ làm bếp sợi bông mời cà phê nhưng chúng tôi lại mải nói chuyện nên không để ý tới. Lúc đó, Dean rất mệt và như mất trí, đến nỗi nhìn thấy cái gì cũng sướng rồ lên. Hắn lại sắp lên một cơn điên cuồng tín nữa. Hắn toát mồ hôi liên tục. Khi ai nấy đã yên vị trong cái Chrysler mới toanh trên đường đi New York, gã chủ xe khốn khổ mới hiểu ra rằng mình vừa dính với hai thằng khùng nhưng đành chấp nhận và sự thực là khi xe đi qua sân vận động Briggs gã cũng quen dần với chúng tôi và nói chuyện về đội bóng chày Detroit Tigers.
Xe vượt Toledo vào một đêm mù sương rồi tiếp tục qua Ohio. Tôi bắt đầu có cảm giác mình cứ đi qua đi lại nhiều lần các thành phố Mỹ như một gã bán hàng rong - rách rưới nay đây mai đó, địa vị xã hội tồi tệ, chỉ có đậu thiu ở dưới đáy túi, chẳng ai thèm mua. Đến gần Pennsylvania thì gã chủ xe quá mệt và Dean phải cầm lái thay cho đến tận New York. Chúng tôi đã bắt đầu nghe thấy chương trình Symphony Sid trên đài với những bản bebop mới nhất, và giờ đang đi vào cái kinh thành đồ sộ cuối cùng của nước Mỹ. Trời vừa hửng sáng thì đến nơi. Quảng trường Thời Đại đầy người đi lại hối hả, bởi vì New York không bao giờ nghỉ ngơi. Không ai bảo ai, khi đi ngang qua đó tôi và Dean đều nhìn quanh tìm Hassel.
Một giờ sau, chúng tôi về nhà mới của bà cô tôi ở Long Island. Bà đang rất bận nói chuyện giá cả với các thợ sơn vốn là bạn bè của gia đình tôi, chúng tôi vừa sắm cầu thang. “Sal này,” cô tôi nói, “Dean có thể ở lại đây dăm ngày, nhưng sau đó phải đi chỗ khác, cháu hiểu không?” Chuyến đi đến đây là hết. Đêm ấy, chúng tôi đi dạo giữa những thùng phuy xăng, cầu đường sắt và ánh đèn đường trong sương mù Long Island lãng đãng. Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh hắn đứng trơ khấc dưới một cây đèn đường.
“Khi chúng ta vừa đi qua cây đèn đường kia, tôi định nói với ông một chuyện, Sal, nhưng lúc này tôi lại nảy ra ý mới và trong lúc ta đi tới cây đèn tiếp theo, tôi sẽ quay lại vấn đề cũ. Đồng ý không?” Tất nhiên là tôi đồng ý. Chúng tôi đã quá quen rong ruổi nên cứ phải đi dọc hết Long Island, nhưng rồi cũng chẳng còn đất mà đi nữa, chỉ còn Đại Tây Dương và chúng tôi chỉ có thể đi xa đến vậy thôi. Chúng tôi nắm chặt tay nhau và hứa sẽ là bạn nhau mãi mãi.
Chưa đầy năm đêm sau, chúng tôi lại đến dự một buổi tiệc ở New York. Tôi gặp một nàng tên là Inez. Tôi nói với nàng là tôi có một thằng bạn thân và nhất định một ngày nào đó nàng phải gặp hắn. Tôi đang say và nói với nàng đó là một gã cao bồi. “Ôi, bao giờ em cũng mong được gặp một anh cao bồi.”
“Dean ơi!” tôi gào lên giữa bữa tiệc - đến dự còn có Angel Luz García, nhà thơ; Walter Evans; Victor Villanueva, nhà thơ Venezuela; Jinny Jones, tình yêu cũ của tôi; Carlo Marx; Gene Dexter; và nhiều nhà văn nhà thơ khác - “Dean, lại đây nhanh!” Hắn rụt rè bước đến. Một giờ sau, trong cơn say và kích động, hắn quỳ ngay xuống sàn, cằm áp sát bụng nàng và hứa hẹn đủ điều, người toát đầy mồ hôi. Nàng là một cô gái tóc nâu mỡ màng, khêu ngợi - và như García nói, “Hệt như bước ra từ tranh của Degas,” mang dáng dấp một người đàn bà đẹp của Paris. Trong vòng mấy ngày sau, họ mặc cả với Camille ở San Francisco qua điện thoại đường dài, chuẩn bị giấy tờ cần thiết cho việc ly hôn, để hai người có thể lấy nhau, cần nói thêm là mấy tháng sau đó, Camille sinh đứa thứ hai của Dean, kết quả của vài đêm không cãi vã hồi đầu năm. Vài tháng sau, Inez cũng sinh con. Nếu tính cả một đứa ngoài giá thú đang sống đâu đó ở miền Tây thì Dean đã có cả thảy bốn nhóc tì, không một xu dính túi, ngập trong rắc rối, cứ thế tìm kiếm cảm giác mạnh và tốc độ như cũ. Vậy nên chúng tôi không đi Ý nữa.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường