Phần 2 - Chương 03 B
hi Keating bước vào, cô thư ký của Ellsworth Toohey thong thả đứng dậy và mở cửa cho anh vào văn phòng của Ellsworth Toohey.
Keating đã thôi không còn bị hồi hộp mỗi khi sắp gặp một người nổi tiếng, nhưng lúc này đây anh lại hồi hộp khi nhìn thấy cánh cửa mở ra dưới tay của cô thư ký. Anh tự hỏi Toohey trong thực tế trông như thế nào. Anh nhớ đến giọng nói âm vang anh đã nghe trong tiền sảnh nơi tổ chức buổi đình công, và anh tưởng tượng đến một người đàn ông to lớn, với mái tóc dầy, có lẽ đang ngả bạc, với nét mặt đầy đặn, nở nang của một con người vô cùng rộng lượng, một cái gì đó hơi giống với nét mặt của Đức Chúa Cha.
“Ông Peter Keating – thưa ông Toohey,” cô thư ký nói và đóng cửa lại sau lưng anh.
Khi nhìn Ellsworth Monkton Toohey lần đầu tiên, người ta sẽ mong muốn đưa cho ông một chiếc áo khoác nặng và dày – bởi thân thể bé nhỏ gầy guộc của ông trông yếu ớt và mong manh giống như một con gà con mới nở ra từ trứng, với tất cả sự yếu ớt đáng thương của bộ xương chưa cứng cáp. Đến cái nhìn thứ hai, người ta muốn chắc chắn rằng chiếc áo khoác đó phải cực tốt – vì thứ quần áo đang che phủ thân thể ông đều rất đắt tiền. Những đường nét của bộ vét sẫm màu ôm sát thân hình bên trong nó, không để một chỗ nào bị lùng bùng: chúng chìm xuống cùng với chỗ hõm của khuôn ngực lép, chúng trượt xuống dưới cùng với đôi vai xuôi dốc từ chiếc cổ dài gầy guộc. Một vầng trán lớn thống trị cả thân thể. Khuôn mặt hình tam giác rộng ở hai bên thái dương và thu hẹp lại ở phía chiếc cằm nhỏ, nhọn hoắt. Mái tóc đen, bóng, được chia làm hai nửa bởi một đường ngôi trắng nhỏ. Điều này khiến cho xương sọ ông ta trông kín và gọn gàng, nhưng lại làm nổi bật đôi tai xòe ra ngoài trần trụi, giống như quai của một chiếc bát đựng canh. Chiếc mũi dài và mỏng, được kéo dài thêm bởi bộ ria mép đen mảnh. Hai mắt tối và tinh nhạy. Chúng chứa đầy tri thức và sự hài hước đến nỗi chiếc kính ông đeo trông dường như không phải để bảo vệ đôi mắt mà để bảo vệ những người khác khỏi vẻ sáng quắc của nó.
“Hello, Peter Keating,” Ellsworth Monkton Toohey nói bằng chất giọng lôi cuốn đầy ma thuật. “Anh nghĩ thế nào về đền thờ Nike Apteros?[67]”
“Xin... xin chào ông, ông Toohey,” Keating nói, dừng lại, cảm thấy ngớ ngẩn. “Tôi nghĩ thế nào... về cái gì?”
“Ngồi đi, bạn của tôi. Về đền thờ Nike Apteros ấy mà.”
“À... à... tôi...”
“Tôi đoán chắc là anh không thể bỏ qua được viên ngọc nhỏ đó. Đền Parthenon đã tước đoạt đi vinh quang đáng ra phải thuộc về công trình sáng tạo nhỏ bé tuyệt vời của tinh thần tự do Hy Lạp vĩ đại đó – mà thường thói đời là thế đúng không nào? Kẻ to khỏe hơn chiếm hết vinh quang, và chẳng ai buồn nhòm ngó đến vẻ đẹp của kẻ không được hấp dẫn bề ngoài cho lắm. Tôi chắc chắn anh đã nhận thấy sự cân bằng tuyệt vời trong khối kiến trúc của ngôi đền, sự hoàn hảo vĩ đại trong những tỷ lệ khiêm nhường của nó – à, phải, anh biết đấy, cái vĩ đại trong sự khiêm nhường – sự khéo léo tinh xảo trong từng chi tiết?”
“À, vâng, tất nhiên,” Keating lẩm bẩm, “nó luôn luôn là công trình ưa thích của tôi – đền thờ Nike Apteros ấy.”
“Thật à?” Ellsworth Toohey nói, với một nụ cười mà Keating không thể đoán nổi ý nghĩa. “Tôi chắc chắn như thế. Tôi chắc chắn là anh sẽ nói thế. Anh có một khuôn mặt rất đẹp trai, Peter Keating ạ, khi anh không nhìn tôi chằm chằm như thế này – điều nó thực sự không cần thiết.”
Và Toohey bất thần cười vang, cười một cách thẳng thừng, một cách giễu cợt đối với Keating và chính mình, cứ như thể ông ta đang nhấn mạnh sự đùa cợt của cả cuộc gặp mặt này. Keating hoang mang một giây; và rồi anh thấy mình cười thoải mái để đáp lại, như thể anh đang ở nhà với một người bạn cũ.
“Như thế tốt hơn rồi,” Toohey nói, “Anh có thấy chúng ta không nên nói chuyện quá nghiêm túc trong một thời điểm quan trọng không? Và đây có thể là một thời điểm rất quan trọng – ai mà biết được? – đối với cả hai chúng ta. Và, tất nhiên, tôi biết rằng anh sẽ hơi sợ tôi một chút và – à, tôi xin thừa nhận – tôi cũng khá sợ anh đấy, thế nên, thế này tốt hơn nhiều, phải không?”
“Ồ vâng, thưa ông Toohey,” Keating phấn khởi nói. Sự tự tin anh thường có khi gặp mọi người đã biến mất; nhưng anh cảm thấy thoải mái, như thể anh đã được giải thoát khỏi tất cả trách nhiệm và không phải lo lắng về việc phải nói cái gì nữa, vì anh đang được nhẹ nhàng hướng dẫn về cách nói những điều đó mà chẳng cần phải cố gắng gì.
“Tôi vẫn luôn biết rằng giây phút tôi gặp ông sẽ là một giây phút quan trọng, ông Toohey ạ. Luôn luôn biết vậy. Đã nhiều năm rồi.”
“Thật à?” Ellsworth Toohey nói, đôi mắt sau cặp kính lộ vẻ chú ý. “Tại sao?”
“Bởi vì tôi đã luôn hy vọng rằng tôi sẽ làm ông hài lòng, rằng ông sẽ tán thành tôi... công việc của tôi... khi thời điểm đến... trời ơi, tôi thậm chí...”
“Thậm chí gì?”
“... Tôi thậm chí nghĩ, khá thường xuyên, khi tôi vẽ thiết kế, rằng liệu tòa nhà này có được ông Ellsworth Toohey đánh giá tốt không? Tôi cố gắng nhìn nó theo cách đó, qua con mắt của ông... tôi... tôi...”
Toohey nghe một cách chăm chú.
“Tôi luôn luôn muốn gặp ông vì ông thật là một nhà tư tưởng sâu sắc và một người rất am hiểu về văn hóa...”
“Nào,” Toohey nói, giọng nhẹ nhàng nhưng hơi sốt ruột; sự quan tâm của ông ta đã giảm xuống khi nghe đến câu cuối cùng của Keating. “Thôi không nói chuyện đó nữa nhé. Tôi không muốn bất lịch sự, nhưng chúng ta sẽ thôi không nói đến những chuyện như thế nữa, được không nào? Nghe có vẻ không tự nhiên, nhưng tôi thực sự không thích nghe người ta tung hô cá nhân mình.”
Chính đôi mắt Toohey – Keating nghĩ – làm anh cảm thấy thoải mái. Trong đôi mắt đó là một sự hiểu biết lớn và một lòng tốt không cầu kỳ – không, dùng từ này chưa đúng – phải nói là lòng tốt vô hạn mới đúng. Nó cứ như thể người ta không thể giấu ông ta bất kỳ điều gì, nhưng cũng chẳng cần thiết phải giấu, vì ông sẽ tha thứ mọi chuyện. Đó là đôi mắt nhân từ nhất mà Keating từng nhìn thấy.
“Nhưng, thưa ông Toohey,” anh thì thầm, “tôi thực sự muốn...”
“Anh muốn cảm ơn tôi vì bài báo của tôi chứ gì,” Toohey nói và hơi nhăn mặt ra vẻ thất vọng nhưng vẫn vui vẻ. “Và tôi thì vừa mới hết sức nỗ lực để ngăn anh không làm vậy. Hãy tha cho tôi điều đó, được không? Chẳng có lý do gì anh phải cảm ơn tôi cả. Nếu anh quả là xứng đáng với những gì tôi nói – thì công trạng là thuộc về anh, không phải về tôi. Đúng không nào?”
“Nhưng tôi hạnh phúc quá vì ông nghĩ tôi là...”
“... một kiến trúc sư vĩ đại? Nhưng chắc chắn rồi, anh bạn của tôi, anh biết thế mà. Hay anh đã không chắc chắn? Chưa bao giờ chắc chắn về điều đó?”
“À, tôi...”
Sự ngập ngừng này chỉ diễn ra trong một giây. Và đối với Keating đó có vẻ là tất cả những gì Toohey muốn nghe từ anh; Toohey không đợi nghe nốt, mà nói như thể đã nhận được một câu trả lời đầy đủ, và một câu trả lời làm ông ta hài lòng.
“Và còn về Tòa nhà Cosmo-Slotnick ấy mà, ai mà có thể phủ nhận rằng đó là một thành tựu phi thường cơ chứ? Anh biết đấy, tôi thực sự mê kiến trúc của nó. Đó là một thiết kế thiên tài. Một thiết kế xuất sắc. Rất khác thường. Rất khác với những gì tôi đã thấy trong các công trình trước của anh. Đúng không?”
“Tất nhiên,” Keating nói, lần đầu tiên trong cuộc gặp giọng anh trong và rõ, “bài toán của nó khác với bất kỳ công trình nào tôi từng làm trước đây, bởi vậy tôi đưa ra cách thiết kế đó để phù hợp với những yêu cầu đặc thù của nó.”
“Tất nhiên,” Toohey nhẹ nhàng nói. “Một công trình tuyệt đẹp. Anh nên tự hào vì nó.”
Keating để ý thấy mắt Toohey nằm chính giữa tròng kính và tròng kính tập trung thẳng vào hai con ngươi của anh, và Keating đột nhiên nhận ra rằng Toohey biết anh không phải là người đã thiết kế Tòa nhà Cosmo-Slotnick. Điều này không làm anh sợ. Điều làm anh sợ là anh nhìn thấy sự đồng tình trong đôi mắt của Toohey.
“Nếu anh bắt buộc phải cảm thấy – không, không phải biết ơn, biết ơn là một từ làm người ta bối rối – nhưng, gọi thế nào nhỉ, cảm kích?” Toohey tiếp tục, và giọng ông mềm mại hơn, như thể Keating là một kẻ đồng lõa trong một âm mưu, một kẻ từ nay trở đi sẽ biết rõ những từ ngữ được sử dụng có ý nghĩa thật như thế nào, một mật mã có ý nghĩa riêng, “anh có thể cám ơn tôi vì đã hiểu được những ý nghĩa biểu trưng trong tòa nhà của anh và tuyên bố chúng thành lời giống như khi anh đã tuyên bố chúng bằng những viên đá cẩm thạch. Bởi vì, dĩ nhiên anh không chỉ là một người xây dựng bình thường, mà là một nhà tư tưởng thể hiện các ý tưởng của mình bằng đá.”
“Vâng,” Keating nói, “đó là chủ đề trừu tượng của tôi, khi tôi thiết kế tòa nhà – quần chúng nhân dân vĩ đại và những bông hoa của văn hóa. Tôi luôn luôn tin rằng văn hóa thật sự đến từ những người dân thường. Nhưng tôi không hy vọng có ai đó hiểu được tôi.”
Toohey mỉm cười. Đôi môi mỏng của ông ta hé mở, hàm răng lộ ra. Ông ta không nhìn Keating. Ông đang nhìn xuống tay mình, bàn tay dài, mảnh, nhạy cảm của một nghệ sĩ dương cầm cho dàn nhạc, bàn tay đang di một mẩu giấy trên bàn. Rồi ông ta nói: “Có lẽ chúng ta là anh em trong tinh thần, Keating ạ. Tinh thần con người. Đó là tất cả những gì có ý nghĩa trong cuộc sống.” Không nhìn vào Keating, nhưng bỏ qua anh, hai mắt kính của ông ta ngước lên một cách trang trọng tới một giới hạn nào đó vượt quá mặt Keating.
Và Keating nhận ra Toohey biết rằng anh chưa bao giờ nghĩ đến bất kỳ một chủ đề trừu tượng nào cho đến khi anh đọc bài báo đó, và hơn thế nữa: rằng Toohey một lần nữa lại tán thành điều đó. Khi hai tròng kính chầm chậm di chuyển đến mặt của Keating, đôi mắt trở nên ngọt ngào yêu thương, một tình yêu thương rất lạnh giá và rất thật. Rồi Keating cảm thấy như thể những bức tường trong phòng đang nhẹ nhàng chuyển động đè lên anh, đẩy anh vào một quan hệ thân thiết đáng sợ, không phải với Toohey, mà với một tội lỗi vô hình. Anh muốn vùng đứng lên và chạy. Anh vẫn ngồi yên, miệng nửa há ra.
Và chẳng biết điều gì thúc đẩy anh mà Keating nghe thấy giọng của chính mình vang lên trong im lặng:
“Và tôi thực sự muốn nói là tôi rất vui khi hôm qua ông đã thoát được viên đạn của gã điên đó, ông Toohey ạ.”
“Ồ?... Ồ, cảm ơn. Cái đó hả? À! Đừng để nó làm phiền anh. Chỉ là một trong những cái giá nho nhỏ cho sự nổi tiếng ấy mà.”
“Tôi chưa bao giờ thích Mallory. Một kiểu người lạ đời. Quá căng thẳng. Tôi không thích những người căng thẳng. Tôi cũng chưa bao giờ thích tác phẩm của anh ta.”
“Đó chỉ là một kẻ thích phô trương thôi mà. Chẳng quan trọng lắm.”
“Tất nhiên tôi không phải là người quyết định cho anh ta thử sức. Đó là quyết định của ông Slotnick. Chuyện thế lực nội bộ ấy mà, ông biết đấy. Nhưng ông Slotnick cuối cùng cũng đã biết phải trái hơn.”
“Mallory có bao giờ nhắc đến tên tôi trước mặt anh không?”
“Không. Không bao giờ.”
“Tôi chưa bao giờ gặp anh ta, anh biết đấy. Chưa bao giờ nhìn thấy anh ta trước đó. Tại sao anh ta lại làm thế nhỉ?”
Và sau đó thì chính Toohey là người ngồi đờ ra, trước những gì ông ta nhận thấy trên mặt Keating; Toohey lần đầu tiên cảnh giác và cảm thấy bất an. Đúng vậy, Keating nghĩ, đó chính là mối ràng buộc giữa họ, và mối ràng buộc đó là nỗi sợ, và hơn thế nữa, hơn thế rất nhiều, nỗi sợ là cái tên duy nhất có thể gọi mối quan hệ đó. Và anh biết, một cách dứt khoát không cần tranh cãi, rằng anh thích Toohey hơn bất kỳ một người nào anh từng gặp.
“Ông biết chuyện thế nào rồi đấy,” Keating vui vẻ nói, hy vọng rằng điều cũ rích mà anh sắp nói sẽ khép chủ đề này lại. “Mallory là một kẻ không có khả năng và biết điều đó và anh ta quyết định trút giận lên ông vì ông là biểu tượng của những người vĩ đại và có khả năng.”
Nhưng thay vì một nụ cười, Keating thấy Toohey đột ngột liếc xéo anh; nó không phải một cái liếc, mà là một tia huỳnh quang, anh nghĩ anh có thể cảm thấy nó đang bò trong cơ thể anh để dò xét. Sau đó mặt Toohey dường như rắn lại, rồi lại trở về bình tĩnh, và Keating biết rằng Toohey đã tìm được sự giải thoát ở đâu đó, trong bộ xương hoặc trên khuôn mặt hoang mang của anh, rằng một sự ngu xuẩn vĩ đại ẩn chứa đâu đó trong anh đã trấn an Toohey. Rồi Toohey nói, chầm chậm, kỳ lạ, và đầy chế giễu:
“Anh và tôi, chúng ta sẽ là những người bạn tuyệt vời của nhau, Peter ạ.”
Keating để ột giây trôi qua trước khi anh thấy mình hấp tấp trả lời:
“Ồ, tôi hy vọng thế, ông Toohey!”
“Nào, Peter! Tôi không già đến nỗi thế, đúng không? ‘Ellsworth’ là một tượng đài kỷ niệm thị hiếu kỳ lạ của bố mẹ tôi đối với việc đặt tên.”
“Vâng... Ellsworth.”
“Thế tốt hơn nhiều rồi. Tôi thực sự chả quan tâm lắm đến cái tên này, khi so sánh với những thứ mà tôi đã bị người ta gọi sau lưng – và cả ở nơi công cộng nữa – trong nhiều năm nay. Ôi dào. Lại tự tâng bốc. Khi người ta có kẻ thù, người ta biết rằng cần tỏ ra là người nguy hiểm ở nơi nào cần thiết phải như thế. Có những thứ ta phải phá hủy – nếu không chúng sẽ phá hủy ta. Chúng ta sẽ còn gặp nhau nhiều, Peter ạ.” Giọng nói của ông ta bây giờ trơn tru và chắc chắn, với cái dứt khoát của một quyết định đã được kiểm tra thử và được phê chuẩn, với sự chắc chắn rằng trong Keating sẽ không bao giờ còn có bất kỳ một dấu hỏi nào đối với ông ta nữa.
“Chẳng hạn, dạo này tôi đang nghĩ đến việc quy tụ một số kiến trúc sư trẻ – tôi biết rất nhiều người như thế – chỉ là một tổ chức nhỏ phi chính thức thôi, để trao đổi ý kiến với nhau, anh biết đấy, để phát triển tinh thần hợp tác, để có thể thống nhất hành động vì lợi chung của ngành khi cần thiết. Chẳng gì bảo thủ bằng cái hội A.G.A ấy. Chỉ là một nhóm người trẻ tuổi. Anh có quan tâm không?”
“Ôi tất nhiên rồi! Và ông sẽ là chủ tịch hội chứ?”
“Ôi trời ơi, không. Tôi chẳng bao giờ là chủ tịch cái gì cả, Peter ạ. Tôi không thích các tước hiệu. Không, tôi thì tôi nghĩ anh sẽ là một chủ tịch thích hợp cho chúng ta, không thể nghĩ được ai tốt hơn.”
“Tôi?”
“Chính anh, Peter ạ. Ôi dào, đó mới là một dự án thôi mà – chưa có gì rõ ràng cả – chỉ là một ý tưởng tôi vừa nghĩ ra trong những lúc dở dở ương ương. Lúc nào đó chúng ta sẽ nói lại chuyện này. Bây giờ có cái này tôi muốn nhờ anh – và nó là một trong những lý do chính tôi muốn gặp anh,”
“Ồ, tất nhiên rồi, ông Too – tất nhiên rồi, Ellsworth ạ. Bất kỳ điều gì tôi có thể làm cho ông...”
“Không phải cho tôi. Anh có biết Lois Cook không?”
“Lois... gì cơ?”
“Cook. Anh không biết. Nhưng anh sẽ biết. Cô gái trẻ đó là tài năng văn học lớn nhất kể từ Goethe. Anh phải đọc tác phẩm của cô ấy, Peter ạ. Tôi không hay gợi ý như thế trừ phi đối với những người đặc biệt nổi bật. Trí tuệ của cô ấy cao hơn rất nhiều so với những người thuộc tầng lớp trung lưu chỉ thích những gì rõ ràng. Cô ấy đang định xây một ngôi nhà. Một căn nhà riêng nho nhỏ bên sông Bowery. Đúng vậy, bên sông Bowery. Đúng là kiểu của Lois. Cô ấy đã nhờ tôi giới thiệu ột kiến trúc sư. Tôi định cho cô ấy tên anh – nếu anh quan tâm đến một căn nhà nhỏ, mặc dù sẽ khá đắt tiền.”
“Tất nhiên rồi! Thật là... ông thật là tốt quá, Ellsworth! Ông biết đấy, tôi đã nghĩ khi ông nói... và khi tôi đọc thư ông, là ông muốn – à, một sự giúp đỡ gì đó từ phía tôi, ông biết đấy, một hành động tốt đáp lại một hành động tốt, thế mà ông...”
“Peter thân mến của tôi, anh thật là ngây thơ quá!”
“Ôi, lẽ ra tôi không nên nói thế! Tôi xin lỗi. Tôi không có ý xúc phạm ông, tôi...”
“Không sao đâu. Anh sẽ phải tìm hiểu về tôi nhiều hơn. Mặc dù điều này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng, Peter ạ, một sự quan tâm hoàn toàn vô tư đối với đồng loại của mình vẫn có thể xảy ra trong thế giới này.”
Sau đó họ nói chuyện về Lois Cook và ba tác phẩm đã được xuất bản của cô – “Tiểu thuyết á? Không, Peter ạ, không hẳn là tiểu thuyết... Cũng không phải là sưu tập các truyện ngắn... chỉ là thế thôi, chỉ là Lois Cook – một loại hình văn học hoàn toàn mới...” “... về gia tài mà cô ấy được thừa hưởng từ dòng họ gồm nhiều doanh nhân thành đạt, và về ngôi nhà cô ấy định xây.”
Chỉ khi Toohey đứng dậy tiễn Keating ra cửa – và Keating để ý thấy ông thật mong manh trên đôi bàn chân rất nhỏ bé của mình – thì Toohey mới thình lình dừng lại và nói:
“Nhân tiện, có vẻ như là tôi nên nhớ đến một mối liên hệ riêng tư nào đó giữa chúng ta thì phải, mặc dù trong cả đời tôi không thể... ồ, đúng rồi, tất nhiên rồi. Cháu gái tôi. Catherine bé bỏng.”
Keating cảm thấy mặt anh đanh lại, và anh biết anh không nên cho phép điều này được mang ra thảo luận, nhưng anh mỉm cười một cách ngượng nghịu thay vì phản đối.
“Tôi hiểu rằng anh đã đính hôn với nó?”
“Vâng.”
“Tuyệt vời,” Toohey nói. “Rất tuyệt. Tôi sẽ rất thích được là chú của anh. Anh rất yêu con bé đúng không?”
“Vâng,” Keating nói. “Rất yêu.”
Câu trả lời không có nốt nhấn mạnh nào trong giọng nói khiến cho nó trở nên trang trọng. Đối với Toohey, nó là dấu hiệu chân thành và quan trọng đầu tiên trong con người Keating.
“Đẹp thật,” Toohey nói. “Tình yêu của những người trẻ tuổi. Mùa xuân và bình minh và thiên đường và sô-cô-la mua ở cửa hàng tạp hóa với giá một đô la hai mươi nhăm xu một hộp. Đặc quyền của các thánh thần và của những bộ phim... Ôi, tôi rất tán thành chuyện đó Peter ạ. Tôi nghĩ nó thật đáng yêu. Anh không thể nào chọn được ai khác tốt hơn Catherine đâu. Con bé là kiểu người mà đối với những người như thế thì thế giới đã mất lâu rồi – thế giới với tất cả những vấn đề và tất cả các cơ hội để được vĩ đại của nó – ôi, đúng thế, đã mất vì nó thật là ngây thơ và ngọt ngào và xinh xắn và bị thiếu máu.”
“Nếu ông định...” – Keating mào đầu, nhưng Toohey mỉm cười với một vẻ rất mực nhân từ.
“Ôi Peter, tất nhiên là tôi hiểu chứ. Và tôi tán thành. Tôi là một người thực tế. Mọi người cứ hay thích biến mình thành vô lại. Ôi thôi nào, chúng ta không bao giờ được đánh mất khiếu hài hước của mình. Chẳng có gì thực sự thánh thiện ngoại trừ khiếu hài hước. Tuy vậy tôi vẫn luôn yêu câu chuyện về Tristan và Isolde. Đó là câu chuyện hay nhất từng được kể – chỉ kém chuyện chuột Mickey và Minnie mà thôi.”
Suối Nguồn (The Fountainhead) Suối Nguồn (The Fountainhead) - Ayn Rand Suối Nguồn (The Fountainhead)