Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 6 - Thêm Một Người
gày cứ dài ra, đã sắp tới ngày dài nhất trong năm, tính từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn; kỳ thực lịch thiên văn chẳng thể làm suy suyển độ dài ngắn của thời gian, dù là xét từng khúc hay cả ngày. Xuân phân đã lùi vào dĩ vãng từ ba tháng trước, hạ chí sắp tới rồi. Nhưng thiên nhiên ở trên này lò dò đi theo lịch một cách hết sức ngập ngừng: cho tới tận bây giờ, tới những ngày này mùa xuân mới thực sự ca khúc khải hoàn, một mùa xuân tươi trẻ còn chưa vương nét uể oải tàn phai của mùa hạ, với hương vị nồng nàn và bầu không khí trong suốt nhẹ bỗng, với vòm trời xanh biếc nắng chói chang và đồng cỏ như một tấm thảm hoa muôn màu muôn sắc.
Hans Castorp nhìn thấy trên sườn dốc loài hoa năm ngoái Joachim đã hái về cắm trong phòng đón chào chàng: những nhánh cỏ thi và những bông hoa chuông xinh xắn - dấu hiệu cho thấy một năm đã hết, thời gian bắt đầu quay vòng trở lại. Có điều đấy chưa phải là tất cả những gì thiên nhiên khoe ra trước mắt con người trong ánh sáng ngày, vô vàn mầm sống hữu cơ đua nhau rùng rùng trỗi dậy trên thảm cỏ xanh rờn thoai thoải nơi sườn núi hay trải dài dưới đáy thung lũng, hình ngôi sao, hình quả chuông và vô số hình thù phong phú khác, tỏa hương tràn ngập không gian ấm áp và khoe sắc thắm tươi: hoa siren và hoa păng xê dại nở bạt ngàn, hoa bạch cúc và hoa thủy cúc, hoa anh thảo màu vàng màu đỏ, tất cả đều có kích thước và màu sắc hơn hẳn ở dưới đồng bằng, chí ít thì cũng hơn những gì Hans Castorp còn lưu giữ trong ký ức, vì hồi ở dưới kia có mấy khi chàng để ý đến thiên nhiên. Rồi lại còn những bông hoa chi chuông phất phơ chùm tua rua khoe màu xanh, tím, hồng rực rỡ, một sắc đẹp riêng chỉ có trên độ cao này.
Hans Castorp hăm hở hái tất cả các loài hoa chàng tìm thấy và ôm từng bó tướng về phòng, nhưng không phải để trang trí cho đẹp mắt mà là để phục vụ mục đích khoa học theo một ý đồ hoàn toàn nghiêm túc. Tự trang bị bằng một vài dụng cụ thô sơ mua ở cửa hàng hoa, một cuốn sách thực vật thường thức, một cái xẻng nhỏ giúp chàng bứng cây cả rễ, một cuốn album thực vật, một cái kính lúp có độ phóng đại cao, chàng trai trẻ biến ban công phòng mình thành nơi nghiên cứu các loài thảo mộc - chàng thường loay hoay ngoài đó hàng giờ trong bộ Âu phục mỏng mùa hè, một bộ đồ trong số hành lý ít ỏi chàng mang theo từ ngày mới tới đây. Đó cũng lại là một dấu hiệu rõ rệt nữa cho thấy một năm đã chấm dứt chu kỳ của nó và lặp lại trong một vòng quay mới.
Hoa tươi cắm đầy các bình nước bày la liệt trong phòng chàng, trên cái bàn nhỏ bên cạnh chiếc ghế nằm tiện nghi tuyệt hảo ngoài ban công. Những bông hoa héo đầu cúi gục nhưng cuống còn chưa ráo nhựa nằm vắt vẻo trên lan can hay rải rác dưới sàn ban công, trong khi những bông khác đã khô được kẹp gọn gàng giữa hai lần giấy thấm và bị những cục đá nặng đè lên ép chặt, đấy là phương pháp chế tiêu bản của Hans Castorp, những bông hoa dẹp lép khô hết nhựa sau đó được chàng dùng băng giấy phết keo cẩn thận dán vào quyển album thực vật. Chàng nằm vắt chân chữ ngũ trên ghế, cuốn sách đọc dở úp trên ngực nhô lên như mái nhà, tay khư khư cái kính lúp tròn dày cộp ở khoảng cách thích hợp giữa đôi mắt xanh chân thật và một bông hoa, nhụy hoa đã bị chàng dùng con dao nhíp vạt đi một phần để lộ ra bộ phận noãn sào phình to đầy đe dọa sau thấu kính. Những bao phấn lủng lẳng treo đầu cuống nhị tung vô số hạt phấn hoa lấm tấm vàng vào không khí, nhụy hoa giương vòi đẫm mật chờ thụ phấn. Nếu cắt một nhát dọc theo cuống nhụy người ta có thể thấy đường ống mỏng manh trong lòng nó, cái kênh vận chuyển những hạt phấn hoa dính vào đầu nhụy theo dòng mật sền sệt trôi sâu xuống dưới lọt vào trong noãn sào. Hans Castorp cặm cụi đo đếm, kiểm tra và so sánh; chàng nghiên cứu cặn kẽ từ cấu trúc đến vị trí đài hoa, lá mầm cũng như các chi tiết khác của bộ phận sinh sản đực và cái, chàng kiểm nghiệm sự trùng lặp giữa những điều mục sở thị với miêu tả và phác họa trong sách, khoái chí thấy tính chính xác của bộ môn khoa học này được chứng minh một cách sinh động bằng hình ảnh những loài cây cỏ quen thuộc đối với mình, còn những thứ thảo mộc lạ không biết tên thì chàng dựa vào cấu tạo theo quan sát của mình mà xếp vào ban, nhóm, bộ, họ, giống, loài theo hệ thống phân loại Linné[213]. Nhờ bỏ nhiều thời gian quan sát và so sánh tỉ mỉ hình dáng, cấu tạo những hoa lá sưu tầm được chàng đã có tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực thực vật học. Bên dưới các tiêu bản ép khô dán trong cuốn album thực vật, chàng nắn nót viết những cái tên Latinh mà khoa học trịnh trọng đặt ra để gọi những thứ hoa đồng cỏ nội ấy, kèm theo tính chất tiêu biểu của từng loại cây, và hãnh diện đem những hiểu biết mới thu lượm được ra khoe với Joachim khiến người anh chất phác kinh ngạc không để đâu cho hết.
Buổi tối là giờ giấc chàng chiêm ngưỡng các vì tinh tú. Chu kỳ thiên văn khép kín của một năm bỗng nhiên có sức hấp dẫn đặc biệt đối với chàng - sinh vật trong suốt thời gian tồn tại từ trước tới nay trên trái đất chưa hề bận tâm đến hiện tượng này, mặc dù đã trải qua hơn hai chục vòng quay trọn vẹn quanh mặt trời. Nếu khi vô tình sử dụng những khái niệm như là “xuân phân” chúng ta chẳng bận tâm nghĩ ngợi gì, thì ngược lại đầu óc chàng giống như cỗ máy được khởi động, lập tức chạy hết công suất khai thác theo chiều hướng ấy. Và những khái niệm trong lĩnh vực thiên văn mà gần đây chàng tuôn ra vô tội vạ thể hiện một lượng kiến thức thâm sâu càng làm anh họ chàng hoang mang tợn.
“Đã là thời điểm mặt trời sửa soạn đi vào phạm vi chòm sao Cự Giải”, chàng có thể mở đầu câu chuyện như thế trong một chuyến dạo chơi như thường lệ, “cậu biết không, đó là chòm sao đầu tiên của mùa hạ trong mười hai cung hoàng đạo. Sau đó mặt trời sẽ lần lượt đi qua các chòm sao Sư Tử và Xử Nữ để tới điểm thu phân, là thời điểm cân bằng giữa ngày và đêm cuối tháng chín, tức là lúc mặt trời ở vào vị trí tương đối so với trái đất giống như mới đây vào ngày xuân phân trong tháng ba.”
“Rất tiếc là tớ hoàn toàn mù tịt về những điều cao siêu ấy”, Joachim cau có đáp. “Cậu lảm nhảm gì mà lạ thế? Cung hoàng đạo là cái quái gì? Lại còn xuân phân với chả thu phân nữa!”
“Ơ kìa, thế cậu không biết mười hai chòm sao trên cung hoàng đạo à! Đấy là các chòm tử vi trong môn thiên văn cổ: Hổ Cáp, Nhân Mã, Ma Kết, Bảo Bình và những gì gì ấy, làm sao có thể không quan tâm đến những điều lý thú như thế được! Cậu phải biết rằng có mười hai chòm sao ứng với mười hai cung cả thảy, mỗi mùa gồm có ba cung: thượng, trung và hạ, đó là vòng tuần hoàn mà mặt trời phải lần lượt đi qua trong chu kỳ một năm - một môn khoa học kỳ thú vô cùng theo ý tớ. Cậu có tưởng tượng được không, người ta đã tìm thấy hình vẽ tất cả những chòm sao ấy dưới mái vòm một ngôi đền Ai Cập cổ không xa Thebes[214], ngày xưa từng là đền thờ nữ thần Aphrodite cơ đấy! Đó là kiến thức của những người Chaldeans lưu truyền lại - cậu biết đấy, họ là những người xứ Chaldea, dân tộc cổ đại nửa Arập nửa Do Thái nổi tiếng thông thạo phép thuật, giỏi chiêm tinh và bói toán. Chính họ chứ không ai khác là những người đầu tiên nghiên cứu đường đi của các hành tinh, lấy mốc là mười hai chòm sao chia bầu trời thành thập nhị cung hoàng đạo như vẫn được dùng trong môn chiêm tinh học ngày nay. Chẳng phải vô cùng kỳ thú hay sao. Đó chính là nhân văn!”
“Cậu bắt đầu giở giọng ‘nhân văn’ y hệt như Settembrini!”
“Ừ, giống như ông ấy, nhưng mà cũng có cái khác. Người ta tiếp nhận phát kiến ấy một cách nghiễm nhiên, mà quên mất sự cao siêu của nó. Tớ vô cùng cảm phục những người Chaldeans cổ, mỗi khi nằm ngắm bầu trời sao tớ lại phải nghĩ đến chuyện họ đã biết tất cả những điều tuyệt vời ấy từ đời nảo đời nào, từ khi những người khác còn chẳng biết gì, họ thật là một dân tộc thông thái. Những gì hồi ấy họ chưa biết thì cho tới ngày nay tớ cũng chẳng nhìn ra, ví dụ như sao Thiên Vương, hành tinh thứ bảy trong Thái dương hệ, cũng phải nhờ ống kính viễn vọng hiện đại mới phát hiện được cách đây chưa bao lâu, chừng một trăm hai chục năm nay thôi[215].”
“Một trăm hai chục năm mà chưa bao lâu?”
“Tớ dùng từ ‘chưa bao lâu’, cậu đừng nổi nóng vội, là so sánh với ba ngàn năm trước đấy. Nhưng những lúc nằm ngoài ban công ngắm bầu trời đầy sao thú thật tớ cảm thấy ba ngàn năm cũng ‘chưa bao lâu’, và tớ lại càng cảm phục những người Chaldeans, vì họ không chỉ nhìn thấy bầu trời ấy với những vì sao ấy, mà lại còn tìm ra mối liên hệ giữa chúng với nhau. Thế chẳng phải nhân văn là gì.”
“Ôi trời, cậu ấp ủ trong đầu những tư tưởng cao siêu quá.”
“Cậu bảo là ‘cao siêu’, còn tớ bảo là ‘thầm kín’ - muốn hiểu sao cũng được. Nhưng cho tới lúc mặt trời đi vào phạm vi chòm sao Thiên Bình, khoảng ba tháng nữa, thì ngày lại bắt đầu rút ngắn dần cho tới lúc ngày và đêm bằng nhau, rồi ngày càng lúc càng ngắn hơn đêm cho đến thời điểm ngắn nhất là tiết đông chí gần lễ giáng sinh, điều đó hẳn cậu không lạ. Nhưng xin cậu đừng quên rằng, trong lúc mặt trời đi qua những cung tử vi thuộc mùa đông - tức là các chùm sao Ma Kết, Bảo Bình và Song Ngư - thì ngày đã lại âm thầm dài dần ra rồi! Vì sau đó lại tới xuân phân, lần thứ ba ngàn kể từ thời những người Chaldeans cổ đại, và ngày cứ dài ra trong lúc vòng tuần hoàn một năm khép lại, cho tới hạ chí năm sau.”
“Thì đương nhiên là thế rồi.”
“Không, không đương nhiên một tí nào, mà đó chính là trò đùa của tạo hóa! Trong mùa đông ngày cứ dài dần ra cho đến thời điểm dài nhất của nó, ngày hai mươi mốt tháng sáu, ngày hạ chí. Thế rồi đang lúc đỉnh cao sung sức nó ngoặt xuống dốc và cứ ngắn dần đi, để lại quay về mùa đông. Cậu bảo là đương nhiên, nhưng nếu thử coi đó không phải là chuyện đương nhiên, thì người ta bỗng nhiên hoảng sợ, trong một khoảnh khắc chới với người ta bỗng thấy cần bám víu vào đâu đó. Cứ như thể tạo hóa đã cố tình làm ra như thế, để giữa mùa đông đã bắt đầu có mầm mống mùa xuân và giữa mùa hè đã có cái âm thầm tàn úa của mùa thu... Người ta cứ quay cuồng đến chóng mặt, bị nhử chạy vòng quanh theo viễn cảnh một sự thay đổi, một bước ngoặt... Đúng ra vẫn có điểm uốn, có bước ngoặt nhưng tựu trung lại là chạy vòng quanh. Vì vòng tròn chính là một khúc ngoặt không đầu không cuối và góc ngoặt của nó không có cách gì đo được, không theo một phương hướng nhất định, trong cái vòng luẩn quẩn ấy vĩnh cửu không phải là ‘một đường thẳng dài vô tận’ mà ‘xoay tròn như cái đu quay’.”
“Thôi đi!”
“Lễ hội mùa hè”, Hans Castorp vẫn không chịu thôi, “là nghi lễ tôn vinh thái dương thần vào ngày hạ chí! Những đống lửa đốt trên đỉnh núi với đám người nắm tay nhau nhảy múa vòng quanh! Tớ chưa bao giờ được chứng kiến cảnh ấy, nhưng tớ như nghe thấy tiếng lửa cháy, tiếng reo hò của bầy người nguyên thủy lần đầu tiên tụ tập lại với nhau để ăn mừng, trong cái đêm ngắn nhất năm nhưng cũng là khởi điểm của những đêm dài, đó là giờ chính ngọ và đỉnh cao của một năm, từ đó trở đi chỉ còn xuống dốc - họ nhảy múa, họ quay cuồng và cất lên những tiếng hú lanh lảnh. Họ hú hét những gì trong niềm vui man rợ của họ - cậu có thể tưởng tượng được không? Họ vui sướng quá hạn lệ như thế vì lẽ gì? Vì từ nay ngày phải lùi dần nhường chỗ cho đêm, hay vì từ trước tới giờ nó vẫn thắng thế và đã đi hết đà, đã tới chỗ tận cùng, tới lúc bắt buộc phải có sự thay đổi - đó là đêm hạ chí, là cao trào tích tụ bấy lâu, là mối u sầu cùng bộc lộ với niềm hứng khởi. Tớ nói ra điều này như nó vốn thế, bằng những lời lẽ nảy ra trong đầu tớ. Chính niềm vui thê thiết và nỗi đau cuồng nhiệt đã thôi thúc những người nguyên thủy cất lên tiếng hú và nhảy múa quanh ngọn lửa bập bùng, đó là cái cách họ thể hiện tâm trạng tuyệt vọng tràn trề hy vọng của mình, hay là nghi lễ để họ đề cao trò đùa của tạo hóa trong vòng tuần hoàn vô hạn không phương hướng và không ngừng lặp lại, cậu muốn nói thế nào cũng được.”
“Tớ chả muốn nói gì cả”, Joachim lẩm bẩm, “chỉ xin cậu đừng có gán cái mớ hổ lốn ấy cho tớ. Hóa ra đó là những điều cao siêu mà cậu nghiền ngẫm đêm đêm lúc nằm ngoài ban công.”
“Ừ, và tớ cũng không muốn chối là cậu đã sử dụng thời gian của cậu một cách hữu ích hơn nhiều, để học cái món ngữ pháp tiếng Nga khó xơi ấy. Chắc chẳng bao lâu nữa cậu sẽ đọc thông viết thạo đấy nhỉ, ôi người ơi, đó hẳn sẽ là một lợi thế vô giá cho cậu trên con đường công danh nếu chiến tranh xảy ra, chỉ cầu xin Chúa phù hộ cho nó đừng xảy ra.”
“Cầu Chúa phù hộ cho đừng có chiến tranh? Cậu ăn nói đặc sệt giọng dân sự. Chiến tranh là điều tối cần thiết. Không có chiến tranh thế giới này chẳng mấy chốc mà thối nát, Moltke[216] đã có lần bảo thế.”
“Phải đấy, thối nát là từ thích hợp nhất để tả thế giới này. Về chuyện chiến tranh thì tớ công nhận rằng cậu có lý”, Hans Castorp sửa soạn vô xê để tiếp tục đề tài người Chaldeans cổ, dân tộc ngày xưa cũng chẳng hề ngán chiến tranh và không từ cả việc đánh chiếm xứ Babylonia, mặc dù họ thuộc chủng tộc Semite, tức là cũng có thể coi như nửa phần Do Thái. Đột nhiên chàng ngưng bặt, vì hai anh em cùng lúc nhìn thấy một cặp khác đi ngay phía trước, có lẽ bị tiếng tranh cãi của họ cắt ngang câu chuyện, đang tò mò quay đầu lại lắng nghe.
Quãng đó là khúc phố chính giữa khu giải trí và khách sạn Belvedere, trên đường về Làng Davos. Quanh họ thung lũng mùa hè nằm duỗi dài, khoác trên mình tấm áo hoa lộng lẫy sắc màu. Bầu không khí tinh khiết và khô ráo ấm nồng trong nắng vàng rười rượi, khắp nơi tràn ngập một bản giao hưởng mùi thơm hoa đồng cỏ nội.
Hai anh em nhận ra Lodovico Settembrini đi sóng đôi cạnh một người lạ mặt; nhưng ông người Ý về phần mình có vẻ không nhận ra họ hoặc không muốn nhận ra, vì vừa thoáng thấy họ ông ta đã vội quay đầu sang phía người bạn đồng hành, say sưa hoa tay múa chân tiếp tục câu chuyện, thậm chí còn cố rảo bước đi nhanh về phía trước. Đến lúc bị hai người trẻ tuổi bắt kịp và vui vẻ cất tiếng chào thì ông ta làm bộ ngạc nhiên đầy thú vị, luôn miệng kêu “Cha chả” và “Trời đất quỷ thần ơi!”, nhưng sau đó lại chùng chình giảm tốc độ có ý đợi cho họ đi qua luôn. Hai anh em không hiểu ý, tức là họ cố tình không hiểu ý ông ta, bởi họ thấy ý đồ ấy thật vô nghĩa. Thành thực vui mừng vì gặp lại ông ta sau một thời gian dài vắng bóng, họ dừng lại giữa đường niềm nở hỏi han tình hình sức khỏe ông ta, đồng thời lịch thiệp nhìn sang phía người lạ chờ được giới thiệu. Vậy là ông văn sĩ buộc phải làm cái điều đối với hai người trẻ tuổi là điều tự nhiên nhất trần đời nhưng chẳng hiểu sao ông ta lại muốn tránh, tức là giúp họ làm quen với người bạn đồng hành của ông ta - và như thế thủ tục chào hỏi diễn ra trong lúc cả mấy người dùng dằng nửa đi nửa ở, đưa tay chéo qua ông Settembrini để bắt tay nhau, trong khi ông này bằng những lời lẽ vui nhộn và cử chỉ sinh động giới thiệu từng người một.
Hai người trẻ tuổi được biết đại khái người lạ đi với Settembrini tên gọi Naphta, cùng tầm tuổi với ông người Ý và đồng thời là người ở chung nhà trọ với ông này: cả hai đều thuê lại phòng của Lukaček, ông thợ may trang phục phụ nữ dưới Làng. Naphta là một người đàn ông nhỏ thó gầy gò, mày râu nhẵn nhụi với một gương mặt xấu xí lạ thường, có thể nói không ngoa là xấu đến nỗi nhìn đau cả mắt, chí ít thì đó cũng là cảm giác của hai anh em họ. Tất cả các đường nét trên mặt ông ta đều như chọc vào mắt người đối diện: sống mũi cao gồ lên và chóp mũi diều hâu áp đảo toàn bộ khuôn mặt, cặp môi mỏng dính mím chặt chỉ còn là một vạch thẳng căng, đôi tròng mắt kính dày cộp làm cho bộ gọng thép bỗng trở nên quá mỏng manh, không khác gì hai tấm lá chắn che trước cặp mắt xám với cái nhìn loang loáng, cả đến sự im lặng cao ngạo ông ta giữ suốt quá trình làm quen cũng khiến người ta bất giác chờ đợi một giọng nói sắc như dao và đầy uy lực. Ông ta để đầu trần như tất cả mọi người ở trên này, mình khoác một bộ Âu phục trang nhã: quần và áo vét đều bằng vải len màu lam thẫm xen những đường sọc trắng mảnh như sợi chỉ và được cắt may rất khéo theo đúng mốt thời thượng - theo sự đánh giá bằng một cái liếc mắt sành sỏi hơi có vẻ trẻ con của hai anh em - phải nói thêm rằng bản thân họ cũng bị ánh mắt nhanh hơn và sắc hơn nhiều của ông Naphta bé nhỏ quét một lượt dò xét từ đầu xuống chân. Giá Lodovico Settembrini không biết cách vận lên mình chiếc áo lừ xừ và cái quần kẻ ca rô một cách duyên dáng và đầy tự trọng đến thế thì có lẽ bộ dạng ông ta đã khá là thảm hại giữa những kẻ đồng hành thanh lịch này; song trên thực tế người ta gần như quên mất sự chênh lệch đầy bất lợi ấy, thêm vào đó chiếc quần ca rô lại vừa được ủi láng coóng đến nỗi thoáng nhìn tưởng đâu còn mới - không nghi ngờ gì nữa, đó hẳn là bàn tay của ông thợ may kiêm chủ nhà trọ, hai chàng trẻ tuổi bấm bụng nghĩ thầm. Vậy là nếu cứ xét theo trang phục bề ngoài thì ông Naphta xấu xí có vẻ như gần gũi với hai người trẻ tuổi hơn, kỳ thực giữa họ có những điểm khác biệt rõ rệt - mà tuổi tác không phải là yếu tố quyết định - khiến bộ tứ vẫn tách ra thành hai cặp: đó là sắc diện của họ, cụ thể là cặp thanh niên thì bắt nắng nâu bóng như đồng thau và đỏ như tôm luộc, trong khi cặp trung niên vẫn nhợt nhạt xanh xao. Làn da Joachim phơi nắng và tuyết suốt mùa đông dài càng ngăm ngăm nâu sậm, còn Hans Castorp thì mặt đỏ như lửa dưới mái tóc vàng rẽ ngôi; ngược lại ông Settembrini có vẻ như không ăn nắng tẹo nào mà vẫn trắng trẻo thư sinh, thậm chí trông còn có vẻ quý tộc với nước da xanh mờ và bộ ria mép đẹp đen nhánh, và người bạn đồng hành của ông ta, mặc dù cũng có mái tóc vàng - khác với tóc Hans Castorp tóc ông ta màu vàng xỉn như tro rạ loáng thoáng ánh kim - mà ông ta chải lật ra sau ót để lộ toàn bộ vầng trán hớt, nhưng làn da mặt lại trắng đục như da những người tóc nâu. Chỉ có hai người trong bọn cầm batoong, đó là Hans Castorp và Settembrini; vì Joachim không bao giờ chống gậy mà luôn ưỡn ngực thẳng bước đúng tư thế quân nhân, còn Naphta sau khi hoàn tất thủ tục chào hỏi đã lập tức chắp hai tay ra sau lưng, đôi bàn tay bé tẹo mềm oặt, cũng như đôi chân nhỏ nhắn tương xứng với vóc người loắt choắt. Nhưng dáng dấp con người ấy có cái gì đó làm người ta gần như quên mất những dấu hiệu ốm yếu và tiếng ho đáng lo ngại của ông ta.
Về phần Settembrini, ông văn sĩ đã lập tức xóa tan mọi biểu hiện lạnh lùng xa lánh lúc mới nhìn thấy hai người trẻ tuổi và đổi sang thái độ tự nhiên nhất trần đời. Ông ta tỏ ra đang rất cao hứng và dí dỏm giới thiệu từng người bằng những lời lẽ bông đùa, ví dụ như Naphta được ông ta phong cho là “princeps scholasticorum”[217]. Tâm trạng phấn khởi, ông ta bảo, đang “trào dâng tràn ngập khoảng không gian tên gọi lồng ngực” của ông ta, theo cách nói ưa thích của Aretino[218], chắc hẳn nhờ sức sống của mùa xuân, một mùa xuân tuyệt mỹ trên mọi phương diện. Các quý ông ở đây chắc không ai còn lạ mối ác cảm của ông ta đối với cuộc sống trên ngọn núi này, một mối ác cảm không giấu giếm mà ông ta vẫn thường bộc lộ bằng những lời cay độc. Nhưng mùa xuân ở đây thì khác, mùa xuân sơn cước muôn năm! Trong khoảnh khắc tồn tại ngắn ngủi của mình nó có thể đền bù lại tất cả những điều xấu xa của chốn này. Nó không ồn ào nô nức như mùa xuân ở dưới đồng bằng. Không sôi lên sùng sục! Không nhớp nháp mùi hương nồng nàn, không hầm hập hơi nóng oi ả! Mà thanh tao, tinh khiết và khô ráo, rạng rỡ và duyên dáng một cách vô cùng trong sạch. Đó là một mùa xuân hệt như mơ ước trong tâm tưởng ông ta, một mùa xuân tuyệt diệu!
Cả bốn người dàn thành một hàng ngang bước thấp bước cao đi tiếp, hàng ngũ chốc chốc lại bị đảo lộn, hoặc Settembrini bên cánh tả phải leo lên đường xe chạy để nhường lối cho khách bộ hành đi ngược chiều, hoặc một thành viên khác - thường là Naphta bên cánh hữu hay Hans Castorp ở giữa ông văn sĩ và người anh họ của chàng - ngẫu hứng tụt lại đằng sau hoặc rẽ sang hướng khác. Naphta bật cười cụt lủn, tiếng cười nghèn nghẹt như người phải cảm và rè rè như tiếng gõ cái đĩa mẻ. Vừa kiểu cách nghiêng đầu sang phía ông người Ý ông ta vừa cất giọng mũi eo éo:
“Người ta thấy ngay ông là một đệ tử trung thành của Voltaire[219], một tín đồ của chủ nghĩa duy lý. Ông khen ngợi thiên nhiên, vì trong những khoảnh khắc sinh lực dồi dào nhất nó cũng không bốc lên làn sương mù huyền bí làm mù quáng người trần mắt thịt chúng ta, mà vẫn khô không khốc một cách cổ điển. Ướt át tiếng Latinh là gì ấy nhỉ?”
“Sự hài hước”, Settembrini nói như ném từng từ qua vai trái, “sự hài hước trong cảm nhận thiên nhiên của vị giáo sư đáng kính của chúng ta thể hiện ra ở chỗ, cũng giống như Thánh nữ Caterina da Siena, chỉ cần nhìn thấy màu đỏ của cánh hoa anh thảo là ông ta lập tức nghĩ ngay tới những vết thương rỏ máu trên mình Chúa Jesus.”[220]
Naphta quật lại:
“Như thế phải gọi là nực cười chứ không phải hài hước. Nhưng chí ít liên tưởng ấy cũng truyền vào cho thiên nhiên một chút tinh thần, đó chính là thứ nó đang còn thiếu.”
“Thiên nhiên”, Settembrini gằn giọng nặng nề khiến người ta có cảm tưởng ngôn từ không bay lên nổi mà rơi bịch xuống sau vai ông ta, “không cần đến cái tinh thần ấy của ông. Thiên nhiên với tinh thần chỉ là một.”
“Ông vẫn chưa chán thuyết nhất nguyên à?”
“A, thế ra ông cũng thừa nhận rằng ông phân chia thế giới thành hai cực, đẩy Chúa và thiên nhiên về hai phía đối nghịch nhau chỉ để mua vui mà thôi!”
“Tôi chỉ thấy thú vị vì ông gọi những tư tưởng của tôi là trò mua vui, trong khi tôi muốn nói đến tín ngưỡng và tinh thần.”
“Hãy thử nghĩ xem, ông, con người dùng những lời lẽ bóng bẩy nhường này để tả một thú vui đồi bại, đôi khi lại quy kết cho tôi là kẻ lộng ngôn!”
“Vậy ra ông vẫn khăng khăng cho rằng tinh thần là đồi bại. Nhưng tinh thần chẳng có lỗi gì khi bản thân nó đã bao hàm hai thái cực. Chủ nghĩa nhị nguyên, tính đối ngẫu, đó chính là nguyên tắc tích cực nhất, nhiệt thành nhất, biện chứng nhất và trí tuệ nhất. Nhìn nhận thế giới như là hai cực đối nghịch nhau, đó chính là tinh thần. Thống nhất cũng có nghĩa là đơn điệu. Solet Aristoteles quaerere pugnam[221].”
“Aristoteles[222]? Aristoteles đã đặt hiện thực của tư tưởng vào từng cá thể. Đó là thuyết phiếm thần.”
“Sai! Ông hãy giả thiết mỗi cá thể đều tồn tại độc lập, hãy đem đặc tính của sự vật từ cái chung đặt vào hiện tượng riêng giống như Thomas và Bonaventura[223], họ cũng là môn đệ của trường phái Aristoteles đấy, ông sẽ thấy mọi sự thống nhất giữa thế giới và Đấng tối cao tan biến hết, thế giới tách ra khỏi Chúa và Chúa trở nên siêu nghiệm. Đó là tư tưởng Trung cổ cổ điển, thưa quý ông.”
“Trung cổ và cổ điển là một kết hợp hết sức thú vị!”
“Xin ông thứ lỗi, nhưng tôi luôn đặt chữ cổ điển vào đúng chỗ của nó, tức là khi một ý tưởng đạt đến cực điểm. Cổ đại không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với cổ điển. Tôi nhận thấy ở ông một mối ác cảm thái quá đối với sự... linh hoạt của các phạm trù, chống lại tính tuyệt đối. Ông khước từ tinh thần tuyệt đối. Ông chỉ muốn tinh thần đồng nghĩa với tiến bộ dân chủ.”
“Tôi hy vọng chúng ta thống nhất được với nhau ở một điểm, đó là tinh thần, cứ cho là tuyệt đối đi, không bao giờ được biến thành luật sư biện hộ cho các thế lực phản động.”
“Ấy thế mà ông lúc nào cũng rêu rao tinh thần là luật sư của tự do!”
“Sao lại ‘ấy thế mà’? Tự do là quy luật của lòng nhân ái chứ không phải của thuyết hư vô và cái ác.”
“Là những điều mà ông vô cùng khiếp sợ.”
Settembrini vung tay lên cao quá đầu. Cuộc khẩu chiến tạm ngưng. Joachim kinh ngạc nhìn hết người này sang người kia, trong khi Hans Castorp cúi mặt nhíu mày nhìn xuống đường. Naphta đối đáp bằng giọng gay gắt đầy vẻ áp đặt, mặc dù ông ta là người tranh đấu cho tự do hiểu theo nghĩa rộng. Nhất là cái cách ông ta phủ nhận bằng từ “Sai!” - lối phát âm chữ “s” với cặp môi mím chặt và hàm răng sít lại rất khó nghe. Ngược lại, Settembrini ăn miếng trả miếng vẫn với thái độ hào hoa phong nhã và giọng nói ấm áp truyền cảm, chẳng hạn như khi ông ta kêu gọi đối phương thống nhất với mình ở một điểm. Giờ đây, trong lúc Naphta im lặng, ông ta bắt đầu quay ra kể cho hai anh em nghe về thân thế người lạ kia, giải đáp những thắc mắc không nói ra của họ sau cuộc tranh luận nảy lửa vừa rồi. Người được nhắc đến cứ điềm nhiên mặc cho ông ta muốn nói gì thì nói. Ông Naphta là giáo sư dạy tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ ở các lớp đệ nhất của trường trung học Fridericianum - Settembrini giảng giải, vẫn với kiểu ăn nói khoa trương của người Ý, ông ta đề cao địa vị của người được giới thiệu lên hết cỡ - và cũng có một số phận đáng buồn như chính bản thân người hầu chuyện quý vị đây. Năm năm về trước tình trạng sức khỏe đáng ngại đã buộc ông ta lên trên này, và sau khi ngậm ngùi nhận ra rằng mình còn phải ở lại đây lâu ông ta đã dời viện điều dưỡng tìm một nhà trọ tư nhân, dọn đến ở chỗ Lukaček, ông thợ may trang phục đàn bà. Là một chuyên gia cự phách tiếng Latinh, tu sĩ trường dòng - ông người Ý không giải thích kỹ hơn điểm này - ông ta đã khôn ngoan đem lại cho trường trung học danh tiếng nhất trong vùng cái vinh hạnh nhận ông ta vào làm thành viên trong đội ngũ những người giảng dạy của mình... Tóm lại, Settembrini đã tâng bốc ông Naphta xấu xí không tiếc lời, mặc dù ông ta vừa mới có một cuộc tranh luận đầy những khái niệm trừu tượng với ông này và mọi dấu hiệu đều cho thấy cuộc tranh luận rất giống cãi nhau ấy có thể bùng nổ trở lại bất kỳ lúc nào.
Sau đó Settembrini chuyển sang phần giới thiệu với ông Naphta về hai anh em Hans Castorp, qua cách nói của ông ta hai chàng đoán là trước kia thân thế họ đã được đề cập đến không ít lần rồi. Đây là chàng kỹ sư trẻ tuổi với dự định ở chơi ba tuần trước khi bị ông cố vấn cung đình Behrens phát hiện ra một chỗ ướt, ông ta bảo, còn đây là niềm hy vọng của quân đội Phổ, thiếu úy Ziemßen. Và ông ta kể về tâm trạng nổi loạn cũng như kế hoạch xuống núi của Joachim thời gian gần đây, không quên chua thêm rằng, người ta chắc chắn sẽ làm chàng kỹ sư phật ý nếu lờ đi chuyện chàng cũng nóng lòng sốt ruột không thua gì anh họ mình mong được trở về với công việc.
Naphta nhăn mặt. Ông ta thủng thẳng bảo:
“Các quý ông có một người đỡ đầu rất hùng biện. Tôi thực sự không dám nghi ngờ rằng ông ta đã thông dịch đúng tâm tư và nguyện vọng của hai ông. Công việc, công việc - tôi biết, ông ta sẽ lập tức buộc tội tôi là kẻ thù nhân loại, một inimicus humanae naturae[224], nếu tôi dám đả động đến một giai đoạn lịch sử, thời mà cái điệp khúc lao động ông ta ưa ca nhai nhải này chẳng thể nào thu được hiệu quả ông ta mong đợi, bởi vì ở thời kỳ ấy đối thủ của lý tưởng ông ta thờ phụng còn chiếm thế thượng phong. Bernhard de Clairvaux[225] đã giảng về trình tự để đạt tới sự hoàn thiện một cách khác hẳn, điều này ông Lodovico chắc không bao giờ mơ thấy. Các ông có muốn biết trình tự ấy như thế nào không? Bậc thấp nhất là ‘cối xay’, bậc thứ hai là ‘cánh đồng’, nhưng bậc thứ ba được đề cao nhất - ông có thể bịt tai lại, Settembrini - lại chính là ‘ở trên giường’. Cối xay là biểu tượng của cuộc sống trần gian, một hình ảnh ẩn dụ không tồi. Cánh đồng tượng trưng cho linh hồn con người, là nơi các giáo sĩ gieo rắc hạt giống tinh thần - bậc này đã cao hơn cối xay một cách đáng kể rồi. Song chỉ có ở trên giường...”
“Đủ rồi! Chúng tôi biết rồi!” Settembrini kêu lên. “Thưa các quý ông, người ta sắp sửa vạch trần mục đích và tác dụng của chiếc giường trụy lạc ra trước mắt các ông đấy!”
“Tôi không biết là ông đức hạnh như vậy, Lodovico. Cứ nhìn cái cách ông đá lông nheo với các cô gái thì ai mà ngờ được... Bản tính hồn nhiên trần tục của ông đâu mất rồi? Chiếc giường là nơi chung đụng giữa người nam và người nữ, là biểu tượng tín ngưỡng trực quan thể hiện sự đoạn tuyệt với thế gian và vạn vật để trọn mình với Chúa.”[226]
“Thôi đi! Andate, andate!”[227] Ông người Ý xua xua tay giọng thảm thiết. Ai nấy bật cười. Nhưng rồi Settembrini đổi giọng nghiêm trang nói tiếp:
“Không, tôi không chấp nhận điều đó. Tôi là người Âu, một người Tây phương. Cái trình tự ông vừa nêu ra sặc mùi Đông phương. Ở phương Đông người ta khinh rẻ lao động. Lão Tử dạy rằng, giữa trời và đất không gì bằng bất động. Nếu tất cả mọi người chẳng làm gì nữa, khắp thế gian sẽ ngự trị một trạng thái tĩnh lặng đầy viên mãn. Lúc bấy giờ ông tha hồ mà trọn mình với Chúa.”
“Ra thế. Nhưng còn thần học phương Tây[228] ông để đâu? Và chủ nghĩa tĩnh lặng Thiên Chúa giáo, công trình nghiên cứu của Fénelon[229], cũng dạy người ta rằng hành động là phạm tội, vì hành động xúc phạm đến Chúa Trời, đấng tối cao có độc quyền hành động? Tôi xin trích dẫn mệnh đề của Molinos[230]. Có vẻ như năng lực tinh thần giúp người ta tìm kiếm sự cứu rỗi trong tĩnh lặng được phân chia hào phóng khắp nhân gian.”
Tới đây Hans Castorp nhảy vào cuộc. Chàng tham chiến với thái độ dũng cảm của người điếc không sợ súng, mắt chẳng nhìn ai mà ngó chăm chăm về phía trước.
“Trực quan, đoạn tuyệt. Hay thật, trong đó chắc chắn phải chứa đựng điều gì. Có thể nói rằng cuộc sống trên này cũng có một mức độ đoạt tuyệt khá cao với thế giới. Chúng ta nằm trong những chiếc ghế tiện nghi tuyệt hảo đặt ở độ cao năm ngàn foot trên mực nước biển, vừa nhìn xuống nhân gian và vạn vật ở dưới kia vừa ngẫm nghĩ. Thật lòng mà nói thì chiếc giường - tức là chiếc ghế nằm ở trên này, xin các ông hiểu đúng ý tôi - trong mười tháng trời ở đây đã khuyến khích tôi suy nghĩ nhiều hơn chiếc cối xay ở dưới đồng bằng trong tất cả những năm trước đó cộng lại, đấy là điều không thể chối cãi.”
Settembrini đưa cặp mắt đen thoáng ánh buồn nhìn xoáy vào chàng. “Ông kỹ sư”, ông ta hạ giọng, “ông kỹ sư!” Và ông ta nắm cùi chỏ Hans Castorp kéo chàng lùi lại để thầm thì trao đổi riêng sau lưng những người kia.
“Tôi đã nói với ông không biết bao nhiêu lần rồi, rằng người ta phải biết mình biết người! Giá trị của một người Tây phương, thây kệ tất cả các mệnh đề triết học, là ở trí tuệ, ở khả năng phân tích, ở hành động và tiến bộ - chứ không phải ở trên cái giường lười biếng nơi các tu sĩ xa lánh cõi đời nằm ì một chỗ!”
Naphta nghe thấy hết. Ông ta nói vọng ra sau lưng:
“Các tu sĩ xa lánh cõi đời! Nhờ các tu sĩ này mới có nền văn hóa Âu châu đấy thưa ông! Nhờ các tu sĩ này mà nước Đức, nước Pháp và nước Ý không còn là rừng rậm đầm lầy mà trở thành ruộng lúa mì, vườn cây ăn trái và cánh đồng nho! Các tu sĩ, thưa ông, đã lao động không phải ít...”
“Ebbè[231], thấy chưa!”
“Xin lỗi ông. Lao động của người mộ đạo không có mục đích tự thân, tức là không phải chất ma túy nhằm làm tê liệt tinh thần, cũng không đặt trọng tâm vào việc cải tạo thế giới hay thủ lợi. Lao động đối với họ thuần túy là thực hành khổ hạnh, một biện pháp hành xác, một phương thuốc. Nó bảo vệ ta chống lại đòi hỏi của xác thịt, giúp ta diệt dục. Và như thế - cho phép tôi được khẳng định điều này - lao động hoàn toàn không mang tính chất xã hội. Nó là sự vị kỷ tín ngưỡng trong sạch nhất.”
“Tôi vô cùng biết ơn ông về lời giải thích trên, nhưng cũng rất vui mừng thấy thành quả của lao động vẫn được bảo tồn, trái với ý muốn của con người.”
“Vâng, trái với dự định của con người. Có thể nhận thấy ở đây dự khác biệt rõ rệt giữa con người hữu ích và con người nhân văn.”
“Tôi chỉ nhận thấy rằng ông lại tìm cách chia rẽ thế giới thành hai phe, và đó là điều làm tôi bất bình nhất!”
“Tôi rất lấy làm tiếc đã chuốc lấy sự bất bình của ông, nhưng người ta phải biết phân biệt và xếp loại sự vật, để giữ gìn cho tư tưởng trong sạch của Homo Dei[232] không nhiễm chút gì uế tạp. Người Ý các ông phát minh ra hoạt động hối đoái và hệ thống ngân hàng, Chúa tha tội cho các ông. Nhưng người Anh mới chính là tác giả của thuyết xã hội học kinh tế, và thánh thần hộ mệnh của loài người sẽ không bao giờ tha thứ cho họ về điều đó.”
“A, thế ra thánh thần che chở nhân loại cũng phải đích thân diễu võ ra oai với các kinh tế gia trên hòn đảo ấy! - Ông muốn nói gì ư, ông kỹ sư?”
Hans Castorp lắc đầu phủ nhận, nhưng nghĩ thế nào lại lên tiếng - và cả Naphta lẫn Settembrini đều chăm chú lắng nghe với vẻ căng thẳng:
“Tôi e rằng ông phải hoan nghênh nghề nghiệp của anh họ tôi mới đúng, thưa ông Naphta, và thông cảm với sự nôn nóng của anh ấy... Tôi thì lại khác, tôi là một người thuần túy dân sự, anh họ tôi vẫn thường trách tôi về mặt này. Cho tới nay tôi vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ quân sự, nói chung tôi đúng là một đứa con của hòa bình, và thậm chí tôi còn có lúc nghĩ rằng mình cũng rất có thể trở thành linh mục - thật đấy, xin ông cứ hỏi anh họ tôi mà xem, tôi đã nhiều lần tâm sự với anh ấy về nguyện vọng này. Nhưng giả sử ta gạt sang bên những yêu thích riêng tư của cá nhân tôi - mà thực ra có xét đến những điều đó cũng chả ảnh hưởng gì - thì phải thú thật là tôi thấy mình rất thông cảm, thậm chí còn có phần thiện cảm đối với binh nghiệp nữa. Đó là một nghề cực khổ và gò bó, thậm chí có thể gọi là ‘khổ hạnh’ theo cách nói của ông - lúc nãy ông đã có nhã ý sử dụng từ này ở chỗ nào đó - thêm vào đó quân nhân lúc nào cũng phải chuẩn bị tinh thần để đương đầu với cái chết - xét cho cùng chết chóc cũng là đối tượng quan tâm của các linh mục, đúng không ông - không quan tâm đến chết chóc thì còn quan tâm đến cái gì nữa. Thế cho nên người theo binh nghiệp phải giữ gìn tư cách quân nhân và kỷ luật quân đội và phải tuân lệnh cấp trên, tóm lại là phải giữ gìn danh dự như ở triều đình Tây Ban Nha[233], có phải không ạ, và đúng ra thì một người mặc quân phục hay mặc áo chùng cổ hồ bột xếp nếp cũng chẳng quan trọng gì, điều quan trọng là cái sự ‘khổ hạnh’ kia, như ông vừa mới phát biểu rất hay... Tôi không biết mình diễn đạt như thế các ông có hiểu được không...”
“Được chứ, được chứ”, Naphta đáp và liếc nhanh sang phía ông Settembrini, ông này lặng thinh xoay cây batoong trong tay, mắt ngước lên trời.
“Tôi chỉ muốn nói rằng”, Hans Castorp tiếp tục, “cứ theo những điều ông vừa phát biểu thì hẳn ông phải có thiện cảm với người anh họ Ziemßen của tôi. Không phải tôi ám chỉ ‘ngai vàng và bàn thờ’[234] như một số người bảo hoàng ưa hô hào, thực ra họ cũng là những con người biết suy nghĩ và yêu trật tự. Điều tôi muốn nói đến ở đây là lao động trong binh nghiệp mà họ gọi là nhiệm vụ - trong trường hợp này là nhiệm vụ thực sự chứ không phải nhiệm vụ đi dạo - đó là một việc làm tuyệt đối không phải để thủ lợi và không liên quan gì đến ‘thuyết xã hội học kinh tế’ như cách nói của ông, có lẽ cũng vì cái thuyết này mà người Anh chẳng có bao nhiêu binh sĩ, một dúm họ đưa sang Ấn Độ và một dúm ở nhà chỉ để diễu hành...”
“Ông không cần phải nói nữa, ông kỹ sư”, Settembrini ngắt lời chàng. “Binh nghiệp - tôi nói điều này mong ông thiếu úy đừng phật ý - là một nghề không cần đến trí tuệ, vì nó chỉ cốt giữ vững hình thức và hoàn toàn không có một đòi hỏi nào về nội dung. Một người lính về cơ bản cũng chẳng khác gì một nông nô, dốc sức ra làm việc này việc kia theo sự sai khiến của kẻ khác. Tóm lại, có người lính thuộc phe bảo thủ Tây Ban Nha chống lại phong trào cải cách tôn giáo, có người lính thuộc đội quân cách mạng, có lính của Napoleon[235], có lính của Garibaldi[236], có cả người lính Phổ. Nói về người lính thì phải hỏi tôi đây này, tôi biết họ đánh nhau vì cái gì!”
“Nội cái chuyện họ đánh nhau”, Naphta đập lại, “cũng đã thể hiện rõ ràng đặc tính nghề nghiệp của họ rồi, còn phải hỏi han gì nữa. Rất có thể nghề nghiệp của họ theo ý ông “không cần đến trí tuệ”, nhưng nó đẩy họ vào một hoàn cảnh sống không có chỗ cho những khát vọng tiểu tư sản con con.”
“Cái mà ông gọi là khát vọng tiểu tư sản con con”, ông Settembrini đáp, chỉ hơi động đậy một chút đầu môi, trong khi hai mép kéo thành một vạch căng thẳng dưới hàng ria uốn cong và cần cổ nhô ra khỏi cổ áo vươn về phía trước trong một tư thế gây gổ khác thường, “vẫn không mệt mỏi lên tiếng bênh vực cho tư tưởng, trí tuệ, đạo đức ở mọi nơi mọi lúc và không ngừng gây ảnh hưởng tích cực đến những tâm hồn trẻ tuổi dao động!”
Tiếp theo là một khoảng im lặng nặng nề. Hai người trẻ tuổi sượng sùng ngó mông lên không trung. Sau vài bước Settembrini lại lên tiếng, giọng đã nhẹ nhàng hơn, đầu và cổ trở lại vị trí bình thường:
“Các ông đừng lấy làm lạ, ông Naphta và tôi vẫn thường xuyên cạp nhau, nhưng những cuộc cãi vã ấy đều dựa trên cơ sở tình bạn và có sự nhất trí ở một mức độ nhất định.”
Tình thế được cứu vãn nhờ cử chỉ lịch lãm và quân tử của ông Settembrini. Nhưng chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào mà Joachim, chắc cũng không ngoài thiện chí muốn tiếp tục câu chuyện một cách tự nhiên, lại cảm thấy cần phải lên tiếng đóng góp:
“Em họ tôi và tôi cũng vừa mới tình cờ nói đến chiến tranh, lúc chúng tôi còn đi đằng sau các ông.”
“Tôi có nghe thấy”, Naphta trả lời. “Mấy từ ấy lọt vào tai khiến tôi phải ngoảnh lại nhìn. Các ông cũng quan tâm đến chính trị ư? Các ông có hay bàn luận về tình hình thế giới không?”
“Ôi, không ạ”, Hans Castorp bật cười. “Làm sao chúng tôi có thể bàn soạn những điều ấy được! Đối với anh họ tôi và nghề nghiệp của anh ấy thì quan tâm đến chính trị là điều hoàn toàn không thích hợp, còn tôi cũng xin kiếu vì tôi có hiểu biết gì về những chuyện ấy đâu. Từ khi lên đến trên này tôi thậm chí còn chưa cầm trong tay một tờ báo...”
Settembrini, trước đây cũng đã có lần lên tiếng phê bình chàng về điểm đó, lập tức bảo rằng đó là một điều rất đáng chê trách. Rồi ông ta không bỏ lỡ cơ hội trưng bày những hiểu biết mới nhất của mình về các mối quan hệ quốc tế, và tỏ ra rất hài lòng khi nhận xét rằng tình hình thế giới hiện đang tiến triển theo một chiều hướng khả quan cho nền văn minh nhân loại. Châu Âu đang sống trong bầu không khí hòa bình giải trừ quân bị. Tư tưởng dân chủ đang trên đà thắng lợi. Ông ta còn tiết lộ là mình nắm trong tay những thông tin bí mật từ một nguồn đáng tin cậy, rằng lực lượng Tân Thổ Nhĩ Kỳ[237] đang kết thúc giai đoạn chuẩn bị cho một hành động có tính chất quyết định. Thổ Nhĩ Kỳ mà trở thành một quốc gia có hiến pháp - đó mới thật là một thắng lợi vẻ vang của nhân loại!
“Hồi giáo tự do”, Naphta giễu cợt. “Tuyệt vời. Cuồng tín mà lại tiến bộ - hay thật. À mà chuyện này có liên quan đến quyền lợi sát sườn của ông đấy”, ông ta quay sang bảo Joachim. “Nếu Abdul Hamid[238] đổ thì nước Đức các ông sẽ mất hết ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ, và nước Anh sẽ hí hửng đóng vai người bảo hộ... Các ông chớ coi thường các mối quan hệ và thông tin ông Settembrini của chúng ta có trong tay”, câu này ông ta nói với cả hai anh em bằng giọng xách mé, chứng tỏ ông ta vẫn quen coi thường ông kia. “Gì chứ những chuyện quốc gia đại sự thì ông ta thạo lắm. Ông ta còn thường xuyên qua lại với những kẻ giật dây Ủy ban Balkan[239] của người Anh nữa đấy. Lodovico, những thỏa ước ở Reval[240] sẽ ra sao nếu âm mưu cách mạng của đám Thổ tiến bộ của ông thành công? Bấy giờ Edward VII[241] sẽ không đồng ý để Nga mở cửa eo biển Dardanelles, và nếu như nước Áo rục rịch chuyển sang một chính sách mạnh bạo hơn ở Balkan[242]...”
“Ông chỉ giỏi đoán mò!” Settembrini gạt đi. “Nicholas[243] là người ưa chuộng hòa bình. Những cuộc hội nghị ở Den Haag[244] có được là nhờ công sức của ông ta, các thỏa hiệp hàng đầu ở đó sẽ được giữ vững.”
“Chà, nước Nga còn cần một thời gian dài nữa mới hồi sức được sau cú thất bại vừa rồi ở phương Đông!”[245]
“Thôi đi ông ơi. Không nên nhạo báng khát vọng vươn tới sự hoàn thiện về mặt xã hội của loài người. Dân tộc nào đi ngược lại những nỗ lực theo chiều hướng ấy chắc chắn sẽ bị lịch sử lên án.”
“Thế chính trị để làm gì, nếu không phải để tạo cơ hội cho các dân tộc đi đến những thỏa hiệp quốc tế!”
“Vậy ra ông ủng hộ chủ nghĩa Pan-Germanism?”[246]
Naphta nhún đôi vai xộc xệch bên cao bên thấp. Có vẻ như ngoài gương mặt xấu xí ông ta còn bị lệch cột sống nữa. Ông ta khinh khỉnh làm thinh, không thèm hạ mình trả lời. Settembrini buộc tội thêm:
“Những điều ông vừa nói thật quá tàn nhẫn. Nền dân chủ đang hăng hái tự khẳng định mình trên trường quốc tế, vậy mà ông chỉ nhìn thấy trong những nỗ lực ấy thủ đoạn chính trị...”
“Ông đòi hỏi tôi phải nhìn thấy trong đó lý tưởng hay là tín ngưỡng nữa đây? Đó chẳng qua là những cử động yếu ớt cuối cùng của bản năng tự trọng mà một hệ thống thế giới lỗi thời còn bám lấy. Tai họa sẽ đến và phải đến, nó có thể đến từ mọi ngả và dưới mọi hình thức. Thử đơn cử nghệ thuật chính trị của nước Anh ra là rõ. Nhu cầu kiểm soát tiền đồn vào Ấn Độ của Anh là một đòi hỏi chính đáng. Nhưng thực tế thế nào? Edward biết rõ như ông và tôi là những kẻ cầm quyền ở Petersburg cần đảo ngược tình thế ở Mãn Châu và dập tắt cuộc cách mạng như người đói cần bánh mì. Mặc dù vậy y vẫn - đúng ra y bắt buộc - phải lái sự quan tâm của Nga về hướng châu Âu bằng cách khơi dậy sự kình địch giữa Petersburg và Vienna...”
“Hừ, Vienna! Ông tốn công lo lắng cho cái trở ngại quốc tế khổng lồ này chắc chỉ vì ông nhìn thấy trong vương quốc mục nát do nó đứng đầu cái xác ướp Đế chế La Mã thần thánh của dân tộc Đức!”
“Tôi chỉ thấy ông là kẻ sùng bái Nga nặng, có lẽ vì thiện cảm sặc mùi nhân đạo mà ông ưu ái dành cho họ và cái thể chế tập trung quyền lực nhà nước và nhà thờ vào chung một mối của họ.”
“Thưa ông, nền dân chủ có đầy đủ lý do để đặt hy vọng vào Kremlin[247] hơn là vào Hofburg[248], và phải nói đó là một sự sỉ nhục lớn đối với đất nước của Luther[249] và Gutenberg[250]...”
“Hy vọng như thế là ngu xuẩn. Nhưng ngu xuẩn cũng là công cụ của định mệnh...”
“Thôi xin ông đừng giở định mệnh ra ở đây! Trí tuệ của con người nếu muốn sẽ mạnh hơn định mệnh, và mạnh hơn thực sự!”
“Có muốn cũng không chạy thoát lưới trời. Châu Âu tư bản sẽ lãnh đủ.”
“Người ta chỉ tin rằng chiến tranh sẽ xảy ra nếu người ta không thực lòng muốn chống chiến tranh!”
“Lòng mong muốn chống chiến tranh của ông chẳng mang lại gì, chừng nào ông còn chưa chống quốc gia, nguồn gốc của chiến tranh.”
“Quốc gia là một nguyên tắc quản lý của nhân gian mà ông chỉ muốn hô hoán đổ cho là bàn tay của quỷ. Nhưng ông hãy cứ thử giải phóng các quốc gia, cho họ quyền bình đẳng, bảo vệ các dân tộc nhược tiểu khỏi bị chèn ép, thiết lập sự công bằng, xác định đường biên giới giữa các nước...”
“Đường biên giới Brenner[251], tôi biết. Ý đồ giải thể nước Áo. Tôi chỉ không biết ông định làm cách nào để đạt được điều đó mà không cần đến chiến tranh!”
“Còn tôi thực sự muốn biết đã có lúc nào tôi lên tiếng chống chiến tranh giải phóng dân tộc hay chưa.”
“Nếu tôi không nghe nhầm...”
“Không, ở điểm này thì tôi xin được chứng thực lời ông Settembrini”, Hans Castorp lại nhảy vào cuộc, từ nãy tới giờ chàng vẫn vừa đi vừa chăm chú theo dõi cuộc tranh luận, đầu hết quay sang nhìn người này lại quay sang nhìn người kia. “Anh họ tôi và tôi có cái may mắn đôi khi được trò chuyện với ông Settembrini về những vấn đề này, tức là dĩ nhiên chúng tôi chỉ lắng nghe trong lúc ông ấy trình bày ý kiến của mình và diễn giải cặn kẽ mọi điều. Do đó tôi có thể bảo đảm rằng, và cả anh họ tôi đây chắc cũng còn nhớ, là ông Settembrini đã hơn một lần hào hứng nói về nguyên tắc vận động phong trào đấu tranh cách mạng và cải tạo thế giới, rằng bản thân nguyên tắc ấy không phải lúc nào cũng theo đúng đường lối hòa bình bất bạo động, có phải không ạ, và những người đeo đuổi lý tưởng ấy còn phải bỏ nhiều công sức nữa mới đến lúc thu được thắng lợi khắp nơi nơi và đưa thế giới đến chỗ đại đồng. Đại khái ông Settembrini đã nói như vậy, tất nhiên là bằng những lời lẽ đầy hình tượng và rất văn học, hay hơn tôi nói ở đây nhiều. Nhưng có một điều tôi còn nhớ và có thể nhắc lại nguyên văn từng chữ, vì lần đầu tiên nghe thấy điều đó tâm hồn dân sự của tôi đã giật mình kinh sợ, đó là khi ông Settembrini tuyên bố rằng, ngày ấy rồi sẽ tới, nếu không nhẹ nhàng theo bước chim câu thì sẽ dũng mãnh trên cánh đại bàng (tôi còn nhớ rõ mình đã hoảng sợ thế nào khi nghe nhắc đến cánh đại bàng), rằng muốn giành thắng lợi người ta phải đập tan hang ổ của chế độ phong kiến hủ bại ở Vienna. Vậy nên không thể nói rằng ông Settembrini khước từ tuyệt đối chiến tranh. Tôi nói có đúng không ạ, ông Settembrini?”
“Tương đối”, ông người Ý trả lời cộc lốc, đầu quay nhìn hướng khác, tay nhịp nhịp cây batoong.
“Tệ chưa”, Naphta cười thâm hiểm. “Ông bị chính đệ tử của mình vạch trần bản chất hiếu chiến rồi nhé. Assument pennas ut aquilae[252]...”
“Chính Voltaire cũng tán thành nội chiến và Friedrich II[253] đã ủng hộ chiến tranh chống Thổ Nhĩ Kỳ.”
“Nhưng đáng lẽ choảng nhau thì y lại bắt tay với Thổ, hê hê. Rồi còn thế giới đại đồng nữa chứ! Tôi chẳng cần tìm hiểu cũng biết là nguyên tắc vận động phong trào và đấu tranh cách mạng của ông sẽ đi đời nhà ma, một khi thế giới đã đến chỗ đại đồng và hạnh phúc ngự trị khắp nơi. Chẳng phải khi ấy bạo động sẽ bị khép thành tội trạng hay sao...”
“Ông thừa biết, và cả hai quý ông trẻ tuổi đây cũng biết rõ rằng, đấy là một quá trình tiến bộ được dự tính gần như dài vô tận của nhân loại.”
“Nhưng mà tất cả chuyển động đều chạy theo hình tròn”, Hans Castorp lên tiếng. “Trong không gian và cả trong thời gian, tuân theo định luật bảo toàn khối lượng và nguyên tắc chu kỳ. Anh họ tôi và tôi cũng vừa bàn cãi về điều này. Một chuyển động khép kín không giữ được phương hướng lâu dài liệu có thể gọi là tiến bộ được không? Tối tối tôi thường nằm ngắm các chòm sao trên cung hoàng đạo, dĩ nhiên mỗi lúc chỉ thấy được phân nửa số chòm sao mà thôi, và ngẫm nghĩ rất lung về các dân tộc thông thái thời cổ đại...”
“Ông không nên nghĩ ngợi vẩn vơ, ông kỹ sư”, Settembrini ngắt lời chàng, “mà phải tin tưởng nghe theo sự thôi thúc của bản năng tuổi trẻ và nòi giống. Cả những kiến thức khoa học kỹ thuật ông được trang bị cũng là để ông phục vụ lý tưởng tiến bộ. Ông thấy đấy, trong một khoảng thời gian dài ngoài sức tưởng tượng sự sống đã phát triển từ con mao trùng thành loài sinh vật cao cấp nhất là con người, vậy nên ông không thể nghi ngờ rằng còn có những khả năng vô tận để con người tiếp tục hoàn thiện bản thân mình. Nếu ông cứ nhất định chọn ngôn ngữ toán học thì có thể nói rằng vòng tuần hoàn tiến hóa đi từ sự hoàn thiện này đến sự hoàn thiện khác, được minh họa một cách sinh động qua các học thuyết của thế kỷ mười tám, đại ý cho rằng con người về cơ bản là tốt đẹp, hạnh phúc và hoàn thiện, chỉ tại những sai lầm xã hội mà con người trở nên què quặt và hư hỏng, vậy nên bằng lao động hữu ích đóng góp cho việc cải thiện xã hội con người sẽ tự cải tạo được mình để lại trở nên tốt đẹp, hạnh phúc và hoàn thiện, và nhất định con người sẽ đạt tới mục tiêu đó...”
“Ông Settembrini quên mất một điều”, Naphta nhảy vào, “rằng bức họa thế giới lý tưởng của Rousseau[254] là một sự bóp méo duy lý trí các giáo lý của nhà thờ về cuộc sống của con người ở cái thuở còn hồn nhiên chưa biết thiết lập nhà nước, về sự gần gũi trực tiếp và mối liên hệ chặt chẽ giữa con người thời ấy với Chúa, về cái trạng thái sơ khai đầy sung sướng mà họ nên quay trở lại. Việc tái thiết lập nước Chúa sau khi đã xóa bỏ tất cả các hình thức tổ chức xã hội của con người diễn ra ở đó, nơi tiếp xúc giữa trời và đất, giữa xúc cảm và siêu cảm, sự cứu rỗi chính là siêu nghiệm. Thêm vào đó phải biết rằng cái thế giới tư bản đại đồng của ông, ông tiến sĩ, chẳng ăn nhập gì với từ ‘bản năng’ ông dùng ở đây. Bản năng rõ ràng mang tính dân tộc, đích thân Chúa đã cấy bản năng tự nhiên vào con người, để những nhóm chủng tộc riêng bỗng nảy sinh nhu cầu thành lập nhà nước riêng của mình. Chiến tranh...”
“Chiến tranh”, Settembrini kêu lên, “bản thân chiến tranh, thưa ông giáo sư, cũng đã từng phục vụ mục đích tiến bộ, ông phải đồng ý với tôi điều này nếu ông chịu nhớ lại những sự kiện lịch sử ở thời đại yêu thích của ông, ý tôi muốn nói đến các cuộc thập tự chinh thời Trung cổ! Các cuộc chinh phạt của nền văn minh này may mắn làm sao đã tạo điều kiện thuận lợi cho mối bang giao kinh tế và thương mại giữa các dân tộc, cũng như đã thống nhất xã hội phương Tây dưới biểu tượng của một lý tưởng duy nhất.”
“Ông thật vô cùng nhẫn nại với lý tưởng. Vì vậy tôi buộc phải cải chính lời ông một cách vô cùng lịch sự rằng, các cuộc thập tự chinh này cùng với việc mở mang mạng lưới giao thông không hề có tác dụng san bằng sự khác biệt giữa các dân tộc, ngược lại là đằng khác, nó dạy cho các dân tộc nhận biết sự khác biệt giữa mình với người và hỗ trợ tích cực cho việc nâng cao tư tưởng nhà nước quốc gia.”
“Đúng lắm, nhưng chỉ đúng trong phạm vi quan hệ giữa các dân tộc theo quan điểm của nhà thờ. Vâng! Ngay từ thời bấy giờ lòng tự hào dân tộc và ý thức quốc gia đã bắt đầu trỗi dậy chống lại sự lộng hành lạm dụng đẳng cấp...”
“Nên biết rằng cái ông gọi là sự lộng hành lạm dụng đẳng cấp ở đây chẳng phải gì khác hơn ý tưởng đoàn kết toàn nhân loại dưới một biểu tượng tinh thần!”
“Chúng tôi biết đó là tinh thần gì rồi, xin cám ơn.”
“Có thể thấy rõ lòng cuồng tín dân tộc của ông đang ra sức giãy giụa chống lại chính sách toàn cầu hóa, xóa bỏ biên giới quốc gia của nhà thờ. Tôi chỉ không biết ông định làm cách nào để kết hợp điều đó với lòng ghê tởm chiến tranh. Thói sùng bái nhà nước giả cổ đã biến ông thành kẻ lớn tiếng bênh vực việc chủ động trong lập pháp, và như thế...”
“Ông muốn nói về pháp luật ư? Trong Công pháp quốc tế, thưa ông, vẫn luôn hiện diện tư tưởng về quyền tự nhiên và lý trí trong con người.”
“Ối chà, cái Công pháp quốc tế của ông chẳng qua chỉ là một trò bóp méo ius divinum[255] của Rousseau, không liên quan gì tới cả tự nhiên lẫn lý trí, mà chỉ dựa vào sự mặc khải...”
“Không nên tranh cãi về từ ngữ làm gì, ông giáo sư! Ông cứ việc gọi đó là ius divinum, còn tôi trân trọng gọi là luật tự nhiên và luật quốc tế. Điều quan trọng nhất là phải có một hệ thống pháp luật bao trùm bên trên luật pháp của tất cả các quốc gia, có tính chất tổng quát và được chấp nhận cũng như áp dụng chung để giải quyết mọi xung đột quyền lợi giữa các dân tộc bằng tòa án hòa giải.”
“Tòa án hòa giải! Tôi rất dị ứng với cái từ này! Một trọng tài tiểu thị dân mà có quyền quyết định những vấn đề sống chết, thay Chúa phán xét con người và soạn lại lịch sử! Nói vậy đủ biết thế nào là bước chim câu rồi. Còn cánh đại bàng thì sao?”
“Công luận...”
“Ôi dào, công luận có biết nó muốn gì đâu! Công luận lớn tiếng hô hào chống suy thoái dân số, giảm chi phí nuôi dưỡng trẻ nhỏ và tổ chức hướng nghiệp cho thanh thiếu niên. Ai cần những thứ ấy, khi mà người lúc nhúc khắp nơi đến không còn khí trời để thở, việc làm hiếm hoi đến nỗi cuộc đấu tranh sinh tồn giành cái máng ăn trở nên khốc liệt hơn cả mọi cuộc chiến tranh trong quá khứ. Công luận đòi quảng trường và cây xanh cho thành phố! Đòi rèn luyện thân thể, cải tạo giống nòi! Nhưng rèn luyện thân thể để làm gì, khi văn minh và tiến bộ muốn không còn có chiến tranh? Chiến tranh là biện pháp tốt nhất giúp chúng ta giải quyết mọi vấn đề. Giúp rèn luyện thân thể và thậm chí giúp cả việc chống suy thoái dân số.”
“Ông nói đùa đấy chứ. Những lý lẽ ấy không thể coi là nghiêm túc được. Cuộc tranh luận của chúng ta hôm nay dừng lại ở đây thôi, vả lại cũng vừa hay, đã tới tệ xá của chúng tôi”, Settembrini bảo và đưa đầu gậy chỉ cho hai anh em Hans Castorp một nếp nhà nhỏ đằng sau hàng rào thưa ngay chỗ họ dừng chân. Ngôi nhà đơn sơ nằm gần lối vào ‘Làng’, cách đường cái mỗi rẻo vườn hẹp té. Một gốc nho dại già rễ nổi cuồn cuộn bò lên bám kín bức tường cạnh cửa, nghều ngào vươn cành sang cả bên phải, chỗ có cửa kính bày hàng của tiệm tạp hóa. Tầng trệt là lãnh thổ của ông hàng xén, Settembrini giải thích. Naphta ở trên lầu cách một tầng thang gác, cùng chỗ với tiệm may, còn bản thân ông ta cư ngụ trên tầng áp mái, trong một thư phòng rất tịch mịch.
Naphta đổi giọng nhã nhặn khác hẳn lúc trước ngỏ ý hy vọng rằng cuộc hội ngộ này sẽ mở đầu cho những lần gặp gỡ tiếp theo. “Mời các ông có dịp lại ghé thăm chúng tôi”, ông ta thân thiện bảo. “Tôi muốn nói rằng: mời các ông ghé thăm tôi, còn tiến sĩ Settembrini đây dĩ nhiên có những ưu đãi nhất định vì đã quen biết với các ông từ trước. Xin các ông cứ tới tự nhiên, bất kỳ lúc nào các ông có nhu cầu trao đổi và đàm luận. Tôi rất coi trọng việc trao đổi tư duy với giới trẻ, phần nào có lẽ vì tôi là nhà giáo... Nếu ông trùm hội quán[256] của chúng ta” - ông ta chỉ vào Settembrini - “nhất định cho rằng chỉ những người theo chủ nghĩa nhân văn mới có quyền giáo dục quần chúng thì tôi buộc lòng phải phản đối ông ta. Mong sớm gặp lại!”
Settembrini phản đối ngay. Ở đây có nhiều trở ngại khiến mong muốn của ông Naphta khó lòng thực hiện được, ông ta bảo. Những ngày ông thiếu úy ở lại trên này chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, và ông kỹ sư chắc chắn sẽ tăng lịch điều dưỡng lên gấp đôi để có thể sớm theo chân người anh họ xuống đồng bằng.
Hai người trẻ tuổi biểu lộ sự đồng tình với cả hai bên, trước tiên với người này, sau đó với người kia. Họ nhanh nhảu nghiêng mình nhận lời mời của Naphta để chỉ giây lát sau phải phụ họa với những lo ngại của Settembrini bằng những cử động của đầu và vai. Vậy là cho tới lúc họ chia tay ra về mọi sự còn chưa ngã ngũ.
“Ông kia gọi Settembrini là gì ấy nhỉ?” Joachim hỏi trong lúc họ leo lên con đường dốc ngoằn ngoèo về lại ‘Sơn trang’.
“Hình như là ‘ông trùm hội quán’ hay sao ấy”, Hans Castorp đáp, “tớ cũng đang vắt óc nghĩ xem thế có nghĩa là gì. Có thể đó là một cách nói đùa của ông ta, cậu thấy đấy, họ đặt cho nhau những cái biệt hiệu đến là kỳ. Settembrini thì gọi Naphta là ‘ông vua kinh viện’ - nghe kêu đấy chứ. Người phái kinh viện là những người thuộc làu kinh sách thời Trung cổ phải không, hay muốn gọi họ là các triết gia giáo điều cũng được. Hừm. Trong lúc tranh luận họ cũng nhiều lần nhắc đến thời Trung cổ - à mà tớ vừa mới sực nhớ ra là Settembrini ngay hôm đầu tiên gặp tớ đã nhận xét ở trên này có nhiều dấu ấn thời Trung cổ, ví dụ như cái tên của bà y tá trưởng: Adriatica von Mylendonk. Cậu thấy ông kia thế nào?”
“Cái ông tí dỉn ấy à? Tớ không thích ông ấy. Mặc dù có vài điều ông ấy nói ra tớ thấy cũng hay, chẳng hạn như vấn đề trọng tài hòa giải, đó dĩ nhiên chỉ là trò ba phải. Nhưng tớ không thích con người ông ta. Lời lẽ có hay cách mấy cũng chẳng thuyết phục được tớ nếu phát ra từ miệng một người gian tà. Mà rõ ràng con người ông ta có cái gì mờ ám, đó là điều không thể chối cãi. Nội chuyện ‘cái giường’ là đủ thấy sự lập lờ nước đôi của ông ta rồi. Đã thế ông ta còn có một cái mũi Do Thái chính cống, cậu cứ nhìn kỹ mà xem! Dáng người loắt choắt như thế cũng chỉ có dân Do Thái thôi. Hy vọng cậu không định đến thăm ông ta đấy chứ?”
“Dĩ nhiên chúng mình sẽ đến thăm ông ta!” Hans Castorp đáp như đinh đóng cột. “Cậu chê ông ta bé loắt choắt vì cậu mang nặng đầu óc quân nhân. Những người Chaldeans cổ đại cũng có cái mũi như vậy, nhưng họ nổi tiếng cả về tài năng quân sự chứ đâu phải chỉ giỏi các môn khoa học thần bí. Naphta cũng có vẻ rành về khoa học thần bí, tớ thấy ông ta là người rất hấp dẫn. Tớ không muốn nói rằng hôm nay mình đã đánh giá được con người ông ta, nhưng nếu chúng mình thường xuyên gặp gỡ con người ấy thì biết đâu lại chẳng học hỏi được khối thứ, loại trừ khả năng này ngay từ đầu thì uổng quá.”
“Ôi người ơi, ở trên này cậu đã học hỏi được vô số điều thông thái rồi, nào là sinh vật học và thực vật học và thiên văn học nữa. Và ngay từ ngày đầu tiên cậu đã xổ ra một mớ triết lý về ‘thời gian’. Thế nhưng mục đích của chúng mình ở đây là để khỏe hơn chứ không phải thông thái hơn - khỏe hơn và khỏe hẳn, để cuối cùng người ta phải trả lại tự do cho chúng ta, để ta có thể tuyên bố đã lành bệnh và về lại đồng bằng.”
“Núi non là nhà của tự do”[257], Hans Castorp đáp tỉnh bơ. “Nhưng trước tiên cậu hãy thử giải thích cho tớ tự do là cái gì đã”, chàng tiếp tục. “Lúc nãy Naphta và Settembrini cũng cãi rất hăng về điểm này và không thể nào thống nhất được với nhau. ‘Tự do là luật lệ của bác ái!’ Settembrini bảo thế, và phương châm này nghe từa tựa như tư tưởng của ông cha ông ta, chiến sĩ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhưng người ông vốn là thành viên hội kín Carbonari có dũng cảm đến đâu chăng nữa, và bản thân ông Settembrini của chúng ta có dũng cảm đến đâu chăng nữa...”
“Phải rồi, mỗi khi đụng đến lòng dũng cảm cá nhân ông ta lại có vẻ như bị chạm nọc.”
“... thì tớ vẫn có cảm tưởng ông ấy sợ một điều gì đó, điều mà Naphta không sợ, cậu hiểu không, và vì thế tự do và can đảm của ông ta cũng chỉ mang tính hình thức... Cậu nghĩ sao, liệu ông ta có đủ dũng cảm để de se perdre ou même de se laisser dépérir[258] không?”
“Cậu bắt đầu nói tiếng Pháp từ khi nào thế?”
“Có gì đâu... Trên này ngự trị bầu không khí quốc tế mà. Tớ không biết ai là người sẵn sàng chấp nhận tự hủy diệt:
Settembrini với giấc mơ thế giới đại đồng cho toàn nhân loại, hay là Naphta với quan điểm đấu tranh giai cấp không khoan nhượng. Chắc cậu cũng để ý, tớ đã tập trung hết sức lắng nghe, nhưng chẳng những không thấy sáng ra tí nào mà ngược lại càng nghe càng mù tịt.”
“Thì lúc nào chả thế. Rồi cậu sẽ thấy, diễn thuyết và ngôn luận chỉ tung thêm hỏa mù mà thôi. Tớ bảo thật, quan trọng không phải ở lời nói mà là ở hành động, ở chỗ phải tỏ ra mình là một gã đàn ông thực thụ. Tốt nhất là không có ý kiến gì ráo và chỉ biết hoàn thành nhiệm vụ mà thôi.”
“Ờ, cậu có thể nói thế, vì cậu xét cho cùng không khác gì một nông nô, và quân đội chỉ cốt giữ vững hình thức. Tớ thì lại khác, tớ là một người dân sự, tớ có trách nhiệm nhất định đối với xã hội. Và tớ thấy bất bình khi phải mò mẫm tìm đường trong cái đám sương mù triết lý ấy, khi một người ca tụng thế giới đại đồng và ghê tởm chiến tranh nhưng lại nặng đầu óc ái quốc đến nỗi đòi vạch lại đường biên giới Brenner và không từ cả một cuộc chiến tranh để đạt được điều này; còn người kia lên án nhà nước là công trình của quỷ dữ và ngọt ngào quảng cáo cho một sự hợp nhất ở chân trời, nhưng liền ngay đó lại gân cổ bảo vệ quyền hành xử theo bản năng tự nhiên và chế giễu hội nghị hòa bình quốc tế. Chúng mình nhất định phải đến nhà họ để tìm hiểu cho ra nhẽ. Cậu bảo chúng mình lên đây để khỏe hơn chứ không phải để khôn hơn. Nhưng thế nào cũng phải có cách đạt được cả cái này lẫn cái kia, con người ơi, và nếu cậu không tin vào điều đó thì có nghĩa là cậu đang tìm cách chia rẽ thế giới đấy, và chia rẽ là một sai lầm lớn, tớ xin trân trọng báo để cậu biết thế.”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần