Chương 37: Về Nhà
Ề NHÀ
Sân bay Nội Bài. Hà Nội. Ðây là lần đầu tiên tôi đưa các con của tôi tới Việt Nam. Cũng là lần đầu tiên, tôi mang cha mẹ tôi đến đó.
Tôi cảm thấy mình vừa là trẻ con vừa như người già. Lần cuối cùng tôi ra nước ngoài với cha mẹ tôi, tôi hai mươi tuổi, cha mẹ tôi lôi tôi vào một chuyến du lịch trọn gói low cost all included tới Djerba. Gã tài xế xe buýt lải nhải: “Ông bố, ông ấy lúc nào cũng chăm con bé con, chăm suốt, chăm suốt”, và tôi cáu điên, tự nhắc mình: Không bao giờ thế nữa. Cha mẹ tôi đã già đi. Giờ đây tôi nhận ra rằng chúng tôi đã tới cái giao điểm tế nhị của cuộc đời nơi người ta đổi vai cho nhau: Bây giờ đến lượt tôi để mắt tới cha mẹ. Ðương nhiên mẹ tôi tiếp tục hỏi han hết cái này đến cái kia, còn tôi, tôi đáp trả trong trò đổi vai mà chúng tôi biết rõ này. Ngay từ lúc ở sân bay Roissy, mẹ tôi đã nói một tràng: “Con có vẻ mệt mỏi, không khí ở Paris rất bẩn, giá con đến sống ở nhà Le Mans, con sẽ thấy ảnh chụp phổi của người Paris, trông chẳng khác những tấm bọt biển bị mốc, quàng khăn vào cổ không thì ốm chết đấy, mẹ lại phải cạo gió”.
Tôi nhớ trò cạo gió này: Mẹ tôi cạo lưng cho chúng tôi một cách cần mẫn bằng một chiếc thìa, cho tới khi lưng chúng tôi vằn đỏ, mẹ cam đoan rằng cách làm này tiêu diệt những độc tố và máu tồi, và người cha bác sĩ của tôi long trọng tán thành, làm bảo lãnh khoa học của bà vợ thích cạo gió.
Mẹ tôi đã chuẩn bị mọi thứ cho chuyến Djerba all included. Còn lần này, tôi lo từ khách sạn, vé máy bay, đặt chỗ, thị thực. Tôi đã tưởng tượng mọi thứ sẽ thay đổi khi tới Việt Nam. Cha mẹ tôi sẽ như cá gặp nước. Họ nói tiếng Việt. Tôi sẽ chỉ cần nhắm mắt, đưa tay cho họ như khi tôi còn bé. Cứ đi theo thôi.
Nhưng rồi tôi đã bị bất ngờ. Cha tôi ngồi trong xe đẩy, mẹ tôi phủ một tấm chăn lên đầu gối cha. Cả hai cùng mệt nhoài. Tuyệt vọng. Họ nhìn tôi. Hành lý chưa đến. Lúc ở Paris, nhân viên hàng không đã nhầm trong lúc làm thủ tục. Tất nhiên là vì tên của chúng tôi. Hai trong số em gái của tôi cũng mua vé cùng hãng. Kết quả là không phải một, không phải hai mà ba Doan Bui. Ðấy là chưa kể mẹ tôi: Họ là Doan, còn họ chồng là Bui. Như thể chúng tôi được sao làm nhiều bản, ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời.
Chúng tôi lấy được va-li. Tôi đã đặt trước tắc-xi để về khách sạn. Mẹ tôi, cũng như các con gái tôi, nhìn tôi chằm chằm vẻ thắc mắc: “Bao giờ đến nơi?”. Chóng cả mặt. Tôi đâu thấy lâu lắm thời gian ngồi trong chiếc Peugeot 504, nhưng tôi cũng hỏi câu hỏi y hệt: “Bao giờ đến nơi?”.
Rồi chúng tôi đứng trước khách sạn.
Và, choáng váng.
Ðường phố.
Qua đường ở Hà Nội giống như chơi nhảy dây. Phải nhắm mắt, cầu nguyện và ném mình vào đám đông ồn ào, một sự hỗn độn kinh hoàng của xe máy, xích lô, hàng rong với các xe bán mì phở, nước mía và chả xiên nướng. Tôi đã từng tập để đi như thế, nên tôi khá tự tin. Tôi đã hình dung mình như Don Quichotte trên lưng ngựa, thách thức đường phố Hà Nội với chiếc xe đẩy của cha tôi. Nhưng tôi đã không mua còi, như Florizane34 từng khuyên. Cả một dòng xe máy tràn ra, bất tận. Các con gái của tôi nép vào tôi, như hai con gà bé nhỏ hoảng hốt. Phố không có vỉa hè để có thể đặt xe đẩy của cha tôi xuống.
Cha mẹ tôi nhìn tôi cuống quýt.
“Thế con định giết cha hay sao?”
Rồi điều thần kỳ đã xảy đến. Sáu cánh tay đưa ra không biết từ đâu. Chúng nhấc bổng cha tôi. Ðường phố mở ra như Hồng Hải mở trước Mose.
“Tại sao bác ấy không nói tiếng Việt? Bác ấy không phải là người Việt ạ?”
“Tất nhiên bác ấy là người Việt chứ!”
“À, vậy là bác ấy quên tiếng Việt. Bác ấy đi khỏi Việt Nam lâu quá ạ!”
Ở Việt Nam, cha tôi và tôi bình đẳng. Cùng bị câm vì đã quên tiếng mẹ đẻ của mình.
Cha mẹ tôi đã đi nghỉ ở Việt Nam nhiều lần, nhưng bao giờ cũng trở về với cảm giác ngỡ ngàng. “Ðó không phải là những gì vẫn ở trong trí nhớ chúng ta, con ạ”, cha mẹ tôi nói và liệt kê những tên phố đã biến mất ở Sài Gòn. Ðường Catinat, trở thành đường Tự Do giữa 1954 và 1975, từ nay là đường Ðồng Khởi, quán cà phê Givral đã không còn, bùng binh Chợ Lớn không nhận ra nữa. Tất cả những tên đường mà cha mẹ tôi biết trước đây đã không thấy trên bản đồ và khi hỏi tài xế tắc-xi địa chỉ này, địa chỉ kia, thì đều bị lắc đầu: Không biết, chưa bao giờ nghe thấy đường nào có tên như vậy.
Lần này là một trải nghiệm khác. Cha tôi chưa bao giờ đặt chân đến làng Sét, làng của họ Bùi, nhưng cha có vẻ nhận ra nơi ấy. Trong nghĩa trang của tổ tiên, tôi đưa cho cha mấy nén hương. Lần đầu tiên, đứa con của gia đình quay lại để cúi đầu trước vong hồn họ mạc. Cuối cùng, ở tuổi 72, cha có thể mang lại vẻ vang cho tổ tiên, như ông nội của tôi từng mong muốn.
“Về nhà”, cha tôi thường nói trong giấc ngủ. “Nhà” là một từ ôm đồm nhiều nghĩa trong tiếng Việt: Ngôi nhà, đất nước, quê hương, gia đình. Cái nơi có thực hay tưởng tượng mà chúng ta sống trong nó và nó sống trong chúng ta. “Về nhà” trong tiếng Ðan Mạch là heimta. Chính từ động từ này mà chúng ta có từ “hanter”[70]. Chuyến đi này, đó là cuộc trở về trong cái gọi là nhà của cha mẹ tôi, cuộc viếng thăm những bóng ma của chúng tôi. Chúng tôi, trong nghĩa bóng, là những âm hồn trở về.
Ở Sài Gòn, sau một trò chơi tìm đường rất lâu, chúng tôi đã đến được ngôi nhà mà cha tôi đã ở cho tới năm 20 tuổi. Những người chủ mới mời chúng tôi vào nhà. Hầu như không có gì thay đổi. Tôi chụp ảnh những bức tường, những đầu cầu thang, một cửa sổ. Và trên gương mặt tươi cười của cha tôi, tôi nhìn thấy nụ cười trẻ trung của cậu thiếu niên ngày nào. Cha kinh ngạc nhìn gian bếp; một cửa chạn vẫn y hệt như trong ký ức của cha, một mảnh của vĩnh cửu nổi lên từ quá khứ, cho dù tóc có bạc và những người thân yêu đã lìa đời.
Cho tới lúc ấy, cha mẹ tôi chưa bao giờ tìm lại được quê hương của thuở ấu thơ. Trong hành trình theo những vết chân của quá khứ này, một con đường đã mở ra trong ký ức của cả hai.
Ngày xửa ngày xưa có một nàng tiên là công chúa con của Thiên Vương. Nàng đem lòng yêu một chàng chăn bò nghèo. Người ta tìm cách chia cắt đôi tình nhân. Công chúa bị vua cha gọi về trời, còn chàng trai buộc phải ở lại trần thế. Nàng khóc nhiều đến nỗi từ những giọt nước mắt của nàng mọc ra một chiếc cầu, vào ngày thứ bảy của tháng Bảy hàng năm. Người ta nói rằng vào ngày ấy, hai kẻ yêu nhau sẽ gặp lại trên chiếc cầu làm từ nước mắt.
Những giọt nước mắt mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy chảy trên má của cha mẹ tôi tạo nên hôm nay một chiếc cầu giữa hiện tại và quá khứ, giữa con người mà họ đang là hiện nay và con người mà họ đã từng là trước đây, giữa nước Pháp và nước Việt, hai quê hương của họ. Và như thể họ nói với tôi: “Con này, cha mẹ sẽ cho con xem”.
54
WHATSAPP
Nhóm BUI bạn là admin
Bui2, Bui, Bui4, Bui5 là thành viên của nhóm
Mẹ Bui cũng gia nhập nhóm
Mẹ Bui – Are you back in the hotel rooms, girls? Dad says he is hungry.
Bui2 – Ối! Mẹ cũng vào WhatsApp!!!clapping-hands-whatsappclapping-hands-whatsapp
Bui3 – Sao mẹ lại nói tiếng Anh vậy mẹ?
Mẹ Bui – Vì phần sửa tự động đó. Máy để tiếng Anh. Khó chịu quá, Internet bắt mẹ viết những thứ mà mẹ không mún
Mẹ Bui – mà mẹ không muốn.
Bui3 – Con chả hiểu gì cả.dismayed-smiley-whatsapp-1F616
Mẹ Bui – WhatsApp thật useful. Khách sạn có wifi.
Bui2 – Cha mẹ đi có vui không? Cha có vui không?
Mẹ Bui – grinning-smiley-in-a-good-mood-whatsapp-emoji-1F600
Bui3 – Ối, mẹ cũng dùng smiley này!!!!!screaming-smiley-whatsapp-1F631
55
NHỮNG MŨI KIM
Bác sĩ châm cứu ngày nào cũng đến chữa cho cha tôi. Bác sĩ khen cha: “Anh ấy có nội lực tốt”. Từ sau tai biến, cha tôi vẽ hàng ngày. Trước đây cha cũng thích vẽ nhưng công việc không cho cha có nhiều thời gian để dành cho vẽ. Cha đã phải trở nên im lặng để có thể quay lại với vẽ.
Bác sĩ châm cứu nói: “Ngôn từ thì vẫn còn quá nặng, nhưng bệnh anh đã nhẹ rồi”.
56
ÐẦU GÀ, ĐÍT VỊT
Các con gái tôi. Các công chúa lai Âu – Á của tôi, những đứa con “đầu gà, đít vịt” của tôi. Các kho báu của tôi.
Buổi tối, trong phòng khách sạn, chúng tôi chui xuống chăn nệm trắng tinh, lạo xạo, thơm tho. Mẹ ơi sang quá! Hai đứa kêu liếp chiếp và chúng tôi ép vào nhau thành một, đêm nào ở Việt Nam cũng là một ngày hội, chúng tôi ngủ chung giường. Ở Pháp thì không thế.
Ở vườn trẻ, các cô bảo mẫu nhíu mày khi bắt gặp tôi với chúng nó ôm ấp nhau. Các con gái của tôi từ nay đã lớn, nhưng tôi vẫn là người đầu tiên chịu thua khi hai đứa chạy đến nép vào giường tôi đòi ngủ cùng sau một cơn ác mộng, cha của chúng thỉnh thoảng rên rỉ nhưng không nhận thấy gì khác thường, thế là tôi luồn chúng vào nách, giấu chúng đi, đó là bí mật giữa chúng tôi, giữa mẹ và con gái, tôi muốn giữ chúng ở hõm vai suốt đời, như cô bé tí hon, cô bé trong truyện cổ tích được bọc trong một chiếc lá cây.
Khi chúng bị ốm, tôi lấy ngay cớ đó để nằm cạnh, trong chiếc giường trẻ con của chúng, nghe tim chúng đập kề ngực tôi. “Ở Việt Nam mẹ ngủ với con gái, người Việt vẫn làm vậy”, mẹ tôi cam đoan. Thế là tôi thu tròn người lại, tôi bị chèn lên bởi bốn cái đùi nóng rực, chúng ngủ theo hình chéo, như con bạch tuộc, chiếm hết chỗ trên giường, mỗi đứa bám chặt vào tôi bằng một bàn tay. Tôi ngắm giấc ngủ của chúng, đôi má tròn căng tuyệt đẹp, tôi lèn hơi thở của mình lên hơi thở của chúng và chúng tôi hòa làm một. Sự im lặng của căn phòng gợi tôi nhớ lại sự im lặng trong nhà hộ sinh, sự hoàn hảo tuyệt vời của nó.
Trước khi ngủ, tôi kể cho chúng nghe những câu chuyện về Việt Nam và gia đình cha tôi. Chúng nghe tôi chăm chú. Mỗi tối, chúng hí hoáy viết và vẽ vào sổ tay, miêu tả theo kiểu của chúng quê hương của ông bà. Các con gái tôi biết phá vỡ cái xiềng của những bí mật. Chúng là những người dẫn đường cho tôi trong cuộc điều tra này.
Người ta hay nói về một cuốn sách rằng đó như một đứa con. Người ta “đẻ” nó ra. Tôi thì lại luôn có cảm giác sinh ra từ cuộc điều tra này. Y như kiểu tôi có cảm giác được sinh ra từ các con tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tôi là “con gái của mẹ” bằng khi trở thành “mẹ của các con gái”. Tôi cực kỳ hạnh phúc trong giai đoạn thai nghén thứ nhất khi biết rằng tôi sẽ có con gái. Lần đầu tiên trong đời, tôi tự hỏi: Mình sẽ truyền cho nó cái gì? Bệnh hen, dị ứng, tính nóng nảy? Cái tên? Những bản nhạc Schubert và sự say mê karaoke theo kiểu rất Việt Nam? Ðôi mắt xếch và cận? Hoặc... chẳng gì cả? Tôi nằm mơ thấy mình sinh ra một đứa trẻ tóc vàng, mắt xanh và tròn xoe. Tôi mang nó ra công viên và các bà mẹ khác tưởng tôi là bảo mẫu người Philippines của nó. Thế là thì thầm và cười nhếch mép kiểu bề trên: Các cô Philippines được lắm, rất cần mẫn, ngoài ra còn sạch sẽ, nghiêm túc, tình cảm. Các cô mà giữ trẻ thì có gì chuẩn hơn!
Nỗi bất an không biến mất cùng với sự ra đời của đứa con gái thứ hai. Tôi sợ rằng trong chúng sẽ chẳng còn gì từ nước Việt mà tôi đã cố hết sức nhổ đi. Thế là tôi đã đặt tên Việt cho chúng mặc dù tôi rất cáu vì người Pháp thường xuyên đọc sai tên của tôi. Tôi hát cho chúng những bài ru con mà mẹ tôi đã hát cho tôi, tôi nấu đồ Việt. Và cũng như tôi từng gọi ông bà tôi trước đây, chúng cũng gọi ông bà chúng là ông ngoại và bà ngoại.
Hôm nay chúng khám phá đất nước của cha mẹ tôi. Chúng tôi bước cạnh nhau và chơi trò khớp bóng vào nhau, mẹ tôi, các con gái tôi và tôi, ba thế hệ hòa vào làm một. Trong những quán ăn hè phố, ngồi trên hai chiếc ghế đẩu bé xíu bằng nhựa vừa đúng cỡ người của chúng, các con gái tôi húp phở sột soạt dưới ánh mắt âu yếm của cha mẹ tôi: “Chúng ăn như người Việt thật ấy nhỉ!”.
Và cuộc hành hương về Thủ Ðức, những khu đất đã mất của gia đình mẹ tôi, trước đây mẹ thấy u sầu, vậy mà hôm nay bỗng trở nên vui nhộn. Mẹ tôi rung rinh vì hạnh phúc được nói tiếng Việt, uống nước mía và tự hào chỉ cho chúng tôi những con đường của làng quê mình, những cánh đồng, những ruộng lúa trước đây đã từng thuộc về gia đình mẹ: “Nhà mình ngày xưa giàu quá, bà ngoại ơi!”, các con tôi reo lên thích thú.
Ở Sài Gòn, chúng tôi leo lên những cầu thang cuốn của Bitexco, biểu tượng cho sự đổi mới của đất nước, đó là một tòa nhà chọc trời bằng kính cực kỳ hiện đại quay lưng lại với quá khứ. Ở tầng thứ tư, có một food center mênh mông và chúng tôi thỏa thích món mì xào.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng