Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Quyển III - Đá Lửa Và Bia Mộ
éo, vui tánh, luôn buồn ngủ. Guste Truczinski, khi trở thành Guste Köster, chả cần phải thay đổi gì, nhất là vì sự kết hợp của chị với Köster lại quá đỗi ngắn ngủi: họ đính hôn được hai tuần thì anh phải xuống tàu biển lên Mặt trận Bắc cực; khi anh về nghỉ phép, họ làm lễ cưới và qua với nhau mấy đêm, phần lớn là dưới hầm tránh máy bay. Mặc dầu không có tin tức gì về Köster từ sau khi quân đoàn Courland đầu hàng, mỗi khi có ai hỏi về chồng mình, Guste đều chỉ ngón cái về phía bếp mà trả lời chắc như đinh đóng cột: "À, anh ấy bị bắt làm tù binh ỏ bên Nga. Khi anh ấy trở về, nơi đây sẽ có không ít thay đổi."
Những thay đổi mà chị ám chỉ, có liên quan đến Maria và nhất là bé Kurt. Được xuất viện, tôi chào tạm biệt các nữ y tá và hẹn khi có dịp sẽ tới thăm. Rồi tôi đáp xe điện đến Bilk, nơi hai chị em và Kurt con trai tôi đang ở. Ngôi nhà chung cư dừng lại ở tầng tư; phần còn lại, bao gồm mái, đã bị lửa thiêu. Bước vào căn hộ tầng ba, tôi thấy Maria và con trai tôi đang bận rộn với những hoạt động chợ đen. Kurt, giờ đã sáu tuổi, đang tính toán trên đầu ngón tay. Ngay cả trong chợ đen, Maria vẫn trung thành với Matzerath của mình. Nàng buôn bán mật ong tổng hợp. Nàng đong mật ong từ những thùng không dán nhãn và cân hàng trên cái cân trong bếp. Tôi chưa kịp làm quen với căn hộ chật cứng, nàng đã xếp tôi vào việc đóng gói.
Kurt ngồi sau "quầy" của nó - một cái hòm xà- phòng. Nó nhìn về phía ông bố khỏi bệnh trở về, nhưng đôi mắt xám lạnh băng lại như tập trung vào một cái gì quan trọng bên kia tôi. Trước mặt nó, là một tờ giấy trên đó nó đang cộng những dãy số tưởng tượng. Chỉ trong đúng sáu tuần học trong những gian lớp quá đông và không đủ ấm, nó đã có cái vẻ của một người tự lập rất bận rộn.
Guste Köster đang uống cà-phê - cà-phê thứ thiệt, như Oskar nhận thấy khi chị đưa mời tôi một tách. Trong khi tôi đóng gói mật ong, chị quan sát cái bướu của tôi với vẻ tò mò kèm theo một cái nhìn thương hại về phía cô em gái. Chị phải khó khăn lắm mới ngồi yên, không vuốt ve cái bướu của tôi, vì như tất cả phụ nữ, chị tin rằng sờ, vỗ hoặc vuốt ve một cái bướu sẽ đem lại may mắn. Đối với Guste, may mắn có nghĩa là sự trở về của Köster và anh ấy sẽ thay đổi tất cả. Thay vì, chị dằn lòng vỗ vỗ tách cà-phê và trút một tiếng thở dài kèm theo bài kinh mà trong nhiều tháng sau, tôi còn phải nghe mỗi ngày mấy lần: "Khi nào Köster về, tất cả sẽ thay đổi trong nháy mắt. Chú có thể tin chắc thế!"
Guste phản đối chợ đen nhưng không chống việc uống cà-phê thứ thiệt đổi được bằng mật ong tổng hợp. Khi có khách hàng đến, chị rời phòng khách, lạch bạch đi vào bếp ở đó chị cố tình khua xoong chảo ra ý phản đối.
Khách hàng không thiếu. Vào lúc chín giờ, ngay sau bữa điểm tâm, chuông cửa bắt đầu réo: ngắn - dài - ngắn. Cứ mười giờ tối là Guste ngắt chuông điện, bất chấp sự phản đối thường xuyên của Kurt, bởi việc học hành lấn quá nhiều sang thời gian kinh doanh của nó.
"Có mật ong tổng hợp không?" Khách hỏi.
Maria khẽ gật đầu và hỏi lại: "Một phần tư hay nửa pao? " Nhưng cũng có người không cần mật ong. Họ nói: "Đá lửa?" Thế là Kurt - nó học đan xen hôm buổi sáng, hôm buổi chiều - ra khỏi những dãy số, luồn tay dưới chiếc áo "pul" tìm một cái túi vải và ném cái giọng thách thức trẻ con của nó vào phòng khách: "Ba hay bốn? hay lấy cả năm viên đi. Kẻo nó lên đến hai bốn bây giờ. Tuần trước, có mười tám, mà sáng nay cháu phải lấy hai mươi đấy. Nếu bác đến hai tiếng trước, ngay sau lúc tan học thì cháu có thể để cho bác hai mốt."
Trong một phạm vi dài sáu khối nhà và rộng bốn khối, Kurt là người buôn bán đá lửa duy nhất. Nó có "nguồn cung cấp" riêng mà nó không tiết lộ cho ai biết mặc dù nó không ngừng nhắc đến cái "nguồn" đó. Ban đêm, trước khi đi ngủ, thay vì đọc kinh, nó nói: "Tôi có một nguồn cung cấp."
Với tư cách là cha, tôi đòi quyền được biết "nguồn" của con trai mình. Nó thậm chí không buồn làm ra vẻ bí mật khi nói: "Tôi có một nguồn cung cấp." Nếu giọng nó có biểu hiện một cái gì, thì đó là tự hào và tự tin. "Con kiếm đâu ra những viên đá ấy?" Tôi sẵng giọng. "Nói ngay cho ta 'biết!"
Cái điệp khúc của Maria dạo ấy, mỗi khi tôi gặng hỏi về cái "nguồn", là: "Để cho thằng bé yên nào. Trước hết đó không phải việc của anh; thứ hai, nếu ai có trách nhiệm hỏi, thì đó là tôi; thứ ba, đừng có làm như thể anh là cha đẻ của nó. Mấy tháng trước, thậm chí anh còn không mở miệng được nữa là."
Khi tôi tỏ ra quá đỉa, một mực đòi truy cho ra "nguồn" của Kurt, Maria bèn đập tay xuống thùng mật ong và phẫn nộ đến tận khuya, nàng làm một thôi một hồi vào mặt cả tôi lẫn Guste đôi khi cũng về hùa với Oskar: "Đẹp mặt các người nhỉ! Định phá việc làm ăn của thằng bé đấy hẳn. Hừ, cắn cả vào bàn tay cho mình ăn! Nghĩ đến tí chút ca-lô-ri Oskar được trợ cấp ốm, đớp hai ngày hết xoẳn mà thấy buồn nôn! Không, thực ra là buồn cười chứ!"
Oskar không thể phủ nhận điều đó: dạo ấy, tôi ăn như thuồng luồng và chính nhờ có Kurt và "nguồn" của nó mang lại nhiều lời hơn mật ong, mà Oskar hồi phục được sức khoẻ sau chế độ ăn còm cõi ở bệnh viện.
Oskar đành im miệng, xấu hổ. Với món tiền tiêu vặt mà bé Kurt hào phóng chi cho, hắn thường ra khỏi căn hộ ở Bilk càng nhiều càng tốt để tránh phải đối mặt với nỗi nhục của mình.
Ngày nay, có nhiều kẻ giàu xụ phê phán phép màu kinh tế,[1] họ thường lên giọng hoài cổ - và càng ít nhớ về tinh hình ngày xưa bao nhiêu, họ lại càng tỏ ra hoài cổ bấy nhiêu - mà than: "Ôi, những ngày tốt đẹp trước khi có cuộc cải cách tiền tệ! Mọi người sống hay biết bao! Bụng lép kẹp vẫn xếp hàng chờ mua vé xem hát. Và những cuộc liên hoan bất chợt ngẫu hứng với mấy chiếc bánh quy mặn và một chai rượu khoai tây, mới tuyệt làm sao! Còn vui gấp mấy những pạc-ti linh đình, la liệt ca-vi-a và sâm-banh bây giờ."
Đó là cái mà quý vị có thể gọi là chủ nghĩa lãng mạn của những thời cơ bị mất. Tôi có thể hòa giọng cùng than với họ nếu tôi muốn, bởi vì vào những ngày mà "nguồn" của Kurt tuôn trào, tôi bỗng trở nên ham học và tích lũy được một số kiến thức văn hoá hầu như miễn phí. Tôi theo những lớp học ban đêm, trở thành khách thường xuyên của British Center còn gọi là " Die Brücke (cây cầu)", tranh luận với cả những người đạo Thiên Chúa lẫn Tin Lành về trách nhiệm tập thể và chia sẻ cảm giác phạm tội của tất cả những ai tự nhủ mình: "Hãy làm phần việc của mình bây giờ đi; rồi khi tình hình bắt đầu khả quan hơn thì ta đã dứt điểm rồi và lương tâm ta sẽ yên ổn."
Dù sao đi nữa, chính nhờ những lớp học đêm mà tôi đã gom nhặt được chút học vấn hiện có. Tôi phải thú nhận ngay rằng nó chưa đi đến đâu mà những lỗ hổng thì thật là vĩ đại. Tôi bắt đầu đọc nghiến ngấu; giờ đây lớn rồi, tôi không còn thỏa mãn với một thế giới quá ư đơn giản hoá chia đều giữa Goethe và Rasputin, hoặc với những thông tin có thể lựa ra từ những số tạp chí Lịch Hàng Hải của Kohler từ 1904 đến 1916. Tôi không còn nhớ tôi đã đọc những gì. Tôi đọc trong cầu tiêu. Tôi đọc trong khi xếp hàng mua vé xem hát, giữa những cô gái để tóc bím kiểu rô-cô-cô cũng đang đọc. Tôi đọc trong khi Kurt bán những viên đá lửa của nó và trong khi bản thân tôi đang đóng gói mật ong tổng hơp. Và khi cắt điện, tôi đọc dưới ánh sáng của những ngọn nến cũng từ "nguồn" của Kurt mà ra.
Tôi lấy làm xấu hổ mà thưa rằng những gì tôi đọc dạo ấy không hề tồn đọng trong tôi, nó vào mắt này, ra mắt kia. Tôi chỉ giữ lại được một số cách đảo câu, vài ba câu cách ngôn, thế thôi. Còn nhà hát? Một số tên diễn viên: Hoppe, Peter Esser, Flickenschildt và cái cách phát âm chữ r rất đặc biệt của nàng. Tôi nhớ một vài sinh viên kịch nghệ ở những nhà hát thể nghiệm tìm cách cải tiến lối phát âm chữ r của Flickenschildt. Tôi nhớ Gründgens trong vai Tasso, ông có mặc đồ đen, nhưng bỏ vòng nguyệt quế do Goethe chỉ định, viện cớ là lá nguyệt quế làm hỏng tóc ông. Và vẫn Gründgens cũng vận đồ đen trong vai Hamlet. Và Flickenschildt quả quyết rằng Hamlet béo. Cái sọ của Yorick gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi vì từ đó mà Gründgens rút ra những nhận xét kỳ diệu. Họ diễn Draussen vor der Tür [2] trong những rạp hát không có hệ thống sưởi trước những cử tọa như bị bắt mất hồn; đối với tôi, Beckmann trong vai người đàn ông mang mục kỉnh vỡ chinh là Köster, chồng của Guste, người sẽ thay đổi tất cả khi trở về và sẽ vĩnh viễn làm cạn "nguồn" của Kurt con trai tôi.
Giờ đây, khi tất cả đã ở sau lưng, tôi biết rằng một cuộc nhậu sau chiến tranh chỉ là một cuộc nhậu và do đó, kèm theo một cảm giác ngất ngây khó chịu; một triệu chứng của cái ngất ngây đó là những việc làm tốt hay xấu mà mới ngày hôm qua còn tươi nguyên và sống động, nay đã thành lịch sử. Giờ đây, một lần nữa, tôi lại có thể đánh giá những gì Gretchen Scheffler đã dạy tôi giữa những vật lưu niệm du lịch và những đồ đan, móc của bà: không quá nhiều Rasputin, Goethe vừa phải thôi, Lịch sử thành phố Danzig của Keyser, trang bị vũ khí của một chiến thuyền nằm sâu dưới đáy biển từ bao lâu nay, tốc độ (tính bằng hải lý) của tất cả các ngư lôi hạm Nhật Bản đã tham gia trận Tsushima, chưa kể Belisarius và Narses, Totila và Teja như được thể hiện trong Cuộc đấu tranh vì thành Roma của Felix Dahn.
Mùa xuân năm 1947, tôi bỏ lớp học ban đêm, British Center, ông mục sư Niemöller và từ hàng ban-công thứ hai, tạm biệt Gründgens vẫn đóng Hamlet trong chương trình.
Chưa đầy hai năm trôi qua kể từ khi bên huyệt Matzerath, tôi quyết định lớn, thế mà tôi đã hết thú đời sống người lớn. Tôi mơ về cái kích thước ba tuổi đã mất của mình. Tôi lại muốn cao chín mươi tư xăng-ti-mét một lần nữa, thấp hơn bạn và thày Bebra của tôi, thấp hơn Roswitha yêu quý đã ra đi. Oskar nhớ cái trống của mình. Tôi làm những cuộc đi dạo dài, thường là kết thúc ở trước Bệnh viện thành phố. Bất kể thế nào, mỗi tháng tôi cũng phải đến Giáo sư Irdell một lần, ông coi Oskar là một "ca" lý thú. Với những khoảng cách đều đặn, Oskar đến thăm các nữ y tá hắn đã quen trong thời gian điều trị, và ngay cả những lúc họ không có thì giờ dành cho hắn, những bộ đồng phục trắng hối hả của họ, tượng trưng cho sự bình phục hay cái chết, cũng đem lại cho hắn một cảm giác gần như là hạnh phúc.
Các nữ y tá niềm nở với tôi, họ đùa với cái bướu của tôi một cách trẻ con nhưng không hề tinh quái, đãi tôi những món ngon lành và kể cho tôi nghe những chuyện dây cà ra dây muống, ru ngủ một cách dễ chịu về những phức tạp trong đời sống bệnh viện. Tôi lắng nghe, góp ý kiến và thậm chí còn có thể làm trọng tài cho một số cuộc cãi vã nho nhỏ của họ, vì tôi được cảm tình của nữ y tá trưởng. Vào những ngày đó, Oskar là người đàn ông duy nhất giữa trên dưới hai mươi nữ y tá, nói cách khác, hai mươi cô gái không còn trẻ lắm ngụy trang dưới những bộ đồng phục nữ y tá - kể cũng lạ, hắn thành một đối tượng để khao khát.
Như Bruno đã tả, Oskar có đôi bàn tay đẹp, biểu cảm, mái tóc lượn sóng, và đôi mắt Bronski xanh thăm thẳm, đầy sức chinh phục. Rất có thể, Sự hấp dẫn của đôi bàn tay, đôi mắt và mái tóc của tôi lại được tô đậm thêm bởi cái bướu và độ xít xao khó coi giữa cái cằm và bộ ngực hẹp vồng lên. Dù sao đi nữa, không phải ít lân, trong khi tôi ngồi trong phòng các nữ y tá, họ nắm tay tôi, nghịch nghịch những ngón tay tôi, vuốt tóc tôi và nói với nhau lúc ra khỏi phòng: "Cứ nhìn vào mắt anh ta là quên hết tất cả."
Vậy là tôi hơn hẳn cái bướu và nếu như tôi còn có cái trống, nếu như tôi có thể tin cậy vào tài đánh trống của những năm trước, rất có thể tôi đã thử tiến hành một cuộc chinh phục ở bệnh viện. Thực tế, tôi cảm thấy thiếu tự tin và không dám chắc về những phản ứng cơ thể của mình và tôi rời khỏi bệnh viện sau những món khai vị tình cảm ấy mà không dám dấn thêm bắt vào hành động chính. Tôi hít thở khí trời, đi dạo trong vườn hoặc quanh hàng rào dây thép, những mắt lưới nhỏ đều đặn của nó làm tâm trí tôi thư thái đến nỗi bật ra thành tiếng huýt gió. Tôi nhìn ngắm những chuyến xe điện đi về hướng Wersten và Benrath hoặc tha thẩn dọc theo lối đi dạo trong công viên bên cạnh đường cho xe đạp, và với một cảm giác buồn chán khoan khoái, tôi mỉm cười với những cố gắng của thiên nhiên đang sắm vai Mùa Xuân và, tuân thủ chương trình triệt để, làm các mầm, nụ nở bung hồ như nghe thấy được.
Bên kia đường, người họa sĩ Chúa Nhật của chúng ta ở trên Lời mỗi ngày lại thêm chút màu xanh tươi vào rặng cây của nghĩa trang Wersten. Các nghĩa trang bao giờ cũng hấp dẫn tôi. Chúng được bảo quản tốt, rất rõ nét, lô-gich, cường vượng và sống động. Trong nghĩa trang, người ta có thể huy động can đảm để đi đến những quyết định, trong nghĩa trang, cuộc sống hiện ra với đường viền thật nét - đây tôi không nhằm nói những cạnh viền mộ đâu - và, nếu quý vị muốn, mang một ý nghĩa.
Dọc theo tường phía bắc của nghĩa trang, có một con phố tên là Bittweg, lãnh địa của sáu vị sản xuất bia mộ. Có hai hãng lớn: C. Schnoog và Julius Wobel, còn lại đều là những thợ thủ công nhỏ: R. Haydenreich, J. Bois, Kühn & Müller và P. Korneff. Những xưởng và lán với những tấm biển treo từ trên mái xuống, một số mới kẻ, số khác mờ cũ gần như không đọc nổi, cho biết tên hãng và tính chất của sản phẩm: Bia Mộ - Tang Đài và Viền Mộ - Đá Tự Nhiên và Nhân Tạo - Nghệ Thuật Tang Chế. Biển của Korneff long lở đến nỗi tôi phải đánh vần mãi mớí ra: P. Korneff, Thợ Đẽo Đá và Khắc Bia.
Giữa xưởng và hàng rào dây thép bao quanh sân, là những dãy tang đài trên bệ đơn hoặc kép, nhiều kích cỡ khác nhau, được tính toán để tô điểm cho mọi loại, từ mộ một hoặc hai hoặc ba người cho đến hầm mộ gia đình cho bốn người. Ngay sau hàng rào, in bóng cái mô-típ mắt lưới của nó những lúc trời nắng, là một bộ các kiểu bia mộ đa dạng: đệm đá vôi cho người ví lép, đá phiến đi-o-rít mài bóng, bia mộ cho trẻ con với độ cao tiêu chuẩn tám mươi xăng-ti-mét bằng cẩm thạch Silesia hơi vẩn, có đường rãnh viền quanh, phía trên có trang trí hoa văn khắc chìm, phần lớn là hình những đoá hồng gẫy. Rồi đến một loạt những phiến đá cát kết xoàng xĩnh thu nhặt từ những mặt tiền của các nhà ngân hàng và cửa hàng bách hoá tổng hợp bị bom. Bày ở chính giữa là mặt hàng vua: một tang đài bằng cẩm thạch Tyrol trắng ngả xanh lơ gồm ba bệ, hai tấm phụ hai bên một bia lớn chạm khắc rất phong phú, thể hiện cái mà người trong nghề gọi là thánh thể. Thánh thể này không có râu, với những nét nổi bật là: đầu đội vòng gai, hai bàn tay xòe mở, và hai đầu gối chếch về bên trái, ba chiếc đinh câu rút và máu chảy cách điệu từ vết thương bên mạn sườn Người, năm giọt, theo tôi nhớ mang máng.
Đây không phải là tang đài duy nhất ở phố Bittweg thể hiện một Thánh thể chếch về bên trái - đôi khi có cả chục cái chuẩn bị cho mùa xuân. Nhưng Chúa Jêxu Kirixitô của Korneff đã gây ấn tượng đặc biệt dối với tôi bởi vì, phải, bởi vì Người rất giống tay Lực Sĩ trên Thánh Giá của tôi, bắp thịt cuồn cuộn, ưỡn ngực trên ban thờ chính trong Nhà Thờ Thánh Tâm. Tôi lượn lờ hàng giờ bên hàng rào, lướt một cái que dọc những mắt lưới dây thép, nghĩ về đủ mọi thứ và chẳng về cái gì cụ thể, loay hoay với một đôi điều ước bâng quơ. Một thời gian dài, Korneff không ló mặt. Một cái ống khói bếp lò đầy những đầu gối và khuỷu tay nhô ra khỏi một trong những cửa sổ của xưởng rồi thòi lên mái bằng. Hồi ấy, không thể kiếm được than tốt. Khói vàng phụt lên từng đợt rồi là là xuống lớp giấy lợp mái. Khói lọt ra từ cửa sổ, trườn xuống ống máng và tan lần vào giữa những bia mộ đang làm dở. Bên ngoài cánh cửa trượt của xưởng, một chiếc xe ba bánh phủ mấy lần bạt như thể ngụy trang để tránh những máy bay là thấp tấn công. Những tiếng động từ trong xưởng - gỗ choảng sắt, sắt cắn đá - chứng tỏ ông thợ đẽo đá đang làm việc.
Vào tháng 5, không còn những tấm bạt trên chiếc xe ba bánh, cánh cửa trượt để mở. Tôi có thể thấy màu xám trên màu xám trong xưởng, những phiến đá trên bàn cắt, một cái máy mài nom giống như giá treo cổ, những giá đầy mẫu thạch cao và cuối cùng là Korneff. Ông đi khòng khòng, đầu gối bao giờ cũng gập, đầu chúi về đằng trước, cứng ngắc. Gáy ông chằng chịt những băng dính trước màu hồng nay đầy bụi. Ông bước ra khỏi xưởng, tay cầm cào và, biết chắc mùa xuân đã tới, bắt đầu làm vệ sinh. Ông cào thật kỹ giữa những tấm bia mộ, để lại những vệt trên sỏi; thỉnh thoảng ông dừng lại để phủi những lá vàng khỏi một số tang đài. Đang nhìn ông cào giữa những đệm đá vôi và những phiến đi-ô-rít gần hàng rào, tôi bỗng giật mình khi ông đột ngột cất tiếng: "Có chuyện gì đấy, cháu, gia đình không chứa chấp cháu nữa chăng?’"
"Cháu thích những bia mộ của bác lắm," tôi đáp. "Không nên nói to điều đó lên," ông nói. "Xui lắm. Nói vậy, khéo rồi có một cái trên đầu mình lúc nào không biết."
Mãi đến lúc này ông mới cử động cái cổ cứng ngắc, liếc nhìn tôi, hay đúng hơn, cái bướu của tôi: "Này, người ta đã làm gì cháu vậy? Thế, nằm ngủ không thấy vướng ư?"
Tôi để cho ông cười dứt. Rồi tôi giải thích rằng một cái bướu không nhất thiết là một trở ngại, rằng cách nào đó, tôi có thể khắc phục nó, rằng - ông có tin hay không thì tuỳ - một số phụ nữ, thậm chí cả con gái trẻ, lại có cái tật thích bướu và rất vui lòng được thích ứng với những kích thước đặc biệt và khả năng của một anh gù.
Tựa cằm vào cán cào, Korneff ngẫm nghĩ: "Có thể thế. Ta đã nghe nói vậy."
Rồi ông kể tôi nghe hồi ông ở mỏ đá ba-dan, có một phụ nữ có cái chân gỗ có thể tháo ra được. Cái đó, theo cách suy nghĩ của ông, cũng tựa như cái bướu của tôi, cho dù cái "đồng hồ ga" của tôi (ông cứ một mực gọi thế) không tháo ra lắp vào được. Hồi ức của ông thợ đẽo đá dài, rộng và triệt để. Tôi kiên nhẫn đợi ông kể hết, đợi cho người đàn bà của ông lắp cái chân trở lại. Rồi tôi hỏi ông có thể cho tôi vào thăm xưởng được không.
Korneff mở cánh cổng ở hàng rào và chỉ cái cào về phía cửa trượt ra ý mời. Sỏi kêu rào rạo dưới chân tôi và lát sau, tôi ngập vào trong mùi xuyn-phua, mùi vôi và mùi ẩm.
Những vồ gỗ nặng hình quả lê với những hõm xơ ra chứng tỏ tay quai vồ lão luyện, nhát nào cũng như nhát nào, nằm trên những tấm đá mới đẽo thô. Những dụng cụ đục mới rèn lại, còn xanh nước tôi, các loại đục để làm cẩm thạch, bột đánh bóng sấy khô trên những ghế đẩu vuông và trên những khúc gỗ tròn, một tấm bia mài bóng, vàng rộm, mỡ màng, dành cho một ngôi mộ đôi, đã dựng đứng, sẵn sàng để được chuyển đi.
"Đây là cái búa đột, đây là cái đục khum, đây là cái khoét rãnh, còn cái này," Korneff giơ một thanh ván rộng bằng bàn tay và dài khoảng một mét và xem xét kỹ cạnh của nó, "cái này là thước vạch. Ta cũng dùng nó để đập bọn thợ học việc nếu chúng cứ ì thần xác ra."
Tôi hỏi, không phải hoàn toàn vì lịch sự: "Vậy bác cũng dùng thợ học việc à?"
Korneff cho tôi biết những khó khăn của ông: "Ta có đủ việc cho năm đứa. Song chẳng kiếm được thằng nào. Cái bọn nhãi bây giờ chỉ muốn học kiếm tiền ngoài chợ đen thôi," Giống như tôi, ông thợ đẽo đá chống những hoạt động chợ đen khiến cho bao thanh niên có triển vọng không học được những nghề hữu ích. Trong khi Korneff chỉ cho tôi những loại đá mài từ thô đến mịn và tác dụng của chúng trên một phiến Solnhof, thì tôi cũng mài một ý nho nhỏ trong đầu. Đá bọt, đá cát kết màu nâu sô-cô-la để mài thô, đá tripoli để mài ba lần, ông tiếp tục giới thiệu, và đây, cái ý nho nhỏ của tôi lại chòi ra nhưng đã nhẵn hơn, bóng hơn. Korneff chỉ cho tôi những mẫu chữ, nói về việc khắc chữ nổi và chìm, về mạ chữ vàng. "Không tốn như mọi người tưởng đâu; với một đồng ê-quy thật, ta có thể mạ cả một con ngựa cùng người cưỡi," ông nói. Điều này khiến tôi nghĩ đến tượng đài vua Wilhelm cưỡi ngựa ở Heumarkt, Danzig mà có thể chính quyền Ba Lan sẽ ra quyết định mạ vàng, nhưng cả ngựa lẫn người cưỡi đều không thể khiến tôi từ bỏ cái ý nho nhỏ của tôi, nó hình như càng lúc càng sáng bóng hơn. Tôi tiếp tục vuốt ve nó, rồi đi đến chỗ phát biểu nó thành lời trong khi Korneff đang giải thích cách vận hành của một cái máy đột ba chân và gõ gõ vào một mô hình Chúa Kirixitô bị đóng đinh trên Thánh Gíá: "Vậy là bác đang nghĩ đến chuyện lấy thợ học việc?" Đó là bản nháp đầu. Cái ý nho nhỏ của tôi đang triển khai. Thực ra, tôi nói như thế này: "Cháu hiểu là bác đang kiếm một thợ học việc. Hay là cháu nhầm?" Korneff xoa xoa lớp băng dính trên những cái nhọt ở gáy. "Có nghĩa là, liệu bác có lấy cháu làm thợ học việc không, bất kể mọi cái khác?" Câu hỏi đặt không khéo và tôi chữa liền: "Bác đừng đánh giá thấp sức khỏe của cháu, bác Korneff thân mến. Chỉ có chân cháu là kém phát triển thôi. Hai cánh tay cháu rất khoẻ." Phấn khởi vì quyết định của chính mình và quyết tâm đi đến cùng, tôi vén tay áo trái lên và đề nghị Korneff nắn thử bắp thịt tôi, nó nhỏ nhưng chắc nịch. Thấy ông không làm gì, tôi bèn nhặt một cái đục nằm lăn lóc trên một miếng đá vôi và đập đập cho phần kim khí nảy lên nảy xuống trên bắp thịt cánh tay tôi. Tôi tiếp tục phô diễn cho đến khi Korneff mở máy mài; một cái đĩa các-bô-răn-đơm chạy sè sè trên bệ của một tấm bia dành cho mộ đôi. Sau một lúc, Korneff, mắt vẫn dán vào máy, quát lên cho át tiếng ồn: "Đêm về nghi cho kỹ đi, con. Công việc khó nhọc đấy. Khi nào nghĩ cho chín thì đến gặp ta. Ta sẽ nhận con nếu con còn cảm thấy thích."
Theo lời dặn của Korneff, đêm đêm, tôi suy nghĩ về ý định của mình suốt một tuần. Tôi cân nhắc, so sánh: một bên là những viên đá lửa của Kurt, bên kia là những bia mộ của Korneff. Maria luôn luôn cằn nhằn: "Anh là đồ ăn bám, Oskar. Tại sau anh không thử làm một vụ gì đi? Trà hay cacao, hay sữa bột chẳng hạn." Tôi chẳng thử làm gì sất; thay vì, tôi tận hưởng sự tán thưởng của Guste, chị luôn nêu người chồng Köster vắng mặt như một tấm gương để noi theo và khen thái độ tiêu cực của tôi đối với chợ đen. Điều thực sự làm tôi phiền lòng là thằng con trai Kurt của tôi, nó cứ ngồi đó cộng những cột con số tưởng tượng và phớt lờ tôi hệt như tôi đã phớt lờ Matzerath trong bao năm.
Chúng tôi đang ăn trưa. Guste đã ngắt chuông điện để các khách hàng khỏi thấy chúng tôi ăn trứng tráng với thịt sấy. Maria nói: "Anh thấy đấy, Oskar, chúng ta có những của ngon vật lạ mà ăn là vì sao? Vì chúng ta không khoanh tay ngồi rồi." Kurt buông một tiếng thở dài. Đá lửa đã hạ xuống mười tám. Guste lặng lẽ ăn thật lực. Tôi cũng thế, tôi ăn khoái khẩu, nhưng mặc dù khoái khẩu, tôi vẫn cảm thấy khổ sở, có lẽ vì món trứng tráng không thực sự ngon lắm và đột nhiên, khi cắn một miếng sụn, tôi cảm thấy khao khát hạnh phúc đến nỗi má tôi nóng ran. Ngược với trí xét đoán khôn ngoan, bất chấp tính hoài nghi thâm căn cố đế của mình, tôi vẫn muốn hạnh phúc. Tôi muốn hạnh phúc vô biên. Trong khi những người khác vẫn ăn, hài lòng với món trứng tráng, tôi rời bàn, đi đến tủ buýp-phê như thể trong đó có hạnh phúc vậy. Bới đảo ngăn tủ của mình, tôi tìm thấy, không phải hạnh phúc, mà là hai gói thuốc tẩy uế của ông Fajngold đăng sau cuốn album ảnh. Tôi lấy ra - không, không phải hạnh phúc - chiếc vòng hồng ngọc đã được tẩy uế triệt để, chiếc vòng xưa kia thuộc về mẹ tôi, chiếc vòng mà nhiều năm trước đây, vào một đêm đông tuyết rơi không ngớt, Jan Bronski đã lấy từ một tủ kính cửa hàng có một lỗ tròn được khoét trước đó một lát bởi Oskar, hồi đó còn hạnh phúc và có khả năng cắt thuỷ tinh bằng giọng hát của mình. Và với chiếc vòng đó, tôi ra khỏi nhà. Chiếc vòng, tôi cảm thấy, sẽ là sự khởi đầu của tôi, điểm xuất phát của tôi. Tôi đáp xe đến Ga trung tâm, bụng nghĩ nếu mọi sự trôi chảy... và suốt cuộc thương lượng kéo dài, những ý nghĩ ấy luôn luôn ở trong đầu tôi. Nhưng gã cụt tay và gã Xăc-xông mà gã kia gọi là giám định viên, chỉ thấy giá trị vật chất của món hàng của tôi, mà đâu có ngờ rằng họ đã mở ra trước mặt tôi con đường dẫn tới hạnh phúc khi, đổi lấy chiếc vòng của mẹ tội nghiệp của tôi, họ trao cho tôi một cái cặp bằng da thật và mười hai tút thuốc lá Lucky Strikes.
Chiều hôm ấy, tôi trở về Bilk. Tôi mở bọc, bỏ ra mười hai tút Lucky Strikes, một gia sản. Tôi thưởng thức sự kinh ngạc của họ, đẩy đống thuốc lá vàng ươm cao như núi về phía họ mà rằng: "Cho các người đấy. Từ giờ trở đi, tôi muốn các người để cho tôi yên. Đổi lấy ngần nấy thuốc lá, như vậy đâu phải là yêu cầu quá đáng. Ngoài ra, tôi muốn một cà-mèn đựng bữa trưa hằng ngày, bắt đầu từ mai. Tôi hy vọng các người may mắn với mật ong và đá lửa của các người," tôi nói không chút giận dữ hoặc hờn oán, "về phần tôi, tôi sẽ thực hành một nghệ thuật khác, hạnh phúc của tôi sẽ được viết - hay để nói một cách chuyên nghiệp hơn - được khắc trên bia mộ."
Korneff lấy tôi vào làm chân phụ việc cho ông với số lương một trăm reichmark một tháng. Không nhiều lắm, nhưng tôi vẫn làm rất chuyên cần. Đến cuối tuần đâu thì rõ ra, là tôi không đủ sức để làm công việc nặng. Tôi được giao chạm nổi một tấm granít Bỉ, vừa đưa từ mỏ đá về, cho một hâm mộ gia đình. Mới một tiếng đồng hồ, tôi đã hầu như không cầm nổi đục nữa, còn tay cầm vồ thì đã tê dại. Tôi cũng phải để lại việc đục thô cho Korneff, nhưng nhờ khéo tay, tôi có thể nhận việc chạm nét nhỏ và viền răng cưa, làm vuông cạnh những tấm đá và hoàn tất những đường viền. Ngồi trên một khúc gỗ tạm làm ghế, tay phải cầm đục, tay trái cầm một chiếc vồ gỗ hình quả lê hay một cái búa đột bằng sắt (mặc dầu Korneff phản đối vì ông muốn luyện tôi thành thuận tay phải); kim khí kêu vang trên đá, sáu mươi tư mũi nhọn của cái búa đột cùng một lúc cắn vào đá cho nó mềm đi. Đây là hạnh phúc; đành rằng chưa sánh được với cái trống của tôi, chỉ là một thế phẩm, nhưng trên đời cũng có cái gọi là hạnh phúc-thế phẩm chứ. Mà có lẽ hạnh phúc chỉ tồn tại ở dạng thế phẩm mà thôi. Có lẽ mọi hạnh phúc chỉ là một thế phẩm cho hạnh phúc. Vậy thì tôi đang ở trong một nhà kho đầy hạnh phúc-thế phẩm: hạnh phúc cẩm thạch, hạnh phúc đá cát kết. Hạnh phúc rắn: đá cara. Hạnh phúc giòn, vẩn mây: minh ngọc thạch. Hạnh phúc của thép crôm cắt vào đá đi-o-rít. Đá đô-lo-mít: hạnh phúc xanh. Hạnh phúc mềm: đá tufa. Hạnh phúc nhiều màu từ sông Lahn. Hạnh phúc xốp: đá ba-dan. Hạnh phúc lạnh giá từ sông Eifel. Như một hỏa diệm sơn, hạnh phúc phun lên và rớt lả tả thành một lớp bụi và sạn bám giữa những kẽ răng tôi.
Tôi tỏ ra khéo nhất trong việc khắc các dòng chữ. Về điểm này, tôi mau chóng vượt Korneff và ông giao cho tôi toàn bộ công việc trang trí - lá ô-rô, hoa hồng gẫy cho mộ trẻ con, những biểu tượng của đạo Thiên Chúa như XP hay IHRI, lòng máng và hạt, trứng và mỏ neo, đường chỉ đơn và kép. Oskar cung cấp bia mộ với mọi kiểu trang trí, giá nào cũng có. Và khi tôi gò mình tám tiếng đồng hồ trên một tấm bia đi-o-rít đã mài bóng, hơi phả vào làm nhòa mặt đá, để khắc lên đó những dòng chữ như: Nơi đây yên nghỉ trong tay Chúa người chồng yêu dấu của tôi - xuống dòng - Cha, anh và chú thân yêu của chúng tôi - xuống dòng - Joseph Esser - xuống dòng - sinh ngày 3/4/1885, mất ngày 22/6/1946 - xuống dòng - Cái Chết là Cánh cửa vào Sự sống - rồi đọc lại những dòng đó, tôi nhận ra một hạnh phúc-thế phẩm, có nghĩa là tôi cảm thấy sung sướng khoan khoái. Để tỏ lòng cảm ơn Joseph đã qua đời ở tuổi sáu mốt và cảm ơn những đám mây đi-o-rít nho nhỏ màu xanh do mũi đục của tôi khuấy lên, tôi đăc biệt bỏ công vào những chữ 0 trên mộ chí của Esser; Oskar rất thích chữ cái 0 và những chữ 0 của tôi bao giờ cũng đều tăm tắp và liền một nét tuy có hơi quá to.
Cuối tháng 5, tôi bắt đầu làm thợ phụ việc cho một thợ đẽo đá; đầu tháng 10, Korneff có thêm hai cái nhọt mới ở gáy và đã đến lúc phải dựng cái bia bằng đá t’ra-véc-tin dành cho Herbert Webknecht và Else Webknecht, họ gốc là Freytag, ở nghĩa trang phía Nam. Trước đó, vì không tin ở sức lực của tôi, Korneff không đem theo tôi đến nghĩa trang. Khi ông phải dựng một bia mộ, ông thường mượn một thợ phụ của Julius Wobel (ông này thuê những tám người giúp việc), một tay điếc đặc nhưng làm việc tốt. Đáp lại, Korneff sẵn sàng giúp Wobel một tay trong những trường hợp đột xuất. Năm lần bảy lượt, tôi xin tình nguyện phục vụ ngoài nghĩa trang mà không được; nghĩa trang vẫn giữ nguyên sức hấp dẫn đối với tôi, mặc dầu dạo này tôi không có điều gì cần phải quyết định. May sao, tháng mười là mùa cao điểm ở xưởng của Wobel, ông ta cần tất cả các người làm của mình cho đến kỳ sương giá, nên Korneff đành phải dùng đến tôi.
Chúng tôi đặt tấm bia lên những trục lăn bằng gỗ cứng và đẩy nó theo bệ dốc lên phía sau chiếc xe ba bánh. Chúng tôi đặt đế bia ở bên, lấy bao xi-măng không chèn các cạnh, chất dụng cụ, xi-măng, cát, sỏi lên xe cùng các trục lăn và hòm để lát nữa chuyển bia xuống. Tôi đóng ván hậu, Korneff lên xe và nổ máy. Rồi ông thò đâu và cái cổ đầy nhọt ra cửa xe, quát: "Đi nào, nhóc. Lấy cái hộp đồ ăn trưa và lên xe!"
Chúng tôi từ từ đi vòng Bệnh viện thành phố. Bên ngoài cổng chính, các nữ y tá như những đám mây trắng, trong đó có một nàng tôi quen, Gertrude. Tôi vẫy, nàng vẫy lại. May sao lại thấy nàng, tôi nghĩ, hôm nào mình phải rủ nàng đi chơi, mặc dù lúc này không thấy nàng nữa vì chúng tôi đã rẽ về phía sông Rhine, mời nàng cùng làm một cái gì, hướng tới Kappeshamm; đi xem chiếu bóng hay tới nhà hát xem Gründgens diễn; a, đây rồi, cái tòa nhà bằng gạch vàng, nhưng không nhất thiết là đi xem hát, khói từ lò hoá thân hoàn vũ bay trên hàng cây vào thu, thay đổi khung cảnh có thể tốt cho Xơ, Gertrude ạ. Lại một nghĩa trang khác, những người sản xuất bia mộ khác: Beutz & Kranich, Pottgiesser, đá tự nhiên, Bohm, nghệ thuật tang chế, Gockehn, trồng cây và tạo cảnh mộ địa; hỏi giấy tờ ở cổng vào nghĩa trang, vào một nghĩa trang đâu có dễ: bia đá t’ra-véc-tin cho mộ số 79, khu Tám, Webknecht Hermann. Người gác đưa hai ngón tay lên mũ chào, để hộp đồ ăn trưa lại chỗ lò hoá thân hoàn vũ để hâm cho nóng, và kìa, đứng trước bình đựng hài cốt là Leo Schugger.
"Người đeo găng trắng có phải là Leo Schugger không?" tôi hỏi Korneff.
Korneff sờ sờ đám nhọt: "Không, không, ta chưa bao giờ nghe nói đến một cha Leo Schugger nào cả. Đây là Willem-Nhớt-Dãi; anh ta ở luôn đây."
Làm sao tôi có thể thỏa mãn với cái thông tin này được? Bản thân tôi đây đã ở Danzig và bây giờ tôi ở Düssendorf, thế nhưng tôi vẫn tên là Oskar: "Ở Danzig có một người luôn quanh quẩn ở các nghĩa trang, nom y hệt người này. Anh ta tên là Leo Schugger; trước khi lai vãng các nghĩa trang, tên anh ta chỉ gọn ghẽ là Leo, một sinh viên của chủng viện."
Korneff, tay trái vẫn đặt trên đám nhọt, tay phải vặn lái cho xe vòng quanh lò hoá thân hoàn vũ: "Rất có thể. Ta biết cả một lô bọn họ nom y như nhau, khởi đầu học ở chủng viện rồi bây giờ sống ở các nghĩa trang dưới những cái tên khác nhau. Thằng cha ở đây tên là Willem-Nhớt-Dãi."
Chúng tôi vượt qua Willem-Nhớt-Dãi. Anh ta giơ một cái găng trắng vẫy chúng tôi và tôi cảm thấy thoải mái trong Nghĩa trang phía Nam này.
Tháng mười, những lối đi trong nghĩa trang, thế giới đang rụng răng, rụng tóc - một cách khác để nói rằng lá vàng từ trên cây vẫn rơi hoài hoài. Im lặng, những con chim sẻ, những người đi dạo, chiếc xe ba bánh của chúng tôi xình xịch chạy về Khu Tám vẫn còn khá xa. Đây đó, mấy bà già xách bình tưới và những đứa cháu nhỏ, nắng trên gra-nít đen Thuỵ Điển, những bia tưởng niệm, những cột gẫy - tổn thất chiến tranh thật hay tượng trưng - một thiên thần xanh xỉn sau một cây thủy tùng hay một cái gì giống như cây thuỷ tùng. Người đàn bà đưa bàn tay cẩm thạch lên che mắt bị chói bởi chính ánh cẩm thạch của chính mình. Chúa Kirixitô đi dép đá ban phước cho hàng cây du và ở Khu Bốn, một Chúa Kirixitô khác ban phước cho một cây dương, những phút mơ mơ màng màng kỳ thú giữa Khu Bốn và Khu Năm: chẳng hạn như biển cả. Biển xô giạt vào bờ nhiều thứ, trong đó có một xác người. Từ phía sòng bạc Zoppot, tiếng vĩ cầm và phút mở đầu rụt rè của một cuộc bắn pháo hoa lấy tiền cứu trợ thương binh hỏng mắt. Oskar, lên ba, cúi xuống vật trôi giạt, hy vọng đó là Maria hay có lẽ là Gertrude, người mà tôi sẽ phải rủ đi chơi một hôm nào đó. Nhưng đó lại là Lucy đẹp, Lucy trắng ngần, như tôi có thể nhận ra trong ánh sáng pháo hoa lúc này đang dồn dập tới cao trào. Ngay cả nếu tôi không nhìn rõ mặt, tôi vẫn có thể nhận ra cô ta bằng vào cái áo đan kiểu Bavaria mà bao giờ cô ta cũng mặc khi đang định làm điều ác. Khi tôi cởi nó ra khỏi người cô, chất len ướt sũng, cả cái áo trong cũng ướt. Đây cũng là một cái áo vét kiểu Bavaria. Và cuối cùng, khi pháo hoa tắt hẳn vàa chỉ còn tiếng vĩ cầm, tôi tìm thấy, dưới một, hai, ba lần len, trái tim cô ta bọc trong một cái áo may-ô thể thao in tên Liên Đoàn Thiếu Nữ Đức, trái tim cô ta, trái tim Lucy, một cái bia mộ be bé lạnh lẽo trên có ghi: Nơi đây yên nghỉ Oskar - Nơi đây yên nghỉ Oskar - Nơi đây yên nghỉ Oskar...
"Dậy đi, nhóc," Korneff cắt đứt giấc mơ của tôi, giấc mơ bị sóng biển đánh giạt vào bờ và bừng lên dưới ánh pháo hoa. Chúng tôi rẽ trái và Khu Tám, một khu mới chưa có cây và chỉ lưa thưa mấy tấm bia, trải ra phẳng phiu và đói ngấu trước mắt chúng tôi. Tất cả các mộ ở đây đều giống nhau, quá mới chưa kịp trang trí, nhưng năm ngôi mới thì rất dễ nhận ra nhờ những đống vòng hoa đang rữa chuyển sang màu nâu với những dải băng đẫm nước mưa, bạc phếch.
Chúng tôi nhanh chóng tìm ra số 79 ở đầu đãy thứ tư, giáp với Khu Bảy, khu này đã có vẻ ổn định hơn với lác đác những khóm cây lớn nhanh và một số lớn bia mộ. Đa phần bằng cẩm thạch Silesia, hàng lối khá đều đặn. Chúng tôi lại gần số 79 từ phía sau, dỡ các thứ xuống - dụng cụ, xi-măng, sỏi, cát và tấm bia đá t’ra-véc-tin bóng loáng. Chiếc xe ba bánh nẩy mạnh một cái khi chúng tôi lăn tấm bia xuống mấy cái hòm chờ sẵn nó. Korneff rút bỏ cây thánh giá tạm thời, mang tên H. Webknecht và E. Webknecht, khỏi đầu mộ; tôi đưa ông cái khoan và ông bắt đầu khoan hai lỗ - sâu một mét sáu, theo quy định của nghĩa trang - cho hai cột bê-tông trong khi tôi đi lấy nước từ Khu Bảy về để trộn bê- tông. Tôi vừa trộn xong thì ông cũng khoan được một mét rưỡi và bảo thế là xong. Tôi bắt đầu đổ bê- tông vào hai lỗ trong khi Korneff ngồi thở hổn hển trên tấm bia đá t’ra-véc-tin, với tay ra sau gáy sờ mấy cái nhọt. "Chín nẫu rồi," ông nói,"khi nào sắp vỡ là ta biết ngay." Tôi nhồi bê-tông, đầu trống rỗng. Từ Khu Bảy, một đám tang Tin Lành chầm chậm đi qua Khu Tám sang Khu Chín. Khi họ đi ngang cách chúng tôi ba dãy, Korneff tụt xuống khỏi tấm bia và, y theo quy định của nghĩa trang, chúng tôi ngả mũ chào đám tang, từ ông mục sư đến họ hàng người thân của tang quyến. Đi ngay sau linh cữu, một mình, là một phụ nữ mặc đồ đen, người lệch sang một bên. Những người đi sau bà đều to lớn hơn nhiều và lực lưỡng.
Đám tang tới Khu Chín, chỉnh đốn hàng ngũ và bắt đầu tuôn ra cái giọng lên bổng xuống trầm của ông mục sư. Bê- tông đã vón lại và lẽ ra chúng tôi đã có thể đặt đế bia lên. Nhưng Korneff đang nằm sóng soài trên tấm bia đá t’ra-véc-tin. Ông để cái mũ cát-két tụt xuống dưới trán, kéo cổ áo vét và áo sơ-mi xuống, phơi cái gáy ra, trong khi từ Khu Chín, tiểu sử của người chết vẳng tới chúng tôi. Tôi phải trèo lên tấm bia và ngồi lên lưng Korneff. Chỉ liếc mắt một cái là tôi nắm ngay được tình hình. Có hai cái gần như chồng lên nhau. Một người đến chậm với một vòng hoa to tướng hớt hơ hớt hải lao về phía Khu Chín và bài thuyết giảng lê thê đang đi đến kết thúc. Tôi giựt một cái, lột miếng cao dán, lấy một chiếc lá dẻ gai chùi lớp pom-mát sát trùng và xem xét hai cái nhọt bọc. Chúng to gần bằng nhau, màu nâu hắc ín ngả sang vàng. "Hãy cầu nguyện," ngọn gió từ Khu Chín nói. Coi đó như một hiệu lệnh, tôi quay đầu sang một bên và cùng một lúc vừa bóp vừa kéo chiếc lá dẻ gai xuống dưới những ngón tay cái. "Cha chúng ta..." Korneff rên rỉ: "Đừng ấn, kéo đi" Tôi kéo. "... nhân danh Người." Korneff hòa cùng lời cầu nguyện: "... cầu sao Nước Chúa tới." Kéo không ăn thua, tôi lại nặn. "... xong xuôi theo ý người, ở trên Lời cũng như dưới..." Thật là một phép lạ: không hề nổ. Và lại: "... cho chúng con ngày hôm nay." Và Korneff lại bắt kịp: "... tội lỗi và không rơi vào cám dỗ." Nhiều mủ hơn tôi nghĩ. "Nước Chúa và quyền năng và sáng danh." Tôi nặn nốt chỗ mủ."... và đời đời, a-men." Trong khi tôi nặn nhát cuối cùng, Korneff: "A-men," và kéo lần cuối: "A-men." Trong khi bên Khu Chín, người ta đang nói lời phân ưu, Korneff nói một tiếng a-men nữa. Vẫn nằm bẹp trên tấm bia đá t’ra-véc-tin, ông trút một tiếng thở dài nhẹ nhõm. "A-men," rồi tiếp liền: "Có còn chút bê-tông nào để lót đế không?" Có, tôi vẫn còn. Và ông: "A- men."
Tôi rải nốt những xẻng bê-tông cuối cùng để nối hai cái cột. Rồi Korneff tụt xuống khỏi dòng chữ mài bóng và Oskar đưa ông xem những cái lá dẻ gai mùa thu và đống mủ cùng màu của hai cái nhọt. Chúng tôi đội lại mũ và, trong khi đám tang bên Khu Chín giải tán, bắt tay vào dựng tấm bia đánh dấu ngôi mộ của Hermann Webknecht và Else Webknecht, mà hồi con gái mang họ bố là Freytag.
Chú thích:
[1] Chỉ cuộc cái cách tiền tệ ở Tây Đức năm 1948. Việc đưa đồng Deutsche mark thav thế đồng reichmark đã có một ảnh hưởng tâm lý rất tốt đối với các nhà kinh doanh Đức và được coi là một bước ngoặt trong công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế sau chiến tranh ở Tây Đức.
[2] Trước cửa, một vở kịch của Wolgang borchest mô tả tình cảnh cùng quẫn tuyệt vọng của các tù binh chiến tranh trở về sau Thế chiến II.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc