Cho Hậu Thế
ng vừa đặt quyển sách gối đầu giường của mình xuống thì bức tượng Chỉ huy cao lớn hiện ra giữa đêm. Áo rơđanhgốt đen và nơ bướm, mắt xanh, lông mày nhíu lại. Cái miệng tối đen lẩm nhẩm những câu mà Yersin đã thuộc lòng. “Bởi vì dịch hạch là một thứ bệnh mà ta còn tuyệt đối chưa biết nguyên nhân, sẽ không hề phi logic nếu ta đặt giả định rằng có lẽ cả nó cũng do một thứ vi khuẩn đặc biệt gây ra. Vì mọi nghiên cứu thực nghiệm đều phải được hướng lối bằng một số ý tưởng có trước, trong lúc nghiên cứu nó, ta hoàn toàn có thể, thậm chí làm như vậy còn rất hữu hiệu, tin chắc rằng loại bệnh này có tính cách ký sinh.” Khi Pasteur viết ra những câu này, trong lúc trình bày lý thuyết về vi khuẩn của mình như một giả thiết làm việc, Yersin mười bảy tuổi. Hồi ấy ông vẫn còn là một học sinh quá mức nghiêm túc bên dưới tán hàng cây đoạn của trường trung học Morges. Lúc đó là 5 năm trước khi người ta tiêm vắcxin chống bệnh dại lần đầu tiên. Mười bốn năm trước khi phát hiện trực khuẩn dịch hạch ở Hồng Kông.
Cứ như thể Pasteur đã hoàn toàn sáng chế ra ông, Yersin, đã thao túng cuộc đời ông, đời một kẻ chui rúc trong phòng thí nghiệm, cứ như thể ông già bán thân bất toại kia vì không có khả năng đi xa nên đã cử anh sang Hồng Kông thay thế mình, đã cử sang đó cặp giò trẻ trung, đôi cánh tay trẻ trung và đôi mắt xanh trẻ trung củaa Yersin, và nhất là cái tinh thần trẻ trung của Yersin, đã được ông huấn luyện cho khả năng quan sát. Cứ như thể cuộc đời ông là hồi ứng cho một lời tiên tri của Pasteur, kể cả trong sự ngẫu nhiên khiến anh phát hiện trực khuẩn ở nhiệt độ môi trường, trước Kitasato, khi anh không có một lò hấp ở Hồng Kông, còn Kitasato lúc ấy lại đi lạc hướng vì đâm đầu nghiên cứu ở nhiệt độ cơ thể người. Cứ như thể bản thân khám phá của anh chỉ là minh họa cho một câu mà Pasteur đã viết từ trước đó rất lâu: “Trong địa hạt của sự quan sát, sự ngẫu nhiên chỉ có thể trợ giúp cho những cái đầu đã được chuẩn bị kỹ càng.”
Yersin là một phần kéo dài, một sản phẩm nhân bản của nhà nghiên cứu tinh thể trẻ tuổi từng đi khắp châu Âu thời Đế chế thứ hai và viết những câu bừng bừng lửa cháy: “Tôi sẽ đi đến tận Trieste, tôi sẽ đi đến nơi tận cùng thế giới. Tôi sẽ phải khám phá ngọn nguồn cùa axít raxêmic.” Và chàng Pasteur trẻ tuổi nhảy phốc lên những cỗ xe ngựa chở khách, những chuyến tàu, từ Viên sang Leipzig, sang Dresden, sang Munich, sang Praha, tiến hành các nghiên cứu trong các vựa cỏ và tầng áp mái, lèn chặt trong vali những ống nghiệm, ống dẫn, kim tiêm và cái kính hiển vi vốn dĩ là mắt của mắt chúng ta, từ Chamonix vượt qua Biển Băng để lấy các mẫu không khí sạch.
Và Yersin nhận ra rằng Pasteur chưa từng bao giờ là bác sĩ thế mà đã làm đảo lộn lịch sử y học, hẳn sẽ là một nhà thám hiểm giỏi giang, rằng ông ấy mang sở thích thám hiểm, hiện ra trong những hình ảnh mà ông sử dụng để miêu tả các nghiên cứu cùa mình. “Khi tiến lên trong cuộc hành trình khám phá cái chưa biết, nhà bác học rất giống người lữ hành đến được những đỉnh núi ngày càng cao, đứng đó mà dõi ánh mắt tới những khoảng không gian mới mẻ cần khám phá không ngừng.” Chừng chục năm trước khi qua đời, Pasteur sang Edinburgh cùng Ferdinand de Lesseps (Ferdinand de Laseps (1805-1894): một nhà ngoại giao nổi tiếng người pháp, người cho đào kênh Suez và bắt tay làm kênh đào Panama, nhưng chưa hoàn thành), hai người đang ở đỉnh cao của danh tiếng, họ đến gặp con gái của Livingstone, bác sĩ đồng thời là nhà thám hiểm và mục sư. Nhiều năm sau đó, Pasteur từng mời Yersin đi ăn tối sau khi Yersin nói chuyện ở Hội Địa lý và hỏi về những chuyến đi, đã đọc báo cáo về chuyến đi tới đất người Mọi của Yersin, và ngay lập tức hào hứng viết những bức thư giới thiệu, dùng tên tuổi lẫy lừng của mình trợ sức cho kẻ tuy vậy lại chẳng hề muốn nghe nói đến nghiên cứu khoa học nữa và đã rời nhóm nhỏ. Để bày tỏ lòng biết ơn, Yersin đã gửi cho ông một cái răng voi chạm trổ rất đẹp, giờ vẫn được treo trên tường căn hộ của Pasteur, đã trở thành bảo tàng.
Ban đêm, nằm duỗi dài một mình trong căn nhà gỗ ở Hòn Bà, cách xa những quả bom, đã hơn năm mươi tuổi, Yersin không nuôi ảo tưởng về bản thân mình, về danh tiếng của mình. Ông biết rất rõ rồi ra mình sẽ chỉ còn để lại ở sau lưng hai từ La Tinh, Yersinia pestisy, những từ sẽ chỉ có các bác sĩ biết tới.
Hai luận án của Pasteur khi còn trẻ, một về hóa học, Tìm tòi về khả năng bão hòa của axít tín thạch, một về vật lý, Nghiên cứu về các hiện tượng liên quan đến sự phân cực hồi chuyển cùa các chất lỏng, cũng đã không hề bộc lộ ý muốn giành được thành công ngay tức thì trong công chúng.
Thầy của Pasteur là Biot (Jean-Baptiste Biot (1774-1862): bác sĩ người Pháp, đồng thời còn là nhà thiên văn học và nhà toán học). Khi còn là sinh viên, ông đã dự buổi lễ tiếp nhận thầy ông vào Viện Hàn lâm Pháp và đã nghe bài diễn văn cùa thầy, những lời khuyên của nhà bác học già cho các khoa học gia trẻ tuổi, khuyến dụ họ phụng sự cho công việc nghiên cứu thuần túy: “Có thể quần chúng sẽ không biết tên các anh, không biết các anh có tồn tại trên đời. Nhưng các anh sẽ được biết đến, được coi trọng, được kiếm tìm bởi một ít con người sáng chói, ở rải rác khắp nơi trên mặt địa cầu, những người ngang hàng, những người đồng đạo với các anh nơi nghị viện trí tuệ quốc tế, chỉ họ mới có quyền đánh giá các anh và xếp cho các anh thứ hạng, một thứ hạng xứng đáng, mà không thế lực nào của một ông bộ trưởng, không ý chí nào của một hoàng thân, không cơn bốc đồng nào của quần chúng có thể hạ anh xuống thấp, cũng như chúng không thể nâng các anh lên cao, thứ hạng đó sẽ còn mãi, chừng nào các anh còn trung thành với khoa học, cái mang lại cho các anh thứ hạng đó”.
Và nhiều năm sau đó, đến lượt ông già Pasteur viết diễn văn khi trở thành viện sĩ Viện Hàn lâm, mặc lên người bộ lễ phục màu xanh lục và tra thanh kiếm vào vỏ, vinh danh Littré vĩ đại, nhà thực chứng luận, người viết tiểu sử Auguste Comte, chuyên gia về tự vị, người đã chọn các từ “vi khuẩn” và “vi khuẩn học”. Mở đầu, bài diễn văn có giọng điệu hết sức khiêm tốn. “Cảm giác về sự bất toàn lại đang xâm chiếm lấy tôi, hẳn tôi sẽ hết sức bối rối khi đứng ở nơi đây, nếu không tự khoác cho mình bổn phận chuyển trả lại cho khoa học cái vinh dự có thể nói là phi cá nhân mà các ngài đã trao cho tôi.” Lúc nào cũng vậy, thực tế luôn phức tạp hơn vẻ ngoài, và sự khiêm nhường này cũng chỉ là tu từ.
Nó che giấu một sự cao ngạo khủng khiếp. Pasteur đã dành nhiều năm cho việc dựng tượng chính mình. Với cái sở thích vô chừng của người Pháp đối với sự hào nhoáng và các loại công trình tường niệm, vinh quang và những cuộc tranh cãi về chính trị. Sự trộn lẫn lùng nhùng của tinh thần thế giới và tình yêu tổ quốc thiêng liêng đã khiến chàng sinh viên Louis Pasteur, con trai một lính vệ binh của Bonaparte, sau đó trở thành mfgột người cộng hòa nhiệt thành, viết như sau: “Những từ màu nhiệm ấy, tự do và tình huynh đệ, rồi sự cải tổ của Cộng hòa này, nở bừng dưới ánh mặt trời thế kỷ hai mươi của chúng ta, những thứ ấy làm lòng ta tràn ngập những xúc cảm thật mới mẻ, và hết sức tuyệt diệu!”
Tất tật sự trò chính trị kỳ quái đó, tuyệt đối xa lạ với Yersin, đã dẫn dắt Pasteur, ở đỉnh cao danh tiếng của mình, quyết liệt vận động dư luận để được bầu vào Nghị viện, nhưng đã thất bại. Yersin biết Pasteur đã phí hoài rất nhiều thời gian cho những cuộc tranh cãi chống lại các bác sĩ, chống lại sinh sản bộc phát, chống lại Pouchet, chống lại Liebig (Félix-Archimède Fouchet (1800-1872): nhà tự nhiên học người Pháp; Justus von Liebig (1803-1873) là một nhà hóa học ngời Đức, đặc biệt nổi tiếng với sản phẩm thương mại thịt bò miếng mang tên Oxo), chống lại Koch. Bức tượng được dựng từ khi ông vẫn còn sống, đi kèm với nhiều lời chỉ trích rầm rộ, nhiều bài báo ngang với những nhát đục đá và cú búa đập. Những cãi vã bất tận ở Viện Hàn lâm Khoa học và Viện Hàn lâm Y học. Hệ thống phong bì đóng xi nhằm đảm bảo tính có trước cho những khám phá của ông, những cái cuối cùng mãi cuối thế kỷ hai mươi mới được mở. Tấm bằng danh dự mà ông xé nát và gửi trả về Bonn sau sự kiện Sedan và những cuộc dội bom xuống Paris, thỏa ước Frankfurt cũng gớm ghiếc như hiệp ước Versailles sau này. Việc ông ủng hộ chính trị cho người Anh, cho bác sĩ phẫu thuật Lister và câu nói của nhà sinh lý học Huxley ở Hội Hoàng gia bên London: “Chỉ những phát kiến của Pasteur thôi cũng đã đủ bù đắp cho món tiền bồi thường chiến tranh năm tỉ quan mà nước Pháp phải trả cho nước Đức.” Thay vì đó nền Cộng hòa sẽ phải chi một khoản lương hưu cho người cứu rỗi nhân loại, lúc này bị tàn phế. Thế nhưng Pasteur sẽ để lại một cái tên trong Lịch sử, còn Yersin thì không.
Yersin biết rõ mình chỉ là một thằng lùn.
Thế nhưng ông là một thằng lùn khá cao.
Để được lưu danh cho hậu thế, hẳn ông sẽ phải sáng chế ra một sản phẩm tiêu dùng phổ thông. Bởi thế kỷ hai mươi sẽ là thế kỷ của man dã và các thứ nhãn mác được đăng ký. Justus von Liebig và Charles Goodyear, John Boyd Dunlop, André và Édouard Michelin, Armand Peugeot và Louis Renault. Những người ấy, quần chúng sẽ chỉ lãng quên tên riêng chứ không bao giờ quên đi cái họ.
Nếu ông đặt tên thứ nước uống Ko-Ca của mình là Yersinia và thương mại hóa nó, hẳn tên ông sẽ còn lấp lánh mãi về sau này.
Đêm đến, ông nằm duỗi dài trong căn nhà gỗ tại Hòn Bà. Ở tuổi của ông, Pasteur hay cha ông từ lâu đã mắc chứng xuất huyết não. Ông già Pasteur chờ chết trên một chiếc ghế dài sau khi rút về sống ở Villeneuve-I’Étang tại khu đất của Viện, vẫn được cánh Pasteur gọi là khu phụ Garches ở Marnes-la-Coquette và đến giờ vẫn y nguyên, ở ngay giữa thiên nhiên và đám cây lớn của khuôn viên. Đang là mùa hè. Ánh nắng nhảy nhót trên tán lá. Những vệt ánh sáng loang lổ trên mặt đất. Thật thanh bình, ông đang chờ tang lễ quốc gia và buổi lễ ở Nhà thờ Đức Bà dành cho mình, ông đã sắp xếp mọi thứ từ trước với Roux. Thậm chí để ông an nghỉ, người ta sẽ từ chối sự chung chạ trong điện Panthéon. Một khoang mộ khổng lồ sẽ tiếp nhận di hài của ông dưới hầm của Viện. Những hàng cột đá hoa cương, thếp vàng và tranh khảm Byzance. Trong đầu, ông nhẩm những từ cổ lỗ sẽ đi kèm bài điếu văn trong tang lễ ông. Niềm vui, sự quả cảm, lòng ngay thẳng.
Họ đều tuân thủ bài học luân lý của một triết gia cũ, nó rất đơn giản và quả thật không hề tệ: Hãy hoạt động sao cho quy tắc hành động của ngươi có thể được coi như là một quy tắc hành động phổ quát (Câu này là của người Đức Immanuel Kant).
Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả - Patrick Deville Yersin - Dịch Hạch & Thổ Tả