Việt Nam Máu Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 3: Ai Lao
i Lao là nước thứ nhì trong Khối các Quốc Gia Liên Kết và cũng chịu chung ảnh hưởng của trận chiến tranh khốc liệt đang tàn phá Bán Đảo Đông Dương.
Với diện tích rộng 231.000 cây số vuông, Ai Lao chỉ có được một tổng số dân chúng gần hai triệu người, kể cả những nhóm dân tộc thiểu số (hơn 30 nhóm) ở rải rác khắp miền đồi núi như dân Thái, Khạ, Mèo, Lu Yaa v.v…
Cương giới Ai Lao, phía Bắc giáp Diến Điện, Trung Hoa và miền Bắc Việt Nam, phía Nam Giáp Cao Mên, phía Đông giáp miền Trung Việt Nam và phía Tây là con sông Cửu Long (Mékong), biên thùy thiên nhiên ngăn cách Ai Lao với Thái Lan.
Ai Lao sản xuất được nhiều gỗ quý, cánh kiến trắng để dùng chế nước hoa, xà phòng thơm và có nhiều thung lũng trồng toàn thuốc phiện.
Đất đai Ai Lao chưa hề bị khai thác, các nguyên liệu quý giá còn ẩn mình nguyên vẹn dưới chân những khu rừng núi hoang dại mênh mông.
Vì dân số quá ít ỏi và hiếu tĩnh nên xưa kia Ai Lao thường bị các nước lân bang thèm thuồng nhòm ngó, nhất là Thái Lan họ chỉ vượt qua sông Mékong là đe dọa ngay được Kinh Thành Luang Prabang, nơi chứa đụng nhiều bạc vàng châu báu.
Năm 1778, Ai Lao bị một Tướng Xiêm, Chao Mahak Rassad Souk, kéo quân vượt qua Mékong tàn phá Kinh Thành và cướp mất tượng Phật bằng ngọc xanh.
Không chịu được cảnh áp bức, nhà ái quốc Lào Chao Anon cùng dân chúng nổi dậy đuổi quân xâm lăng, và dân Lào dầm mình trong khói lửa (1828).
Rồi lại đến lượt quân Vân Nam vượt biên giới (1873) tràn đánh Thát Luồng. Quân chiếm đóng đi tới đâu đều để lại cảnh tượng hãi hùng, người bị phanh thây, xé xác, cung điện đền chùa đổ nát tan hoang. Kinh Thành Thát Luồng cũng chung số phận bị dày xéo. Những ngôi chùa đẹp nhất nước Lào (Vat Phra Leo, Vat Phra Vat) bị đốt phá trơ trụi điêu tàn.
Thời Trung Cổ, nước Lào gọi là Lan Xang vẫn do một dòng họ kế tiếp nhau trị vì.
Đầu thế kỷ thứ 17 (1711-1713) nước Lan Xang tách ra làm đôi, đứng đầu có hai vị vua cùng chung một dòng họ cũ. Vua Oun Kham ở Luang Prabang và Vua Kham Souk ở Champassak.
Năm 1807, phái bộ Auguste Pavie đặt chân lên đất Lào và chuẩn bị việc xâm chiếm.
Năm 1893, một Hiệp Ước Pháp-Lào được ký kết và từ đó Lào cũng như Cao Mên, Việt Nam, phải ép mình vào khuôn khổ xứ Đông Pháp, chịu quyền cai trị của Phủ Toàn Quyền Pháp.
Nước Ai Lao được hợp nhất và Hoàng Tử Sisavang Vong lên ngôi vua (Vua Sisavang Vong là con Hoàng Tử Nhouy và là cháu Vua Kham Souk).
Tổ chức chính quyền của Lào mới chỉ nằm vỏn vẹn trong một Hội Đồng tý hon gọi là Hosanam Luang có vài công chức cao cấp với địa vị Giám Đốc.
Rồi chiến tranh Thế Giới Lần Thứ Hai bùng nổ.
Dựa uy lực quân đội Nhật Bản, Thái Lan gây hấn với ‘’xứ Đông Pháp’’ (1940-1941) và đòi Lào phải hoàn lại mấy Tỉnh thuộc hữu ngạn sông Mékong.
Chịu nhún nhường vì yếu thế, Pháp phải ‘’trả’’ cho Thái Lan hai Tỉnh Bassac và Paklay của Lào.
Đền bù lại sự mất đất, Pháp nới thêm quyền hành cho Lào (Hiệp Ước Bảo Hộ chính thức giữa Pétain-Sisavang Vong ngày 29.8.1941).
Tổ chức Hosanam Luang mở rộng thành Nội Các, gồm một vị Thủ Tướng với bốn bộ:
– Bộ Nội Vụ và Quốc Phòng.
– Bộ Tài Chính Hoàng Gia và Giáo Dục Xã Hội.
– Bộ Kinh Tế và Công Chính.
– Bộ Tư Pháp và Bộ Lễ.
Ngày 9 tháng 3 năm 1954, quân đội Nhật trở mặt lật đổ chính quyền Pháp. Việc đó đã lôi cuốn theo cả xứ Lào vào ảnh hưởng của mọi biến chuyển chung ở Đông Dương.
Trước binh lực hùng mạnh của Nhật Bản, quân đội Pháp đồn trú ở Lào bị tan vỡ.
– Số quân đội đóng ở Bắc Lào chạy sang Trung Hoa thoát khỏi bàn tay Nhật.
– Ở Trung Lào, một số công chức trốn được vào rừng.
– Riêng ở Nam Lào, đại đội đầu tiên và độc nhất của quân đội Lào, thành lập tại Đồng Hến từ ngày xẩy ra chuyện xung đột với Thái Lan, đã bảo tồn được lực lượng vì đóng lẩn xa quân đội Nhật. Đại Đội đó (1cre Cie des Chasseurs Laotiens) đã kết nạp thêm và tăng quân số được gấp đôi để luôn luôn phục kích, du kích quân đội Nhật.
Ngày 8 tháng 4 năm 1945, Nhật Bản yêu cầu Quốc Vương Sisavang Vong tuyên bố Ai Lao Độc Lập và ‘’tình nguyện’’ gia nhập Khối Đại Đông Á do Nhật Bản đứng đầu. Một chính phủ được nhào nặn do bàn tay Nhật Bản.
Bốn tháng sau (8.1945) quân đội Phù Tang đầu hàng Đồng Minh không điều kiện.
Chính phủ Pháp vội ủy nhiệm Đại Tá Imfeld làm Cao Ủy ở Lào (28.8.45) Đại Tá Imfeld cùng quân đội vẫn ẩn núp trong rừng núi Bắc Lào từ sau ngày 9.3.1945.
Chính phủ Pháp-Lào lục tục từ các nơi đổ về thành thị:
– Bộ đội du kích Pháp-Lào về Vientiane (5.9.45).
– Bộ đội du kích của Hoàng Thân Boun Oum về Paksé (14.9.45).
An ninh chưa kịp tái hiện thì quân đội thuộc Sư Đoàn 93 của Thống Chế Tưởng Giới Thạch đã đặt chân lên Thủ Đô đất Lào (15.9.45) do sự thỏa thuận của Đồng Minh để giải giáp quân đội Nhật.
Trong thời gian có mặt quân đội Trung Hoa, nội tình Lào lại thêm lắm chuyện rắc rối:
– Quân Đội Trung Hoa áp dụng chính sách tuyên truyền bài Pháp làm một số người trở nên có ác cảm với Pháp.
– Thành Phố Vientiane vì quá lộn sộn nên dân chúng phải lũ lượt tản cư.
– Quốc Vương Ai Lao bị mất quyền và bị giữ.
– Đại Tá Tư Lệnh (kiêm Cao Ủy Pháp) Imfed bị tước khí giới ở Luang Prabang.
– Một chính phủ mới thành lập ở Vientiane do Hoàng Thân Pethsarath lãnh đạo.
– Phong trào Lào Issara (Lào Tự Do Độc Lập) liên lạc với Việt Minh, mạnh mẽ hoạt động, gây cơ sở tổ chức.
Nhưng sau khi quân đội Trung Hoa rút khỏi Ai Lao tình thế lại biến đổi.
Tháng Giêng năm 1946, Phủ Cao Ủy Pháp tới đóng Paksé (Hạ Lào) rồi quân đội Pháp tiến binh dần dần chiếm lại từng thị trấn.
– Ngày 17 tháng 3.1946, quân đội Pháp chiếm đóng Savanakhet.
– Ngày 21.3.46, trong khi tiến đánh Tỉnh Thakkhet quân đội Pháp phải giao chiến kịch liệt với quân đội Lào-Việt Minh và đuổi xa được họ.
– Ngày 25.4.46, chiếm lại Vientiane.
– Ngày 13.5.46, chiếm lại Luang Prabang.
– Ngày 4.6.46, chiếm lại Sầm Nứa.
– Ngày 21.6.46, chiếm lại Phong Saly trên miền biên thùy sát Diến Điện.
Trong Bản Tạm Ước ký kết với Quốc Vương Sisavang Vong, tháng 8.1946, Pháp công nhận Lào là quốc gia tự trị, thống nhất.
Do áp lực của Pháp, chính phủ Thái Lan đã phải trả lại cho Quốc Vương Ai Lao hai nhượng địa bắt bí được hồi 1941. Quân đội Lào-Issara-Việt Minh cũng bị đánh đuổi thất tán và các lãnh tụ của phong trào phải lánh sang Bangkok.
Qua một giai đoạn đầy rối ren, lủng củng, ai Lao bắt đầu được bước sang thời tạm ổn định.
Dân tộc Lào nói chung, phần đông chỉ thích an phận bình dị, yên tĩnh và không muốn thấy xẩy ra những xáo lộn, đụng chạm tới đời sống thanh nhàn, phẳng lặng của họ.
Nhưng những biến cố dồn dập đến với Việt Nam từ 1945 đã lôi kéo lây cả nước Vạn Tượng vào vòng luẩn quẩn.
Sở dĩ như vậy vì trên mọi phạm vi chính trị, địa dư, kinh tài, quân sự, Ai Lao đã phải có những liên hệ ràng buộc chặt chẽ với Việt Nam.
Về phương diện chính trị, không kể tới những đụng chạm lịch sử cũ kỹ giữa các triều vua Việt Nam-Vạn Tượng thời trước, mối liên hệ Ai Lao-Việt Nam cũng như Cao Mên-Việt Nam đã bắt nguồn mạnh mẽ từ khi cả ba nước cùng phải chịu chung sống dưới một chế độ cai trị của Phủ Toàn Quyền Pháp.
Và từ ngày chinh chiến, những tai họa xẩy đến với Việt Nam cũng bao trùm cả Ai Lao:
– Quân đội Phù Tang chiếm đóng với chiêu bài Đại Đông Á.
– Bánh vẽ Độc Lập Nhật Bản với bom đạn Đồng Minh, Quân đội Trung Hoa đồn trú để tước khí giới quân đội Nhật Bản.
– Phong trào Việt Minh rồi phong trào Lào Issara xuất hiện.
Về phương diện địa dư quân sự, cả Pháp lẫn Việt Minh đều rõ rằng đất Lào là một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng.
Nếu Pháp giữ được Ai Lao, Việt Minh sẽ khó có thể mặc sức vùng vẫy tung hoành vì luôn luôn có một mũi dùi vướng ở cạnh sườn.
Ngược lại, nếu Việt Minh chiếm được xứ Lào, không những riêng số phận Đông Dương sẽ nguy khốn mà cả vùng Đông Nam Á phì nhiêu sẽ bị đe dọa nặng nề.
Sau Tạm Ước ký kết (cuối 1946) giữa Đông Cung Thái Tử Savang Vong với các nhà cầm quyền Pháp, một Hội Nghị Lập Hiến được thành lập.
Ngày 11.5.11947, Bản Hiến Pháp của Quốc Gia Lào được Vua Sisavang Vong thông qua và công bố cho toàn dân.
Những điểm chính trong Bản Hiến Pháp Lào đại khái như sau:
‘’Đang lúc Khối Liên Hiệp Pháp được xây dựng trên một nền tảng mới, hiểu rõ địa vị nước nhà qua những bảo đảm của lịch sử, tin chắc rằng tương lai Quốc Gia chỉ có thể vững bền do sự phối hợp của tất cả các đất đai trong nước, Quốc Gia Lào long trọng tuyên bố lãnh thổ Lào từ nay hoàn toàn thống nhất.
Dân chúng Lào đều tỏ lòng trung thuận với nền Quân Chủ, tỏ ý ham chuộng những nguyên tắc dân chủ và đồng thanh xuy tôn lên ngôi Quốc Vương Ai Lao, Đức Vua Sisavang Vong.
Lào sẽ thành một quốc gia tự trị trong Khối Liên Hiệp Pháp.’’
Bản Hiến Pháp Lào còn quy định quyền hành của Quốc Vương. vạch rõ quyền công dân và bổn phận công dân, giao phó quyền lập pháp cho một Quốc Hội dân cử và quyền hành pháp cho một chính phủ đã được Quốc Hội đó chấp thuận.
Thế là từ chính thể quân chủ chuyên chế, Quốc Gia Ai Lao đã chuyển một cách nhẹ nhàng sang chính thể quân chủ lập hiến.
Sau một thời gian cầm quyền chính lâu dài, từ 24.12.1947 đến 2.3.1949, chính phủ Hoàng Thân Souvannarath từ chức nhường chỗ cho Hoàng Thân Boun Oum với Nội Các mới.
Nội Các Boun Oum tiếp tục việc thương thuyết với các đại diện của Pháp ở Đông Dương và kết quả là ngày 19.7.49 tại Paris, Tổng Thống Vincent Auriol đã ký kết với Quốc Vương Sisavang Vong một Hiệp Ước tương tự như Bản Hiệp Ước Élysée của Pháp với Việt Nam.
Ngày 23.1.1950, hai phái đoàn Pháp, Lào với những ông Pignon, Schneider, Boun Oum, Thao Nhouy, Aphay v.v…lại đi tới thêm một tỏa thuận: Pháp sẽ giúp đỡ Lào đủ vật liệu, kỹ thuật để nâng cao nền kinh tế quốc gia, cải tổ phương pháp hành chính trong nước để Lào có thể trở nên hùng mạnh.
Lãnh tụ phe đối lập Phya Khammao tuyên bố giải tán đảng Lào Issara vì nước nhà đã độc lập và ủng hộ chính phủ do Quốc Vương Sisavang Vong lãnh đạo.
Những người Lào thân Việt Minh vội tổ chức một mặt trận mới với tên Neo Lao Issara và một chính phủ lưu vong Lào được thành lập ở miền Bắc Việt Nam để tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Pháp và Quốc Vương Ai Lao: Chính phủ Sophanuvong của nước Pathét Lào (Quốc Gia Lào).
Ngày 17.2.1950, Nội Các của Hoàng Thân Boun Oum từ chức nhường chỗ cho một chính phủ Liên Hiệp Pháp mạnh mẽ hơn.
Từ Hiệp Ước Auriol-Sisavang Vong Tháng 9.1949 đến Hiệp Ước Auriol Sisavang Vong tháng 10.1953.
Ngày 23 tháng 2.1950 một vị Cao Ủy Pháp mới được cử sang Ai Lao: Cao Ủy Miguel de Pereyra.
Cao Ủy Pháp đến Vientiane vừa kịp để dự lễ Nội Các mới thành lập ra mắt quốc Vương. (24.2.50)
Thành phần Nội Các gồm có:
• Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng: Phouy Sananikone.
• Bộ Trưởng Bộ Tài Chính: Phao Panya.
• Bộ Trưởng Bộ Kinh Tế: Thao Lenam.
• Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ-Bộ Lễ, Thanh Niên: Voravong.
• Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp kiêm Y Tế: Phya Khammao.
• Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao kiêm Giáo Dục và Thông Tin: Quthong Souvannavong.
• Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Công Chính kiêm Bộ Kế Hoạch: Souvanna Phouma.
Chính phủ mới đã tỏ rõ tính cách một chính phủ Quốc Gia Liên Hiệp. Người ta nhận thấy ngoài những Bộ Trưởng vẫn ở cạnh Quốc Vương từ lâu còn có những Bộ Trưởng mới: Ông Outhong Souvannavong, một người đối lập với những chính phủ trước và các ông Souvnna Phouma, Phya Khammao, lãnh tụ của đảng Lào Issara.
Ở Quốc Hội, Hoàng Thân Pheul Panya, Phó Chủ Tịch đã được bầu lên làm Chủ Tịch thay Hoàng Thân Phouy Sananikone (lên ghế Thủ Tướng chính phủ).
Ngày 13.4.1950, một buổi lễ được long trọng cử hành tại Thành Phố Vientiane để đánh dấu ngày nước Pháp trao trả lại quyền hành cho chính phủ Ai Lao. Mười bản văn kiện chuyển giao cơ quan đã được ký kết giữa Cao Ủy Pháp với Thủ Tướng Lào.
Các cơ quan được chuyển giao:
– Thông tin tuyên truyền báo chí.
– Xã hội cứu tế.
– Thanh tra lao động.
– Cảnh sát công an.
– Kiểm soát giá cả.
– Thống kê.
– Công chính.
– Hầm mỏ.
– Giáo dục.
– Thủy lâm.
Những công thự của Pháp ở những Tỉnh Paksé, Thakkhet và Saravane cũng được giao trả lại cho các nhà cầm quyền Lào.
Đại diện địa phương của Pháp chỉ còn lại hai nơi, một ở Luang Prabang, một ở Savannakhet.
Qua lễ chuyển giao quyền hành tiếp ngay đến ngay đến ngày Tết tưng bừng nhất của dân tộc Lào: Tết Nguyên Đán (14.4.50) theo lịch Nhà Phật.
Nhưng trong khi đó những người Lào thân Việt Minh cũng không ngừng hoạt động. Chính phủ lưu vong của Souphanuvong đã gia nhập mặt trận liên dân tộc Việt-Mên-Lào do Việt Minh lãnh đạo.
Để đối phó với những hoạt động du kích đang phát triển của nhóm Lào Việt Minh (Neo Lao Issara), chính phủ Ai Lao một mặt cấp tốc xây dựng quân đội, một mặt đề nghị với Pháp trực tiếp giúp đỡ về quân sự.
Vì bản tính dân tộc Lào không hiếu chiến nên từ xưa nghề binh vẫn không được coi trọng. Trước năm 1941, ở Lào chỉ có một vài cơ lính dõng canh gác, tuần phòng (Như kiểu lính Khố Xanh (1940-1941) người Pháp vội thành lập thêm một Đại Đội mới (1ere Cie Chasseurs Laotiens) ở Đồng Hến, cách Savannakhet 65 cây số. Một đơn vị khác toàn quân tình nguyện cũng được kết hợp ở Tỉnh Vientiane, và sau ngày Nhật Bản đảo chính, những toán quân đó rút vào rừng hoạt động du kích chống lại quân đội Nhật.
Được thêm những đơn vị nhảy dù của Pháp từ Calcutta tới giúp sức, quân đội du kích mỗi ngày thêm lớn mạnh. Lúc Nhật Bản đầu hàng, quân số du kích Pháp-Lào đã lên tới 8 Tiểu Đoàn.
Cuối năm 1949, sau Hiệp Ước ký kết với Pháp, chính phủ Lào quyết định thành lập Quân Đội Quốc Gia.
Tiểu Đoàn Bộ Binh thứ nhất bắt đầu được mộ và huấn luyện hồi tháng 7 năm 1950 ở Chinaimo (cách Vientiane 6 cây số). Cuối năm 1950, Tiểu Đoàn đó được phân phối đi đóng ở các đồn bao quanh Thành Phố Vientiane, đồng thời một Tiểu Đoàn Bộ Binh thứ hai cũng được thành hình ở Hạ Lào.
Quân số Lào tiến triển theo thời gian.
Năm 1951 thêm:
– Hai Tiểu Đoàn Bộ Binh bảo vệ Luang Prabang.
– Một Tiểu Đoàn quân nhẩy dù.
– 25 đội Lưu Động dưới quyền chỉ huy của các Châu khouẻng (Châu Trưởng hay Tỉnh Trưởng) với nhiệm vụ bình định trong vùng.
Năm 1952 thêm:
– Hai Tiểu Đoàn Bộ Binh.
– Các Đại Đội công binh và vận tải.
– Một đơn vị giang thuyền tuần thám.
– 10 đội lưu động.
Khởi đầu từ cuối 1949 với độ hơn một ngàn binh sĩ, Quân Đội Quốc Gia Lào trong ba năm đã tăng được gấp mười lần. Tính đến mùa Thu năm 1952, số lượng đã lên tới 12.000.
Và còn phải kể thêm 10.000 binh sĩ Lào đang tiếp tục chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Pháp.
Để đủ số cán bộ chỉ huy, một trung tâm huấn luyện sĩ quan đã được mở cửa ở Đồng Hến (1950).
Khóa ‘’Tổ Quốc Lào năm 1951 khóa ‘’Thiếu Úy Bon Akham’’ năm 1952 đã đào tạo được chừng 150 sĩ quan.
Những sinh viên sĩ quan đó, sau một năm chịu huấn luyện, được mãn khóa với chức Chuẩn Úy. Sau đó lại phải thực hành thêm 6 tháng nữa trong đơn vị bộ đội rồi mới được chính thức lên ngạch sĩ quan.
Trong 30 đại đội bộ binh đã có 15 đại đội được dưới sự chỉ huy của sĩ quan Lào. Những cán bộ chỉ huy Trung Đội (Section) trong Quân Đội Quốc Gia hoàn toàn đã do người Lào đảm nhiệm lấy.
Một Trường Hạ Sĩ Quan được thành lập ở Chinaimo. Học sinh quân chịu huấn luyện trong 5 tháng.
Cuối 1952, ba khóa hạ sĩ quan đã tốt nghiệp (có chừng 120 Trung Sĩ).
Quân Đội Quốc Gia Lào ngày một tăng cường đã góp sức chiến đấu cạnh quân đội Pháp để diệt trừ những ổ phục kích Lào-Việt Minh.
Những cuộc chạm súng ngày càng thêm nhiều, ngày càng tăng phần gay go, ác liệt.
Hoa Kỳ cũng rất chú ý tới tình hình Ai Lao, đã dành riêng cho Ai Lao một ngân khoản viện trợ kinh tế và quân sự để kiến thiết xứ sở, tăng cường quân lực.
Trong những tháng cuối 1950 và đầu 1951, Hoàng Thân Outhong Souvannavong, Bộ Trưởng Ngoại Giao kiêm Thông Tin và Giáo Dục đã lãnh đạo phái đoàn Ai Lao sang Pháp để dự Hội Nghị Liên Quốc Pháp-Mên-Việt-Lào (Hội Nghị Pau).
Kết quả là về phương diện tài chính, đồng bạc của Ai Lao cũng như đồng bạc Việt Nam, Cao Mên đều nằm trong một Viện Phát Hành chung và lệ thuộc đồng Phật Lăng (Và tất nhiên cũng chịu chung ảnh hưởng của vụ phá giá đồng bạc Đông Dương năm 1953 do chính phủ Mayer quyết định).
Tình hình Ai Lao qua nhiều năm tương đối yên tĩnh bỗng trở nên nghiêm trọng. Sau việc thành lập một chính phủ Thái của Trung Cộng ở Hải Nam gián tiếp đe dọa Lào tiếp luôn đến việc Việt Minh trực tiếp trận đánh xâm chiếm Bắc Lào hồi đầu mùa Hạ 1953. Nước Ai Lao nhỏ bé, may mắn hay không may mắn, đã được toàn thể thế giới phải chú trọng để ý.
Những biến cố chính trị và quân sự ở Đông Dương đã ảnh hưởng sâu sắc tới vận mệnh Ai Lao và do đó phát sinh một cách dễ dàng mau chóng cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Vincent Auriol với Quốc Vương Sissavang Vong, tháng 10 năm 1953.
Lễ ký kết các Bản Phụ Ước Pháp-Lào đã diễn ra tại Phủ Thủ Tướng Pháp.
Phía Pháp có sự hiện diện của Tổng Thống Vincent Auriol, Thủ Tướng J. Laniel, Phó Thủ Tướng P. Reynaud, Bộ Trưởng Ngoại Giao G. Bidault, Bộ Trưởng Quốc Phòng R. Pleven, Bộ Trưởng phụ trách các Quốc Gia Liên Kết Marc Jacquet, Tổng Thư Ký Hội Đồng Liên Hiệp Pháp Mecheri, Đại Tướng Không Quân Bodet phụ tá của Tổng Tư Lệnh H. Navarre.
Phía Lào có mặt Quốc Vương Sisavang Vong, Hoàng Tử Savang Vathana, Thủ Tướng Souvanna Phouma, Ngoại Trưởng Nhouy Abhay, Đại Biểu Hoàng Gia Hoàng Thân Khammao, Bộ Trưởng Tài Chính Thao Katay, Bí Thư Quốc Vương Hoàng Thân Thong Soik.
Nói đúng Bản Hiệp Ước ‘’Thân thiện và liên kết giữa nước Cộng Hòa Pháp và Quốc Gia Ai Lao’’ như sau:
‘’Ông Vincent Auriol, Tổng Thống Cộng Hòa Pháp kiêm Chủ Tịch Liên Pháp và Quốc Vương Sisavang Vong, Vua nước Ai Lao.
– Nhận thấy rằng nước Pháp đã dữ trọn các lời đã hứa để bảo đảm cho Ai Lao chủ quyền hoàn toàn và nền độc lập hoàn toàn, được xác nhận bởi Bản Tuyên Cáo ngày 3 tháng 7 năm 1953.
– Cùng chung một ý muốn duy trì và cũng có những giây liên lạc thân hữu có truyện kết chặt hai nước, được củng cố bởi sự gia nhập của Vương Quốc Ai Lao vào Liên Hiệp Pháp.
– Đã thỏa thuận với nhau như dưới đây:
Điều 1: Nước Cộng Hòa Pháp thừa nhận và tuyên bố rằng Vương Quốc Ai Lao là một quốc gia hoàn toàn độc lập và có chủ quyền. Bởi vậy cho nên thay thế cho nước Cộng Hòa Pháp trong tất cả các quyền hành và trách vụ đó ở tất cả các hiệp ước quốc tế hoặc quy ước đặc biệt đã ký kết bởi nước Cộng Hòa Pháp nhân danh Vương Quốc Ai Lao hoặc Đông Dương trước khi có quy ước này.
Điều 2: Vương Quốc Ai Lao lại xác nhận tự do gia nhập Liên Hiệp Pháp, một tổ chức liên kết của các dân tộc độc lập, có chủ quyền, tự do và bình đẳng về quyền hành và bổn phận, ở đó tất cả các nước hội viên góp chung với nhau những phương tiện của mình để bảo đảm cuộc phòng thủ chung của toàn thể Khối Liên Hiệp. Vương Quốc Ai Lao lại xác nhận quyết định dự vào Thượng Hội Đồng, nơi phụ trách sự phối hợp các phương tiện đó và sự điều khiển chung Khối Liên Hiệp dưới quyền chủ tọa của Chủ Tịch Liên Hiệp Pháp.
Điều 3: Nước Pháp cam kết bênh vực và ủng hộ chủ quyền và nền độc lập của Ai Lao trước các tụng đình quốc tế.
Điều 4: Nước Pháp và Ai Lao cam kết tham dự chung tất cả các cuộc thương thuyết có thể xẩy ra có mục đích sửa đổi những quy ước hiện ràng buộc các Quốc Gia Liên Kết với nhau.
Điều 5: Mỗi bên cam kết trên lãnh thổ chính của mình, bảo đảm cho những kiều dân của bên kia sự đối đãi giống như sự đối đãi đã dành cho những người dân ở chính nước mình.
Điều 6: Đôi bên, trong trường hợp mà các Hiệp Ước đang quy định các liên lạc kinh tế giữa hai nước phải sửa đổi, cam đoan với nhau sẽ dành cho nhau những quyền lợi, nhất là dưới hình thức ưu đãi về thuế xuất.
Điều 7: Những quy ước riêng biệt ấn định những thể thức về liên kết giữa nước Cộng Hòa Pháp và Vương Quốc Ai Lao. hiệp ước và những quy ước riêng biệt thủ tiêu và thay thế tất cả những văn kiện cùng tính chất được ký kết trước đây giữa hai quốc gia.
Hiệp Ước này và những quy ước riêng biệt, trừ những quy định trái lẽ cho những quy định này, sẽ có hiệu lực vào ngày ký kết. Các văn kiện phê chuẩn Hiệp Ước này sẽ được trao đổi khi được các cơ quan Lập Hiến Pháp và Lào chuẩn y’’.
Hiệp Ước ngày 22 tháng 10 năm 1953 đã đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử bang giao Pháp-Lào. Nó xiết chặt thêm những giây liên lạc đã có từ hơn nửa thế kỷ giữa hai nước.
Thủ Tướng Ai Lao Souvanna Phouma hân hoan tuyên bố:
‘’…Chúng tôi còn cần phải có sự giúp đỡ của Pháp để phát triển tài sản của chúng tôi và trang bị nước chúng tôi. Đó là những công cuộc cần thiết cho tất cả các quốc gia tân tiến.
Chúng tôi sẽ khó mà đạt được mục đích đó bằng những phương tiện riêng của chúng tôi vì Ai Lao, về phương diện kinh tế rất yếu ớt trước năm 1945, lại bị suy nhược thêm từ khi chiến tranh lan đến biên thùy. Một vài thành phố của chúng tôi bị phá hủy. Phần lớn các đường giao thông của tôi không được săn sóc.
Vậy cần phải hàn gắn những vết thương của chúng tôi do chiến tranh gây ra, mở mang nước chúng tôi và đồng thời phải bảo vệ nền độc lập.
Nhiệm vụ thật là nặng nề cho một quốc gia mới trưởng thành đã phải động viên triệt để tất cả những sinh lực của mình để chiến đấu cạnh các đồng minh chống một kẻ thù từ ngoài tới muốn bắt phải theo một lý tưởng trái với những tập quán của mình.
Bởi vậy tôi yêu cầu nước Pháp tiếp tục giúp đỡ để cho Ai Lao giữ được địa vị trong Liên Hiệp Pháp và thế giới’’.
Về phía Pháp, Tổng Thống Vincent Auriol cũng đọc một bài diễn văn phân tách giá trị Hiệp Ước và trong đó còn ẩn thêm nhiều ý nghĩa xa xôi, bóng gió.
‘’…Nó làm hồi sinh mà không làm đứt đoạn những giây liên lạc kết chặt Vương Quốc Ai Lao và nước Cộng Hòa Pháp trong một cuộc liên kết tự do và thân thiện.
Những ai vì nhẹ dạ, vì có óc kèn cựa và vô ơn, hiểu nhầm Pháp và Liên Hiệp Pháp sẽ nhận được sự cải chính của các sự kiện vì không những Liên Hiệp Pháp không phải là một sự kiện trở ngại cho nền độc lập quốc gia nhưng nó có mục đích bảo đảm và bảo vệ nền độc lập đó.
Thật là vô sỉ những ai trong lúc này quên những công ơn của Liên Hiệp Pháp và không biết họ dẽ thiếu cái gì để tự vệ khi mà không có Liên Hiệp Pháp?’’
Bài diễn văn của Tổng Thống Pháp được đánh dấu bằng việc trao trả Quốc Vương Ai Lao chiếc Ấn của Quốc Vương Luang Prabang mà từ 1887, lãnh tụ Thái Đèo Văn Tri chiếm được đã đem biếu Auguste Pavie (sau Auguste Pavie lại tặng Bộ Ngoại Giao Pháp.
Tháng 11.1957, dưới sự hướng dẫn của Thủ Tướng Souvanna Phouma, phái đoàn Ai Lao lên đường đi Ba Lê dự khóa họp của Hội Đồng Liên Hiệp Pháp.
Phái đoàn Lào gồm những vị: Phoui Sananikone Phó Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ, Quốc Phòng. Outhong Souvannavong, Tổng Trưởng Y Tế, Hoàng Thân Khammao. Đại diện tối cao của Ai Lao, Chao Say Kham, Tỉnh Trưởng Xieng Khouang.
Quốc Vương Ai Lao đã thành công về chính trị nhưng xứ xở Ai Lao, một lần nữa, đã lại biến thành chiến trường quan trọng. Nào những cuộc hành binh Mouette, Castor sát cạnh biên giới, nào những cuộc tảo thanh Jura, Ardeche, Dampierre, Bearn v.v…, rồi tiếp đến những trận long trời lở đất ở quanh khu vực Séno, Thakkhet…
Thế giới lại một lần nữa hồi hộp trông cho kết quả của chiến trường Ai Lao, kết quả có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn cõi Đông Nam Á và của thế giới tự do.
Chương 4: CAO MÊN
Với cảnh Chùa Đế Thiên Đế Thích, Chùa Vàng, Chùa Bạc với biển hồ Tonlésap, xứ Cao Mên, tanh ngòm mùi cá, Quốc Gia của dân tộc Khmer khỏe, giầu đã từng qua một thời văn minh tưng bừng dưới vòm trời Đông Nam Á.
Giáp Thái Lan, Hạ Lào, Việt Nam và biển cả, Cao Miên nằm tròn chặn trong Bán Đảo Đông Dương đã bổng trầm cùng với Việt Nam trong cơn sóng gió.
Từ sự liên lạc của Quốc Vương Ang Dương với phái bộ Pháp tại Singapour năm 1854 đến Hiệp Ước Bảo Hộ 1863 ký kết giữa Mên Hoàng Norodom và các Đô Đốc Pháp, (Đô Đốc Charner tiếp xúc với Norodom từ tháng 3.1861 và tháng 6.1864, Đô Đốc Doudart de Lagrée dâng Norodom ấn tín Quốc Vương). Dân tộc Khmer bắt đầu yên định cuộc đời giống như hai dân tộc bạn: Việt Nam và Ai Lao.
Hoàng Đế ngày nay là cháu Mên Hoàng Norodom, tượng trưng cả 2 họ dòng dõi của những triều vua thời Đế Thiên Đế Thích, dòng Norodom và dòng Sisowath, Quốc Vương Cao Mên ngày nay (lên ngôi năm 1941, 20 tuổi) có một tên dài dặc: Prean Bat Samdach Préah Norodom Sihanouk Varman Reach Harivong Uphato Sucheat Visothipong Akamohaboras Rat Nikarodor Moharesecheathireach Baromaneat Préah Chan Anacbak Kampuchea.
Biến cố năm 1845 giúp Quốc Vương Sihanouk thoát ly hệ thống Bảo Hộ để tuyên bố một Cao Mên độc lập và khi Việt Minh bùng lên ở Việt Nam lại đã lôi cả dân tộc Khmer trộn lẫn với phong trào cách mệnh giải phóng. Chính phủ Khmer độc lập đầu tiên do lãnh tụ Sơn Ngọc Thành lãnh đạo (1945). Lợi dụng chức vị cao cấp trong chính phủ, Thủ Tướng Sơn Ngọc Thành lãnh đạo tuyên truyền chống Pháp. Lãnh tụ Sơn Ngọc Thành đã từng phải trốn tránh Pháp (1942) ở Thái Lan và trở lại Cao Mên 1945 sau khi đã đi Tokyo.
Tuyên truyền chống người Pháp, võ trang cho đám thuyền thợ và ‘’cu ly’’ đất đỏ (đồn điền cao su) Sơn Ngọc Thành đã chuẩn bị một sự hợp tác chặt chẽ với ‘’ủy ban nhân dân Nam Bộ’’ sau ngày Việt Minh cướp chính quyền ở Việt Nam.
Khi quân đội của Tướng Leclerc xâm nhập trung tâm Cao Mên (10.1945) Thủ Tướng Sơn Ngọc Thành bị bắt và kết án 20 năm khổ sai, đầy sang Vence rồi Poitiers (Pháp).
Trong chuỗi ngày mất Thủ Tướng, Miên Hoàng Sihonouk đã tiếp nhận Đại Tá Huard làm Thượng Sứ Pháp, đồng thời ủy nhiệm Hoàng Thân Monireth thành lập Nội Các (15.10.45). Tức khắc, xứ Cao Mên bị phân chia ảnh hưởng:
Một, Nội Các Monireth tuyên bố cuộc tái hợp cần thiết giữa Cao Mên và Pháp.
Hai, một số lãnh tụ cách mạng phe cánh của Sơn Ngọc Thành ‘’xuất ngoại’’ về phía biên giới Nam Việt (Sóc Trăng) liên kết với Việt Minh, thành lập tiểu tổ kháng chiến đầu tiên dưới tên: Khmer Issarak.
Mùa Xuân năm 1946, chính phủ Pháp ký với chính phủ Monireth tạm ước Modus Vivendi. Dựa vào đó xứ Cao Mên hy vọng cải cách hệ thống chính trị cũ rích để sửa soạn tiến bước theo dân chủ.
Tháng 9 năm 1946 Đảng Dân Chủ lấn bước và chiếm quyền điều khiển chính phủ. Nội Các mới dưới sự lãnh đạo của Thủ Tướng Youtevong (đảng viên dân chủ). Đòi lại của Thái Lan vùng đất đai bị nhượng từ tháng 7.1941 (vùng Battambang). Nhưng, xứ Cao Mên mới không yên ổn và luôn luôn biến động. Quân giải phóng Khmer Issarak nhất định chống lại chính phủ của Mên Hoàng. Trong mạn rừng miền Tây Nam xát vùng biển cả, cố gắng tổ chức cơ sở kháng chiến theo kiểu Việt Minh. Họ đột kích, phục kích, đón đường cướp súng ống của quân đội Pháp.
Tháng 7.1947 Thủ Tướng Youtevong từ trần. Watchayavong lên thay (27.7.47) đã tổ chức cuộc bầu cử hội đồng lập pháp (21.12.47).
Năm 1948, tình hình xứ Cao Mên trở nên hỗn loạn. Trong khu vực Kandal miền Nam, quân kháng chiến Khmer Issarak đã hợp tác mật thiết với Việt Minh. Tổ chức quân sự quy mô phát triển: ‘’Liên Quân Mên-Việt’’. Thành phần chỉ huy quân đội này là một số người Việt Nam và Cao Mên nguyên tù chính trị ở Côn Đảo (được thể ra sau ngày Nhật-Pháp 9.3.45). Từ những căn cứ địa loáng thoáng trong rừng sâu ‘’Liên Quân Mên-Việt’’ phóng ra những trận đột kích phục kích giao thông chiến trên các Quốc Lộ Cao Mên, trên những nhánh sông có thuyền bè vận chuyển ngăn cản đường giao thông tiếp tế từ mọi hướng về Nam Vang, Thủ Đô chính trị dân tộc Khmer.
Tình hình mỗi ngày một quan trọng khiến Nội Các Watchayavong lại đổ (7.48). Ông Chean Vam được đứng ra lập Nội Các mới nhưng chưa được bao lâu ông Penn Nouth lại thế chân (8.48). Đầu tháng 2.49 Penn Nouth phải nhường ghế Thủ Tướng Yem Sambaur để thành lập chính phủ Liên Hiệp. Sự lủng củng mâu thuẫn luôn luôn xảy ra trong nội bộ khiến cho Yem Sambaur giải tán Nội Các cũ (15.9.49) và thành lập Nội Các khác (30.9.49). Tân Nội Các có nhiệm vụ tổ chức cuộc đàm phán với Pháp gồm có những nhân vật như sau:
Yem Sambaur, Thủ Tướng kiêm Tổng Trưởng Nội Vụ và Quốc Phòng. Sum Hieng, Phó Thủ Tướng kiêm Lễ Nghi và Kinh Tế, Kosal, Tư Pháp. Auchhoenn, Tài Chính. Phick Phoeun, Canh Nông Công Chính. Ray Lamouth, Thương Mại Kỹ Nghệ Tiếp Tế. Neal Phleng, Y Tế. Kouth Khoeun, Thông Tin. Mess Saen, Giáo Dục. Pho Proeung, Phụ Tá Quốc Phòng.
Ngày 8.11 một Hiệp Ước Pháp-Miên ra đời, đại khái thuộc loại Hiệp Ước Pháp-Việt, Pháp-Lào (1949). Nào Quốc Gia Cao Mên Độc Lập trong Liên Hiệp Pháp, nào tinh thần tương hỗ, nào Cao Mên sẽ được ủng hộ gia nhập Liên Hiệp Pháp v.v…và v.v…tất cả gồm 20 khoản.
Cao Mên càng lộn xộn. Nhóm Việt Minh-Khmer Issarsk bất tình lình đã tuyên bố thành lập mặt trận giải phóng Cao Mên (10.49). Từ lén lút, Việt Minh-Khmer Issarak trở nên công khai khủng bố, mạnh bạo hoạt động. Lãnh tụ Nguyễn thành Sơn (người Việt Nam) điều khiển mặt trận Cao Mên đã tập hợp tất cả các lực lượng Khmer và lập thành một tổ chức: Mặt trận Issarak thống nhất. Mặt trận này trao cho Sơn ngọc Minh (người Cao Mên) lãnh đạo. Lãnh tụ Sơn ngọc Minh cho ra đời một chính phủ mệnh danh là ‘’chính phủ lâm thời Cao Mên tự do’’. Thế là chuối năm 1949 xứ Cao Mên phì nhiều đã có 2 chính phủ.
Đầu năm 1950 Cao Mên cũng như Ai Lao và Việt Nam được quốc tế công nhận (2.1950). Những cuộc tiếp xúc với Hoa Kỳ (Sihanouk-Quillon-Abott, Sihanouk-Giffin) là khởi đầu cho cuộc viện trợ (giống Việt Nam) quân sự và kinh tế.
Tháng 3.1950, Mên Hoàng tiếp xúc với các lãnh tụ chính trị, tỏ ý muốn thành lập một chính phủ Liên Hiệp Quốc Gia rộng rãi. Đảng Dân Chủ, Đảng Tự Do, Đảng Dân Chủ Tiến Bộ, Đảng Dân Chủ Ly Khai, Đảng Cải Lương… mâu thuẫn ý kiến và bất đồng quan điểm quanh chức vị Thủ Tướng chính phủ. Sự mâu thuẫn khiến Mên Hoàng phải đích thân cầm quyền chính (1.5.1950). Một Nội Các ra đời như sau:
Quốc Vương: Norodom Sihanouk.
Thủ Tướng chính phủ tạm thời giữ ghế Quốc Phòng: Penn Nouth.
Ngoại Giao-Giao Thông-Công Chính: Ponn Nam.
Nội Vụ: Yit Stronn.
Tài Chính: Au Chloeun.
Kinh Tế: Khuon Nay.
Tư Pháp: Chan Nak.
Giáo Dục: Pitou de Monteiro.
Y Tế-Lao Động-Xã Hội: Neal Phleng.
Nghi Lễ-Mỹ Thuật: In Nginn.
Quốc Vụ Khanh: Tau Mau.
1.6.1950 Hoàng Thân Monipong thay Mên Hoàng giữ ghế Thủ Tướng để ký kết với Thượng Sứ Pignon (15.6) những điều khoản áp dụng Hiệp Ước Pháp-Mên và tổ chức phái đoàn đi họp Hội Nghị Pau (1950). (Outhong Sovannakong Tổng Trưởng Ngoại Giao kiêm Giáo Dục, Thông Tin, thay Sonn Nam làm Trưởng Đoàn). Tháng 2.1951 chính phủ Cao Mên lại đổ vì vấn đề thảo Hiến Pháp. Tháng 3 ông Oum Chheangoun được chỉ định thành lập Nội Các Lâm Thời, đến 13.6 thành chính thức và Đảng Dân Chủ bắt đầu bị loại. Danh sách mới như sau:
Thủ Tướng kiêm Quốc Phòng: Oum Chheangsun.
Phó Thủ Tướng kiêm Y Tế, Xã Hội, Lao Động: Sonn Nam.
Tư Pháp: Pitou de Monteiro.
Tài Chính: Au Chheun.
Ngoại Giao: Neal Phleng.
Nội Vụ: Prak Sariun.
Công Chính, Kế Hoạch, Giao Thông, Bưu Điện: Kosal
Giáo Dục, Mỹ Thuật: Poc Thuon.
Nghi Lễ: Sam Nhean.
Thương Mại Kỹ Nghệ Tep Phan.
Canh Nông, Chăn Nuôi: Chuop Hell.
Tuy đã có chính phủ chính thức nhưng một số dân Cao Mên vẫn hướng về Đảng Dân Chủ và nhất là lãnh tụ Sơn Ngọc Thành của họ. Tháng 10, hàng vạn người tụ họp đòi chính phủ Pháp trả lại tự do cho Sơn Ngọc Thành nhờ đó tháng 12 họ Sơn đã trở về nước.
Lợi dụng lòng tín nghiệm của dân chúng Sơn Ngọc Thành cho ra đời tờ báo Khmer Krok để tuyên truyền tranh đấu và phỉ báng như sau:
– Nền độc lập của quốc gia là giả dối.
– Nếu quốc gia được độc lập thật sự, Việt Minh sẽ tự lui ngay.
– Quân đội Pháp hồi hương ngay để đem lại an ninh cho quốc gia.
– Xé bỏ Hiệp Ước Pháp-Mên ký kết 1949.
Luận điệu quá khích của tờ Khmer Krok khiến tờ báo đó phải đóng cửa (2.1952) và việc đó làm Sơn Ngọc Thành bất mãn chạy sang hàng ngũ Việt Minh-Khmer Issarak. Liên lạc được với một ủy viên trong ủy ban giải phóng Cao Mên (Siêu -Heng) ngày 21.6.1952 Sơn Ngọc Thành bỏ vùng quốc gia ra bưng biền hợp tác với Sơn ngọc Minh chủ tịch quân cách mạng.
Thế là từ 1945 đến tháng 5.1952, xứ Cao Mên với vài triệu dạn còm đã thay đổi đến 10 Nội Các với 8 vị Thủ Tướng, chiếm kỷ lục ‘’linh tinh’’ trong ba quốc gia đau khổ ở miền Đông Nam Á.
Tháng 11.1950 khi đảng lao động Việt Nam ra mắt dân chúng (vùng Việt Minh) ở bên nước bạn thì dân Khmer cũng bắt đầu thấy mọc lên ở nước mình đảng lao động Cao Mên (cũng như dân Lào thấy đảng lao động Lào).
Trên mặt trận quân sự Liên Quân Mên-Việt tăng cường hoạt động và được vũ trang do việc đổi chác thổ sản như Kapok, hạt tiêu, nhựa thông, cá phơi v.v…với Thái Lan, tổ chức cơ sở kháng chiến vùng Kandal và những khu rừng rậm miền Bắc Battambang. Với quân số chừng 1,2 vạn, Việt Minh-Khmer Issarak áp dụng du kích chiến đánh úp các đoàn tiếp tế vận tải quân lương vũ khí của Pháp trên Thủy, Bộ, tiêu hao đối phương khắp chiến trường. Lợi dụng đức tín ngưỡng của dân tộc Khmer, Việt Minh-Issarak tổ chức huấn luyện những nhà sư giả mạo phái đi tuyên truyền ‘’đạo lý’’ gây cơ sở. Thường khi các nhà đương cục Pháp-Mên không thể nào phân biệt được thật hay giả để loại trừ hoạt động của Việt Minh. Đấy là một ưu điểm của Việt Minh-Khmer Issarak mà cũng là một nhược điểm của chính phủ Cao Mên và Pháp.
Những đối tượng của Việt Minh nhằm chia ra như sau:
– Hàng chục vạn người Việt Nam sống bằng nghề chài lưới, buôn bán trên các triền sông và nông nghiệp ở khắp lãnh thổ Cao Mên bị khai thác.
– 100.000 người Việt Nam ở Thủ Đô Nam Vang được tổ chức thành lập: ‘’Mặt trận Việt kiều ái quốc’’.
– Hàng vạn công nhân Việt Nam sống trong vùng đất đỏ bạc ngàn đã bí mật tổ chức chuyện phá hoại kinh tế Pháp.
– 300.000 Hoa kiều sống ở Cao Mên bị tuyên truyền và một tổ chức đã mọc ra. ‘’Hội giải phóng Hoa kiều hải ngoại’’, Hội này đã giúp Việt Minh nào tiền bạc, nào nông sản, nhiều nhất là trong vùng Kampot.
Từ ngày Sơn ngọc Thành bỏ ra bưng biền, tình hình chính trị xứ Cao Mên nhạt nhẽo hững hờ trôi. Cuộc bang giao Pháp-Mên tiến bộ chậm chạp ngắc ngoải khiến cho trên đất Cao Mên xảy ra một chuyện làm ầm ỹ cả thế giới, việc Quốc Vương Sihanouk vùng vằng bỏ nước lánh sang Thái Lan (14.6.1953). Sau Mên Hoàng trở lại Battambang và về đóng đô tại Siem Reap (30.6.53). Siem Reap là một Tỉnh phía Bắc Biển Hồ Tonlésap, gần Đế Thiên Đế Thích, là quê hương ấp trại của Trung Tướng Dap Chuôn, vị Tướng lãnh đã từ bưng về quy thuận 1949. Đóng ở Siem Reap, hành động của Quốc Vương thật đã làm căng thẳng sự bang giao Mên-Pháp. Nhưng dù sao bao giờ phút nghiêm trọng cũng đã dần trôi qua và những trách móc ngoại lai cũng bớt dịu dần dần. Tháng 7, chính phủ Pháp cho ra đời Bản Tuyên Ngôn chung cho cả 3 quốc gia Việt-Mên-Lào. Ta hãy nghe phản ứng:
Từ Siem Reap Mên Hoàng tuyên bố:
‘’Tôi mong rằng lời phúc đáp của chính phủ Cao Mên sẽ đúng với nguyện vọng chung của dân tộc Cao Mên và sẽ được nước Pháp tiếp nhận không đến nỗi khó khăn…’’
Để phúc đáp Bản Tuyên Ngôn 3.7, Mên Hoàng Sihanouk trước hết đã tỏ thái độ của mình:
– Hài lòng về sự bổ nhiệm ông Maurice Dejean làm Tổng Ủy Viên,,,
– Áp dụng một chương trình động viên toàn quốc.
– Thi hành kế hoạch Sihanouk, Mên Hoàng ủy nhiệm Hoàng Thân Essaro tổ chức những đơn vị xung phong với mục đích tiêu trừ ‘’tam loạn’’ loạn Việt Minh, loạn Issarak và loạn ‘’xâm lăng của ngoại quốc’’ (?).
Trong khi ấy, Quốc Vương và Tổng Trưởng Quốc Phòng Sirik Matak kiểm tra quân đội, từ Siem Reap đi Battambang (16.7) rồi lại từ Battambang về Siem Reap (22.7), rồi lại từ Siem Reap đi Battambang (27.7), bá quan văn võ rầm rầm rộ rộ v.v…và Thủ Tướng Penn Nouth bỗng nhiên biến thành ủy viên giao thông liên lạc giữa Siem Reap với Nam Vang…
Những yêu sách chính được nêu lên, nào yêu cầu Cao Mên tách ra khỏi Viện phát hành giấy bạc, tách khỏi Hối Đoái Cục Việt, Mên, Lào, đòi thiết lập tự do một Viện phát hành riêng và một Hối Đoái Cục Pháp-Mên độc lập nào yêu cầu tòa án Cao Mên sẽ nhân danh Quốc Vương xét xử các án tù và bãi bỏ Tòa Án Hỗn Hợp, nào đòi Pháp quyền Tổng Tư Lệnh cho Quốc Vương Cao Mên v.v…
Hạ tuần tháng 7, Thủ Tướng Penn Nouth cải tổ chính phủ, ông đã ghép Bộ Tài Chính, Bộ Thể Thao, Bộ Giáo Dục vào với trọng trách Thủ Tướng, Sirik Matak nhường ghế Quốc Phòng cho Sim Var nguyên Tổng Trưởng Kinh Tế và Công Chính, Sam Sary từ chức phụ trách các cuộc hội nghị ở Ba Lê về giữ Bộ Quốc Gia Giáo Dục thay Công Chúa Yukanthor (Yukanthor sang giữ Y Tế), Tiou Long nguyên Tổng Trưởng Thông Tin giữ Bộ Công Chính, Samson Fernandez nguyên Tổng Trưởng Y Tế đảm nhận Thông Tin và Prak Sarim giữ Nội Vụ.
Trong khi Quốc Vương và Thủ Tướng đưa yêu sách này nọ thì các nghị sĩ Cao Mên cũng nêu lên thêm nhiều câu chất vấn Bộ Liên Quốc (Versailles 2.8.53) để biểu dương tinh thần và ý chí dân tộc.
Mở một trận đánh tâm lý cốt tạo nên một thực lực bản thân, Mên Hoàng Sihanouk cố gắng thu phục dân tâm và đòi Pháp phải đối với Cao Mên như Anh-cát-lợi đã đối với Ấn Độ (quy chế Liên Hiệp Anh).
Hành động tích cực của Quốc Vương Cao Mên đem đến kết quả tháng 10, hai bên Pháp-Mên đã cùng nhau thỏa thuận sơ bộ:
– Để ba tiểu đoàn Mên cho Bộ Tư Lệnh Pháp sử dụng.
– Thiết lập ’’Khu hành binh Cao Mên’’ dưới quyền chỉ huy duy nhất của Cao Mên (4 tiểu đoàn và 16 đại đội) gồm 3 vùng Battambang, Reap, Kompong Thom.
– 11 Tỉnh còn lại của xứ Cao Mên sẽ do Pháp kiểm soát (ngoài những đơn vị Liên Hiệp Pháp, còn có 5 tiểu đoàn Pháp-Mên, 29 đại đội bổ túc, 2 tiểu đoàn Phi Châu, 5 tiểu đoàn Mên ’’cho mượn’’).
– Bộ Tham Mưu Pháp giữ quyền chủ động, tự do hành binh trên tả ngạn Cửu Long Giang, từ Bắc Kompong Cham đến danh giới Ai Lao Hạ.
Bộ Tham Mưu Cao Mên nhận lại tất cả những đơn vị Cao Mên đặt dưới quyền chỉ huy của người Pháp ngoại trừ 3 trong 5 tiểu đoàn Cao Mên thuộc quân đội Liên Hiệp Pháp và 9 trong 29 đại đội bổ túc (3 tiểu đoàn và 9 đại đội này sẽ họp lại thành ‘’toán hành binh Pháp’’ để phòng thủ đường giao thông Sài Gòn-Vientiane (khúc Cao Mên).
Lực lượng Cao Mên sẽ có sau thỏa hiệp trên là 11 tiểu đoàn chính quy, 14 đại đội bộ binh địa phương và 20 đại đội bổ túc…
Mọi việc tạm ổn định, Mên Hoàng Shihanouk ‘’hồi loan’’ sau 5 tháng lênh đênh trong đất nước.
Ngày 8.11.53 tiếng còi, tiếng chuông nhà thờ, tiếng đại bác đón mừng tại Thủ Đô Nam Vang, Quốc Vương tuyên bố:
‘’Tôi sẽ cố gắng trong phạm vi phương tiện của tôi, giúp nhiều vũ khí cho mọi sinh lực của quốc gia để họ bảo vệ các gia đình, đất đai và tài nguyên trong đồng quê chống lại lòng ganh tỵ, trục lợi, hành vi xâm lăng và độc ác của đám Mên Issarak và Việt Minh’’.
Ít ngày sau Thủ Tướng Penn Nouth từ chức nhường chỗ cho ông Chan Nak (23.11) cựu cố vấn của Mên Hoàng.
Tân chính phủ gồm ba đảng viên Dân Chủ, 2 Tự Do và 5 của các Đảng phái như: Đảng Đông Bắc Chiến Thắng, Đảng Nhân Dân, Đảng Cải Lương, Đảng Dân Chủ Ly Khai và Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (Kah Mongseng giữ Ngoại Giao, Khim Tit giữ Quốc Phòng, Yem Sambaur giữ Kinh Tế).
Về nội bộ, chính phủ Chan Nak thảo xong dự án ngân sách, một ngân sách tuy ít ỏi (2.000.000.000 bạc) nhưng thu chi phiền phức khó khăn như mọi quốc gia rộng lớn khác, quyết định giảm bới 30% công phí, thực hiện tiết kiệm trong chính phủ…
Đối với Pháp, Thủ Tướng Chan Nak đã ra lịnh cho các ký giả Cao Mên tránh công kích hoặc ám chỉ không hại tới chính sách của Pháp. Sự thân ái đón tiếp Cao Ủy Risterucci của Mên Hoàng Sihanouk đã như chấm dứt sự ngưng trễ xẩy ra từ sau khi Pháp giao trả những thẩm quyền cuối cùng để khởi đầu một cuộc bang giao mới.
Đối với cộng sản, Tổng Trưởng Quốc Phòng tuyên bố (17.12.53):
‘’Cộng sản Cao Mên không mở trận chiến tranh nóng như ở Bắc Việt hay như Cao Ly mà là một cuộc tác chiến tinh thần cốt làm cho dân chúng Cao Mên nổi dậy đòi độc lập.
Sau khi hiệp ước Pháp-Mên ký kết, cái lợi khí tâm lý của Việt Minh đã bị mất, bị đánh bại trên địa hạt tuyên truyền.
Việt Minh phải xoay chiều, chọn lấy hoặc đi khỏi đây, hoặc giàn mặt đưa ra một trận chiến tranh công khai. Tôi tin chắc họ sẽ chọn điều thứ hai vì vậy nên chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng. Ta phải mở mắt xem mấy tuần tới đây các ông sẽ nhận thấy Cao Mên nỗ lực giải cứu nước mình khỏi cuộc xâm lăng của Việt Minh’’.
Để tỏ vẻ cương quyết, Tổng Trưởng Quốc Phòng Khim Tít hứa hẹn một đạo quân tương lai hùng mạnh với một ngân sách ‘’10.000.000.000 Quan’’ sử dụng trong việc quốc phòng…
Nhưng…trên trang báo chí ngày 11 tháng 12 người ta lại được tin. Mên Hoàng bỏ Thủ Đô Nam Vang đi Siem Reap:
Quốc Vương có ra đi, Quốc Vương lại về, về về đi đi, đi về, thế giới cũng thôi xôn xao, các lân bang cũng thôi sốt ruột bởi vì, xứ Cao Mên, một quốc gia bé bỏng tại một miền Đông Nam Á Châu lạc hậu, chỉ vài năm đã từng có thành tích thay đổi chính phủ hàng chục lần, đảng phái cũng nhiều không kém và những chuyện lạ xẩy ra nhiều đến nỗi hóa thành chuyện thường. Thế giới còn lắm chuyện kỳ lạ hơn trong thời đại.
Vận mệnh, dân tộc Khmer dính líu đến vận mệnh dân tộc Việt Nam, Ai Lao. Từ bao nhiêu năm nay không một giải quyết chính trị hay quân sự nào lại có thể thi hành có kết quả riêng biệt trong 3 nước. Người Pháp đã dùng một thứ ‘’xi măng đặc biệt’’ từ đầu thế kỷ thứ 19 để gắn liền ba xứ Việt-Mên-Lào. Ngày nay tách riêng ra thật là khó lắm.
Trong khi những người tự do sống trên Bán Đảo Đông Dương hoạt động riêng rẽ thì Việt Minh, Khmer Issarak, Neo Lao Issarak đã kết hợp lại một khối thống nhất dưới một mặt trận thống nhất (Liên Minh Việt-Mên-Lào). Họ được bao bọc bởi một thứ xi măng mới, dai và chắc hơn ‘’xi măng lạc hậu’’ ngày xưa của người Pháp ở Đông Dương, đó là ‘’xi măng cộng sản’’. Dưới chiếc bay lành nghề của tay thợ, đầy kinh nghiệm, Hồ chí Minh, lâu đài cộng sản trên Bán Đảo Đông Dương mỗi ngày một thêm to, mỗi ngày một thêm vững.
Rồi ngày mai đây, nếu nhà kiến trúc sư kiêm thợ nề Hồ chí Minh thành công trong việc xây dựng lâu đài cộng sản ở Việt-Mên-Lào, chúng ta sẽ thấy cả một vùng Đông Nam Á bị tòa lâu đài ấy chi phối theo thường lệ.
Từ 11.1950 thế giới đã thấy nảy ra một phong trào: ‘’Giải phóng các người Hồi Giáo bị áp bức’’ (Libération des Féres musulmans opprimés). Sau Hội Nghị liên Hồi Giáo ở Karichi (Congrés Pan Islamique) và chính Việt Minh đã thành lập và lãnh đạo ‘’Mặt trận Mã Lai độc lập’’. Thúc đẩy dân tộc Chàm, Mã Lai, Thái nổi dậy, thúc đẩy binh sĩ quốc gia đào ngũ, tuyển mộ một đạo quân chống lại mọi lực lượng tự do vùng Đông Nam Á, Việt Minh đã đích thân chủ động mọi phong trào bởi vì hiện nay tại khu vực Đông Nam Á Châu chỉ có cộng sản Việt Nam là cốt trụ. (Lãnh tụ Mã Lai Toun Slès đã từng ký truyền đơn, tài liệu dưới sự chỉ đạo của Việt Minh mục đích tuyên truyền dân tộc Mã Lai. Tháng 6.1951 Toun Slès đã tách khỏi được khối cộng sản về với thế giới tự do dân chủ).
Dân tộc Khmer có lẽ được may mắn như lời tiên trị của tờ báo Ponnakar (ra trong quãng ngày hồi loan của Mên Hoàng Sihanouk, 11.53) Tờ Pounakar đoán rằng:
‘’Trong 4 năm nữa, chúng ta sẽ sống đúng giữa kỷ nguyên Nhà Phật, năm 2.500. Các vị tinh tú đã báo hiệu ngày ấy Quốc Gia Cao Mên sẽ cường thịnh và rộng lớn như dưới những triều Đế Thiên Đế Thích…’’
Sự tin tưởng thần bí ấy phải chăng là cả của dân tộc Khmer một dân tộc đã văn minh một thời tiền sử?
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa