Chương 35: Một Ngày Hoàn Toàn Mới
gày 21 tháng 7 là một ngày hoàn toàn mới, hội nghị Genève cuối cùng đã thực hiện được hoà bình ở Đông Dương. Cho dù vẫn còn sóng gió, cho dù vẫn còn xuất hiện những tiếng nói bất đồng khó mà dự đoán, nhưng tất cả những sóng gió và âm thanh hỗn tạp đó không thể ngăn cản được ngọn triều lớn hoà bình. Phạm Văn Đồng khi nói những lời trình bầy cuối cùng đã kích động tới mức không tự chủ nổi, Chu Ân Lai cũng sóng lòng lên xuống. Đối với các nước Đông Dương mà nói, một thời đại đã kết thúc, một thời đại mới bắt đầu.
Ngày 21 tháng 7 là một ngày tương đối nhẹ nhõm. Trải qua một đêm căng thẳng khó mà ngủ được, các đại biểu chủ yếu của hội nghị Genève đều ngủ dậy hơi muộn một chút.
11 giờ trưa, Eden đến Vạn Hoa thăm Chu Ân Lai.
Eden đến để chào từ biệt. Chỉ đợi “Tuyên bố cuối cùng” thông qua là ông ta phải rời Genève về nước. Tại Genève, Eden làm quen được Chu Ân Lai, vào lúc đó ông ta nói:
- Chân thành cảm ơn ngài thủ tướng Chu Ân Lai đã ủng hộ tôi với tư cách là Chủ tịch hội nghị Genève. Trong hội nghị, Chu tiên sinh đã có tác dụng trác việt mà người khác không thể có được. Không có những nỗ lực của ngài, muốn đạt được hiệp nghị hoà bình về Đông Dương là điều không thể tưởng tượng nổi, có thể chúng tôi đã về nhà từ lâu rồi. Chính phủ Anh coi trọng hai nước Trung, Anh thiết lập quan hệ lần này, hy vọng từ nay về sau hai nước bảo trì được mối liên hệ này với tràn đầy lòng tin.
Chu Ân Lai trả lời:
- Cám ơn ngài Eden về những nỗ lực với tư cách là một trong hai Chủ tịch hội nghị! Hiện nay quan hệ Trung, Anh đã được cải thiện, hơn nữa còn có phát triển.
Eden đến thăm có tính lễ tân, buổi chiều bọn họ còn gặp nhau tại hội nghị toàn thể. Chỉ có điều là hai vị ngoại trưởng đều không ngờ là đó là cuộc gặp mặt riêng cuối cùng trong đời họ.
Một giờ chiều, Chu Ân Lai tiếp Mendès-France và các trợ thủ chủ yếu của ông ta tại Vạn Hoa.
Mendès-France tươi cười hớn hở, vừa tới cửa là bắt tay Chu Ân Lai, nói vui:
- Hội nghị Genève không tuân theo thời gian do tôi qui định, ngài thấy tôi có nên từ chức hay không?
Chu Ân Lai cười nói:
- Việc chủ yếu đã làm xong, việc bé tí xíu đó chẳng là gì cả.
Với dáng điệu khôi hài, Mendès-France nói với Chu Ân Lai:
- Ý kiến của tổng thống của tôi và ngài giống nhau, sáng hôm nay ông gọi điện nói với tôi không nên từ chức. Hiện nay càng tốt hơn, đợi đến lúc tôi về báo cáo với Quốc hội, tôi sẽ nói Chu Ân Lai không muốn tôi từ chức.
Mendès-France còn bổ sung một câu, nói ông ta đã hỏi Molotov, Molotov cũng nói không phải từ chức
Không khí bữa tiệc rất hữu hảo. Mendès-France nâng cốc chúc Chu Ân Lai. Ông ta nói:
- Lần thứ nhất đến Genève đàm phán đã may mắn được hội kiến ngài Chu Ân Lai, cuộc gặp Bern hôm ấy để cho hội nghị Genève thành công và cũng mở ra con đường phát triển quan hệ hữu hảo giữa Pháp và Trung Quốc.
Mendès-France cám ơn Chu Ân Lai đã có tác dụng có tính then chốt tại hội nghị Genève.
Ba giờ chiều, phiên họp toàn thể lần cuối cùng của hội nghị Genève cử hành tại Palais des Nations.
Lần cuối cùng Eden giữ chức chủ tịch hội nghị, trước tiên hỏi, vị đại biểu nào cần phát biểu?
Trần Văn Đỗ đại biểu chính phủ Bảo Đại Việt Nam phát biểu đầu tiên, nói đại biểu nước Việt Nam từng đề xuất một kiến nghị, yêu cầu quân đội giao chiến hai bên lui về vùng tập kết nhỏ nhất, giải trừ vũ trang, do LHQ thực thi khống chế tạm thời đối với cả nước Việt Nam, thông qua tuyển cử khiến nhân dân Việt Nam tự do lựa chọn tương lai của mình.
Tiếp đó Trần Văn Đỗ tuyên bố mấy kiến nghị: Trước tiên là kháng nghị đề án trước chưa được thẩm tra đã bị hội nghị từ chối. Thứ hai, kháng nghị, Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp và Tổng tư lệnh bộ đội Việt Minh vội vàng ký hiệp nghị đình chiến, coi thường lợi ích của nước Việt Nam. Mặc dù Tổng tư lệnh quân viễn chinh Pháp được uỷ quyền chỉ huy quân đội nước Việt Nam, thế nhưng nước Pháp không thể đem lợi ích của nước Việt Nam ra giao dịch. Một số đất đai quân Pháp nhường cho Việt Minh trên thực tế là dưới sự khống chế của quân đội nước Việt Nam. Cuối cùng, ông ta kháng nghị Pháp đã làm quá chức trách, phận sự, chưa được sự đồng ý của nước Việt Nam đã xác định ngày tháng tổng tuyển cử của Việt Nam trong tương lai.
Phát biểu của Trần Văn Đỗ lại làm cho không khí hội nghị căng thẳng lên.
Mendès-France lập tức phát biểu bào chữa nói:
- Đoàn đại biểu Pháp tin chắc lúc phía Pháp làm như vậy đã suy nghĩ đầy đủ tới lợi ích của nhân dân Việt Nam. Chính phủ Pháp luôn luôn quan tâm chú ý tới an ninh của vùng giáo dân Thiên chúa tập trung tại miền Bắc Việt Nam, tán thành bọn họ tự do biểu đạt ý chí. Phía Pháp hy vọng lời hứa của ngài Hồ Chí Minh là có hiệu lực.
Tiếp đó, Eden đọc Hiệp nghị về đình chỉ hành động đối địch của ba nước Đông Dương.
Hiệp định về đình chỉ hành động đối địch tại Việt Nam:
Sau khi ký 48 giờ, hiệp nghị có hiệu lực, mọi lực lượng vũ trang đình chỉ chiến đấu. Suy nghĩ tới tình hình thực tế, tại Bắc bộ Việt Nam, sau khi hiệp nghị có hiệu lực năm ngày ngừng bắn, tại Trung bộ sau mười ngày ngừng bắn, Nam bộ sau 20 ngày ngừng bắn, mỗi chiến trường 30 ngày sau ngừng bắn thả tù binh và dân thường bị bắt.
Hiệp nghị qui định, từ vĩ tuyến 17 về nam, hơi về bắc đường số 9, vạch đường giới tuyến quân sự tạm thời, phía bắc đường này là vùng tập kết Quân đội nhân dân Việt Nam, sau khi ký hiệp định, quân đội hai bên trong 300 ngày hoàn thành việc tập kết tại các vùng của mỗi bên. Nam bắc đường giới tuyến quân sự tạm thời là khu phi quân sự.
Trước khi thành lập chính phủ Việt Nam thống nhất do bầu cử, hai bên tự quản lý công việc trong vùng tập kết của mình. Bắt đầu từ lúc hiệp định đình chiến có hiệu lực, cấm mọi tăng viện quân đội và nhân viên trợ giúp quân sự vào Việt Nam, trên toàn bộ ranh giới Việt Nam cấm thiết lập căn cứ quân sự mới (bao gồm căn cứ quân sự nước ngoài)
Hiệp định về đình chỉ hành động đối địch tại Lào
Sau khi ký 48 giờ hiệp định có hiệu lực, mọi lực lượng vũ trang đình chỉ chiến đấu. Suy nghĩ tới tình hình thực tế, Thượng Lào sau khi hiệp định có hiệu lực năm ngày ngừng bắn, Trung Lào trong mười ngày ngừng bắn, Hạ Lào trong 20 ngày ngừng bắn. Mỗi một chiến trường 30 ngày sau ngừng bắn thả tù binh và dân thường bị bắt mọi quốc tịch.
Rút khỏi và di chuyển bộ đội, cấp dưỡng và vật tư quân dụng hai bên hoàn thành 120 ngày sau khi hiệp định có hiệu lực, bộ đội và nhân viên tình nguyện Việt Nam tại Lào rút về Việt Nam, trước khi hành động đối địch phát sinh, địa vị nhân viên tình nguyện tại Lào do hiệp nghị đặc biệt qui định.
Mọi bộ đội chiến đấu “Pathet Lào” trong 120 ngày hoàn thành tập kết tại hai tỉnh Phongsali và Xiangkhoang đông bắc Lào. Từ ngày công bố lệnh đình chiến, cấm đưa vào ranh giới Lào quân đội tăng viện và nhân viên quân sự, nhưng quân Pháp có thể lưu tại Lào nhân viên quân sự cần thiết để huấn luyện quân đội quốc gia Lào, nhưng tổng số không được vượt 1.500 người.
Cấm đưa vào Lào các loại vũ khí, đạn được và quân dụng phẩm, nhưng không kể số lượng vũ khí cần thiết nhất định để tự vệ.
Từ ngày hiệp đựng có hiệu lực, cấm thiết lập căn cứ quân sự mới tại Lào, nhưng quân Pháp có thể duy trì tại Lào hai cơ sở quân sự và nhân viên cần thiết, tổng số không được vượt quá 3.500 người.
Hiệp định về đình chỉ hành động đối địch tại Campuchia
Sau khí ký 48 giờ hiệp định có hiệu lực, vào 8 giờ ngày 23 tháng 7 giờ Bắc Kinh (giống giờ địa phương) hai bên giao chiến hạ lệnh đình chỉ hành động đối địch, suy nghĩ tới tình hình cụ thể của thông tin liên lạc, 8 giờ ngày 7 tháng 8 thực hiện ngừng bắn hoàn toàn
Rút hết mọi quân đội nước ngoài, bao gồm:
Quân đội Pháp và nhân viên vũ trang.
Nhân viên chiến đấu các loại tính chất của các nước khác tiến vào Campuchia.
Mọi người nước ngoài trong các đơn vị vũ trang các loại tính chất, hoặc trong các loại tổ chức có liên quan với quân đội Việt Nam, hoặc không phải là người Campuchia xuất sinh tại Campuchia.
Trong 30 ngày công bố lệnh ngừng bắn, quân đội kháng chiến Campuchia phục viên tại chỗ, quân đội vương quốc Campuchia không sử dụng hành động quân sự với họ. Căn cứ vào hiến pháp và qui định bầu cử của Campuchia, quyết định địa vị thành viên kháng chiến đã phục viên. Đối với những người đề xuất yêu cầu trong số đó, nếu phù hợp luật binh dịch quốc gia và điều lệ cảnh sát, có thể tham gia quân đội quốc gia hoặc bộ đội cảnh sát địa phương.
Eden đọc xong ba văn kiện đó, đã đặc biệt đề xuất với hội nghị, muốn thực hiện ba văn bản này còn cần phải trải qua một số hiệp thương cụ thể, trong đó bao gồm địa đồ cụ thể và vấn đề giám sát, các bên trong ba nước đồng ý, trước khi đạt được hiệp định hơn nữa, không công bố những văn bản này.
Tiếp đó Eden đọc qui định về giám sát ngừng bắn, qui định thiết lập Ủy ban liên hiệp do đại hiểu hai bên bằng nhau về số lượng tổ thành, Ủy ban giám sát quốc tế do đại biểu Ấn Độ làm chủ tịch, cộng thêm đại biểu Ba Lan, Canada. Quan hệ của hai uỷ ban này là bình đẳng. Khi phát sinh tình hình vi phạm liên quan đến vấn đề đình chiến, phải qua Ủy ban giám sát quốc tế trọng tài. Khi một bên cự tuyệt ý kiến của Ủy ban giám sát quốc tế, Ủy ban giám sát quốc tế sẽ đề xuất tố cáo lên các nước bảo đảm hội nghị Genève.
Eden nhắc mọi người quan tâm chú ý tới các văn kiện khác:
- Tuyên bố của chính phủ Lào về bầu cử;
- Tuyên bố của chính phủ Campuchia về bầu cử và sẽ thống nhất toàn thể công dân trong sinh hoạt chung cả nước;
- Tuyên bố của chính phủ Lào về tình hình quân sự nước này;
- Tuyên bố của chính phủ Campuchia về tình hình quân sự nước này;
- Tuyên bố của nước Pháp về tôn trọng độc lập ba nước Đông Dương;
- Tuyên bố của Pháp về rút quân khỏi ba nước Đông Dương;
- “Tuyên bố cuối cùng” của hội nghị Genève về mọi văn kiện của hội nghị.
Ông ta đề nghị đại biểu dự hội nghị đọc tỉ mỉ “Tuyên bố cuối cùng” đã phát đến tận tay.
Tổng cộng “Tuyên bố cuối cùng” có 13 điều, nội dung hạt nhân là các nước tham gia hội nghị Genève cùng bảo đảm thực thi ba hiệp nghị đình chỉ hành động đối địch.
Sau khi, xác nhận các vị đại biểu đã đọc xong Tuyên bố cuối cùng, Eden đề nghị các đại biểu lần lượt biểu thị ý kiến đối với Tuyên bố.
Smith đã nói với Eden trước cuộc họp, nước Mỹ sẽ không ký vào văn bản, điều cuối cùng mà chính phủ Mỹ có thể làm là hứa sẽ không cản trở việc ký kết hiệp định này. Trung Quốc kiên trì mọi nước tham dự hội nghị Genève đều ký vào hiệp định. Cuối cùng mọi người thoả hiệp, toàn thể hội nghị thông qua phương thức gọi tên đại biểu để thông qua “Tuyên bố”.
Mendès-France đại biểu chính phủ Pháp biểu thị đồng ý bản Tuyên bố này.
Sananikone đại biểu chính phủ Lào biểu thị đồng ý.
Phạm Văn Đồng đại biểu chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà biểu thị đồng ý.
Chu Ân Lai đại biểu Trung Quốc biểu thị đồng ý.
Eden đại biểu chính phủ Anh biểu thị đồng ý.
Molotov đại biểu chính phủ Liên Xô biểu thị đồng ý.
Sáu đại biểu nói trên hoàn toàn đồng ý Tuyên bố cuối cùng hội nghị Genève.
Tép Phan đại biểu Campuchia có lời muốn nói. Ông ta cho rằng trong các văn kiện mà chủ tịch hội nghị hy vọng mọi người chú ý, có một văn kiện không được đề cập. Đó là tuyên bố về Tuyên bố cuối cùng mà Campuchia đã phân phát cho mọi người. Trong các điều thứ 7, thứ 11, thứ 12 của Tuyên bố cuối cùng, các nước đã xác nhận sự tôn trọng hoàn chỉnh lãnh thổ đối với Việt Nam. Thế nhưng đại biểu Campuchia cho rằng, tại Nam bộ Việt Nam, có một số lãnh thổ vốn là của Campuchia, hiện nay đang dưới sự khống chế của Việt Nam, vì thế lợi ích của Campuchia chưa được bảo đảm đầy đủ. Vì vậy Campuchia có ý kiến bảo lưu, đồng thời với việc ủng hộ Tuyên bố cuối cùng hội nghị Genève, Campuchia sẽ thông tri vấn đề lãnh thổ tại Nam bộ Việt Nam cho các nước tham dự hội nghị.
Phản ứng của Eden nhanh nhậy, nói:
- Tuyên bố của Campuchia về vấn đề này tôi vừa nhận được, vì thế không đưa vào các văn kiện mà tôi vừa tuyên đọc. Ngoài ra, tôi không cho rằng xử lý tranh chấp lãnh thổ giữa Campuchia và Việt Nam là nhiệm vụ của hội nghị lần này.
Phạm Văn Đồng lập tức biểu thị, đại biểu chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:
- Tôi đề xuất bảo lưu minh bạch nhất đối với bản tuyên bố của đại biểu Campuchia. Tôi làm như vậy là vì quan hệ tốt đẹp và thông cảm lợi ích giữa hai nước chúng ta.
Lúc này, Smith như có chuẩn bị trước móc ra mấy tờ giấy, phát biểu một tuyên bố ngắn gọn, nhằm thay thế việc cùng ký vào Tuyên bố cuối cùng. Smith nói:
“Thưa ngài Chủ tịch, các vị đại biểu,
Giống như tôi đã nói với các vị đại biểu tại hội nghị của chúng ta ngày 18 tháng 7, chính phủ nước tôi không chuẩn bị tham gia tuyên bố hội nghị đã đề xuất trước. Thế nhưng, nước Mỹ, thái độ của nó đối với vấn đề này, là phát biểu tuyên bố đơn phương sau:
Chính phủ Mỹ quyết tâm tuân theo nguyên tắc và mục đích của LHQ hết sức tăng cường hoà bình, chú ý tới những hiệp định đã ký (a) giữa Bộ tư lệnh Pháp, Lào và Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam;(b) giữa Bộ tư lệnh quân đội vương quốc Campuchia và Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam;(c) giữa Bộ tư lệnh Pháp - Việt và Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 20-7-1954 và ngày 21 tháng 7 tại Genève, và từ tiết 1 đến tiết 12 bao gồm trong Tuyên bố giao cho hội nghị Genève ngày 21 tháng 7 năm 1954.
Về các hiệp định và các tiết nói trên, Chính phủ Mỹ tuyên bố: Theo điều thứ 2 và điều thứ 4 trong hiến chương LHQ qui định các nước hội viên có nghĩa vụ trong quan hệ quốc tế của mình không được sử dụng đe doạ hoặc vũ lực, nước Mỹ sẽ không sử dụng đe doạ hoặc vũ lực làm phương hại đến họ; Nước Mỹ sẽ chú ý đầy đủ tới việc lại dấy lên bất kỳ cuộc xâm lược nào làm trái hiệp định nói trên đồng thời cho rằng điều đó đe doạ nghiêm trọng hoà bình và an ninh quốc tế”.
Căn cứ vào lập trường nhất quán của Mỹ trong thời gian hội nghị Genève thấy, tuyên bố này của Smith có thể nói là phản ứng tốt nhất mà nước Mỹ có thể đưa ra, trong đó bao gồm cả những nỗ lực của bản thân tướng Smith.
Sau khi Smith tuyên bố, Eden hỏi ý kiến của Trần Văn Đỗ đại biểu nước Việt Nam. Trần Văn Đỗ hy vọng có hai câu sửa chữa với văn bản Tuyên bố.
Eden nói:
- Tôi vui lòng nghe những ý kiến mà các đồng nghiệp vui lòng biểu đạt. Thế nhưng, văn bản Tuyên bố cuối cùng đã khởi thảo xong, mà những ý kiến muốn sửa chữa thêm thì chỉ vừa được nghe. Trong tình hình này, tôi kiến nghị, biện pháp tốt nhất mà chúng tôi có thể áp dụng là hội nghị sẽ chú ý đến ý kiến bảo lưu của nước Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội nghị không có ý kiến khác, “Tuyên bố cuối cùng” của hội nghị có 13 điều khoản, đã được thông qua.
“Tuyên bố cuối cùng” xác nhận, chấp hành tuyên bố và ba hiệp nghị đình chỉ hành động đối địch, “sẽ làm cho Campuchia, Lào và Việt Nam từ nay có thể phát huy tác dụng của họ trong đại gia đình hoà bình quốc tế một cách hoàn toàn độc lập tự chủ”.
“Tuyên bố cuối cùng” xác nhận, chính phủ Campuchia và Lào sẽ áp dụng biện pháp làm cho các công dân khác tham gia bầu cử hoà bình, hai nước này từ nay bước vào đại gia đình quốc tế”.
“Tuyên bố cuối cùng” xác nhận, mục đích chủ yếu của hiệp định về Việt Nam là giải quyết vấn đề quân sự, đường giới tuyến quân sự là có tính tạm thời, không thể bị giới thiệu là đường biên giới chính trị và lãnh thổ. Trước tháng 7 năm 1956, dưới sự giám sát quốc tế, Việt Nam sẽ tiến hành bầu cử.
“Tuyên bố cuối cùng” xác nhận, nước Pháp sẽ rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Đã qua hai bên hiệp nghị, số quân Pháp lưu lại trong thời hạn nhất định, với số lượng nhất định không nằm trong hạn này.
“Tuyên bố cuối cùng”xác nhận, các nước tham dự hội nghị Genève sẽ tiến hành hiệp thương các vấn đề do giám sát quốc tế và Ủy ban giám sát xuất, nhằm bảo đảm thực hiện cuối cùng hoà bình tại ba nước Đông Dương (Toàn văn bản Tuyên bố xem phụ lục).
Eden kiềm chế tâm tình vui vẻ của mình để đọc lời bế mạc. Ông ta nói:
- Bây giờ đã đến lúc chúng ta kết thúc công việc của chúng ta. Do nhiều nguyên nhân, công tác của chúng ta đã kéo dài, hơn nữa vô cùng phức tạp… Hiệp định ký hôm nay có thể không làm cho mỗi người đều hoàn toàn vừa lòng, thế nhưng những hiệp định này đã khiến việc đình chỉ cuộc chiến tranh kéo dài tám năm và mang lại tai hoạ cho hàng triệu nhân dân trở thành có khả năng. Chúng ta hy vọng, vào giờ phút hoà bình thế giới có nguy hiểm cấp bách, những hiệp định này đã làm dịu tình hình căng thẳng quốc tế.
Eden biểu thị cám ơn công tác của những nhân viên đã khiến hội nghị tiến hành thuận lợi.
Smith, một lần nữa phát biểu tiếp, nói một đoạn như thế này:
- Nếu như tôi dám vì các vị đồng liêu trong đoàn đại biểu mà nói, đó là vì tôi cho rằng họ đều có cảm giác giống tôi. Tôi hy vọng các đồng liêu sẽ cùng tôi cùng gửi lời cám ơn tới hai vị chủ tịch hội nghị này, lòng nhẫn nại và những cố gắng không mệt mỏi của họ cũng như thành ý của họ đã giúp rất nhiều khiến những giải quyết trở thành khả năng. Chúng ta phải thành tâm cám ơn họ!
Molotov phát biểu, chỉ ra:
- Mục đích chủ yếu của hội Genève đã đạt được, nhiệm vụ khôi phục hoà bình Đông Dương đã hoàn thành.
Phạm Văn Đồng phát biểu, nhớ lại lịch trình gian khổ mà hội nghị đã trải qua một cách tràn đầy tình cảm mãnh liệt. Nói đến đoạn sau, ông không khống chế nổi tình cảm đang trào dâng như sóng, nói lớn với các bạn của mình:
- Chúng tôi muốn hoà bình thống nhất đất nước của chúng tôi, và bắt tay xây dựng đất nước chúng tôi… Nhân dân Việt Nam, các đồng bào miền Nam: thắng lợi thuộc về chúng ta, độc lập và thống nhất tổ quốc chúng ta do chúng ta nắm giữ…Xin các người ghi nhớ lời Hồ Chủ tịch, đấu tranh là gian khổ, thắng lợi cuối cùng thuộc về chúng ta.
Chu Ân Lai phát biểu cuối cùng:
- Đoàn đại biểu chín nước hội nghị Genève trải qua 75 ngày làm việc, cuối cùng đã khắc phục được cản trở cuối cùng đạt được hiệp nghị khôi phục hoà bình Đông Dương. Tôi tin tưởng sâu sắc, những hiệp nghị chúng ta đạt được không chỉ sẽ kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương tám năm mang lại hoà bình cho nhân dân Đông Dương và nhân dân Pháp, mà còn làm hoà dịu hơn nữa cục diện căng thẳng ở châu Á và thế giới. Không nghi ngờ gì nữa, thành công của hội nghị chúng ta rất lớn.
Để làm cho hoà bình Đông Dương trở thành nền hoà bình củng cố và lâu dài, hội nghị này đã luôn luôn cố gắng làm cho vấn đề đình chiến và vấn đề chính trị ở Đông Dương đều được giải quyết. Hiện nay chúng ta đã có được hiệp nghị qui định các biện pháp cụ thể đình chỉ chiến tranh Đông Dương, đồng thời cũng qui định nguyên tắc giải quyết vấn đề chính trị Đông Dương. Căn cứ vào những nguyên tắc này, nước Cộng hoà Pháp tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn của ba nước Đông Dương; ba nước Đông Dương trong thời hạn mà mỗi nước tự qui định cử hành bầu cử tự do trong cả nước để thực hiện dân chủ và thống nhất ở mỗi nước. Chúng ta chú ý tới, ba nước Đông Dương sau khi đình chiến sẽ không tham gia bất kỳ liên minh nào, cũng không cho phép bất kỳ nước ngoài nào xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ của họ. Những hiệp nghị này sẽ làm cho nhân dân ba nước Đông Dương có thể xây dựng đất nước của họ trong hoàn cảnh hoà bình. ba nước này trên cơ sở tôn trọng chủ quyến lãnh thổ của nhau phát triển quan hệ hữu hảo giữa họ với nhau và giữa họ với nước Pháp. Những hiệp nghị này cũng sẽ dẫn tới quan hệ hữu hảo của họ với mọi nước láng giềng. Đoàn đại biểu nước CHND Trung Hoa hoàn toàn đồng ý và ủng hộ những hiệp nghị này đồng thời tuyên bố vui lòng cùng với các nước có liên quan bảo đảm sự thực hiện triệt để những hiệp nghị này.
Tại hội nghị Genève lần này từng thảo luận hai vấn đề lớn, tức giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên và vấn đề khôi phục hoà bình Đông Dương. Về việc giải quyết hoà bình vấn đề Triều Tiên, mặc dù không đạt được bất kỳ hiệp nghị nào, thế nhưng, nó không hề bị xoá bỏ trong nghị trình. Hiện nay, hội nghị này, đối với vấn đề khôi phục hoà bình Đông Dương không chỉ đạt được hiệp nghị đình chỉ hành động đối địch hơn nữa còn đạt được hiệp nghị nguyên tắc về giải quyết vấn đề chính trị. Điều này đã mang lại hy vọng mới cho hoà bình giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Cuối cùng tôi vui lòng chỉ ra, nếu như các quốc gia có liên quan có thành ý hoà bình, thì những tranh chấp quốc tế có thể trải qua hiệp thương đạt được giải quyết. Trong hội nghị lần này, người đứng đầu đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngài Phạm Văn Đồng và ngài Mendès-France đoàn trưởng đoàn đại biểu Pháp đều phát biểu với tinh thần hoà giải rất tốt. Ngài Molotov, đại biểu đứng đầu đoàn đại biểu Liên Xô và ngài Eden đoàn trưởng đoàn đại biểu Anh, hai vị Chủ tịch lần hội nghị này đã có những nỗ lực thúc đẩy hai bên và hội nghị đạt được hiệp nghị, rất đáng được chúng ta khen ngợi.
Thưa ngài Chủ tịch, phải thực hiện đình chỉ hành động đối địch ở Đông Dương, phải khôi phục hoà bình Đông Dương mà mọi người khát vọng. Cũng giống như ở Triều Tiên, một lần nữa hoà bình lại chiến thắng chiến tranh, chúng ta hãy kiên định lòng tin hơn nữa, tiếp tục nỗ lực vì bảo vệ và củng cố hoà bình thế giới.
Khi phát biểu những lời nói trên, tâm tình Chu Ân Lai nhất định có xúc động.
Một lần nữa Eden biểu thị cám ơn các đại biểu tham dự hội nghị, và vào lúc 5 giờ 20 phút tuyên bố: bế mạc hội nghị Genève.
Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954 Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954 - Tiền Giang (钱江/qian Jiang) Vai Trò Của Chu Ân Lai Tại Genève Năm 1954