Trên Đường epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
[9]
hẳng bao lâu chúng tôi đã ra tới đường cao tốc và đêm hôm đó, tôi nhìn thấy cả bang Nebraska mở ra trước mắt mình. Với tốc độ một trăm mười dặm một giờ lao thẳng qua, trên con đường hun hút, tôi vụt qua những thành phố ngủ yên, không một bóng xe cộ, và cái đầu tàu của hãng Union Pacific tụt lại sau lưng chúng tôi dưới ánh trăng. Suốt đêm hôm ấy tôi không hề thấy sợ hãi; điều tự nhiên nhất đời là được chạy xe một trăm mười dặm một giờ và được trò chuyện với nhau, được nhìn thấy tất cả các đô thị của bang Nebraska - Ogallala, Gothenburg, Kearney, Grand Island, Columbus - lướt qua như một giấc mơ, trong lúc xe cứ lao về phía trước và mọi người tiếp tục chuyện trò. Đó là một cái xe tuyệt vời, nó bám đường như một con tàu bám biển. “A, anh bạn, thật là một con tàu trong mơ,” Dean thở dài. “Tưởng tượng xem, nếu tôi và ông có được nó thì chúng ta sẽ làm gì. Ông biết có một con đường chạy thẳng xuống Mexico rồi tít sang tận Panama không? - mà có thể còn chạy thẳng một lèo xuống tận cùng Nam Mỹ, nơi có những người da đỏ cao lừng lững đứng nhai cocaine ngay trên sườn núi cũng nên. Đúng thế đấy! Ông và tôi, Sal ạ, ta sẽ thưởng ngoạn cả thế giới với một cái xe như thế này, bởi vì, anh bạn ạ, con đường nào thì cuối cùng cũng dẫn đến khắp mọi nơi trên thế giới này. Chả có ngóc ngách nào nó không lần đến được, đúng không? Ôi, và chả mấy chốc ta đã có thể tung tăng trong thành phố Chicago cổ với cái xe này! Biết không, Sal, cả đời tôi chưa bao giờ được đến Chicago, chưa lần nào mình từng dừng chân lại ở đó.”
“Ta sẽ đổ bộ thành phố như bọn găngxtơ trong chiếc Cadillac này.”
“Đúng! Cả các em nữa! Ta có thể đón các em lên xe, thật ra, Sal ạ, tôi đã tính sẽ phóng siêu tốc để ta có thể có một đêm được xài cái xe này trước khi hoàn lại nó cho khổ chủ. Giờ thì ông chỉ cần thư giãn thôi, tôi sẽ quất nó suốt đoạn còn lại.”
“Mà này, ta đang chạy tốc độ thế nào đấy?”
“Vẫn một trăm mười dặm, hình như thế - ông sẽ không nhận thấy là nhanh thế nào đâu. Cả ngày nay chúng ta vẫn chưa ra khỏi Iowa được, nhưng rồi tôi sẽ đến Illinois chớp nhoáng thôi.” Hai thằng học sinh lăn ra ngủ còn chúng tôi cứ rủ rỉ chuyện trò suốt đêm.
Điều kỳ lạ là Dean có thể bốc đồng điên lên rồi bất ngờ lại tiếp tục với linh hồn mình - thứ tôi nghĩ chỉ gói gọn trong một chiếc xe chạy như bay, một bờ biển làm đích, và một phụ nữ ở cuối con đường - lại hết sức bình tĩnh và sáng suốt như chưa hề có chuyện gì xảy ra. “Cứ mỗi lần đến Denver là tôi lại cảm thấy thế nào ấy. Tôi không thể đặt chân lên cái thành phố này nữa. Quái thai, lập dị, Dean là đồ xấu xa. Hừ!” Tôi bảo hắn là tôi đã đi con đường ở Nebraska này rồi, năm 1947. Hắn cũng vậy. “Sal này, khi tôi còn làm ở hãng giặt quần áo New Era ở Los Angeles hồi 1944, tôi đã khai gian tuổi để đến đường đua Indianapolis Speedway xem cuộc đua nhân ngày Chiến sĩ trận vong, ban ngày thì vẫy xe đi nhờ, tối đến lại thuổng xe để đi cho kịp. Tôi cũng từng có một cái Buick mua hai mươi đô ở Los Angeles, cái xe đầu tiên của tôi. Nó không đạt tiêu chuẩn đăng kiểm về phanh và đèn. Thế là tôi quyết định phải xoay một cái biển số của bang khác để dùng cái xe đó mà không sợ bị bắt, cho nên phải quay lại đó để lấy giấy tờ. Trong lúc tôi đang đứng đợi để vẫy xe đi nhờ, biển số giả vẫn ôm trong túi, một tên cớm sục đến, tóm tôi luôn, gã thấy tôi còn nhỏ tuổi, chưa được quyền đi quá giang. Lớ ngớ thế nào lại thò ra cái biển xe giả nên gã tống luôn mình vào xà lim. Tại đó, tôi ở chung với một lão nhà quê bụi đời lẽ ra nên được thả về nhà vì đến ăn lão còn không làm nổi nữa (vợ tay cảnh sát phải đút cho), cả ngày lão cứ mũi dãi ròng ròng khóc lóc. Sau một cuộc thẩm vấn, bao gồm cả những thứ vớ vẩn như một bài trắc nghiệm nhẹ nhàng, rồi đột ngột quay sang dọa dẫm, một bài đối chiếu chữ viết tay, vân vân, và sau khi tôi diễn thuyết một bài hùng hồn về đời mình, kết thúc với lời thú nhận rằng tôi chỉ bịa ra tiền sử ăn cắp xe của mình và rằng tôi chỉ đi tìm ông già đang làm công nhân nông nghiệp trong vùng, gã thả tôi ra luôn. Tất nhiên tôi không kịp đến xem cuộc đua. Mùa thu năm sau, tôi lại làm thế để xem tranh giải bóng bầu dục giữa đội Notre Dame và California ở South Bend, bang Indiana - lần này thì không gặp rắc rối gì, nhưng Sal ạ, tôi chỉ đủ tiền mua vé vào cửa, không còn thừa xu nào, suốt dọc đường cả đi lẫn về tôi chẳng có gì bỏ bụng, ngoại trừ mấy thứ ăn xin được của đủ mọi thể loại người trên đường, đồng thời vẫn săn gái như thường. Tôi là thằng duy nhất trên cái đất Hợp chúng quốc Hoa Kỳ này từng phải trải nhiều gian nan như thế để được xem một trận bóng.”
Tôi hỏi hắn về trường hợp nán lại ở Los Angeles năm 1944. “Tôi bị tống vào hỏa lò ở Arizona, đây là cái nhà giam tởm nhất tôi từng vào. Tôi buộc phải vượt ngục và đó là cuộc vượt ngục vĩ đại nhất đời tôi. Lại nói chuyện vượt ngục, ông biết rồi, thường thôi mà. Vượt rừng, ông biết đấy, bò trên đất, vượt đầm lầy - leo quanh cái xứ núi ấy. Phải đối mặt với dùi cui, lao động khổ sai và cái gọi là cái chết bất chợt ấy nên tôi cứ phải tắt rừng mà đi, tránh mọi con đường lớn và kể cả đường nhỏ, đường mòn. Tất nhiên là phải trút bỏ hết quần áo tù ra, mặc vào bộ đồ cũ nát chôm được ở một trạm xăng ngoại ô Flagstaff; rồi hai ngày sau đó, đến được Los Angeles trong bộ đồ nhân viên trạm xăng. Tôi đến trạm xăng đầu tiên nhìn thấy, được thuê, có một phòng riêng, đổi tên (thành Lee Buliay) và có một năm đầy hứng khởi ở LA, có thêm một hội bạn mới và cả lố bồ bịch, trong đó có vài em thực sự tuyệt. Mùa ăn chơi đó kết thúc vào cái đêm cả hội lái xe đi lượn đến đại lộ Hollywood. Tôi bảo thằng bạn lái xe hộ trong khi tôi hôn em bồ - tôi đang lái xe, ông hiểu chứ - nhưng nó không nghe thấy, thế là cái xe lao thẳng vào cột điện; may mà xe chỉ đang chạy có hai mươi dặm một giờ nên tôi chỉ bị vỡ mũi. Ông phải thấy cái mũi trước đây của tôi cơ - mũi dọc dừa nhé, đâu thảm hại như bây giờ. Sau đó, tôi đến Denver và mùa xuân ấy gặp Marylou ở một quán giải khát. Ôi, hồi đó nàng mới có mười lăm tuổi, mặc bộ đồ jean và chỉ đang chờ có người rước đi. Ba ngày, ba đêm nói chuyện suốt ở khách sạn Ace, lầu ba, phòng đầu hồi hướng Đông Nam, căn phòng kỷ niệm thiêng liêng và thần thánh của những ngày tháng đó... Lúc đó nàng ngọt ngào bao nhiêu, trẻ trung bao nhiêu! Hừm! Nhưng mà này, ông nhìn ra đằng kia xem, qua đoạn tối tối ấy, nhanh, nhanh, có một tốp mấy lão bụi đời đang ngồi quanh một ngọn lửa, gần đường sắt ấy, khỉ thật!” Hắn cho xe chạy chậm lại một chút. “Ông thấy đấy, tôi chả bao giờ biết được ông già tôi có ở đó không.” Có vài cái bóng đen gần đường xe lửa đang chập chờn trước một đống lửa. “Không bao giờ tôi biết có nên hỏi hay không, ông ấy có thể ở bất cứ đâu.” Dean lại tăng tốc. Ở nơi nào đó đằng sau hoặc đằng trước chúng tôi trong đêm tối mênh mông, ông già hắn đang nằm khoèo dưới gốc cây dại, cái này thì chẳng phải nghi ngờ gì - dãi dớt chảy xuống cằm, quần ướt sũng, mũi tróc lở, tai chảy mủ, có thể trên đầu còn có cả máu, và vầng trăng phủ ánh sáng lên ông.
Tôi nắm cánh tay Dean. “À, anh bạn, lần này thì chắc chắn chúng ta sẽ về nhà.” New York sẽ là nơi trú ngụ lâu dài đầu tiên của hắn. Hắn nhấp nhổm không yên; hắn không thể chờ được.
“Sal này, nghĩ thử xem, khi đến Pennsylvania, ta lại bắt đầu được nghe điệu bebop miền Đông tuyệt cú mèo ấy trên đài. Lạy Chúa, chạy đi, con tàu già, hãy chạy đi.” Chiếc xe tuyệt hảo khiến cho gió gào lên, khiến đồng bằng mở ra như một cuộn giấy; nó như nhả ra con đường nóng bỏng từ chính mình và con đường rạp mình tôn kính - một con tàu quyền uy. Tôi mở to mắt nhìn ánh bình minh xòe ra như cái quạt; chúng tôi đang lao vào nó. Khuôn mặt khắc khổ của Dean cúi xuống ánh đèn từ bảng điều khiển xe, nghiền ngẫm ý định của mình.
“Đang nghĩ gì vậy, bố trẻ?”
“À ừ, à ừ, vẫn thế thôi, ông biết rồi đấy - gái, gái, gái.”
Tôi ngủ thiếp đi và tỉnh dậy trong không khí khô nóng của buổi sáng một ngày Chủ nhật tháng Bảy ở Iowa, Dean vẫn cầm lái suốt và không hề chạy chậm lại. Trong những thung lũng ngô ở Iowa, xe vẫn phóng đến tám mươi dặm một giờ trên những khúc quẹo hẹp, còn đường thẳng thì cứ một trăm mười mà lao, chỉ các đoạn đường hai chiều đông đúc mới buộc được hắn chạy theo hàng và giảm tốc độ xuống còn sáu mươi chậm như bò. Khi có thời cơ, hắn lại cho xe chạy lồng lên, để lại phía sau một đám bụi lớn như đám mây. Một tên khùng lái con Buick mới toanh nhìn thấy vậy liền quyết định thi trình tốc độ với bọn tôi. Trong lúc Dean đang sắp sửa vượt lên một đoàn xe, cha này đột ngột vụt qua, nhấp nháy đèn báo và bấm còi tưng bừng để khiêu khích đối thủ. Chúng tôi lao theo gã như một con chim lớn. “Hãy đợi đấy,” Dean cười lớn, “tôi sẽ đùa với thằng khốn này khoảng chục dặm đã. Xem này.” Hắn để con Buick đi trước một đoạn rồi tăng ga bắt kịp nó theo cách bất lịch sự nhất. Tên khùng lái con Buick nổi xung nâng tốc độ lên một trăm dặm một giờ, xe gã lại vượt lên trước. Bấy giờ mới có dịp nhìn thấy gã. Trông gã như một tay hippy Chicago đi cùng một phụ nữ đáng tuổi mẹ gã, mà cũng có khi là mẹ gã thật. Có Chúa mới biết được bà ấy có ca cẩm gì không nhưng gã vẫn cứ lao lên. Gã có mái tóc đen bù xù, một tên người Ý đến từ Chicago cổ kính, mặc áo thể thao. Có thể gã đồ rằng chúng tôi là một băng mới từ LA đến chiếm lĩnh Chicago; hoặc là người của Mickey Cohen*, vì chiếc limousine này trông rất giống loại xe của băng đó, lại còn mang biển số California. Với chúng tôi đó chỉ là trò chơi trên đường. Còn gã thì tìm đủ mọi cách để vượt trước chúng tôi; gã vượt mọi ô tô trên các khúc cua, chỉ hi hữu lắm mới trở lại đúng hàng khi một cái xe tải lù lù hiện ra trước mắt. Tám mươi dặm trên đất Iowa đã diễn ra như vậy, tôi khoái tới mức quên cả sợ. Thế rồi tay khùng đầu hàng, gã đậu xe trước một trạm xăng, hẳn là theo lệnh của bà già, và lúc chúng tôi phóng xe qua, gã vẫy tay chào hớn hở. Chúng tôi lại tăng tốc, Dean lại cởi trần, tôi gác chân lên bảng điều khiển, hai thằng nhóc vẫn ngủ yên ở băng ghế sau. Chúng tôi dừng xe để ăn sáng; bà già tóc bạc chủ quán đưa ra suất khoai tây kếch xù trong lúc chuông nhà thờ đâu đó bắt đầu ngân nga. Rồi chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
“Dean, ban ngày đừng có chạy nhanh quá như thế.”
“Khỏi bận tâm đi, tôi biết tôi đang làm gì mà.” Tôi bắt đầu hơi ái ngại. Dean nhập vào đoàn xe trên đường như hung thần xa lộ. Hắn gần như đâm hết vào họ khi tìm lối xông lên. Khi húc vào đít xe đằng trước, khi lại chạm sát sạt vào cánh xe bên, vỉa sát rạt mặt đường khi cua, khi thì một chiếc xe to đùng chồm qua suýt đụng, chúng tôi chỉ trở lại làn đường của mình trong đường tơ kẽ tóc khi làn đường kia đầy xe chạy ngược chiều. Tôi rùng mình. Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa. Iowa hiếm có những đoạn đường thẳng tắp như ở Nebraska, và đến khi cuối cùng cũng gặp được một đoạn ngon ăn như vậy, Dean vút ngay tốc độ một trăm mười. Tôi thấy lướt qua hai bên đường vài cảnh từng có trong trí nhớ về hồi 1947 - cảnh Eddie và tôi chôn chân hai tiếng đồng hồ chờ bắt xe. Cả con đường xưa trong dĩ vãng hiện lên loang loáng đến chóng mặt như thể ly rượu cuộc đời đang đổ ngược và mọi thứ trở nên điên loạn. Tôi thấy mắt mình nhói đau trong cơn ác mộng giữa ban ngày.
“Thôi Dean này, tôi phải xuống ngồi băng sau thôi. Không chịu nổi nữa rồi, tôi không thể nhìn tiếp.”
“Hi-hi-hi!” Dean cười hinh hích, cho xe vượt qua một cây cầu hẹp, cua gấp trong bụi mù mịt và lại tiếp tục lao lên. Tôi nhảy xuống băng ghế dưới, co mình ngủ. Một trong hai thằng nhóc nhảy lên ghế trên cho vui. Tôi cứ chập chờn sợ cái xe có thể đâm vào đâu đó ngay trong sáng nay nên tôi chuyển xuống sàn xe, nhắm chặt mắt cố gắng ngủ. Khi còn là thủy thủ, tôi thường hay hình dung đến những con sóng xô nhau dưới vỏ tàu và đáy sâu hun hút dưới đó - giờ đây thì tôi cảm thấy con đường cách tôi chưa đầy nửa mét, uốn lượn, rít lên lao về phía tôi với tốc độ không thể tin được, còn tôi đang xuyên qua lục địa này cùng một cha nội khùng bên tay lái. Khi nhắm mắt lại tất cả những gì tôi nhìn thấy là con đường cứ đâm thẳng vào mình. Mở mắt ra lại nhìn thấy bóng cây hai bên đường sống động in trên sàn xe. Không có lối thoát. Phải chịu đựng thôi. Dean vẫn cứ cầm tay lái suốt, không hề có ý định ngủ ngáy gì cho tới khi đến Chicago. Đến chiều, xe lại chạy ngang qua Des Mornes. Ở đây tất nhiên bọn tôi bị kẹt xe và chạy chậm lại. Tôi lại lên ghế trước. Lúc đó bỗng xảy ra một vụ tai nạn kỳ quái và cảm động. Một anh chàng da đen to con chở theo cả gia đình đang chạy trước xe chúng tôi, sau xe buộc một cái túi đựng nước, loại dùng để bán cho khách du lịch ngoài sa mạc. Gã bất ngờ phanh gấp. Dean mải nói chuyện với hai thằng nhóc ở ghế sau nên không để ý, và chúng tôi đâm mũi vào đuôi xe gã da đen làm cái túi nước vỡ tung, bắn tung tóe nước ra ngoài. Vì chỉ đang bò năm dặm một giờ nên không có thiệt hại gì khác ngoài cái hãm xung bẹp rúm. Dean và tôi xuống xe nói chuyện với gã da đen. Kết quả là cuộc trao đổi địa chỉ và tán gẫu. Dean không sao rời mắt khỏi cô vợ của gã, hai bầu vú rất đẹp của nàng đội lên qua lần áo vải bông mềm trông thật ngon mắt. “Ừ, ừ”. Bọn tôi cho gã địa chỉ chủ xe ở Chicago rồi đi tiếp.
Ra khỏi Des Moines, một xe cảnh sát đuổi theo chúng tôi, bóp còi inh ỏi yêu cầu đỗ lại. “Lại gì nữa đây?”
Tên cớm bước ra. “Các anh vừa gây ra tai nạn ở chỗ vào thành phố phải không?”
“Tai nạn? Chúng tôi chỉ làm vỡ túi nước của một gã ở đoạn ngã tư thôi.”
“Anh ta nói bị một bọn đi một cái xe đánh cắp đâm phải.” Thật hiếm có dịp Dean và tôi gặp phải một cha da đen vừa khùng vừa đa nghi như vậy. Chúng tôi ngạc nhiên đến nỗi phá ra cười. Bọn tôi phải theo tên cớm đó về trạm và lại phải ngồi xuống cỏ đợi cả tiếng đồng hồ để họ phôn về Chicago gặp bằng được chủ nhân cái Cadillac và kiểm tra tư cách lái xe của chúng tôi. Tên cớm dẫn lại lời ông Baron, “Đúng, đó là xe của tôi nhưng tôi không chịu trách nhiệm gì hết về hành động của hai người đó.”
“Họ vừa đụng xe một chút ở Des Moines.”
“Phải, anh nói với tôi rồi - tôi chỉ muốn nói là không chịu trách nhiệm gì hết về tất cả hành vi của họ trong quá khứ.”
Mọi việc được làm rõ, chúng tôi lại rú ga lên đường. Qua Newton, Iowa, nơi tôi từng cuốc bộ lúc rạng đông năm 1947. Đến chiều, chúng tôi lại qua thành phố Davenport uể oải và dòng Mississippi mùa cạn chảy lững lờ trên đáy sông gồ ghề. Rồi đến Rock Island, mấy phút ùn tắc. Mặt trời đỏ ối, và bỗng hiện ra quang cảnh những nhánh sông xinh đẹp êm đềm chảy trong đám cây cỏ xanh tươi của xứ Illinois giữa lòng nước Mỹ. Cảnh vật đã bắt đầu lại trông giống miền Đông hiền hòa dịu ngọt; miền Tây hùng vĩ khô hạn đã lùi xa. Bang Illinois rộng mở trước mắt tôi trong sự di chuyển kéo dài vài tiếng đồng hồ khi Dean lái xe xuyên qua nó, vẫn giữ nguyên tốc độ cao như thế. Mệt rồi nên hắn càng dễ gây ra tai nạn. Hắn cho xe lên một cây cầu hẹp bắc qua một trong số các nhánh sông nhỏ xinh đẹp êm đềm đó và bốc đồng đưa chúng tôi vào một tình huống gần như không thể tưởng tượng được; trước mặt chúng tôi là hai chiếc xe đang chầm chậm nối đuôi nhau trên cầu; phía đầu cầu bên kia là một xe tải rơ moóc khổng lồ chạy ngược chiều tới, tay tài xế chiếc xe này đang tính toán xem hai cái xe chậm chạp kia sẽ mất bao lâu mới qua xong cầu, và gã ước lượng rằng trước khi gã lên tới cầu thì hai chiếc kia đã qua xong. Khi xe tải lên cầu thì trên cầu không còn hở ra chỗ cho bất cứ xe nào đi cùng chiều với nó nữa. Đằng sau chiếc xe tải là hàng đoàn xe con đang tìm cách vượt. Trước mặt hai chiếc rùa bò kia xe cũng xếp hàng đoàn. Con đường trở nên đông khủng khiếp và ai cũng cố vượt. Dean lao tới toàn bộ đống lộn xộn này, vẫn với tốc độ một trăm mười dặm. Không chần chừ một giây, Dean vượt hai chiếc xe rùa bò kia, lạng lách, suýt va vào thành cầu bên trái, lao thẳng vào bóng chiếc xe tải khổng lồ, tạt phải dứt khoát, tránh được cái bánh trước bên trái xe tải trong đường tơ kẽ tóc, suýt đụng phải chiếc xe rùa bò đầu tiên, tất cả những điều này diễn ra trong khoảng hai giây, trong nháy mắt, hắn đã lách ra khỏi đám xe, để lại sau lưng chỉ một đám bụi mù chứ không phải một vụ tai nạn khủng khiếp trên đường với hàng đám ô tô văng ra mọi hướng và một chiếc xe tải lật ngửa trong buổi chiều chết chóc đỏ rực của vùng Illinois giữa những cánh đồng mộng mơ như tôi tưởng tượng. Tôi không thể vứt hình ảnh này ra khỏi đầu, đồng thời chợt nhớ đến tay thổi kèn clarinet nổi tiếng vừa chết trong một tai nạn giao thông ở Illinois, hẳn cũng vào một ngày như ngày hôm nay. Tôi lại xuống ngồi ở hàng ghế sau.
Hai thằng học sinh giờ đây cũng ngồi luôn ở băng sau. Dean rạp lưng lái xe để đến được Chicago trước khi trời tối. Đến gần một chỗ tránh tàu, chúng tôi cho hai gã lang thang lên xe, họ chung nhau tiền mới được nửa đô góp tiền mua xăng. Vừa lúc nãy họ còn ngồi bệt trên đường tàu cố hớp những giọt rượu cuối cùng, giờ đây đã được ung ung ngồi trong một chiếc Cadillac limousine tuy lắm bùn nhưng vẫn hết sức sang trọng, phóng như điên về Chicago. Thực ra, tay bụi đời ngồi cạnh Dean ở ghế trước không dám rời mắt khỏi con đường và luôn miệng cầu nguyện theo kiểu của gã để tai qua nạn khỏi. “Ôi,” họ nói, “chúng tôi không ngờ sẽ đến được Chicago nhanh thế này!” Khi đi qua các thị trấn ảm đạm của bang Illinois nơi người ta đã quen với cảnh các băng nhóm Chicago phóng xe limousine trên đường thế này hàng ngày, chúng tôi đúng là một cảnh lạ: cả bọn đều râu ria xồm xoàm, thằng lái xe thì cởi trần, hai gã bụi đời, bản thân tôi ngồi tựa lưng vào ghế sau, tay bám vào xe, đầu ngả ra đệm ghế ung dung ngắm cảnh như một ông hoàng - hệt một băng mới nổi ở California đến tranh chiến lợi phẩm với bọn ở Chicago, hoặc băng toàn bọn liều mạng vừa vượt ngục ở Utah ra. Khi chúng tôi dừng lại đổ xăng và tiện thể làm một chầu Coca ở một trạm xăng nhỏ, người ta đổ ra nhìn chúng tôi. Họ không nói câu nào nhưng chúng tôi đoán là họ đang bí mật ghi nhớ nhận dạng chúng tôi, biết đâu sau này cần. Để giải quyết với cô bơm xăng, Dean chỉ cần vắt cái áo phông lên cổ như khăn quàng, nói vài câu cộc lốc thô lỗ như thường lệ là đã có thể trở lại xe và chúng tôi lại rồ máy. Chẳng bao lâu, ánh trời đỏ đã chuyển sang màu tía, khúc cuối của con sông huyền diệu cũng đã vụt qua, và chúng tôi đã thấy khói Chicago tỏa lên xa xa phía trước. Thế là chúng tôi đã làm một lèo từ Denver đến Chicago, ghé qua trang trại của Ed Wall, cả thảy là 1180 dặm, trong vòng chính xác là mười bảy tiếng đồng hồ, không tính hai tiếng bị sa xuống rãnh, ba tiếng ở lại trang trại nhà Wall và hai giờ lằng nhằng với cảnh sát ở Newton. Trung bình xe chạy khoảng bảy mươi dặm một giờ, chỉ có một tay lái. Cũng là một thứ kỷ lục lạ lùng đấy chứ.
Trên Đường Trên Đường - Jack Kerouac Trên Đường