Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 5 - Đêm Hội Walpurgis
ài hôm nữa là chàng trẻ tuổi Hans Castorp ở trên này được tròn bảy tháng, còn anh họ chàng, Joachim trung hậu, người đã có thâm niên năm tháng trời khi chàng mới tới nơi, giờ đếm đủ mười hai tháng hay là một năm - một năm tròn, tròn theo cái nghĩa thiên văn học, tức là, kể từ khi chiếc đầu máy bé hạt tiêu đưa Joachim lên thả vào xứ này thì trái đất đã quay được một vòng trọn vẹn quanh mặt trời và trở lại đúng vị trí cũ. Bấy giờ đang mùa lễ hội hóa trang[173]. Đêm trước tuần chay[174] đã rập rình trước cửa, và Hans Castorp tò mò dọ hỏi những người có thâm niên cao ở trên này xem hội hóa trang ở đây được tổ chức ra sao.
“Hoan hỉ lắm!” Settembrini trả lời, vì hai anh em lại chạm trán ông ta trong một lần đi dạo theo lịch vận động buổi sáng. “Thú vị lắm!” Ông ta bảo. “Tưng bừng nhộn nhịp như ở Prater[175], rồi ông sẽ thấy, ông kỹ sư. Nhập vào vòng nhảy ở đây chúng ta sẽ sáng như đèn.[176]” Rồi ông ta không tiếc lời cay độc, dùng đến cả đầu, vai và cánh tay để minh họa một cách sinh động cho thái độ phê phán của mình: “Chứ ông tưởng sao, thậm chí trong maison de santé[177] người ta còn tổ chức dạ hội cho những kẻ điên khùng mất trí, tôi vừa mới đọc được tin ấy, thế thì tại sao ở đây lại không? Chương trình đêm hội bao gồm danses macabres[178] đủ mọi thể loại, như ông hẳn cũng có thể hình dung ra được. Rất tiếc một số kẻ đã tham dự cuộc vui năm ngoái sẽ chẳng thể có mặt lần này, vì lễ hội chấm dứt từ lúc chín rưỡi…”
“Ý ông nói… À ra thế, tuyệt thật!” Hans Castorp bật cười. “Ông đúng là trùm tiếu lâm! ‘Lúc chín rưỡi’ - cậu nghe thấy không? Sớm quá, để ‘một số’ những người năm ngoái mò về vui chơi chốc lát, ông Settembrini bảo thế. Ha ha, đáng ngại thật. Số ấy hẳn là những người trong năm qua đã giã từ thân xác đầy tội lỗi của mình rồi, cậu hiểu ý tớ chứ? Nhưng tôi vẫn nóng lòng mong tới đêm hội”, chàng quay sang ông người Ý. “Tôi thiết tưởng việc tổ chức những dịp hội hè như thế ở đây là rất nên, nó như là những cột mốc đánh dấu từng chặng đường, từng quãng thời gian, để thời gian đừng trôi đi triền miên không giới hạn, như vậy mới thật là đáng sợ. Chúng ta vừa trải qua lễ giáng sinh và biết rằng đã sang năm mới, giờ đây tới hội hóa trang. Tiếp đến là chủ nhật lễ lá (ở đây liệu có bánh mì vòng không nhỉ?), rồi đến tuần thánh trước lễ phục sinh, rồi lễ phục sinh và sau đó sáu tuần là lễ thánh thần hiển hiện, chẳng bao lâu sau lại đến ngày dài nhất trong năm, ngày hạ chí, ông hiểu không, rồi lại sang thu…”
“Thôi! Thôi! Thôi!” Settembrini cất tiếng kêu thống thiết, mặt ngửa lên trời hai tay ép chặt lấy thái dương. “Xin ông thôi ngay đừng nói nữa! Tôi không chấp nhận thái độ vung tay áo xô đốt nhà tang giấy như thế với thời gian!”
“Xin ông thứ lỗi, ý tôi muốn nói ngược lại… Nhưng mà rốt cục thế nào Behrens cũng sẽ phải quyết định chích thuốc để giải độc cho tôi, vì thân nhiệt của tôi cứ giữ hoài mức ba bảy độ bốn, độ năm, độ sáu và thậm chí cả độ bảy. Nó nhất định không chịu xuống. Tôi đã và sẽ còn là một học sinh cá biệt của trường đời. Tôi không thuộc loại mang án dày, vì Rhadamanth chưa bao giờ tuyên bố rõ ràng bắt tôi bóc lịch bao lâu, nhưng ông ta bảo sẽ rất uổng nếu tôi bỏ dở việc điều trị, vì tôi đã ở trên này lâu đến thế và đã đầu tư nhiều thời gian như vậy rồi, đại khái thế. Vả lại nếu như ông ta đặt ra cho tôi một thời hạn thì xét cho cùng nó cũng chẳng có ý nghĩa là bao. Cái thời hạn ấy ông ta thay đổi mấy hồi! Nếu ông ta có bảo: nửa năm, thì đó cũng chỉ là thời hạn tối thiểu và người ta phải chuẩn bị tinh thần để ở lâu hơn. Cứ xem anh họ tôi đấy, lẽ ra đầu tháng này anh ấy đã hết hạn rồi - hết hạn với cái nghĩa là đã khỏi bệnh - nhưng lần khám sau cùng Behrens lại tuyên bố cần thêm bốn tháng nữa mới khỏi hẳn. Ông xem, bốn tháng nữa là bao giờ? Đã là hạ chí rồi, như tôi vừa nói lúc nãy, hoàn toàn không có ý chọc tức ông, và sau đó lần lần sẽ tới hồi đông chí. Nhưng hẵng cứ biết lễ hội hóa trang trước mắt cái đã, ông ạ, tôi thấy chúng ta nên giữ đúng thứ tự các cột mốc thời gian ghi trên lịch. Bà Stöhr bảo trên này có thể mua kèn giấy ở chỗ người gác cổng, chẳng biết có đúng không?”
Đúng thế. Trong bữa điểm tâm ngày thứ ba lễ hội hóa trang, cái lễ hội bỗng dưng sờ sờ trước mắt, trước cả khi người ta kịp định thần, ngay từ sáng sớm trong phòng ăn đã toe toe đủ thứ tiếng các loại nhạc cụ đồ chơi, từ khàn khàn đến choe chóe; sang bữa trưa ở bàn Gänser, Rasmussen và cô ả Kleefeld đã thấy những chiếc kèn giấy sặc sỡ hình con rắn cuộn tròn khi thổi mới bung ra, và nhiều người, ví dụ cô Marusia mắt tròn, đã đội trên đầu cái mũ giấy nhọn mua của lão già khập khiễng ngồi trước cổng; nhưng phải đến bữa tối trong phòng ăn và bên dãy phòng giao lưu không khí mới thực sự trở nên tưng bừng đầy tính hội hè… Chỉ có chúng tôi biết trước không khí hội hè ấy, và sự sốt sắng của Hans Castorp, sẽ dẫn tới đâu. Nhưng chúng tôi không thể để cho dòng suy nghĩ cuốn mình đi trước độc giả, chúng tôi phải tôn trọng thời gian cho xứng đáng và không được tiết lộ điều gì quá sớm - thậm chí có lẽ chúng tôi còn nên trì hoãn để một vài sự kiện đừng xảy ra quá đường đột, vì chúng tôi cũng cùng một tâm trạng ngại ngùng đoan chính như Hans Castorp, người cho tới nay vẫn cố giữ gìn để các biến cố ấy đừng vội xảy ra.
Đại để buổi chiều hôm ấy người ta lũ lượt kéo nhau xuống ‘Phố’ xem cuộc diễu hành hóa trang. Mặt nạ nhan nhản khắp nơi, những tên hề Pierrot và Harlequin[179] giằng co chiếc ghế dài long sòng sọc, khách bộ hành dưới đường và người trong đoàn diễu hành trên xe trượt tuyết, núp sau những tấm mặt nạ muôn hình muôn vẻ, tấn công nhau tơi bời bằng một trận mưa hoa giấy cắt nhỏ li ti. Đến bữa tối, khi quây quần quanh bảy chiếc bàn ăn thì thực khách đã cao hứng lắm và nhất quyết đem không khí hội hè ngoài phố vào khuấy động cái xã hội khép kín ở đây. Mũ giấy, kèn giấy và những đồ chơi lặt vặt mua của lão gác cổng trở nên nhàm, thế là ông công tố viên Paravant đầu têu ra một cách hóa trang mới: ông ta khoác lên người một tấm áo kimônô phụ nữ dài lượt thượt và đeo lủng lẳng trên đầu một bím tóc giả, theo lời ai đó ré lên thì là của bà tổng lãnh sự Wurmbrandt, thậm chí còn dùng kẹp nóng vuốt cho bộ ria rủ xuống, trông không khác gì một người Tàu chính cống. Ban quản trị cũng không chịu lạc hậu. Họ trang bị cho mỗi bàn ăn một cái đèn lồng bằng giấy màu hình mặt trăng có nến cháy bập bùng bên trong, khiến phòng ăn cứ như cái động và Settembrini lúc xuống dùng bữa đi ngang qua bàn Hans Castorp không nhịn được phải mượn lời một thi hào:
“Xem kìa, lửa cháy vui sao!
Một phường tiếu ngạo tụ vào với nhau.”[180]
Ông ta đọc thơ qua kẽ răng và nhếch mép cười khô khốc lúc lững thững đi về bàn mình, chưa tới nơi đã được đón tiếp bằng một trận pháo kích những viên đạn tròn nhỏ, vỏ mỏng đựng đầy nước hoa, khi đụng trúng đích vỡ ra thơm lừng.
Tóm lại, không khí hội hè vui nhộn không để đâu cho hết. Tiếng cười vang lên không dứt, những con rắn giấy mắc trên mấy ngọn đèn chùm thò đuôi lòng thòng xuống các dãy bàn, khẽ ve vẩy theo luồng khí xao động, hoa giấy li ti nổi lềnh bềnh trong nước sốt, chẳng mấy chốc đã thấy cô người lùn bươn bả mang thùng nước đá và chai sâm panh đầu tiên lên, người ta trộn rượu vang với rượu đỏ để uống cho phê theo chỉ dẫn của ông luật sư Einhuf, và đến cuối bữa ăn khi ai đó tắt hết đèn trên trần để phòng ăn chỉ còn lờ mờ ánh nến trong mấy ngọn đèn lồng đỏ như cảnh đêm một khu ăn chơi ở Ý thì chẳng còn ai không bị lây tâm trạng vui vẻ chung, và ở bàn Hans Castorp rộn lên nhiều tiếng cười tán thưởng khi nhận được mảnh giấy nhỏ của Settembrini chuyền sang (ông ta dúi vào tay người ngồi xây lưng lại với mình là cô Marusia đầu đội một chiếc mũ jockey bằng giấy bóng xanh), trên nguệch ngoạc mấy dòng thơ ghi bằng bút chì:
“Chớ có quên! Ngọn núi hôm nay đẫm phép màu
Và nếu như ánh lửa ma trơi chỉ đường ở đâu
Thì đừng có tin tưởng hoàn toàn vào đó.”[181]
Tiến sĩ Blumenkohl, có vẻ như lại bị một cơn khó ở, lầm bầm cái gì đó trong miệng với vẻ mặt khó tiêu muôn thuở và cử động tiết kiệm của đôi môi, người ta đoán là ông ta giải thích xuất xứ những vần thơ ấy. Hans Castorp hăng lên nhất định tham gia vào cuộc bút chiến và cho rằng mình có trách nhiệm phản hồi, viết cái gì thì thực ra không quan trọng. Chàng thọc tay vào túi lục tìm một cái bút chì nhưng không thấy, cả Joachim và cô giáo già Engelhart cũng không có để cho chàng mượn. Cặp mắt đỏ ngầu tia máu của chàng bất giác đưa cái nhìn tìm kiếm hướng về phía đông, phía một chiếc bàn tít trong góc trái gian phòng, và sáng kiến đột xuất ấy mang lại những liên tưởng táo bạo tới mức làm chàng tái mặt quên phứt ngay dự định ban đầu.
Của đáng tội chàng cũng có đầy đủ lý do để mà tái mặt. Madame Chauchat ngồi bàn ấy đã đặc biệt làm đẹp cho đêm hội hóa trang, cô ta mặc một chiếc váy mới - ít nhất là mới đối với Hans Castorp, vì chàng chưa thấy cô ta mặc lần nào - bằng lụa mỏng màu tối, gần như đen thẫm, chỉ loáng thoáng óng ánh nâu vàng, cổ tròn hẹp đoan trang không tiết lộ gì nhiều hơn chỗ hõm giữa cặp xương quai xanh trước ngực và đốt sống gồ lên sau gáy dưới những cọng tóc lòa xòa, nhưng lại để hai cánh tay Clawdia hoàn toàn tự do từ vai xuống - đôi cánh tay thon thả mà tròn trịa của nàng, chắc phải mềm mại và mát rượi lắm, nổi lên trắng ngần trên nền lụa sẫm, khiến Hans Castorp bàng hoàng nhắm nghiền hai mắt, miệng thì thầm được mỗi một lời: “Lạy Chúa!” Chàng chưa bao giờ nhìn thấy áo xống may kiểu này. Chàng không lạ gì các kiểu váy dạ hội, lộng lẫy và sang trọng, ở những vị trí nhất định được phép phô phang lộ liễu hơn thế này nhiều, nhưng còn khuya mới đạt được hiệu quả chấn động tinh thần như thế. Chàng Hans Castorp tội nghiệp đã nhầm lẫn nghiêm trọng khi tin vào một nhận định cũ, khẳng định sức hấp dẫn không lý giải nổi của đôi cánh tay này, đôi cánh tay có lần chàng được chiêm ngưỡng bọc trong ống tay áo bằng sa mỏng, “nửa kín nửa hở” như hồi đó chàng tự nhủ và cho rằng một sự trần trụi hoàn toàn có lẽ sẽ kém hấp dẫn hơn nhiều. Nhầm to! Mù quáng đến thế là cùng! Sự trần trụi hoàn toàn được nhấn mạnh và đề cao của bộ phận cơ thể tuyệt mỹ này, mặc dù về mặt hữu cơ nhiễm độc nặng, đã đánh bại tuyệt đối hình ảnh nửa kín nửa hở khi xưa, không cho phép người ta tỏ thái độ gì khác ngoài cách tâm phục khẩu phục cúi đầu thầm lặp đi lặp lại thán từ: “Lạy Chúa!” Sau đấy không bao lâu có một mảnh giấy khác lại được chuyền tới, trên đề:
“Bầu bạn, nhiều vô số kể
Chạy quanh toàn là cô dâu!
Và ai cũng thành chú rể
Ước mơ một mối tình đầu!”[182]
“Hoan hô! Hoan hô!” Người ta hưởng ứng rầm rầm. Cà phê đã được đưa lên trong những bình nhỏ màu nâu đất, và cả rượu ngọt nữa, bà Stöhr tỏ ra rất khoái khẩu với món đồ uống ngọt ngào có độ cồn cao này. Thực khách bắt đầu đứng dậy đi loanh quanh trong phòng. Người ta sang bàn khác thăm hỏi nhau, tùy tiện đổi chỗ. Một phần thực khách đã sang khu phòng giải trí, trong khi phần còn lại vẫn ngồi lì bên bàn ăn nhiệt tình chiếu cố món rượu pha. Settembrini đích thân tới bàn hai anh em họ, tách cà phê trên tay, cây tăm ngậm giữa đôi môi, thong thả kéo ghế ngồi xuống góc bàn giữa cô giáo quá thì và Hans Castorp.
“Dãy núi Harz”, ông ta bảo. “Vùng Schierke và Elend[183]. Thế nào, ông kỹ sư, những điều tôi hứa hẹn với ông có quá đáng chút nào không? Cái chợ phiên này thật hãi hùng[184]! Nhưng ông cứ đợi đấy, còn khối trò vui, đêm hội chưa đến đỉnh cao đâu, và còn lâu mới tới hồi kết thúc. Cứ theo những điều người ta bàn tán thì còn nhiều tiết mục giả trang hấp dẫn nữa. Một số nhân vật đã rút lui vào hậu trường chuẩn bị, đó là một dấu hiệu đầy hứa hẹn, rồi ông sẽ thấy.”
Đúng là có nhiều nhân vật giả trang mới xuất hiện: các bà trong trang phục đàn ông, bộ dạng thiếu tự nhiên hùng hổ cương lên như đóng kịch, mặt bôi râu ria đen xì bằng than đốt từ nút bấc chai rượu; các ông ngược lại xúng xính trong áo xống đàn bà, mỗi bước mỗi vấp dúi dụi vì đạp nhằm gấu váy. Tay sinh viên nửa mùa Rasmussen trong bộ váy áo đen tuyền hở lưng hở ngực khoe ra làn da lấm tấm mụn cóc, luôn tay phe phẩy cây quạt giấy đập phành phạch cả đằng trước lẫn đằng sau. Một lão ăn mày què ôm khư khư cây gậy lê lết đi qua đi lại. Ai đó đã chế biến một bộ đồ ngủ trắng và đôi dép nỉ đi trong nhà của phụ nữ thành trang phục Pierrot, mặt trát đầy phấn trắng khiến tròng mắt bạc phếch rất kỳ dị, cộng thêm cái miệng vẽ rộng ra tô son đỏ nhoe nhoét như máu. Đấy là cậu thiếu niên móng tay dài. Một anh chàng Hy Lạp ngồi bàn Nga hạ lưu có cặp giò thon đẹp õng ẹo diễu qua diễu lại trong chiếc quần cộc bó sát đùi màu tím, áo choàng ngắn cổ cao xếp nếp và thanh kiếm dài lòng thòng như một nhà quý tộc Tây Ban Nha hoặc một chàng hoàng tử trong cổ tích. Tất cả các bộ đồ hóa trang này đều được gấp rút tự sáng tạo sau bữa tối. Bà Stöhr cảm thấy kém miếng khó chịu nên cũng biến khỏi chỗ ngồi và một lát sau quay trở lại trong vai mụ già quét chợ, với tay áo xắn cao, một cái tạp dề quàng ra ngoài váy, chiếc mũ giấy đội đầu cột dây thật chặt dưới cằm, đủ cả lệ bộ chổi thùng lỉnh kỉnh, và hăng hái khua ngay cây chổi cán dài xuống dưới gầm bàn, không nể nang gì chân cẳng những vị khách còn ngồi lại.
“Mụ Baubo tới một mình”[185]
Settembrini có ngay câu trích dẫn thích hợp khi nhìn thấy bộ dạng bà ta, và không ngần ngại đọc cả câu thơ tiếp theo, rất rành rọt và truyền cảm. Bà ta nghe thấy, quay lại lườm một cái, gọi ông ta là “anh gà trống thiến” và yêu cầu ông ta “ngậm mỏ” lại cho mọi người nhờ, điềm nhiên gọi ông văn sĩ bằng anh theo tục lệ chung trong đêm hội hóa trang, lối xưng hô thân mật này đã trở nên phổ biến ở hầu hết các bàn trong bữa tối. Ông ta vừa mở miệng tính trả đũa thì bị cắt ngang bởi tiếng ồn ào từ ngoài sảnh vọng vào thu hút sự chú ý của tất cả mọi người trong phòng ăn.
Một đám diễu hành nhốn nháo gồm các thực khách từ dãy phòng giải trí kéo sang, dẫn đầu là hai nhân vật kỳ khôi trong những bộ đồ hóa trang hẳn vừa mới được hoàn thành. Một người đàn bà mặc đồng phục y tá của nữ tu đạo Tin Lành, nhưng tấm áo chùng đen được may thêm những vạch ngang màu trắng từ chân lên tới cổ, cách vài vạch ngắn nằm song song với nhau lại có một vạch dài hơn, như kiểu các vạch số trên chiếc nhiệt kế. Bà ta đưa ngón tay trỏ lên miệng ra dấu im lặng, nách bên phải cắp một bảng biểu đồ nhiệt độ. Người kia trang phục tuyền một màu xanh lam, mặt và cổ cũng bôi xanh, thậm chí cả đôi môi và cặp chân mày cũng vẽ cho xanh nốt, trên đầu đội sùm sụp một chiếc mũ len xanh trùm xuống tận tai và khắp người bọc trong một kiểu áo liền quần hay áo choàng may từ một tấm vải lanh xanh bóng, dưới cổ chân túm lại và khoảng giữa bụng được độn cho phình ra. Người ta nhận ra bà Iltis và ông Albin. Họ đeo sau lưng hai tấm bảng các tông đề “cây nhiệt kế câm” và “lão Heinrich xanh”. Cả hai vừa nhún nhảy vừa kéo nhau diễu quanh phòng.
Người ta hưởng ứng mới khiếp chứ! Tiếng cười nói ồn ào như ong vỡ tổ. Bà Stöhr, cây chổi để dựa vào vai, hai tay vòng quanh ôm lấy đầu gối, cười xả láng miệng ngoạc ra hết cỡ, nhập vai hẳn vào mụ quét chợ không cần giữ gìn ý tứ gì nữa. Chỉ có Settembrini tỏ thái độ không tán thưởng. Ông ta thờ ơ liếc mắt nhìn qua đôi nhân vật hóa trang rất được hâm mộ kia, cặp môi mím lại thành một đường mỏng dính dưới hàng ria mép uốn cong lịch lãm.
Trong đám đông lẽo đẽo đi theo cái ống nhổ màu xanh và cây nhiệt kế câm từ bên dãy phòng giải trí sang phòng ăn có cả Clawdia Chauchat. Tươi rói trong chiếc áo mới, cô ta đi cùng với cô Tamara tóc xù và người đàn ông ngực lõm ngồi cùng bàn, một gã tên là Buligin, lướt qua bàn Hans Castorp về phía bàn gã Gänser và cô ả Kleefeld, tới đó cô ta dừng bước, hai tay chắp sau lưng, cười tít mắt đứng đía lia tán dóc trong khi hai người đồng hành vẫn tiếp tục tháp tùng cặp biểu tượng quái gở nọ, sau khi đi hết một vòng quanh phòng lại ồn ào kéo nhau ra. Cả Madame Chauchat cũng làm đỏm bằng một chiếc mũ giấy hóa trang - không phải mũ mua mà tự xếp lấy từ một tờ giấy trắng, loại mũ ba góc đơn giản người ta vẫn làm để dỗ trẻ con, nhưng đội ngang trên đầu lại làm cô ta duyên dáng không lời nào tả xiết. Chiếc áo lụa nâu sẫm óng ánh vàng để hở chân, phần váy được may hơi bồng. Chúng tôi không bình luận thêm về hai cánh tay nữa. Chúng được để trần tới tận vai.
“Hãy nhìn kỹ cô ả đi!” Hans Castorp nghe tiếng Settembrini mơ hồ như vẳng lại từ một nơi xa xôi lắm, trong lúc mắt chàng còn mải dõi theo dáng người thướt tha lướt qua cánh cửa kính để ngỏ ra khỏi phòng. “Lilith đấy.”[186] “Ai cơ?” Hans Castorp hỏi.
Ông văn sĩ phấn chấn hẳn lên. Ông ta cất tiếng giảng giải: “Người vợ đầu tiên của Adam. Bạn ơi hãy dè chừng…”
Ngoài hai người họ ra chỉ còn tiến sĩ Blumenkohl ngồi lại bên bàn, ở chỗ của ông ta tận góc bên kia. Những người khác, kể cả Joachim, đã di cư sang dãy phòng giải trí từ lúc nào rồi. Hans Castorp bảo:
“Bạn ơi hôm nay anh văn thơ lai láng thế. Lại còn cô Lilli nào nữa đây? Hóa ra Adam có tới hai vợ hay sao? Thế mà tôi chẳng biết…”
“Truyền thuyết Hebrew[187] kể như vậy. Về sau Lilith biến thành ma xó, chuyên quyến rũ các chàng trai trẻ bằng mái tóc đẹp của mình.”
“Khiếp! Một con ma xó có mái tóc đẹp. Chắc bạn nhất quyết không đội trời chung với nó đâu nhỉ? Bạn tới bất thình lình, bật đèn sáng trưng như thắp đuốc trí tuệ để lôi kéo những người trẻ tuổi quay trở về con đường chính nghĩa, có phải vậy không?” Hans Castorp như người nói sảng. Chàng đã dốc vào họng khá nhiều hỗn hợp rượu pha để trên bàn.
“Ông nghe đây, ông kỹ sư, xin ông thôi ngay cái trò ấy đi!” Settembrini chau mày nghiêm giọng. “Xin ông thứ lỗi, nhưng tôi yêu cầu ông dùng lối xưng hô văn minh theo đúng phép lịch sự! Cái lối ăn nói nhả nhớt này thật không hợp với ông chút nào.”
“Nhưng mà tại sao lại phải thế? Đang là lễ hội hóa trang cơ mà! Đêm nay ai cũng có quyền đối xử thân mật với nhau…”
“Phải, theo một phong tục được đặt ra để thỏa mãn thói đồi trụy. Xưng hô suồng sã với người lạ, tức là với những người theo phép xã giao phải lễ phép gọi bằng ‘ông’, là điều không thể chấp nhận được, là đem kỷ cương ra làm trò đùa, một trò đùa vô đạo đức mà tôi ghê tởm, vì xét cho cùng nó phủ nhận tất cả những gì được coi là văn minh và nhân đạo, phủ nhận một cách trơ trẽn và hỗn xược nhất. Tôi không bao giờ gọi ông là ‘bạn’, ông đừng có lầm tưởng như vậy! Tôi chỉ trích dẫn một câu thơ tuyệt tác trong kho tàng văn học của dân tộc ông mà thôi. Có thể là tôi văn thơ lai láng…”
“Cả tôi nữa! Tôi cũng muốn văn thơ lai láng bồi hồi, vì đây là thời cơ ngàn năm có một, tôi cảm thấy thế. Tôi không có ý bảo rằng gọi anh bằng ‘bạn’ là điều dễ dàng gì đối với tôi, ngược lại là đằng khác, tôi đã phải cố gắng lắm mới vượt qua được sự ngại ngùng của bản thân, đã phải tự lấy đà rất xa để làm được điều đó, nhưng đó là điều tôi rất vui lòng thực hiện, sung sướng và bằng cả trái tim…”
“Bằng cả trái tim?”
“Bằng cả trái tim, đúng thế, bạn cứ tin lời tôi. Chúng mình đã đồng cam cộng khổ một thời gian dài ở trên này - bảy tháng trời, nếu bạn muốn tính đếm rạch ròi; thực ra như thế cũng chưa phải là nhiều lắm theo quan niệm ở đây, nhưng theo cách nghĩ ở dưới đồng bằng, như tôi còn nhớ, thì đó là vô khối thời gian. Vậy là chúng ta đã đồng cam cộng khổ trong khoảng thời gian ấy, vì số phận đưa đẩy cho ta gặp nhau ở trên này, và ngày nào ta cũng được nhìn thấy nhau và được trò chuyện cùng nhau về nhiều điều lý thú, có những điều mà nếu còn ở dưới kia chắc chắn tôi chẳng hiểu quái gì. Nhưng ở đây thì khác, ở đây những điều ấy trở nên vô cùng quan trọng và thiết thực đối với tôi, thế nên mỗi khi chúng ta tranh luận điều gì thì tôi lại căng tai lên tập trung hết sức lắng nghe. Hay nói đúng ra đó là những lúc bạn lấy tư cách một homo humanus giảng giải cho tôi, vì với vốn kinh nghiệm ít ỏi của mình tất nhiên tôi chẳng đóng góp được bao nhiêu mà chỉ biết ngậm miệng lắng nghe những điều bạn nói. Nhờ bạn tôi đã vỡ vạc ra biết bao điều… Carducci dĩ nhiên chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ, nhưng ngoài ra còn có bao nhiêu điều đáng kể, như là mối tương quan giữa nền cộng hòa và phong cách đẹp, hay giữa thời gian và tiến bộ - nếu thời gian ngừng trôi thì nhân loại cũng không thể có tiến bộ, và thế giới chỉ còn là một vũng nước tù, một cái ao tanh tưởi - tôi làm sao mà biết được những điều hay ho đó nếu không có bạn! Tôi tự tiện gọi bạn một cách thân mật như thế, xin lỗi bạn, nhưng tôi không biết để giữ phép lịch sự thì phải nói thế nào - nếu gò bó theo đúng kỷ cương thì tôi lại không thể ngỏ lời cùng bạn như thế này được. Bạn ngồi đó, và tôi được tâm sự với bạn, vậy là đủ. Bạn không chỉ là một con người được mệnh danh bằng một cái tên, ông Settembrini, mà bạn là đại diện của cả nền văn minh tiến bộ, một đại diện luôn luôn có mặt tại chỗ để giám sát tôi, bạn là thế đấy”, Hans Castorp cất cao giọng và đập một tay xuống tấm khăn trải bàn. “Và giờ đây tôi muốn có lời cảm ơn bạn”, chàng hạ giọng nói tiếp và đẩy cái ly thủy tinh đựng hỗn hợp rượu vang pha rượu đỏ của mình cho chạm vào tách cà phê của ông Settembrini như thể cụng ly, “cảm ơn bạn trong bảy tháng trời vừa qua đã tận tình giúp đỡ chỉ bảo tôi, đứa học trò vỡ lòng bỗng chốc bị trút xuống đầu bao nhiêu điều mới lạ, cảm ơn bạn đã cầm tay dìu dắt tôi trong những bài học cả lý thuyết lẫn thực hành, đã tìm cách gây tác động uốn nắn sửa đổi tôi, hoàn toàn miễn phí, khi thì dùng chuyện ngụ ngôn lúc lại bằng ví von trừu tượng. Tôi cảm thấy hết sức rõ rệt đây là thời điểm thích hợp để cảm ơn bạn về tất cả những điều đó, và xin lỗi bạn vì tôi là một học trò quá dở, một ‘học sinh cá biệt của trường đời’ theo cách nói của bạn. Khi nghe bạn nói thế tôi đã rất cảm động, và mỗi khi nghĩ đến tôi vẫn còn thấy cảm động lắm lắm. Là một học sinh cá biệt, tôi cần đến sự quan tâm đặc biệt của bạn và năng lực sư phạm mà bạn đã nhắc tới trong lần gặp gỡ đầu tiên - tất nhiên đấy cũng là một trong những mối quan hệ biện chứng mà bạn dạy cho tôi, mối tương quan giữa nhân văn và sư phạm - nếu bây giờ có thời gian chắc tôi còn nhớ thêm được nhiều điều hay ho nữa. Vậy thì, hãy tha thứ cho tôi và đừng nghĩ xấu về tôi! Chúc anh luôn hạnh phúc, anh Settembrini! Tôi xin cạn chén mừng cho những nỗ lực của anh trong lĩnh vực văn chương nhằm tiêu diệt mọi khổ đau của nhân loại!” Chàng kết thúc bài diễn văn, ngửa cổ uống vài hơi hết sạch chỗ rượu pha còn lại trong ly và đứng dậy. “Giờ ta có thể sang nhập bọn với những người khác được rồi.”
“Ơ kìa, ông kỹ sư, ông làm sao thế?” Ông người Ý kinh ngạc hỏi, cặp mắt đầy vẻ ngỡ ngàng, nhưng cũng đứng lên theo. “Nghe cứ như lời từ biệt…”
“Không, sao lại từ biệt?” Hans Castorp né tránh. Chàng không chỉ né tránh trong lời nói mà cả trong cử chỉ, nghiêng người sang bên đến nỗi đụng cả vào cô giáo quá thì - cô Engelhart vừa mới sang phòng ăn gọi họ. Ông cố vấn cung đình đích thân đứng ra làm chủ xị một chầu rượu nóng do ban quản trị đãi các bệnh nhân, ở trong phòng dương cầm ấy, cô ta thông báo. Các ông sang ngay đi kẻo hết. Thế là họ kéo nhau sang bên ấy.
Ở đó họ thấy ông cố vấn cung đình Behrens đang đứng bên một chiếc bàn phủ khăn trắng kê giữa phòng, múc từng vá rượu trong một cái liễn bốc hơi nghi ngút phân phát cho đám thực khách đứng vòng trong vòng ngoài xung quanh, nhao nhao chìa ra những chiếc ly nhỏ có quai cầm. Bản thân ông ta cũng chấm phá thêm đôi nét cho hình thức bề ngoài phù hợp với không khí hội hóa trang, tức là ngoài chiếc áo choàng trắng mọi ngày - mà hôm nay ông ta cũng mặc, vì trách nhiệm lương y không thể nghỉ ngày nào - ông ta chụp thêm lên đầu một chiếc mũ fez[188] Thổ Nhĩ Kỳ chính cống màu đỏ chói với một cái ngù đen buông xuống lủng lẳng ngang tai - đối với ông ta thế cũng là giả trang lắm rồi, thế là đủ để dung mạo vốn dĩ đã khác người của ông ta thêm phần cổ quái và phóng đãng. Chiếc áo choàng trắng dài càng nhấn mạnh chiều cao của ông cố vấn cung đình, nếu tính đến cả khúc cổ ông ta vươn về đằng trước (bằng cách ngầm nắn cho nó thẳng ra trong suy nghĩ) thì chiều cao của ông ta có dễ đạt tới mức siêu nhiên, cộng thêm cái đầu nhiều màu sắc ngất nghểu trên cùng có thể nói hình dong ông ta khá là ma quái. Chí ít thì đó cũng là cảm tưởng của chàng trẻ tuổi Hans Castorp, chưa bao giờ chàng thấy gương mặt ông cố vấn cung đình quái gở như hôm nay, dưới chiếc mũ đỏ giả trang: bộ mặt bèn bẹt với cái mũi hếch hỉnh lên, gò má tím xanh như chàm đổ, cặp mắt trong sòng sõng ầng ậng nước lồi ra dưới đôi chân mày rậm vàng hoe, và hàng ria mép cắt lệch dựng lên tua tủa như cọc rào viền trên cặp môi chỉ vểnh có mỗi một bên mép. Vừa nghiêng người tránh làn hơi nóng nghi ngút bốc lên từ cái liễn ông ta vừa rót từng vá chất lỏng màu nâu, một hỗn hợp rượu mạnh pha đường nấu cho sôi, vào những chiếc ly chìa về phía mình, và phân phát một cách hào phóng những câu đùa giỡn vô duyên, chọc cho đám người xúm xít quanh bàn cười rộ lên từng chặp.
“Đích thân ông lớn đứng chủ sòng”[189], Settembrini hạ giọng bình luận với một cái vung tay về phía ông cố vấn cung đình, và lập tức bị ai đó kéo đi chỗ khác. Cả bác sĩ Krokowski cũng có mặt. Thấp lùn, vạm vỡ và chắc nịch, với chiếc áo choàng lụa đen tay rộng trùm trên đôi vai vuông vức trông ông ta không khác gì một quân cờ đôminô. Tay xoay xoay ly rượu ngang tầm mắt, ông ta đứng tươi cười tán chuyện với một nhóm những kẻ hóa trang thành người khác phái. Âm nhạc nổi lên. Cô bệnh nhân mặt như con heo vòi kéo vĩ cầm bản ‘Lago’ của Händel[190], có gã đàn ông người Mannheim đệm piano phụ họa, sau đó họ còn chơi thêm một bài sonata của Grieg[191], loại âm nhạc phù hợp cả cho những dịp lễ lạt quốc gia trọng thể lẫn không khí phòng trà. Khán giả vỗ tay bồm bộp nhiệt tình cổ vũ, cả những người đã sà vào hai bàn đánh bài được ngả ra tự lúc nào, mặt nạ ngồi xen kẽ với mặt thật, kè kè bên cạnh là những chai rượu vang ngâm nước đá. Các cánh cửa mở toang, cho thấy ngoài tiền sảnh cũng có bệnh nhân đứng túm tụm. Một nhóm vây quanh cái bàn tròn để liễn rượu, chăm chú theo dõi ông cố vấn cung đình khởi xướng một trò chơi mới. Ông ta trổ tài vẽ không cần nhìn: thân hình dài thượt lom khom cúi xuống bàn, đầu ngửa lên để ai cũng thấy hai mắt nhắm tịt, bàn tay to như cái xẻng của ông ta không cần thị giác làm hoa tiêu vẫn nhanh nhẹn vạch lên mặt sau tấm danh thiếp hình một chú heo nhỏ nhìn nghiêng, mặc dù đó chỉ là một hình vẽ đơn giản, có tính biểu tượng hơn là tả thực, nhưng ai cũng nhận ra một chú heo con không nhầm lẫn vào đâu được, vẽ trong điều kiện mắt vẫn nhắm nghiền. Tiết mục ấy thành công vang dội, mà phải công nhận ông ta vẽ khéo. Con mắt heo nhỏ xíu được chấm khá chính xác lên đầu, mặc dù hơi xa cái mõm nhưng vẫn ở trên đầu chứ không bị lạc đi đâu mất, cả cái tai vểnh, bốn cái chân ngắn ngủn thò ra dưới cái bụng tròn xoay, và liền vào sống lưng võng xuống là cái đuôi nhỏ xoắn tít, cái nào cũng ở vào đúng chỗ của nó. Người ta đồng thanh reo lên “A!” khi tác phẩm được hoàn thành, và tranh nhau vẽ thử, bị tham vọng hội họa làm cho tối mắt. Bởi ở đó không có bao nhiêu người vẽ nổi một con heo với cả hai mắt mở to trao tráo, đừng nói đến chuyện nhắm mắt. Thật không lời nào tả xiết sự khủng khiếp của những quái thai được họ cho ra đời! Chẳng có bộ phận nào dính được vào bộ phận nào. Con mắt ti hí lọt ra ngoài cái đầu, những cái chân nằm gọn trong cái bụng phệ, bản thân cái bụng cũng hở toang hoác và cái đuôi xoắn phất phơ đâu đó cô đơn ngoài cơ thể, hoàn toàn mất liên lạc với tấm thân, như một nét hoa văn độc lập. Người ta cười lăn lóc. Nhóm vẽ thu hút được thêm nhiều thành viên mới, mỗi lúc một đông hơn. Đám con bạc ngồi bên hai chiếc bàn đánh bài cũng nổi tính hiếu kỳ, cầm nguyên những lá bài xòe ra như cánh quạt trên tay chạy sang ngó. Người xem cẩn thận nhìn vào tận mi mắt người vẽ để đảm bảo không có sự gian lận, và những người này, bất lực vì bỗng dưng thiếu mất một giác quan, vừa hồi hộp cười khúc khích vừa ngập ngừng đưa những nét bút hú họa, để rồi lúc mở mắt ra phải phá lên cười như điên khi nhìn thấy tác phẩm quái gở của mình. Bị lòng tự tin mù quáng thúc đẩy ai cũng muốn xông vào thử sức. Tấm danh thiếp không phải nhỏ nhưng chẳng mấy chốc đã đầy cả hai mặt những nét vẽ nguệch ngoạc chồng chéo lên nhau. Ông cố vấn cung đình hào phóng bỏ ra một tấm cạc nữa từ trong ví, và ông công tố viên Paravant, sau khi âm thầm cân nhắc, quyết định vẽ liền một nét không nhấc bút - kết quả là một thất bại còn thảm hại hơn tất cả những thất bại trước đó: tác phẩm của ông ta không những chẳng hề giống một con heo mà còn không giống bất kỳ loài sinh vật nào trên trái đất. Tiếng reo cười và tiếng chúc mừng náo loạn cả lên! Người ta chạy sang phòng ăn chôm những tấm thực đơn về vẽ, giờ thì nhiều người có thể vẽ cùng một lúc, cả các quý ông lẫn quý bà, và mỗi thí sinh đều có người giám khảo cũng như khán giả theo dõi sát sao từng động tác, để rồi sau đó khán giả lại trở thành thí sinh lúc tới lượt mình cầm bút. Có ba cây bút chì cả thảy, và người ta giành giật nhau để vẽ. Đó là bút của các bệnh nhân. Ông cố vấn cung đình, sau khi đầu têu trò chơi mới và hài lòng thấy mọi người hưởng ứng rầm rộ, đã lẳng lặng rút lui cùng với ông trợ lý.
Hans Castorp cũng có mặt trong đám đông, nhìn qua vai Joachim xuống xem một người vẽ. Chàng dựa cùi chỏ lên vai người anh, bàn tay xòe cả năm ngón ra đỡ lấy cằm, tay kia chống nạnh, nói cười hỉ hả. Chàng cũng muốn trổ tài, lớn tiếng đòi và được dúi vào tay một cái bút chì bị gọt mòn ngắn ngủn, chỉ có thể cầm bằng ngón trỏ và ngón cái. Chàng thất vọng chê bai cái đầu mẩu bút chì nhưng vẫn còng lưng cúi xuống, mặt ngửa lên trời, hai mắt nhắm tịt, và vừa không ngớt nguyền rủa sự vô dụng của cây bút vừa đưa bàn tay run rẩy vạch những nét không ra hình thù gì lên tấm bìa, cuối cùng còn đi xa đến mức hụt mất tờ giấy vẽ thẳng xuống khăn bàn. “Không được!” Chàng kêu tướng lên trong trận cười xứng đáng dành cho mình. “Vẽ thế nào được bằng cái thứ chết tiệt này, quỷ tha ma bắt nó đi!” Và chàng vứt toẹt cái đầu mẩu bút chì tội nghiệp vào liễn rượu. “Ai có một cái bút chì tử tế hơn? Ai cho tôi mượn một cái bút chì? Tôi phải vẽ lại mới được! Một cái bút chì, một cái bút chì! Ai có một cái bút chì?” Chàng quay sang tứ phía gọi to, tay trái vẫn còn tì xuống mặt bàn, tay phải đưa lên cao khua khoắng. Chẳng ai cho chàng mượn. Thế là chàng quay lưng đi sâu vào trong phòng, vừa đi vừa tiếp tục hô hào - và đi thẳng tới trước mặt Madame Chauchat mà chàng biết nãy giờ vẫn đứng không xa cửa gian phòng khách nhỏ nhìn về phía bàn vẽ.
Chàng nghe sau lưng mình có tiếng người gọi giật, giọng rành rọt truyền cảm bằng một ngôn ngữ lạ: “Eh! Ingegnere! Aspetti! Che cosa fa! Ingegnere! Un po di ragione, sa! Ma è matto questo ragazzo!”[192] Nhưng chàng cố ý lớn tiếng át giọng người ấy đi, và người ta thấy ông Settembrini giận dỗi bỏ ra khỏi phòng, vừa đi vừa vung tay lên quá đầu - một cử chỉ rất sinh động ở quê hương ông mà ý nghĩa khó lòng gói gọn trong một chữ - kèm theo thán từ “Ây dà!” kéo dài ra hết cỡ. Hans Castorp ngược lại thấy mình đứng trên sân trường lát gạch xỉ đỏ bầm, nhìn thẳng từ cự ly gần vào cặp mắt mí lót man mác đổi màu lam - xám - lục ngự trên đôi gò má cao và cất tiếng hỏi:
“Em có cái bút chì nào không?”
Mặt chàng tái xanh tái tử, nhợt nhạt không thua cái lần dạo chơi một mình áo quần vấy máu hộc tốc trở về dự thuyết trình. Các mao mạch trên mặt chàng hoạt động một cách hiệu quả không ngờ, khiến làn da của tuổi thanh xuân còn mịn màng phơn phớt lông tơ tái như mào gà bị cắt tiết, hơi ấm bay sạch làm chóp mũi như nhọn ra và quầng mắt xám như chì, trông chàng không khác gì xác chết. Nhưng thần kinh giao cảm quất cho trái tim Hans Castorp lồng lên phi nước đại và nhịp thở vượt xa khỏi giới hạn điều hòa, những cơn rùng mình liên tiếp chạy khắp người chàng trai trẻ, kết quả vận động hăng hái của các tuyến bài tiết dưới da, kèm theo tác dụng phụ là lông tóc dựng lên như nhím.
Người đội cái mũ giấy ba góc thản nhiên quan sát chàng từ trên xuống dưới với nụ cười kín đáo không để lộ ra dù chỉ một thoáng thương hại hay lo lắng cho vẻ thất thần của chàng. Nàng thuộc loại người không hề biết đến cảm giác thương hại và lo lắng khi đối đầu với nỗi đam mê kinh dị, lĩnh vực mà rõ ràng là nàng có nhiều kinh nghiệm hơn người đàn ông trẻ kia, con người từ thuở cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ thấy thoải mái với thứ tình cảm ấy và chỉ lo bị nó xông lên tập kích bất ngờ hay chơi cho những vố nhớ đời. Cũng phải nói thêm rằng trong tình cảnh này nếu được một chút thương hại và lo lắng chắc chàng sẽ biết ơn lắm lắm.
“Anh hỏi tôi?” Người bệnh với cánh tay trần đáp lại tiếng “em” chàng gọi cô ta. “À, cũng có thể.” Để ý lắm mới thấy trong nụ cười và giọng nói của nàng thoáng một chút căng thẳng, cái căng thẳng thường có ở những lời trao đổi đầu tiên sau một thời gian dài âm thầm để ý trong câm lặng, một sự căng thẳng đầy cạm bẫy, tích tụ trong mình tất cả những sự kiện lớn nhỏ xảy ra trước đó và gói gọn lại để dồn hết vào một khoảnh khắc này. “Anh hăng hái lắm… Anh… rất… nhiệt tìn”, cô ta nói tiếp không biết có ý châm biếm không, hơi trọ trẹ kiểu người ngoại quốc, nhấn mạnh chữ r và nuốt mất chữ h, giọng nói trầm trầm êm ái, với “nhiệt tình” bị biến thành “nhiệt tìn” một cách ngộ nghĩnh, vừa nói cô ta vừa lục lọi trong chiếc xắc da xinh xinh và moi từ dưới đáy lên đầu tiên là một chiếc khăn tay, sau đó tới một cây bút chì màu bạc nhỏ xíu, mỏng manh, một món đồ trang trí hơn là đồ dùng. Cái bút chì ngày xưa, cái đầu tiên chàng đi mượn, có vẻ chắc tay và hữu dụng hơn nhiều.
“Voilà”[193], cô ta nói và đưa cây bút lên trước mắt chàng, nhón tay cầm đằng mũi kẹp giữa ngón cái và ngón trỏ, nhè nhẹ lắc qua lắc lại.
Vì cô ta đưa cho chàng nhưng lại không trao hẳn, nên chàng đón lấy nhưng lại cũng chưa nhận được, tức là: chàng giơ tay lên ngang tầm cây bút, gần sát, ngón tay đã mở ra để cầm, nhưng chưa dám nắm lấy mà cứ đưa cặp mắt thất thần trong đôi quầng xám xịt nhìn từ món đồ trên tay sang gương mặt Tatar của Clawdia. Cặp môi cắt không còn giọt máu của chàng mở ra và không khép lại được nữa, ngay cả khi cất tiếng nói môi chàng vẫn không hề mấp máy:
“Thấy chưa, tôi biết là thể nào em cũng có mà.”
“Ông cẩn thận đấy, nó dễ gẫy lắm”, cô ta bảo. “Phải vặn ra, anh hiểu không.”
Và họ chụm đầu vào nhau trong lúc cô ta chỉ cho chàng cơ cấu hoạt động đơn giản của cây bút, khi vặn ốc từ trong ruột nó rơi ra một cái lõi chì cứng mỏng như cây kim và không có gì bọc ngoài.
Họ đứng cúi đầu đối diện nhau. Nhờ tối hôm ấy chàng lên đồ lớn dự tiệc nên giờ đây có thể kín đáo tựa cái cằm run rẩy vào cổ áo hồ bột cứng.
“Người xinh cái bút cũng xinh”, chàng nói, trán gần cụng vào trán nàng, mắt dán vào cây bút và miệng không cử động, bỏ sót tất cả các phụ âm môi.
“Ôi, anh lại còn vui tính nữa”, nàng trả lời với một tiếng cười ngắn, đứng thẳng người lên và giao phó hẳn cây bút chì cho chàng. (Có Chúa mới biết chàng lấy đâu ra sự vui tính này, đầu chàng trống rỗng như không còn một giọt máu.) “Đây, anh đi đi, nhanh lên, vẽ đi, vẽ cho đẹp vào, chứng tỏ tài năng của anh đi!” Nàng cũng tỏ ra vui tính và nửa đùa nửa thật xua đuổi chàng.
“Không, em vẫn chưa vẽ. Tới lượt em phải vẽ”, chàng nói với đôi môi bất động không phát âm được chữ m trong tiếng “em”, và lùi lại một bước ra dáng mời gọi.
“Tôi ấy à?” Nàng hỏi lại vẻ kinh ngạc, như thể trong lời yêu cầu của chàng ẩn giấu điều gì lớn hơn chuyện vẽ vời. Nàng còn đứng ngập ngừng giây lát với nụ cười bối rối chưa biết nên quyết định thế nào, rồi như bị một lực hấp dẫn vô hình hút theo cử chỉ mời mọc của chàng, nàng bước vài bước về phía cái bàn kê giữa phòng.
Nhưng lúc bấy giờ trò bịt mắt vẽ heo ở đó đã gần tan cuộc. Vẫn có người ngồi vẽ, nhưng không còn khán giả nào đứng xem nữa. Mấy tấm thực đơn chằng chịt những nét vẽ không ra hình thù gì, ai cũng đã có dịp thể hiện sự bất tài của mình, cái bàn gần như bị bỏ rơi đứng trơ trọi giữa phòng, bởi vì mối quan tâm chung đã chuyển sang chiều hướng khác. Người ta phát hiện ra sự vắng mặt của các bác sĩ, và đột nhiên ai đó hô lên hai tiếng khiêu vũ như một khẩu hiệu. Thế là chiếc bàn bị dẹp qua một bên. Người ta bố trí những trạm gác ở cửa phòng viết thư và phòng kê đàn dương cầm với chỉ thị phải lập tức ra hiệu để mọi người ngừng nhảy nếu thoáng thấy bóng “lão già”, Krokowski hay bà y tá trưởng. Một gã trai trẻ người Slavs ngồi vào cây đàn piano nhỏ màu gỗ dẻ và vung tay dộng thẳng cánh xuống dãy phím. Cặp nhảy đầu tiên lướt ra khoảng trống vừa được dẹp giữa phòng, quây xung quanh là một vòng ghế bành ghế đẩu lộn xộn với các khán giả ngồi ngả ngốn.
Hans Castorp từ biệt chiếc bàn bị khiêng đi bằng một cái phẩy tay: ‘Thôi biến!’ Rồi chàng hất cằm ra dấu mời nàng tìm một chỗ ngồi, và nhắm vào gian phòng khách nhỏ, chọn góc bên phải kín đáo cạnh tấm rèm cửa. Chàng không cất tiếng, có lẽ vì âm nhạc quá ồn. Chàng kéo một chiếc ghế dựa đồ sộ như cái ngai, bằng gỗ bọc nệm dày khắp bốn chung quanh, ra hiệu mời Madame Chauchat ngồi vào, rồi tự lấy cho mình một chiếc ghế mây ọp ẹp có tay vịn đụng vào là kêu răng rắc như người hay than thở. Rồi chàng ngồi xuống đối diện với nàng, thân hình chồm về phía trước, cùi tay chống trên tay vịn, mấy ngón tay nắm chặt cây bút chì của nàng, chân thụt sâu dưới ghế. Nàng thì nằm lọt thỏm trong lòng lớp đệm của chiếc ngai, đầu gối nhô cao, đã thế nàng còn vắt chân chữ ngũ và nhịp nhịp mũi bàn chân đi giầy đen bóng trong không khí, phía trên mép cổ giầy nổi lên mờ mờ hình mắt cá chân dưới lần tất lụa cũng màu đen. Phía trước họ còn nhiều người khác ngồi, chốc chốc có người đứng dậy bước ra nhảy nhường lại chỗ cho người đã nhảy mệt. Người ta cứ liên tục đến rồi đi.
“Em mặc một cái áo mới”, chàng nhận xét, chỉ để có cớ quan sát nàng, và nghe tiếng nàng trả lời:
“Mới? Anh còn thuộc cả tủ áo của tôi nữa sao?”
“Tôi nói không đúng ư?”
“Đúng. Tôi mới đặt may ở tiệm ông Lukaček dưới Làng. Ông ấy chuyên may đồ cho các bà ở trên này. Anh thấy được không?”
“Đẹp lắm”, chàng vừa nói vừa đưa mắt nhìn một lượt nữa khắp người nàng rồi lại cụp mắt nhìn xuống. “Em có thích khiêu vũ không?” Cuối cùng chàng hỏi.
“Thế anh có thích không?” Nàng hỏi lại, miệng hơi cười cười, chân mày nhướng cao, và chàng trả lời:
“Nếu em thích thì tôi sẽ chiều.”
“Anh không hiền như tôi tưởng”, nàng bảo, và vì chàng chỉ cười xòa nên nàng nói thêm: “Anh họ anh đi rồi.”
“Phải, đấy là anh họ tôi”, chàng khẳng định một cách dư thừa. “Từ lúc nãy tôi đã không thấy anh ấy đâu. Chắc anh ấy về nằm nghỉ rồi.”
“Anh ấy là một thanh niên rất nghiêm khắc, rất đứng đắn, rất Đức.”
“Nghiêm khắc? Đứng đắn?” Chàng lặp lại. “Tôi nghe hiểu tiếng Pháp khá hơn là nói. Em muốn bảo rằng anh ấy là người nguyên tắc thái quá chứ gì. Theo em người Đức chúng tôi đều nguyên tắc cứng nhắc phải không - tất cả người Đức nói chung?”
“Tôi không nói chung mà chỉ nói về anh họ ông. Nhưng đúng thế, các ông đều có chút gì hẹp hòi tiểu tư sản. Các ông yêu chuộng luật lệ hơn tự do, điều đó cả châu Âu đều biết.”
“Yêu chuộng… yêu chuộng… yêu là gì! Đã ai định nghĩa được thế nào là yêu. Có thì chẳng thiết ngó ngàng, để người không có mơ màng cả đêm, tục ngữ của chúng tôi nói thế”, Hans Castorp bảo. “Thời gian vừa qua”, chàng tiếp tục, “đôi khi tôi hay nghĩ ngợi vẩn vơ về tự do. Tức là, tôi nghe thấy cái từ ấy thường xuyên đến nỗi có lúc cũng phải suy nghĩ về nó. Tôi muốn kể cho em nghe bằng tiếng Pháp về những điều tôi suy ngẫm. Cái mà cả châu Âu gọi là tự do, nếu đem so sánh với luật lệ của chúng tôi, mới chính là hẹp hòi tiểu tư sản và nguyên tắc cứng nhắc.”
“A ha! Thú vị thật. Có thực là anh nghĩ tới anh họ anh trong lúc suy luận những điều kỳ quái như vậy không?”
“Không, anh ấy là một chàng trai tốt, một tâm hồn đơn giản, không đáng ngại, em hiểu chứ. Nhưng anh ấy không phải tiểu tư sản, anh ấy là quân nhân.”
“Không đáng ngại?” Nàng vất vả lặp lại… “ Ý anh muốn nói, anh họ anh là người vững vàng, mạnh mẽ? Nhưng anh ta bệnh nặng lắm mà, ông anh họ tội nghiệp của anh.”
“Ai bảo thế?”
“Ở đây người ta biết khá rõ về nhau.”
“Có phải lão cố vấn cung đình Behrens bảo em thế không?”
“Cũng có thể, lúc ông ấy mời tôi vào xem tranh.”
“Tức là: lúc em ngồi cho ông ta vẽ chân dung?”
“Thế thì đã sao! Anh thấy bức chân dung tôi có đạt không?”
“Đạt lắm, ngoài sức tưởng tượng của tôi. Behrens vẽ làn da của em thần tình đến mức tuyệt vời, ôi đúng thế, cứ y như thật. Cả tôi cũng muốn làm họa sĩ vẽ chân dung, để được nghiên cứu kỹ làn da em, như ông ta.”
“Xin ông nói tiếng Đức đi!”
“Ôi, tôi vẫn nói tiếng Đức đấy chứ, cả khi nói tiếng Pháp. Đó là một hình thức nghiên cứu đồng thời hai lĩnh vực, nghệ thuật và y học - nói cách khác: đó là khoa học nhân văn, em hiểu chứ. Thế nào, em không muốn nhảy thật à?”
“Không, cái trò này thật trẻ con. Lén khiêu vũ sau lưng các bác sĩ. Chỉ cần thấy bóng Behrens quay trở lại là cả đám sẽ xô nhau về ghế ngồi. Thật nực cười hết sức.”
“Em sợ ông ta đến thế cơ à?”
“Sợ ai?” Nàng hỏi, giọng cụt ngủn nghe rất lạ tai.
“Behrens.”
“Thôi đi, anh đừng có luôn miệng nhắc đến Behrens! Chật ních thế kia thì nhảy gì. Lại còn nhảy trên sàn trải thảm nữa chứ… Ngồi xem thế này cũng quá đủ rồi.”
“Ừ, thế cũng đủ”, chàng phụ họa và ngồi xem bên cạnh nàng, gương mặt tái nhợt cắt không còn giọt máu, đôi mắt xanh tư lự thừa hưởng của người ông chầm chậm dõi theo những cái bóng đeo mặt nạ nhảy nhót quay cuồng trong phòng khách phía trước và phòng viết thư bên kia. Cây nhiệt kế câm quấn lấy lão Heinrich xanh, và bà Salomon cải dạng thành người chủ trì vũ hội, với bộ ria vẽ đen xì kẹp thêm cái kính một mắt, đủ cả áo lễ phục đuôi én và gi lê trắng, ngực áo phồng căng, hăng hái đưa chân làm lộ ra đôi giày cao gót bóng lộn dưới ống quần đàn ông trông rất kỳ cục, bà ta lả lướt trên tay gã Pierrot có cái miệng rộng đỏ như máu nổi bật trên bộ mặt trắng như vôi với cặp mắt nhạt màu như mắt thỏ bạch tạng. Anh chàng Hy Lạp mặc áo choàng hoàng tử khua cặp giò đẹp bọc trong ống quần bó màu tím quay tròn với một Rasmussen hở lưng hở ngực và đen như quạ; ông công tố viên mặc kimônô, bà tổng lãnh sự Wurmbrandt và gã thiếu niên Gänser thậm chí còn nhảy tay ba, vai quàng vai; về phần bà Stöhr, bà ta nhảy với cây chổi của mình, ôm cái cán vào sát ngực và trìu mến vuốt ve đầu chổi dựng trên vai như thể đó là cái đầu một người bạn nhảy thực thụ.
“Thế cũng được”, Hans Castorp máy móc lặp lại. Họ hạ giọng nói rất nhỏ, thường bị tiếng đàn piano trùm lấp. “Mình ngồi đây xem khiêu vũ như trong một giấc mơ. Đối với tôi đêm nay như một giấc chiêm bao, em phải biết thế, chúng ta ngồi thế này - như trong một giấc chiêm bao lạ lùng và sâu lắng, vì người ta phải ngủ sâu lắm mới có thể mơ được thế này… Tôi muốn nói rằng: đó là một cơn mơ rất quen thuộc đối với tôi, tôi vẫn thường mơ thấy lâu nay, lâu lắm rồi, vĩnh viễn, đúng thế, được ngồi với em như bây giờ, đó chính là cõi vĩnh hằng.”
“Lãng mạn!” Nàng bảo. “Tiểu tư sản, văn chương và lãng mạn - đấy là người Đức các anh, lúc nào cũng tỏ ra đúng mực!”
“Tôi sợ rằng, chúng tôi hoàn toàn không đúng mực”, chàng đáp lại. “Không đúng trên bất kỳ phương diện nào. Có lẽ chúng tôi chỉ đơn giản là những học sinh cá biệt của trường đời.”
“Độc đáo lắm. Nhưng mà này… Giấc mộng của anh lẽ ra có thể sớm trở thành hiện thực, từ rất lâu rồi, có gì là khó khăn đâu. Đức ông đã chần chừ quá lâu rồi mới mở lời nói với kẻ tiện tì này.”
“Lời lẽ để làm gì?” Chàng bảo. “Cần gì phải nói? Nói năng, phung phí lời lẽ, đó là cung cách cộng hòa, đúng thế. Nhưng tôi sợ rằng không phải cứ nói nhiều là thành thi sĩ. Có một người trong số bệnh nhân ở đây, tôi gần như đã kết bạn với ông ấy, ông Settembrini…”
“Người lúc nãy vừa mới tuôn ra một tràng dài những lời gì đó với anh.”
“Ừ, ông ấy đúng là một nhà hùng biện, không còn nghi ngờ gì nữa, ông ấy lúc nào cũng trích dẫn được ở đâu đó ra vài câu thơ hợp tình hợp cảnh - nhưng liệu ông ta có phải là thi sĩ không?”
“Rất tiếc tôi chưa bao giờ có cái hân hạnh được làm quen với con người hào hoa phong nhã ấy.”
“Tôi rất muốn tin như thế.”
“A! Anh muốn tin.”
“Sao cơ? Đấy chỉ là một câu cửa miệng thôi mà. Như em hẳn cũng thấy, tôi không quen nói tiếng Pháp. Nhưng với em tôi lại thích dùng tiếng Pháp hơn tiếng mẹ đẻ của mình, vì nói tiếng Pháp đối với tôi cũng đại khái như nói mà không nói - không có gì ràng buộc cả, như nói trong mơ vậy. Em hiểu không?”
“Hiểu lơ mơ thôi.”
“Thế cũng đủ… Lời lẽ”, Hans Castorp tiếp tục, “nghèo nàn lắm! Trong cõi vĩnh hằng người ta không cần lời lẽ! Trong cõi vĩnh hằng, em biết không, người ta xử sự giống như lúc vẽ heo ấy: ngửa đầu ra sau và nhắm mắt lại.”
“Nghe hay đấy! Anh tỏ ra thông thạo cõi vĩnh hằng quá nhỉ, có thể nói, ở trong cõi ấy anh thoải mái tự nhiên như ở nhà. Phải công nhận rằng anh là một chú bé mơ mộng khá khác thường.”
“Hơn nữa”, Hans Castorp bảo, “nếu tôi bắt chuyện với em từ trước thì đã phải gọi em là ‘bà’ rồi!”
“Ô hay, thế anh định từ nay về sau cứ gọi tôi là em hay sao?”
“Đúng thế. Từ trước tới nay tôi vẫn gọi em là ‘em’, và từ nay vĩnh viễn về sau tôi cũng sẽ gọi em như thế.”
“Anh hơi quá lố rồi đấy. Tuy nhiên anh cũng không còn được bao nhiêu cơ hội để gọi tôi bằng ‘em’ nữa đâu. Tôi sắp xuống núi.”
Phải mất một lúc những lời ấy mới xâm nhập được vào tâm trí Hans Castorp. Chàng nhỏm dậy, thảng thốt như người bất ngờ bị đánh thức giữa cơn mơ. Cuộc trò chuyện của họ diễn ra rất chậm rãi, vì Hans Castorp gặp nhiều khó khăn với tiếng Pháp và thêm vào đó chàng còn nói như tua chậm. Tiếng đàn piano rền rĩ vừa mới bặt đi một lát giờ lại nổi lên thánh thót, lần này dưới những ngón tay anh chàng người Mannheim, anh ta đặt tập nốt nhạc lên giá và ngồi xuống thế chỗ cho gã trai trẻ Slavs. Cô Engelhart ngồi bên cạnh giúp giở nốt nhạc trong lúc anh ta chơi đàn. Hội khiêu vũ đã gần tàn. Có vẻ như đa số bệnh nhân đã trở về với tư thế nằm ngang. Phía trước mặt họ không còn ai ngồi nữa. Trong phòng đọc báo người ta lại sát phạt nhau bằng những lá bài.
“Em bảo gì?” Hans Castorp ngơ ngẩn hỏi…
“Tôi sắp xuống núi”, nàng lặp lại, nở một nụ cười ngạc nhiên vờ vĩnh trước vẻ choáng váng của chàng.
“Không thể thế được”, chàng bảo. “Em nói đùa.”
“Không đùa một tí xíu nào. Tôi nói thật đấy. Tôi sắp đi khỏi đây.”
“Khi nào?”
“Ngày mai. Sau bữa chính.”[194]
Nội tâm chàng chỉ còn là một đống đổ vỡ tan tành. Chàng hỏi:
“Đi đâu?”
“Xa lắm.”
“Về Daghestan?”
“Anh biết rõ quá nhỉ. Rất có thể, trước mắt…”
“Em khỏi hẳn rồi à?”
“Cái ấy… chưa hẳn. Nhưng Behrens bảo, tạm thời ở lại đây cũng không giúp ích gì được cho tôi. Thế nên tôi thử mạo hiểm đi đổi gió một chút.”
“Tức là em sẽ quay trở lại!”
“Chưa chắc. Lại càng không thể nói trước, khi nào. Về phần tôi, anh biết đấy, tôi yêu tự do hơn tất cả mọi thứ trên đời, nhất là quyền tự do lựa chọn nơi cư ngụ của mình. Chắc anh không hiểu điều đó có nghĩa là gì đâu: nó như một nỗi ám ảnh, nỗi khao khát muốn thoát khỏi mọi ràng buộc. Có lẽ nó đã thấm sâu trong máu tôi rồi.”
“Thế còn chồng em ở Daghestan, ông ta chấp nhận cho em cái tự do ấy hay sao?”
“Bệnh tật cho tôi cái tự do ấy. Tôi ở đây cả thảy ba lần rồi. Lần này kéo dài tới một năm. Cũng có thể tôi sẽ quay trở lại. Nhưng lúc ấy chắc anh đã xa chạy cao bay từ lâu.”
“Em nghĩ thế thật ư, Clawdia?”
“Anh biết cả tên tôi! Thật tình, anh coi trọng tục lệ hội hóa trang quá đấy!”
“Em có biết bệnh tình tôi nặng nhẹ thế nào không?”
“Có - không - đại khái thôi. Anh có một vết ướt trong ngực và hơi sốt nhẹ, đúng không?”
“Ba mươi bảy độ tám hay là chín vào buổi chiều”, Hans Castorp bảo. “Còn em?”
“Ôi, trường hợp của tôi thì phức tạp hơn… không đơn giản như thế.”
“Trong bộ môn khoa học nhân văn có tên là y học”, Hans Castorp bảo, “có một chứng bệnh được người ta gọi là nghẽn mạch bạch cầu.”
“A! Anh đã hỏi dò về tôi, bạn thân mến, thấy rõ là như thế!”
“Còn em… Em đừng giận! Tôi phải hỏi em một điều này, rất khẩn thiết và bằng tiếng Đức! Hồi ấy khi tôi rời bàn ăn đi xuống phòng khám, sáu tháng trước… Em có quay lại nhìn tôi, em còn nhớ chứ?”
“Anh hỏi gì mà khó thế? Sáu tháng trước!”
“Khi ấy em có biết tôi đi đâu không?”
“Dĩ nhiên, một cách tình cờ…”
“Behrens kể cho em biết?”
“Lại Behrens!”
“Ôi, ông ta đã vẽ làn da em thần tình đến thế… Hơn nữa ông ta lại còn góa vợ, có đôi gò má xanh như chàm lúc nào cũng nóng bừng, và sở hữu một bộ đồ pha cà phê rất đặc sắc… Tôi tin rằng ông ta không chỉ nghiên cứu thân thể em như một bác sĩ, mà còn như môn đồ của một chi nhánh khác thuộc các ngành khoa học nhân văn.”
“Anh đã rất đúng khi bảo rằng anh nói trong mơ, anh bạn.”
“Mặc kệ… Hãy để cho tôi lại được chìm vào cơn mê, sau khi em đã tàn bạo gióng lên tiếng chuông báo giờ giã biệt, lôi tôi ra khỏi giấc mộng êm đềm. Bảy tháng trời không ngày nào vắng bóng em… Và giờ đây, đúng lúc tôi thực sự làm quen được với em thì em nói đến chuyện ra đi!”
“Tôi xin nhắc lại lần nữa, lẽ ra chúng ta có thể chuyện trò với nhau từ trước kia mà.”
“Đó cũng là nguyện vọng của em?”
“Tôi ấy ư? Anh đừng tìm cách đánh trống lảng, anh bạn nhỏ. Đó là mong muốn của anh. Anh quá nhút nhát đến nỗi không dám bắt chuyện với một người đàn bà, và bây giờ phải ngỏ lời trong mơ, hay có ai đó ngăn cản anh?”
“Tôi đã nói rồi. Tôi không muốn gọi em là ‘bà’.”
“Xạo. Anh hãy trả lời thật đi - quý ông lắm lời kia, cái ông người Ý lúc nãy bỏ ra về ấy, ông ta nói gì với anh thế?”
“Tôi không hiểu một chữ nào trong những lời ông ấy nói. Mỗi khi mắt tôi nhìn thấy em thì ông ấy chẳng còn tí ký lô nào đối với tôi. Nhưng em quên rồi sao… dễ gì mà bắt chuyện được với em. Tôi còn một ông anh họ lúc nào cũng kè kè bên tôi như hình với bóng, mà anh ấy thì tuyệt đối ác cảm với các thú vui giải trí ở trên này. Anh ấy không thiết tha bất kỳ điều gì khác ngoài chuyện xuống đồng bằng để nhập ngũ.”
“Anh chàng tội nghiệp. Trên thực tế bệnh anh ta nặng hơn anh ta tưởng rất nhiều. Và cả ông bạn người Ý của anh cũng không khá hơn đâu.”
“Chính ông ta cũng tự nói ra như thế. Nhưng mà anh họ tôi… Thật vậy sao? Em làm tôi thấy sợ.”
“Rất có thể anh ta sẽ chết, nếu cứ nhất định xuống đồng bằng nhập ngũ.”
“Anh ấy sẽ chết ư. Cái chết. Một từ kinh khủng quá, phải không? Lạ một điều là cái từ ấy hôm nay không gây được ấn tượng đáng kể đối với tôi. ‘Em làm tôi thấy sợ’ thực ra cũng chỉ là một câu cửa miệng. Nghĩ đến cái chết không làm tôi sợ. Nó còn khiến tôi bình tâm lại. Tôi sẽ không oán thán cho anh Joachim tốt bụng hay cho chính bản thân mình, khi nghe nói anh ấy có thể chết. Nếu quả thật là như thế, thì tình cảnh của anh ấy cũng giống như tôi, và tôi thấy chẳng có gì là ghê gớm. Anh ấy đang hấp hối còn tôi thì đang yêu một cách tuyệt vọng, có vậy thôi! - Có lần em đã trao đổi vài lời với anh họ tôi chỗ phòng chiếu điện, lúc ở ngoài phòng đợi, em còn nhớ không.”
“Tôi còn nhớ mang máng.”
“Cũng đúng hôm ấy Behrens đã chụp cho em tấm chân dung nội tạng in trên kính.”
“Đúng thế.”
“Lạy Chúa. Em có mang theo tấm hình ấy không?”
“Không, tôi để trên phòng.”
“A, trong phòng em. Còn tấm của tôi thì tôi luôn luôn mang theo trong ví. Em có muốn tôi lấy cho em xem không?”
“Xin cám ơn! Tính hiếu kỳ của tôi cũng có giới hạn. Chắc lại là một hình ảnh rất đỗi vô hại chứ gì.”
“Tôi đã được nhìn thấy chân dung bề ngoài của em. Nhưng tôi còn khao khát muốn xem tấm chân dung nội tạng ở trong phòng em hơn nhiều… Cho phép tôi hỏi em một điều khác! Thỉnh thoảng có một ông người Nga ở gần đây đến thăm em. Ai thế? Ông ta đến đây với mục đích gì, người đàn ông ấy?”
“Phải công nhận anh là một điệp viên nguy hiểm. Nhưng thôi, tôi sẵn lòng trả lời câu hỏi của anh. Phải, người ấy là một đồng bào của tôi, cũng là một bệnh nhân, và một người bạn. Tôi làm quen với ông ta ở một nơi nghỉ mát khác, từ mấy năm trước. Quan hệ giữa chúng tôi ư? Thì đây: chúng tôi uống với nhau một ly trà, hút một hai điếu thuốc Nga trong lúc chuyện gẫu, triết lý về con người, về Chúa, về cuộc đời, về đạo đức, và về hàng ngàn điều khác nữa. Đấy, anh nhận được câu trả lời của tôi rồi đấy. Anh đã vừa lòng chưa?”
“Cả về đạo đức! Thế hai người đã phát hiện ra những gì lý thú, ví dụ như khi bàn về đạo đức?”
“Đạo đức? Anh quan tâm đến đạo đức ư? Vậy thì, chúng tôi cho rằng không thể cứ hẹp hòi tìm kiếm đạo đức trong hạnh kiểm, tức là trong trí tuệ, trong tu dưỡng rèn luyện, trong tư cách, trong danh dự - trái lại, phải thấy đạo đức ở những điều ngược hẳn, tức là: trong tội lỗi, trong sự sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm, tàn phá và hủy diệt. Theo ý chúng tôi, dám sống hết mình, thậm chí dám liều mạng, còn đạo đức gấp ngàn lần cứ khư khư giữ gìn danh dự. Những tấm gương sáng về đạo đức xưa nay đâu phải là những ông Thiện đầy đức hạnh, mà là những nhân vật thích phiêu lưu mạo hiểm, dám dấn thân vào cái ác, là những con người tội lỗi mang trong mình không ít thói hư tật xấu, họ dạy chúng ta quên mình để dám lặn ngụp trong bể trầm luân. Tất cả những điều ấy đối với anh chối tai lắm phải không?”
Chàng lặng thinh. Chàng vẫn còn ngồi trong tư thế cũ, chân gập lại giấu sâu dưới gầm chiếc ghế cứ cót két than thở không thôi, thân hình chồm tới trước, ngả về phía người đội chiếc mũ giấy ba góc nửa nằm nửa ngồi trong chiếc ngai, mấy ngón ta co quắp giữ chặt cây bút chì, đôi mắt xanh với cái nhìn sâu lắng của Hans Lorenz Castorp ngước lên ngó mông vào gian phòng vắng tanh vắng ngắt. Khách dự cuộc vui đã tản đi hết tự bao giờ. Cây đàn piano kê chênh chếch trong góc đối diện chỉ còn khẽ khàng nhả ra từng nốt nhạc rời rạc, do anh chàng bệnh nhân người Mannheim uể oải bấm một tay, cô giáo quá thì vẫn ngồi bên cạnh lật lật tập nốt nhạc để trên đầu gối. Khi cuộc đối thoại giữa Hans Castorp và Clawdia Chauchat chìm vào im lặng thì người đánh đàn piano cũng ngừng chơi, bàn tay vừa nhẹ lướt trên dãy phím thu về để trên lòng, trong khi cô Engelhart vẫn không ngừng chúi mũi vào tập nhạc. Bốn người cuối cùng còn lại trong đêm hội hóa trang ngồi bất động. Im lặng tuyệt đối kéo dài nhiều phút đồng hồ. Bầu không khí nặng nề làm hai mái đầu bên cây đàn piano gục xuống càng ngày càng thấp, anh chàng người Mannheim chúi đầu xuống phím đàn, còn cô Engelhart như muốn vùi đầu vào tập nhạc. Cuối cùng, như theo một hiệu lệnh bí mật, cả hai đồng thời đứng dậy, thận trọng nhón gót đi nhẹ nhàng bằng mũi chân, cố tình tránh không nhìn về cái góc vẫn còn có hai người ngồi, đầu rụt lại và đôi cánh tay cứng đờ khép sát bên người, họ cùng rút lui qua gian phòng nhỏ dành làm chỗ viết thư và đọc báo.
“Ai cũng đã về phòng cả”, Madame Chauchat bảo. “Những người cuối cùng vừa mới đi khỏi, khuya lắm rồi. Vậy là đêm hội hóa trang đã tàn, ngày vui đã hết.” Và nàng đưa hai tay nhấc chiếc mũ giấy trên đầu xuống khỏi mái tóc óng ánh màu đồng đỏ tết thành bím quấn quanh đầu như một vành hoa. “Ông hẳn cũng biết điều gì phải đến sẽ đến, thưa ông.”
Nhưng Hans Castorp lắc đầu, hai mắt nhắm nghiền và vẫn không thay đổi tư thế. Chàng trả lời:
“Không bao giờ, Clawdia. Tôi sẽ không bao giờ gọi em bằng ‘bà’, cả khi còn sống lẫn khi đã chết, nếu người ta được quyền nói thế - người ta phải được quyền nói thế. Hình thức xưng hô ấy, được coi là lịch lãm trong xã hội Tây phương văn hóa và văn minh, đối với tôi quá sức tiểu tư sản và thủ cựu. Hình thức để làm gì kia chứ? Bản thân hình thức đã là cả một sự cố chấp hẹp hòi! Tất cả những điều mà em và ông đồng hương cùng hội cùng thuyền của em rút ra từ những triết lý về đạo đức - em tưởng rằng những điều ấy làm tôi ngạc nhiên lắm hay sao? Chẳng lẽ em coi tôi chỉ là một thằng khờ? Nói thật đi, em cho tôi là người thế nào?”
“Đấy lại là chuyện khác, chẳng có gì nhiều để nói. Anh là một chú bé có giáo dục, con nhà tử tế, lịch sự không chê vào đâu được, một học trò ngoan của các ông thầy, một người sắp trở về dưới đồng bằng để quên hẳn là mình đã có lần nói trong mơ trên núi, và để gắng sức lao động tốt trong xưởng đóng tàu, góp phần làm giàu mạnh thêm cho đất nước. Đấy là tấm chân dung con người anh từ bên trong, chụp hoàn toàn không cần đến máy móc. Tôi hy vọng anh công nhận là tôi miêu tả đúng?”
“Tấm chân dung ấy thiếu mất một vài chi tiết mà Behrens tìm thấy trong tôi.”
“Ôi, bác sĩ thì lúc nào cũng tìm thấy cái họ muốn thấy, đấy là nghề của họ…”
“Em nói cứ như ông Settembrini ấy. Thế còn những cơn sốt của tôi? Do đâu mà có?”
“Thôi đi, đó chỉ là cảm cúm lặt vặt, chẳng mấy chốc mà lành.”
“Không đâu, Clawdia, em thừa biết là không phải thế, chính em cũng không tin vào những điều em vừa nói, tôi biết chắc mà. Những cơn sốt làm rung chuyển cả người tôi, nhịp đập bồi hồi làm trái tim tôi kiệt quệ và chân tay tôi run rẩy, đó không thể là cảm cúm lặt vặt, vì đó không phải là gì khác” - và chàng cúi gằm gương mặt tái nhợt, đưa cặp môi run giật sát về phía nàng - “không phải gì khác hơn là tình yêu của tôi dành cho em, phải, chính là tình yêu đã chế ngự con người tôi kể từ lúc mắt tôi nhìn thấy em, hay nói đúng hơn từ lúc tôi chợt nhận ra là tôi đã nhận ra em, và không còn nghi ngờ gì nữa, cũng chính tình yêu ấy dẫn dắt tôi lên tới chốn này…”
“Anh điên rồi!”
“Ôi, tình yêu còn là gì nữa nếu không phải sự điên rồ, sự phi lý, một điều cấm đoán và một cuộc phiêu lưu trong cái ác. Nếu không thế tình yêu sẽ chỉ còn là một trò tiêu khiển tầm thường, chỉ đủ để gợi cảm hứng cho mấy bản nhạc sến dưới đồng bằng. Nhưng đúng là tôi đã nhận ra em và nhận ra tình yêu của tôi đối với em - phải, đó là sự thực, tôi đã biết em từ lâu lắm rồi, em và đôi mắt một mí hư ảo của em, và cả đôi môi và giọng em nói nữa - ngày xưa ấy, khi còn là một cậu bé học trò, tôi đã có lần mượn em cây bút chì, chỉ để được làm quen với em, vì từ khi ấy tôi đã yêu em đến không còn lý trí, và chắc chắn tình yêu ấy đối với em đã để lại một vết sẹo cũ trong lòng tôi mà Behrens sau này tìm thấy, một dấu vết chứng tỏ rằng trước kia tôi đã mắc căn bệnh này…”
Răng chàng đập vào nhau lụp cụp. Chàng đã lôi một chân ra khỏi gầm chiếc ghế không ngừng kẽo kẹt, thế là, trong lúc chàng vẫn mê sảng nói, đầu gối kia của chàng kéo lê xuống sàn, và chàng bỗng ở trong tư thế quỳ một chân bên cạnh nàng, đầu cúi gầm, toàn thân run lẩy bẩy.
“Tôi yêu em”, chàng líu lưỡi thì thào, “tôi đã yêu em từ muôn kiếp trước, em là cuộc đời tôi, giấc mộng của tôi, định mệnh của tôi, niềm say mê và khao khát vĩnh hằng của tôi…”
“Thôi nào, thôi nào”, nàng bảo. “Nếu ông thầy của anh mà nhìn thấy anh lúc này…”
Nhưng chàng tuyệt vọng lắc mạnh đầu, mặt vẫn cúi gằm trên tấm thảm, và trả lời:
“Thây kệ ông ta, thây kệ Carducci và nền cộng hòa trong mối tương quan với thuật hùng biện và tiến bộ của nhân loại trong mối tương quan với thời gian, vì tôi yêu em!”
Nàng đưa tay vuốt nhẹ mái tóc cắt ngắn của chàng chỗ sau gáy.
“Anh chàng tiểu tư sản bé bỏng!” Nàng bảo. “Chàng tiểu tư sản xinh trai với một vết ướt nho nhỏ. Có thật là anh yêu tôi đến thế không?”
Sung sướng dưới bàn tay vuốt ve của nàng, chàng chuyển sang quỳ cả hai gối, ngửa đầu ra sau, mắt nhắm nghiền tiếp tục nói:
“Ôi, tình yêu, em biết không… Thân thể, tình yêu, cái chết, ba điều ấy chỉ là một. Vì thân thể là bệnh tật và ham muốn, từ đó sinh ra cái chết, phải, cả hai đều là xác thịt, tình yêu và cái chết, và đó chính là điều khủng khiếp cũng như phép màu của nó! Nhưng cái chết, em hiểu không, một mặt là cái gì đó xấu xa đê tiện, làm người ta đỏ mặt vì hổ thẹn; mặt khác nó lại rất trang trọng và uy nghi, đáng kính hơn sự sống rất nhiều, cái sự sống chỉ quen cười cợt, kiếm tiền và ních cho căng bụng, đáng kính trọng hơn cả tiến bộ là thứ chỉ quen lảm nhảm suốt chiều dài lịch sử - vì cái chết tập trung trong mình nó cả những gì đã qua và những gì cao quý nhất, sùng kính nhất, vĩnh hằng nhất và thiêng liêng nhất, nó bắt chúng ta phải ngả mũ và đi rón rén trên đầu ngón chân… Thân thể cũng vậy, thể xác và tình yêu xác thịt là cái gì đó vô đạo đức và đáng xấu hổ, và thể xác có cách làm cho bề mặt bên ngoài đỏ lựng lên hay tái nhợt đi mỗi khi kinh hoàng hay hổ thẹn về chính bản thân mình. Nhưng đồng thời tấm thân cũng là một tuyệt tác đáng được tôn thờ, một bức tranh phản ánh hoàn toàn sự sống hữu cơ, một phép lạ thiêng liêng của hình thức và thẩm mỹ, và tình yêu xác thịt, dành cho thân thể con người, đồng thời là một tình cảm nhân đạo nhất cũng như có tính giáo dục cao nhất, hơn tất cả mọi thiên hướng sư phạm trên đời… Ôi, sắc đẹp hữu cơ huyền diệu, chẳng phải được tạo nên từ sỏi đá hay màu sắc sơn dầu, mà từ những vật chất sống không ngừng biến đổi sinh diệt, hầm hập sốt trong quá trình sinh sôi và hủy hoại đầy bí hiểm! Hãy xem sự cân đối tuyệt vời của thân thể con người, tứ chi, đôi vai và đôi hông, hai núm vú như hai nụ hoa tương xứng hai bên, những rẻ xương sườn làm thành từng cặp, lỗ rốn điểm một lúm đồng tiền giữa cái bụng mềm mại phập phồng, và chỗ kín tối đen giữa cặp đùi! Hãy xem, đôi bả vai uyển chuyển cử động dưới lớp da lưng mềm như lụa, cột sống mỏng manh chạy xuôi xuống đôi mông mát rượi tròn căng, rồi thì những động mạch, tĩnh mạch lớn và mạng lưới thần kinh từ thân mình tỏa ra hai bên nách, và cấu tạo của hai cánh tay giống cấu tạo đôi chân biết chừng nào. Ôi, những vùng da thịt mịn màng phía trong khuỷu tay và sau đầu gối, với những khớp xương tinh vi giấu dưới lớp vỏ bọc bằng thịt bằng da! Được vuốt ve những vùng da thịt ngọt ngào này của cơ thể con người chắc phải là một thú vui vô tận! Một thú vui mà sau khi được hưởng người ta có thể chết không một lời oán thán! Đúng thế, lạy Chúa, xin hãy cho tôi được ngửi mùi hương làn da khuỷu chân em, dưới đó khớp xương với cấu tạo hữu cơ tinh vi và đầy nghệ thuật không ngừng tiết ra chất nhờn bôi trơn cơ thể! Hãy cho đôi môi tôi được kính cẩn áp vào arteria femoralis[195] của em, động mạch lớn trước xương đùi, chạy xuôi xuống dưới chia theo hai ngả bám lấy cặp xương ống chân! Hãy cho tôi hít thở làn hơi tỏa ra từ các lỗ chân lông và vuốt ve lớp lông tơ mềm mại của em, hỡi con người được tạo nên từ nước và chất đạm, được sinh ra để làm mồi cho giải phẫu học dưới mồ, và hãy cho tôi được chết đi, trong khi môi gắn chặt môi em!”
Chàng vẫn không mở mắt ra sau khi đã nói hết, đầu ngửa ra sau gáy, đôi tay cầm cây bút chì màu bạc đưa ra phía trước, cả người lảo đảo run rẩy dựa trên đầu gối. Nàng bảo:
“Anh đúng là một tay tán gái có hạng, rất biết cách trưng bày kiến thức của mình, đặc sệt Đức.”
Và nàng đặt chiếc mũ giấy của mình lên đầu chàng.
“Vĩnh biệt, hoàng tử của đêm hội hóa trang! Tối nay ông sẽ có một đường cong đáng ngại trong biểu đồ nhiệt độ, đó là tiên đoán của tôi.”
Rồi nàng trườn mình ra khỏi ghế, đi như lướt trên thảm về phía cửa, tuy nhiên lúc tới bên khung cửa nàng dừng lại ngập ngừng một thoáng, hơi quay mình về phía sau, nhấc một cánh tay trần lên cao, bàn tay đặt vào chỗ bản lề. Nàng nói vọng ra sau vai, giọng chỉ thoảng qua như hơi thở: “Ông đừng quên trả lại tôi cây bút chì.” Và bước ra.
VI
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần