Chương 34
ùng một lúc cửa sổ các nhà-xà lim theo nhau đóng sập lại rầm rầm, tiếng lính gác chạy sầm sập. Sau đó là im lặng hoàn toàn. Chỉ còn tiếng gió hú trên đồi, quanh quất giữa bàn cờ những ô biệt giam.
Xà lim tối om. Tôi rón rén bước ra phía cửa ra vào để nhìn qua lỗ thủng ra ngoài.
Thường cho tù ra đi cung người ta không đóng hết mọi cửa sổ mà chỉ đóng ở những nhà nào có tù đi ngang. Khi các cửa sổ bị đóng hết có nghĩa là sự kiện bất thường. Tôi phải chờ một lúc mới nghe tiếng cánh cổng tôn rên rỉ mở ra xa xa, tiếng đế giày sàn sạt trên sỏi, rồi mới tới đoàn người. Ði đầu là những tên bảo vệ lăng xăng. Theo sau chúng là các quan chức líu ríu vây quanh một nhân vật bệ vệ. Tôi nhận ra bộ trưởng Bộ Nội Vụ Trần Quốc Hoàn.
Ðây là lần thứ hai kể từ khi bị giam tôi nhìn thấy tên Béria (1) của Việt Nam.
Lần đầu là ở sân Hỏa Lò, lúc Huỳnh Ngự lấy tôi đi cung. Cũng một đoàn rầm rộ như thế này. Hoàn đi thẳng một mạch từ cổng vào tới khu ngách trái của Hỏa Lò, gần nơi diễn ra những cuộc hỏi cung. Tôi đoán Hoàn vào giải quyết chuyện gì đó trong vụ chúng tôi. Sau này, cha tôi tính ngày tháng để nhớ lại, ông nói có lẽ đó là hôm Hoàn vào gặp ông để yêu cầu ông chấm dứt cuộc tuyệt thực kéo dài đã mười ngày. Gương mặt lầm lì, cái nhìn vô cảm, nhân vật thứ hai trong ngành chuyên chính vô sản sau Lê Ðức Thọ gợi nghĩ tới một con sâu róm. Khi tôi đi ngang, Hoàn liếc xéo tôi, như nhìn một con vật trong đàn gia súc.
Cuộc đi thăm của Hoàn lần này chắc chắn liên quan tới vụ chúng tôi. Bất Bạt là trại không thuộc quyền Bộ Nội Vụ. Hoàn tới đây hẳn lại để gặp ai đó trong số những tên tù cao cấp bướng bỉnh. Chứ không phải để gặp những tên tù lèm nhèm như tôi. Tôi thuộc loại con sâu cái kiến, loại không được các đại quan tính đến.
Hình như bất cứ người cầm bút nào cũng có lần gặp trạng thái kỳ cục này: mạch văn đang trôi chảy bỗng ì ra khi gặp một nhân vật mà ngòi bút khước từ không muốn viết về nó. Chuyện đó đã xảy ra với tôi khi tôi đụng tới Trần Quốc Hoàn. Tôi đã tính bỏ, không viết về Hoàn nữa. Y không xứng đáng được nhắc tới trong cuốn sách, bởi y không có quan hệ trực tiếp với tôi trong quá trình vụ án, Hoàn không có vai trò trong câu chuyện tôi muốn thuật lại cùng bạn đọc. Trong vụ án này, mặc dầu tên Trần Quốc Hoàn được ghi như một trong những nhân vật chủ chốt, Hoàn chỉ là tay sai cho Lê Ðức Thọ. Tay sai là tay sai, cho dù có là bộ trưởng. Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại tôi thấy vẫn phải viết. Bức tranh xã hội Việt Nam vào thập niên 60 thiếu Hoàn sẽ mất đi một mảng điển hình.
Tôi không có lần nào tiếp xúc riêng với Trần Quốc Hoàn. Cùng ngồi tù với cha tôi ở Sơn La, nhưng Hoàn không nhập được vào khối các cựu tù nhân bè bạn với cha tôi. Những người này sau Cách mạng Tháng Tám vẫn thường qua lại thăm nhau. Hoàn chỉ tới ngôi nhà chúng tôi ở 65 Nhà Rượu đôi ba lần là cùng trong thời kỳ bí mật. Kháng chiến thành công rồi không bao giờ tôi thấy Hoàn tới nữa. Ðối với tôi điều đó có nghĩa Hoàn không thuộc số người mà cha tôi coi là bạn. Cha tôi phân biệt bạn và đồng chí. Những người cộng sản hiển nhiên là đồng chí, nhưng không hiển nhiên là bạn của ông. Bạn bè của ông đông, đủ loại, trong đó có nhiều người không phải là cộng sản, thậm chí có xu hướng trái ngược với cha tôi, như ông Tiến cố tôi đã có dịp nhắc tới ở trên, hoặc các ông Hoàng Văn Chí, ông Phan Tử Nghĩa, Nguyễn Văn ỏi... theo xu hướng xã hội. Mỗi khi gặp nhau họ tranh luận ầm ĩ khi nhận định thời cuộc, cãi nhau về chủ trương, nhưng khi mẹ tôi đã dọn cơm lên thì bầu không khí lại trở về vui vẻ, nhộn nhạo tiếng cười và những câu nói đùa bất tận.
Khoảng đầu những năm 60 Trần Quốc Hoàn bỗng nổi bật lên như một tên mao-ít cuồng nhiệt, một hung thần xã hội chủ nghĩa. Khắp nơi, người ta xì xào về những lời tuyên bố của Hoàn, coi như Hoàn là cái phong vũ biểu cho thời tiết chính trị của đất nước. Hoàn được gán cho cái biệt hiệu "Béria của Việt Nam" chính là trong thời kỳ này, thời kỳ bắt đầu những cuộc tấn công hùng hổ và ầm ĩ vào chủ nghĩa xét lại hiện đại, không phải vì những cuộc bắt bớ (lúc đó chưa xảy ra) mà vì những lời dọa dẫm được hào phóng ban phát trên các diễn đàn. Tôi có lần hỏi cha tôi Trần Quốc Hoàn là người thế nào. Cha tôi có vẻ không bằng lòng câu hỏi của tôi.
- Con phải cẩn thận. - cha tôi càu nhàu - Tình hình nước ta không đơn giản. Nói động tới Trần Quốc Hoàn là nguy hiểm lắm đấy. Con đã ở Liên Xô thời kỳ Ðại hội XX, con thừa hiểu tình hình bên đó ngày trước là thế nào. Bố nói phải cẩn thận là trong ý nghĩa đó. Béria dù sao cũng còn là một hạ sĩ quan trong quân đội Nga hoàng, còn có học đôi chút, chứ Trần Quốc Hoàn thì hoàn toàn vô học. Hồi Sơn La anh em tù nhận xét hắn tham ăn tục uống, đã thế lại có tính tắt mắt, nhưng coi đó là khuyết điểm sinh hoạt, chỉ nhắc nhở hắn rồi bỏ qua. Trong đời thường mà thế, ắt trong công việc không thể đàng hoàng. Hắn tiểu nhân, mà đó là một tư chất đáng sợ. Hắn chấp nhặt lắm đấy. Và không từ việc gì không dám làm. Nhất là bây giờ hắn lại ở trong Bộ Chính trị, tuy là ủy viên dự khuyết, trên hắn lại có Lê Ðức Thọ đỡ đầu.
- Thế những người biết hắn đâu cả mà không ai dám can ngăn?
Cha tôi thở dài:
- Hồi cuối năm 1954 các cố vấn Trung Quốc phát biểu không đồng ý cho bác Lê Giản lãnh đạo ngành Công an, cụ Hồ nghe theo. Sau đó ít lâu, một hôm ông Cụ có hỏi bố: "Chú thấy liệu Trần Quốc Hoàn có đảm đương được trách nhiệm bộ trưởng Bộ Công an không?" Bố biết can cũng chẳng được, nên chỉ trả lời qua quít: " Tôi ở Sơn La với anh ấy mấy năm tôi biết, trình độ văn hóa cũng như trình độ kiến thức anh Hoàn này kém lắm. Mà trông nom một bộ quan trọng như Bộ Công an (2), theo tôi nghĩ, phải có người giỏi, có học thức, sao Bác không giao cho ai khác?".
Người tiến cử Trần Quốc Hoàn nắm Bộ Công an là Lê Ðức Thọ. Trường Chinh tán thành. Ông Hồ hỏi ý kiến cha tôi cũng chỉ để tham khảo. Cho dù ông có thấy cha tôi nói phải ông cũng không nghe theo được. Còn cha tôi thì cho rằng để trả lời cho một câu hỏi của ông Hồ về nhân sự ông nói thế đã là nhiều. Thường ông kín đáo, không hay nhận xét về người này người khác. Không phải vì sợ hãi, hay nể nang, mà vì thận trọng.
Ông cho rằng con người ta lúc thế này lúc thế khác, không phải bất biến, lấy một giai đoạn mà nhận định cho cả cuộc đời con người là không nên. Ðấy là nói chung, chứ riêng trường hợp này ông không nói còn vì e ngại thế lực của Lê Ðức Thọ. Năm 1955, khi Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức bị phát hiện sai lầm, Lê Ðức Thọ được thay Lê Văn Lương, thì thế lực Thọ đã mạnh. Cha tôi sợ, nói thẳng ra là như thế. Như một bệnh truyền nhiễm bắt đầu lan rộng, cái sợ không chừa cả ông. Cái khí phách còn lại của tinh thần nho sĩ chỉ còn lại ở chỗ ông đủ nghị lực để giữ mình không dây vào những việc làm bạc đức, một thứ khí phách mà vài thập niên sau được đặt tên là chủ nghĩa makeno.
Vào năm 1965, nhân người nhà một viên chức chế độ cũ bị bắt tìm đến ông nhờ ông can thiệp giùm, cha tôi nhận lời đi gặp Trần Quốc Hoàn. Cha tôi biết rõ người bị bắt, ông này là người đúng đắn, trước đã có công giúp đỡ cách mạng. Chắc hẳn do tính tình nóng nảy, không biết giữ gìn lời ăn tiếng nói mà ông này bị bắt. Lúc ấy cha tôi đã về hưu, không còn quyền chức gì để có thể trực tiếp giúp đỡ ông. Cha tôi đến với Trần Quốc Hoàn, nghĩ Trần Quốc Hoàn sẽ nể tình bạn tù cũ mà nghe ông xem xét lại vụ án. Nhưng ông lầm. Hoàn tiếp ông, hứa hẹn bâng quơ, nhưng rồi việc đâu bỏ đó.
Không giúp được người oan ức cha tôi rất buồn.
- Thằng lưu manh khó lòng trở thành người tử tế. - ông than phiền với ông Ðặng Kim Giang - Mình quá tin ở khả năng cải tạo của môi trường đối với con người, hóa ra không phải như vậy.
Ông Giang an ủi cha tôi:
- Cậu không giúp được người ta thì cũng đừng dằn vặt mình quá. Ai chịu trách nhiệm được thay kẻ khác?
Ông Ðặng Châu Tuệ (3) hôm đó có mặt thở dài:
- Thời bây giờ khác trước rồi. Nghĩ nhiều đến số phận dân chúng lúc này là lạc hậu lắm, chúng mày ơi. Bây giờ người ta nghĩ tới những cái khác kia - cái chức, cái quyền, cái lợi. Cách mạng mà rồi thế này ư? Tao ngấy đến tận cổ.
Tôi nghe được mẩu đối thoại ấy, nhưng tôi không nghĩ cha tôi nói theo nghĩa đen. Một nhà cách mạng làm tới chức vụ cao như thế sao lại có thể là một tên lưu manh được?
Bộ Nội Vụ, trung thành với tính chất bí hiểm của nó, không hay tổ chức những cuộc gặp gỡ các nhà báo, nếu có thì chỉ là những cuộc họp báo hạn hẹp để nghe một cán bộ cấp vụ phổ biến chủ trương hoặc công bố kết quả một chiến dịch, một vụ phá án gián điệp chẳng hạn. Cho nên các nhà báo ít có dịp tiếp xúc với Trần Quốc Hoàn. Tôi chỉ thỉnh thoảng được gặp, nói cho đúng là nhìn thấy Hoàn, trong một số buổi khánh tiết long trọng, ở những cuộc đón tiếp ở địa phương mà tôi tình cờ có mặt. Trong các nhân vật lãnh đạo ở Việt Nam thời bấy giờ Trần Quốc Hoàn có bộ mặt khả ố nhất, theo tôi. Có thể người khác thấy Hoàn theo cách khác, nhưng tôi thì tôi thấy đúng như vậy. Hay vì Hoàn là bộ trưởng công an nổi tiếng tàn bạo mà tôi nhìn ra thế chăng? Từ ngày Trần Quốc Hoàn lên làm bộ trưởng thì trên miền Bắc không có mấy gia đình không có người thân trong gia tộc ở tù.
Trần Quốc Hoàn thường xuất hiện cùng lúc với Lê Quốc Thân. Béo núc ních, cổ rụt, hai mắt ti hí, giống hệt một con lợn, là phó của Hoàn. Thứ trưởng Lê Quốc Thân được người ta biết đến như một tên bất nhân. Trần Quốc Hoàn còn học được vài đường đạo đức giả ở đàn anh Lê Ðức Thọ, chứ Lê Quốc Thân ngu độn chỉ biết kêu gọi dùng bàn tay sắt. Ðược Ðảng tâng bốc là thanh kiếm và lá chắn (4) chiến đấu vì sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Ðảng, bảo vệ nhân dân, ngành công an Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trần Quốc Hoàn và Lê Quốc Thân nhanh chóng trở thành một đạo kiêu binh. Ðến nỗi, những cán bộ công an có công tâm phải thốt lên:"Cái sự coi mỗi công dân là một tù nhân dự khuyết mở đầu cho một thời đại khốn nạn. Rồi đây chúng ta sẽ phải trả giá cho sự thất nhân tâm này". Tôi được nghe, được đọc một số bài nói chuyện với cán bộ ngành công an của Lê Quốc Thân. Những bài báo này, theo nhận xét của giới trí thức, vừa ngu xuẩn vừa sặc mùi bạo lực. Tôi là người yêu chủ nghĩa xã hội, và tôi lấy làm xấu hổ cho cái chủ nghĩa xã hội mà tôi theo vì những bài phát biểu thiếu văn hóa đó.
Khoảng từ cuối cuộc kháng chiến chống Pháp phương châm bắt nhầm còn hơn bỏ sót được người ta nói tới nhiều, như thể đó là đường lối tốt nhất để bảo vệ cách mạng. Tôi cũng là người chăm đọc sách mác-xít, nhưng trong những đoạn văn viết về chuyên chính vô sản tôi không thấy những nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác nói tới một phương châm như thế. Bắt nhầm còn hơn bỏ sót là sự biện minh cho những hành động tùy tiện của nền độc tài. Nó cực kỳ giản tiện và vô cùng dễ chịu cho tên độc tài củng cố địa vị thống trị. Nó cho phép tên độc tài thoát khỏi mọi ràng buộc, vô trách nhiệm trước sinh mệnh đồng loại. Trên thực tế nó đã trở thành phương châm hành động của công an nhiều nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là các nước châu Á (ở các nước châu Âu, sau Ðại hội XX Ðảng cộng sản Liên Xô, tình hình đã có thay đổi theo chiều hướng dân chủ). Cán bộ thực hành chuyên chính vô sản tha hồ bắt oan, tha hồ giết oan đồng bào họ. Vạn nhất có bị phát hiện họ sẽ được chuyển sang công tác khác, được bảo hiểm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả là không biết bao nhiêu thường dân vô tội trở thành nạn nhân của cái phương châm bất nhân bạc ác này. Mà nói thường dân làm chi, đến những cán bộ cấp khá cao như anh Tạ Ðình Ðề, nguyên đội trưởng Biệt động thành Hà Nội, cũng bị đem ra "làm thịt" theo chủ trương nói trên của Hoàn (5). Tôi biết Tạ Ðình Ðề từ năm 1949 khi học trường sĩ quan lục quân Trần Quốc Tuấn. Tôi ở đại đội 3, đóng bên đại đội Lê Hồng Phong gồm các sĩ quan cấp đại đội và tiểu đoàn về học khóa 6 trong chủ trương chính quy hóa quân đội. Tạ Ðình Ðề ở đại đội Lê Hồng Phong. Chúng tôi gặp nhau hàng ngày, tôi hiểu tính cách của anh. Anh là người có tinh thần đồng đội, lại thẳng thắn, không biết nịnh bợ. Trong triều đại Lê Duẩn những người có tính cách như thế trước sau cũng bị gạt ra khỏi guồng máy. Sau khi được trắng án, Hoàn và Thân còn nhiều lần mưu toan đưa anh trở lại nhà tù nhưng không thành công.
Ông Nguyễn Tạo, thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp, là phó tổng giám đốc Nha Công an Việt Nam thời ông Lê Giản làm tổng giám đốc, biết rõ tiểu sử Trần Quốc Hoàn.
- Bố anh không nói theo nghĩa bóng đâu. Nghĩa đen đấy. - ông trả lời thắc mắc của tôi - Chả là thằng này đích thực lưu manh, anh ạ.
Năm 1992, tôi rời Việt Nam lần chót thì ông Nguyễn Tạo còn sống. Tôi hi vọng ông còn sống lâu để có thể kể câu chuyện kỳ lạ này cho nhân dân nghe.
Không thể nào tưởng tượng nổi - một bộ trưởng, hơn nữa, một ủy viên Bộ Chính trị Ðảng cộng sản, lại là một tên lưu manh xuất thân! Và tên lưu manh này đã đứng trên đỉnh cao quyền lực làm mưa làm gió nhiều năm trong bộ máy trấn áp của Ðảng. Cũng chính tên lưu manh này đã cùng "đại huynh" của nó thực hiện vụ hãm hại chưa từng có trong lịch sử đất nước những trung thần của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Câu chuyện ông Nguyễn Tạo kể được ghi lại như sau:
Trong một thôn nghèo bên một thị trấn heo hút thuộc miền núi Nghệ An có một đôi vợ chồng nghèo hiếm muộn, có độc một mụn con trai. Họ kiếm sống bằng nghề đi rừng kiếm dây leo về bện rế mang ra chợ bán, đắp điếm lần hồi, với hi vọng rồi đây đời con mình sẽ khá. Tuy nghèo khổ, hai người vẫn ăn nhịn để dành cho con trai theo học trường tiểu học phố chợ. Thằng bé loắt choắt được bạn cùng lớp gọi là Cảnh con, không đến nỗi quá tối dạ, khốn nỗi cũng chẳng thông minh, học thì lười, ăn cắp thì chăm.
Lớn lên một chút Cảnh con nổi tiếng cả thị trấn và một vùng xung quanh về tật ăn cắp vặt. Học đến cours préparatoire (6) thì bị đuổi học vì hạnh kiểm xấu. Từ đó Cảnh con lêu lổng như một con mèo hoang. Nhà nào sơ hở là nó lẻn vào, cuỗm của họ từ cái quần lót cho tới cái nồi đồng. Bị bắt, bị đánh, năm ngày ba trận, nhưng nó vẫn chứng nào tật nấy, càng ngày càng lì, càng trở thành bất trị. Cha mẹ nó bị xóm giềng chửi bới, nguyền rủa, bị bắt đền, bị đe dọa. Ðứa con hư trở thành gánh nặng, thành nỗi khổ tâm không sao thoát khỏi của đôi vợ chồng nhà nọ. Nỗi giận dữ của dân phố chợ nhằm vào Cảnh con cũng ngày một tăng lên. Rồi tới một lúc không ai còn có thể chịu nổi nữa.
Họ gặp may. Ðúng lúc có người mộ phu tới, viên trưởng thôn liền hớn hở giao ngay thằng ăn cắp oắt con cho họ. Vừa được tiền, lại vừa nhẹ mình. Thường người đi phu được lĩnh ở thầy ký mộ phu một khoản rõ ràng, khoảng năm đồng Ðông Dương nhưng đám chức sắc ăn chẹn, người đi phu chỉ được lĩnh một nửa, có khi còn ít hơn. Chức sắc ở địa phương bao giờ chả muốn đuổi khỏi địa phương mình những phần tử thanh tích bất hảo, bây giờ ta gọi là làm trong sạch địa bàn.
- Lúc bấy giờ Cảnh con chừng bao nhiêu tuổi, thưa bác? - tôi hỏi.
- Khoảng mười lăm, mười sáu. - ông Tạo đáp - Thời trước là tuổi đi làm được rồi. Cảnh con được đưa sang Lào, tới một vùng có mỏ vàng, làm phu. Công việc phu đãi vàng rất đơn giản: đào đất ở những chỗ có mạch vàng rồi đem ra suối đãi. Dụng cụ đãi là một cái chảo lớn, dân đãi vàng gọi là pa-tê.
- Công việc phu đãi vàng ngày trước có khó nhọc lắm không, thưa bác?
- Làm phu tất nhiên là khổ rồi. Nhưng phu đãi vàng cũng không đến nỗi khó nhọc so với phu mỏ, phu đồn điền. Cái khổ nhất của phu đãi vàng là bệnh sốt rét ngã nước. Họ sống rải rác trong rừng, từng tốp một, mỗi tốp vài chục người. Ðứng đầu mỗi tốp có một cai trông coi gọi là xú-ba-dăng (7). Tiếng là đãi cát ra vàng, nhưng lương phu thấp lắm, chỉ đủ sống, ít có ai hết giao kèo còn dành được tiền mang về nhà. Người đi phu thường không có ý định quay về - ở nông thôn thời bấy giờ còn khổ hơn đi phu. Anh đọc Tắt Ðèn rồi chứ?
- Thưa, đã.
- Nông thôn lúc bấy giờ đúng như cụ Ngô Tất Tố tả. Nhiều người còn đi phu xa hơn, sang tận Nouvelle Calédonie hoặc Nouvelles Hébrides (8), ta gọi là Tân Ðảo và Tân Thế Giới, làm công nhân khai thác kền ở Chiepagui...
Các đồng chí ta ở Thái Lan lúc bấy giờ đã có Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội hoạt động tương đối mạnh. Chính quyền Thái đối đãi với Việt kiều cũng nhẹ nhàng, họ không gây khó dễ cho các tổ chức cách mạng Việt Nam mà họ thừa biết là có cơ sở rộng khắp trên đất họ. Có thể nói đó là sự ủng hộ đáng quý. Cách mạng Việt Nam nhờ Thái Lan nhiều. Chỉ từ khi phái cực hữu Thái Lan lên nắm quyền thì cách đối xử với các tổ chức cách mạng Việt Nam mới xấu đi. Xét cho cùng, là lỗi tại mình. Ai lại nhờ đất người ta mà lại đi vận động dân Thái chống chính quyền ngay trên đất họ của họ. Thời kỳ mà tôi đang nói tới ngoài việc phát triển hội viên trong kiều bào tại chỗ, Hội Thanh niên cách mạng còn triển khai tổ chức của mình trong kiều bào ở Lào, Miên.
Khái niệm công nhân trong Hội Thanh niên bấy giờ rất đơn giản - bất cứ ai bán sức lao động chân tay đều là công nhân tuốt, đều là đối tượng để kết nạp vào Hội. Chứ đám phu đãi vàng đâu có là công nhân công nghiệp theo cách phân định thành phần của Mác, như các anh bây giờ hiểu. Vậy, các đồng chí Thanh niên cách mạng phát triển tổ chức vào đám phu mỏ vàng nọ. Người ta phát triển vào Cảnh con. Mà phát triển vào hắn cũng phải. Chỉ có mình hắn biết đọc biết viết trong đám phu mù chữ. Cảnh con thường viết thư thuê cho các bạn phu lấy tiền.
Chuyện bắt đầu từ đây. Ðồng chí phụ trách phát triển Cảnh con, tôi không nhớ tên, thiếu cảnh giác, trong lúc tâm sự con cà con kê đã nói với Cảnh con tên tuổi một số đồng chí. Tôi nghĩ anh này lo xa, lại có chút lãng mạn nữa - vạn nhất mình có bị địch bắt, có bị hy sinh thì Cảnh con còn biết người này người kia để liên lạc. Mấy đồng chí mà anh ta nói đến về sau đều bị bắt hoặc bị bắn chết trên đường rừng nằm trên biên giới Thái-Lào. Không ai biết vì sao họ bị lộ, nhưng Cảnh con sau đó cũng mất hút.
- Cảnh con bán các đồng chí cho Pháp?
- Hồi ấy có nghi vấn như vậy. Nhưng không có bằng chứng. Nghi thì để bụng, vậy thôi. Nghe nói có đồng chí bị bắn, chạy thoát, lúc hấp hối có trối trăng lại, nói Cảnh con là tên phản bội.
- Sao họ không báo cáo tổ chức?
- Một lời nói của một người không thể là bằng chứng. Vả lại, công tác cách mạng thì lu bu, có thể có ai đó đã báo cáo, nhưng người nghe báo cáo rồi cũng chết nốt chẳng hạn. Như tôi cũng chỉ nghe nói lại, mà không từ gốc, làm sao có thể báo cáo được. Ðến khi biết đồng chí Trần Quốc Hoàn ngày nay chính là thằng Cảnh con ngày trước thì những người biết hoặc có nghe việc này không dám nói nữa. Cảnh con đã ở trong Trung ương rồi, lại còn vào Bộ Chính trị nữa. Nói ra mất mạng như bỡn. Ðành nín lặng.
- Hồi ấy Cảnh con bỏ trốn vì sợ tổ chức biết?
- Ðiều đó có thể lắm.
Sau khi Cảnh con trốn khỏi Lào, hắn trở thành một tên ăn cắp vặt ở các chợ Hà Nội. Theo lời những tên lưu manh già, trước đó có hồi Cảnh con còn đi theo một đám cướp ở Hải Dương, nhưng vì nhát gan nên bị chúng đuổi, không cho theo. Không còn đường nào, Cảnh con mới bò về Hà Nội, nhập vào đám móc túi, giật dọc. Nhưng ở trong đám này hắn ta cũng bị coi là một tên thuộc hạng bét, loại vét đĩa (9), như cách gọi của dân lưu manh bây giờ.
Ăn cắp ở quê còn được, chứ ăn cắp ở thành phố khó lắm, dân thì tinh, phú-lít (10) đầy đường. Nhưng không ăn cắp thì đói. Cảnh con mới xin nhập vào đám tiểu yêu cầm cờ đám ma, dưới trướng một tên anh chị ở phố Hàng Chợ Gạo. Bọn cầm cờ đám ma cũng là một dạng lưu manh, từ trong đám lưu manh chuyên nghiệp mà ra, như kiểu thầy tu xuất.
Mỗi băng cầm cờ thường được một nhà đòn (11) thu dùng. Trong số các nhà đòn hồi ấy có nhà Louis Chức rất nổi tiếng. Ðám tang do các nhà đòn thời trước ổ chức to lắm, sang lắm. Có minh tinh nhà táng xênh xang, màn che ngù rủ, ngựa cũng vận áo tang hai màu đen trắng, cũng đội kèn bú-dích (12) diễu hành trước linh cữu, trên xe tang ngất ngưởng một anh xà ích ăn vận chẳng khác gì đại tướng nhà ta bây giờ, theo đúng kiểu tây.
Tang chủ nào giàu có là có ngay băng cầm cờ đến xin phục vụ. Cách xin cầm cờ chúng thường là thế này. Mấy đứa lực lưỡng nhất bọn, xăm trổ đầy mình, mặt mũi bặm trợn, chít khăn tang hẳn hoi, kéo nhau đến gặp tang chủ. Lũ cô hồn xông thẳng vào nhà, quỳ lạy trước linh cữu, khóc lóc, kể lể, tuồng như trước đây chúng chịu ơn người quá cố, nay đến để giả nghĩa, xin được bảo vệ đám ma ân nhân. Tại sao lại phải bảo vệ? Tại vì cụ nhà tuy ân dày đức trọng thật đấy, nhưng, chúng nó nói, thiên hạ trăm người trăm ý, cụ nhà có ăn ở tốt mấy cũng không phải là không có kẻ thù, chúng con biết có kẻ định bụng phá đám tang của cụ cho nên chúng con phải đến ngay, vì tình sâu nghĩa nặng với ân nhân ...
Tang chủ biết chúng nói láo, nhưng ngậm bồ hòn làm ngọt: không cho chúng cầm cờ thì chính chúng chứ chẳng phải kẻ thù nào sẽ phá đám, thôi thì đành để cho chúng "bảo vệ". Nghĩa tử là nghĩa tận. Công cầm cờ do vậy mà rất cao: một lá đại kỳ (cờ lớn) 1 đồng, cờ phướn từ 3 hào tới 4 hào (giá một tạ gạo hồi ấy khoảng 5 đồng, hơn 5 đồng một tí). Loại tiểu yêu như Cảnh con chỉ được cầm cờ phướn thôi, đại kỳ không đến lượt. Mà đã là tiểu yêu thì cũng chẳng được hưởng trọn tiền. Tang chủ cho năm hào thì đàn anh lấy ba, thương tình lắm cũng lấy hai. Lại nữa, không phải ngày nào cũng có đám tang nhà giàu để được cầm cờ. Chưa kể đến chuyện băng cầm cờ Hàng Chợ Gạo còn phải giành giật, tranh khách với băng cầm cờ chợ Ðồng Xuân và những băng khác. Nói tóm lại, Cảnh con sống dặt dẹo, bữa no bữa đói, khổ sở lắm.
Tình cờ một hôm Cảnh con đọc mục rao vặt trên báo Ðông Pháp thấy nhà in Tân Dân tìm thợ sắp chữ, mừng quá, bèn ba chân bốn cẳng chạy đến xin việc. Chủ nhà in sát hạch thấy được, mới cho vào làm. Tôi nhắc lại: thời thuộc địa dân mình ít học lắm. Trong làng đỗ được cái certificat đã là oai rồi, đã là thành phần trí thức rồi, đã được dân làng vị nể rồi. Thời kỳ tập sự, gọi là học việc, lương công nhân chẳng được là bao, giỏi lắm đủ ăn, nhưng cũng vẫn là có lương, còn hơn sống phập phù với bọn cầm cờ đám ma. Cảnh con ra sức làm, được chủ khen.
Nhưng chẳng bao lâu sau, chứng nào lại tật nấy, Cảnh con lại xoay ra ăn cắp. Ai cũng tưởng làm nhà in thì chẳng xoay xở được gì, ngờ đâu lại vớ bở. Chữ in làm bằng hợp kim antimoine, ta thường gọi là chữ chì, hồi ấy được dân đúc gang ở phường Ngũ Xã rất chuộng, mua với giá cao. Chả là đang lúc Tây cấm nghề đúc đồng (đồng là nguyên liệu chiến lược, mẫu quốc cấm dân thuộc địa đúc đồng để đưa về Pháp đúc đạn), cho nên dân Ngũ Xã phải quay ra đúc chảo gang. Chảo lớn thì phom (13) lớn, gang nóng chảy nguội quá nhanh thì chảo nứt, phải pha thêm một chút antimoine cho nó đông cứng chậm lại mới đúc được. Cảnh con liền ăn cắp chữ in đem bán. Trường Chinh hồi ấy cần chữ in cho báo Ðảng, cho người đi gặp Cảnh con để mua, nhưng hắn ta không bán. Một kí lô chữ in bán cho dân Ngũ Xã được sáu đồng, người của Trường Chinh chỉ trả có năm với lại năm rưỡi, đời nào hắn bán. Thằng Cảnh con này khôn như rận".
- Nghĩa là vào thời kỳ Mặt trận Bình dân Cảnh con không hoạt động gì cho cách mạng?
- Hoạt động gì trong khi nó còn bận ăn cắp?!
Ði đêm lắm có ngày gặp ma, Cảnh con bị bắt quả tang trong lúc trên vai còn cả bị chữ in. Chả là nhà in mất nhiều chữ quá, xót của, mới thuê thám tử tư đi điều tra. May cho Cảnh con, hắn bị tống ngục trúng lúc Mặt trận Bình dân vẫn còn cầm quyền. Thời kỳ này, sau cuộc đi thăm Ðông Dương của các nghị sĩ cộng sản và xã hội, nhất là sau cuốn Ðông Dương Cấp Cứu của bà André Viollis, các lực lượng phái tả của Pháp lên án mạnh chính quyền thuộc địa trong việc giam giữ tù chính trị, cho nên chế độ sinh hoạt cho tù chính trị được cải thiện hơn trước nhiều.
Không biết được ai mách giúp bảo giùm mà thằng ăn cắp chữ in liền khai với Sở Liêm Phóng rằng hắn là nhà ái quốc, chữ in hắn lấy là để cho các tổ chức cách mạng in báo, in truyền đơn. Cảnh con chắc khai cũng lăng nhăng lắm, hắn có liên lạc với ai đâu mà bảo hoạt động. Thế mà hắn được đưa sang bên chính trị, mới lạ. Tại Sơn La hắn nói với tổ chức Ðảng rằng hắn là người trong tổ chức, viện tên những đồng chí Thái Lan trước đây đã kết nạp hắn (nay đã chết hết), xin được kết nạp lại. Tổ chức nhờ bên ngoài xác minh, thấy quả có những đồng chí tên tuổi đúng như vậy, bèn cho hắn sinh hoạt. Lê Ðức Thọ cũng kết tình thầy trò với hắn ta từ đó
- Chẳng lẽ Trường Chinh hoặc những đồng chí gần Trường Chinh không nhớ chuyện Cảnh con từ chối không bán chữ in cho họ?
- Nhớ thì cũng thế thôi. Có lục chuyện ấy ra Cảnh con cũng thiếu gì cách chống chế. Nguyên tắc bí mật chẳng hạn, chưa bắt được liên lạc thì biết ai là ta ai là địch. Theo nguyên tắc đó Cảnh con có quyền không biết Trường Chinh là ai, nói gì người của Trường Chinh cử tới gặp. Sau, Cảnh con đã làm to rồi, có ai biết chuyện cũ cũng im thin thít, không dám hó hé. Chỉ tội bọn lưu manh tép riu, hồi Cách mạng Tháng Tám chúng bị giết vô số kể, là lệnh của Trần Quốc Hoàn đấy.
- Hoàn muốn bịt miệng những người biết quá khứ của hắn?
- Tất nhiên.
- Hồi ấy ai nắm công tác tổ chức, thưa bác?
- Chẳng có ai. Hoặc có thì cũng là phân công miệng với nhau, bảo nhau mà làm, mỗi người một mảng việc, mỗi người một địa phương. Ngay các chức vụ trong Trung ương cũng vậy, nhiều khi ới nhau mà giao, ai gần thì gọi. Nói chung là phải tự động giải quyết. Ðấy, như Văn Tiến Dũng đấy. Có hồi anh ta mất liên lạc với Ðảng, chẳng được tổ chức phân công việc gì, nhưng anh ta cứ đi các nơi xây dựng cơ sở, kết nạp đảng viên như thường. Cho tới khi bố anh đi tìm được thì Văn Tiến Dũng đã có sẵn một mớ chi bộ của anh ta rồi.
- Có phải hồi chú Văn Tiến Dũng đóng giả nhà sư không?
- Ðấy là hồi sau, khi đã bắt được liên lạc. Phải công nhận Văn Tiến Dũng kiên trì cách mạng lắm. Chưa bắt liên lạc lại với đồng chí thì tự nghĩ ra việc mà làm. Văn Tiến Dũng đúng. Nhưng nếu bắt bẻ thì có cái chi không bắt bẻ được, Văn Tiến Dũng làm thế gọi là vô tổ chức, vô kỷ luật rồi, phải không? Tổ chức Ðảng trong những năm ấy chẳng chặt chẽ gì. Vả lại số đảng viên bấy giờ ít lắm, đâu có như bây giờ, thêm được một người là quý. Là đảng viên trước đây có nghĩa là tù đầy, là máy chém...
- Bác nghĩ Cảnh con rồi sau cũng giác ngộ cách mạng?
- Ai biết được?! Cũng có thể là như thế - con người ta thay đổi.... Mà cũng có thể không... Tôi chỉ tin một điều: con người ta rất khó thoát khỏi bản chất của nó, khó lắm.
Tôi trách cha tôi nhiều. Lẽ ra ông phải cho tôi biết những điều ông biết, nhưng ông đã lảng tránh.
Tôi nhớ một buổi chiều thu 1964, cha tôi đột nhiên bảo tôi:
- Con lấy xe đưa bố đi một lát.
Hôm ấy tôi có một cái hẹn, nhưng đành phải bỏ - trong gia đình tôi sự không tuân lời người trên là lỗi nặng. Ðành phải dịch cái hẹn sang ngày khác để đưa cha tôi đi. Ông ngồi sau chiếc Jawa 05 thấp tè, vốn không được thiết kế để chở hai người, hai chân khuỳnh khuỳnh. Nhưng ông chịu khó ngồi lắm, không kêu ca. Năm ấy cha tôi không còn đi được Mobylette nữa, dắt xe ra cửa, cái xe kéo ông theo làm ông ngã dúi dụi. Trước đó, khi còn làm ngoại giao có tiêu chuẩn xe hơi ông cũng chỉ đi xe Mobylette của riêng, do bạn bè ở Pháp gửi cho. Ông bảo: "Nước ta còn nghèo, xe cấp cứu cho đồng bào còn chẳng có, mình đi một mình một xe hơi làm gì, phí phạm!". Có hôm tới dự kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga ở đại sứ quán Liên Xô lính gác (Việt Nam) không cho ông vào chỉ vì ông đi Mobylette.
Cha tôi sai tôi chở ông lên đường Cổ Ngư cũ về phía Chèm. Tới dốc lên đê, ông bảo tôi dừng xe. Châm một điếu thuốc, ông chọn chỗ cỏ sạch để ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên ông.
Ráng chiều bắt đầu nhuộm đỏ mặt hồ Tây và một phần hồ Trúc Bạch. Gió nồng ẩm mang theo hương dong nước ngọt bị vứt lên bờ và hương lá mục ngai ngái.
- Con nhớ lấy chỗ này, quãng gốc cây thứ tư và thứ năm từ trên đê đổ xuống - cha tôi chỉ tay về phía trước - Nơi này đã xảy ra một tấn thảm kịch mà rồi đây con phải tìm hiểu để mà viết. Nó là tấn thảm kịch có tính chất tượng trưng cho một sự đổ vỡ lớn của một nền đạo đức và rộng ra, của một thời đại ...
Mắt cha tôi mờ đi. Giọng ông đứt quãng.
- Con không hiểu bố muốn nói gì ...
- Lúc này con không hiểu cũng được. Hiểu bây giờ vừa sớm, vừa nguy hiểm. Việc của bố là đánh động trí nhớ của con, bắt nó ghi lại một lời nói không rõ ràng để đừng quên, sau này ... Thôi, ta về.
Trên đường về nhà cha tôi không nói thêm lời nào nữa. Tôi cũng không dám hỏi. Nếu cha tôi đã không nói, có nghĩa là hỏi cũng vô ích.
Ông Nguyễn Tạo đã giải đáp cho tôi câu hỏi đó, nhiều năm về sau:
- Bố anh không muốn kể vì vào thời kỳ câu chuyện xảy ra bố anh không còn làm việc với Bác Hồ nữa, bố anh e mình không nắm rõ, không trực tiếp biết sự việc, không biết chi tiết, kể sẽ không đầy đủ, không khách quan. Hoặc giả, bố anh sợ anh biết câu chuyện quá sớm thì hại cho anh, tôi không rõ ... Nhưng bố anh muốn anh biết để có lúc anh sẽ phải viết ra. Bố anh bảo tôi kể cho anh nghe cũng không ngoài ý đó.
- Bác biết?
Ông gật đầu:
- Không phải chỉ mình tôi biết. Còn có người khác biết. Số cán bộ công an ở cấp vụ trưởng hồi bấy giờ đều biết cả...
- Vậy chuyện gì đã xảy ra ở dốc Chèm, thưa bác?
- Một vụ án mạng oan khuất.
- Ở chính nơi bố cháu chỉ cho cháu?
- Ở đó. Có một người đàn bà bị xe cán chết, hay nói cho đúng hơn, xác của người đó.
- Một hiện trường giả?
- Chính là như vậy. - ông ngậm ngùi - Người đàn bà này bố anh cũng biết, tên là Xuân, quê ở huyện Hòa An tỉnh Cao Bằng. Cô Xuân rất xinh gái, da trắng nõn, miệng tươi như hoa, được Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương tuyển vào trông nom sức khoẻ cho Bác Hồ...
- Thời gian nào, thưa bác?
- Sau khi hòa bình lập lại, khoảng năm 1955...
- Cùng được Trần Ðăng Ninh tuyển một lúc với cô Xuân còn có hai người em gái cô ta, một em ruột, một em họ, cũng là con cái gia đình gốc gác cách mạng cả. Họ được bố trí ở trong một ngôi nhà ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, sát đường Quang Trung. Thông thường, Trần Quốc Hoàn tự thân đưa cô Xuân vào gặp Bác rồi đưa về...
- Mỗi lần như vậy bà ta ở lại bao lâu?
- Không chừng. Có khi chỉ một đêm, có khi đôi ba hôm ... Cô Xuân rất được lòng Bác. Họ có với nhau một con trai, được đặt tên là Trung, Nguyễn Tất Trung. Về sau trước khi Bác mất Bác ủy thác thằng Trung cho Vũ Kỳ chăm sóc, coi như con nuôi...
Tôi sững sờ. Lại thêm một bí mật tôi được biết trong những bí mật cung đình được giữ rất kín.
- Như vậy, có thể coi như bà Xuân là bà hoàng hậu cuối cùng trong lịch sử Việt Nam?
Ông cười chua chát:
- Có thể coi là như vậy. Và là bà hoàng hậu bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. Bất hạnh vì không một ngày được thừa nhận là hoàng hậu, vì đẻ ra đứa con không được gọi cha ruột của nó bằng cha... Tất cả diễn ra trong sự lén lút nhục nhã, như thể đó là tội lỗi.
- Ai đã giết bà Xuân?
- Ðừng vội. Ta hãy ghi nhận sự việc này: vào một buổi sáng mùa xuân năm 1957, người ta thấy có xác một người đàn bà bị xe ô tô đụng chết ở dốc Cổ Ngư lên Chèm (14). Xác chết được đưa vào bệnh viện Việt Ðức, được nhận dạng. Ðó chính là cô Xuân. Nhưng xác không được mổ theo thường lệ, mà bị chôn cất vội vã, theo lệnh của Trần Quốc Hoàn.
- Tại sao lại Trần Quốc Hoàn?
- Bởi vì cô Xuân là người của cơ quan trực thuộc Trung ương, việc xảy ra phải báo cáo ngay cho Trần Quốc Hoàn biết.
- Rồi sau thì sao?
- Chưa hết. Sau, em ruột của cô Xuân bị điều đi học một lớp y tá ở Thái Nguyên, rồi bị đưa về Cao Bằng điều trị bệnh... thần kinh. ớt lâu sau xác cô nổi lên ở một cây cầu trên sông Bằng Giang... Cô em gái họ cũng biến mất. Như vậy là cùng một thời gian, cùng một sự việc, có tới ba người thiệt mạng.
- Những đầu mối đều bị bịt?
- Tất nhiên. Nhưng những lý do dẫn tới những cái chết đã bị lọt ra ngoài.
- Về những cái chết này không có ai điều tra hết?
Ông Tạo cúi mặt xuống.
- Không.
- Tại sao, thưa bác?
- Tại vì thủ phạm là một nhân vật quá to để có thể đụng tới.
- Trần Quốc Hoàn?
- Phải. - ông thở dài - Tất cả những người biết việc này đều có lỗi với hương hồn cô Xuân và hai cô em, tất cả đã không dám làm gì để rửa mối hận cho họ. Tất cả đã cúi đầu trước guồng máy, trước uy tín của Ðảng có thể bị mất đi vì vụ bê bối này. Mọi người đều lầm khi nghĩ như vậy...
- Vì sao Trần Quốc Hoàn giết bà Xuân?
- Ðó là một câu chuyện dài. Khi Bộ Nội Vụ, vì công tác bảo vệ, bố trí cho mấy chị em cô Xuân ở ngôi nhà của Bộ ở phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, thì chỉ có vài người biết họ là ai. Trong ngôi nhà này còn hai gia đình cấp vụ khác ở cùng. Thời gian trước khi cô Xuân bị giết ít lâu, Trần Quốc Hoàn thường tới đó. Việc Trần Quốc Hoàn tới thăm rồi cưỡng hiếp cô Xuân, cô em của cô Xuân biết, có nói lại cho người yêu của mình ở quê. Anh này về sau có làm đơn tố cáo gửi Trung ương.
- Và Trung ương im lặng?
- Không phải anh ta gửi ngay lập tức. Ngay lập tức thì anh ta cũng bị giết ngay, mà mãi về sau này...
- Cụ Hồ không có ý kiến gì về mấy cái chết oan khuất đó?
Ông Nguyễn Tạo đăm chiêu suy nghĩ.
- Có nhiều điều chúng ta không biết được. - ông nói, giọng bùi ngùi - Tôi nghĩ thân phận Bác lúc ấy cũng tội nghiệp lắm. Biết nói với ai? Với Lê Duẩn chăng? Hay Lê Ðức Thọ? Hay nói thẳng với Trần Quốc Hoàn? Tôi nghĩ Bác là con người, Bác cũng biết đau khổ. Nhưng cái thế của Bác buộc Bác phải im lặng...
- Nghĩa là, theo bác, ông Hồ không có lỗi?
- Trong mấy cái chết nói trên? Không.
- Nhưng sự im lặng trước cái chết của họ? Ông Hồ cũng không có lỗi? - tôi gặng - Bỏ ra ngoài mối quan hệ tình cảm, chỉ nói tới cái chết oan khuất của một con người, với tư cách đồng bào?
- Thế hệ các anh khắc nghiệt trong sự phán xét. - ông thở dài - Tôi hiểu các anh. Các anh vô can. Chúng tôi thì không. Chúng tôi tự đặt mình trong sự ràng buộc với Ðảng, với những quyết định của nó, dù sai dù đúng. Chúng tôi lo lắng cho uy tín của Ðảng. Chúng tôi cảm thấy nhục nhã nếu Ðảng bị phỉ báng. Ðảng là cuộc sống tinh thần của chúng tôi, là danh dự của chúng tôi. Bác cũng vậy. Ông Cụ cũng đau đớn lắm chứ. Ông cũng là con người. Như mọi người. Các anh khác. Các anh chỉ nhìn thấy một lẽ công bằng, đòi phải có nó, đòi mọi sự phải sòng phẳng. Cái đó là phải thôi. Ðúng, chứ không sai. Nhưng có nên như vậy không nhỉ? Hay là cần phải độ lượng hơn, thông cảm hơn với sự yếu đuối của con người? Dù họ có là ai đi chăng nữa...
Chú thích
1. Beria Lavrenti Pavlovich (1899-1953), đồng hương với Stalin, năm 1938 được Stalin giao cho phụ trách NKVD (tiền thân của KGB, Nha An Ninh Quốc Gia), phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô năm 1941, vào Bộ Chính trị năm 1946. Tháng 12.1953 bị hành quyết vì tội phản bội tổ quốc.
2. Bộ Nội vụ hiện nay. Khi mới thành lập ngành công an Việt Nam cơ quan này mang tên Nha Công an Việt Nam. Sau năm 1954, nó được đổi thành Thứ bộ Công an, rồi Bộ Công an.
3. Một nhà cách mạng lão thành. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm chủ tịch ẹy ban kháng chiến hành chính tỉnh Ninh Bình, sau 1954 làm tại Tòa án tối cao.
4. "Kiếm và mộc" là biểu tượng của ngành công an Liên Xô.
5. Tạ Ðình Ðề, chỉ huy trưởng Ðội Biệt động thành Hà Nội, nhân vật huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 3. Sau chiến tranh ông làm giám đốc xưởng sản xuất vợt bóng bàn ngành đường sắt. Bị đưa ra tòa xử vì tội "chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa". Chưa bao giờ trong chế độ xã hội chủ nghĩa lại có một cuộc xử án mà quần chúng ủng hộ bị can kéo tới làm áp lực với Tòa đông đảo như trong vụ xử án Tạ Ðình Ðề. Ông được xử trắng án. Khi không buộc tội được Tạ Ðình Ðề "tham ô", Tòa hỏi Tạ Ðình Ðề tại sao lại thu nạp nhiều kẻ có tiền án tiền sự (tù được tha) vào xưởng của ông, Tạ Ðình Ðề thản nhiên trả lời:"Họ là những người đáng thương. Ai còn có tình người thì phải giúp đỡ họ".
6. Lớp 2, hệ tiểu học thời Pháp thuộc, còn gọi là lớp dự bị, trên lớp Ðồng ấu (enfantin).
7. Từ tiếng Pháp surveillant = giám thị.
8. Hai quần đảo ở Nam Thái Bình Dương. Nouvelle Calédonie bị Pháp chiếm năm 1853, nay còn là lãnh thổ hải ngoại của Pháp. Nouvelle Hébrides bị Bồ Ðào Nha chiếm năm 1606, sang tay Anh và Pháp năm 1906, năm 1980 tuyên bố độc lập, đổi tên là Cộng hòa Vanuatu.
9. Tiếng lóng của lưu manh: lính đú = loại lưu manh không chuyên nghiệp, đàn đúm theo đuôi); vét đĩa, lính vét đĩa, lính vét = loại lưu manh ở hàng cuối cùng, không đáng được tôn trọng.
10. Từ tiếng Pháp police = cảnh sát.
11. Như công ty dịch vụ mai táng ngày nay.
12. Từ tiếng Pháp musique = âm nhạc.
13. Khuôn, do chữ forme tiếng Pháp.
14. Ông Nguyễn Minh Cần, vào thời gian đó là phó chủ tịch ỷy ban hành chính Hà Nội, phụ trách Văn giáo và Ngoại thành nhớ lại: " Hôm đó (vào mùa xuân năm 1957) tôi đang thường trực thì anh Nguyễn Quốc Hùng, thành ủy viên, tới báo cáo có vụ xe cán chết người trên đường Nhật Tân, công an báo cáo người bị cán đã là một xác chết. Anh em công an nói chiếc xe mang biển số của Phủ Chủ tịch... Mấy hôm sau tôi có hỏi anh Trần Danh Tuyên, bí thư thành ủy, về vụ này (theo phân công, anh Tuyên bí thư phụ trách công an), thì anh ta nói "Vụ đó giải quyết xong rồi ". Anh Nguyễn Quốc Hùng là cán bộ công an thời ông Lê Giản, sau bị Trần Quốc Hoàn đẩy ra ngoài. Theo anh Hùng cái chết này có uẩn khúc, anh nói cần phải tìm hiểu".
Đêm Giữa Ban Ngày Đêm Giữa Ban Ngày - Vũ Thư Hiên Đêm Giữa Ban Ngày