Hán-Vương Ăn Ớt
ó bốn anh chàng nọ, tính thích làm thơ nôm đáo để, vì anh nào cũng hy-vọng thành một thi-nhân để tiếng trên đời như Đỗ-Phủ, Lý-Bạch. Một bữa nọ, cả bốn anh rủ nhau đi chơi. Khi đến một cái miếu thờ Quan-Công, trên bàn thờ có treo một bức tranh vẽ Quan-Công ngồi giữa, còn một bên là ông Châu-Xương, một bên nữa là ông Quan-Bình. Nhưng cả bốn anh, nào có biết là đền thờ ai, và bức tranh vẽ gì. Ấy vậy mà bốn anh cũng rủ nhau mỗi người làm một câu thơ để góp lại cho thành một bài thơ tứ-tuyệt để kỷ-niệm một cuộc đi chơi có tính chất phong-nhã. Tất cả cùng tán thành.
Anh thứ nhất khởi đọc: « Hán-Vương ăn ớt mặt đỏ gay ».
Anh thứ hai đọc tiếp: « Một bên thái-tử đứng khoanh tay ».
Anh thứ ba, trông thấy hình ông Châu-Xương đọc-tiếp: « Thằng mọi râu ria cầm cái mác ».
Một bức tranh vẽ ba ông, mà ba anh đã đọc hết, còn anh thứ tư không biết làm sao. Anh nhìn mãi, thấy ở trên bàn thờ có hai con hạc bằng đồng đứng lên lưng con rùa, nhưng nào anh có biết con chi chi, bởi thế nên anh ta mới tiếp ngay: « Còn bên cò quắm đạp cà cay ».
Tất cả bốn anh cùng nức nở khen hay và ghép lại thành một bài thơ tứ-tuyệt ở trước bàn thờ Quan Vân-Trường nhà Hán:
Hán-Vương ăn ớt mặt đỏ gay.
Một bên thái-tử đứng khoanh tay.
Thằng mọi râu ria cầm cái mác.
Còn bên cò quắm đạp cà cay.
Tiếu Lâm Việt Nam Tiếu Lâm Việt Nam - Cử Tạ Tiếu Lâm Việt Nam