Chương 6
rong nhà bà Hai ngày hôm ấy, trông nét mặt mọi người, ta có thể đoán được vừa mới có sự gì quan trọng xẩy ra. Mà thật, sự quan trọng ấy là việc chung thân của cô Hảo, con gái cả của bà Hai.
Buổi sáng hôm đó, bà Cửu đến chơi. Bà này là một người chỉ có hai công việc ở đời: đi lễ bái hết đền kia phủ nọ, và đứng làm mối dựng vợ gả chồng cho các gia đình mà bà quen biết. Mà bà quen biết nhiều gia đình lắm, lúc nào bà cũng có sẵn một “đám” con trai hay con gái, rất môn đăng hộ đối, đủ những tính nết tốt, và bà dùng vào việc môi giới ấy, lời nói ngọt ngào và sự kiên tâm vô hạn của bà.
Lúc bà Cửu đến, Hảo đang đứng trang điểm trước cái gương lớn trong buồng, bên cạnh em gái. Thấy bà, hai chị em cảm giác mỗi người một khác. Hảo thì bỗng tự nhiên thấy trong lòng hồi hộp, còn Tuyết thì vui mừng lộ ra nét mặt, vì nó sắp được nghe nhiều chuyện lạ của bà Cửu, những chuyện của gia đình người khác cô rất thích biết, để được đi kể lại với các chị em bạn. Khi nghe tiếng mẹ gọi đi têm trầu và pha nước, cô nhanh nhẩu bước ra ngoài, quanh quẩn ở chỗ hai bà nói chuyện để nghe lỏm.
Bà Hai tiếp khách vui vẻ niềm nở lắm. Bà coi bà Cửu là một người quan trọng và cần thiết, có thể giúp bà trong cái công việc khó khăn là gả chồng cho con gái. Cũng như những bà mẹ khác, việc ấy là việc mà bà để tâm đến nhất. Tuy rằng bà với mẹ Trường đã giao ước gả con cho nhau, bà vẫn muốn biết cái đám mà bà Cửu sẽ nói với bà.
Còn Hảo ngồi yên lặng trong buồng, dáng suy nghĩ. Thực ra, nàng không chú ý đến một sự gì cả. Nhiều ý nghĩ cứ rối loạn trong óc nàng, và những cảm giác khác nhau cứ liên tiếp đến làm cho nàng băn khoăn. Biết bà Cửu và mẹ đang bàn đến chuyện chung thân của mình, nàng bối rối.
Nếu có ai hỏi về sự lấy chồng, nàng sẽ không biết trả lời ra làm sao. Trong hai người đàn ông, nàng có lẽ sẽ không biết nên chọn lựa người nào. Bởi vì, về việc nhân duyên, từ bé nàng không bao giờ nghĩ đến một cách kỹ càng. Nàng chỉ nhớ lại những cảm giác mới lạ mà thỉnh thoảng nàng nhận thấy trong tâm can khi được nghe những câu bóng gió về việc vợ chồng, và những nỗi e thẹn của nàng khi có một người trẻ tuổi quen biết đến chơi hay gặp gỡ người ta ở ngoài phố.
Trường đối với nàng cũng như các người con trai khác, nhưng tuy vậy cũng được nhiều cảm tình của nàng hơn. Vì ngay từ hồi nhỏ nàng đã quen nghe người trong nhà nói đến Trường rồi. Nàng còn nhớ rõ những câu nói đùa mà mẹ nàng và mẹ Trường hay dùng đến, mỗi lần Trường ở nhà quê lên chơi.
Nhắc đến những kỷ niệm cũ, Hảo tự e thẹn mỉm cười. Bởi vì, độ ấy, sau mỗi bận Trường đến, rồi về quê, nàng lại bâng khuâng, nhớ nhung mất vài hôm. Có đêm nằm nghỉ, nàng mơ màng phảng phất tưởng như có Trường nằm bên mình. Nàng xếp bên cạnh đầu cái gối con, để dành cho Trường. Có khi nàng dang tay ra, như để chàng gối đầu vào đấy, và tưởng tượng rằng sau này lớn lên, nếu lấy nhau thì cũng sẽ nằm như thế.
Những ý nghĩ và các điều mong ước trẻ con ấy, Hảo không biết có phải là tình yêu không. Hồi đó, nàng mới vào quãng mười một mười hai tuổi, và Trường cũng trạc độ ngần ấy. Cử chỉ và lời nói của nàng đều lộ tất cả cái ngây thơ của trẻ con vô tư lự. Những cảm giác vui buồn nàng đều nhận thấy một cách rõ rệt, và làm thay đổi nét mặt nàng. Người ta thấy vậy càng trêu ghẹo và nói đùa, và việc ấy khiến nàng thấy liên lạc thân thiết với Trường hơn lên. Hễ nghe ai nói đến tên Trường là nàng thấy thẹn.
Nhưng mấy năm sau, nàng đã khôn lớn hơn, tâm hồn nàng đổi khác. Cao lớn, Hảo càng thấy phải giữ gìn những ý nghĩ của mình hay bắt buộc phải thế, vì nàng phải ăn ở cho đúng cái khuôn phép và nề nếp của những cô thiếu nữ gia đình trưởng giả như gia đình nàng.
Hảo mất dần tính tự nhiên đi, nàng phải nhìn mọi vật xung quanh nàng và cuộc đời theo một lề lối đã định sẵn. Nàng phải xa lánh bạn trai, vì nàng đã bắt đầu không coi họ như một người bạn hay người quen biết thường nữa, nhưng như một người có thể làm chồng nàng được.
Cũng vì thế, Hảo bớt nghĩ đến Trường. Những ý nghĩ ngây thơ về Trường thuở trước, nàng xua đuổi như những điều phạm lỗi. Mỗi lần Trường đến chơi là nàng phải lẩn tránh. Em Tuyết có ngỏ lời bông đùa, thì bị bà Hai mắng át đi ngay. Cả mẹ nàng, cả mẹ Trường, với các người xung quanh, mỗi khi có bàn về việc của nàng, đều giữ một vẻ nghiêm trang và trịnh trọng.
Từ ngày ấy, nàng bị một trở lực ngăn cấm không được nghĩ đến ái tình. Những tính tình chân thực của tâm hồn không quan trọng nữa. Cái quan trọng là cái nền nếp, cái khuôn phép mà nàng bắt buộc phải theo.
Cho đến bây giờ, Hảo là một cô thiếu nữ không tốt mà cũng không xấu và không biết chút ít về cuộc đời, như nhiều thiếu nữ khác cũng gia thế như nàng.
Nhà ngoài, bà Cửu và bà Hai vẫn nhỏ to trò chuyện thân mật. Hảo ngó đầu ở cửa buồng nhìn ra, thấy em nằm tựa vào thành sập phía sau mẹ chăm chú nghe. Trông nét mặt của Tuyết, mắt nhìn không chớp và miệng hé mở. Hảo đoán là câu chuyện đang hay lắm. Nàng khẽ lên tiếng gọi em.
Tuyết ngoảnh mặt lại thấy chị, nhưng không vào ngay, còn cố đứng rốn lại nghe nốt mẩu chuyện. Rồi cô tươi cười đi vào, đôi mắt thoáng có vẻ tinh nghịch và nhí nhảnh. Cô lại gần bên chị, cũng soi vào tấm gương để trên bàn. Hảo giơ cánh tay choàng lên vai em, âu yếm hỏi:
- Bà Cửu nói chuyện gì thế?
Tuyết trả lời thẳng ngay:
- Ấy, làm mối cho chị đấy.
Rồi không để chị nỏi, Tuyết vội vàng tiếp:
- Thật đấy, chốc nữa chị hỏi mẹ mà xem.
Hảo hồi hộp trong người. Nàng muốn hỏi em xem người bà Cửu định làm mối cho nàng là ai, nhưng ngập ngừng chưa dám, Tuyết đã nói thêm:
- Bà Cửu nói chuyên cậu Tiến, em bà phán Ty ấy mà. Chị có biết không? Bà ta nói cậu ấy đang học cao đẳng sắp thi ra làm tham biện.
Hảo yên lặng, nghĩ vẩn vơ. Nghe em nói, nàng tự nhiên thấy thinh thích, không biết tại sao. Tiến là con một nhà danh vọng lại vừa giầu có: nhờ có bà Cửu đến làm mối mà giá trị của Hảo tăng thêm. Hảo cố nhớ lại hình dáng cậu mà thỉnh thoảng mà nàng được trông thấy: nàng chỉ nhớ có cái dáng điệu nghiêm trang và đứng đắn. Nàng lại nghĩ đến Trường, đến vẻ tươi trẻ và giản dị của chàng.
Tiếng bà Hai gọi Tuyết làm Hảo rứt bỏ những ý nghĩ ấy. Nàng vội vàng nhìn vào gương, lấy lược ra chải tóc, và chăm chú rẽ đường ngôi, để không nghĩ ngợi gì nữa.
Chợt nghe tiếng dép của mẹ từ ngoài đi vào. Hảo cúi đầu sát vào gương làm như không biết, tuy nàng đoán chắc sau lưng mẹ đang nhìn mình. Bà Hai dừng lại trong khung cửa, ngắm con gái một lát, rồi bà bước lại bên Hảo. Đoán mẹ sắp nói việc gì quan trọng, nàng hồi hộp chờ đợi. Nhưng bà Hai chỉ bảo:
- Bà Cửu vừa lại đấy.
- Vâng.
Hai mẹ con lại yên lặng. Bà Hai ngập ngừng như muốn nói chuyện gì nhưng lưỡng lự, bà lại thôi.
Bà lại gần, tựa vào thành ghế đằng sau Hảo, rồi đưa tay ra vuốt mái tóc mà nàng đang chải. Hảo cảm thấy trong cái cử chỉ thường ấy bao nhiêu tình yêu mến của mẹ con, nàng ngửng lên nhìn thấy nét mặt mẹ tươi vui hơn mọi ngày.
Bà Hai vui sướng thật; bà tự kiêu có một cô con gái như Hảo, một cô gái nết na và hiền hậu, lại có tài buôn bán, nghĩa là một “đám” rất được các bà mẹ có con trai chú ý đến. Lời đánh tiếng của bà Cửu và của nhiều người khác ở làng nữa, tỏ cho bà biết cái giá trị của con gái mình; bà tự coi như có một của quý trong nhà mà bà là chủ. Bà lại thỏa mãn hơn nữa, vì đã có thể dành cho Hảo một cái lưng vốn khá to, và một lớp nhà gạch ở Hà Nội chính tay bà xây dựng lên. Bổn phận của người mẹ, bà cho thế là đầy đủ; thực ra cũng không hiểu thế có phải là một cái bổn phận không: bà chỉ biết hễ con gái bà càng giầu bao nhiêu thì bà càng lấy làm mãn nguyện và sung sướng bấy nhiêu, có lẽ nếu phải hy sinh hạnh phúc của bà để gây dựng hạnh phúc cho con gái, chưa biết bà có làm không, nhưng cứ trong cái tình hình bây giờ, thì hạnh phúc của bà và con chỉ là một, và có lẽ cái phần của bà lại nhiều hơn.
Không bao giờ trong tâm hồn giản dị của bà có luẩn quẩn một ý hồ nghi cỏn con về sự ấy. Bà Hai không bao giờ tự hỏi xem, nếu lấy người này, người nọ, con mình có được sung sướng không? Bà nghĩ rằng, lấy một người con nhà gia thế, có công ăn việc làm và vài điều kiện khác, con bà không thể không sung sướng được. Bà không tưởng tượng được có thể có một hạnh phúc ngoài cái lề lối, cái khuôn phép xã hội đã định và chung quanh bà người ta vẫn theo.
Chính bà cũng đã sống trong cái lề lối ấy. Bà Hai thường nghĩ đến quãng đời đã sống của bà, từ lúc còn nhỏ tuổi. Bà đã lấy ông Hai bởi vì chồng bà lúc bấy giờ là một đám có đủ những điều kiện cần thiết cho việc cầu thân của hai nhà. Trước khi về nhà chồng, bà chưa hề biết ông Hai, mà đến khi lấy nhau, bà cũng không biết gì hơn về chồng. Hai người sống cạnh nhau như trong nhiều gia đình khác, cùng nhau đồng ý đẻ con, và buôn bán làm ăn để đạt tới cái mục đích hai bên cùng mong ước là làm giầu.
Đôi vợ chồng sống như thế trong vòng mười lăm năm, không có một chút bất hòa. Đến khi cậu Bình lên ba, thì ông Hai mất. Bà Hai cũng khóc lóc thương tiếc chồng, nhưng bà không thấy có sự thay đổi gì cả, bà lại vẫn sống như thường và vẫn làm ăn buôn bán như trước.
Các con lớn dần lên, bà Hai thấy đến lúc phải lo liệu đến tương lai của chúng. Cô gái đầu lòng, vì sự nhiều người tranh nhau hỏi, đã hết là một mối lo cho bà mà trở thành một mối vui mừng. Cô Tuyết thì hãy còn nhỏ. Chỉ còn Bình là cái hy vọng và cái cột trụ của tất cả gia đình. Bà chiều chuộng con út như những bà mẹ chỉ có một con trai; bà lấy làm sung sướng khi nhận thấy Bình được họ hàng khen ngợi là một cậu bé ngoan ngoãn, dễ bảo và rất có hiếu, nghĩa là biết chăm nom và săn sóc một cách trịnh trọng đến ban thờ những ngày có giỗ. Trước bao vẻ nghiêm trang của cậu bé ấy, những người trong họ đều đoán một cách quả quyết rằng Bình sẽ là một cậu thanh niên hoàn toàn đáng làm mẫu cho các người khác.
Buổi chiều sau bữa cơm, tất cả gia đình nhà bà Hai hội họp ở gian nhà ngoài. Chỗ đó kê bộ trường kỷ, mấy cái án thư nhỏ và cái sập gụ ở trước bàn thờ. Giờ này là giờ bàn chuyện phiếm để tiêu cơm và chờ lúc đi ngủ.
Ngoài bà Hai và các con, lại có cả bà Cửu đã đến chơi ban sáng, và Chương. Chương vừa mới đưa Bình đi xin học ở một trường tư, vì tuy nghỉ hè, bà Hai vẫn muốn cho con mình theo học; bà yên trí rằng hễ có học nhiều là tất nhiên phải giỏi, phải thi đỗ, tuy Chương đã nói cần để Bình nghỉ, vì cậu sức yếu.
Bà Hai âu yếm nhìn con, nhưng cái vẻ xanh xao mảnh khảnh của Bình không làm bà chú ý:
- Để em ở nhà nó cũng buồn không biết làm gì. Thà cứ cho nó đi học lại còn vui chúng vui bạn hơn.
- Vâng, bác nghĩ cũng phải. - Chương lơ đãng trả lời, vì chàng còn mải nghĩ đến chuyện khác.
Thực ra, chàng cũng không quan tâm đến sức khỏe của Bình lắm; chàng nói thế để bà Hai khỏi nhờ chàng mỗi ngày đến kèm dạy Bình như bà đã khẩn khoản. Nhưng rồi thấy bà Hai quả quyết, chàng đành phải theo ý vậy.
Bà Cửu lúc nào cũng muốn mọi người chú ý đến Tiến, quay lại nói với Chương:
- Có học nhiều thì mới chóng giỏi được chứ. Như cậu Tiến đằng kia đấy, năm nay mới có hai mươi ba tuổi mà đã sắp thi ra ở cao đẳng.
Bà vừa nói vừa đưa mắt nhìn về phía cô Hảo đang ngồi têm trầu trên ghế trường kỷ:
- Lúc còn bé, cậu ta cũng nhờ có anh kèm, nên mới học chóng được như thế.
Rồi từ câu chuyện học, bà xoay sang nói về gia đình cậu Tiến, khen bà mẹ hiền lành, và rộng lượng, ông cụ rất yêu con và yêu cậu ta nhất nhà, những câu chuyện mà bà quên rằng đã nói với bà Hai lúc buổi sáng. Bà nay cứ yên lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng gật đầu ra dáng để ý lắm! Tuy trong lòng bà đã định từ chối lời cầu thân của bà Cửu rồi, nhưng bà vẫn thích nghe những lời ca tụng của bà Cửu đối với cậu Tiến.
Hảo ngồi trên trường kỷ, chăm chú têm trầu xếp vào tráp: nàng lắng nghe câu chuyện, và sung sướng nghĩ rằng tất cả những lời ca tụng ấy là vì mình. Tự nhiên nàng lại nghĩ đến một người chị em bạn là cô Đông, một cô gái nhà nghèo, nhưng vì có nhan sắc nên đã được một người tham biện hỏi làm vợ. Hảo còn nhớ cách ngày cưới mấy tháng sau, hai vợ chồng cô ta đến thăm mình: hai vợ chồng ở trên một cái ô tô sang trọng bước xuống, cô Đông mọi khi buồn rầu và ủy mị vẫn đến hỏi vay tiền nàng, bây giờ Hảo thấy khác hẳn, mặt tươi sáng lên, miệng cười luôn luôn, và nhất là ăn nói một cách mạnh bạo chứ không rụt rè, e lệ như ngày trước. Hảo nhớ rõ, khi tiễn bạn ra về, lòng nàng bấy giờ hơi se lại vì ganh tị với cái số phận sung sướng của Đông.
Chỉ có Tuyết là không thích nghe nói đến Tiến một tý nào. Cô vẫn ghét cái dáng điệu kiểu cách và đạo mạo của cậu ta. Vì vậy, nên Tuyết chỉ chờ dịp là nói đến Trường cho bà Cửu biết, vì đối với Trường nàng rất có cảm tình:
- Có phải hết hè này, anh Trường cũng vào học cao đẳng phải không, anh Chương?
- Tôi cũng chẳng biết.
Chương khó chịu trả lời. Nhưng chàng lại dịu giọng ngay.
- Hình như thế thì phải. Nhưng tôi không biết anh ta định xin vào ban nào.
- Ban luật chứ còn ban nào nữa.
Chương nhìn Hảo, cười ra vẻ người hiểu biết:
- Không phải chỉ có trường Luật như trường cậu Tiến học. Còn có nhiều trường khác nữa.
Ngừng một lát, Chương tiếp:
- Thường thường, những người nào học kém thì vào các ban khác. - Chàng muốn nói ý rằng Trường tuy đã đỗ nhưng sức học hãy còn non lắm.
Tuyết cũng hiểu như thế, nàng muốn cãi lại, mà không biết nói gì. Nhưng một đứa trẻ như nàng không biết giữ kín những cảm giác của mình, nàng cau mặt tỏ vẻ không bằng lòng đứng dậy đi vào trong phòng.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập