Chương 34: Đằng Sau Ống Kính
gười phục vụ dẫn chúng tôi đến chiếc bàn nơi người anh cùng cha khác mẹ đang đợi chúng tôi. Người-mà-chúng-tôi-sẽ-không-nói-tên. Em Bùi 5 đã tìm thấy một bức ảnh của anh ấy trong Linkedin. Chúng tôi cùng nhìn anh ấy, cứng cả người. Còn bây giờ, tất cả đều ở đây. Mặt đối mặt. Im lặng, lúng túng. Chào anh ấy thế nào? Có phải thơm má không? Hay bắt tay? Chúng tôi ngồi để tránh ngại ngùng. “Kỳ cục há”, anh ấy nói. Chúng tôi đến ba chị em: Bùi 4, Bùi 5 và tôi. Chúng tôi cắm mũi vào thực đơn. Cá tuyết luộc, ok, cá tuyết. Thế còn món đầu bữa? Ðồng ý, nếu tất cả cùng gọi. Ừm, có vẻ ngon đây. Em thử món cơm trộn kem vị quế nhé. Tôi chợt nhớ lại giấc mơ về thanh quế, giấc mơ đã biến thành mây khói trong chiến tranh. Ðiềm báo trước về những người đàn ông trong dòng họ. Lại im lặng. Cuối cùng chúng tôi bắt đầu chuyện trò.
Anh ấy nói “cha”. Thật kỳ lạ khi nghe thấy từ này phát ra từ miệng anh ấy. Anh ấy nói tiếp “bà của chúng ta”, người mà chị em tôi gọi là bà nội. Thomas đã gặp bà nhiều lần. Anh ấy cũng từng gặp các cô, các bác, các chú, những cái tên anh không còn nhớ, trong các buổi họp nơi mọi người đều nói tiếng Việt anh chẳng hiểu gì, cũng như chị em chúng tôi. Anh biết cả các bác sĩ đồng nghiệp của cha tôi, thậm chí còn ở với chị gái của anh trong ngôi nhà của cha mẹ tôi ở Le Mans trong khi chúng tôi đi nghỉ ở La Grande-Motte. Họ đã ngủ trong giường của chúng tôi, chơi búp bê Barbie, đồ lắp ráp và sách của chúng tôi. Thomas có lần còn chạm mặt tôi trên kè ga Le Mans: Tôi đi Paris, còn anh ấy đến Le Mans. Anh nhận ra tôi, cha đã kể cho anh ấy rất nhiều về chúng tôi và điều này khiến anh tổn thương, anh ấy – đứa trẻ bị giấu diếm và phải im lặng. Thomas rất thân với một đứa bạn cùng lớp tôi ở trường trung học tên là Clarissa. Anh ấy từng nói với nó rằng anh là anh cùng cha khác mẹ với tôi, nhưng tôi chẳng biết gì hết. Trong ba năm trung học, Clarissa chưa lần nào hé lộ bí mật của Thomas.
Ðối với những đứa trẻ ngoài giá thú, cuộc sống rất phức tạp. Sự vắng mặt của người cha, đương nhiên rồi. Nhưng không chỉ vậy. “Ðó là một cuộc chiến”, anh ấy bật nói. Thomas đã thoát được nó. Với A, chị ruột của anh ấy, thì khó khăn hơn.
Tôi rút điện thoại ra và xin phép Thomas cho chụp ảnh. Tôi muốn ghi lại thời khắc này. Ðể đưa cho cha tôi. Cha của chúng tôi. Thomas cũng làm như tôi. Chúng tôi lại luống cuống lần nữa. Hơi nực cười. Giơ hai chiếc điện thoại như hai tấm khiên. Chúng tôi đã không chụp selfie bốn người.
Rồi chúng tôi rời khỏi tiệm ăn và chào nhau.
46
NHỮNG NGƯỜI ĐIẾC VÀ NHỮNG NGƯỜI CÂM
Tôi đã đọc cái câu rất đúng này, trong một tiểu thuyết của Marie Nimier, con gái của nhà văn Roger Nimier:
Im lặng là một hợp đồng ngầm, một điều khoản cùng chia sẻ giữa hai bên. Một bên im lặng và một bên bịt tai. Không phải chỉ bên này quyết nói là bên kia nghe thấy.
Chúng tôi đã ký bản hợp đồng im lặng ấy. Chúng tôi không muốn nhìn thấy bất cứ cái gì. Em trai tôi kể cho chúng tôi rằng một hôm cha tôi đã nhắc đến gia đình kia của mình sau một lễ giao thừa hơi quá chén. Em tôi không tin tẹo nào, và không kể lại cho chúng tôi về chuyện ấy. Em nghĩ rượu khiến người ta nói những chuyện vớ vẩn. Tôi cũng thế. Khi tôi bới được từ kho lưu trữ bản báo cáo của cảnh sát, tất cả ghi rõ ràng giấy trắng mực đen. Thế mà tôi đã cười nhạo.
Như thói quen, tôi tháo kính ra. “Sự thật”, tôi ghét cái từ khoa trương ấy. Chẳng cái gì là thật cả. Trừ chúng tôi, gia đình họ Bùi. Chúng tôi, những đứa con của cha tôi. Và trong đại từ “chúng tôi” này, tôi không thể cho thêm những người kia. Như một thám tử mù và điếc, tôi bỏ quên các hướng đi, điều tra ẩu, bịt các chứng cớ. Ấy thế mà, nó đang ở trước mắt tôi, bằng chứng của tội lỗi không sao chối cãi ấy: Bức ảnh của Thomas trong điện thoại của tôi.
47
ÐẰNG SAU ỐNG KÍNH
Thomas gửi cho tôi một bức ảnh mà anh ấy lấy được từ mẹ anh. Cha của chúng tôi chụp cạnh ông nội, ông nội của tôi, ông nội của chúng tôi. Bức ảnh có từ năm 1970. Vào những ngày mà cha và ông nội gặp lại nhau để rồi sau đó dẫn đến cái chết tang thương của ông nội. Cha đứng trước nhà ga Montparnasse. Với một nụ cười tin tưởng. Ông nội không cười. Ông vẫn có vẻ mặt lo lắng, thất thần. Ông bé nhỏ hơn cha. Và tỏ ra mệt mỏi.
Nhìn những bức ảnh cha và con trai ấy, tôi luôn tự hỏi ai là tác giả. Ai đứng ở đằng sau ống kính? Câu trả lời, hôm nay tôi đã có, trong bức mail của Thomas. Chính mẹ anh ấy đã chụp bức ảnh đó. Ông nội tôi đã gặp M, người đàn bà Pháp. Ông đã phản ứng thế nào khi đối diện với bà ấy, người đàn bà ngoại quốc? Là một người theo nguyên tắc Khổng Tử cứng nhắc, ông hẳn đã rất sốc. Thế nhưng, tôi tin chắc là ông đã giữ thể diện. Ông đã không nói gì.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng