Nhớ Bà
ân nhà tôi vui nhất vào những hôm có trăng. Trăng mùa rét tôi ít gặp nên chỉ nhớ mang máng (như cái lúc buồn ngủ) còn trăng mùa hè thì trong vẻo trong veo, sáng lừng lựng. Bà tôi trải chiếu ngay giữa sân rồi quạt cho tôi ngủ. Ngả trong lòng bà, mắt thao láo nhìn trăng, tôi vòi bà kể chuyện. Bà là kho truyện cổ tích đấy. Bà không kể như cô giáo đâu. Nghe thì hay nhưng khó bắt chước lắm. Cái câu quen thuộc "Ngày xửa ngày xưa..." mở đầu cho tất cả mọi câu chuyện, bao giờ cũng báo hiệu trước những điều thú vị, những con người đáng yêu, đáng thương hoặc đáng tức, đáng ghét... (sẽ xuất hiện). Bà vừa kể, vừa quạt cho tôi. Chiếc quạt mo trong tay bà thật lắm gió mát. Tôi cứ thế nằm trong ánh trăng mà thiếp đi cùng với câu chuyện kể thì thầm của bà tôi.
Một lần, đang thiu thiu chập chờn sắp ngủ, bỗng bà ngừng quạt, vỗ nhẹ vào mông tôi một cái:
- Cứ y như thằng bố mày. Lớn lên rồi lại bỏ bà mà đi...
Ơ! Cháu chẳng thế đâu, bà ơi!... Tôi chưa nghĩ được hết điều thì đã ngủ biến.
Sáng hôm sau, lúc trở dậy, tôi đã thấy bà đổ thóc ra phơi. Con chào mào đã ngật ngưởng trên ngọn xoan. Đàn chim sẻ đang sập sè trên mái nhà, chỉ chực sà xuống ăn thóc. Nắng vừa gọi tới sân nhà. Tôi hấp háy mắt bước ra. Bà bảo:
- Hôm nay trời bổng lắm.
Tôi ngỡ bà sẽ hát: "Con cò bay bổng bay cao" cơ. Nhưng bà chỉ nói thế. Thế tức là nắng to.
Vậy là từ lúc tối đến cho tới khi sáng ra, bà tôi lúc nào cũng ở trên sân. Một bữa, bà cho tôi đi theo thăm mấy nhà người quen trong xóm (tới nhà nào, tôi cũng được mút hoa đơn) khi ra về, tôi cứ nghĩ mãi về một điều mà tôi cho là lạ: Bà tôi cũng có bạn. Bạn của bà, là bà của những đứa bạn tôi.
Bà tôi thuộc nhiều bài hát lắm. Toàn là những bài tù ngày xửa ngày xưa, chỉ cần nghe một lần là đã thuộc. Dù cho có thuộc rồi, không hiểu tại sao tôi vẫn cứ thích nghe. Nghe đi, nghe lại bao nhiêu lần cũng được.
Mỗi câu hát của bà thường đưa tôi tới những câu chuyện ngày xưa, dần dà, trở về chuyện ngày nay. Trời mưa, có bài mưa. Trời nắng, có bài nắng. Nào con tôm cất vó, nào cái bống thổi cơm, nào con cò đi chợ, con mèo trèo cau... Sao con tôm chịu khó thế? Sao cái bống bé tí ti mà ngoan? Sao con cò lại vất vả? Sao con mèo thích trèo cau... Hình như bà yêu cái bống nhất, bà thương con cò nhất!
"Cái bống là cái bống bình
Thổi cơm nấu nước một mình bống ơi!..."
Lạ lắm. Bà hát khẽ mà nghe xa vời vợi. Cây tre rung rinh, cái võng kẽo kẹt đệm theo lời bà hát. Mà, chỉ khi nào có hai bà cháu với nhau, bà mới hát thôi. Đó cũng còn là lời bà ru bố tôi lúc còn bé nữa. Dạo còn bé tí teo, bà vừa ru vài câu, tôi đã ngủ biến. Bây giờ thì tôi nghe và hỏi:
- Bà ơi! Sao cái bống nó lại phải nấu cơm một mình?
- Mẹ nó còn mải đi làm, cháu ạ!
Tôi lại hỏi:
- Thế bà nó đâu?
- Bà nó đi chợ.
- Đi chợ mua bánh xốp hở bà?
- Không. Mua bánh đúc bánh đa.
- Vâng, cháu thích bánh đa kê lắm.
- Ừ, thôi, để bà ru cho mà ngủ.
Tôi chưa buồn ngủ. Tôi nghĩ tới cái bống.
- Cái bống nó bằng nào hở bà?
- Nó bằng cháu ấy.
- Thế nó là con trai hay con gái?
Nghe tôi hỏi vậy bà cười, bà chửi yêu. Rồi, để dỗ dành tôi, bà bảo cái bống là con trai. Tôi thích lắm.
- Thế thì cháu là cái bống.
- Ừ, ngủ đi cho chóng lớn, mai nấu cơm bà ăn.
Đến mai, bà vẫn phải nấu cơm vì tôi chưa biết làm gì cả. Ngoài sân trời sùi sụt mưa. Bà bế tôi lên võng:
"Cái cò lặn lội bờ sông"...
Tôi hiểu "cái cò" đây là con cò mẹ. Một con cò trắng toát như bông. Dưới trời mưa kia, nó đang co ro bên bờ ruộng, nơi ven sông để nhặt tép về nuôi đàn con nhỏ. Lũ con thơ vắng mẹ, đang nỉ non khóc ở nhà. Thương con cò quá.
- Bà ơi! Sao con cò nó lại phải lặn lội bờ sông thế?
- Nó mà ở nhà thì con nó đói.
- Con nó là cái bống hở bà?
- Không. Con nó là con cò con chứ!
Chiều hôm ấy, mẹ tôi đi làm cỏ ruộng về, áo quần ướt hết. Mảnh vải nhựa dính chặt vào người mẹ. Bà tôi kêu lên:
- Mẹ thằng Bính thay ngay áo quần đi rồi vào bếp ngồi, kẻo ốm thì khổ đấy.
Tự nhiên tôi nhớ đến lời ru. Lời ru của bà làm cho tôi thương mẹ tôi quá.
"Con cò lặn lội bờ sông"
Bà hay kể về bố tôi:
- Bố con ấy, lên ba hãy còn bú bà, thế mà lên bảy đã biết chăn trâu...
Tôi năm nay cũng bảy tuổi rồi mà chưa biết làm gì. Bà lại kể:
- Bố con ấy, lớn như cái cột nhà, cột đình, lúc ngủ bà vẫn phải mắc màn cho, không thì muỗi nó khênh đi.
Tôi lạ quá.
- Sao thế hả bà?
- Mải ngủ. Nằm đâu ngủ đấy chứ sao?
Vậy thì bố tôi ngày ấy cũng giống tôi bây giờ. Tôi toàn ngủ trước khi bà mắc màn.
Tôi đem chuyện đó khoe với cái Dậu và mấy đứa bạn cùng xóm. Nghe xong, cái Dậu ngẩng đầu:
- Đẹp lắm đấy mà còn khoe!
Ơ! Người ta khoe thì đã làm sao? Cái Dậu ở ngay cạnh nhà tôi. Nó cũng có bà. Bà nó vẫn hay sang chơi với bà tôi. Bị nó nói như mắng, tôi đứng ngây ra, tắc cả họng. Được thể, cái Dậu bôi thêm:
- Khéo vòi, còn khoe!
À! Như thế đấy. Nó chế tôi chỉ biết làm nũng bà thôi đấy. Cái Dậu bằng tuổi tôi mà nó đã biết bế em, quét sân, quét nhà đỡ bà, đỡ mẹ. Còn tôi, tôi chưa có em, cả nhà có mỗi cái chổi rơm thì bà tôi đã quét mất rồi. Làm sao tôi bế em, quét nhà, quét sân như cái Dậu được? Ức quá, tôi chạy về, ôm lấy bà phụng phịu:
- Tại bà đây.
Bà tôi vuốt tóc tôi:
- Tại làm sao? Cháu bà làm sao?
Tôi kể lại việc cái Dậu chế. Bà cúi xuống thơm tôi:
- Ừ, mai bà để chổi cho mà quét.
Đến mai, tôi lại quên. Nhà với sân vẫn do bà tôi quét. Tôi phụng phịu bắt đền. Bà kể cho một chuyện:
"Ngày xưa ngày xưa, có một chàng Hoàng tử - Hoàng tử tức là con trai nhà vua ấy cháu ạ, được vua cha yêu quý lắm. Cả ngày, Hoàng tử chỉ có mấy việc phải làm là: ăn, học và chơi. Còn thì mọi thứ đều có người hầu. Màn không phải mắc, áo quần không phải giặt, đi đâu thì có ngựa có xe, cần cái gì cứ ngồi một chỗ mà gọi là được. Vì thế, lúc lớn lên, vị Hoàng tử ấy chẳng biết làm lụng gì cả.
Một ngày kia, Hoàng tử cưỡi ngựa đi chơi và gặp cô công chúa con vua láng giêng. Công chúa mới hỏi:
- Hoàng tử ơi! Hoàng tử là Hoàng tử chăm hay Hoàng tử lười đấy?
Hoàng tử trả lời:
- Tôi là Hoàng tử chăm.
- Thế Hoàng tử có biết xâu kim không?
Vị Hoàng tử ngơ ngác:
- Xâu kim là cái gì cơ?
Công chúa bật cười chế nhạo:
- Xâu kim như xâu táo ấy, Hoàng tử ạ!
Hoàng tử thẹn quá, liền quay ngựa về nhà hỏi mẹ. Mẹ bảo hỏi bà. Bà kể rằng: ‘Ngày xưa có chàng Hoàng tử được vua cha chiều chuộng lắm, không biết làm gì cả, chỉ biết ăn. Ai làm gì cũng kệ. Ai bảo gì cũng không nghe, nên lúc lớn lên, cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ như người từ trên cung trăng rơi xuống’. Nghe xong câu chuyện vị Hoàng tử nọ đã hiểu ra, từ đấy mới chịu khó tập thành làm lụng cho quen..."
Tôi lại đem chuyện này kể cho cái Dậu nghe. Nó cười tít cả mắt:
- Thế đằng ấy có biết xâu kim không?
- Xâu... kim ấy à? - Tôi hỏi lại nó.
- Ừ.
- Chả ai bảo tớ xâu hết cả.
Cái Dậu cười nữa:
- Thế thì đằng ấy là Hoàng tử đấy!
Tôi tức quá. Tức đến phát khóc lên được. Tôi chạy ngay về nhà, mách:
- Bà ơi! Cái Dậu nó bảo con là Hoàng tử không biết xâu kim đấy!
Bà xoa đầu tôi:
- Ừ, để bà dạy cháu.
Tôi không nghe, cố nằn nì:
- Bà dạy cháu ngay bây giờ cơ!
- Thì để bà còn lấy kim chỉ ra đã chứ!
Phải mất một lúc, tôi mới xâu được một lần kim. Thế là cái Dậu không còn chế tôi là Hoàng tử được nữa.
Đến chiều, tôi tập quét sân. Tôi bắt chước bà, một tay chống gối, một tay lia chổi. Quét xong, lưng không đau, tôi cũng vòng tay ra phía sau đấm đấm mấy cái. Bà thấy thế, bà cười tủm tỉm.
Kể chuyện về bà thì cứ muốn kể mãi, kể mãi chả bao giờ hết chuyện. Nếu chẳng may bạn không còn bà nữa, bà vẫn cứ sống trong trí nhớ của bạn, trong điều ăn, nết ở của bạn.
Cây Bàng Không Rụng Lá Cây Bàng Không Rụng Lá - Phong Thu Cây Bàng Không Rụng Lá