Tù Binh
uyết đã xuống. Đôi khi vào các buổi tối, hàng rào vườn cây kêu răng rắc vì lạnh. Một mùa đông mới khắc nghiệt đang chờ bọn Đức. Tất nhiên là bọn chúng không còn nghĩ gì đến cuộc chiến tranh chớp nhoáng nữa.
Bọn Đức đang bị “sa lầy”. Nhưng những ai phải sống dưới ách bọn Đức, đặc biệt là tù binh thì còn khổ sở hơn nhiều.
Một chuyến tàu đặc biệt chở tù binh đến thành phố chúng tôi trong những toa chở hàng, cửa sổ chăng lưới thép. Ở ngoại ô thành phố họ bị buộc phải nhanh chóng dựng mấy dãy lán dài và sống chen chúc trong đó. Xung quanh các lán đó là hàng rào cao chăng dây thép gai và có các chòi canh, lính thay nhau canh gác suốt đêm ngày.
Các tù binh trông thật khủng khiếp. Chỉ còn da bọc xương. Họ đi đứng khó khăn. Còn lính áp giải luôn miệng quát nạt, ép họ phải đi nhanh. Các tù binh dường như cố ý. Họ không sao đi nhanh chân lên được. Họ gầy còm và đau khổ ghê gớm. Thỉnh thoảng lại xảy ra chuyện một người nào đó đang đi bỗng ngã xuống, nằm bất động. Để phòng xa những trường hợp như vậy, có một chiếc xe cao thành đi kèm theo các tù binh. Những tù binh còn chút ít sức lực sẽ thay nhau kéo xe. Tù binh nào bị quỵ giữa đường sẽ được chất lên xe.
Ở chỗ chúng tôi người ta thường gọi xe đó là “xe chở người chết”.
Khi bà tôi lần đầu tiên nhìn qua cửa sổ thấy các tù binh đó thì đã lắc đầu, thở dài và bảo:
- Bọn Đức đã trở nên tàn bạo rồi.
- Bà ơi, chả nhẽ trước kia chúng khác à? - tôi hỏi.
- Quả thật đúng là chúng không khủng khiếp như bây giờ, - bà tôi nói một cách chắc chắn.
Bà tôi nhớ cái hồi ông tôi còn trẻ đã bị người Đức bắt làm tù binh. Hồi đó là chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ông tôi bị đưa đến làm việc cho một chủ trại Đức. Chẳng có lính áp giải mà cũng chẳng có dây thép gai. Ông tôi cùng làm việc với mọi người ở trong trại và ăn cơm cùng với gia đình chủ trại. Đệm nằm của ông tôi thì êm đến mức lúc đầu ông tôi khó ngủ vì không quen.
Hai bà cháu tôi đứng nhìn qua cửa sổ xem các tù binh có lính áp giải đi làm việc. Một người trong số đó do kiệt sức, đi hơi chậm lại đã bị tên lính áp giải quật tàn nhẫn vào chân.
Lúc đó tôi đã nghĩ ra rằng chủ nghĩa phát xít đã biến con người thành con thú. Cho dù anh là người Đức, người E-xtô-ni-a hay một dân tộc nào khác cũng chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng nếu anh trở thành tên phát xít thì anh không còn là con người. Tôi nói suy nghĩ của tôi cho bà biết. Còn bà tôi thì nghĩ rằng còn người phải luôn luôn là con người. Lúc đó tôi còn nghĩ rằng: điều khủng khiếp nhất là nhìn bề ngoài tên phát xít vẫn giống hệt những người khác.
Tù binh bị bắt đi dọn tuyết ở các phố xá. Những người đi đường thỉnh thoảng lại cho tù binh bánh mì, hoặc một ít thức ăn. Việc làm ấy bị cấm. Và bọn lính áp giải lần nào cũng quát người ta phải đi xa ra. Nhưng mặc cho chúng cấm đoán, người ta vẫn cho những tù binh thứ này thứ nọ.
Một hôm có tốp tù binh phải cạo tuyết ở cạnh nhà chúng tôi. Trời rất lạnh. Tù binh có xẻng, nhưng lại không có găng tay bảo hộ. Tay họ tím lại và tê đi vì lạnh.
Lúc ấy mẹ tôi bảo tôi:
- Nhà ta có đôi găng tay của bố con đấy. Con đem ra cho người tù binh nào cũng được.
Tôi thật sung sướng thấy mẹ tôi bằng lòng đem cho tù binh đôi găng tay của bố tôi.
Tôi khoác áo bành tô và cầm lấy đôi găng tay của bố tôi. Đôi găng tay còn mới nguyên và được đan pha màu kiểu rất đẹp. Tôi đang định chạy ra ngoài sân thì sực nhớ trong kho có hai quả trứng con gà Cư-ca mới đẻ. Tôi bỏ vào mỗi chiếc găng một quả trứng.
Đô-rít đang đứng giữa sân cho chim bồ câu ăn.
- Cù cù, cù cù! - Đô-rít gọi chim, giọng lanh lảnh.
Một tay nó cầm bánh mì, còn tay kia bẻ vụn bánh ném xuống tuyết:
- Cù cù, cù cù!
Chim bồ câu nhìn về phía nó. Nhưng không hiểu sao chúng không bay lại được nhỉ? Gần đấy làm gì có lính Đức mà chúng sợ bị cấm nhặt vụn bánh ở trên tuyết?
- Cù cù, cù cù!
Tôi nhìn những con chim xúm quanh chân Đô-rít rồi đi ra cổng.
Và bỗng nhiên tôi trông thấy đôi mắt. Đôi mắt đói khát và rất mệt mỏi.
Đó là đôi mắt của một anh tù binh đi đến sát hàng rào và đứng nhìn Đô-rít cho chim ăn. Và quả thật tôi có cảm giác trên khuôn mặt của anh ta không có gì khác ngoài đôi mắt ấy. Không chút đắn đo, tôi đi thẳng đến chỗ anh tù binh đó và đưa qua hàng rào cho anh đôi găng tay của cha tôi.
- Cẩn thận đấy, - tôi nói bằng tiếng Nga. - Ở trong đó còn có trứng.
Hóa ra đó lại là một người đàn ông đứng tuổi. Ông nhận đôi găng tay của tôi và nhìn chăm chú vào tôi. Nhưng giờ đây ánh mắt của ông đã dịu xuống.
- Cảm ơn con, - ông nói.
Người tù binh còn cứ nhìn tôi mãi. Và lúc ấy tôi nghĩ: tại sao ông cứ nhìn tôi mãi như vậy nhỉ? Có lẽ ở nhà ông cũng có một đứa con trai trạc như tôi… Có lẽ vì vậy…
Tôi đã định quay lưng đi khỏi hàng rào thì ông lại bảo:
- Hãy đợi chút!
Ông thò tay vào trong ngực áo lấy ra một sợi dây lập lắc tự làm lấy.
- Con cầm lấy.
Tôi không định cầm, nhưng ông lại nhắc lại câu nói:
- Con giữ lấy làm kỉ niệm.
Lúc ấy tôi cầm lấy sợi dây lập lắc và cũng nói:
- Cháu cám ơn.
Tên lính áp giải trông thấy chúng tôi và quát lên gì đó. Người tù binh vội rời khỏi hàng rào.
- Mày bán gì đấy? - Đô-rít hỏi.
“Bán” - cũng khéo tìm được từ đấy!
- Không bán gì cả… - tôi làu bàu đáp lại.
Nhưng con Đô-rít đã trông thấy sợi dây lập lắc trong tay tôi nên kêu lên:
- Ồ, cho xem chút!
Tôi đưa cho nó xem sợi dây lập lắc, nó nói vẻ khoái trá:
- Làm khéo lắm!
Quả là sợi dây lập lắc làm rất công phu bằng những đông một hào mài thành hình bát giác. Trên mỗi mặt nhẫn của đồng hào có chạm hình trái tim, hay chiếc mỏ neo.
- Ôi dào, Đô-rít nói, - Hi vọng và tình yêu thì có, nhưng đức tin thì không.
- Tôi không hiểu đấy, - tôi thật thà thú nhận.
- À, - Đô-rít giải thích một cách kẻ cả, - có một thành ngữ thế này: đức tin, hi vọng và tình yêu. Biểu tượng của đức tin là cây thánh giá, biểu tượng của hi vọng là mỏ neo, biểu tượng của tình yêu là trái tim. Thế mà ở đây không có thánh giá, chỉ có trái tim và mỏ neo. Những người Nga này không tin vào Thượng đế.
- Họ tin vào ngôi sao.
Đô-rít không để ý đến nhận xét của tôi, bỗng nói:
- Này, mày tặng tao sợi dây lập lắc này đi, đằng nào mày cũng chẳng dùng gì đến nó.
- Không, - tôi nói, - chính tôi lại cần cái này.
Đô-rít tiếc rẻ, trả lại tôi sợi dây lập lắc và tôi nghĩ nếu khi nào đó cần phải tặng cái này đi, thì người được tặng dù sao cũng không phải là Đô-rít, mà phải là một người khác.
Tôi quay trở vào nhà.
Sau lưng tôi vang lên tiếng gọi chim bồ câu lanh lảnh của Đô-rít:
- Cù cù, cù cù!
Những con chim bồ câu khác bay đến ăn vụn bánh. Còn những người tù binh cũng đã cạo xong tuyết ở bên cạnh nhà tôi.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối