Đám Xá
ột trong những tục lệ tốt lành nơi dân Việt là vấn đề đám xá. Ngày xưa khi còn đình làng, đình đám cả là một vấn đề, nào chia ngôi thứ, chỗ ngồi, rồi mâm trên mâm dưới, rồi "Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp," âu cũng bởi dân nghèo đói, vả lại còn kém ý thức nên xảy ra một vài tệ đoan như thế. Nhưng nay dân trí được nâng cao, cái miếng giữa làng không còn được đánh giá quá cao như ngày xưa để chỉ còn lại tục lệ thăm hỏi khi một gia đình có chuyện quan trọng như cưới hỏi cho con cái hoặc tang ma khi cha già mẹ héo. Đám xá mang nhiều khía cạnh nhưng chung qui lại, giá trị của đám xá đặt nơi điểm then chốt: nói lên sự liên hệ tình người cùng huyết thống, trong giòng tộc cũng như bạn bè thân quen. Ngoài điểm tình thân giữa con người và con người, đám xá cũng là cơ hội cho con người giúp con người hầu nối kết thêm tình thân hữu.
Trong Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính, Sống Mới xuất bản năm 1983, tác giả thấy lệ khao vọng đem lại những phiền hà cho dân chúng thời bấy giờ: "...hạng kỳ mục, động ai có việc gì mời mọc đến, ăn uống no say rồi thì giở ra cách chơi bời thuốc phiện hút khói um nhà, bài bạc đùa cười rầm rĩ, ấy thế là thỏa thuê, ấy thế là hê hả;" để rồi "... phép vua thua lệ làng, thực là một lời đáng khinh bỉ." Tác giả viết tiếp: "Than ôi! Ngoài chốn hương thôn không còn biết giời đất là đâu, ngoài sự ăn uống không còn sự nghiệp gì, như thế thì trách làm sao mà dân chẳng hèn nước chẳng nhược?" (trang 147). Toan Ánh trong cuốn Nếp Cũ do Đại Nam xuất bản đưa ra thêm: "... hương lý, kỳ mục... yêu cầu gia chủ phải mời ả đào tới hát để họ mua vui... Chính vì vậy nên nhiều người dù túng thiếu đến đâu cũng phải cố lo cho đủ lệ làng để khỏi bị thôn xóm chê cười, để khỏi thua kém ai" (Trang 275).
Xét ra những lệ khao vọng mà Phan Kế Bính và Toan Ánh lên án vì đã là gánh nặng hoặc làm phiền toái, hư hại, tổn ải đến người có chút danh vọng do bọn xôi thịt hương lý, kỳ mục. Còn như đám xá thì cho tới nay, chưa thấy ai viết lên án cả, có chăng chỉ những lời bàn ra tán vô với hy vọng sao cho dân mình giữ được những tục lệ tốt mà không thái quá đến nỗi đôi khi gây ra những phiền hà. Tuy nhiên, đa số những người chê trách thường tự mang sẵn nỗi bất bình nào đó với nhà đám hoặc một vài ý hướng riêng tư xét ra hơi bất công cho gia đình hay những người có việc cần đến tiệc tùng. Khi nhà có việc, ai chẳng bận rộn nên làm sao có thể vừa lòng hết mọi người. Việc ăn uống cũng như các món ăn đâu thể chiều theo ý thích riêng mình mà tùy người nấu; do đó có chê bai thì chỉ chứng tỏ mình là người thiếu hiểu biết. Có nên chăng, chỉ lấy đó làm kinh nghiệm lỡ khi mình có việc thì sửa đổi sao cho tốt lành hơn mà thôi.
Đám xá không mang nghĩa như khao vọng vì khao vọng dành cho những người được thăng trật hoặc chức tước. Theo Toan Ánh, "Khao có nghĩa là thết tiệc đãi khách trong một dịp vui mừng, còn vọng là nộp tiền hay lễ vật theo hương lệ để được hưởng ngôi thứ trong làng." (Nếp Cũ; trang 274). Đám xá chỉ về những chuyện cần đến ăn uống khi có khách khứa tới thăm hoặc chia vui như cưới hỏi, hay chia buồn như trong vấn đề tang ma đã nói ở trên. Khi một gia đình có chuyện quan trọng, anh em bà con, hàng xóm láng giềng chạy tới, người ở xa, kẻ ở gần đến giúp việc thì sự đáp lễ của gia chủ nói riêng và gia đình nói chung phải thế nào để đáp lại tấm thịnh tình thân quen đã có lòng nghĩ đến mình mà tới. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn chấp nhận "Được bữa giỗ lỗ bữa cày" và còn tổn ải thêm nhiều phần khác liên hệ trong cuộc sống. Hơn nữa, cho dù có một số người mang tật xấu, cứ thấy nơi đâu có đình đám là xà vào bởi ăn không ngồi rồi chẳng có chuyện gì làm lại kèm theo thói hư thích chè chén ăn nhậu thì số này cũng rất ít không đáng để ý do đó cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tập quán tốt lành đám xá của dân ta.
Điều rất thường và cần thiết nhưng đôi khi không được đặt thành vấn đề là sự ăn uống. Ai không ăn mà có thể sống; thế nên, chẳng lẽ khi một gia đình có chuyện quan trọng, anh em thân quen chạy tới mà để họ ra chợ kiếm ăn hoặc ở khách sạn chơ vơ! Đám xá đầu tiên là sự giữ lễ của gia đình đối với tình nghĩa thân bằng quyến thuộc và hàng xóm láng giềng thân quen. Một số người khi có đám xá ở gần nhà đã giữ kẽ, tránh những sự phiền hà cho nhà đám nên khi tới bữa về nhà ăn cơm thay vì ăn tại nhà đám. Đây cũng là một điểm đáng được nêu ra. Dân ta đâu phải ai ai cứ thấy ăn uống là xà vào đâu! Lại nữa, có những người cực chẳng đã, mời gẫy đũa bể bát cũng chưa thèm ăn, có chăng chỉ ăn cho qua, lại một phần nào sự nấu nướng chung khó hợp với khẩu vị hoặc cách thức riêng của từng người nên ăn nơi nhà đám không được đặt thành vấn đề đối với họ bởi đâu ai lạ gì "Miếng ăn quá khẩu thành tàn."
Sự ăn uống nơi đám xá xét như thế cần phải có vì là lẽ tự nhiên con người cần ăn để sống; lại càng cần hơn vì một phần nào là lễ của nhà đám tiếp đãi bằng hữu thân quen, những người có lòng đến với mình. Tuy nhiên, trong sự ăn uống, thế nào chẳng có cảnh rượu vào lời ra, lời ra vì uống rượu phải say, không muốn say sao lại uống rượu. Đồng ý rằng có những người sau khi chè chén ăn nói lung tung. Ngoại trừ những nố vì cố ý mượn chén rượu mà châm chọc, khích bác kẻ khác trả mối thù riêng hoặc uẩn ức tâm tư, còn chung chung thì những "lời ra" do rượu vào cũng một phần nào góp vui nơi tiệc vui hoặc làm giảm buồn nơi những chốn tang ma. Cứ thử nghĩ xem, khi mình đang vui, không có ai thêm thắt đôi câu dù vớ vẩn đến thế nào cho niềm vui bộc phát thêm thì cả là một thiệt thòi, đời sẽ buồn như sa mạc hoang vắng. Khi đang mang tâm trạng mất mát của con người, những lời nói chia sẻ hoặc kể lại những đức tính tốt người đã quá cố, hay những câu chuyện nhỏ nhặt được gợi lại trong cuộc đời, còn phương thuốc nào chữa lành mau hơn. Bao nhiêu người thèm có lấy một vài người để tâm sự mà kiếm nổ mắt không ra? Có được anh em thân thuộc, hàng xóm láng giềng tới chung vui hoặc chia buồn khi nhà xảy việc trọng đại là cả nguồn thân tình lớn lao cần thiết.
Ngoài vấn đề thăm hỏi giúp việc nơi đám xá, dân ta còn có thói quen đóng góp giúp nhà đám tùy theo sự thân quen sơ sài hay mật thiết và khả năng cho phép. Lẽ đương nhiên, "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại." Có người cho rằng đó là cái nợ đồng lần, nay người mai ta. Âu cũng là một điều đáng khích lệ, một thứ bảo hiểm dựa trên tình thân ái giữa con người và con người ngoại trừ một vài nố so đo hơn thiệt. Không kể những người may mắn có của ăn, dư của để, phần đông khi có đám xá cần phải tiêu những món tiền lớn, gia đình nào cũng cảm thấy thiếu hụt. Sự đóng góp của anh em thân quen và hàng xóm láng giềng mỗi người một chút giúp cho gia đình khỏi lâm vào cảnh thiếu hụt, nợ nần. Ông bà ta có câu: "Đồng tiền liền khúc ruột," xét ra, khi có chuyện vui như cưới hỏi mà khách khứa cả vài trăm người, ai cũng cứ kè kè đem quà tặng thì nhà đâu mà treo, chỗ đâu mà để trong khi tiền bạc chi phí lại đang không biết xoay xở nơi đâu. Hơn nữa, quà tặng coi có vẻ to tát, có một cái gì trong tay... nhưng kinh nghiệm cho biết, chẳng đáng bao nhiêu. Tặng quà lại cũng gây ra lắm cảnh trái ngang; có những nhà sau tiệc cưới, mười mấy chiếc đồng hồ treo tường. Không treo thì e người tặng nói mình coi khinh; treo thì nhà biến thành giống như tiệm bán đồng hồ. Thực tế hơn chút nữa, đang đêm cả mười mấy chiếc đồng hồ thi nhau báo giờ; mà nào có báo cùng một lúc; chúng như sợ không ai nghe thấy nên cứ cái nọ tiếp theo cái kia kêu inh ỏi làm phiền hà giấc ngủ. Cái kiểu học đòi thói quen người khác không đúng cách, đa số không mang lại niềm vui mà sinh ra khó xử cho người khác. Người Tây phương thường hỏi người được tặng trước khi mua đồ xem thích gì hoặc cần gì. Còn đua đòi không chịu suy xét cứ tưởng rằng người được tặng thích đồ mình mua mặc dầu mình chẳng thích gì (vì có thích chăng thì nhà đã có;) hơn nữa, đa số thường thì mua cho qua... Thế nên tặng đồ đôi khi biến thành bắt người nhận chưng bày những gì họ không thích. Và từ đó lại cũng trở thành một thứ nợ đồng lần. Kẻ bị giữ những sự không thích hay không cần thiết tiếp tục ép kẻ khác hài lòng chưng bày tặng vật bất đắc dĩ... Ai có qua cầu mới cảm thấy cảnh đoạn trường... ôm đống tặng vật, lo cày trả nợ. Đồng tiền không những liền khúc ruột mà còn giải quyết gánh nặng thiếu hụt cho gia đình có đám cưới hỏi hay tang ma.
Gia đình có chuyện vui, dù tốn phí, ai cũng cam lòng. Gặp cảnh tang gia bối rối, đã vừa bị mất người lại mang thêm sự lo lắng của ngân sách thì đó là cả một gánh nặng trần thân cho gia đình. Tiền đâu chi phí cơm nước đãi đằng anh em ít ra một phần nào gọi là cho thỏa lòng nhận biết mối thân tình của họ. Tiền đâu làm tang ma, áo quan, đèn hương, lễ nến... Không có sự giúp góp của những người thân quen e rằng đa số nhà đám muôn đời trả nợ. Sự hiện diện thăm hỏi kèm theo chút ít giúp góp khi một gia đình có chuyện tang ma không những nói lên tình tương thân tương trợ, một đặc tính tốt lành của dân Việt mà còn nhiều khi tránh cho nhà đám cảnh lầm than khổ cực trong tương lai bởi nợ nần, một thứ bảo hiểm thân tình cần thiết trong cuộc sống liên đới giữa người với người.
Dĩ nhiên, cuộc đời ai không gặp cảnh khó xử ít là một lần. Tuy nhiên, sự giúp góp không bị bắt buộc giới hạn thời gian như hạn đóng bảo hiểm... Hơn nữa, nếu được coi như nợ đồng lần trong hoàn cảnh khó khăn ngân sách thì chỉ cần bớt tiêu pha chút trà chút muối cũng phần nào giải quyết được một cách dễ dàng.
Ai là người không nhận ra giá trị của việc ăn uống nơi đám xá, khi có việc, cứ làm cỗ bày ra đó, chẳng có ma nào đến ăn mới hiểu thấu được nỗi lòng cô độc trơ trụi. Cuộc đời, đâu cũng thế, hòn đất có ném đi, hòn chì mới trả lại.
Hương Hoa Dân Việt Hương Hoa Dân Việt - Lã Mộng Thường Hương Hoa Dân Việt