Hồ Quý Ly epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 2
hỉ riêng Đoàn Xuân Lôi, trợ giáo Quốc Tử Giám, phản đối cuốn Minh Đạo của Hồ Quý Ly kịch liệt nhất. Ông viết hẳn một lá thư dài, dâng vua để phản đối cuốn sách đó.
Ông là người kiên trì đạo Khổng hiếm thấy. Từ trẻ đi học đã nổi tiếng liêm chính ngay thẳng, đói sạch rách thơm. Mọi thứ với ông đều phải hài hoà nghiêm chỉnh. Nhà ở thì cửa phải chính giữa không được sai một phân. Cửa sổ phải cân đối, đều đặn ở hai bên. Nhà lệch lạc không ở. Bát không sạch không ăn, áo bẩn không mặc. Nét mặt ông bao giờ cũng nghiêm trang, ăn nói từ tốn, chọn từng chữ để nói. Vua Nghệ Tôn có một người thày đàn rất giỏi, biết xử dụng mọi thứ nhạc cụ một cách tinh vi. Nghệ Hoàng rất yêu quý; người thầy đàn thường được gọi vào cung đánh đàn cho vua nghe. Một bận Đoàn được Nghệ Hoàng triệu tập. Ông vào cung Thánh Từ, lúc đi qua khu nhạc đường là nơi tập luyện ca múa của cung nữ. Ông chợt nghe thấy một điệu hát nỉ non ai oán. Nhìn vào thấy người thày đàn đang dạy các cô cung nữ múa hát một điệu Chiêm Thành. Ông bèn về viết bản tấu về lễ nhạc, quyết gìn giữ sự trong sạch của cung cấm, không cho phép thứ nhạc sầu thảm ấy được lọt vào tai thiên tử:
Thiên tử là bậc tôn quý. Cung vua là nơi ngự trị thái hoà. Bất cứ một điều gì làm hại đến sự hài hoà của nơi tôn nghiêm đều phải loại bỏ. Kìa, xem nhu trên nóc điện Đại Minh, rồng chầu còn phải có đôi mà vầng nhật nguyệt biểu tượng cho bậc thánh thiên tử thì phải nằm ngay chính giữa. Thần trộm nghĩ: tiếng nhạc ai oán ấy là một điều xộc xệch. Xưa kia, Lý Cao Tông nghe gẩy đàn Bà Lỗ, nhạc Chiêm Thành mà nhà Lý mất ngôi. Gần đây Dương Nhật Lễ vì biến cung đình thành một chốn hát xuống nên đất nuộc ta phải trải qua một thời nghiêng ngả...
Nghệ Hoàng tiếc tài người thày đàn, không nỡ loại bỏ. Xuân Lôi dâng biểu ba lần, cuối cùng người thày đàn buộc phải trở về nơi quê cũ vùng núi Lạn Kha. Những năm vừa qua, giặc Chiêm Thành liên tục ra đánh phá Đại Việt, khi giặc đến, nhân dân chạy hết vào rừng núi, hoặc trú ẩn ở những đầm lau sậy. Quê ông cũng phải chạy giặc như vậy. Giặc tiến công mạnh quá, do đó một số người đầu hàng, theo giặc. Làng ông nằm trong vùng điền trang của hoàng thân Nguyên Diệu. Diệu đầu hàng Chế Bồng Nga nên một số dân làng cũng theo chủ hàng Chiêm. Sau khi Trần Khát Chân diệt được họ Chế, Lôi về làng và thề rằng: "Đất làng này theo giặc, ta thề suốt đời sẽ không bao giờ dẫm chân lên đất này nữa". Quả nhiên, suốt đời ông giữ vũng lời thề ấy. Vì mồ mả tổ tiên Lôi đều ở làng quê nên người cháu trưởng của ông phải ở lại coi sóc mồ mả, khói hương ở nhà thờ họ. Do đó, tết Nguyên Đán, ngày giô tổ tiên, Lôi vẫn phải về quê. Đã thề không thèm đặt chân lên đất làng, nên ông phải giữ chữ tín. Ông bèn giải quyết bằng cách đi kiệu về làng. Kiệu vào thẳng trong nhà, sát chiếc giường ngủ; hạ kiệu ông lên giường ngay. Thậm chí, ra thăm ao thăm vườn, đi tảo mộ, ông cũng ngồi trên ghế kiệu, không hề dẫm chân xuống đất.
Người đời bảo ông là đồ gàn, nhưng vẫn phải nể trọng. Ông nói:
- Kẻ sĩ đâu chỉ nói thao thao những lời thánh hiền. Cái chính là việc làm. Việc gì đúng lời thánh hiền, chết cũng làm. Việc gì sai với lời thánh hiền, chết cũng không khuất phục.
Lá thư ông dâng Nghệ Hoàng để phản đối cuốn Minh Đạo có đoạn viết:
Đức Khổng Phu Tử là bậc thầy của ngàn đời. Hành vi của người là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế. Quan thái sư trách nhiệm điều hoà âm dương, ngày đêm ở bên cạnh thiên tử, việc ăn nói phải cân nhắc kỹ lưỡng; cớ sao dám khinh xuất bàn đến... Thật là không biết tự lượng sức mình.
Trong sách có thiên bàn về kế sách, Thái sư đưa ra những chính sách như ruộng đất, hộ khẩu, tiền tệ v.v... hoàn toàn trái ngược với kế sách của tổ tiên. Há chẳng nghe thấy câu chuyện đức Trần Minh Tông nói với bọn Lê Quát, Phạm Sư Mạnh hay sao: "Không thể tin nghe theo bọn học trò mặt trắng để làm loạn nề nếp tô tiên". Nay, đất nước ta đang gặp cơn khó khăn, mất mùa, bão lụt. Nông dân đói khát nghe lời xúi dục của bọn phản loạn, rủ nhau kéo bè kéo đảng đi ăn cướp. Những kế sách của thái sư phải chăng như lửa đô thêm dầu, gây thêm mầm phản loạn. Trộm nghĩ: dục tốc bất đạt. Những ý kiến của thái sư chẳng hợp với đạo Trung Dung. Nay, thái sư xem xét lại tiên thánh, chê bai đức Phu Tử, phê phán các bậc đại nho Chu Trình, rồi đảo lộn nề nếp tổ tiên, có lẽ nào vì trong lòng quá ư nôn nóng. Nếu như vậy còn có điểm khả dĩ, có thể sửa mình. Còn nếu như chỉ là ngông cuồng, điếc không sợ sấm, lại bàn đền những điều quá u to tát, thì thần nghĩ việc đầu tiên phải huỷ cuốn sách, sau đó thiên tử phải ra tay sấm sét, quở trách, biếm chức, xử tội, để làm gương cho hậu thế...
Hồ Quý Ly được Nghệ Hoàng cho đọc lá thư. Đọc xong, ông vừa buồn, vừa tức giận. Buồn vì con mắt của bọn nho gia sao mà hạn hẹp. Đoàn Xuân Lôi đỗ Thái học sinh, được người đời khen là kẻ sĩ có tư cách. Cứng cỏi thật! Chính trực thật! Dám chống lại ta lúc này quả là có dũng khí. Chỉ đáng tiếc, tầm mắt ngắn quá. Kẻ sĩ đại phu mà như thế sao? Chẳng lẽ lại chỉ như thứ cuốc kêu ra rả, cúi đầu tầm chương trích cú người xưa? Bước ra khỏi nhà là sợ, bước ra khỏi sách là run rẩy. Than ôi? Sách là lầu vàng, nhưng sách cũng là tù ngục. Thế mới biết, Nghệ Hoàng có con mắt tinh đời. Cũng là một câu của Trần Minh Tông: "Đừng nghe theo bọn học trò mặt trang làm loạn nề nếp tổ tông". Ông đã hiểu khác hẳn Xuân Lôi. Ta đổi thay nề nếp xưa, Nghệ Hoàng không cho là loạn, bởi vì ông hiểu thời thế đã xoay chuyển, chính sách phải thay đổi. Cũng bởi vì ông hiểu ta không muốn nước Đại Việt giống phương Bắc; nước non một cõi, văn hiến phải khác. Có lẽ kẻ đọc sách Minh Đạo, Nghệ Hoàng là người tri âm tri kỷ nhất của ta. Cũng chính vì vậy - Quý Ly thở dài - nên ta cứ dùng dằng... không nỡ...
Đưa cho Quý Ly đọc xong lá thư, Nghệ Hoàng bảo:
- ý nghĩ của Bình Chương khác người, táo bạo...
- Phàm cái gì mới lạ, người ta hay chống lại. Đó là lẽ thường tình. Xuân Lôi học rộng, có khí tiết, nhưng chưa thuần. Thái sư chỉ cần quở trách nhẹ nhàng là đủ. Quý Ly thấy phải, không trị tội nặng, chỉ biếm chuyển Đoàn Xuân Lôi ra châu gần. Lôi làm trợ giáo Quốc Tử Giám nên được cử đi trông coi việc học của Châu Vạn Ninh vùng Vân Đồn.
Quan thái sư rất quan tâm tới việc học. Ông thấy các lộ, phủ, châu việc học chưa vào nền nếp, ông bèn đặt ra chức học quan, đề bạt một loạt những nhà khoa bảng, đưa về các địa phương trông coi việc học hành của dân. Ông chú ý đến những người đỗ đạt có tài nhưng chưa được cất nhắc đúng mức. Vừa qua Trần Mộng Dữ, con rể ông và là con trai quan tư đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn thăm gia đình. Ông viết riêng một lá thư gửi cho Nguyễn Ứng Long, anh rể của Dữ. Ứng Long lấy Trần Thị Thái con gái quan tư đồ Nguyên Đán. Ứng Long cũng đỗ Thái học sinh cùng khoa với Đoàn Xuân Lôi 1. Vì Ứng Long là dân thường lại lấy con gái hoàng tộc, Nghệ Hoàng cho rằng như vậy là bất kính, nên bỏ đi không dùng. Nay, Nghệ Hoàng đã băng, thái sư thấy đã đến lúc nên chuẩn bị dùng Nguyễn Ứng Long.
Nhận được thư của thái sư, Ứng Long viết một lá thư hồi đáp:
Kẻ hàn sĩ quê mùa này nhận được lá thư của ngài gửi lời lẽ vỗ về an ủi, lòng dạ chợt vô cùng cảm kích, biết ơn.
Tiểu nhân may mắn được đọc cuốn Minh Đạo của ngài, thấy từng dòng, từng chữ đều là những lời tâm huyết, mong cho nước mạnh dân giầu, mong cho cõi trời Nam ta sáng ngời văn hiến... Kẻ hàn sĩ xem Kinh Dịch thấy sau quẻ Tỉnh (giếng) đến quẻ Cách (thay đổi). Giếng để lâu ngày nước tù đọng, thiếu phần trong sạch. Nay phải thau nước cũ, để dòng mạch mới chảy vào... Trong thư, đại nhân có khuyên tiểu nhân nên dùng tình đồng khoa để khuyên nhủ giúp những người còn mê lầm (ám chỉ đến Đoàn Xuân Lôi).
Trộm nghĩ: lời thoán từ quẻ Cách có nói: "Cách, dĩ nhật nãi phu...". Việc đổi thay, phải lâu ngày con nuôi mới hiểu được... Vậy nên, việc thay cũ đổi mới, ngược với thói quen cũ, con người, dù có được học hành, cũng dễ thủ cựu, cho là đa sư. Những kẻ như vậy chỉ là lẽ thường tình... chắc rằng chẳng chóng thì chày sẽ thay đổi... Xin đại nhân hãy rủ lòng kiên nhẫn... Việc đổi đời, làm thay sông đổi núi, công việc nhiều và nặng tựa thái sơn cần phải có nhiều người tài trí đồng lòng ra tay gánh vác.
Nay, đại nhân lấy việc nuôi dưỡng, khuyến khích kẻ hiền tài làm trọng... tiểu nhân trộm nghĩ tấm lòng âu lo ấy, tấm lòng đau đáu vì non sông ấy chắc chắn sẽ được thiên hạ ủng hộ, hưởng ứng...
Chỉ cúi xin đại nhân nghĩ tới câu: "Cổ lai thức tự đa ưu hoạn". Từ xưa đến nay, kẻ sĩ bao giở cũng nhiều suy nghĩ lo lắng. Chúng tôi đi đâu, về đâu? Đó là câu hỏi của kẻ sĩ trong thời đại loạn. Cúi mong đại nhân thấu đến một câu nhân tình, mở rộng lượng bao dung chờ đợi. Được như vậy, loài ngựa ký ngựa kỳ hẳn không phải là thiếu. Kẻ sĩ như vậy cũng được nhờ, mà đất nước cũng có điều kiện bước vào thịnh hội...
Lá thư ấy, tối qua, thái sư vừa mới nhận được. Làm ông suy nghĩ mãi. Đến lúc này, trong giờ phút mất ngủ, ông lại liên miên nghĩ tới nó. Làm sao để thu phục được kẻ sĩ, một chiến lược lớn đã làm ông mất bao tâm huyết. Tại sao ông đã cố gắng hết sức chiều chuộng họ mà họ cứ mãi xa rời ông. Tại sao Hán Cao Tổ đã đái cả vào mũ của kẻ sĩ mà cuối cùng kẻ sĩ vẫn theo ông? Tại sao Trần Thủ Độ đã tuyệt diệt hoàng tộc nhà Lý, hành động tàn ác hơn cả loài cầm thú, mà cuối cùng nhà Trần cũng được trăm họ đồng lòng ủng hộ, ba lần phá tan được giặc Nguyên hung ác? Đó là câu hỏi lớn mà ông nhất quyết phải tìm cho ra.
Hồ Quý Ly cứ chong mắt ra, nghĩ mãi, nghĩ mãi... Chợt một tiếng gà gáy làm ông giật mình. Trong hoàng thành nuôi rất nhiều gà chọi. Đó là tiếng con đầu đàn vang lên lẫm liệt, uy nghi. Tiếng gà oai hùng ấy vang lên ba lần rồi ngừng bặt. Sau đó, đủ trăm giọng gáy nối tiếp theo... Giọng sang, giọng hèn, giọng vang vang, giọng cụt lủn, giọng dõng dạc, giọng nhỏ nhoi... thậm chí cả tiếng ọ ẹ của những chú trống choai...
Thái sư Quý Ly bỗng ước ao mình cũng có được những tiếng gáy đồng ca đủ màu sắc như vậy...
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly