Chương 30
ột tháng sau khi anh Hạ từ trại cải tạo về, anh Tư Đờn làm một mâm cỗ mời Hạ đến nhà. Tư Đờn bảo:
- Hôm qua cô Xim nhắc tôi mới biết hôm nay là ngày giỗ của cụ Xuân. Tôi ý định lúc nào thưa chuyện với anh nhưng chưa có dịp. Nay nhân ngày giỗ của cụ, vả lại mảnh đất này chính cụ Xuân là chủ sở hữu. Vậy nên, nói chuyện ấy nhân ngày giỗ cụ, lại trên mảnh đất của cụ, là điều phải quá đi mất.
Hạ ngơ ngác:
- Anh định nói chuyện gì cơ.
- Thì ta cứ hạ cỗ đã. Ngồi vào mâm, nâng chén rượu, rồi đàm đạo với nhau, nó dễ dàng hơn.
Sau khi đã nâng chén mấy lần, lúc ấy Tư Đờn mới nghiêm trang có ý kiến:
- Câu chuyện chính là về mảnh đất này. Như tôi đã nói lúc đầu: Nó là của cụ Xuân. Anh là con ruột của cụ Xuân. Lẽ dĩ nhiên anh được thừa kế. Hôm nay là ngày giỗ của cụ, có vong linh của cụ Xuân trở về chứng giám. Tôi xin chính thức trao trả nó lại cho anh.
- Kìa! Sao lại thế. Con tôi anh nuôi. Vợ tôi anh nuôi. Anh ở trên mảnh đất này là phải chứ sao. Tôi một thân một mình, ở đâu mà chẳng xong. Còn anh nhà những ba người.
- Không được đâu - Tư Đờn giơ bàn tay rắn chắc chém vào không khí. - Anh đã nhường vợ con cho tôi. Thế là cho nhiều quá rồi. Chẳng lẽ cái lều của anh tôi cũng chiếm nốt. Vả lại tôi đã nghĩ kỹ rồi. Và anh em trong xí nghiệp cũng đã lo cho tôi rồi. Xí nghiệp nông cụ còn khối đất. Ban giám đốc đã đồng ý cho tôi một mảnh. Chủ nhật tới công đoàn sẽ dựng cho tôi một căn nhà tre. Vậy, ngày mai vợ chồng tôi dọn đi, ở tạm tại khu tập thể, chờ dựng xong nhà, sẽ dọn về nhà mới. - Tư Đờn còn tính toán giúp Hạ công việc. - Ngày mai, anh cũng phải dọn về, tiếp quản chỗ này. Anh chưa có công ăn việc làm. Tôi tính anh nên mở cửa hàng sửa chữa xe đạp. Phố ta chưa có hiệu xe đạp. Anh mở ra chắc sống được. Nhưng mà không hiểu anh có biết sửa chữa xe không?
- Việc ấy tôi làm được.
Thế là từ đấy, phố huyện có cửa hàng sửa xe đạp của anh Hạ. Cửa hàng khá đông khách. Thời cải cách, đến đội trưởng Khoát, khắp vùng ai nghe đến tên cũng run cầm cập, thế mà Hạ cũng chẳng sợ hãi, dám cả gan ban ngày ban mặt tự tay đốt nhà rồi thản nhiên đi tù.
Đánh giá về con người mãn hạn tù trở về ấy, có hai luồng ý kiến. Người thì bảo đó là con người nguy hiểm, một kẻ không thể lường được. Nhưng cũng có người bảo Hạ là con người trọng nghĩa khinh tài. Xem như việc anh đối xử với ông bà trưởng bạ thì biết. Đang lúc cả xã hội không ai dám dây với gia đình địa chủ, thì riêng mình anh, Hạ lại bênh vực vợ chồng ông trưởng bạ. Thậm chí khi chị Xim vợ anh a dua với thiên hạ, thì anh tự tay đốt cái lều của mình không cho kẻ vô ơn trú ngụ.
Vào trại cải tạo, anh ở cùng với ông Phúc, một ông thầy tướng số, tự xem mình là “Thượng tướng chi sĩ” tức là ông thầy tướng số loại thượng đẳng. Một hôm Hạ hỏi ông Phúc:
- Tôi đã nghe nhiều người xem tướng cho tôi. Người coi tướng tay thì nói: Bàn tay tôi quăn queo sần sùi, màu sắc đỏ như máu. Đường trái tim không có. Nó hợp với đường trí não thành một đường. Người ta bảo đó là bàn tay chữ nhất. Họ bảo tôi có bàn tay của kẻ cướp hoặc của kẻ giết người. Thậm chí có ông tiến sĩ hiện đại còn nói: Tôi là kẻ siêu đực, trường hợp giết người bẩm sinh.
Nghe thế, ông thầy “Thượng tướng chi sĩ” giãy nảy lên:
- Láo toét! Rặt một lũ láo toét. Tướng số gì chúng nó. Trước hồi cải cách, tao chẳng phải đi đâu mà nhà tao lúc nào cũng nườm nượp người. Họ đến để xem tướng số. Xem tiền vận, hậu vận. Xem liệu cơ nghiệp sẽ ra sao. Xem liệu có mắc vòng tù ngục, liệu có phải ra cửa quan hay không?
Những người đến xem toàn những người giàu có chốn thôn quê cả ấy mà. Vì thế tao mới bị bắt. Họ bảo tao là mê tín dị đoan, mượn nghề bói toán để tuyên truyền chống phá cách mạng. Tao bị cấm hành nghề nhưng hôm nay, trường hợp của mày tao phải nói. Mình không thích, có thể nói là, phản đối cách xem tướng của họ. Họ chỉ nhìn vào bên ngoài, dựa vào những điều đã ghi trong sách rồi kết luận. Họ không biết câu: “Thượng tướng chi sĩ, bất tướng thân diện”. Nghĩa là bậc xem tướng thượng thừa, không xem tướng bằng thân hình, diện mạo, tức là xem tướng bề ngoài. Người xem tướng bậc thượng thừa phải xem cái thần, cái khí, cái khí phách con người. Đúng là bàn tay cậu đỏ như thoa son. Đúng là cậu có cái lưng gấu, đôi cánh tay dài như tay vượn. Đó là điều người ta gọi là người siêu đực. Nhưng xem tướng không được phép xét đoán một cách định mệnh như thế.
Người ta bảo cậu tam lộ: lộ nhãn (mắt lồi), lộ xỉ (răng hô), lộ hầu, có ba cái lộ ấy cậu cũng chẳng sợ bởi vì trong ánh mắt sáng quắc của cậu vẫn có những tia ấm áp, bởi vì tuy lộ hầu, nhưng giọng nói của cậu vẫn vang lên như chuông. Tuy nhiên tướng hiện ra những nét không thanh còn nhiều cái trọc, tức là căn nghiệp còn nặng. Bởi vậy vẫn phải đề phòng, đề phòng bản thân là chính. Nhưng nét tướng ô trọc chứng tỏ bản năng quá mạnh. Có lúc bản năng như một cơn lũ. Nó cuốn phăng ta đi không tài nào cưỡng lại được. Nhớ phải rất đề phòng đừng để ngựa quen đường cũ.
Điều tiên đoán từ xửa xưa ấy có lúc đã thành sự thực. Chuyện xảy ra sau khi Hạ mở cửa hàng sửa chữa xe đạp ít lâu. Bữa ấy vắng khách lắm. Nhân lúc rỗi rãi, Hạ mang mấy cái xích cũ ra lộn lại. Khoảng trưa thì Xim đến chơi, Hạ lau tay rót nước mời khách. Xim bả lả:
- Hôm nay, anh Tư bận việc xí nghiệp làm việc thông tầm. Em nấu cơm sẵn cho con Mua. Nó đi học ca trưa anh ạ. À, con chúng mình học hành cũng được. Con bé ngoan. Tổng kết học kỳ một, con bé đạt học sinh giỏi. Hôm nào, em cho nó ra đây một buổi nhé. Con bé vẫn chưa quen... rằng mình lại có hai bố.
Căn nhà Hạ gồm hai gian. Gian ngoài để hành nghề. Gian trong làm nơi sinh hoạt. Anh tiếp Xim ở gian trong. Nói chuyện đến con, Hạ cứ rầu rầu bùi ngùi. Người vợ cũ cảm thương, nắm lấy tay anh an ủi.
Không hiểu thế nào, cô lại bảo:
- Em đến thăm để trả nghĩa anh đây.
- Trả nghĩa?
- Nghĩa là em nợ anh nhiều quá. Chẳng biết làm sao trả cho hết.
- Nếu có băn khoăn trong dạ, thì cứ nuôi con cho tốt là được rồi. Còn thì cô chẳng nợ nần tôi gì cả.
- Có nợ chứ. Này nhé: Thứ nhất chỉ vì em nên anh mới đốt nhà, mới đi tù. Thứ nhì, anh mắc nạn thế mà em lại lấy chồng. Rồi anh trở về lại bằng lòng cho em ở với chồng mới. Chả nợ thì gọi là gì?
Nhìn người đàn bà phây phây rực rỡ ấy, anh dường như đã hiểu cô ta, anh nghĩ: Mụ này táo tợn thật. Tuy nhiên anh cũng hỏi:
- Thế cô định trả nợ tôi như thế nào?
- Thì em đền trả anh chứ làm sao?
Xim còn nói tiếp rất rành rẽ, dứt khoát:
- Nhưng em chỉ cho phép anh một lần hôm nay thôi. Xong rồi là xong phắt, không dầy dưa. Bởi vì em đã có chồng mới. Không thể xảy ra phiền phức... Thôi nào lại đây... Em hiểu anh quá rồi mà. Năm mười lăm tuổi anh ngủ với em lần đầu trên đồi sim ấy. Năm mười bảy tuổi em sinh con Mua với anh, mười năm đi tù, anh chết thèm chết nhạt... Em còn lạ gì anh nữa... Anh nhường em cho Tư Đờn. Nhưng mắt anh nhìn em vẫn còn hau háu như muốn ăn tươi nuốt sống... Thôi nào, còn chần chừ gì nữa... Anh giỏi thật đấy, người háu gái như anh mà nhịn được mười năm... Lần đầu tiên ở đồi sim, anh ghê gớm đến như thế nào. Lần thứ nhất xong, anh xách cái váy của em mà chạy. Em đuổi kịp, anh lại vật em xuống lần thứ hai. Lần thứ hai xong anh lại xách váy em chạy. Rồi lần thứ ba, thứ tư. Anh bảo phải yêu em cho đến lúc trời long đất lở. Anh khủng khiếp thật. Nhưng chỉ đến lần thứ tư ấy thì anh quỵ hẳn. Nếu em không lủi về nhà, bắt trộm gà nấu cháo cho anh ăn, chắc là anh đã tiêu mất rồi.
- Tiêu là tiêu thế nào. Họ bảo tớ là thằng siêu đực cơ mà. Ừ tớ nhớ rồi đồi si... đồi sim... đồi sim.
Hạ đã mê man đi rồi. Quả đúng như là thầy tướng nói. Hắn sẽ bị cơn lũ bản năng ào ào xô tới quật ngã và cuốn phăng đi. Người đàn bà kia đã ghê gớm. Nhưng hắn còn ghê gớm gấp mười lần. Hai cái cơ thể đồ sộ trần truồng đã cuốn lấy nhau, quằn quại, giãy giụa ngay trên mặt đất mát rượi. Hắn như đóng đinh vào người đàn bà. Có lúc người đàn bà như nghẹt thở trong cơn hạnh phúc. Mụ như thể bị bóp cổ rên ằng ặc vì sung sướng. Mụ quẫy đạp đùng đùng đến nỗi một cái gì đó vỡ choang mụ cũng chẳng hay.
Họ làm tình ồn ĩ và dữ dội đến nỗi con chó xù của hắn nuôi đi hoang ở đâu về nó phải sán lại để chứng kiến. Nó tưởng đôi người là hai con quái vật. Nó gừ gừ rồi sán tới. Mụ Xim rú lên. Còn Hạ thì quát ầm ĩ. Nghe thấy tiếng chủ, con chó vội lảng ra đường mất.
Xong cuộc vật lộn tình ái, Xim vừa mặc quần áo vừa nói.
- Thế là tôi trả nợ ông xong rồi nhé. Dứt khoát đấy. Chỉ một lần này thôi. Mà ông hùng hục quá đấy. Cứ như thế này mà ông không kiếm được một đứa đàn bà nào cho nó hầu hạ ông thì chết dở đấy. Rắc rối to đấy. Còn tôi, đã giao kèo rồi nhé. Tôi chỉ cho ông một lần này mà thôi. Ông có nghe thấy tôi nói không? Nhớ lấy nhé.
- Tôi nhớ, tôi nhớ. - Hắn lầm bầm.
Vừa lầm bầm hắn vừa lê trên mặt đất nhặt những mảnh vỡ của cái chum vại nào đó mà trong lúc say mê hoan lạc mụ đã đạp vỡ. Mụ hỏi:
- Cái gì vỡ đấy?
- Cái vại.
- Vại gì?
- Vại cổ thời Trần.
- Vại cổ thời Trần có quý không?
-Quý!
- Quý thế nào?
- Bán nó mua được cái xe Phavôrít.
- Có tiếc không?
- Tiếc nhưng mà không sao?
- Không sao là thế nào?
- Là xứng đáng.
- Xứng đáng thế còn tiếc nữa không?
- Không.
- Thế mới đúng là Hạ rồ chứ!
* * *
Chị Xim đã nói là làm. Một hôm, chị đến cửa hàng của Hạ. Chị hớn hở bảo người chồng cũ:
- Tìm được rồi! Tìm được rồi.
Hạ ngạc nhiên không hiểu Xim định nói gì. Cái lần trả nợ ân nghĩa của Xim tuy ngọt ngào nhưng làm Hạ bứt rứt mãi. Thế là chưa sòng phẳng. Cái gì đã cho là cho hẳn. Cớ sao còn tiếc nuối. Cớ sao còn dây dưa. Thế là kém nghĩa khí, không trượng phu. Những năm trong tù dạy anh rất nhiều. Cứ nhớ ông “Thượng tướng chi sĩ” không xem tướng diện mạo bề ngoài mà xem cái thần khí bên trong. Ông ta bảo người như anh có thể là kẻ giết người, nhưng cũng có thể thành kẻ trượng phu. Cái chính là đề phòng bản thân mình. Đừng để cho bản năng như cơn lũ cuốn mình đi. Câu nói ấy khích lệ Hạ rất nhiều. Câu nói ấy làm Hạ lại nhớ đến người cha, ông già Xuân cả đời lam lũ nhưng mà rất lương thiện. - Mà chính vì chất lương thiện ấy, anh mới dám làm những điều người khác không dám làm, và vì nó mà anh vào tù. Cho nên, lúc này, Hạ nói với Xim:
- Cô tha lỗi cho tôi nhé.
- Lỗi gì mà lỗi. Tội gì mà tội. Tội lội xuống sông. Chẳng qua là em thấy không phải với anh, em muốn đền bù. Mà thôi xí xóa hết chuyện cũ. Nhưng dù sao anh cũng phải có một người đàn bà để nó bầu bạn với anh, phòng khi trái nắng trở giời. Không thế em chả an tâm đâu.
Ôi! Người đàn bà chất phác! Cuồng si cũng hết mức. Và nghĩa tình cũng hết mức. Xim bảo:
- Em đã nhắm hết đàn bà trong làng. Đối với anh, các cô trẻ quá cũng không được, già quá cũng không xong. Điểm đi điểm lại, mới thấy bây giờ chỉ còn một đám. Đã quá lứa lỡ thì. Tuổi ngót ba mươi. Nhưng mà xong được đám này thì anh có mà phúc to bằng cái đình. Người đẹp nõn nà. Hay lam hay làm. Hiền thục hết mức, nhưng mà khó quá, khó quá. Em đã nghĩ nát nước ra rồi mà chẳng biết nhờ ai đánh tiếng.
Xim nói luôn một hồi chẳng để cho Hạ xen vào, nhưng thực quả làm anh phải chú ý. Hạ hỏi:
- Ai mà cô ca tụng đến thế?
- Cô Nguyệt. Con gái nuôi của cụ sư chùa làng. Cái cô mà ngày trước thầy giáo Hải đã ăn hỏi ấy.
- Tưởng ai. Chẳng được đâu. Có trèo cao quá không? Tôi là thằng đi tù về. Cô ấy là vợ chưa cưới của một anh hùng liệt sĩ. Lại là một người đức hạnh. Sư cụ là một người đức cao vọng trọng. Thôi! Xin cô. Tôi chẳng dám đâu.
- Sao lại chẳng dám. Thì cũng phải thử xem sao đã chứ.
- Tôi xin cô. Thôi! Đừng rách việc.
Chuyện ấy Hạ quên đi, nhưng sau đó lại xảy ra một chuyện.
Lúc ở trong tù, Hạ có quen một thanh niên Hà Nội. Anh ta bị bắt vì tụ tập ăn chơi trác táng. Không phải gia đình tư sản nhưng gia đình anh ta rất giàu. Anh ta tên là Hùng. Công tử chính hiệu. Mặt trắng, môi đỏ như son. Vào tù mà vẫn sang. Hút thuốc lá ngoại. Gia đình đi thăm nuôi thường xuyên. Hùng yếu ớt, lao động kém, nhưng được cái sống rộng rãi phóng khoáng, và nhũn nhặn đối với mọi người, sẵn có sức khỏe nên nhiều khi Hạ giúp đỡ Hùng trong việc lao động. Có lúc tâm sự, Hùng nói thật với Hạ:
- Bố tao, đứng về tiền nong, thực sự là tư sản, nhưng nhà nước lại chỉ quy ông thuộc thành phần tiểu tư sản thôi. Bởi vì thực ra, ông không có nhiều nhà, chỉ có một căn nhà để ở. Lại không có xí nghiệp, không có cửa hàng, cửa hiệu. Nói cho đúng, ông nội tao ngày xưa khá giàu có. Nhà phố Hàng Đào, buôn bán tơ lụa. Nhờ thế mà bố tao sướng từ trong trứng sướng ra. Lớn lên, không làm ăn gì cả. Chỉ chơi bời phất phơ. Rồi đi học vẽ nhưng chẳng đến đầu đến đũa. Ông già sĩ diện, tự gọi mình là họa sĩ. Tuy nhiên chẳng vẽ được bức tranh nào ra hồn. Trong những ngày ăn chơi ấy, ông già cũng nhờ biết ăn chơi mà học được cái nghề khá độc đáo: Đó là nghề đồ cổ. Đúng như người ta nói, ông già giàu, rất giàu, tiền nhiều như quân Nguyên, nhưng Chủ nghĩa xã hội không thể quy ông là nhà tư sản được. Đúng vậy, bởi vì ông có bóc lột ai bao giờ. Không bóc lột công nhân. Không cho vay nặng lãi, không nhiều nhà cửa, đất đai. Đúng là không trông thấy có tiền. Nhưng nhà thì đầy chén, bát, đĩa, lọ độc bình, đồ đồng và các tranh nữa chứ. Ông vẽ tranh chẳng ra gì. Nhưng tranh của các danh họa thì ông sưu tầm được nhiều. Nhìn vào nhà, ai cũng bảo ông là một loại nghệ sĩ dở hơi. Song chớ có coi thường cái sự dở hơi ấy. Bởi vì chỉ cần bán một cái lọ Khang Hy đời nhà Thanh đi, cũng đủ cho cả nhà ăn chơi nhảy múa vài năm. Sở dĩ tao bị đi tù cũng chỉ vì nhà nhiều tiền, nên rửng mỡ, đua ăn đua chơi, suốt đêm ngày chỉ uống rượu, hát nhạc vàng và cởi truồng nhảy múa với mấy cô em xinh đẹp. Nhưng sau này đi tù về tao sẽ tu tỉnh, sẽ theo nghề bố. Mày cứ yên trí đi. Ra tù, có dịp, tao sẽ giúp đỡ.
Câu chuyện hứa hẹn trong trại giam, lâu ngày Hạ đã quên tịt.
Rồi đến một hôm, Hạ đang lúi húi sửa xe, thì chợt nghe thấy tiếng người đứng sau lưng nói:
- Chào chiến hữu.
Quay lại, nhận ngay ra thằng Hùng. Nó đi xe đạp Pơgiô (Peugeot) mới, mặc quần áo sang trọng, mắt đeo kính Mỹ. Hai thằng tay bắt mặt mừng. Thằng Hùng chỉ hát nhạc vàng và sa đọa với các em xinh, nhưng đã bóc lịch gần mười năm. Chắc ngày xưa nó càn quấy lắm. Còn lúc này, Hạ thấy áo quần, đầu tóc nó rất nghiêm chỉnh. Cuộc sống nhà tù đã dạy khôn cho Hùng. Nó đã biết dùng cái vẻ khiêm nhường bề ngoài để che giấu cái ồn ào sặc sỡ bên trong. Hạ mời Hùng ở lại ăn cơm. Cơm thường thôi. Những món sang nhất là đĩa đậu phụ sống và đĩa lòng lợn chấm mắm tôm chanh ớt. Hùng bảo:
- Mày có cà lấy cho tao ăn. Thấy thèm mày ạ. Ngẫm nghĩ thấy đi trại cũng có cái hay. Chí ít cũng học được cách sống giản dị.
- Tưởng thứ gì, chứ cà nhà tao có sẵn.
Hạ đi đến cái vại để ở góc nhà. Hùng bây giờ mới nhìn thấy cái đồ gia dụng nhem nhuốc để ở góc nhà, Hùng bỗng reo lên:
- Cái gì thế này? Để yên. Để yên tao xem.
Hùng cúi xuống ngắm nghía cái vại. Hắn lấy tờ báo lau sạch những vết cáu bẩn bên ngoài, rồi kêu toáng lên:
- Chết! Chết! Của quý thế này mà bố dùng để muối cà là sao?
- Cái gì quý?
- Cái vại này chứ còn cái gì? Rẻ ra cũng hai trăm đồng đấy bố ạ.
- Tức là... Tức là mua được hơn hai cái xe Phượng Hoàng?
- Chứ sao. Cậu kiếm cái này ở đâu thế?
- Tao đào hầm tránh máy bay Mỹ, thấy nó dưới mặt đất. Một đôi. Còn cái nữa đựng muối dưới bếp.
Cầm trên tay chiếc thứ hai, Hùng giải thích:
- Đây là cái âu cổ, gốm hoa nâu thời Lý - Trần. Nó có men màu trắng ngà, hình vẽ màu nâu. Ở chiếc này có hình vẽ dây hoa cúc. Gốm Lý - Trần là sản phẩm đặc sắc riêng của Việt Nam. Chiếc âu này lành lặn, lại đủ cả nắp đậy. Nó phải đáng giá tới hai trăm.
- Trời ơi! Những hai trăm cơ à? Cả một đống tiền! Mày có nói dối tao không đấy?
- Trong người tao chỉ còn có một trăm bạc. Tao đưa trước cho mày. Còn trăm nữa sau tao sẽ trả.
Hạ cầm trăm bạc trong tay, run lên. Hùng bảo:
- Có lần tớ hứa khi ra tù tớ sẽ giúp cậu. Trăm bạc này đã ăn thua gì. Sau này, anh em còn làm ăn với nhau lâu dài. Tớ tính, cậu hãy bỏ quách cái quán chữa xe đạp này đi, dành thời gian mà cộng tác với tớ. Mấy lại, nguời võ nghệ đầy mình như cậu, nhiều khi cũng đắc dụng lắm đấy.
- Cộng tác ư? Tôi có biết gì về nghề đồ cổ đâu.
- Cứ làm, khắc biết. Đầu tiên, cậu đến nhà tôi. Tớ sẽ hướng dẫn cho cậu thế nào là men ngọc, thế nào là men hoa lam. Rồi thế nào là đồ Minh Thanh của Tàu, thế nào là đồ sứ Việt Nam. Cậu vốn là thổ công ở đây. Hãy lân la đến nhà các gia đình khá giả ngày xưa. Hãy hỏi những lọ lộc bình cũ, rồi ấm chén, bát đĩa, nậm rượu, thậm chí cả những bình vôi cũ mà cha ông họ để lại. Tớ sẽ cho cậu biết giá cả của từng loại. Lãi suất của đồ cổ cao lắm. Một lãi mười, có khi gấp trăm. Kiếm được đồ quý thì vô giá. Cậu cứ vào nghề thì khắc thấy. Thú vị vô cùng.
Hạ khá nổi tiếng trong giới giang hồ vùng đó. Anh có nhiều đệ tử. Hạ tập hợp các đệ tử thân tín lại và bảo:
- Anh em nên tìm con đường lương thiện mà đi. Như thế mới có tương lai. Nay tôi có cơ hội gặp nghề đồ cổ. Có thể có triển vọng. Ai thích theo tôi thì theo.
Nhờ có mạng lưới chân tay, trong một thời gian Hạ và lũ đàn em khấm khá hẳn lên. Tuy nhiên, đồ cổ đâu có phải là nguồn hàng vô tận, nên chỉ một năm sau hàng hóa hiếm hẳn đi. Hùng từ Hà Nội về gặp Hạ:
- Tớ mách cho cậu một nguồn hàng mới. Nguồn này không mất tiền mua. Giá cả lại cao ngất.
Hạ ngờ vực:
- Làm gì có thứ hàng ngon ăn thế. Dân ở đây họ cũng khôn lên rồi. Giá đồ cổ đã vọt lên gấp ba gấp bốn. Họ chẳng ngờ nghệch như mấy năm trước. Vậy lấy đâu ra thứ ngon ăn như cậu nói. Nếu đúng thế, họa chăng chỉ còn cách đi ăn trộm. Gần mười năm trong tù cậu chưa tỉnh ngộ à? Tao không đi trộm cắp, tao không muốn vào tù.
- Không nguy hiểm tù tội như cậu nghĩ đâu. Đúng là đi ăn trộm, nhưng ăn trộm ở những nơi không ai quản lý. Thậm chí, người ta gọi là lạc hậu muốn xóa bỏ đi.
- Lại có những nơi thế sao? Cậu thử nói xem nào.
Lúc bấy giờ Hùng mới hạ giọng xuống, nói ra vẻ bí mật:
- Nơi ấy là các nhà chùa. Mỗi ngôi chùa là một kho đồ cổ. Ở đấy có tượng đồng, tượng gỗ, có bát nhang cổ, có đèn, nến cổ. Có nhiều nơi đặt hàng giá cao. Thậm chí hoành phi câu đối thời xưa có được người ta cũng mua. Miễn là nó cổ. Càng cổ giá càng cao.
- Cậu xui chúng tớ đi ăn trộm nhà chùa à?
- Ừ thì ăn trộm nhà chùa. Có sao đâu. Lại an toàn. Bởi vì đó là mê tín dị đoan. Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ nhân dân lao động. Công an họ không để mắt tới nhà chùa đâu.
Hạ nói như đinh đóng cột:
- Gì thì gì, chứ ăn cắp của chùa, tao không làm đâu. Hùng rất ngạc nhiên vì thái độ quyết liệt của Hạ. Gã đồ cổ còn hỏi gặng:
- Mày không làm thật à?
- Tao nhất quyết không làm.
- Mày sợ à?
- Ừ, tao sợ.
Hạ tỏ thái độ thế mà Hùng vẫn không thôi. Hắn nói khích:
- Cậu là tay hảo hán: Trời không sợ, đất không sợ thế mà sợ ăn trộm của chùa hay sao?
- Ừ, tao sợ thế đấy - Hạ lầm lì trả lời.
Nguyên do sự cố nài nỉ ấy của Hùng là thế này. Có một người biết ngôi chùa Sọ có tượng thờ một bà chúa nhà Mạc có công với Phật giáo. Tượng bà chúa Mạc rất đẹp, nhưng to quá, không phải là đối tượng của bọn săn đồ cổ. Tuy nhiên kèm hai bên bà chúa còn có hai pho tượng nhỏ: Đó là Tiên đồng và Ngọc nữ đứng hầu. Mỗi pho tượng chỉ cao khoảng năm mười phân tạc bằng gỗ mít. Cô Ngọc nữ là cô gái tóc bỏ đuôi gà, tay xách một lẵng hoa. Cậu Tiên đồng thì tư thế quỳ dâng lên một mâm đào tiên. Hai pho tượng được đục chạm rất tinh vi, sinh động. Lại là tác phẩm từ thời nhà Mạc nên bọn săn đồ cổ rất quan tâm nhòm ngó. Họ đặt hàng cho Hùng đồ cổ mười lăm ngàn đôla. Hùng biết việc này phi tay Hạ, không ai khác có thể làm được. Hùng định ăn dày, chỉ muốn nhả ra cho Hạ một chút tiền còm. Thấy thuyết phục bằng lời không được, Hùng quay sang dụ dỗ bằng tiền:
- Việc lấy hai pho tượng nhỏ ấy, tôi tin cậu có thể làm dễ như trở bàn tay. Còn tiền công thì cũng khá to đấy. Làm xong chuyện này, cậu có thể nghỉ chơi vài năm hoặc có đủ tiền tậu nhà lấy vợ. Bảy ngàn đôla. Cậu nghĩ thế nào?
- Không à? Thì tám ngàn.
Thật là món tiền khổng lồ đối với Hạ, nhưng anh vẫn một mực chối từ. Đến nỗi, Hùng phải chửi thề:
- Mẹ kiếp! Thằng này điên rồi. Cả một đống tiền mà nó cũng chê.
Không dụ dỗ được Hạ, Hùng quay sang dụ dỗ bọn đàn em của Hạ. Hạ đe dọa bọn tay chân:
- Chúng mày làm gì thì làm. Cấm động chạm tới nhà chùa. Chúng mày không biết câu: Của Bụt mất một đền mười hay sao. Làm gì thì làm, cũng phải để chút ân đức cho con cháu chứ. Như lão Phó Chủ tịch xã Đào đấy. Dám phá chùa, vứt tượng ra sân. Dân xin thế nào cũng không tha. Bây giờ phải cảm, mồm méo xệch, liệt nửa người, đi thập thà thập thễnh. Đã thế còn bị dân làng chửi cho ủng mả. Đấy đứa nào không nghe tao thì cứ làm. Về phần tao, tao cũng không tha đâu. Giời mà chưa phạt thì tao khắc phạt. Động đến nhà chùa là ông đánh què cẳng.
Sở dĩ Hạ có cảm tình với nhà chùa cũng có nguyên do sâu xa. Nghe ông cụ Xuân, bố Hạ kể lại. Ngày xưa, khi ông Xuân mới phiêu bạt đến làng Sọ. Cậy có sức khỏe và táo tợn, ông Xuân chuyên bắt gà trộm chó. Bị tuần đinh bắt được đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Lúc bấy giờ sư cụ Vô Chấp làm trụ trì. Cụ thương tình đem về chùa phục thuốc cho khỏe, lại cho ăn cho uống. Khi Xuân lành lặn, sư cụ lại đứng ra bảo đảm, rồi nói với ông trưởng bạ con cụ hàng hương thu nạp làm người giúp việc. Có thế ông Xuân mới thành người lương thiện đàng hoàng. Rồi khi sư Vô úy bị bắt vào nhà tù “Đơ Bê”, ông Xuân kéo xe bò đưa cụ về chùa. Sư cụ Vô úy bảo rằng, ông Xuân có duyên với nhà Phật. Chưa hiểu ý nghĩa câu nói ấy ra sao, nhưng đến lúc chết, ông Xuân lại truyền lại câu nói ấy cho Hạ.
Trong con người Hạ có cái nghĩa hiệp anh hùng hảo hán của một tay giang hồ ngang dọc, đồng thời cả cái lương thiện của người cha do ảnh hưởng của sự từ bi và sự biết ơn để lại. Do đó, Hạ cứ nhớ mãi câu nói của sư Vô úy với cha mình: “Con rất có duyên với nhà Phật”. Hay có thể nói: Đất Việt vốn là xứ sở Phật giáo qua nhiều đời. Một con người, do một hạnh ngộ từ một kiếp nào đó, nên đã có sẵn những chủng tử tốt lành, nên bây giờ, dù mang một thân xác không hoàn thiện, chủng tử tốt lành đó cũng phát huy, để cho con người có thể tốt lành mà ta không thể ngờ được.
Vì không hiểu được tại sao Hạ lại từ chối đề nghị của mình, Hùng thốt lên: “Mẹ kiếp! Thằng này điên rồ rồi. Cả một đống tiền mà hắn dám chê”.
Dụ dỗ Hạ không được, dụ dỗ lũ tay chân của Hạ cũng không xong, Hùng đâm cáu kỉnh vì một vụ làm ăn đổ bể do một thằng du côn phố huyện. Hùng đã thử một kế hoạch khác, đưa đàn em từ Hà Nội về đột nhập chùa Sọ nhưng kế hoạch cũng thất bại nốt. Nhà chùa nghe phong thanh bọn trộm để ý đến chùa làng nên đã giấu kỹ những thứ quý giá có thể bị mất, trong đó có hai pho tượng Kim đồng, Ngọc nữ. Chẳng những thế, hai thằng kẻ trộm còn bị sư thầy Khoan Độ đánh cho mấy chưởng. May mà hai đứa thoát thân vì sư thầy không có ý định bắt sống.
Tức quá hóa không còn sáng suốt, Hùng quy hết tội cho Hạ. Hùng cho rằng Hạ đã báo cho nhà chùa, đã phản bội mình. Thực ra Hạ chỉ phản đối chuyện ăn trộm nhà chùa chứ không hề tố cáo bọn Hùng, nhưng Hùng nghĩ khác, hắn cho rằng phải diệt được Hạ thì mới có thể làm ăn được ở vùng này.
Một hôm, có mấy thanh niên vào cửa hàng sửa xe đạp. Trông thấy mấy thanh niên ăn mặc càn quấy, cử chỉ ngông nghênh bước vào, Hạ vẫn tỏ vẻ hòa nhã:
- Các anh chữa xe thế nào.
Thằng cầm đầu to con, húi cua, áo sơ mi hở ngực để lộ ra những hình xăm, nói năng gây gổ luôn:
- Tao muốn tìm một thằng đầu gấu phố huyện.
- Ở chỗ tôi, không có ai tên là đầu gấu phố huyện cả.
- À, tên nó là Hạ.
- Tên tôi là Hạ, nhưng không phải đầu gấu.
- Tên là Hạ à? Lại chữa xe đạp. Đúng là mày rồi.
Hạ đã lờ mờ hiểu chuyện. Thằng cầm đầu nói luôn:
- Chúng tao đến hỏi tội mày đây.
- Chúng tôi không biết các anh là ai. Làm sao có thể mắc tội với các anh.
- Mày mắc tội với người khác cơ. Nhưng nghe xong là tao lộn tiết lên rồi. Mày biết trong giới giang hồ, kẻ nào phản bội thì trời không dung đất không tha. Người ta làm ơn cho mày, mày chịu ơn người ta. Thế mà mày quay lại cắn ân nhân. Mày thử nghĩ xem, như thế liệu mày còn đáng sống nữa không? - Thằng cầm đầu nói một mạch về đạo nghĩa giang hồ rồi tuyên bố - Nếu mày biết tội thì tao cho con đường sống. Nếu mày quỳ xuống nhận tội và hứa xin lập công chuộc tội thì tao tha. Bằng không thì... Mày biết rồi đấy.
Hạ cũng tuyên bố:
- Tao chẳng có tội gì hết. Tao cũng biết chúng mày là ai rồi. Chúng mày tưởng dễ bắt nạt tao lắm hả. Chúng mày năm đứa chứ gì? Tao bóp chết.
Nói xong Hạ vớ lấy cái bơm rồi nhảy ra sân.
Một đứa kêu to:
- Coi chừng, thằng này có nghệ đấy.
- Nghệ với chả gừng. Hội đồng đi anh em ơi.
Năm thằng to con đã chuẩn bị sẵn những khúc tre xông tất cả lại đánh Hạ tới tấp. Hạ cũng vung cái bơm đánh lại. Hạ đã đá được hai thằng ngã sóng soài. Nhưng một con hổ làm sao địch nổi một đàn chó sói. Một lát sau Hạ bị dính đòn. Một cây gậy phang vào tay Hạ làm anh đau điếng, cái bơm bị tuột khỏi tay. Anh kịp định thần thì một cây gậy khác lia trúng ống chân. Hạ ngã xuống. Và lũ côn đồ xông tới đánh anh túi bụi. Hạ vội ôm gáy nằm co tròn lại. Nếu không có hàng phố ùa tới, chắc anh bị đánh đến chết.
Biết tiếng sư chùa Sọ trị thương giỏi, bọn đàn em liền khiêng Hạ đến nhà chùa. Sư Khoan Độ thuốc thang cứu chữa. Ông bảo:
- Tôi nghe nói vì cậu không vào hùa với bọn xấu làm hại nhà chùa nên bị chúng hành hung. Cậu tin tôi đi. Với tuổi trẻ và thể lực của cậu, cộng với thuốc thang của tôi, chỉ một tháng nữa, cậu sẽ hoàn toàn bình phục.
Rồi sư thầy nói thêm:
- Tôi phát nguyện cả đời mình bảo vệ nhà chùa. Tưởng chỉ có mình làm thế. Bây giờ lại thấy cậu đứng ra bảo vệ nhà chùa. Riêng mình đi một nhẽ, bởi vì mình đi tu. Tôi hỏi thật cậu nhé: Tại sao cậu bảo vệ nhà chùa?
Hạ im lặng hồi lâu, như để tìm hiểu bản thân mình, tìm hiểu vấn đề mà anh chưa hề bao giờ nghĩ tới. Cuối cùng mới nói:
- Thưa sư thầy, cũng không biết tại sao nữa. Nhưng con chắc là tại thầy con. Cha con lúc sống, cụ rất quý nhà chùa. Lúc con ở tù, ông cụ lên thăm còn dặn con rằng: “Đến lúc con ra tù thì chắc tao chẳng còn sống nữa. Nhưng nhớ lời tao dặn dù mày ngỗ nghịch thế nào, cũng không bao giờ được động đến nhà chùa”. Chắc là vì thế...
Sư Khoan Độ ngạc nhiên:
- Chứ không phải vì...
- Vì sao ạ?
- Người ta nói cậu làm thế là vì cô Nguyệt ở vườn chùa.
Hạ ngượng ngùng và chối đây đẩy.
- Dạ con đâu dám thế. Cô Nguyệt là con nuôi sư cụ. Con nghĩ cô ấy con công con phượng. Còn con thì... chẳng qua là kẻ tù tội trở về. Con chẳng dám đâu...
- Thế... Thế...
- Sự việc là như thế này... Có một hôm, cô Xim, vợ cũ của con đến cửa hàng xe đạp. Cô ấy thấy con thui thủi một mình, nghĩ thấy thương, muốn làm mối cho một đám... Con đã gạt phắt đi rồi... Tưởng câu chuyện đàn bà tầm phào ấy đã xong, đã dứt... nào ngờ lại đến tai nhà chùa... Thưa thầy, con mong nhà chùa xá lỗi cho con...
- Té ra là thế. Cái cô Xim vợ cũ của anh nghĩ ra cũng là người có tình có nghĩa đấy chứ. Mình yên phận rồi, lại muốn cho chồng cũ được như mình. Thế là cái tâm cô ấy lành hiền. Đừng tưởng cô ấy ngờ nghệch đâu. Anh không biết đấy thôi... Cô Xim đã giấu anh, đi vận động các bà vãi già đến chùa nói với sư cụ. Ngày xưa anh đi ở cho nhà bà trưởng bạ phải không nhỉ? Bây giờ bà ấy làm tổ trưởng tổ vãi già. Mà phải rồi... Anh đi tù vì bảo vệ gia đình ấy. Chả thế mà bà ấy khen anh: “Cậu ta có vẻ thô lỗ, nhưng thực ra người có tâm Bồ tát”. Nghe bà trưởng bạ xong, anh có biết sư cụ ta nói gì không?
- Dạ, làm sao con biết được.
- Nghe xong, sư cụ sai ta đi tìm hiểu về anh. Chính lúc ấy, anh bị bọn xấu hành hung. Ta bèn về kể lại sự tình đầu đuôi đúng như sự thật... Nào việc anh không chịu tố điêu cho ông trưởng bạ... Nào anh tức giận đốt nhà để chịu đi tù... Rồi cả chuyện anh không chịu tiếp tay cho bọn săn tìm đồ cổ... Nghe xong, sư cụ ta gật đầu mà rằng: “Thế đấy! Ta không nên bao giờ nhìn bề ngoài con người mà hấp tấp xét đoán. Nhà Phật có phép xem tướng gọi là tâm tướng. Không xem tướng bề ngoài mà xem tâm con người. Tâm thế nào thì hành động của con người như thế ấy. Cái tâm tà, thì dù che giấu thế nào, cuối cùng hành động cũng làm lộ ra cái tâm thật. Trong lúc người đời a dua với cái ác, trở nên bất nhân bất nghĩa thì anh ta lấy sự nhân nghĩa đối đãi với ông trưởng bạ. Trong lúc mọi người tê liệt, sợ sệt trước bạo tàn, thì anh ta ngẩng cao đầu, sừng sững mà đứng giữa trời. Trong lúc kẻ xấu dùng một đống tiền để dụ dỗ làm việc phi nghĩa, thì trước tiền bạc anh ta vẫn không lung lay. Như thế gọi là người có khí phách. Người như thế dù xấu xí, dù tướng mạo dữ dằn cũng không thể là người xấu. Nếu như cái Nguyệt nó bằng lòng thì ta cũng không ngăn cản... Anh chàng Hạ này là người có tâm”.
Hạ nghe xong lời kết luận của sư cụ Vô úy tưởng như mình nằm mơ. Lời nhận xét của hòa thượng làm anh vô cùng sung sướng. Dù không lấy được cô Nguyệt thì chỉ với lời nhận xét ấy, cũng đã cho anh sống suốt đời một cách an tâm. Người đời dè bỉu anh là kẻ tù tội trở về. Có người muốn dìm anh xuống bùn đen, thì câu nói của sư cụ đã như những cánh tay nâng anh dậy. Có người muốn anh đắm chìm trong bùn lầy, thì sư cụ khẳng định anh là một con người lương thiện. Những ngày ấy là những ngày tái sinh của Hạ. Tái sinh cả xác lẫn hồn.
Công cuộc tái sinh ấy càng trọn vẹn, khi Nguyệt nghe lời cụ Vô Úy, bằng lòng lấy Hạ.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa