Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Nên Hay Không Nên
ến lập cư ở đây đầu tiên là người Rugi, người Goth và người Gepide, rồi đến người Kashubes mà Oskar là hậu duệ trực hệ. Ít lâu sau, người Ba Lan phái Adalbert thành Praha đến. Ông này mang Thánh Gía tới và bị người Kashubes hay người Borussia dùng rìu giết chết. Chuyện đó xẩy ra ở một làng chài tên là Gyddanyze. Gyddanyze trỏ thành Danczig, rồi Dantzig, sau này trên văn tự bỏ chữ t đi và hiện nay, thành phố này tên là Gdansk.
Nhưng trước khi đi tới sự điều chỉnh chính tả như vậy và kế theo người Kashubes, các quận công của Pomerelia đã tới Gyddanyse. Họ mang những cái tên như Subislaus, Sambor, Mestwin và Swantopolk. Ngôi làng trở thành một thị trấn. Rồi những người Borussia đến, chỉ chăm chăm cướp phá. Rồi những người Brandenburg từ xa đến, cũng ham cướp phá. Boleslaw người Ba Lan góp phần mình theo tinh thần ấy và những tổn hại vừa được sửa chữa thì các Hiệp sĩ Tơ-tông lại nhảy vào thực hiện truyền thống lâu đời.
Nhiều thế kỷ trôi qua. Thành phố trải mọi trầm luân, hết phá huỷ lại tái thiết, lần lượt qua tay các quận công Pomerelia, các đại gia dòng Tơ-tông các quân vương và phản-quân vương của Ba Lan, các bá tước của Brandenburg và các giám mục của Wloclawek. Những người điều hành việc xây và phá tên là Otto và Waldemar, Bogossa, Heinrich von Plotzke - và Dietrich von Altenberg, ông này xây tại chỗ pháo đài của các Hiệp sĩ Tơ-tông sau trở thành Quảng trưởng Hevelius, nơi vào thế kỷ hai mươi, có những người cố thủ Sở Bưu Chính Ba Lan.
Những người Hussite đến, đốt vài điểm đây đó rồi đi. Các Hiệp sĩ Tơ-tông bị đánh bật khỏi thành phố và pháo đài bị triệt phá vì dân chúng đã chán ngấy sự hiện diện của một pháo đài giữa thành phố của mình. Người Ba Lan tiếp quản và mọi sự không vì thế mà xấu đi. Ông vua đạt được kết quả đó là Kazimierz, mang danh hiệu Đại Đế, con trai của Wladyslaw Đệ Nhất. Rồi đến Louis của Huhggari và sau Louis là con gái ông, Jadwlga. Nàng lấy Jagello của Litva, người sáng lập triều đại Jagellon. Sau Wladyslaw II đến Wladyslaw III, rồi một Kazimierz khác; ông này thiếu nhiệt huyết thỏa đáng, tuy nhiên trong mười ba năm trường, đã vung phí tiền bạc quý giá của các thương gia Danzig để tiến hành chiến tranh với các Hiệp sĩ Tơ-tông. Mặt khác, Jean Albert phải để mắt hơn đến bọn Thổ. Kế vị Alexander là Zygmunt starý, hay còn gọi là Sigsmund-gà. Trong giáo trình dậy sử, sau chương về Sigsmund Augustus, là chương về Stefan Batory mà người Ba Lan thường thích lấy tên đặt cho các tàu xuyên đại dương của mình, ông này bao vây và nã đại bác vào thành phố trong bao lâu có trời biết - xem sách giáo khoa - mà vẫn không chiếm được. Rồi đến người 'Thuỵ Điển cũng vậy. Họ đâm khoái bao vây thành phố này đến nỗi họ lặp đi lặp lại vở đó nhiều lần nữa. Cùng thời gian ấy, Vịnh Danzig cũng trở nên rất nổi tiếng đối với người Hà Lan, người Đan Mạch và người Anh, và một số trong những thuyền trưởng các nước ấy trở thành anh hùng biển cả chỉ vì đã tuần tiễu quanh vùng Danzig.
Sự yên bình của Oliva. Cái âm hưởng mới ngọt ngào và thanh bình làm sao! Các cường quốc lần đầu tiên chợt nhận ra rằng đất Ba Lan phù hợp tuyệt vời với việc chia cắt. Thuỵ Điển, Thuỵ Điển, lại Thuỵ Điển - công sự Thuỵ Điển, rượu punch Thuỵ Điển, giá treo cổ Thuỵ Điển. Rồi người Nga và người Xắc-xông kéo đến vì Stanislaw Leszczynski, ông vua Ba Lan tội nghiệp trốn trong thành phố. Vì mỗi một ông vua này, một nghìn tám trăm ngôi nhà đã bị phá huỷ và khi Leszczynski tội nghiệp trốn sang Pháp vì con rể Louis của ông sống ở đó, thì nhân dân Danzig phải ho ra một triệu bạc.
Rồi Ba Lan bị chia ba. Người Phổ không mời mà đến; trên tất cả các cổng thành, họ vẽ con chim biểu trưng của họ đè lên con đại bàng Ba Lan. Nhà giáo dục Johannes Palk vừa kịp viết bài hát Nô-en nổi tiếng "O Du frohliche (Ôi đêm vui vẻ)"... thì người Pháp xuất hiện. Tướng của Napoleon tên là Rapp và sau một cuộc bao vây khốn khổ, nhân dân Danzig phải vét cho đủ hai mươi triệu franc nộp cho ông ta. Thời kỳ Pháp chiếm đóng thật khủng khiếp, điều đó khỏi phải nghi ngờ, song chỉ kéo dài có bảy năm. Rồi người Nga và người Phổ đến, nã pháo đốt cháy Đảo Kho. Đây là sự cáo chung của Bang Tự Do mà Napoléon đã mơ tưởng. Một lần nữa, người Phổ lại có dịp vẽ con chim của mình lên tất cả các cổng thành. Sau khi làm vậy với tất cả tính triệt để đặc thù Phổ, họ tiến hành lập một doanh trại đồn trú cho Trung doàn Bộ binh 4, Lữ đoàn Pháo binh 1, Tiểu đoàn Gông binh 1 và Trung đoàn Khinh ky-Cận vệ 1. Trung đoàn Bộ binh 30, Trung đoàn Bộ Binh 18, Trung đoàn Bộ binh Cận vệ 3, Trung đoàn Bộ binh 44 và Trung đoàn Khinh binh 33 chỉ thi thoảng mới đồn trú ở thành phố và không bao giờ đóng lâu. Nhưng Trung đoàn Bộ binh 138 khét tiếng thì mãi đến năm 1920 mới rời đi. Để cho trọn vẹn, có lẽ cũng nên nhắc thêm rằng trong thời kỳ Phổ chiếm đóng, Lữ đoàn Pháo binh 1 đã phình ra, bao gồm thêm Tiểu đoàn Pháo binh Pháo đài 1, Tiểu đoàn Bộ binh 2, Trung đoàn Pháo binh Đông Phổ và Trung đoàn Pháo-bộ Pomerania 2, về sau thay bằng Trung đoàn Pháo-Bộ Đông Phổ 16. Kế tục Trung đoàn Khinh kỵ-Cận vệ 1 là Trung đoàn Khinh kỵ-Cận vệ 2. Trung đoàn Uhlan 8 chỉ ở nội thành một thời gian ngắn, còn Tiểu đoàn Hậu cần Đông Phổ 17 thì đóng bên ngoài, ở khu ngoại ô Langfuhr.
Vào thời Burckhardt, Rauschning và Greiser, đại diện cho chính quyền Đức ở Bang Tự Do, chỉ có cảnh sát an ninh vận đồng phục xanh. Dưới thời Forster, năm 1939, điều đó đã thay đổi. Các doanh trại xây bằng gạch đầy những chàng trai trẻ vui tươi vận quân phục tung hứng với đủ mọi loại vũ khí. Chúng tôi có thể tiếp tục liệt kê tất cả các đơn vị đã đóng quân ỏ Danzig và vùng lân cận từ 1939 đến 1945 hoặc đã được chở bằng tàu biển từ Danzig đến mặt trận Bắc cực. Nhưng Oskar miễn cho quý vị khỏi mất thì giờ và chả xin nói nói gọn thế này: sau đó, như quý vị đã thấy, Nguyên soái Rokossovski đến. Thấy thành phố vẫn còn nguyên vẹn, ông nhớ tới những vĩ nhân quốc tế đi trước mình và đốt cháy tòan bộ bằng pháo kích để những kẻ đến sau có thể tiêu năng lượng dư thừa vào việc xây dựng lại.
Lạ thay, lần này, kế sau người Nga, không phải là người Phổ, Thuỵ Điển, hay Xắc-xông, cũng không phải người Pháp, mà là người Ba Lan.
Người Ba Lan đến với tay nải, lạc đà từ Vilna, Byalistok và Lwow, tất cả đều tìm kiếm chỗ ở. Đến khu chung cư của chúng tôi, là một ông tên gọi Fajngold; ông ta chỉ có một mình trên đời nhưng lại làm như xung quanh có cả một gia đình lớn không thể thiếu sự bảo ban của ông đến một phút, ông Fajngold lập tức tiếp quản cửa hàng tạp hóa và bắt đầu chỉ cho bà vợ Luba (nào có ai trông hoặc nghe thấy bà này) mọi thứ: cái cân, thùng dầu hoả, cái dóng bằng đồng để treo xúc-xích, cái ngăn kéo đựng tiền rỗng không và (tới đây, niềm phấn khởi dâng lên tột độ) dự trữ lương thực thực phẩm dưới hầm. Ông thuê Maria làm nhân viên bán hàng và bằng rất nhiều lời, giới thiệu nàng với bà Luba tưởng tượng của ông; đến đây, Maria chỉ cho ông Fajngold thấy Matzerath của chúng tôi ba ngày nay vẫn nằm trên sàn hầm, phủ một tấm vải bạt. Chúng tôi không chôn ông được vì phố xá nhan nhản những người Nga hau háu kiếm xe đạp, máy khâu và đàn bà.
Khi ông Fajngold trông thấy cái xác, mà chứng tôi đã lật ngửa lên, ông chắp hai tay lên trán một cách biểu cảm như Oskar đã thấy bác Sigismund Markus bán đồ chơi từng làm nhiều năm về trước. Ông gọi không chi riêng bà vợ Luba, mà cả gia đình xuống hầm và rõ ràng là ông thấy cả bọn họ tới vì ông xướng tên từng người một: Luba, Lev, Jakub, Berek, Leon, Mendel và Sonya, ông nói cho cả bọn biết người nằm chết là ai sau đó kể cho bọn tôi là tất cả những người ông vừa gọi cũng như cô em vợ ông cùng anh chồng cô ta (ông này có năm đứa con), đều đã nằm như thế trước khi được đưa vào lò thiêu Treblinka, và tất cả bọn họ đã nằm đó - trừ ông vì ông có nhiệm vụ phải rắc vôi bột lên họ.
Rồi ông giúp bọn tôi khiêng Matzerath lên cửa hàng, cả gia đình lại vây quanh ông và ông đề nghị bà vợ Luba giúp Maria rửa ráy xác chết. Bà ta không đụng đậy đến một ngón tay, nhưng ông Fajngold đâu có thấy vì lúc này ông đang chuyển hàng dự trữ lên cửa hàng. Lần này, Lina Greff, người đã làm việc rửa ráy cho Mamăng Truczinski, không có mặt để giúp chúng tôi; bà ta có khách Nga đầy nhà và chúng tôi nghe thấy bà đang hát.
Già Heilandt, ngay từ những ngày đầu chiếm đóng, đã kiếm được việc làm với tư cách là thợ đóng giày. Ông đang bận đóng lại đế cho những đôi ủng đã mòn vẹt trong cuộc tiến quân cấp tốc của quân Nga và thoạt đầu không muốn đóng áo quan cho chúng tôi. Nhưng sau khi ông Fajngold đi đến một thỏa thuận với ông - thuốc lá Derby ở cửa hàng chúng tôi đổi lấy một động cơ điện ở lán của ông - thì ông lão tạm gác những chiếc ủng và xách đồ nghề cùng những mảnh ván hòm cuối cùng của mình.
Dạo ấy - cho đến khi chúng tôi bị đuổi khỏi đó và được ông Fajngold trả lại căn hầm - chúng tôi ở tạm căn hộ của Mamăng Truczinski đã bị hàng xóm và những người nhập cư Ba Lan vơ vét sạch. Già Heilandt tháo cánh cửa giữa bếp và phòng khách ra khỏi bản lề vì cánh cửa giữa phòng khách và phòng ngủ đã được dùng để đóng quan tài cho Mamăng Truczinski. Dưới sân, ông vừa hút thuốc lá Derby vừa làm việc. Chúng tôi ở lại trên gác. Tôi lấy chiếc ghế duy nhất còn lại trong căn hộ và trèo lên, đẩy cánh cửa sổ vỡ kính ra. Tôi lấy làm buồn thấy ông già chẳng hề gắng công mà chỉ đóng qua quít một cái hòm thô sơ hình chữ nhật không vát ở dưới chân như những cỗ áo quan tự trọng.
Oskar không thấy lại Matzerath nữa, vì khi cái hòm được đặt lên chiếc xe ba-gác của bà goá Greff thì những nắp ván có dòng chữ Vitello Margarine đã được đậy xuống và đóng đinh, mặc dù, sinh thời, Matzerath chẳng những không ăn mác-ga-rin mà còn không thèm dùng để nấu nữa kia.
Maria đề nghị ông Fajngold đi cùng chúng tôi; nàng sợ đám lính Nga ngoài phố. Fajngold đang ngồi xếp bằng trên quầy, ăn mật ong tổng hợp, mới đầu tỏ ý e ngại; ông sợ Luba phản đối nhưng rồi có vẻ như bà vợ đã cho phép, vì ông tụt xuống khỏi quầy và cho tôi chỗ mật ong còn lại. Tôi nhường cho Kurt và nó tắc lẻm hết trong khi Maria giúp ông Fajngold xỏ tay vào chiếc áo măng-tô đen cổ lông thỏ xám. Trước khi đóng cửa hàng và dặn vợ không được mở cửa cho ai hết, ông chụp lên đầu một cái mũ cao thành quá nhỏ đối với ông mà Matzerath thường đội trong các đám cưới và đám tang.
Già Heilandt không chịu kéo chiếc xe ba-gác đến tận nghĩa trang thành phố. Ông không có thì giờ, ông nói, ông còn bao nhiêu ủng phải chữa. Đến Quảng trường Max-Halbe với những đống đổ nát còn âm ỉ bốc khói, ông rẽ trái vào Brỏsener-Weg và tôi đoán là ông đi về hướng Saspe. Lính Nga ngồi bên ngoài những ngôi nhà dưới nắng tháng hai yếu ớt, chọn lựa trong mớ đồng hồ đeo tay và đồng hồ quả quýt, lấy cát đánh bóng những cùi-dìa bạc, thử xem có thể dùng xú-chiêng làm khẩu trang được không; một số tập làm xiếc với xe đạp, dựng một đường đua vượt chướng ngại vật tạo nên bằng đủ thứ: tranh sơn dầu, đồng hồ quả lắc cỡ lớn, bồn tắm, ra-đi-ô, giá treo quần áo. Được hoan hô nồng nhiệt vì tài khéo léo, họ biểu diễn vừa lượn hình số 8, hình xoắn, đường trôn ốc, vừa tránh những xe nôi trẻ con, đèn chùm, những thứ này được ném ra từ trước từ những cửa sổ. Khi chúng tôi đi qua, họ dừng trò chơi lại mấy giây. Một số lính khoác áo thụng mặc trong nhà của phụ nữ bên ngoài quân phục, giúp chúng tôi đẩy xe và định, buông lời tán tỉnh Maria, nhưng bị ông Fajngold chỉnh liền - ông nói được tiếng Nga và có giấy thông hành chính thức. Một gã lính đội mũ phụ nữ cho chúng tôi một cái lồng chim trong có một con vẹt xanh đang đậu. Kurt, lon ton bên cạnh xe, định nhổ lông nó. Sợ, không dám từ chối món quà, Maria nhấc cái lồng ra khỏi tầm tay của Kurt và đưa cho tôi đang ngồi trên xe. Oskar, lúc này chẳng có bụng dạ nào chơi vẹt, đặt nó lên cái hòm mác-ga-rin kéo dài của Matzerath. Tôi ngồi mé sau xe, đu đưa chân và nhìn vào những nếp nhăn trên bộ mặt lầm lầm, đăm chiêu của ông Fajngold; có vẻ như ông đang nghĩ cách giải quyết một vấn đề phức tạp mà không ra.
Tôi gõ vài nhịp trống linh họat nhằm xua tan những suy nghi u ám của ông Fajngold. Nhưng vẻ mặt ông vẫn không thay đổi, mắt nhìn tận dâu, có lẽ tận Galicia xa xăm, không thấy cái trống của tôi. Oskar bỏ cuộc và sau đó, chẳng có âm thanh nào khác ngoài tiếng khóc của Maria và tiếng bánh xe lọc cọc.
Quả là một mùa đông dịu nhẹ, tôi nghĩ thầm khi chúng tôi đã bỏ những ngôi nhà cuối cùng của Langfuhr lại sau lưng. Tôi cũng hơi để mắt đến con vẹt xanh đang rỉa lông làm dáng khi thấy mặt trời chiều trên sân bay.
Sân bay có lính gác, đường đi Brösen bị chắn. Mọt sĩ quan nói chuyện với ông Fajngold; ông này, trong suốt cuộc trao đổi, cầm chiếc mũ cao thành trong tay, để mái tóc hung hung lưa thưa phất phơ trong gió. Sau khi vỗ vỗ lên cái hòm của Matzerath một lúc như để xác định chắc chắn về vật chứa trong đó và thọc ngón tay cù nôn con vẹt xanh, viên sĩ quan cho chúng tôi qua, nhưng giao cho hai gã chắc chưa quá mười sáu tuổi đối mũ quá nhỏ và mang tiểu liên quá lớn đối với chúng, tháp tùng chúng tôi, có lẽ là để bảo vệ, mà cũng có lẽ để giám sát chúng tôi.
Già Heilandt kéo, không ngoái lại lấy một lần. Ông có cái mẹo châm thuốc bằng một tay, không cần hãm chậm xe lại. Máy bay lượn trên đầu, tiếng động cơ nghe rất rõ vì bấy giờ vào quãng cuối tháng hai hay đầu tháng ba gì đó. Chỉ có vài đám mây lân la đến gần mặt trời, dần dần ửng đỏ. Những máy bay oanh tạc hướng về Hela, hoặc từ bán đảo Hela trở về, vì ở đó, tàn quân của Quân đoàn II vẫn đang cố thủ.
Thời tiết và tiếng máy bay vè vè làm tôi thấy buồn buồn. Không có gì buồn tẻ đến phát ngấy như một bầu trời tháng ba không mây, đầy tiếng động cơ máy bay rộ lên rồi lại lắng xuống.Tệ hơn nữa, hai chú lính nhóc Nga cứ ra sức đi đều bước mà không được.
Có lẽ vài lát gỗ của cỗ quan tài đóng vội đã long ra trong khi xe lọc cọc hết quãng đường đá lại đến đường nhựa đầy ổ gà. Chúng tôi đi ngược gió và như quý vị đã thấy, tôi ngồi đằng sau xe. Dù sao đi nữa, cũng sực mùi xác Matzerath và Oskar nhẹ cả người khi chúng tôi tới Saspe.
Chúng tôi không thể đưa xe đến tận cổng sắt vì một quãng ngắn trước khi đến nghĩa trang, đường bị nghẽn bởi cái xác cháy thui của một xe tăng T- 34. Những xe tăng khác, trên đường đến Neufahrwasser buộc phải đi vòng tránh nó, đã để lại vết bánh xích trên cát mé bên trái xa lộ, san bằng một mảng tường nghĩa trang, ông Fajngold đề nghị già Heilandt đi sau. Họ khiêng chiếc quan tài hoi bị võng xuống ở giữa dọc theo vết bánh xích xe tăng, chật vật vượt qua đống đá mới đây còn là tường nghĩa trang và cuối cùng, dồn nốt sức lực bước đi giữa những tấm bia mộ xiêu vẹo hoặc đổ hắn. Già Heilandt rít lấy rít để điếu thuốc và nhả khói trên cỗ quan tài. Tôi xách cái lồng vẹt. Maria kéo hai cái xẻng đằng sau. Bé Kurt cầm, hay đúng hơn, vung một cái cuốc chim, liều mạng tấn công những bia mộ bằng gra-nít xám cho đến khi Maria giằng khỏi tay nó để giúp cánh đàn ông đào huyệt.
May sao đất ở đây là đất cát và không bị đông cứng, tôi tự nhủ trong khi rời đi tìm mộ Jan Bronski đằng sau bức tường phía bắc. Chắc là đây, tôi nghĩ, hay có lẽ kia. Tôi không dám chắc vì các mùa thay đổi đã biến lớp vôi trắng làm chuẩn thành một màu xám long lỗ như mọi bức tường ở Saspe.
Tôi trở vào qua cửa sau, ngước nhìn những cây thông quắt queo. Vậy là người ta đang chôn Matzerath, tôi nghĩ, để khỏi nghĩ sang một điều gì không phù hợp. Và tôi thấy cái hoàn cảnh này chí ít cũng có một ý nghĩa nào đó: hai người bạn xì-cạt Bronski và Matzerath cùng nằm ở một khoảnh đất cát, tuy rằng mẹ tội nghiệp của tôi không có ở đây để bầu bạn cùng họ.
Những đám tang bao giờ cũng nhắc ta nhớ đến những đám tang khác.
Đất cát chống cự lại, có lẽ nó đòi hỏi những phu đào huyệt giàu kinh nghiệm hơn. Maria nghỉ tay, hổn hển dựa lên cán cuốc, và lại bắt đầu khóc khi nhìn thấy Kurt ném đá vào con vẹt xanh trong lồng. Kurt ném trượt, nó nhằm quá xa. Maria khóc rất to và hết sức thành thật bởi vì nàng đã mất Matzerath, bởi vì nàng thấy ở Matzerath một cái gì đó mà tôi nghĩ là không hề có nơi ông nhưng đối với nàng, từ nay nó vẫn là có thật và đáng yêu. Ông Fajngold nói một vài lời an ủi, tiện thể nghỉ một lát vì công việc đào đất là quá sức đối với ông. Già Heilandt múa xẻng với sự dẻo dai đều đặn của một người tìm vàng, hất đất ra đằng sau và thở khói thuốc cũng theo nhịp đều đặn như thế. Hai gã nhóc Nga ngồi chồm chỗm trên tường nghĩa trang cách chúng tôi mấy bước, chuyện gẫu trong gió. Trên đầu, máy bay và một mặt trời mỗi lúc một chín nẫu.
Họ đã đào được khoảng một mét sâu. Oskar đứng nhàn rỗi và bối rối giữa đám gra-nít già cỗi, giữa đám thông còi cọc, giữa vợ goá của Matzerath và một thằng bé Kurt ném đá nhằm một con vẹt xanh.
Tôi có nên hay không nhĩ? Mày sắp tròn hai mốt tuổi rồi, Oskar. Mày có nên hay không? Mày là đứa mồ côi. Thực ra, mày nên đấy, đã đến lúc rồi. Khi mẹ tội nghiệp của mày chết, mày mới mồ côi một nửa. Đó là lúc mà đáng ra mày đã phải quyết định rồi. Sau đó, người ta đặt Jan, ông bố giả định của mày dưới một lớp đất, khiến mày thành một đứa mồ côi coi như là toàn phần. Mày đứng đó, trên khu đất cát tên là Saspe này, tay cầm một cái vỏ đạn hơi bị oxy hóa. Trời mưa và một chiếc máy bay Ju- 52 đang sắp sửa hạ cánh. Phải chăng câu hỏi "Tôi có nên hay không?" đã văng vẳng lên từ lúc ấy, nếu không phải trong tiếng mưa thì là trong tiếng ầm ì của chiếc máy bay vận tải đang hạ cánh? Mày tự nhủ: đó là tiếng mưa, đó là tiếng động cơ máy bay; những diễn giải thiếu cảm xúc kiểu ấy, mày có thể đưa vào bất kỳ một bài văn nào tuỳ thích. Mày muốn mọi thứ phải hoàn toàn rõ ràng chứ không chỉ ở mức giả định.
Tôi có nên hay không? Gìơ đây, người ta đang đào một cái lỗ cho Matzerath, ông bố giả định thứ hai của mày. Theo chỗ mày biết, thì mày không còn ông bố giả định nào khác. Vậy thì tại sao mày vẫn cứ tung hứng mãi với hai cái chai màu xanh chai tôi-có-nên-hay-không ấy? Còn có ai khác nữa mà hỏi? Những cây thông còi kia ư? Chính chúng cũng đang tự vấn tại sao chúng tồn tại.
Tôi chợt thấy một cây thánh giá gầy guộc bằng gang với những nét trang trí sứt sẹo và dòng chữ sét gỉ: Mathilde Kunkel hay Runkel gì đó. Bấy giờ tôi lại thấy trên cát giữa đám cỏ ké và yến mạch dại (tôi có nên hay không nhỉ?) ba, bốn vòng hoa kim loại gỉ nát (nên chăng?), cỡ chừng bằng cái đĩa ăn, hồi xưa chắc là hình lá sồi hay nguyệt quế (hay không nên?), tôi nhặt lên, nhấc nhấc thử trên tay (nên?), nhằm cây thánh giá gang (không nên?), đường kính của nó chắc độ hơn ba xăng-ti-mét (nên?), tôi đứng cách ra khoảng hai mét và ném (không nên?), trượt rồi (có nên thử lại không?) cây thánh giá hơi nghiêng quá (nên?) Mathilde Kunkel hay Runkel? (tôi có nên không Kunkel, tôi có nên không Runkel?) Đây là cú thứ sáu, tôi tự cho phép mình ném bảy lần cơ mà, sáu lần không nên và bây giờ là bảy - nên, vòng hoa đã móc vào thánh giá - nên - tôi đã quàng vòng hoa lên cổ Mathilde - nên - vòng nguyệt quế cho Fraulein Mathilde - tôi có nên không? tôi hỏi Frau Mathilde - nên, Mathilde trả lời, cô chết trẻ, ở tuổi hai mươi bảy, và sinh năm 18. Còn tôi, tôi đang tuổi hai mốt thì với cú ném thứ bảy thành công, vấn đề của tôi - nên hay không nên? - đã được đơn giản hoá, biến thành một tiếng " Nên!" đắc thắng, được chứng minh, được trao vòng nguyệt quế.
Trong khi Oskar, với tiếng " Nên!" mới trên đầu lưỡi và trong tim, đang quay trở về với những người đào huyệt, thì con vẹt quác lên một tiếng và rụng liền mấy cái lông vàng-xanh vì một viên đá của Kurt đã trúng đích. Tôi tự hỏi không biết câu hỏi gì đã thôi thúc con trai tôi ném đá vào một con vẹt cho đến khi, rốt cuộc, một cú trúng đích mang lại cho nó câu trả lời.
Họ đã chuyển cái hòm đến mép huyệt lúc này sâu khoảng một mét hai. Già Heilandt đang vội nhưng vẫn phải chờ Maria đọc xong những lời cầu nguỵên chính giáo của mình trong khi ông Fajngold đứng chắp chiếc mũ cao thành lên ngực, mắt nhìn tận Galicia. Kurt cũng đến gần. Sau phát trúng hồng tâm, hẳn nó đã đi đến một quyết định; nó tiến lại gần huyệt vì những lý do riêng của mình, nhưng cũng kiên quyết không kém Oskar.
Sự thấp thỏm giày vò tôi. Con trai tôi đã quyết định theo họăc chống một điều gì đó. Phải chăng cuối cùng, nó đã quyết định công nhận và yêu tôi như người cha đích thực duy nhất của nó? Phải chăng nó đã quyết định - quá muộn! - đồng ý nhận cái trống? Hoặc giả phán quyết của nó là: ông bố giả định Oskar của tôi phải chết vì tội đã giết ông bố hờ Matzerath của tôi bằng cái huy hiệu Đảng vì lý do duy nhất là vì nó đã chán ngấy các ông bố nói chung? Có lẽ cả nó nữa cũng không thể biểu hiện mối tình thương mến thơ dại đáng ao ước giữa cha và con bằng cách nào khác ngoài hành động giết người.
Trong khi già Heilandt hạ - hay đúng hơn là quăng - xuống huyệt cái hòm đựng Matzerath với cái huy hiệu Đảng trong khí quản và cả một băng đạn tiểu liên Nga trong bụng, thì Oskar tự thú nhận với mình rằng gã đã cố tình giết Matzerath bởi vì rất có thể Matzerath không phải chỉ là bố hờ mà là bố thực của gã; cũng bởi vì gã đã chán cái nỗi cứ phải kéo lê một ông bố theo mình suốt cuộc đời.
Vậy, không đúng là cái ghim cài đã bật mở khi tôi nhặt chiếc huy hiệu từ dưới sàn hầm lên. Nó đã được mở trong nắm tay của tôi. Tôi đã chuyển cái hình thoi lỗm chỗm gai nhọn ấy cho Matzerath với mục đích là để bọn lính Nga thấy chiếc huy hiệu trên người ông, để ông phải bỏ Đảng vào mồm và chết hóc vì thế - hóc Đảng, hóc tôi, con trai ông; bởi lẽ cái tình thế này không thể cứ tiếp tục mãi.
Già Heilandt bắt đầu lấy xẻng xúc đất. Kurt giúp ông, vụng về nhưng hăng hái. Tôi chưa bao giờ yêu Matzerath. Thi thoảng, tôi có thích ông. Ông chăm sóc tôi, nhưng với tư cách một đầu bếp hơn là một người cha. Ông là một đầu bếp giỏi. Nếu ngày nay tôi có nhớ ông là nhớ những món ăn ông làm - món viên bột hấp Königsberg, món cật lợn nấu dấm, món cá chép với kem và củ cải ngựa, món xúp lươn, món sườn với dưa cải bắp và những món quay ngày chủ nhật mà tôi còn có thể cảm thấy trên đầu lưỡi và giữa hai hàm răng... Họ quên không bỏ một cái muôi nấu bếp vào quan tài của con người biết biến tình cảm thành xúp này. Họ cũng quên không bỏ vào một cỗ bài xì-cạt luôn thể. Ông nấu bếp giỏi hơn chơi xì-cạt. Tuy nhiên, ông chơi vẫn khá hơn Jan Bronski và gần bằng mẹ tội nghiệp của tôi. Tài thiên bẩm của ông là thế, bi kịch của ông là thế. TôI không bao giờ có thể tha thứ cho ông về tội đã cướp đi Maria của tôi, mặc dù ông đối xử với nàng rất tốt, không bao giờ đánh nàng, và thường nhượng bộ khi nàng gây chuyện cãi cọ. Ông không giao tôi cho Bộ Y Tế và chỉ ký và tờ đơn sau khi bưu điện ngừng chạy thư. Khi tôi ra đời dưới những bóng đèn điện, ông đã tính hướng tôi vào nghiệp buôn bán.
Để tránh khỏi phải đứng sau một quầy hàng, Oskar đã đứng hơn mười bảy năm sau khoảng một trăm cái trống đồ chơi trẻ con sơn đỏ-trắng. Bây giờ Matzerath nằm bẹp đó không đứng được nữa. Già Heilandt vừa hút thuốc lá Derby của Matzerath vừa xúc đất phủ lên Matzerath. Lẽ ra Oskar phải kế tục quản lý cửa hàng. Nhưng ông Fajngold đã tiếp quản cửa hàng cùng cái gia đình lớn vô hình của ông từ lâu rồi. Tôi thừa kế phần còn lại: Maria, Kurt và trách nhiệm đối với cả hai.
Maria vần đang khóc một cách chân chính và cầu nguyện theo cách thức chính giáo, ông Fajngold còn đang nán lại Galicia hoặc đang giải quyết một bài toán hắc búa nào đấy. Kurt đã thấm mệt nhưng vẫn xúc. Hai gã nhóc Nga ngồi trên tường nghĩa trang tán róc. Một cách đều đặn lầm lũi, già Heilandt xúc đất cát của Saspe phủ lên cỗ quan tài làm bằng hòm mác-ga-rin. Oskar còn kịp trông tháy ba chữ cái của Vitella. Đến đây, gã tháo cái trống ra khỏi cổ, không nói "Tôi có nên hay không?" nữa mà "Cần phải thế" và ném cái trống vào một chỗ lớp đất phủ đã đủ dày để dìm bớt tiếng kêu. Tôi cũng ném luôn cả cặp dùi xuống. Chúng cắm vào lớp đất tơi. Đó là cái trống từ thời kỳ Quét Bụi, cái cuối cùng trong số trống Bebra cho tôi. Không hiểu Sư Phụ sẽ nghĩ sao về quyết định của tôi? Jêxu đã đánh cái trống này cũng như một gã lính Nga với lỗ chân lông to tướng và thân hình như hộ pháp. Nó chẳng còn được mấy nả. Nhưng khi một xẻng đất trút lên mặt trống, nó vẫn kêu. Đến xẻng thứ hai, nó vẫn thì thùng. Đến xẻng thứ ba thì im bặt, chỉ phô ra chút sơn trắng chẳng mấy chốc cũng bị lấp nốt. Đất cát chất chồng lên cái trống của tôi, cao dần, lớn dần - và tôi cũng bắt đầu lớn, mà triệu chứng là một cơn đổ máu cam dữ dội.
Kurt là người đấu tiên thấy máu. "Anh ấy chảy máu, anh ấy chảy máu," nó la lên, gọi ông Fajngold từ Galicia trở về, gọi Maria ra khỏi lời cầu nguyện và thậm chí khiến cả hai gã Nga từ nãy vẫn ngồi trên tường chuyện tếu về hướng Brösen cũng phải ngoảnh lại nhìn với một thoáng sợ hãi.
Già Heilandt buông xẻng xuống, cầm lấy cái cuốc và ngả gáy tôi dựa vào lưỡi thép xanh đen. Kim khí lạnh tạo ra hiệu quả mong muốn. Máu bắt đầu cầm. Già Heilandt quay lại với công việc xúc đất của mình. Hãy còn một chút đất bên cạnh huyệt khi máu cầm hắn, nhưng quá trình lớn lên vẫn tiếp tục như tôi có thể nhận thấy qua những tiếng ì ầm, rào rạo, răng rắc bên trong tôi.
Khi ông già Heilandt đã lấp xong mộ, ông lấy một cây thánh giá gỗ mọt ruỗng không khắc tên tuổi gì từ một ngôi mồ gần đó, cắm lên nấm đất mới, vào quãng giữa đầu Matzerath và cái trống vừa bị vùi của tôi. "Thế là xong!" ông già nói và xốc Oskar lúc này chưa đi được lên tay. ông bế tôi dẫn đầu mọi người, kể cả hai gã thiếu niên Nga mang tiểu liên, ra khỏi nghĩa trang, qua bức tường đổ, dọc theo vết bánh xích xe tăng đến chiếc xe ba-gác trên đường cái lớn. Tôi ngoái qua vai nhìn về phía nghĩa trang. Maria mang cái lồng với con vẹt xanh, ông Fajngold mang dụng cụ, Kurt không mang gì, hai chú lính Nga mang mũ quá nhỏ và tiểu liên quá lớn đối với chúng và những cây thông còi quằn xuống vì mang quá nhiều.
Hết đoạn đất cát đến đường nhựa vẫn bị chiếc xe tăng cháy chắn ngang. Ngồi trên xe tăng là Leo Schugger. Trên cao, những chiếc máy bay từ Hela về và bay đi Hela. Leo Schugger rất cẩn thận không để đôi găng trắng của mình bị nhuốm đen bởi chiếc T-34 cháy thui. Gĩưa những đám mây xốp nhô, mặt trời xuống dần trên Tháp Núi gần Zoppot. Leo Schugger tụt xuống khỏi xe tăng và đứng rất thẳng.
Trông thấy Leo Schugger, già Heilandt cười rộ. "Thật là chưa từng thấy! Thế giới sụp đổ, mà Leo Schugger thì không cách chi quật đổ hắn!" Rất hồ hởi, ông vỗ vào lưng chiếc áo đuôi tôm đen và giải thích cho ông Fajngold: "Đây là Leo Schugger của chúng tôi. Leo muốn phân ưu cùng chúng ta và bắt tay chúng ta."
Đúng vậy. Leo Schugger múa đôi găng và, vẫn xớt dãi như mọi khi, nói lời phân ưu với tất cả những người có mặt. "Các vị có thấy Chúa Trời không?" cuối cùng anh ta hỏi. "Các vị có thấy Chúa Trời không?" Không ai thấy cả. Maria - tôi không hiểu tại sao - cho Leo cái lồng với con vẹt xanh.
Khi đến lượt Oskar, ông già Heilandt đã đặt lên xe, mặt Leo dường như rã ra, một luồng gió huyền bí thổi phồng quần áo anh ta và đôi chân anh ta nhảy quýnh lên. "Chúa Trời, Chúa Trời!" anh ta kêu lên, lắc con vẹt trong lồng. "Xem kìa, Chúa Trời! Người đang lớn, Người đang lớn lên!"
Rồi anh ta bật tung lên cao cùng với cái lồng và anh ta bắt đầu chạy, bay, nhảy, loạng choạng và trốn chạy với con chim kêu quang quác, bản thân anh ta cũng biến thành chim. Cuối cùng, anh ta bay lên, rập rờn trên cánh đồng, hướng về phía Rieselfelder. Và qua tiếng sủa của tiểu liên, người ta nghe thấy anh ta la: "Người đang lớn, Người đang lớn lên!". Khi hai gã thiếu niên Nga nạp lại đạn, anh ta vẫn còn kêu. "Người đang lớn!" Và ngay cả khi hai khẩu tiểu liên lại nổ, ngay cả sau khi Oskar ngã xuống một cái cầu thang không bậc rơi tõm vào một con ngất xỉu mênh mông bao trùm tất thảy, tôi vẫn còn nghe thấy con chim, tiếng la, con quạ, tôi vẫn còn nghe thấy Leo tuyên bố với toàn thế giới: " Người đang lớn, Người đang lớn..."
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc