Núi Thần epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Phần 5 - Khoa Học Nhân Văn
ans Castorp và Joachim Ziemßen trong trang phục mùa hè quần trắng áo khoác xanh lam đang ngồi hóng mát ngoài vườn sau bữa trưa. Hôm ấy là một ngày tháng mười rực rỡ, ấm áp và khô ráo, nắng vẫn rắc vàng xuống mặt đất nhưng không trung đã se se gió heo may, bầu trời phương nam xanh thẳm như cái chuông úp chụp lên thung lũng với những thảm cỏ cằn cỗi bị nhà cửa đường xá chia cắt thành nhiều mảnh vụn, và sườn núi dốc nham nhở mấy vạt rừng thưa văng vẳng tiếng lục lạc ở cổ bò - thứ âm nhạc thanh bình đơn điệu vang lên trong vắt không hỗn tạp giữa bầu không khí nhẹ tênh tịch mịch, tô điểm thêm cho vẻ đẹp hoang dã nơi sơn cước.
Hai anh em ngồi trên một băng ghế kê tận cuối vườn, trước bồn đất tròn trồng thông non. Chỗ họ ngồi sát cạnh hàng rào mé tây bắc, cuối mảnh vườn hoa nhỏ trên khoảnh đất lưỡi trai nhô ra ở độ cao năm chục mét so với lòng thung lũng, nơi tòa nhà chính của viện an dưỡng tọa lạc. Họ ngồi nín thinh cạnh nhau. Hans Castorp hút một điếu xì gà. Chàng ngấm ngầm bực tức với Joachim, vì anh họ chàng không chịu ra ngoài hiên nhập bọn với những bệnh nhân khác mà nhất định lôi chàng đến đây ngồi thưởng thức sự yên tĩnh ngoài vườn trước khi về nằm nghỉ. Chàng thấy quyết định của Joachim quá độc đoán, không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của chàng. Xét cho cùng họ đâu phải một cặp song sinh dính liền nhau. Họ có thể chia tay ai đi đường nấy được lắm chứ. Hans Castorp ở đây không phải để mua vui cho Joachim, mà bản thân chàng cũng là bệnh nhân. Chàng ngồi im với những ý nghĩ hờn dỗi trong đầu, và chàng còn có thể hờn dỗi lặng thinh một lúc lâu nữa, vì chàng đã có Maria Mancini. Hai tay thọc trong túi áo khoác, cặp chân xỏ giày nâu duỗi dài, chàng uể oải bập điếu xì gà xám nhạt thon thon vẫn còn ở giai đoạn đầu của sự hưởng thụ, tức là mẩu tàn thuốc vẫn chưa bị gạt mà bám hờ ở đầu điếu thuốc tù tù chúc xuống giữa đôi môi. Chàng khoan khoái thưởng thức hương vị đã tìm lại được của khói thuốc, sau bữa trưa thịnh soạn. Mặc dù sự thích nghi của chàng ở trên này chỉ dừng lại ở mức độ thích nghi với tình trạng không thích nghi được, có vẻ như những phản ứng hóa học trong bao tử và những phản xạ thần kinh ở lớp niêm mạc mũi ưa xuất huyết trong bầu không khí khô khan đã hoàn thành quá trình thích nghi với khí hậu trên này: một cách từ từ không lộ liễu, từng bước từng bước trong khoảng thời gian sáu mươi lăm hay bảy mươi ngày chàng ở đây, các cơ quan hữu cơ của chàng đã phục hồi niềm vui thưởng thức làn khói thơm tho của loài thảo mộc hay chất ma túy nọ. Chàng sung sướng thấy mình lại có thể tận hưởng cái thú hút thuốc. Sự thỏa mãn tinh thần củng cố thêm cảm giác thỏa mãn vật chất. Trong thời gian phải nằm trên giường chàng đã dè xẻn giữ được phần lớn trong số hai trăm điếu thuốc mang theo lúc đến đây, rồi cùng với quần áo giày dép mùa đông chàng đã nhờ bà Schalleen gửi thêm năm trăm điếu nữa để dự trữ. Món hàng đặc biệt từ Bremen được đựng trong những hộp gỗ khảm vàng rất đẹp vẽ hình một quả địa cầu, vô số mề đay và một tòa nhà triển lãm cờ quạt phất phới.
Hai anh em đang ngồi như vậy thì thình lình ông cố vấn Behrens từ đâu băng ngang qua vườn trờ tới chỗ họ. Hồi nãy ông ta đã xuống phòng dự bữa ăn trưa chung với bệnh nhân, người ta thấy ông ngồi chắp hai bàn tay khổng lồ trước cái đĩa ở bàn bà Salomon. Sau đó có lẽ ông ta còn la cà một lúc ngoài hiên, cất giọng đùa giỡn như mọi khi, rất có thể lại giở tiết mục buộc dây giày ra biểu diễn để mua lấy những lời trầm trồ thán phục của các bệnh nhân mới được xem lần đầu hay đã xem đi xem lại mãi rồi. Giờ đây ông ta đủng đỉnh đi trên lối mòn rải sỏi, diện một chiếc áo đuôi én dài kẻ carô nhuyễn thay cho tấm áo choàng bác sĩ, cái mũ vành cứng lật ra sau gáy, miệng ngậm một điếu xì gà đen thui nhả ra từng cuộn khói trắng to như đám mây. Cái đầu, gương mặt với đôi gò má tím xanh, cái mũi hếch ngóng trời, cặp mắt xanh lơ rân rấn ướt và bộ ria tua tủa bỗng chốc thành quá nhỏ so với thân hình lòng khòng và đôi bàn tay bàn chân đồ sộ của ông ta. Behrens bối rối đứng sựng lại khi chợt nhận ra hai anh em, tần ngần một thoáng, nhưng vì không còn lối để tránh đi đâu được nên ông ta đành bước tiếp đến thẳng trước mặt họ. Ông ta cất tiếng chào như thường lệ, ồn ào và lủng củng đủ thứ ví von kiểu như “Coi kìa, coi kìa, Timotheus![128]” và vừa chúc tụng cho sự trao đổi chất của họ được thành công tốt đẹp vừa ép họ cứ ngồi yên vị không việc gì phải đứng lên chào mình.
“Miễn lễ, miễn lễ. Đừng mất công khó nhọc vì kẻ vô danh tiểu tốt này. Rốt cuộc các vị đều là bệnh nhân, người này cũng như người kia. Các ông không phải đứng dậy làm gì, ai ngồi đâu cứ việc ngồi đó.”
Và ông ta dừng lại trước mặt hai anh em, điếu xì gà kẹp giữa ngón trỏ và ngón đeo nhẫn của bàn tay phải khổng lồ.
“Thế nào, Castorp, cái tổ sâu kèn của ông hút được không? Xem nào, tôi là tay sành điệu trong lĩnh vực này. Tàn đẹp đấy. Hoa hậu da nâu của ông tên là gì?”
“Maria Mancini, thưa ông cố vấn cung đình, của hãng Postre de Banquett ở Bremen. Rẻ như bèo, một cắc chín một điếu, nhưng có hương vị hiếm thấy ở mức giá này. Đây ông xem, nguyên liệu Sumatra-Havanna, toàn lá thuốc già. Tôi chỉ quen hút loại này thôi. Nó được trộn vừa phải, vị đậm nhưng không gắt. Tàn nó có thể để rất dài, mỗi điếu tôi chỉ gạt nhiều lắm là hai lần. Tất nhiên nó cũng có chứng này tật kia, nhưng khâu kiểm tra ở nhà máy hẳn phải kỹ càng lắm, vì Maria hiếm khi thay đổi hương vị và cháy rất đều. Cho phép tôi được mời ông một điếu?”
“Cảm ơn, chúng ta có thể trao đổi thuốc với nhau.” Và cả hai rút túi đựng thuốc ra.
“Thứ này thì thuần chủng”, ông cố vấn bảo khi đưa hiệu của mình cho Hans Castorp. “Bốc lắm, ông biết không, tràn đầy sức sống. Sankt Felix-Brasil, tôi lúc nào cũng trung thành với hiệu này. Một phương tiện giải sầu tuyệt vời, không thua gì rượu mạnh, có thể nói là tới giai đoạn cuối nó như bốc lửa. Nên điều độ một chút khi hưởng thụ, không thể hết điếu này lại mồi ngay điếu khác được đâu, ông sẽ sụm đấy. Nhưng thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt còn hơn le lói suốt trăm năm…”
Họ xoay xoay món quà trao đổi giữa mấy ngón tay, đưa mắt sành sỏi đánh giá thân hình thon thả với những đường mép lá cuộn chặt hơi gồ lên, một đôi chỗ để hở cho thoáng khí, những đường gân chạy trên bề mặt trơn nhẵn của điếu thuốc như mạch máu nổi trên da, thay đổi sắc độ trong ánh nắng cứ như một sinh vật thực thụ. Hans Castorp nói ra nhận xét ấy:
“Một điếu xì gà có sự sống riêng của nó. Nó cũng biết thở. Ở nhà có lần tôi nảy ra ý cất Maria vào một cái hộp thiếc kín hơi, vì tôi sợ cô nàng bị ẩm. Ông có tin rằng nó bị chết ngạt không? Trong vòng một tuần lễ nó chết đứ đừ, hút cứ như da thuộc vậy.”
Rồi họ trao đổi kinh nghiệm về việc bảo quản xì gà sao cho tốt, nhất là xì gà nhập khẩu. Ông cố vấn cung đình chỉ chuộng thuốc nhập khẩu, nếu được tùy ý chọn thì ông sẽ không hút gì khác ngoài Havanna hạng nặng. Rất tiếc tạng người ông không kham nổi thứ này, và hai điếu Henry Clay xinh xẻo mà ông lỡ để cho cám dỗ trong một tối giao lưu, theo lời kể của ông, thiếu chút nữa thì đã đưa ông xuống âm phủ. “Tôi hút liền hai điếu trong một chầu cà phê”, ông ta kể, “vô tình không ngờ vực gì cả. Nhưng hút xong rồi tôi mới hoảng, chẳng biết mình mắc cái chứng gì. Người tôi lạ lắm, khác hẳn bình thường, cảm giác này tôi chưa từng gặp trong đời. Về được đến nhà đã là một thành tích đáng kể rồi, nhưng sau đấy mới thật là kinh khủng, đến nỗi tôi thầm nghĩ, khỉ thật, mình phải gió hay sao thế này. Cặp giò tôi như bị đóng băng, ông biết không, mồ hôi lạnh túa ra từ mọi lỗ chân lông, mặt tôi trắng như tấm vải liệm, tim lúc thì thoi thóp gần như ngừng đập, lúc lại chồm chồm như ngựa phi vượt chướng ngại vật, ông hiểu không, và đầu óc thì ở vào một trạng thái kích động không thể tả… Tôi chắc mẩm phen này mình lên tiên rồi. Tôi nói là “lên tiên” vì đó là khái niệm vụt đến trong đầu tôi lúc ấy và diễn tả tình cảnh của tôi một cách chính xác nhất. Tâm trạng tôi bay bổng tuyệt vời, như trên chín tầng mây, mặc dù đồng thời tôi lại thấy sợ kinh khủng, phải nói rằng cả người tôi chỉ còn là một cục sợ đông cứng. Nhưng thực ra sướng và sợ là hai cảm giác hoàn toàn có thể đi chung với nhau, cái đó hẳn không ai còn lạ. Anh chàng lần đầu tiên biết mùi đời sợ đến chết giun chết dế ấy chứ, cô con gái cũng chẳng hơn gì, ấy thế nhưng họ vẫn thấy phê. Tóm lại, tôi lúc ấy cũng phê, người nhẹ bỗng tôi đã toan đưa tay gõ cổng thiên đàng. Nhưng bà chằng Mylendonk nhất định lôi tôi xuống khỏi chín tầng mây, nào là chườm nước đá, nào cạo gió, cả một mũi chích long não nữa, và thế là nhân loại không bị mất cái thằng tôi.”
Hans Castorp ngồi với tư cách bệnh nhân, mặt thần ra đầy vẻ suy nghĩ, và ngước nhìn lên cặp mắt ốc nhồi ầng ậng nước của Behrens.
“Thỉnh thoảng ông có vẽ tranh phải không, thưa ông cố vấn cung đình”, thình lình chàng hỏi một câu chẳng ăn nhập vào đâu.
Ông cố vấn giật mình, thiếu chút nữa thì té ngửa.
“Ô hay? Ông phục kích tôi đấy à, ông bạn trẻ?”
“Xin lỗi ông. Tự nhiên tôi sực nhớ ra. Có lần tôi đã nghe ai đó kể về sở thích này của ông.”
“Đã vậy thì tôi cũng không việc gì phải chối. Chúng ta ai cũng người trần mắt thịt cả. Phải, tôi có vẽ vời chút đỉnh. Anch’ io sono pittore[129], như lời thằng cha Tây Ban Nha nọ.”
“Phong cảnh?” Hans Castorp hỏi giọng sành sỏi. Tình huống thân mật khác thường khiến chàng tự cho phép mình suồng sã đôi chút.
“Ông muốn gì tôi cũng chiều!” Cố vấn Behrens lên giọng huênh hoang để lấp đi vẻ ngượng ngùng. “Phong cảnh, tĩnh vật, thú vật - một người đàn ông thực thụ không lùi bước trước bất kỳ thử thách nào.”
“Không có tranh chân dung?”
“Chân dung cũng có trà trộn vào đôi ba bức. Ông muốn đặt tôi vẽ chân dung ư?”
“Ha ha, không. Nhưng chúng tôi sẽ rất hân hạnh nếu có dịp được xem tranh của ông cố vấn cung đình.”
Joachim, sau một giây trố mắt nhìn em họ, vội lên tiếng phụ họa rằng đó quả là một vinh dự lớn đối với hai người.
Behrens hí hửng, mũi phổng to như trái cà chua, mặt thậm chí đỏ lựng lên vì sung sướng và mắt thiếu điều muốn rơi lệ.
“Rất sẵn lòng!” Ông ta kêu lên. “Đối với tôi không có niềm vui nào lớn hơn! Ngay lập tức, nếu các quý ông muốn! Đi nào, các ông theo tôi, tôi sẽ đãi các ông một chầu cà phê Thổ Nhĩ Kỳ trong tệ xá!” Và ông ta nắm tay hai chàng trai trẻ xốc họ dậy khỏi ghế, rồi hai bên khoác tay hai người ông ta hăm hở kéo họ theo lối mòn rải sỏi nhằm hướng căn hộ riêng của mình ở cánh tây bắc tòa nhà chính viện an dưỡng.
“Bản thân tôi”, Hans Castorp giải thích, “trước kia cũng đã đôi ba lần dấn thân vào lĩnh vực này.”
“Sao bây giờ ông mới nói. Sơn dầu hẳn hoi chứ?”
“Không, không, chỉ là mấy bức màu nước thôi. Khi thì một chiếc thuyền, khi một cảnh biển, nguệch ngoạc như trẻ con vẽ ấy mà. Nhưng tôi rất thích xem tranh, thế nên hôm nay tôi mới tự tiện…”
Joachim thấy yên dạ phần nào với lời giải thích cho sự tò mò bất thường của em họ - đúng ra Hans Castorp viện dẫn những thử nghiệm trong lĩnh vực hội họa cốt để anh họ mình nghe hơn là ông cố vấn. Họ đã tới nơi: ở mé bên hông này không có cánh cổng đồ sộ với cột đèn đứng gác hai bên như lối vào chính bên kia. Vài bậc tam cấp vuốt tròn dẫn lên cánh cửa gỗ sồi, ông cố vấn lôi ra một chùm chìa khóa to sụ để mở cửa. Bàn tay ông ta run run, rõ ràng ông rất hồi hộp. Họ bước vào một gian tiền sảnh nhỏ được dùng làm nơi treo áo, ông cố vấn treo cái mũ vành cứng của mình lên một chiếc đinh gắn trên tường. Vào sâu hơn nữa, ngăn cách với tòa nhà chính bằng một cánh cửa kính là cái hành lang ngắn hai bên hai dãy phòng trong căn hộ riêng của Behrens. Ông ta cất tiếng gọi cô hầu gái bảo sửa soạn đồ pha cà phê, rồi với vẻ niềm nở thái quá đến mức thiếu tự nhiên ông ta ồn ào mời hai người khách vào nhà - qua một cánh cửa nằm bên phải.
Đó là cả một dãy phòng bài trí rườm rà theo lối trưởng giả học làm sang hướng ra phía trước thông với nhau không có cửa, chỉ treo màn ngăn cách: một phòng ăn theo ‘trường phái Đức cổ’, một phòng khách và phòng làm việc kê chiếc bàn viết phía trên treo một cái mũ lưỡi trai đồng phục sinh viên và hai thanh kiếm bắt chéo, sàn trải thảm dày, bên này tủ sách bên kia ghế sô pha và còn cả một ngách nhỏ làm nơi hút thuốc bài trí theo ‘phong cách Thổ Nhĩ Kỳ’. Trên tường treo la liệt tranh vẽ, toàn là tác phẩm của ông cố vấn cung đình - đúng như phép lịch sự đòi hỏi, khách vừa mới bước chân vào nhà lập tức đã dồn hết sự quan tâm và ngưỡng mộ của mình lên đó. Hình ảnh bà cố vấn đã khuất núi đâu đâu cũng có, từ tranh sơn dầu cho đến ảnh chụp lồng khung kính trên bàn. Đó là một phụ nữ tóc vàng vóc hạc gầy khô có phần hơi bí hiểm, áo xống lượt thượt, thường gặp trong tư thế hai tay chắp lại để hờ trên vai trái - không nắm chặt mà các ngón tay chỉ lồng nhẹ vào nhau - với cặp mắt nếu không ngước lên trời thì lại cụp xuống đất trốn sau hàng mi cong dài rủ xuống, chẳng bao giờ thấy người quá cố nhìn thẳng vào mắt kẻ xem tranh. Còn lại chủ yếu là các bức họa phong cảnh vùng này, núi non phủ đầy tuyết trắng và núi non xanh rì tùng bách, những đỉnh núi mờ sương và những đỉnh núi trần trụi nổi lên lởm chởm trên nền trời xanh thẳm bắt chước phong cách Segantini[130]. Ngoài ra còn vài bức vẽ mấy túp lều mục đồng, những con bò yếm trắng đứng nằm rải rác trên đồng cỏ ngập nắng, một con gà vặt sạch lông, cần cổ bị vặn chéo nằm giữa một mớ rau cải trên bàn, mấy bức vẽ hoa, vài bức chân dung thổ dân vùng sơn cước và trăm thứ bà rằn khác - tất cả được thể hiện bằng nét bút tài tử khá bạo tay, với những mảng màu loang lổ trông cứ như được bóp ra từ tuýp bôi thẳng lên vải và phải đợi lâu lắm mới khô - đôi khi lối vẽ này cũng gây được ấn tượng muốn có, nhất là ở những chỗ đặc biệt dở.
Hai anh em lần bước dọc theo tường như xem triển lãm, chủ nhà lẽo đẽo đi bên cạnh, thỉnh thoảng lên tiếng giải thích chỗ này chỗ nọ, nhưng phần lớn thời gian ông ta giữ im lặng, cái im lặng căng thẳng của người nghệ sĩ, vừa kiêu hãnh vừa hồi hộp dõi theo ánh mắt người xem thán phục hay chê bai những đứa con tinh thần của mình. Bức chân dung Clawdia Chauchat treo trong phòng khách bên cạnh cửa sổ, Hans Castorp đã thấy ngay từ lúc mới bước chân vào, mặc dù để tìm được nét giống nhau phải cần khá nhiều trí tưởng tượng. Chàng cố tình bước tránh sang hướng khác, đi vòng qua phòng ăn và làm bộ thán phục nán lại thật lâu bên một bức vẽ thung lũng Sertigtal xanh rờn phía sau thấp thoáng mấy dải băng hà vĩnh cửu, rồi gom góp hết tự chủ chàng bắt mình ghé qua gian hút thuốc phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, ngắm nghía không sót một bức tranh nào và cũng không tiếc lời khen ngợi, cuối cùng mới từ từ bước sang phòng khách, vừa đi vừa làm bộ hỏi chuyện để moi ở Joachim mấy lời tán tụng tài năng của chủ nhà. Rốt cuộc chàng quay sang bức chân dung và làm bộ ngạc nhiên kêu lên:
“Gương mặt này sao quen quá?”
“Ông có nhận ra ai không?” Behrens muốn biết.
“Có chứ, giống đến thế này thì lẫn vào đâu được. Đấy có phải là một bà ngồi bàn Nga thượng lưu, người mang cái họ Pháp…”
“Đúng thế, cô nương Chauchat. Tôi rất mừng vì ông cũng nhận ra.”
“Giống như tạc!” Hans Castorp nói dối trắng trợn, không phải chàng muốn nịnh tác giả, mà vì chàng biết nếu tôn trọng sự thật thì sẽ không thể lý giải được tại sao chàng nhận ra người mẫu của bức chân dung, cứ xem Joachim thì rõ, anh chàng chắc chẳng thể nào tự mình tìm thấy chân lý này - giờ đây Joachim thật thà trung hậu mới sáng mắt nhận ra cái bẫy Hans Castorp gài mình. “À ra thế”, chàng thốt lên khe khẽ và lại gần căng mắt ngắm nghía bức hình. Em họ chàng rất biết cách tự đền bồi cho buổi vắng mặt ngoài hiên.
Đó là một bức chân dung bán thân nhìn nghiêng nhỏ hơn người thật, lồng khung màu đen mép trong viền một đường mạ vàng. Người mẫu mặc áo hở cổ với một tấm mạng mỏng xếp nếp phủ hờ trên vai và ngực. Madame Chauchat trong hình già hơn bên ngoài tới chục tuổi, như thường gặp ở tranh của các họa sĩ không chuyên nghiệp mà lại muốn thể hiện bút pháp riêng. Trên mặt bôi quá nhiều màu đỏ, cái mũi vẹo, màu tóc vẽ không đạt trông cứ như rơm khô, miệng lệch nhành sang bên, nét hấp dẫn đặc biệt trong dung mạo không nắm bắt được hay là không lột tả ra được, các đường nét bị thô sơ hóa đến mức biến dạng, nói tóm lại đó là một bức họa thuộc hàng phế phẩm, chỉ hao hao gợi nhớ tới người mẫu. Nhưng những điều đó đâu có nhằm nhò gì, đối với Hans Castorp tấm vải lấm dầu này là hình ảnh con người Madame Chauchat, đó là chân dung nàng, đích thân nàng đã ngồi đây làm mẫu, thế là đủ. Chàng cứ lặp đi lặp lại giọng cảm động:
“Có hồn lắm, giống y như người thật!”
“Xin ông đừng quá khen”, ông cố vấn cung đình chống cự một cách yếu ớt. “Bức ấy còn thô vụng lắm, tôi không mù quáng đến độ tin rằng bức vẽ đã hoàn chỉnh, mặc dù cô ta ngồi làm mẫu có dễ đến hai chục buổi chứ không ít. Mà hoàn chỉnh làm sao nổi với cái bản mặt ấy! Ai cũng tưởng dễ xơi lắm, hai gò má cao như đụn rạ và mắt thì chỉ như hai kẽ nứt trên cái bánh xốp nở quá cỡ, rõ ràng đến thế là cùng. Nhưng không, nếu người ta cố chộp từng chi tiết thì lại bỏ lỡ tổng thể. Thật cứ như thách đố. Ông có biết cô ta không? Theo tôi người ta không nên vẽ cô ả theo mắt nhìn, mà phải vẽ theo trí nhớ. Các ông có quen biết cô ta không?”
“Có, à không, chỉ sơ sơ thôi, cũng như những người khác ở trên này…”
“Chà, tôi thì biết rõ cô nàng, nhưng bên trong rành hơn bên ngoài, ông hiểu chứ, chỉ số huyết áp, tình trạng mô, sự lưu thông bạch huyết ở dưới lớp vỏ bọc tôi có thể đọc ra vanh vách, vì sao hẳn ông cũng rõ. Nhưng ngoài mặt thì tôi bó tay. Ông đã bao giờ để ý đến dáng đi của cô ta chưa? Dáng dấp thế nào thì mặt mũi y chang thế ấy. Đi mà cứ như rắn cuốn. Hay ta thử lấy ví dụ đôi mắt - ý tôi không nói màu sắc, mặc dù riêng về màu mắt cô ta cũng có khối chuyện để bàn - ở đây tôi chỉ muốn lưu ý ông về hình dáng, vị trí đôi mắt. Ông sẽ bảo cô nàng này mắt đã híp lại còn xếch. Nhưng đó là ông tưởng vậy thôi. Lỗi là tại lớp mí lót, một hiện tượng không hiếm gặp ở một số chủng tộc nhất định. Bởi sống mũi tương đối thấp nên nếp da nơi khóe mắt họ dư ra, từ mí mắt trên nó trùm xuống che một phần con mắt. Nếu lấy tay kéo căng lớp da nơi gốc mũi họ lên ông sẽ thấy mắt họ cũng to không thua gì mắt chúng ta. Tóm lại, một hiện tượng tự nhiên phổ biến, nhưng không lấy gì làm danh giá, vì đứng trên quan điểm khoa học mà xét thì đó chỉ là một biểu hiện lại giống trong quá trình tiến hóa.”
“Thì ra là thế”, Hans Castorp trầm ngâm. “Trước đây tôi không biết điều này, nhưng thực lòng mà nói tôi vẫn tò mò chẳng hiểu đôi mắt ấy có gì lạ.”
“Chỉ là một hiện tượng đánh lừa mắt thôi, ngó vậy mà không phải vậy”, ông cố vấn cung đình khẳng định. “Nếu ông vẽ nó nhỏ như một vạch xéo lên thái dương thì thất bại là cái chắc. Ông phải làm sao tái tạo được cái vẻ nheo nheo của đuôi mắt vuốt dài ra, như thiên nhiên đã tạo nên nó trong thực tế, có thể bảo là phải lồng ảo giác vào trong ảo giác. Muốn thế đương nhiên ông phải biết mí lót là cái quái gì. Hiểu biết thì không bao giờ có hại cả. Ông hãy nhìn làn da mà xem, chỗ vai và ngực để hở đây này. Theo ý ông nó có đủ mơn mởn không nào?”
“Tuyệt vời”, Hans Castorp bảo, “quả thực tuyệt vời. Bình sinh tôi chưa bao giờ được thấy một làn da vẽ đạt đến thế. Tưởng như thấy cả các lỗ chân lông.” Và chàng đưa tay vuốt nhẹ khoảng ngực trần của người trong tranh, nổi bật lên tương phản với gương mặt đỏ gay đỏ gắt, trắng muốt như thường thấy ở những vùng cơ thể ít khi phơi bày ra ánh sáng, và như thế, chẳng biết vô tình hay hữu ý nó khiến người ta liên tưởng ngay đến sự lõa lồ - một hình dung lỗ mãng về mọi phương diện.
Mặc dù vậy phải công nhận lời khen của Hans Castorp có cơ sở. Làn da trắng nuột nà của bộ ngực gọn gàng - nhưng không lép - giảm dần sắc độ chìm khuất dưới lớp vải mỏng màu lam sẫm thật tự nhiên, rõ ràng được thể hiện rất có cảm xúc: người họa sĩ biết cách lột tả những chi tiết chính xác đến mức gần như khoa học mà không làm phương hại nét ngọt ngào tỏa ra từ đó. Tác giả đã khéo sử dụng tính chất thô nhám của sợi vải kết hợp với màu sơn thể hiện độ sáng tối khiến cặp xương quai xanh thanh mảnh gồ lên như thật. Một nốt ruồi nhỏ bên ngực trái, chỗ bắt đầu cái khe hõm xuống giữa hai gò bồng đảo, cũng được tái tạo một cách trung thực, và nơi chân gò người ta tưởng như thấy cả những mạch máu li ti xanh mờ dưới da. Thậm chí có thể hình dung được cả một thoáng rùng mình nhè nhẹ của làn da trần nhạy cảm khi bị ánh mắt soi mói của người quan sát chạm vào, táo bạo hơn có thể bảo rằng: làn da ấy như biết hô hấp, như tỏa ra hơi thở vô hình, và nếu áp môi lên đó người ta sẽ ngửi thấy mùi da thịt chứ không phải mùi sơn trộn với dầu. Chúng tôi dài dòng như vậy cốt để miêu tả cảm xúc đặc biệt bức tranh gợi lên trong lòng Hans Castorp, và mặc dù chàng ta có đầy đủ lý do để mà xúc động, chúng tôi vẫn phải công bằng mà thừa nhận rằng, mảng ngực trần của Madame Chauchat là thành công lớn nhất về mặt hội họa của Behrens, vượt xa những bức tranh khác treo lủ khủ quanh phòng.
Ông cố vấn cung đình đứng thọc tay vào túi quần, người đong đưa nhè nhẹ dõi theo ánh mắt hai vị khách xem tranh.
“Tôi rất mừng, đồng nghiệp thân mến”, cuối cùng ông ta lên tiếng, “tôi rất mừng vì ông cũng lĩnh hội được điều này. Hiểu biết thì không bao giờ có hại mà chỉ có lợi. Nếu ta nắm được cấu tạo của biểu bì để có thể vẽ được cả một số thứ mắt thường không nhìn thấy - nói cách khác, nếu người nghệ sĩ còn gắn bó với thiên nhiên trong một quan hệ khác hơn là cảm hứng, nếu nghệ sĩ đồng thời còn là bác sĩ và có những hiểu biết âm thầm về các hoạt động sinh lý của cơ thể, về giải phẫu và những thứ thông thường lặn vào trong - đó là một lợi thế lớn, ông muốn nói gì thì nói, hơn nhau là ở chỗ ấy. Làn da, lớp vỏ bọc bên ngoài cơ thể, là cả một môn khoa học đấy, ông có thể dùng kính hiển vi mà nghiên cứu cấu tạo hữu cơ của nó. Nhìn vào kính ông sẽ thấy không chỉ tầng sừng và tầng mô ngoài của lớp biểu bì, mà cả lớp tế bào bì nằm bên dưới với những tuyến nhờn và tuyến mồ hôi, những mạch máu và nướu mô, cuối cùng là lớp mỡ dưới da, ông biết không, đó là lớp đệm với vô số tế bào mỡ tạo nên những đường cong hấp dẫn ở nữ giới. Những hiểu biết ấy nằm trong đầu ông và hiện diện trong các suy nghĩ của ông, khi ông vẽ nó tự khắc sẽ được thể hiện lên tranh. Nó truyền xuống tay ông tuôn ra đầu cây cọ, tạo nên những hiệu ứng bất ngờ, hư hư thực thực, và làm cho bức vẽ trở nên sinh động.”
Hans Castorp sôi lên sùng sục khi câu chuyện chuyển hướng sang đề tài này, trán chàng đỏ ửng, mắt sáng rực, chàng không biết bắt đầu từ đâu, vì trong đầu chàng dồn dập bao nhiêu ý nghĩ tràn về một lúc. Việc trước tiên chàng phải làm là gỡ tấm hình xuống khỏi bức tường ngược sáng bên cạnh cửa sổ để đưa đến một vị trí thuận lợi hơn, sau đó chàng nhất định muốn đào sâu thêm đề tài da dẻ mà ông cố vấn cung đình vừa gợi mở ra - một đề tài vô cùng hấp dẫn đối với chàng - và cuối cùng chàng ráo riết tìm lời bày tỏ ý kiến riêng về một vài triết lý vô thưởng vô phạt mà chàng đã ấp ủ bấy lâu nay. Hai tay nâng bức chân dung nhấc ra khỏi móc, chàng hấp tấp lên tiếng:
“Chính thế, chính thế! Rất đúng, điều đó rất quan trọng. Tôi muốn nói… Tức là, đúng như lời ông cố vấn cung đình: ‘gắn bó với thiên nhiên trong một quan hệ khác’. Rất tốt, nếu như ngoài cảm hứng - đó là cách diễn đạt của ông, phỏng nhỉ - nói tóm lại là nếu như ngoài khía cạnh nghệ thuật người ta còn có khả năng xem xét sự vật dưới một khía cạnh khác, ví dụ như y học. Trúng phóc - xin lỗi ông cố vấn cung đình, tôi muốn nói rằng nhận định của ông rất chí lý, vì trên nguyên tắc đó chẳng phải là các cách nhìn hay góc độ hoàn toàn khác biệt, mà thực ra tất cả chỉ là một và duy nhất chỉ có một điều đáng nói - chỉ là các sân chơi khác nhau, tức là: các sắc độ, ý tôi muốn nói: các hình thức thể hiện một mối quan hệ chung, trong đó hoạt động nghệ thuật chỉ là một phần và một cách biểu lộ mà thôi, theo thiển ý của riêng tôi. Vâng, xin lỗi ông, tôi phải gỡ tấm hình này xuống vì ở đây ánh sáng bất lợi quá, để tôi đưa nó sang bức tường sau ghế sô pha đằng kia, rồi ông sẽ thấy nó khác hẳn cho mà xem… Tôi đang muốn nói rằng: đối tượng của y học là gì? Tất nhiên tôi hoàn toàn mù tịt về y học, nhưng đối tượng phục vụ của nó là con người, phải không nào. Thế còn ngành tư pháp với hệ thống các điều luật và tòa án? Cũng vì con người. Và ngôn ngữ học mà gắn liền với nó là ngành giáo dục? Và thần học với các cơ sở tôn giáo lo chăm sóc phần hồn, dẫn dắt đời sống tinh thần? Tất cả đều vì con người, đều chỉ là những sắc thái khác nhau của một mối quan tâm duy nhất và… đáng kể nhất, phục vụ nhu cầu nhân sinh, nói tóm lại tất cả đều là những môn khoa học nhân văn, và nếu người ta muốn theo những nghề này thì trước tiên phải học các ngôn ngữ cổ, đúng không ạ, để có nền tảng học vấn cơ bản, như người ta thường nói. Có lẽ ông lấy làm lạ khi nghe tôi nói ra những điều này, vì tôi chỉ học qua trường thực nghiệm[131], chỉ là một người làm nghề kỹ thuật mà thôi. Nhưng thời gian gần đây những khi nằm nghỉ tôi thường suy nghĩ rất lung: giá mà trên thế giới thành lập được một cơ sở nghiên cứu với tất cả các ngành khoa học nhân văn thì hay biết mấy, ông hiểu không, lấy cái đẹp làm trọng, dựa trên cơ sở những môn nghệ thuật tạo hình - để truyền cho sự vật một cái gì cao quý, xa hoa, thêm vào đó là cảm xúc và… sự tinh tế - khi ấy quyền lợi của con người sẽ trở thành một nguyện vọng gần như tao nhã… Tức là, rất có thể tôi diễn đạt không được thoát ý, nhưng ta phải thấy trí tuệ và thẩm mỹ luôn luôn hòa trộn vào nhau, thực ra hai cái chỉ là một, nói cách khác: khoa học và nghệ thuật, dĩ nhiên trong đó phải bao gồm cả hoạt động sáng tác, có thể coi như ngành học thứ năm, coi nó cũng là một nghề nhân văn, một sắc thái biểu lộ mối quan tâm về nhân sinh, bởi chưng đây là đề tài quan trọng nhất, mục tiêu của nó chính là con người, về điểm này chắc ông phải đồng ý với tôi. Hồi còn trẻ khi tôi thử vài bước chập chững trên con đường nghệ thuật thì tôi mới chỉ dám vẽ thuyền và biển, nhưng thể loại hội họa hấp dẫn nhất trong con mắt tôi đã và vẫn là tranh chân dung, vì đối tượng trực tiếp của nó là con người, bởi vậy lúc nãy tôi đã hỏi ngay liệu ông cố vấn cung đình có sáng tác nào trong thể loại này… Treo ở đây có phải được sáng hơn không nào?”
Hai người kia, cả Behrens lẫn Joachim, không ai bảo ai trợn mắt nhìn xem chàng có dấu hiệu gì tỏ ra hổ thẹn vì cử chỉ tự nhiên như ruồi và bài diễn văn ngẫu hứng không đầu không cuối của mình. Nhưng Hans Castorp quá bận tâm với bản thân đến nỗi chẳng còn hồn vía nào để lo giữ phép xã giao. Chàng nâng tấm chân dung ướm lên bức tường phía sau ghế sô pha và ương bướng đợi câu trả lời, rằng treo ở đó có hơn không. Cùng lúc ấy cô hầu gái bưng vào một cái khay trên để nước nóng, một cái bếp đèn cồn và tách uống cà phê. Ông cố vấn cung đình chỉ cho cô ta mang vào phòng trong rồi bảo:
“Thế thì đúng ra ông phải quan tâm đến điêu khắc hơn là hội họa… Phải, chỗ ấy đương nhiên là sáng hơn. Nhưng vấn đề là ở chỗ không biết nó có chịu được ánh sáng ở cường độ ấy hay không… Ý tôi muốn nói đến nghệ thuật nặn tượng, vì rút cuộc đó là môn nghệ thuật tạo hình liên quan nhiều nhất đến cơ thể con người nói chung. Nhưng thôi, ta đi uống cà phê kẻo nước sôi cạn mất bây giờ.”
“Chính thế, điêu khắc”, Hans Castorp phụ họa trong lúc họ cùng đi vào, và quên bẵng mất không treo bức tranh về chỗ cũ hay dựng lại trong phòng khách: chàng xách nó theo vào phòng hút thuốc. “Tất nhiên rồi, bức tượng một nàng Vệ nữ Hy Lạp hay một chàng vận động viên điền kinh hẳn là sự thể hiện nhân bản một cách hùng hồn nhất, không còn nghi ngờ gì nữa. Nếu suy nghĩ sâu xa hơn có thể bảo rằng đó chính là cái chân, là cách thể hiện tính nhân đạo của nghệ thuật.”
“Chà, riêng về phần cô nàng Chauchat”, ông cố vấn cung đình nhận xét, “thì hội họa có vẻ là môn nghệ thuật phù hợp hơn, tôi tin rằng Phidias[132] hay thằng cha có cái họ như đám con cháu Moses[133] sẽ chun mũi phẩy ta khi thấy tướng mạo cô nàng… Ông làm cái gì vậy, ông định tha của nợ ấy đi đâu?”
“Ông thứ lỗi, để tôi đặt nó dựa vào chân ghế, thế là ổn. Các nhà điêu khắc Hy Lạp không để ý nhiều đến cái đầu đâu, thân thể mới là đối tượng quan tâm chính của họ, có lẽ bởi vì đó mới chính là chỗ nhân bản… Vậy ra những đường cong của phái nữ được tạo ra từ mỡ?”
“Rặt mỡ!” Ông cố vấn cung đình khẳng định như đinh đóng cột trong khi mở khóa tủ lôi ra bộ đồ nghề pha cà phê gồm một cái cối xay cà phê Thổ Nhĩ Kỳ dạng ống[134], cái bình nấu cà phê cán dài, cái hộp hai ngăn đựng đường và bột cà phê, tất cả đều bằng đồng thau. “Palmitin, stearin, olein[135]”, ông ta vừa nói vừa dốc cà phê hột đựng trong hộp thiếc vào cối rồi bắt đầu xay. “Các quý ông thấy đấy, tôi tự làm hết từ A đến Z, như vậy cà phê pha ra mới chuẩn. Chứ ông tưởng sao? Không lẽ người họ núng nính vì hạnh nhân ngào đường?”
“Không, tôi cũng biết thế. Có điều nghe tận tai vẫn thấy lạ.”
Họ ngồi hình thước thợ giữa cửa ra vào và cửa sổ, cạnh một chiếc bàn tre thấp mặt là một tấm đồng thau chạm hoa văn kiểu Đông phương, trên đặt bộ đồ pha cà phê giữa một đám lủng củng dụng cụ hút thuốc: Joachim ngồi cạnh Behrens trên chiếc sô pha lót vô số gối lụa nhỏ, Hans Castorp ngồi một mình trên chiếc ghế bành có bánh xe lăn, chàng cẩn thận để bức chân dung Madame Chauchat dựa vào bên cạnh. Dưới sàn trải một tấm thảm sặc sỡ nhiều màu. Ông cố vấn cung đình múc cà phê đã xay thành bột và đường đổ chung vào cái bình có cán dài, dội nước sôi rồi đặt lên bếp đèn cồn nấu cho sôi trở lại. Cà phê rót ra sủi bọt nâu sẫm trong những chiếc tách củ hành, nhấp vào quả thật vị đậm và ngọt hơn hẳn bình thường.
“Cả người ông cũng vậy”, Behrens tiếp tục. “Tấm thân quý báu của ông cũng được đắp chủ yếu bằng mỡ, tất nhiên không nhiều bằng đám đàn bà. Ở đàn ông chúng ta lượng mỡ thông thường chiếm khoảng một phần hai mươi trọng lượng cơ thể, ở phụ nữ là một phần mười sáu. Nếu không có lớp tế bào này lót dưới da thì chúng ta đã khô queo như nấm mèo rồi. Cùng với năm tháng lớp mỡ này dần dần tiêu đi, và làn da chùng xuống nhăn nheo thành những nếp gấp thiếu thẩm mỹ của tuổi già. Lớp đệm mỡ này dày nhất và chắc nhất là ở bộ ngực nữ giới và ở bụng, và ở đùi nữa, tóm lại là tất cả những chỗ làm tim rung động và tay ngứa ngáy. Cả ở lòng bàn chân cũng có một lớp mỡ dày và nhột.”
Hans Castorp xoay xoay cái cối xay cà phê trên tay. Cũng như cả bộ đồ pha cà phê, cái cối này có dáng dấp Ấn Độ hay Ba Tư hơn là Thổ Nhĩ Kỳ: những hình chạm bóng loáng nổi lên trên nền đồng thau vàng xỉn tiết lộ xuất xứ phương Đông của chúng. Hans Castorp chăm chú quan sát những hoa văn chạm trổ trên đó mà không luận ra được đó là hình gì. Đến khi luận ra thì chàng bất giác đỏ bừng mặt.
“Vâng, bộ đồ cà phê này chỉ dành riêng cho cánh đàn ông độc thân”, Behrens nháy mắt bảo. “Bởi vậy nên tôi phải cất nó vào trong tủ khóa kỹ, ông biết chứ. Nếu không cô hầu gái của tôi có thể hỏng mắt vì nhìn nhiều quá. Đối với ông thì chắc không tai hại gì chứ hả. Đó là quà của một nữ bệnh nhân tặng cho tôi, một công chúa người Ai Cập, trước đây đã cho chúng tôi cái vinh hạnh được chăm sóc cô ta vài năm. Ông xem này, món đồ nào cũng được chạm hình ấy. Ngộ quá phải không?”
“Vâng, kỳ quá”, Hans Castorp đáp. “Ha, đối với tôi dĩ nhiên chẳng tai hại gì. Thậm chí còn có thể coi đó là một biểu tượng linh thiêng nữa - mặc dù xét cho cùng để trang trí ấm pha cà phê thì hơi lạc điệu. Nghe nói người xưa hay trang hoàng quan tài bằng những hình này. Có vẻ như đối với họ tục tĩu và linh thiêng cũng chẳng khác gì nhau.”
“Chà, về phần cô công chúa”, Behrens bảo, “theo thiển ý của tôi thì món quà của cô ta thiên về tục tĩu nhiều hơn là linh thiêng. Cũng phải nói thêm rằng nhờ cô ta mà tôi có được một loại thuốc lá hảo hạng, chất lượng tuyệt vời, tôi chỉ xì ra trong những dịp đặc biệt nhất thôi.” Và ông ta lôi trong ngăn tủ ra một bao thuốc lá sặc sỡ đưa mời hai người. Joachim nghiêm trang từ chối, hai gót chân dập vào nhau. Hans Castorp rút một điếu vừa dài vừa to in hình con nhân sư Sphinx mạ vàng, chàng mồi lửa hít một hơi và phải công nhận thuốc ngon tuyệt.
“Ông có thể vui lòng kể cho chúng tôi một đôi điều về da được không, thưa ông cố vấn cung đình!” Chàng hỏi trong lúc lại nhấc bức chân dung Madame Chauchat đặt lên đầu gối, ngả người dựa vào lưng ghế ngắm nghía, điếu thuốc lá vắt vẻo trên môi. “Không phải về thành phần mỡ trong da, cái ấy chúng tôi biết rồi. Về làn da người nói chung ấy, vì ông biết cách thể hiện nó hết sức thành công trên mặt vải.”
“Da ư? Ông quan tâm đến cấu tạo cơ thể người hay sao?”
“Đúng thế! Từ trước tới nay tôi vẫn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực này. Cơ thể người đối với tôi là một kỳ quan vô cùng lý thú. Đôi khi tôi còn tự nhủ có lẽ mình nên làm bác sĩ - ở một khía cạnh nào đó tôi tin rằng mình sẽ trở thành một bác sĩ không đến nỗi tồi. Vì ai quan tâm đến cơ thể thì cũng quan tâm đến bệnh tật, chẳng nhiều thì ít, có đúng không ạ? Nhưng thực ra điều đó không có nghĩa là tôi đặc biệt thích ngành y, vì tôi cảm thấy hình như nghề nào cũng hợp với mình. Ví dụ như tôi cũng rất có thể trở thành linh mục.”
“Hả?”
“Thật đấy, có những lúc tôi cảm thấy giá được làm linh mục thì thật là thỏa nguyện.”
“Thế tại sao ông lại trở thành kỹ sư?”
“Tình cờ thôi. Các yếu tố bên ngoài đã ít nhiều ảnh hưởng đến quyết định của tôi lúc chọn nghề.”
“Vậy là ông nhất định muốn biết về da? Tôi nên kể cho các ông nghe gì về cơ quan xúc giác của con người nhỉ. Da là bộ não hướng ra ngoài, ông hiểu không. Trong quá trình phát triển phôi thai từ trứng da cũng có cùng một gốc tế bào như cỗ máy tư duy có tên là não bộ cất trong hộp sọ ngất ngưởng trên cao: ông nên biết rằng hệ thần kinh trung ương chỉ là một biến dạng nhẹ của lớp da bọc bên ngoài, và ở động vật cấp thấp hoàn toàn không có sự phân biệt thần kinh trung ương với ngoại biên, ông thử tưởng tượng xem, chúng nếm và ngửi cũng bằng da, làn da là giác quan chính của chúng - tiện lợi biết mấy! Ngược lại ở các lớp động vật phát triển cao, như ông và tôi, thì da chỉ khiêm tốn giới hạn phạm vi trách nhiệm của mình ở cảm giác nhột, nó chỉ còn là cơ quan bảo vệ và truyền thông tin từ bên ngoài vào, nó phản ứng dữ dội chống tất cả mọi yếu tố ngoại vi muốn xâm nhập cơ thể, thậm chí nó còn giương xúc tu - đó là những cọng lông mọc khắp người, về cấu tạo không có gì khác hơn là tế bào da hóa sừng - như những cái ăng ten thu tín hiệu để cảnh báo cho ta từ trước khi có một vật chạm vào da. Riêng với các ông tôi có thể bảo rằng, chức năng bảo vệ và tự vệ của da không chỉ có ý nghĩa thuần túy về thể chất… Ông có biết tại sao ông đỏ mặt hay tái mặt không?”
“Tôi không rõ lắm.”
“Đúng ra phải thú thật là chẳng ai biết rõ điều đó, nhất là tại sao người ta đỏ mặt thẹn thùng thì khoa học cũng phải bó tay. Hiện tượng này không thể lý giải cặn kẽ được, vì cho tới nay người ta vẫn chưa chứng minh được hoạt động co giãn của các cơ vòng ở thành mạch máu có chịu sự chỉ đạo của dây thần kinh giãn mạch hay không. Tại sao mào gà có lúc phồng to và dựng hẳn lên - vì lý do tế nhị tôi tránh kể ra ở đây một ví dụ khác còn hay ho hơn nữa - đó vẫn là một điều gần như bí ẩn, nhất là vì trong trường hợp này lại có yếu tố tâm lý nhúng tay vào. Người ta giả sử rằng, giữa vỏ đại não và hành tủy có sự liên hệ không ngừng. Khi có một kích thích nhất định, ví dụ như ông xấu hổ đến mức muốn độn thổ, tín hiệu sẽ được truyền xuống trung tâm điều khiển ở hành tủy rồi từ đó được gửi ra các tế bào thần kinh ngoại biên, thế là mạch máu dưới da giãn ra, máu dồn lên mặt, ông bỗng có một cái đầu đỏ như gà chọi và không dám nhìn ai nữa. Trong những trường hợp ngược lại, chỉ có Chúa mới biết ông gặp phải điều gì - có thể là một điều khủng khiếp hoặc ai đó đẹp một cách khủng khiếp - lập tức các mạch máu dưới da co cả lại, da mặt ông trở nên lạnh ngắt và tái nhợt, trông ông không khác gì một xác chết biết đi với hốc mắt xám như chì và chóp mũi nhọn hoắt cắt không còn giọt máu. Nhưng đồng thời thần kinh giao cảm lại vung roi quất không thương tiếc khiến trái tim ông lồng lên phi nước đại.”
“Thì ra là thế”, Hans Castorp tư lự.
“Đại loại như vậy. Tất cả đều do phản ứng của cơ thể, ông biết không. Nhưng vì mọi phản ứng và phản xạ xét cho cùng chỉ có một mục đích duy nhất, nên những người làm khoa học chúng tôi mạo muội đưa ra kết luận rằng các hiện tượng đi kèm với tình trạng tâm lý bị kích thích cao độ này thực ra chỉ là một cách bảo vệ mình, một phản xạ tự vệ của cơ thể, như khi ta nổi da gà. Ông có biết người ta nổi da gà như thế nào không?”
“Cũng không rõ lắm.”
“Có thể bảo rằng đó là một cuộc biểu dương lực lượng của các tuyến bài tiết dưới da, là nơi tiết ra một loại chất nhầy chứa đạm và mỡ để bôi trơn da, ông hiểu không, nghe thì khiếp thế nhưng nhờ có nó làn da chúng ta mới được mềm mại sờ thích tay như vậy, nếu không nó đã khô cong nứt nẻ như đất gặp cơn hạn hán rồi - đúng là không thể hình dung nổi da người ta sẽ ra sao nếu thiếu thứ dầu nhờn cholesterin này. Các tuyến bôi trơn này có những cơ vòng tí hon giúp nó co thắt lại và dựng lên, khi ấy ông sẽ giống y như anh chàng đi chu du thiên hạ để học rùng mình rốt cuộc chỉ nổi gai ốc khi bị nàng công chúa dội cho một thùng nước lạnh đầy cá bống lên người[136], tóm lại làn da ông sẽ ráp như giấy nhám, và nếu xung lực kích thích đặc biệt mạnh thì cả các lỗ chân lông cũng thắt lại làm cho lông tóc trên đầu trên người ông dựng hết lên như con nhím lúc xù lông tự vệ, và ông có thể reo lên rằng ông đã học được rùng mình.”
“Ôi, bản thân tôi”, Hans Castorp bảo, “đã đôi khi trải qua cảm giác này rồi. Có thể nói tôi thuộc loại người rất dễ rùng mình, ở mọi nơi mọi lúc. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là các tuyến chất nhờn kia sẵn sàng dựng lên vì những lý do khác xa nhau. Khi có ai lấy cán bút cọ lên mặt kính, tiếng động rùng rợn ấy làm người ta nổi da gà, nhưng khi được nghe một bản nhạc hay người ta cũng nổi da gà, bản thân tôi trong lễ kiên tín khi được ban thánh thể đã rùng mình liên tiếp, những cơn ớn lạnh nối nhau râm ran khắp người tưởng như không muốn dứt. Kỳ thật, lắm lúc tôi chẳng hiểu tại sao những cơ vòng tí hon kia co lại.”
“Chà”, Behrens bảo, “kích thích nào cũng là kích thích. Cơ thể chẳng cần phân biệt đó là kích thích loại nào. Dù là cá bống hay thánh thể thì các lỗ chân lông cũng dựng lên ráo trọi.”
“Thưa ông cố vấn cung đình”, Hans Castorp lên tiếng sau một hồi trầm ngâm ngắm nghía bức tranh trên đầu gối, “tôi còn muốn được biết thêm một điều nữa. Lúc nãy ông có nhắc đến những quá trình diễn ra bên trong cơ thể, đến bạch huyết và những điều tương tự… Đó là cái gì vậy? Tôi sẽ rất biết ơn nếu ông vui lòng nói thêm về những điều này, thực tình đó là điều làm tôi rất quan tâm.”
“Rất sẵn sàng”, Behrens đáp. “Bạch huyết là thứ tinh túy nhất, thâm hậu nhất mà cũng mong manh nhất trong toàn bộ cỗ máy cơ thể - nếu ông hỏi thì tôi xin đáp rằng nó tràn ngập khắp người ông. Người ta hay nói đến máu với những tính chất có phần siêu nhiên và gọi đó là nhựa sống. Nhưng mà bạch huyết, đó còn là tinh hoa của nhựa sống nữa kia, phần tinh túy nhất chiết xuất ra từ đó, ông biết không, nó là sữa do máu chắt lọc ra, là những giọt chất bổ dưỡng thấm đi nuôi cơ thể - phải nói thêm là nhờ thành phần mỡ có trong dinh dưỡng nên bạch huyết nhìn quả thực hơi giống sữa.” Và ông ta bắt đầu hào hứng miêu tả tỉ mỉ hệ tuần hoàn, dòng chảy của những hồng cầu khoác áo choàng đỏ thắm được hệ hô hấp và hệ tiêu hóa cung cấp cho nào dưỡng khí, nào chất béo, chất đạm, chất sắt, đường và muối hòa tan thành một thứ nước lèo sền sệt ba mươi tám độ, được trái tim bơm bằng một áp suất nhất định vào cách huyết mạch dẫn đi khắp nơi trong cơ thể để duy trì quá trình trao đổi chất và thân nhiệt, nói tóm lại là duy trì sự sống. Rằng máu không chảy được tới tận các tế bào mà bằng áp suất của mình, còn gọi là huyết áp, nó chắt ra chất dịch tinh túy như dòng sữa ngấm qua thành mạch máu vào các lớp mô, chất lỏng này tràn ngập khắp nơi lấp đầy mọi khe kẽ dù là nhỏ nhất và ép lên làm căng hay chùng màng đàn hồi bao quanh các tế bào. Hiện tượng ấy người ta gọi là áp lực mô, nó có tác dụng dồn bạch huyết tràn vào bao bọc tế bào để tiến hành trao đổi chất, sau khi quá trình trao đổi chất đã diễn ra cũng chính áp lực mô lại đẩy bạch huyết trở lại các mạch bạch huyết để dẫn về mạch máu, cứ thế mỗi ngày có khoảng một lít rưỡi bạch huyết lưu thông trong cơ thể. Rồi ông ta mô tả hệ thống ống và mạch mao dẫn của hệ bạch huyết, nói về các tuyến sữa ở ngực thu gom bạch huyết từ chân, từ bụng, từ ngực, từ một bên tay và một bên đầu dồn về những bộ phận lọc tinh vi hình thành ngay trong mạch bạch huyết, được gọi là các tuyến bạch huyết và nằm rải rác ở cổ, ở nách, ở mé trong khuỷu tay khuỷu chân và những vị trí kín đáo mềm mại tương tự trong cơ thể. “Đôi khi một vài chỗ ấy bị sưng lên”, Behrens giảng giải, “chuyện ấy cũng không hãn hữu lắm đâu, và mỗi khi ở các tuyến, ví dụ như ở sau đầu gối hay cùi chỏ, bạch huyết bị tụ lại như phù nổi to thành hạch, thì thế nào đằng sau đó cũng phải có một nguyên nhân, thậm chí một nguyên nhân đáng ngại. Trong những trường hợp nhất định chẩn đoán lao hạch đã tỏ ra hoàn toàn có cơ sở.”
Hans Castorp im lặng. “Vâng”, hồi lâu sau chàng nói khẽ như nói với chính mình, “tôi cũng có thể trở thành một bác sĩ không đến nỗi tồi. Tuyến sữa ở ngực… Bạch huyết từ chân… Thật là lý thú - Cơ thể là gì!” Đột nhiên chàng sôi nổi kêu lên. “Thịt da là gì! Thân thể con người là gì! Tất cả những cái ấy làm từ chất gì vậy! Ông cố vấn, xin ông giải thích cho chúng tôi ngay ngày hôm nay! Xin ông giải thích một lần cặn kẽ cho chúng tôi được rõ!”
“Từ nước”, Behrens trả lời. “Thế ra ông còn quan tâm đến hóa hữu cơ nữa hay sao? Nước chiếm một tỉ lệ áp đảo trong cơ thể con người, chỉ là nước lã thôi, không hơn không kém, ông chớ nên bất bình. Chất rắn chiếm khoảng hai mươi lăm phần trăm, mà hai chục phần trăm trong đó đã là lòng trắng trứng gà - ông muốn nói cho kêu thì cứ việc gọi là chất đạm hay protein, ngoài ra còn thêm ít mỡ và tí muối, tất cả chỉ có vậy.”
“Nhưng thế thì lòng trắng trứng gà là chất gì?”
“Đủ loại nguyên tố thập cẩm ngũ vị. Carbon, hydro, nitơ, ôxy, lưu huỳnh. Thảng hoặc còn có phốt pho nữa. Lòng ham hiểu biết của ông thật như cái thùng không đáy. Một số protein chứa trong thành phần cả các hợp chất carbon hydrate, tức là đường glucose và tinh bột. Càng già thịt càng dai, điều đó không sai, vì tuổi tác càng cao thì lượng keo trong mô liên kết càng tăng, ông biết không, đó là chất kết dính gắn mọi thứ trong cơ thể lại với nhau, là thành phần quan trọng nhất trong xương và sụn. Tôi còn bỏ sót cái gì chưa kể nữa không? Trong cơ tương có một loại protein gọi là myosin, khi người ta chết thì nó đông chắc thành huyết tơ khiến bắp thịt co rút lại, thế nên xác chết có một giai đoạn cứng ngắc.”
“À ra thế, vì vậy mà người chết cứng đờ”, Hans Castorp hào hứng. “Tốt lắm, tốt lắm. Rồi sau đó là quá trình phân rã, là giải phẫu học dưới mồ.”
“Đương nhiên. Ông dùng từ văn hoa lắm. Sau đó là giải tán. Con người tan ra thành cát bụi. Đừng quên lượng nước đáng kể chứa trong đó! Và cả những thành phần khác, khi không còn sự sống thì chẳng cái gì bảo tồn được lâu, quá trình thối rữa sẽ phân hủy chúng thành những hợp chất đơn giản hơn, thành chất vô cơ.”
“Thối rữa, phân hủy”, Hans Castorp bảo, “đó là một hình thức đốt cháy, một phản ứng kết hợp với ôxy, theo chỗ tôi được biết.”
“Đúng lắm. Ôxy hóa.”
“Thế còn sự sống?”
“Cũng vậy. Cũng vậy, ông bạn trẻ. Cũng là ôxy hóa. Sự sống chủ yếu là quá trình đốt cháy chất đạm trong tế bào bằng ôxy, từ đó mới sinh ra hơi ấm trong thân thể, mà thỉnh thoảng lại ấm quá mới chết. Chà, sự sống cũng là cái chết, chẳng nên tô vẽ làm gì - une destruction organique[137], như thằng cha người Pháp nọ đã có lần phát biểu một cách hết sức nhẹ dạ. Trong sự sống đã bốc lên mùi chết chóc. Nếu chúng ta không cảm thấy thế, thì tức là các giác quan của chúng ta đã bị mua chuộc mất rồi.”
“Vậy là nếu người ta quan tâm đến sự sống”, Hans Castorp bảo, “thì cũng là quan tâm đến cái chết. Đúng không ạ?”
“Cha chả, vẫn có một chút khác biệt chứ. Sự sống là một quá trình biến đổi vật chất để duy trì hình thức.”
“Duy trì hình thức để làm gì”, Hans Castorp phản đối.
“Để làm gì? Nhưng mà này, điều ông vừa mới nói ra thật chẳng có tính nhân đạo tí nào.”
“Hình thức là thứ rởm đời.”
“Hôm nay ông uống thuốc liều hay sao mà ăn nói bạt mạng thế. Nhưng đã tới lúc tôi phải cáo lỗi với các ông”, ông cố vấn cung đình bảo. “Tôi lại bị rơi vào tâm trạng nặng nề rồi”, ông ta đưa bàn tay khổng lồ lên che mắt. “Các ông thấy đấy, nó muốn đến lúc nào thì đến. Tôi vừa mới uống cà phê với các ông, vừa mới nói cười vui vẻ, thế rồi thình lình cơn trầm cảm chụp xuống đầu tôi không báo trước. Các ông thứ lỗi. Rất hân hạnh được tiếp đãi và hầu chuyện các ông…”
Hai anh em nhảy phắt dậy. Họ xin lỗi vì đã làm phiền ông cố vấn cung đình quá lâu… Ông ta ra dấu chứng tỏ ngược lại. Hans Castorp vội vã mang bức chân dung Madame Chauchat sang phòng bên cạnh treo lên chỗ cũ. Họ không cần ra vườn để trở về phòng. Behrens chỉ cho họ lối đi trong nhà và tiễn chân họ đến tận cánh cửa nối với hành lang. Trong trạng thái tâm lý u uất bất thình lình cần cổ ông ta như gập hẳn xuống, cặp mắt lồi chớp chớp liên hồi và hàng ria mép cánh cụp cánh xòe vì một bên môi trên dẩu ra bỗng xơ xác thảm hại vô cùng.
Lúc đi qua hành lang lên cầu thang Hans Castorp bảo:
“Cậu thấy không, sáng kiến của tớ tuyệt đấy chứ.”
“Ờ, cũng được một chút thay đổi cho đỡ đơn điệu”, Joachim đáp. “Phải công nhận là cậu và ông ta được dịp phát ngôn thả cửa về một số vấn đề. Riêng tớ thấy hơi bị quá tải. Nhưng thôi, từ giờ đến lúc uống trà mình phải tranh thủ nằm nghỉ ít nhất là hai chục phút nữa. Cậu có thể bảo tớ là rởm đời, vì tớ lúc nào cũng giục đi nghỉ - trong khi cậu còn muốn bạt mạng. Nhưng xét cho cùng thì cậu không bị phụ thuộc vào việc điều trị như tớ.”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần