Chương 32 - Bích nô cô mọc tai lừa. Nó trở thành một con lừa thật và biết kêu hí ho
iều ký quái ấy là gì nhỉ?
Tôi sẽ nói để các em biết.
Điều kỳ quái ấy là Bích nô cô lúc ngủ dậy, đưa tay lên gãi đầu, và trong lúc gãi đầu nó thấy …
Các em thử đoán xem nó thấy gì?
Nó rất hoảng sợ khi thấy tai nó dài ra có đến một bàn tay. Các em hẳn cũng biết rằng ngay từ lúc ra đời. Thằng người gỗ chỉ có hai tai nhỏ xíu, nhỏ đến nỗi mắt không trông thấy. Giờ các em hãy tưởng tượng nỗi lo sợ của nó khi đưa tay rờ, bỗng nhận thấy tai nó trong đêm vừa qua đã lớn lên một cách ghê gớm.
Nó lập tức chạy đi tìm cái gương để soi, gương không có, nó phải đổ nước vào một cái chậu. Nhưng khi soi mặt, nó trông thấy một hình ảnh mà không đời nào nó muốn nhìn đến. Bóng nó trong nước đã tô điểm thêm một cặp tai lừa đồ sộ.
Các em chắc cũng hiểu thấu những nổi đau khổ, thẹn thùng và thất vọng của Bích nô cô chứ! Nó khóc, nó la, nó đánh mạnh đầu vào tường.
Nó càng thất vọng, tai càng lớn thêm và đầu mọc lông đâm ra tua tủa.
Nghe tiếng thất vọng la hét khát khao của nó, một chú CuLy (giống thú ngủ suốt cả mùa đông) ở tầng trên chạy xuống đi vào phòng.
Thấy Bích nô cô đang trong cơn giận dữ thì nó vội vàng hỏi:
- Ông bạn láng giềng ơi! Ông có điều gì thế?
- Này bạn CuLy, tôi bị bệnh, bệnh nặng quá! Một chứng bệnh làm tôi khiếp sợ. Trông thấy tôi như thế này mà bạn không biết à?
- Chỉ biết sơ sơ thôi!
- Bạn xem thử có phải tôi lên cơn sốt không?
Cu Ly đưa chân mặt đàng trước ra bắt mạch cho Bích nô cô rồi thở dài nói:
- Này bạn, tôi tiếc đã đem lại cho bạn một tin buồn. Bạn đang lên một cơn sốt ghê tởm.
- Sốt gì thế?
- Bạn bị bệnh sốt của giống lừa.
- Tôi chưa từng biết thứ sốt này bao giờ cả.
Tuy Bích nô cô đáp thế, nhưng kỳ thật nó đã đoán biết bệnh của nó.
- Này để tôi nói cho bạn nghe nhé! Bạn nên biết rằng chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ nữa, bạn không còn là một Thằng người gỗ hay một đứa trẻ nữa.
- Thế tôi sẽ thành cái gì?
- Thành một con lừa bằng xương bằng thịt như mấy con lừa thắng trong những cỗ xe chở su và xà lách ra chợ bán.
Bích nô cô than khóc:
- Khốn khổ cho tôi
Nó đưa hai tay ra nắm lấy hai tai, kéo dài và dày vò như tai của một kẻ nào khác.
Cu Ly lại nói:
- Ông bạn ơi! Ông bạn đành phải chịu vậy mà thôi. Từ nay phải đành cam số phận. Sách thánh hiền đã dạy:- “Những đứa trẻ nào lười biếng, khinh khi sách vở, trường học và thầy giáo, suốt ngày chỉ ham chơi đùa lêu lổng, chẳng chóng thì chầy, thế nào cũng hóa thành những con lừa nho nhỏ.”
- Có thật thế không ông bạn?
- Thật lắm chứ! Giờ đây ông bạn có than khóc cũng vô ích. Đáng lẽ ra phải lo liệu từ trước.
- Nhưng có phải lỗi tại tôi đâu! Bạn nên tin rằng: Đây là lỗi tại thằng Bạch Lạp cả.
- Bạch Lạp là ai thế?
- Một thằng bạn cùng trường với tôi. Tôi đã muốn trở về nhà rồi chứ. Tôi muốn vâng lời mẹ tôi, tôi muốn chăm lo học hành để làm cho thầy giáo được hãnh diễn, nhưng mà Bạch Lạp nó nói: « Sao mà mày lại học hành làm gì thế? Rõ chán quá! Sao mày lại thích đi đến trường? Đi với tao đến xứ Nô Đùa có phải hơn không? Ở đấy chúng tao không phải học hành gì cả, ở đấy chúng tao vui chơi từ sáng đến tối và bao giờ chúng tao cũng thích thú cả.»
- Thế sao bạn lại nghe theo lời khuyên của thằng bạn xấu ấy?
- Bởi vì …
- Bởi vì sao?
- Bởi vì …bạn CuLy ơi! Bởi vì tôi là một Thằng người gỗ không có trí phán đoán lại không có lương tâm nữa. Nếu tôi có một điểm lương tâm thì không bao giờ tôi bỏ bà Tiên thân mến của tôi mà đi. Bà thương tôi như một người mẹ và đã giúp cho tôi được rất nhiều việc. Trong giờ phút này, đáng lẽ tôi không còn một Thằng người gỗ mà đã thành một đứa trẻ như bao nhiêu đứa trẻ khác. Bây giờ nếu tôi gặp thằng Bạch lạp thì nó hãy coi chừng với tôi, tôi sẽ cho nó một trận mới được.
Thế rồi nó sửa soạn ra đi.
Nhưng khi bước chân ra ngưỡng cửa, sực nhớ lại nó có cặp tai lừa, ló mặt ra trước công chúng nhứ thế thì thẹn lắm, nên nó đã nghĩ ra được một cách. Nó lấy một cái mũ vải trùm lên đầu, kéo sụp xuống tận mang tai, đoạn mới chạy đi tìm thằng Bạch Lạp.
Nó tìm ở ngoài đường, ở những chỗ công cộng, trong các rạp hát, khắp cả mọi nơi nhưng chẳng thấy thằng kia đâu.
Gặp ai nó cũng hỏi thăm, nhưng không ai biết Bạch lạp đâu cả.
Nó đi đến nhà trọ của thằng kia. Khi đến nhà nó liền gõ cửa. Bạch Lạp ở trong nhà hỏi vọng ra:
- Ai đó?
Bích nô cô đáp:
- Tao đây!
- Đợi một chốc, tao ra mở cửa cho.
Nửa giờ sau, cửa lớn mở, Bích nô cô rất ngạc nhiên lúc bước chân vào, nó cũng trông thấy trên đầu thằng Bạch Lạp một cái mũ vải trùm cả hai tai. Bích nô cô tự thấy được an ủi và nghĩ thầm
- « Có lẽ thằng bạch Lạp cũng mắc một chứng bệnh như mình chứ gì? Nó cũng bị lên cơn sốt của giống lừa ư? »
Giả vờ không hay biết gì cả, Bích nô cô mỉm cười hỏi Bạch lạp:
- Mày vẫn như thường luôn chứ?
- Tao vẫn như thường luôn như con chuột trong chĩnh nếp.
- Có quả thật thế không?
- Chứ mày bảo tao nói láo làm gì?
- Xin lỗi mày, chứ tại sao mày lại lấy mũ vải trùm lên hai tai như thế?
- Thầy thuốc bảo tao phải trùm như vậy vì tao bị đau đầu gối. Còn mày, sao mày cũng lấy mũ trùm kín hai tai?
- Tao à? thầy thuốc bảo tao phải trùm như thế này vì tao bị thương ở chân.
- Bích nô cô! Tội nghiệp cho mày chưa?
- Bạch lạp! Tội nghiệp cho mày chưa?
Nói thế rồi hai đứa yên lặng nhìn nhau lòng đầy nghi kỵ.
Cuối cùng lấy giọng ngọt ngào, Bích nô cô nói với bạn:
- Bạch Lạp ơi! Tao tò mò muốn biết thử mày có đau tai không?
- Không! không đời nào! Còn mày?
- Không đời nào! Nhưng từ mai này, tai tao đã làm cho tao khó chịu.
- Tao cũng đau như mày thế!
- Mày cũng thế à? Nhưng mày đau tai bên nào?
- Cả hai. Còn mày?
- Cũng cả hai tai. Hay là chúng mình cùng chung một bệnh?
- Tao chỉ sợ thế.
- Này Bạch Lạp! Mày có thể thi ân cho tao việc này không?
- Vui lòng lắm chứ! Tao sẽ hết sức ….
- Mày có thể cho tao xem hai tai của mày được không?
- Mày muốn xem thì xem, nhưng cho tao xem hai tai của mày trước đã Bích nô cô ạ.
- Không! Mày đưa cho tao xem trước.
- Không! Mày cho tao xem hai tai mày trước, rồi tao sẽ đưa tai tao ra.
Thằng người gỗ:
- Chúng ta hãy giao hẹn với nhau như những cặp bạn bè tốt.
- Chúng ta cùng cất mũ lên một lượt. Mày nhận lời không?
- Nhận lời.
- Này nhé! Này!
- Bích nô cô dọng dạc đếm:
- Một … hai … ba!
Đến tiếng « ba » cả hai cùng cất mũ tung lên giữa không khí.
Một tấn tuồng không thật thì cũng có vẻ khó tin. Nghĩa là Bích nô cô và Bạch Lạp đứa nọ trông thấy đứa kia đau khổ, vì gặp điều chẳng may, đáng lã chúng thẹn thùng, buồn bã khi đưa cặp tai to ấy lớn cho nhau coi, nhưng sau khi nhăn nhăn, nhó nhó, chúng bỗng bật cười lên, cười như nắt nẻ.
Chúng cười, cười như điên như dại, nhưng trong lúc đang cười một cách vui vẻ như thế, thì Bạch lạp tự nhiên dịu hẳn. Nó chếnh choáng như say rượu, sắc da bỗng nhiên thay đổi. Nó nói với bạn nó:
- Bích nô cô! Mày cứu tao với!
- Gì thế mày?
- Tao thấy không sao đứng vững được nữa.
Bích nô cô vừa la, vừa khóc, dẫm hai chân và la lớn:
- Tao cũng không sao đứng vững được.
Trong khi nói với nhau như thế thì cả hai gập mình xuống đất đi cả hai tay lẫn hai chân. Chúng xây quanh, và chạy khắp trong phòng. Lúc chúng chạy thì mặt chúng dài ra và miệng hóa thành mõm, thân hình sinh một lớp da xám nhạt có vằn đen.
Nhưng hai thằng vô phúc này bị đau đớn hơn cả là lúc chúng mọc đuôi.
Vừa thẹn thùng vừa đau khổ, chúng định than khóc cho số phận. Chúng đừng than khóc có hơn không? Vì tiếng nói của chúng bỗng hóa thành những tiếng rống ghê rợn cất lên một loạt: hí hô … hí hô …
Khi ấy, ở ngoài có tiếng gõ cửa và có tiếng hỏi:
- Mở cửa! tao là gã lùn tịt, gã đánh xe đã đem chúng mày đến xứ này đây. Mở cửa mau không thì chúng mày hãy coi chừng!
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio - Carlo Collodi Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio