Chương 31 - Việc Yên Bái
ồi trước, hình như anh em chưa hề chú ý đến địa điểm Yên Bái.
Sau, vì muốn mở một lối cho các đội quân ở bên trong có thể liên lạc được với các đội quân ở Lào Cai, ở Vân Nam của anh Nghiệp, nên Đảng phải cho tuyên truyền cấp bách ở đây để tìm lấy đồng chí. Cũng vì anh em nhà binh ở Yên Bái gia nhập muộn, nên chưa đặt dưới quyền giám sát của Đội Dương. Cũng vì thế mà mới bảo toàn được lực lượng sau khi tên này phản Đảng.
Việc tuyên truyền ấy phần nhiều là công hai chị em cô Giang, cô Bắc. Trước khi cử sự, anh em nhà binh luôn luôn có cuộc họp ở nhà anh Quản Cầm. Dự nghị có bốn anh cai Thinh, Nguyên, Thuyết và Ngô Hải Hoàng. Đó là bộ tham mưu ở địa phương. Nhưng mấy hôm trước nhật kỳ, thì anh Cầm đã vì bệnh đau tim mà về nằm Hà Nội. Anh em liền cử anh Hoàng thay anh Cầm làm tổng chỉ huy đánh Yên Bái.
Sớm ngày mồng 9 tháng hai, các đồng chí ở các nơi, toán thì đi bộ, toán thì đi xe lửa, lục tục kéo về Yên Bái, dưới quyền lãnh đạo của mấy anh Đặng Văn Hợp, Bùi Tư Toàn v.v… Bom và dao thì do các chị em đồng chí giấu xuống dưới những mớ rau, mớ cám, mà gánh về để ở quanh trại con gái. Các chị em này toàn người làng Xuân Lũng. Những băng đeo, những cờ hiệu dùng trong đêm ấy, cũng là do chị em sắm sửa và tất cả các đồng chí chia nhau ra ở các nhà trọ.
Chiều đến mới cùng nhau họp ở trong rừng sơn cạnh tỉnh lỵ. Anh Phó Đức Chính, mặc binh phục, đứng ra diễn thuyết và phân phát khí giới cho các đội tiện y
Bảy giờ chiều, một tên gián điệp vào báo với viên đội Quy nê ô. Tên này đưa nó vào trình Lơ ta công chỉ huy quan coi các đạo binh Yên Bái. Lơ ta công đi tuần, dòm vào trong trại con gái, nơi lính ta ở, thấy bóng người vắng tanh, cho là họ đã họp nhau ở một chỗ nào mà đánh bạc! Họ vốn coi khinh người mình, nên không hề có ý đề phòng.
Một giờ sáng, anh em trong hai cơ binh thứ năm, thứ sáu, đóng ở dưới đồi, đã hợp sức với anh em các đội tiện y ở ngoài mà chiếm lấy trại.
Các đồng chí đã dùng dao, dùng súng tay mà tấn công…
Kho súng mở… Các khí giới phân phát… Ngọn cờ “máu đỏ da vàng” của Đảng phất phới bay cao trên trại… Các binh sĩ cũng như các người trong đội tiện y tay đều đeo băng cách mệnh quân. Sắp quân xong, anh em dàn súng liên thanh mà bắn lên trại đối phương đóng ở trên đồi. Giữ thế tranh sơn, đối phương tử trên cao bắn xuống cản đường, quân cách mệnh không sao tiến nổi. Năm giờ rưỡi sáng đối phương bắt đầu phản công kịch liệt. Quân ta cơ hồ bị vây kín ở trong trại. Thấy thế núng, ban chỉ huy liền đem các đồng chí xông qua vòng đạn lửa mà kéo vào rừng…
Xét ra việc thất bại mau lẹ ở Yên Bái chỉ là vì tổ chức chưa được kỹ càng. Trong bốn cơ khố đỏ ở đấy, thì phong trào cách mệnh mới chiếm được hai cơ. Mà lại là hai cơ đóng ở dưới đồi, vừa tầm súng của hai cơ đóng ở trên đồi! Theo địa thế, đã đủ là bất lợi. Bên trại khố xanh, ta lại không tuyên truyền gì cả. Trong cơn quân đối phương vây đánh quân ta, đội quân khố xanh vẫn ở trong trại không hề nhúc nhích. Biết đâu các sĩ quan ở đấy chả có cái thâm tâm muốn ủng hộ cách mệnh. Đáng tiếc là đảng chưa kịp huy động đến họ mà thôi.
Thế nhưng có cái gì ở Yên Bái. Sự thiếu tổ chức khuyết điểm chung trong công cuộc bấy giờ. Có phải các tay lãnh đạo của ta không biết đến đâu. Các anh muốn tổ chức cho chu đáo hơn. Nhưng thời thế đã không cho các anh có thì giờ làm thời thế đã đẩy các anh vào thế không thể đợi chờ được nữa!
Nguyễn Thái Học (1902-1930) Nguyễn Thái Học (1902-1930) - Nhượng Tống Nguyễn Thái Học (1902-1930)