Chương 32
ôi viết bài báo về chuyến quay lại Việt Nam cho tạp chí XXI trong đau đớn. Tôi không kể gì về bí mật của cha tôi, nhưng thế đã là quá rồi.
Tuy vậy bài phóng sự làm trong đơn độc ấy đã thuyết phục được tôi. Tôi phải quay lại Việt Nam. Nhưng lần này với cha mẹ tôi. Và các con gái của tôi. Một chuyến đi của ba thế hệ. Chúng tôi đã có ngày đi. Sẽ vào mùa đông để thời tiết mát mẻ không khiến cha tôi quá mệt.
Tôi đã tập trung hết sức cho chuyến đi ấy.
Vé máy bay, thị thực, khách sạn.
Và rồi.
38
MỘT BỨC MAIL
Người gửi: Thomas G.
Người nhận: dbui@nouvelobs.com
Về vấn đề: Sau khi đọc bài báo trong tạp chí XXI
Chào Ðoàn,
Tối hôm qua, vợ tôi đã đề nghị tôi ngồi xuống đọc tạp chí XXI mà nàng là một độc giả trung thành.
Nàng đã choáng váng vì phát hiện ra những mảnh vụn về cuộc đời người ông của chính đứa trẻ nàng đang mang trong bụng.
Cuộc đời của cha tôi, và cũng là cha của chị gái tôi. Tôi đã đọc vài dòng, nhưng không thể đọc tiếp. Bỗng nhiên, một phần của cuộc đời tôi đã trở thành công khai. Một cuộc đời từng bị giấu kín hoặc bị chối bỏ cho tới tận bây giờ.
Những bí mật ấy có cần phải kéo dài vĩnh viễn? Tôi không muốn lặp lại sự im lặng, định mệnh, của cha tôi (… xin lỗi, cha của chúng ta, tất cả câu chuyện này dẫn đến nhiều lẫn lộn, kể cả bức mail đây), sự im lặng này không bắt đầu từ năm 2005 khi cha bị tai biến và con trai lớn của tôi Paulin ra đời, mà từ năm 1973, khi chính tôi được sinh ra (…)
Cô có thể gọi điện cho Dominique D. Bác ấy sẽ xác nhận những gì tôi nói đây. Bác cũng sẽ rất vui khi được tin về người bạn thời trai trẻ của mình (…)
Trân trọng,
Thomas (Phan Hung)
40
MỘT CÂU CHUYỆN
Tôi thường xuyên kể bí mật cho bạn bè, cho những người tôi ít quen, cho những người tôi tình cờ gặp. Với những người thân của tôi thì tôi lại im như thóc. Kể cho những người kia, như kể trước khán giả của một vở kịch, tôi kể mà không có cảm giác phạm lỗi, tôi không có cảm giác câu chuyện của tôi liên quan đến tôi. Dần dần, câu chuyện của tôi trở thành câu chuyện của một người khác. Thế đấy, tôi triển khai cuộc điều tra kỳ lạ đã mang tôi về phía cha tôi và cha biến thành một người mà tôi không quen, một nhân vật của chuyện lá cải.
Tôi cố giữ khoảng cách, như một bác sĩ giải phẫu. Tôi muốn phân tách câu chuyện này bằng một lưỡi dao mổ và nhìn qua kính hiển vi chất liệu lùng nhùng phức tạp ấy. Ðó là công việc mà cha tôi làm suốt đời bằng cách quan sát trong ống kính những bản tóm tắt các bi kịch của nhân loại, ung thư, u trung biểu mô, cha xác định hình dạng cho một cái không có hình dạng, vì cha là người duy nhất biết ý nghĩa của những vết kỳ lạ và mờ ảo, những bông hoa xòe ra trên miếng kính phòng thí nghiệm và được phóng to hàng triệu lần, cha là ông đồng có thể nhìn thấy tương lai, khuôn mặt của thần chết.
Tôi cũng cần thái độ khách quan như vậy. Bỏ đi những cảm xúc, đọc chính tả một bản báo cáo kết quả giải phẫu học. Tôi hình thành “báo cáo Bùi Anh Dũng”. Hồ sơ 11079X75. Tôi lật các trang, đóng dấu, xác nhận. Tôi nhắc đi nhắc lại với mình rằng không có gì là ngạc nhiên cả. Căn bệnh của chúng tôi được các chuyên gia về tâm hồn con người biết rất rõ vì đó là một câu chuyện vẫn thấy trong những gia đình hôn nhân lần sau. Cha tôi đã sống hai mặt. Giống như cha của cha, ông nội tôi, vừa là Việt Minh vừa chạy khỏi chiến khu, vừa người Bắc vừa người Nam, cha tôi bị giằng xé giữa hai gia đình, giữa hai cực, giữa nước Pháp và nước Việt.
Nhưng vô ích. Sự im lặng đã kéo dài quá lâu khiến câu chuyện trở nên không thực. Nó là chất liệu cho các chuyện hoang tưởng. Ðó là lý do tại sao tôi không thể hình dung gặp họ như thế nào, những người khác, những người khác ấy, những nhân vật lén lút của một cuốn tiểu thuyết mà tôi có cảm giác là được bịa hoàn toàn, cuốn tiểu thuyết của gia đình tôi. Họ không thể tồn tại một cách có thật.
Cho tới khi nhận được bức mail ấy. Với những tên. Những tuổi. Những ngày tháng.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng