Hai Số Phận epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 30 - Phần 5 1931 – 1952
ọi cho tôi Henry Osborne ngay, - ông ta bảo cô thư ký.
Ông ta gõ ngón tay lên mặt bàn đến gần mười lăm phút chờ cô thư ký tìm ra Nghị sĩ Osborne lúc này đang dẫn một số những cử tri của mình đi thăm nhà Quốc hội.
- Abel, ông đấy à?
- Phải, Henry. Tôi nghĩ có lẽ ông là người đầu tiên nghe nói rằng Kane đã biết hết mọi thứ. Như vậy là bây giờ cuộc chiến ra ngoài công khai rồi.
- Ông nói thế nào? Hắn ta biết hết mọi thứ ư? Ông có nghĩ là hắn biết tôi cũng có dính vào đấy không - Henry lo lắng hỏi.
- Biết quá đi chứ, và hình như hắn còn biết rõ cả những tài khoản đặc biệt của công ty, cổ phần của tôi trong ngân hàng Lester và trong công ty hàng không Liên Mỹ nữa.
- Làm sao hắn có thể biết hết được nhỉ? Chỉ có ông với tôi là biết về những điều khoản đặc biệt thôi mà.
- Còn Curtis Fenton nữa, - Abel ngắt lời.
- Phải. Nhưng ông ta chả bao giờ báo cho Kane biết được.
- Chắc là ông ta rồi. Không còn ai khác vào đó. Ông đừng quên rằng Kane giao thiệp trực tiếp vơi Curtis Fenton khi tôi mua công ty Richmond của hắn ta. Tôi đoán họ vẫn duy trì một kiểu liên lạc nào đó.
- Lạy Chúa?
- Ông có vẻ lo lắm hả, Henry? -
- Nếu William Kane biết mọi thứ thì chuyện hoàn toàn khác hẳn rồi. Tôi báo cho ông biết nhé, Abel, hắn không có chịu thua đâu.
- Thì tôi cũng vậy, - Abel nói. - William Kane không dọa tôi được, nhất là trong khi tôi nắm các chủ bài trong tay. Cổ phần mới đây nhất của ta trong chứng khoán ở chỗ Kane là thế nào?
- Tôi không nhớ rõ lắm, ông có sáu phần trăm ở Lester và mười phần trăm ở công ty hàng không Liên Mỹ, cộng với những khoản phụ ở các công ty khác liên quan ông chỉ cần hai phần trăm nữa của Lester là vận dụng Điều khoản Bẩy được rồi, còn Peter Parfitt thì chưa dứt khoát.
- Thế thì tốt, - Abel nói. - Tôi thấy tình hình không thể tốt hơn được. Ông cứ tiếp tục nói chuyện với Parfitt, bảo ông ta là tôi không vội, trong khi đó thì Kane lại không thể quan hệ với ông ta. Nhưng ông đừng làm gì vội, chờ tôi đi Châu Âu về đã nhé. Sau cuộc nói chuyện bằng điện thoại của tôi với ông Kane sáng nay, tôi có thể đảm bảo với ông là hắn ta đang toát mồ hôi, nói theo cách của những người lịch sự.
Nhưng, Henry này, tôi cho ông biết một điều bí mật nhé: tôi chẳng lo gì hết. Cứ để hắn tiếp tục như thế đã vì tôi chưa có ý gì muốn hành động vội. Để bao giờ thuận tiện và sẵn sàng đã.
- Tốt thôi, - Henry nói. - Nếu có chuyện gì xẩy ra đáng phải lo, tôi sẽ báo cho ông biết.
- Ông phải nhớ kỹ trong đầu nhé, Henry, rằng chúng ta hoàn toàn không có gì đáng phải lo hết. Chúng ta đã nắm được dái ông bạn Kane của ông rồi, và bây giờ thì tôi cứ từ từ bóp lại thôi.
- Thế thì hay đấy, - Henry nói, giọng khoái trá.
- Đôi khi tôi nghĩ có lẽ ông căm ghét Kane hơn cả tôi đấy.
- Chúc ông đi Châu Âu vui vẻ nhé. - Henry cười một cách khó chịu.
Abel bỏ máy xuống rồi ngồi nhìn vào khoảng không một lúc xem sẽ làm gì tiếp. Ông văn gõ ngón tay lên bàn. Cô thư ký bước vào.
Cho tôi nói chuyện với ông Curtis Fenton ở Ngân hàng Tín dụng Continental, - ông nói nhưng không nhìn lên cô ta. Lại vẫn gõ ngón tay lên bàn. Vẫn chăm chăm nhìn vào khoảng không. Lát sau, chuông điện thoại reo.
- Fenton hả?
- Chào ông Rosnovski, ông khỏe không?
- Tôi muốn đóng tất cả tài khoản của tôi ở ngân hàng ông.
Đầu dây đằng kia không có trả lời.
- Ông nghe rõ tôi không, Fenton?
- Có - nhà ngân hàng hết sức ngạc nhiên. - Tôi xin hỏi tại sao thế, ông Rosnovski?
Vì Judas chưa bao giờ là tông đồ được tôi ưa thích cả, có vậy thôi. Từ lúc này trở đi, ông không còn trong Ban Giám đốc Công ty Nam Tước nữa. Ông sẽ nhận được văn bản tử tế về cuộc nói chuyện này trong đó yêu cầu ông chuyển tài khoản sang ngân hàng nào.
- Nhưng tôi không hiểu tại sao, ông Rosnovski. Tôi có làm gì để ông...
Abel bỏ máy xuống nhìn con gái đang bước vào.
- Nghe có vẻ không vui lắm, hả bố.
- Đó không phải là chuyện vui, nhưng chẳng có liên quan gì đến con đâu, con gái yêu. Abel nói và đổi giọng ngay. - Con có kiếm được đủ những thứ trang phục con cần không?
- Có, cảm ơn bố. Nhưng con không chắc chắn là ở London và Paris họ mặc những gì. Chỉ mong là con mua được những thứ hợp với họ thôi. Con không muốn bị lạc lõng.
Con sẽ nổi bật cho mà coi, con yêu quý. Bất cứ ai có được khẩu vị như con cũng sẽ nổi bật. Con sẽ là người đẹp nhất mà từ nhiều năm nay bây giờ Châu Âu mới có được. Họ sẽ biết quần áo của con không phải là thứ được phân phát. Bọn trẻ Châu Âu sẽ tranh nhau mà giành lấy con, nhưng đã có bố ở đó ngăn chúng lại. Bây giờ bố con mình hãy đi ăn đã, rồi bàn xem ở London chúng ta làm gì.
Mười ngày sau khi Florentyna đã ở cả một thời gian cuối tuần với mẹ - Abel không bao giờ hỏi đến mẹ cô nữa - hai bố con lên máy bay đi từ Idlewild ở New York đến sân bay Heathrow ở London. Chuyến bay trên chiếc Boeỉng 377 mất gần mười bốn giờ. Mặc dầu họ đã có khoang riêng trên máy bay, vậy mà khi đến Claridge ở phố Brook, hai bố con vẫn thấy cần được ngủ thêm một giấc nữa.
Abel đi chuyến này có ba lý do: một là, xác định lại những hợp đồng xây dựng khách sạn Nam Tước mới ở London, Paris, và có thể cả ở Rome; hai là, cho Florentyna có dịp được thấy Châu Âu lần đầu tiên trước khi cô đi Radcliffe để học ngôn ngữ hiện đại; và ba là, và điều này là quan trọng nhất, để ông thăm lại tòa lâu đài ở Ba lan xem còn có cơ hội nào chứng minh được rằng ông là chủ của tòa lâu đài đó không.
London đối với cả hai bố con đều đạt yêu cầu. Những cố vấn của Abel đã tìm được một chỗ ở góc Công viên Hyde, ông đề nghị những người của ông bắt đầu thương thảo ngay để có đất cùng những giấy phép cần thiết cho một Nam Tước ra mắt ở thủ đô nước Anh. Florentyna thấy cảnh London sau chiến tranh thật kham khổ, rất khác với cảnh xa hoa của cô ở nhà, nhưng những người dân London hình như không lấy thế làm buồn mà vẫn tự coi mình như một cường quốc trên thế giới. Cô được mời đến các bữa tiệc và vũ hội. Bố cô đã đoán đúng khi ông nói là quần áo cô mặc rất hợp thời và rất được những thanh niên Châu Âu để ý. Mỗi đêm đi về cô lại phấn khởi kể lại cho bố nghe mình đã chinh phục được những ai nhưng rồi đến sáng hôm sau lại quên đi. Nhưng cô không thể không nhắc đến những anh chàng đã tỏ ra rất lịch sự với cô nhất là những người có vai vế trong Hoàng cung và trong Quốc hội.
Ở Paris, hai bố con vẫn tiếp tục hoạt động sôi nổi, vì hai bố con đều thông thạo tiếng Pháp nên quan hệ với người Paris cũng thoải mái như với người Anh vậy. Thường cứ đến cuối tuần thứ hai là Abel bắt đầu thấy chán và chỉ muốn trở về nhà làm việc ngay.
Nhưng lần này có Florentyna đi theo nên ông không sốt ruột. Từ khi chia tay với Zaphia, con gái là trung tâm của cuộc đời ông và cũng là người duy nhất thừa hưởng những gì ông để lại.
Đến lúc phải rời Paris thì cả hai bố con không ai muốn đi. Họ ở lại thêm vài ngày, lấy cớ là Abel còn phải thương lượng để mua lại một khách sạn đã ọp ẹp ở đường Raspail. Người chủ ngôi nhà này là một ông có tên là Neuffe, trông còn ọp ẹp hơn cả ngôi nhà nữa.
Abel không báo cho ông ta biết là sau khi mua, ông sẽ cho phá đi hoàn toàn và làm lại mới nguyên. Mấy ngày sau khi ông Neuffe ký giấy bán rồi, Abel ra lệnh cho san phẳng chỗ đó. Rồi hai bố con đi Rome, trong bụng vẫn còn tiếc rẻ Paris.
Sau cái không khí hữu nghị của đất Anh và cái vui của thủ đô Pháp, thì cái thành phố gọi là vĩnh cửu này lại quá tối tăm nhếch nhác khiến cho hai bố con chán ngay từ đầu. Người La mã chẳng có gì để mà vui cả. Hai người khách du lịch này cảm thấy tiếc những giờ phút ở London và Paris. Ở London họ đi la cà trong công viên Hoàng cung, ngắm nhìn những tòa nhà lịch sử, và Florentyna còn được nhảy đến tận khuya. Ở Pari, họ được đi xem ca kịch, ăn trưa trên bờ sông Siene, đi thuyền dưới sông qua nhà thờ Đức Bà rồi ăn tối ở Khu phố La tinh. Còn ở Rome, Abel chỉ thấy có cảm giác tài chính không ổn định, do đó ông quyết định có lẽ sẽ thôi không xây dựng khách sạn Nam Tước ở cái thủ đô Ý này nữa. Florentyna cảm thấy bố ngày càng sốt ruột muốn về thăm tòa lâu đài của ông ở Ba lan một lần nữa, vì vậy cô đề nghị rời nước Ý sớm một ngày.
Abel thấy rằng xin được thị thực của bộ máy quan liêu cho bố con ông vào qua được Bức màn sắt còn khó hơn là xin giấy phép xây khách sạn 500 phòng ở London. Nếu là người không kiên trì thì đã bỏ đi rồi, Abel và Florentyna thuê một chiếc xe đi Slonim. Họ phải đứng chờ hàng giờ ở đồn biên phòng Ba lan.
Cũng may mà Abel thông thạo tiếng Ba lan nên rất đỡ. Giá như những người lính biên phòng kia biết trước rằng tiếng Ba lan của ông giỏi như vậy thì có lẽ họ đã có thái độ khác đối với ông rồi. Abel đổi 500 đôla ra tiền zloty - người Ba lan thấy thế có vẻ hài lòng - rồi cho xe đi tiếp. Càng đến gần Slonim, Florentyna càng hiểu được chuyến đi này đối với cha con cô có ý nghĩa biết chừng nào.
- Bố này, con chưa thấy bố phấn khởi như thế bao giờ.
- Đây là nơi bố ra đời, - Abel giải thích. - Sau một thời gian dài ở Mỹ như vậy, mà ở đó thì sự vật thay đồi hàng ngày, bây giờ về đây bố cảm thấy như từ khi bố đi đến nay chưa có gì thay đổi hết, thành ra bố tưởng như không có thật.
Xe càng gần đến Slonim, những cảm giác của Abel rộn hẳn lên vì sắp trông thấy nơi sinh ra mình. Ông tưởng như còn nghe lại được tiếng nói con trẻ của mình trước đây gần bốn mươi năm hỏi Nam tước xem có phải đã đến lúc các dân tộc Châu Âu bị chìm đắm sẽ tỉnh dậy và mình sẽ có thể đóng vai trò của mình được chưa. Nghĩ đến giờ phút xa xưa ấy và nghĩ đến vai trò nhỏ bé của mình, ông rơi nước mắt.
Cuối cùng họ đi vòng con đường dẫn vào khu đất của Nam tước và trông thấy chiếc cổng sắt ở phía ngoài lâu đài. Abel phấn khởi cười to và dừng xe lại.
- Tất cả đúng như tôi đã nhớ lại. Không có gì thay đổi hết. Vào đây con, vào đây xem căn lều bố đã ở cho đến lúc lên năm tuổi. Chắc không còn ai sống ở đây đâu. Rồi sau đó ta sẽ đi xem tòa lâu đài của bố.
Florentyna theo bố đi xuống một con đường nhỏ vào rừng đầy những cây sồi và cây phong mốc thếch những rêu và có lẽ đến một trăm năm nữa cũng vẫn thế. Đi chừng vài chục phút thì hai bố con đến trước một ngôi nhà lụp xụp của người thợ săn. Abel đứng nhìn. Ông quên mất rằng căn lều là ngôi nhà đầu tiên của ông rất bé, thế mà chín mạng người đã sống trong đó được. Cái mái rạ đã hỏng chưa chữa, tường đá đã lở đi một ít, cửa sổ xiêu vẹo. Mảnh vườn ươm rau trước kia bây giờ không nhận ra được vì cỏ đã mọc đầy.
Mọi người đã bỏ nơi này đi cả rồi chăng?
Florentyna cầm lấy tay bố từ từ bước đến trước cửa. Abel đứng im không động đậy, Florentyna gõ cửa. Họ im lặng chờ đợi. Florentyna lại gõ, lần này gõ to hơn, và họ nghe thấy trong nhà như có ai đi ra.
- Được rồi, được rồi. - một giọng Ba lan hơi gay gắt vọng ra, rồi cánh cửa từ từ mở. Một người đàn bà già, gầy guộc và người đã gập xuống, mặc toàn đồ đen, ngẩng lên nhìn hai người. Chiếc khăn quấn trên đầu để lộ mớ tóc trắng phau bù xù. Đôi mắt xám lờ đờ ngơ ngác.
- Không thể như thế này được, - Abel khẽ nói bằng tiếng Anh.
- Các người muốn gì? - người đàn bà hỏi với giọng ngờ vực. Bà cụ không còn răng nữa, mũi miệng với cằm lõm vào thành một vòng cung.
- Chúng tôi vào trong nhà nói chuyện với cụ được không? - Abel trả lời bằng tiếng Ba lan.
Bà cụ nhìn từ người nọ sang người kia với vẻ sợ hãi. - Bà cụ làu bàu.- Bà già Helena này có làm gì đâu?
- Vâng, tôi biết, - Abel ôn tồn nói. - Tôi đem tin mừng đến cho cụ đây.
Bà cụ có vẻ miễn cưỡng để hai người bước vào trong căn phòng trống trải lạnh lẽo, nhưng không mời ai ngồi. Căn phòng vẫn như xưa, hai chiếc ghế, một chiếc bàn với một cái thảm mà ngày xưa lúc ra đi ông không nhớ nó bằng gì. Florentyna rùng mình.
- Tôi không đốt lửa được - bà cụ đưa chiếc gậy chọc vào lò. Gộc củi đã tàn không còn cháy được nữa. Bà cụ gại tay vào túi. - Phải có giấy mới được. - Chợt bà nhìn lên Abel, tỏ vẻ chú ý hơn, và hỏi. - ông có giấy không?
Abel vẫn cứ chăm chú nhìn bà cụ. Ông nói:
- Bà không nhớ tôi à?
- Không tôi không biết ông là ai.
- Có, bà có biết đấy, Helena. Tên tôi là... Wladek.
- Ông biết thằng Wladek nhà tôi à?
- Tôi tên là Wladek đây.
- Ồ không đâu, - bà nói với một giọng xa xôi, buồn thảm. - Nó tốt với tôi lắm... người nó có vết của Chúa để lại, Ngài Nam tước mang nó đi cho nó làm thiên thần. Phải, ông ấy đã mang nó đi, thằng bé nhỏ nhất của tôi. . .
Giọng bà cụ đứt quãng và nhỏ dần. Bà ngồi xuống, thủ hai bàn tay gầy guộc vào lòng.
- Tôi đã về đây, - Abel nói dằn giọng hơn nữa, nhưng bà cụ không để ý gì đến ông, rồi lại run run vang lên trong phòng như chỉ có mình bà cụ ở đây thôi.
- Chúng nó giết chồng tôi, giết Jasio của tôi, rồi tất cả những đứa con yêu quý của tôi bị bắt vào trại giam. Trừ có con nhỏ Sophia thôi. Tôi giấu nó vào một chỗ kín, rồi chúng nó bỏ đi. - Giọng bà đều đều, mệt nhọc.
- Còn Sophia rồi ra sao? - Abel hỏi.
- Cuộc chiến tranh sau, bọn Nga lại bắt nó đi nữa,- bà buồn bã nói.
Abel rùng mình.
Bà cụ như dần dần nhớ ra.
- Ông muốn gì? Tại sao ông lại hỏi tôi thế? - bà nói.
- Đây là con gái tôi, - Florentyna.
- Tôi cũng có đứa con gái tên là Florentyna đấy, nhưng bây giờ chỉ còn một mình tôi.
- Nhưng tôi... - Abel nói và định cởi khuya áo sơ-mi.
Florentyna ngăn ông lại.
- Chúng tôi biết, - cô nói và cười với bà cụ.
- Cô làm sao biết được? Đó là chuyện từ lâu trước khi cô ra đời kia mà.
- Trong làng họ bảo thế mà. - Florentyna nói.
- Các người có giấy không? - bà cụ hỏi. - Tôi cần có giấy để đốt lửa lên.
Abel nhìn sang Florentyna không biết làm thế nào.
- Không ạ. Rất tiếc là chúng tôi chẳng có giấy gì mang theo.
- Vậy các người muốn gì? - bà cụ hỏi lại với giọng gắt gỏng như trước.
- Không ạ. - Abel nói, biết là bà cụ không thể nào nhận ra mình được nữa. - Chúng tôi chỉ muốn đến chào bà thôi. - Ông rút ví ra, lấy hết cả tiền zloty mới đã đổi ở biên giới và đưa cho bà cụ.
- Cảm ơn ông, cảm ơn ông, - bà cụ cầm lấy từng tờ bạc, mắt long lanh vui sướng.
Abel cúi xuống hôn người mẹ nuôi của mình, nhưng bà cụ lui lại.
Florentyna cầm tay bố dắt ông ra ngoài và đi theo con đường trở về chỗ xe đỗ.
Bà cụ đứng trong cửa sổ nhìn ra cho đến lúc hai người đi khuất. Rồi bà lấy những tờ bạc mới ấy vo rúm cả lại từ từ bỏ vào trong lò. Lửa bén ngay. Bà cụ lại nhặt những thanh củi nhỏ đặt lên trên đống tiền zloty đang cháy rồi ngồi xuống bên đống lửa. Đã mấy tuần nay bây giờ bà mới được ngồi xoa tay hưởng cái ấm áp này đây.
Trên đường trở ra xe, Abel không nói gì. Đến tận chiếc cổng sắt ông mới cố quên đi căn lều nhỏ vừa rồi và bảo Florentyna:
- Con sắp được thấy tòa lâu đài đẹp nhất thế giới.
- Bố đừng nói quá đáng nhé.
- Nhất thế giới đấy, - Abel khẽ nhắc lại.
Florentyna cười.
- Rồi con sẽ bảo nó như thế nào nếu so với Versailles.
Hai bố con lại ngồi lên xe. Abel lái qua cổng. Ông nhớ lại chiếc xe ông đã được ngồi ngày xưa trên đường đi đến lâu đài. Bao nhiêu ký ức diễn ra trong đầu.
Những ngày còn nhỏ được ở với Nam tước và Leon thật sung sướng, những ngày đen tối trong nhà hầm do bọn Đức canh gác, những ngày đau khổ bị buộc phải rời tòa lâu đài yêu quý và bị quân Nga bắt đi, biết là sẽ chẳng bao giờ được thấy lại ngôi nhà này nữa. Thế mà nay, chính ông, Wladek Koskiewicz, đã trở lại đây, trở lại trong chiến thắng để đòi lại những gì là của mình.
Chiếc xe đi lên con đường gồ ghề ngoằn ngoèo. Cả hai bố con đều im lặng, nghĩ bụng đến chỗ rẽ kia thế nào cũng trông thấy ngôi nhà của Nam tước Rosnovski. Abel đỗ xe lại nhìn tòa lâu đài. Không ai nói một lời - vì có gì đâu để nói? - mà chỉ biết nhìn cảnh tàn phá trước mắt và không tin được ở mắt mình, như những gì còn lại của một giấc mơ.
Abel và Florentyna chậm chạp bước ra ngoài xe. Vẫn không ai nói gì. Florentyna nắm chặt lấy tay bố.
Những giọt nước mắt của ông chảy ròng xuống má. Tất cả tòa lâu đài chỉ còn lại một bức tường đứng sững như muốn khoe lại cái vinh quang xưa, còn đều là gạch vụn và đá đỏ. Ông rất muốn kể lại cho cô nghe đâu là những đại sảnh, đâu là nhà ngủ, nhà ăn.
Abel bước đến ba nấm đất bây giờ cỏ xanh đã mọc dầy phủ kín và bảo cô đó là những ngôi mộ của Nam tước, của con ông là Leon, và của chị Florentyna. Đến mỗi nấm đất, ông dừng lại và chỉ nghĩ ước gì đến bây giờ Leon và Florentyna vẫn còn sống. Ông qùy xuống chân mộ. Những cảnh trong giây phút khủng khiếp cuối cùng diễn lại trong óc ông rất rõ nét. Con gái ông đứng bên, để tay lên vai ông mà không nói gì. Một lúc sau Abel mới đứng dậy. Hai bố con đi vào giữa đống gạch vụn và những viên đá vỡ phủ lên nơi trước kia đã từng là những căn phòng lộng lẫy vang vọng tiếng cười. Abel vẫn không nói gì. Bố con cầm tay nhau đi xuống những căn hầm. Xuống đến đây, Abel ngồi phệt xuống nền đất ẩm gần chiếc khung cổng sắt, chỉ còn lại vài thanh. Ông xoay xoay chiếc vòng bạc trên tay mình.
- Đây là chỗ bố của con đã phải sống bốn năm của đời mình đây.
- Chả có thể thế được, - Florentyna nói. Cô không chịu ngồi xuống với bố.
- Bây giờ còn hơn lúc đó nhiều, - Abel nói. - Ít ra bây giờ còn có không khí tươi mát, có chim chóc, có ánh nắng mặt trời và có cảm giác tự do. Còn trước kia thì không có gì hết, chỉ là tăm tối, chết chóc, mùi hôi thối của tử thần và nhất là người ta chỉ mong được chết.
- Thôi, bố, chúng ta ra khỏi chỗ này đi. Cứ ở đây bố chỉ càng thấy khó chịu thêm thôi.
Florentyna đưa bố ra xe và cô từ từ lái xe xuống con đường dài phía chân đồi. Abel không ngoái lại nhìn tòa lâu đài đổ nát khi chiếc xe lăn bánh ra khỏi cổng sắt một lần cuối.
Trên đường trở về Warsaw, Abel hầu như không nói gì, còn Florentyna cũng không muốn tỏ ra sôi nổi nữa. Đến lúc bố cô nói: "Chỉ còn lại một điều bố phải thực hiện được trên đời này thôi", thì Florentyna không hiểu ông định nói gì. Tuy nhiên, cô không ép ông giải thích. Cô đã cố thuyết phục ông ở lại thêm một tuần nữa ở Lon don trước khi về hẳn. Cô tin rằng như vậy bố cô sẽ vui lên và có lẽ sẽ giúp ông quên đi bà mẹ nuôi già dở điên cũng như đống gạch vụn của tòa lâu đài bị đạn bom tàn phá.
Ngày hôm sau họ bay về London. Abel lấy làm mừng trở về một đất nước có thể liên lạc nhanh chóng với Mỹ. Về đến khách sạn Claridge, Florentyna đã lập tức đi thăm những bạn cũ và có thêm bạn mới. Abel bỏ thì giờ ra đọc những số báo cũ đã tích lũy lại được trong khách sạn. Ông không thích biết đến những gì có thể xẩy ra trong khi ông đi vắng, vì như vậy chỉ càng khiến ông nghĩ rằng không có ông thì trái đất vẫn quay. Một bài bên trang trọng của tờ Thời báo hôm đó bỗng làm ông để ý. Đúng là trong khi ông đi vắng thì có chuyện xẩy ra thật. Một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Liên Mỹ đã rơi ngay từ sau lúc cất cánh ở sân bay Mexico City sáng hôm trước. Cả mười bẩy hành khách và phi đoàn đều chết.
Các nhà cầm quyền Mexico đã đổ tội ngay cho hãng hàng không này là không chuẩn bị chu đáo cho các máy bay của mình. Abel nhấc điện thoại lên và yêu cầu tổng đài cho nói chuyện đường dài.
Thứ Bẩy này có lẽ ông đã về đến Chicago rồi, Abel nghĩ bụng. Ông giở sổ địa chỉ tìm số điện thoại trong nước.
- Sẽ bị muộn khoảng ba mươi phút, - một giọng Anh rất gọn báo cho ông biết.
- Cảm ơn cô, - Abel nói rồi nằm ra giường nghĩ ngợi, với chiếc máy điện thoại để bên cạnh. Hai mươi phút sau có tiếng chuông reo.
- Đường dây hải ngoại đã thông, thưa ông, - vẫn giọng gọn gàng khi nãy nói.
- Abel, có phải ông đấy không ông đang ở đâu đấy?
- Tôi đây, tôi đang ở London.
- Ông xong chưa? - tiếng cô gái hỏi.
- Tôi đã bắt đầu nói đâu? - Abel nói.
- Tôi xin lỗi, thưa ông, tôi muốn hỏi ông có nói được với bên Mỹ không.
- Ồ có chứ. Cảm ơn cô. Lạy Chúa, Henry ạ, ở đây họ nói một thứ ngôn ngữ khác.
Henry Osborne cười.
- Này, ông có nghe về chiếc máy bay chở khách của hãng Liên Mỹ rơi ở Mexico City không thế?
- Có, tôi có nghe, - Henry đáp - Nhưng ông không có gì phải lo cả đâu. Chiếc máy bay này được bảo hiểm cẩn thận, công ty hoàn toàn bồi thường, vì vậy họ không thiệt thòi gì, và chứng khoán vẫn vững vàng như trước .
- Tôi không quan tâm đến chuyện bảo hiểm, - Abel nói. - Đây có thể là cơ hội tốt nhất cho chúng ta thí nghiệm xem cái quy chế của ông Kane kia mạnh đến chừng nào.
- Tôi không hiểu, Abel. Ông nói vậy là thế nào?
- Ông hãy nghe kỹ đây nhé. Rồi tôi sẽ giải thích cặn kẽ cho ông biết là tôi sẽ làm thế nào khi Thị trường chứng khoán mở vào sáng thứ Hai. Tôi sẽ về New York vào thứ Ba để phối hợp đoạn kết thúc của dàn nhạc này.
Henry nghe những lời căn dặn của Abel Rosnovski rất kỹ. Hai mươi phút sau, Abel bỏ máy.
- Thế là xong.
Hai Số Phận Hai Số Phận - Jeffrey Archer Hai Số Phận