Chương 32
ột hôm, trong lúc đang bận rộn cùng những cuốn sách của mình và
ông Pocket, tôi nhận được một lá thư do bưu điện gửi tới, chỉ nguyên vẻ bên
ngoài của nó đã khiến tôi vô cùng xao xuyến; vì cho dù chưa bao giờ trông
thấy nét chữ viết tay trong thư, tôi đã đoán ra bàn tay nào đã viết ra chúng. Lá
thư chẳng có một khởi đầu thông thường nào, chẳng hạn như Ông Pip thân
mến, hay Pip thân mến, hoặc Thưa quý ngài, hoặc Thân gửi, mà được viết
thẳng luôn như sau:
“Em sẽ tới London ngày kia theo chuyến xe trạm buổi trưa. Em
tin rằng chuyện anh cần tới đón em đã được thống nhất rồi thì
phải? Dù sao thì, cô Havisham cũng nghĩ vậy, và vì tuân theo
nên em mới viết thư này. Bà gửi Lời hỏi thăm anh.
Em, ESTELLA.”
Nếu có thời gian, hẳn tôi đã đặt may vài bộ đồ cho dịp này; nhưng
không kịp nữa, vậy là tôi đành hài lòng với những gì đã có. Hứng thú ăn uống
của tôi tan biến lập tức, và tôi không còn biết thế nào là bình an hay nghỉ ngơi
cho tới khi ngày ấy đến. Và khi nó đến cũng chẳng mang tới cho tôi hai điều
này; vì lúc ấy tình trạng của tôi còn tồi tệ hơn bao giờ hết, và bắt đầu ngồi
chầu ở trạm xe trên phố Wood, Cheapside, từ trước khi cỗ xe chuyển bánh rời
khỏi Lợn Lòi Xanh ở thị trấn quê tôi. Cho dù biết quá rõ chuyện này, tôi vẫn
cảm thấy không an tâm nếu rời mắt khỏi trạm xe quá năm phút liên tục; và
trong tình trạng vô lý này tôi đã trải qua nửa giờ đầu tiên của ca trực kéo dài
bốn hay năm giờ, cho tới khi Wemmick bắt gặp tôi.
“Xin chào, cậu Pip,” ông nói, “cậu khỏe chứ? Tôi thật khó hình dung
nổi cậu lại đi canh gác ở chỗ này.”
Tôi giải thích mình đang chờ đón một người đi xe trạm tới, và tôi hỏi
thăm về Lâu Đài và Người Già.
“Cả hai đều tuyệt vời, cảm ơn cậu,” Wemmick nói, “nhất là Người Già.
Bố tôi rất khỏe khoắn. Vào sinh nhật tới đây cụ sẽ tám mươi hai tuổi. Tôi
đang có ý tưởng bắn đại bác tám mươi hai lần nếu láng giềng không phàn nàn
và khẩu đại bác của tôi cáng đáng được trọng trách. Tuy nhiên, đây không
phải là chuyện để nói ở London. Cậu nghĩ tôi đang đi đâu nào?”
“Tới văn phòng?” tôi nói, vì ông đang hướng về phía đó.
“Gần đúng,” Wemmick đáp, “tôi đang tới Newgate. Chúng tôi hiện giờ
đang có một vụ án liên quan tới cái két của ông chủ ngân hàng, và tôi mới
xuống phố liếc qua hiện trường một chút, và sau đó có vài lời với thân chủ
của chúng tôi.”
“Thân chủ của ông đã ăn trộm sao?” tôi hỏi.
“Chúa ban phước cho linh hồn và thể xác cậu, không,” Wemmick khô
khan đáp. “Nhưng ông ấy bị buộc tội đó. Như cậu hoặc tôi cũng có thể bị. Bất
cứ ai trong chúng ta cũng có thể bị buộc cho tội đó, cậu biết đấy.”
“Chỉ là không ai trong chúng ta bị buộc tội,” tôi nhận xét.
“Ái chà!” Wemmick nói, ấn ngón tay trỏ lên ngực tôi, “cậu Pip, cậu
quả là người sâu sắc! Cậu có muốn đến Newgate xem qua một chút không?
Cậu có thời gian rảnh chứ?”
Tôi có quá nhiều thời gian rảnh, đến mức lời đề nghị đó đến chẳng
khác gì giải thoát, bất chấp việc nó không ăn ý chút nào với mong muốn
không rời mắt khỏi trạm xe của tôi. Vừa khẽ nói tôi sẽ đi hỏi xem liệu mình
có thời gian đi dạo cùng ông hay không, tôi vừa đi vào văn phòng trạm xe, và
xác định từ người nhân viên chu đáo ấy một cách thật chính xác, thử thách
không ít tính nhẫn nhịn của anh ta, về thời điểm sớm nhất chuyến xe trạm có
thể tới nơi - chuyện tôi đã biết từ trước, cũng rõ chẳng kém gì anh ta. Sau đó,
tôi quay ra chỗ ông Wemmick, xem đồng hồ, và chấp nhận lời đề nghị của
ông sau khi ngạc nhiên thấy vẫn còn sớm đến thế.
Chỉ vài phút sau chúng tôi đã tới Newgate, đi qua phòng thường trực,
nơi có mấy bộ xiềng treo trên bức tường trống trải giữa các quy định của nhà
tù, vào bên trong khuôn viên ngục. Vào thời đó, các nhà ngục khá bị bỏ bê,
và thời kỳ của phản ứng cực đoan với mọi sai trái của công quyền - và cũng
luôn là hình phạt nặng nề nhất và lâu dài nhất của nó - vẫn còn lâu mới đến.
Vậy nên đám trọng phạm không được cho ở và cho ăn tốt hơn binh lính (ấy là
chưa nói gì tới những người cùng khổ hưởng cứu tế), mà vẫn không hề nổi
lửa đốt nhà tù với mục đích có thể đem ra biện hộ là đòi cải thiện hương vị
món súp họ được nhận. Khi Wemmick dẫn tôi vào thì đang là giờ thăm tù, và
một người phục vụ đang đi quanh giao bia; còn đám tù nhân, đứng trong các
khoảng sân đằng sau song sắt, đang mua bia và tán gẫu với bạn tù; và đó quả
là một cảnh tượng bẩn thỉu, xấu xí, lộn xộn, buồn bã.
Tôi nhận thấy Wemmick bước đi giữa những người tù không khác gì
một người làm vườn tản bộ giữa cây cối của anh ta. Ý tưởng này lần đầu tiên
lóe lên trong đầu tôi khi chứng kiến ông nhìn thấy một nhân vật nhô ra trong
bóng tối và nói, “Cái gì thế này, đại úy Tom? Có phải ông đấy không? À,
phải rồi!” hay là, “Có phải Bill Đen đằng sau bể nước không đấy? Sao hai
tháng nay tôi lại không thấy ông nhỉ; ông dạo này thế nào?” Cũng như thế là
cách ông ta dừng lại bên song sắt và lắng nghe những lời thì thào lo lắng - và
luôn từng người một - Wemmick với cái thùng thư trạng thái bất động của
ông, nhìn đám tù nhân trong lúc trao đổi như thể ông ta đang đặc biệt chú ý
tới những tiến bộ họ đạt được kể từ lần gặp cuối cùng để hướng tới tung ra
đòn tổng lực trong phiên tòa xét xử họ.
Ông ta rất được ưa chuộng, và tôi nhận ra Wemmick phụ trách bộ phận
thân thiện trong doanh nghiệp của ông Jaggers; cho dù vẫn có gì đó như sự
hiện diện của ông Jaggers lơ lửng quanh ông ta, nghiêm cấm việc tiếp cận
vượt quá một số ranh giới nhất định. Dấu hiệu cá nhân của ông ta dành cho
mỗi thân chủ kế tiếp nhau gói gọn lại ở một cái gật đầu, trong cách ông ta
chỉnh lại cái mũ trên đầu cho thoải mái hơn một chút bằng cả hai bàn tay, rồi
mím chặt cái thùng thư lại, và đút cả hai bàn tay vào túi. Có một vài khoảnh
khắc khi có khó khăn liên quan tới việc nâng phí, và khi ấy ông Wemmick sẽ,
lùi lại xa hết mức có thể khỏi món tiền không đủ được chìa ra, nói, “Vô ích
thôi, cậu bé. Tôi chỉ là thuộc cấp. Tôi không thể cầm nó. Đừng làm thế với
một người thuộc cấp. Nếu cậu không thể thu xếp đủ tiền, cậu bé, tốt hơn cậu
nên nói chuyện với một luật sư chính; có vô số luật sư chính trong nghề, cậu
biết đấy, và thứ không đáng gì với người này lại có thể đáng giá với một
người khác, đó là lời khuyên tôi dành cho cậu, với tư cách một người thuộc
cấp. Đừng thử những biện pháp vô ích. Sao cậu phải làm thế chứ? Nào, ai
tiếp theo nào?”
Cứ như thế, chúng tôi bước qua khu nhà kính* của Wemmick, cho tới
khi ông ta quay sang tôi và nói, “Hãy để ý người đàn ông tôi sẽ bắt tay.” Ông
ta không nói trước như vậy thì tôi hẳn cũng sẽ làm thế, vì ông ta vẫn chưa bắt
tay ai cho tới lúc này.
Tức nhà tù, Pip đang so sánh nhà tù như nhà kính, vì ở trên đã so sánh Wemmick như người làm
vườn.
Gần như khi Wemmick vừa dứt lời, một người đàn ông phương phi
đứng thẳng tắp (tôi có thể hình dung ra ông ta vào lúc này, trong lúc đang
viết) mặc áo choàng màu ô liu đã cũ sờn, với vẻ xanh xao khác thường lấn át
hẳn sắc đỏ trên làn da và đôi mắt luôn lang thang không ngừng trong khi ông
ta cố dừng chúng lại, bước lại từ một góc đằng sau song sắt, đưa tay lên mũ -
một vật thể với bề mặt nhờn nhờn trơn nhẫy như món canh để nguội - chào
nửa nghiêm chỉnh nửa bỡn cợt theo kiểu nhà binh.
“Xin chào đại tá!” Wemmick nói, “Ông có khỏe không, đại tá?”
“Ổn cả, ông Wemmick.”
“Mọi thứ có thể làm được đã được làm, những bằng chứng chống lại
chúng ta quá mạnh, thưa đại tá.”
“Phải, nó quá mạnh, thưa ông - nhưng tôi không quan tâm.”
“Phải, phải,” Wemmick bình thản nói, “ông không cần quan tâm.” Rồi
ông ta quay sang tôi. “Quý ông đây đã phụng sự Bệ hạ. Từng là lính chiến và
bỏ tiền mua để được giải ngũ.”
Tôi thốt lên, “Thật sao?” và đôi mắt người đàn ông kia nhìn vào tôi, rồi
nhìn qua đầu tôi, rồi lại nhìn quanh tôi, sau đó ông ta đưa bàn tay qua trên
môi và phá lên cười.
“Tôi nghĩ tôi sẽ ra khỏi đây vào thứ Hai, thưa ông,” ông ta nói với
Wemmick.
“Có thể,” bạn tôi đáp, “nhưng không thể biết được.”
“Tôi rất mừng có cơ hội tạm biệt ông, ông Wemmick,” người đàn ông
vừa nói vừa chìa tay qua giữa hai song sắt.
“Cảm ơn ông,” Wemmick nói, bắt tay người tù. “Cả tôi cũng vậy, đại
tá.”
“Nếu những gì tôi có trên người khi bị bắt là thật, ông Wemmick,”
người đàn ông nói, không muốn buông tay ra, “hẳn tôi đã thỉnh cầu ông đeo
thêm một chiếc nhẫn nữa - để đền đáp sự quan tâm của ông.”
“Tôi nhận tấm lòng của ông là được rồi,” Wemmick nói. “Nhân tiện;
ông vốn là một người nuôi bồ câu khá.” Người đàn ông ngước nhìn lên trời.
‘Tôi nghe nói ông có một giống bồ câu nhào lộn rất đáng chú ý. Ông có thể
nhờ người bạn nào của mình mang đến cho tôi một đôi được không, nếu ông
không định dùng chúng thêm vào việc gì nữa?”
“Việc đó sẽ được làm, thưa ông.”
“Được rồi,” Wemmick nói, “chúng sẽ được chăm lo. Chúc buổi chiều
tốt lành, đại tá. Tạm biệt!” Hai người lại bắt tay, và trong khi chúng tôi rời đi,
Wemmick nói với tôi, “Một tay đúc tiền giả, một người có tay nghề rất giỏi.
Ngài Thẩm phán tòa Thượng thẩm đã ra phán quyết hôm nay rồi, và chắc
chắn ông ta sẽ bị hành hình vào thứ Hai. Nhưng cậu cũng thấy đấy, nói sao
thì nói, một đôi bồ câu dù gì vẫn là tài sản có thể mang theo người.” Nói
đoạn, ông ta quay người lại sau, gật đầu về phía cái cây chết nọ, rồi đưa mắt
nhìn quanh trong lúc bước ra khỏi sân nhà ngục như thể đang cân nhắc xem
đặt chậu cây nào vào thế chỗ nó là tốt nhất.
Khi chúng tôi qua phòng thường trực rời khỏi nhà tù, tôi nhận ra tầm
quan trọng lớn lao của người giám hộ mình, những người giữ chìa khóa nhà
tù coi trọng ông ta không kém gì những kẻ họ giam giữ coi trọng ông. “À
này, ông Wemmick,” người giữ chìa khóa lên tiếng, ông ta giữ chúng tôi lại
giữa hai cánh cổng phòng chờ đóng đinh tán và lắp song sắt, cẩn thận khóa
một cánh cổng lại trước khi mở khóa cánh cổng kia ra, “ông Jaggers định sẽ
làm gì với vụ giết người bên bờ sông vậy? Ông ấy có định biến nó thành sát
nhân hay cái gì khác hả?”
“Sao ông không hỏi ông ấy?” Wemmick đáp lại.
“À phải, biết ngay mà!” người giữ chìa khóa đáp.
“Thế đấy, đó là cách xử sự với bọn họ ở đây, cậu Pip,” Wemmick nhận
xét, quay sang tôi với cái thùng thư trề ra. “Bọn họ sẵn sàng hỏi bất cứ điều
gì với tôi, kẻ thuộc cấp; nhưng cậu sẽ không bao giờ bắt gặp họ hỏi lấy một
câu với ông chủ của tôi.”
“Quý ông trẻ tuổi đây có phải là một trong những người tập sự hay học
việc theo giao kèo ở văn phòng của ông không vậy?” người giữ chìa khóa
hỏi, kèm theo một nụ cười nhăn nhở trước sự khó chịu của ông Wemmick.
“Ông ta lại giở trò rồi, cậu thấy đấy!” Wemmick kêu lên. “Tôi đã nói
với cậu rồi mà! Hỏi tay thuộc cấp thêm một câu nữa trước khi câu đầu kịp
lặng xuống! Được rồi, thế nếu ông Pip là một trong số họ thì sao?”
“Sao chứ,” người giữ chìa khóa đáp, lại cười nhăn nhở, “thế thì cậu ta
biết ông Jaggers là thế nào.”
“Ôi!” Wemmick kêu lên, đột nhiên chỉ tay về phía người giữ chìa khóa
đầy hài hước, ”ông cũng mù tịt về ông chủ của tôi hệt như những cái chìa
khóa của ông, ông biết mình thế mà. Mở cho chúng tôi ra nào, cáo già, hay là
tôi sẽ bảo ông ấy kiện ông vì nhốt người trái luật.”
Người giữ chìa khóa phá lên cười, chúc chúng tôi một ngày tốt lành,
rồi đứng đó nhìn chúng tôi cười qua chấn song của khung cửa xép trong khi
chúng tôi theo các bậc cấp đi xuống phố.
“Cậu Pip này,” Wemmick nói, nghe vào tai tôi thật nghiêm nghị, trong
khi ông ta nắm lấy tay tôi để kín đáo hơn, “tôi không biết ông Jaggers có làm
một việc gì xuất sắc hơn cái cách ông ấy giữ mình ở cao như vậy. Ông ấy
luôn ở rất cao. Vị trí trên cao thường trực của ông ấy cũng tương tự với năng
lực lớn lao ông sở hữu. Ông đại tá đó cũng chẳng dám cáo từ ông ấy, cũng
hệt như tay giữ chìa khóa chẳng bao giờ dám hỏi ý định của ông trong một vụ
án. Thế rồi, giữa vị trí trên cao của mình và bọn họ, ông ấy đưa thuộc cấp của
mình vào - cậu không thấy sao? - vậy là ông ấy có bọn họ, cả phần xác lẫn
phần hồn.”
Tôi rất ấn tượng, và không phải lần đầu, trước sự tinh tế người giám hộ
của mình sở hữu. Thú thực, tôi chân thành ao ước, và cũng không phải lần
đầu, có được một người giám hộ với năng lực ít xuất chúng hơn.
Ông Wemmick và tôi chia tay tại văn phòng ở Little Britain, nơi những
người cầu xin sự chú ý của ông Jaggers chú ý đang túm tụm lại chờ đợi như
thường lệ, và tôi trở lại với việc chầu chực trên con phố nơi có trạm xe, với
ba giờ đồng hồ nữa trước mắt. Tôi dành hết thời gian này ngẫm nghĩ về sự
đời lạ lùng đã khiến tôi luôn bị bao quanh bởi nỗi ám ảnh của nhà tù và tội ác
này; ngay từ thời thơ ấu ở vùng đầm lầy cô quạnh quê tôi vào một tối mùa
đông, tôi đã phải chạm mặt với nó lần đầu tiên; thế rồi nó lại xuất hiện thêm
hai lần nữa, bắt đầu như một vết mờ nhưng không mất đi hẳn; và rồi lại tràn
vào vận hội và thăng tiến của tôi theo cách mới này. Trong lúc đầu óc đang
bận bịu như vậy, tôi chợt nghĩ tới Estella trẻ trung xinh đẹp, kiêu hãnh và tinh
tế, lúc này đang đến với tôi, và không khỏi ghê tởm tột độ sự tương phản giữa
nhà tù và cô. Tôi ước gì Wemmick đã không gặp tôi, hay tôi không đồng ý đi
cùng ông ta, như thế ít nhất ngày hôm nay, nếu không phải tất cả các ngày
khác trong năm, tôi không bị Newgate ám lên hơi thở và quần áo. Tôi giậm
chân giũ bụi nhà tù khỏi hai bàn chân mình trong lúc đi đi lại lại, giũ nó khỏi
quần áo, và thở hết không khí của nó ra khỏi phổi. Khi nhớ tới người đang
đến, tôi cảm thấy mình bị ô nhiễm khủng khiếp, đến mức rốt cuộc chuyến xe
trạm tới quá nhanh, và tôi vẫn chưa rũ bỏ hết khỏi mình cảm nhận nhơ bẩn về
cái nhà kính trồng cây của ông Wemmick khi thấy khuôn mặt cô sau cửa sổ
xe, bàn tay đang vẫy chào tôi.
Cái bóng không tên lại vừa vụt qua trong một khoảnh khắc kia là gì
vậy?
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)