Chương 29
ôi là người gõ chuông chùa Sọ. Mới đầu, tôi cứ tưởng đánh chuông đơn giản, sau mới biết không phải. Lúc mới đến chùa, tôi còn nhỏ, tôi cứ tưởng cái chuông be bé. Nhưng lần đầu leo lên gác tam quan, tôi bị choáng ngợp ngay. Chuông làng Sọ là đại hồng chung. To hơn cái chum, cao quá đầu người. Vồ là cây gỗ dài hình cái chầy treo ngang tầm cái núm. Muốn đánh, tôi phải dùng sức đẩy cái chày lui xa, rồi buông tay thả cho cái chày rơi tự do. Một tiếng boong sẽ vang to như tiếng sấm làm toàn thân tôi cũng rung lên. Sư phụ Vô úy dạy tôi đánh chuông phải theo tôi lên tam quan chỉ cho cách đánh. Thầy bảo:
- Ngày xưa, ở mỗi thành quách, phủ, huyện, mỗi chiều đều đánh trống hay chiêng thu không. Lính canh đánh trống tức là báo đã khám xét trong thành xong và không có chuyện gì xảy ra. Ở nước ta làng nào cũng có chùa, có chuông, nên có lệ chiều chiều đánh chuông thu không. Việc đó không chỉ đơn giản báo hết ngày. Mà ý nghĩa là tiếng chuông nhắc cho mọi người biết nơi đây chính là đất Phật. Tiếng chuông báo điều lành, đuổi điều dữ. Báo cho bọn ngạ quỷ không đuợc quấy nhiễu, rồi nhắc nhở cho dân làng nhớ tới lòng từ bi hỉ xả của đức Thế Tôn.
Chuông chùa làng ta thật trầm và thật rền. Vào ngày đẹp trời, đứng cách xa chục cây số vẫn nghe thấy.
Vì là chuông của Phật, nên trước khi đánh, con phải niệm Phật:
Nam mô đại từ đại bi Thích ca mâu ni Phật
Nam mô Quán thế âm bồ tát ma ha tát
Nam mô Vân thù bồ tát ma ha tát
Nam mô Phổ hiền bồ tát ma ha tát
Nam mô Đại thế chí bồ tát ma ha tát
Nghĩa là con phải niệm hồng danh chư Phật, chư bồ tát đến hộ niệm, mang điều tốt lành về cho dân làng. Tiếng chuông như những làn sóng đưa những điều lành bay thật xa đến tận hang cùng ngõ hẻm. Khi đánh chuông lòng con phải thật thanh tịnh, lời tụng niệm của con phải thật thành kính. Mỗi tiếng chuông đều phải đi kèm lời niệm đủ hồng danh chư Phật. Làm như thế còn để cho tiếng chuông đủ ngân nga chậm rãi. Tiếng chuông chùa hàng ngày rót vào lòng người, tức là chân lý của đức Phật luôn luôn ở bên cạnh chúng sinh, cả khi buồn, cả lúc vui. Thầy tôi bảo:
- Trong tiếng chuông chùa có đủ mọi cung bậc từ, bi, hỉ, xả. Cho nên chùa làng Sọ có tục lệ dóng chuông khi làng xóm có vui hay buồn. Tiếng chuông chùa đầy xót thương, thông cảm khi con người quay trở về với cát bụi. Cả trong hôn lễ, tiếng chuông chùa cũng biết chia vui. Sư cụ Vô úy dạy:
- Con chớ coi thường việc đánh chuông. Cả những bậc danh tăng, tổ sư ở chùa này cũng phải trải qua thời kỳ đánh chuông. Chính thầy và sư thúc Vô Trần của con cũng đều đã đánh chuông nhiều năm.
Tam quan chùa làng khá đồ sộ. Tầng dưới ba gian to như chiếc cổng thành. Ba cửa ra vào. Hai đầu hồi đắp nổi hai pho thiên tướng hộ pháp. Hai ông tướng vác thanh long đao đứng giữ cổng chùa. Tầng gác chuông, một gian cao ngất. Sàn lát gỗ lim lâu đời đã nứt, nẻ. Chính trên sàn gỗ ấy, thầy tôi đã dạy tôi những bước tu đầu tiên:
- Người tu Phật phải hiểu rằng muốn tìm được con đường Phật đạo, ta không được dựa vào bất cứ ai. Ta phải dựa vào chính bản thân mình. Cho nên phải cần đến sự cô độc. Thường độc hành, thường độc bộ. Muốn thấy Niết bàn phải biết đi một mình. Ngày xưa, thiền sư Huyền Giác đã nói thế. Hàng ngày, con phải có những phút ở riêng một mình để nhìn sâu vào nội tâm mình, làm sao cho tâm mình thật tĩnh lặng.
Nói rồi, sư phụ tôi cho phép, mỗi chiều, khi đánh chuông xong, tôi ở lại một mình trên chiếc sàn lim. Lúc đó, tôi nằm soài, ngửa mặt nhìn chiếc chuông cổ khổng lồ mầu xam xám thoáng một chút đen, nhìn cái biểu tượng từ bi ấy để đối chiếu vối mình. Có lúc nào ta độc ác, ta sân hận, ta tham lam, ta chỉ nghĩ đến ta? Ta đã biết cảm thông xót thương trước nỗi đau của đời chưa? Trước niềm vui của kẻ khác ta có ghen tị hay không? Phải nói rằng những phút cô độc tự đối diện với mình ấy, tôi nghĩ đến người, tự tra vấn mình, đã giúp tôi rất nhiều. Tôi thấy hiểu mình hơn, tự tin hơn và điều quan trọng là tôi thấy bớt sợ hãi. Một đứa trẻ bỗng dưng thấy mình bị quăng vào cõi đời mênh mông. Sợ hãi lắm chứ. Thầy tôi đã dạy tôi cách tự mình bơi, tự mình quẫy lộn trong đại dương mênh mông. Ngừng tay chân là chìm nghỉm ngay. Phải tự dựa vào mình thôi. Và vùng vẫy mãi cũng hiểu ra rằng mình cũng có nhiều sức lực hơn là mình tưởng.
Và tôi dần dần hiểu ra lối sống Phật giáo là dạy cho con người một mình đứng vững, độc hành được trong cái thế gian đầy thống khổ này.
Hồi tôi đi học với thầy Hải, trong làng có người chết, sư cụ sai tôi lên gác tam quan đánh chuông. Cái Huệ cứ năn nỉ xin theo tôi lên. Tôi nhớ mỗi tiếng chuông vang lên, Huệ lại lấy ngón tay bịt chặt hai lỗ tai. Nó bảo:
- Tiếng chuông rung khắp người em. Chân rung, tay rung, gan ruột rung, mà cả đầu óc cũng run bần bật.
Tôi nói theo lời sư phụ:
- Dĩ nhiên phải thế. Tiếng chuông là tiếng Phật. Nó đánh thức tâm từ bi trong con người ta thức dậy. Tầm từ bi nằm sâu trong đáy lòng. Gọi nó dậy. Dĩ nhiên phải rung động thẳm sâu con người.
Sau hồi chuông, tôi và Huệ nằm trên sàn lim. Cái Huệ cứ lắng nghe, lắng nghe rất lâu rồi bảo:
- Cậu có nghe thấy gì không? Chuông làng ta biết khóc. Nghe tiếng kèn tiễn người ra đồng nó khóc đấy.
Nghe lời Huệ nói tôi lặng im lắng nghe. Thì ra có tiếng hu hu thật. Đó là gió thổi mạnh vào chuông, đã phát ra một tiếng kêu man mác mà cô bạn học nhạy cảm của tôi đã nghe ra tiếng khóc.
Có thể nói, chuông chùa làng tôi cứ như thể một sinh vật biết xúc cảm vậy. Chả cứ gió thổi, chỉ cần lấy tay vuốt mạnh vào miệng chuông là tiếng hu hu nổi lên. Các cụ bảo sở dĩ thế vì lúc đúc chuông, người làng đã cúng dường vứt vào lò nấu chục lạng vàng. Sư phụ tôi nói:
- Vào thời nhà Lê, lúc đúc chuông này, sư tổ trụ trì là một vị cao tăng đức hạnh. Người đã cắt ngón tay lấy máu đổ vào lò nấu.
Người ta bảo đã có máu người là mọi vật đều thiêng. Tôi không nghĩ vậy, song tôi là người đánh chuông, đã tiếp xúc nhiều với nó, thì tôi phải công nhận cái chuông này thực là thiêng.
Nhớ lại hôm cái Rêu tự vẫn ở giếng vườn chùa. Trước đêm hôm ấy, buổi chiều tôi đánh chuông thu không xong, cái chuông cứ rên rỉ hoài, tiếng ngân vang mãi không chịu dứt.
Rồi, khi nó dứt, thì một trận gió to đùng đùng dấy lên. Và cái chuông hu lên thật to. Không phải tiếng hu hu man mác như hôm cái Huệ nghe thấy đâu. Đằng này, tiếng hu giống hệt như tiếng người khóc. Lúc ấy tôi chẳng nghĩ ra, mấy hôm sau nhớ lại, mới biết cái tiếng ấy là một điềm báo. Chuông thiêng báo với tôi rằng tôi sắp mất một người bạn, một con người trong trắng nhất trần gian.
Hoàng hôn Tây Nguyên.
Sương mù tràn xuống che kín khu rừng. Nó tạo thành tấm chăn mỏng trắng đục trùm lên những tán cây. Nó đọng lại thành giọt thỉnh thoảng lại rơi lộp bộp trên mái hầm. Đến trưa thì có gió. Gió đuổi mây mù xuống thung lũng, trôi sang dãy núi trước mặt rồi biến mất.
Xế chiều thì nắng hửng. Nắng vàng mật ong làm khu rừng đẹp đến kinh ngạc. Gặp nắng, cây tha hồ khoe sắc. Có những lùm màu vàng chanh. Có những cây không biết tên, ngùn ngụt những lá non màu nâu hồng. Có những loài cây xuân đến vẫn không chịu trút lá. Chúng vẫn biêng biếc màu xanh thẫm. Những làn sương mù đã rời xa nhưng vẫn còn lưu dấu vết bằng cách tráng nước lên những tán lá. Những chiếc lá già như những chiếc gương con óng ánh trong nắng chiều.
Mặt trời đã lặn xuống dãy núi trước mặt. Chiều xuống rất nhanh, vầng dương trước khi chìm hẳn xuống rặng núi xa còn thoát ra một luồng ánh sáng rực rỡ mầu vàng nhuộm khắp nửa bầu trời. Nó gợi lên một quang cảnh nguyên thủy mà không biết tôi đã trải qua từ một đời kiếp quá khứ nào đó. Từ vàng chói đến màu vàng ệch. Đầu dãy núi là một diềm vàng rực rỡ sắc nét nhấp nhô. Mầu vàng hắt sang cả khu rừng tôi trú ngụ khiến cho những cây lá già bóng nhoáng bỗng như được rắc lên một lớp nhũ kim loại lóng lánh.
Cũng là những buổi chiều vàng, song ở miền rừng, sao mà nó hoang sơ dữ dội. Còn ở làng tôi, ở cái chùa Sọ nhỏ bé, sao mà nó êm dịu, hiền hòa. Từ cái gác chuông nhìn ra, cánh đồng lúa mênh mông được nhuộm ráng chiều biến thành một biển vàng cốm thơm phưng phức. Tôi nằm trên sàn gỗ lim nghe những hàng tre rì rào. Tiếng lúa reo hay tiếng những cô gái gội đầu ở giếng làng đang rì rầm khúc khích cùng nhau. Rất chậm rãi, tôi thả tiếng chuông chùa ngân nga hòa vào khúc nhạc đồng quê.
Tôi nằm đấy cũng là thiền chứ sao.
Tan vào khúc nhạc kỳ diệu, chẳng còn thấy mình đâu cả, cuộc sống đã chẳng là thiền đến từng giây từng phút hay sao. Tôi cảm ơn thầy tôi đã dạy: “Đánh chuông chùa hay biết nghe tiếng chuông chùa cũng là sự tu hành và cũng dẫn đến sự tỉnh thức”. Tôi là kẻ đánh chuông chùa nên tôi có thể hiểu được ý nghĩ đó.
Ở bộ đội, tôi không còn làm việc đánh chuông, nhưng chiều chiều tiếng chuông chùa vẫn vang vọng trong tâm hồn tôi. Những buổi chiều, tôi hay lang thang trong rừng một mình. Anh em đơn vị bảo:
- Lạ thật! Chiều về, thằng An nó cứ ngơ ngơ ngáo ngáo như một thằng rồ.
Anh em có biết đâu, lúc ấy là lúc tôi đang hoài niệm về sự cô độc.
Chiều nay, tôi đang ở trung đoàn bộ. Hôm qua, trung đội trưởng Trắm báo cho biết tôi phải lên gặp chính ủy. Đó là việc tôi rất ngại. Gặp gỡ bố của Huệ, đồng thời lại là sư thúc của tôi, tôi sẽ ăn nói ra sao đây; và ông ấy sẽ nói gì với tôi. Chắc lại là chuyện tôi bắn súng lên trời. Từ khi câu chuyện đó xảy ra, anh em trong đại đội nhìn tôi rất lạ. Cứ như thể tôi là một con vật kỳ quái. Họ bảo: “Thằng An lên gặp trung đoàn lần này, chắc là nó hết hơi đây”. Tôi không nghĩ như vậy. Sư phụ tôi thường bảo: “Sư thúc Vô Trần là một người điềm đạm, suy nghĩ thấu đáo. Ông rất kiên quyết nhưng lại hiền từ. Nghĩa là dù hoàn cảnh khác thế nào, nền tảng của ông vẫn là sự từ bi”. Vì vậy tôi tin sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra, nhưng chắc chắn tôi sẽ được chỉnh đốn một trận nên thân. Không hiểu sao, lúc bấy giờ tôi bỗng nhớ tới những lời cuối cùng của đức Phật, trước khi người nhập diệt. Đức Phật nói với Ananđà, người đệ tử luôn ở bên người, cả trong những phút cuối cùng của người.
- Này Ananđà. Hãy là ngọn đèn của chính mình. Hãy nương tựa vào bản thân. Đừng khi nào tìm cách nương tựa vào người khác.
Tôi luồn rừng đi gần nửa buổi mới tới được nơi ở của chính ủy. Nhưng ông lại bận họp trên sư đoàn. Người cần vụ bảo tôi:
- Chính ủy dặn cậu cứ ở lại. Đến tối ông ấy sẽ về.
Ở gần đấy có một con suối. Tôi ở chùa được sư phụ dạy, có thói quen không lúc nào ngơi chân ngơi tay. Cho nên, tôi ra ngay suối mò ốc. Lại vào rừng lấy lá về nấu canh chua.
Chiều tối, chính ủy mới đi họp về. Leo dốc nhiều ông vã mồ hôi như tắm. Nhìn mâm cơm thấy bát canh chua nấu ốc, ông liền bưng húp một hơi hết sạch. Rồi cứ nức nở khen ngon. Biết tôi là người sáng kiến nấu canh, ông cứ cám ơn tôi mãi. Tôi rất thân với Huệ, con gái ông, nhưng đây là lần đầu tôi mới đối diện nói chuyện cùng ông. Đó là con người cao lỏng khỏng, xương xương, lưng hơi cong ra phía sau. Đôi mắt có lòng đen lòng trắng phân minh, thứ con mắt có ánh sáng dịu. Có lẽ nó dịu vì có hàng mi rậm che bớt, nhưng khi đôi mắt ấy mở to thì chúng long lanh sắc sảo. Ông Trần vừa ăn vừa nói chuyện cùng tôi. Trước khi gặp, tôi cứ phân vân, tăn tiu, lo lắng. Cứ nghĩ rằng sẽ được ông cho một bài học nhớ đời. Tuy nhiên, cả bữa cơm, tôi không thấy ông đả động một câu nào tới chuyện tội lỗi của tôi. Ngay cả khi ra bàn uống nước, cuộc đối thoại tiếp diễn, thì chủ đề câu chuyện cũng không thay đổi. vẫn chỉ là những chuyện vặt vãnh chung quanh sư phụ tôi. Lúc thì tôi kể, lúc thì ông nói. Sư thúc Vô Trần có vẻ rất kính trọng sư phụ. Ông hỏi:
- Cháu có biết chuyện sư phụ cháu và con hổ đằng sau núi Yên Tử không? Thật là một câu chuyện như huyền thoại của thời hiện đại. Ông cụ lại nhận con hổ đó là đệ tử của mình nữa chứ. Thú thật, lúc nghe kể chú cũng chẳng tin. Nhưng cái bận được sư tổ sai lên đó đón sư phụ con về, chính ta đã tận mắt nhìn thấy cái hang cạnh am nơi con hổ trú ngụ. Ở đó, có hòn đá nhẵn bóng, sư phụ cháu bảo đó là nơi con hổ thường nằm. Gần đấy, còn có những vết xước trên vách đá, sư phụ cháu bảo đó là nơi con hổ mài móng vuốt.
Còn tôi thì lại kể cho sư thúc tôi nghe chuyện hai thầy trò tôi bị giam ở trại cải tạo cải cách ruộng đất. Rồi đi ngược thời gian, tôi kể cho sư thúc nghe giai đoạn sư phụ tôi bị giam ở nhà giam “Đơ Bê” phố huyện. Kể cả cái hôm ông già Xuân và tôi dùng chiếc xe bò chở xác, đưa sư phụ tôi từ phố huyện về chùa. Lúc kể chuyện lại hiện ra trước mắt tôi cái xe bò lộc cộc nhảy tưng tưng trên con đường tỉnh lộ bị đào bới trong tiêu thổ kháng chiến thời chống Pháp. Sư thúc Vô Trần gật gù:
- Mấy tháng trước, ta nghe tin có một nhà sư đi bộ đội ta lấy làm ngạc nhiên, về sau mới biết thêm nhà sư ấy tu hành ở chùa Sọ, lúc ấy ta không ngạc nhiên nữa. Bởi vì ta hiểu sư huynh ta là người như thế nào. Trong chống Pháp, ông ấy giúp đỡ kháng chiến rất nhiều không lo đến sinh mạng của mình. Do vậy, ông ấy cho cháu đi bộ đội, ta không lấy làm lạ. Và cũng vì thế, ta rất tin ở cháu.
Dần dần, trong cuộc tiếp xúc, tôi quên đi sự e ngại đối với ông Trần lúc nào không biết. Thậm chí tôi còn dám hỏi:
- Thưa chính ủy, con nghe người ta nói về việc chính ủy tham gia cách mạng có lắm điều lạ kỳ. Xin chính ủy kể lại cho con nghe một đôi điều.
Ông Trần hiền từ mỉm cười:
- Ta hiểu ý con rồi. Điều lạ kỳ con nói chắc là chuyện ta là một nhà tu hành đã biến thành một chính ủy chứ gì? Ta là một chàng trai Hà Nội, ở phố Hàng Chiếu, gần chợ Đồng Xuân. Ta đang học trung học thì một chuyện xảy đến làm thay đổi hoàn toàn đời ta. Nguyên do là ta hay đi lễ chùa cùng với mẹ ta. Cụ là một phật tử thuần thành. Là học sinh trường Bưởi, ta lại chăm đọc đủ loại sách, cho nên đầu óc ta luôn có những ý nghĩ ám ảnh. Có lúc ta mơ mình sẽ là một nhà khoa học giỏi. Nhưng chỉ một tháng sau đó, ta lại nghĩ mình sẽ là một nhà cách mạng. Ta rất dễ xúc động, dễ đam mê mà đã mê cái gì thì mê đến cuồng dại. Vì thế cho nên khi được mẹ đưa đến chùa Ổi ở phía Nam Hà Nội, được ngửi mùi hương giải thoát của nhà Thiền, ta đâm mê mẩn ngay. Điều ấy không có gì là lạ. Sư phụ ta, sư cụ Vô Chấp là người uyên bác. Thầy ta rất lo cho ta vì ta vừa thông minh lại vừa nhiệt tình, thứ nhiệt tình quá mức lúc nào cũng như lửa cháy. Cụ Vô Chấp bảo: “Con là người đam mê và nhạy cảm. Điều đó sẽ cản trở trên con đường giải thoát, thậm chí sẽ đẩy con vào những bước gập ghềnh. Ngay cả dạo đầu, lúc con trốn nhà đi tu, ta cũng cảm thấy lo lắng”. Chính vì quá lo lắng cho ta nên sư phụ mới giao ta cho sư huynh Vô úy. Bởi vì sư huynh là người uyên thâm đạo Pháp, trình độ đủ cao siêu để dạy ta, chế ngự ta. Thực ra chính sư huynh là thầy của ta. Những hiểu biết của ta đều do sư huynh truyền bảo. Cả sự trui rèn tính cách cho ta cũng vậy. Khi ta quyết định lấy vợ, ta tưởng ông sẽ thất vọng và đùng đùng nổi giận. Song ông chỉ nhẹ nhàng nói với ta: “Tức là sư đệ còn nhiều nghiệp phải trả. Đã là nghiệp thì trốn cũng không nổi. Phải trả cho bằng xong. Sư đệ hoàn tục không phải là điều xấu. Chỉ xin đệ luôn nhớ tới sự dạy dỗ của sư phụ. Nhất là nhớ tới bốn chữ trên bức hoành phi: Tùy duyên, lạc đạo. Ta tùy duyên sống theo hoàn cảnh, nhưng đừng quên hai chữ “ lạc đạo”. Còn tại sao ta lại đi theo cách mạng ư? Lúc còn trẻ, sở dĩ ta theo đạo Phật bởi vì đạo Phật nói đến nỗi khổ của kiếp người, và tìm cách giải quyết nỗi khổ. Đó là con đường bát chánh đạo và lòng từ bi vô bờ bến. Đạo Thiên chúa cũng muốn giải quyết nỗi đau khổ bằng tình yêu thương. Đó là tính nhân bản vĩ đại của các tôn giáo lớn. Đó cũng là sự hấp dẫn của các tôn giáo. Trong thời hiện đại, cách mạng cũng muốn giải quyết nỗi đau khổ của con người. Và chính nó cũng tạo ra sự hấp dẫn của cách mạng. Vì thế nhiều người nói, trong thời hiện đại, cách mạng gần giống như một tôn giáo. Nói chung, cả Phật giáo, Thiên chúa giáo và Cách mạng đều cố công xây dựng Thiên Đường. Nhưng Thiên Đường của Thiên chúa thì sau khi chết mới biết. Cõi Tây phương cực lạc của Tịnh độ tông thì trong tương lai mới xuất hiện. Còn cõi Niết bàn của Thiền Tông thì quá ư phức tạp, chỉ những bậc đại trí thức may ra mới hiểu nó ra sao và ở đâu. Riêng Thiên đàng của Cách mạng thì cụ thể hơn. Điều cơ bản khác nhau giữa hai nhóm xây dựng thiên đàng ấy là nguyên lý xây dựng. Những người tôn giáo dựa trên tình yêu thương, lòng từ bi. Những nhà cách mạng dựa trên đấu tranh bạo lực. Người ta bảo Phật giáo xóa bỏ hận thù dùng lòng từ bi đã hai nhăm thế kỷ, còn chúa Jêsu rao giảng tình yêu thương đã hai mươi thế kỷ, thế mà con người vẫn sống trong đau khổ không có chút thay đổi. Vậy thì phải đảo ngược lại. Phải dừng bạo lực để xây đời mới. Ta đã là một nhà sư nên ta biết lòng từ bi của đức Phật thật vĩ đại. Nó làm con người trở nên có văn hóa, trở thành con người đích thực. Tuy nhiên, hình như nó chỉ áp dụng được ở bình diện cá nhân con người. Còn ở bình diện một cộng đồng, một quốc gia thì sao? Chế độ thống trị thực dân là một vết nhơ của loài người. Thánh Gandhi đấu tranh bằng bất bạo động mà thực dân Anh có lay chuyển đâu. Chưa thấy một nước thực dân nào thương xót dân thuộc địa mà tự nguyện từ bỏ quyền lợi thuộc địa của mình. Này, cháu đã bao giờ nghe chuyện đức Phật và ông Ananđà cùng những chiếc lá chưa nhỉ? Chưa phải không? Thế này nhé. Ananđà là thị giả, đệ tử thân tín của đức Phật. Đêm, ngày, ông luôn ở sát bên đức Thế Tôn. Một hôm, hai người đi dạo trong rừng. Đức Phật cúi xuống, nhặt mấy chiếc lá khô cầm lên tay. Đức Phật hỏi:
- Này Ananđà, ngoài những chiếc lá ta cầm trên tay, còn có những chiếc lá nào không?
Ananđà trả lời:
- Mùa thu đã về, lá rơi rụng khắp nơi. Người ta không thể nào đếm xuể.
Đức Phật liền bảo:
- Thế đấy! Ta đã cho con một nắm chân lý. Nhưng ngoài chúng ra, vẫn còn muôn vàn chân lý khác không tài nào đếm xuể.
Nghe qua câu chuyện cứ tưởng như sư thúc chẳng đả động gì đến vấn đề của tôi. Nhưng thực sự ra không phải. Ông đã nói tới những chuyện cốt lõi nhất. Ông muốn thuyết phục tôi bằng cả những lời của đức Phật. Tôi chưa đủ trí tuệ và kiến thức để tranh luận với sư thúc, nhưng tôi cũng đủ hoài nghi để đưa ra những câu hỏi, bắt sư thúc tôi phải vắt óc biện luận và làm cho đầu óc tôi được rộng ra. Tôi hỏi:
- Con được nghe nói rằng bạo lực rất có hiệu quả trong việc phá hủy, nhưng nó không biết xây dựng.
Sư thúc Vô Trần nhíu mày lại nhìn tôi.
- Đúng là lịch sử được viết nên nhiều khi bằng những con sông đỏ máu và những cánh đồng mênh mông phơi xác người chết. Nhưng ngoài chuyện giết chóc ra con người vẫn trồng bông dệt vải, trồng lúa tỉa ngô. Và con người vẫn yêu nhau, vẫn ca hát, làm thơ. Cái ấy người ta gọi là văn hóa. Một dân tộc có thể phát triển nhưng cũng có thể bị tàn lụi. Có nhiều nguyên nhân tàn lụi. Có thể do thiên tai, dịch bệnh. Có thể do đạo lý suy đồi, đời sống trác táng. Một dân tộc có thể do cần kiệm khắc khổ mà hưng thịnh nhưng rồi sau đó sinh ra kiêu ngạo, xa hoa hưởng lạc, rồi tàn bạo bất công mà bị tiêu diệt.
Còn dân Việt ta, chúng ta luôn ở bên bờ vực, mấp mé bị tiêu diệt do nạn ngoại xâm. Nạn ấy xảy ra hết đời này qua đời khác. Để chống lại bạo lực xâm lược hủy diệt ấy, chẳng có cách nào khác là phải dùng phản bạo lực tự vệ. Cháu hiểu rồi chứ. Ngay cả đức Trần Nhân Tông, Phật hoàng cũng đã phải hai lần chống quân Nguyên, đã hai lần nhúng tay vào máu quân thù. Nhưng sau khi giặc tan... Có sao đâu... hai bàn tay nhúng máu lại sạch tinh, người lại là đệ nhất tổ thiền phái Trúc Lâm. Cháu ơi! Người ta gọi đó là sự sát sinh cần thiết... Nào, bây giờ cháu đã hiểu ta chưa?
Trong cuộc nói chuyện ấy, câu hỏi cuối của tôi lại mang tính chất một câu phỏng vấn:
- Hiện nay sư thúc là chính ủy. Xưa kia chú là nhà sư. Vậy hiện đời sống cũ ở nhà chùa có còn ảnh hưởng gì đến chú hay không?
Chính ủy của tôi bỗng cười ha ha và trả lời tôi bằng một câu nói mà tôi cho là khá thú vị:
- Câu hỏi của cháu rất hay. Đầu tiên chú phải nói với cháu một cách chung chung đã. Không phải người Việt nào cũng hay lên chùa. Nhưng dù có đi chùa hay không, bất cứ người Việt nào cũng có chút Phật giáo trong huyết quản. Tại sao chú lại dám nói như vậy. Bởi vì bất cứ làng nào ở quê ta cũng đều có cả đình và chùa. Đấy là chùa làng. Thậm chí còn có chùa thôn, chùa xóm. Đàn ông thì tụ họp với nhau ở đình. Còn chùa là nơi sinh hoạt của các bà các chị. Có thể nói hầu hết các bà mẹ đều được thấm nhuần văn hóa Phật giáo. Người mẹ nào cũng dạy con “tu nhân tích đức” rồi “ác giả ác báo”, rồi “ở hiền thì lại gặp lành, ở ác gặp dữ tan tành như tro”. Thế đấy. Rõ ràng đứa bé chẳng đi chùa. Nhưng văn hóa Phật giáo đã thấm đẫm vào nó từ thuở ấu thơ. Người mẹ là người lưu truyền những chủng tử của Phật vào tất cả người con đất Việt.
Còn tư tưởng của chú bây giờ ra sao ư? Có còn chút dấu tích chùa chiền nào mà thời gian chú đi tu còn sót lại không ư? Đó cũng là câu hỏi của một đại tá, bạn chú, hôm qua đã hỏi chú... Lạ thật! Thỉnh thoảng lại có người nhắc đến chuyện xưa ở chùa của chú. Cứ như thể nó là một dấu vết mà người ta không muốn nó phôi phai đi. Cháu sẽ cũng như chú. Nếu sau này cháu trở thành một người cách mạng chuyên nghiệp, thì cháu sẽ hiểu thế nào là một dấu vết của quá khứ. Có thể ảnh hưởng của dấu vết ấy là tốt đẹp nhưng người ta sẽ chẳng bao giờ đếm xỉa đến điều tốt lành ấy. Cái ông bạn đại tá đã đưa ra một câu hỏi na ná như của cháu. Cháu có biết chú trả lời thế nào không. Chú nói: “Tôi chưa hề bao giờ giấu giếm mình đã là một nhà sư. Cũng như dân tộc mình chưa hề bao giờ chối bỏ rằng thời Lý - Trần, chúng ta đã từng là một dân tộc Phật giáo. Có thể nói những giá trị Phật giáo đã đóng góp rất lớn vào việc hình thành tính cách Việt. Con người văn hóa là con người hướng tới sự cao thượng. Mà từ, bi, hỉ, xả là bốn đức hạnh cao thượng của Phật giáo. Phật bảo bốn điều cao cả ấy lúc nào cũng có sẵn và còn ngủ trong từng con người. Chỉ cần đánh thức chúng dậy thôi. Tôi đi theo cách mạng mấy chục năm nay. Tôi thấy cách mạng cũng cần bốn đức hạnh ấy, vì cách mạng nói mình đại diện cho văn hóa dân tộc. Bản thân tôi lúc nào cũng vun trồng bốn điều cao cả ấy. Đó là ảnh hưởng của quá khứ nhà chùa mà tôi sẽ còn gìn giữ mãi”.
Tôi cũng không ngờ sư thúc của tôi, đã là một chính ủy mà vẫn còn những tâm sự như vậy. Huống chi tôi. Tôi càng hiểu hơn lẽ vô thường mà Phật đã dạy. Luật vô thường chẳng trừ một ai. Kể cả lúc ta ở ngôi cao chức trọng. Cuộc đối thoại đã chuyển thành cuộc tâm sự. Mà tâm sự thì kéo gần con người lại với nhau hơn. Phải chăng vì thế nên sư thúc tôi nói:
- Có thể cháu mới chuyển sang đời sống thế tục, còn chưa thích ứng kịp. Cháu có cần chú giúp đỡ không? Ví dụ chuyển cháu sang một công tác khác chẳng hạn. À, chú rất thích món canh ốc nấu chua của cháu. Cháu có thể về đây làm công việc trực điện thoại, làm cần vụ cho chú.
Tôi vội vàng cám ơn và từ chối khéo lời đề nghị của sư thúc. Không phải tôi kênh kiệu gì mà chi vì tôi nhớ lời sư phụ tôi dạy khi hai thầy trò tôi bị bắt giam.
- Khi ta bị rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu nào đó. Hãy gắng chịu đựng. Đó là cái nghiệp mà ta phải trả. Không ai trốn chạy được nó. Không trả không xong. Thậm chí ta còn phải cám ơn sự khổ cực mà ta phải trải qua. Bởi vì qua đó ta hiểu được nỗi đau khổ của thế gian này sâu sắc hơn. Hiểu được ý nghĩa cuộc sinh tử trong trần gian là một việc lớn. Và ở đời không một việc lớn nào mà lại dễ dàng cả. Con hồ ly của sư Bách Trượng phải trải qua năm trăm kiếp làm loài chồn hoang mới hiểu được lẽ sinh tử.
Tôi để ý nét mặt của sư thúc biến đổi trong cuộc đối thoại. Ông là người không giấu được cảm xúc, nhất là những tình cảm hưng phấn, nhiệt tình. Ông có giọng nói ấm cúng, thuyết phục và hùng biện. Sự thay đổi trên gương mặt làm ông trông rất sinh động, và lôi kéo người nghe nhập cuộc, cùng hòa mình vào tham dự cùng với tư tưởng của ông. Khi tôi từ chối lời đề nghị, tôi thấy nét mặt ông thoáng hiện vẻ hài lòng. Điều ấy làm tôi suy nghĩ. Có phải ông không chân thật, ứng xử một cách xã giao? Tôi ngẫm nghĩ thấy không phải vậy. Ở điểm này, ông rất giống sư phụ tôi. sống dựa vào người khác là một điều thầy tôi rất ghét. Thầy tôi thường bảo:
- Đừng đi tìm ở đâu xa. Hãy dựa vào mình. Hãy tìm trong bản thân mình. Ở đấy có đủ hết. Những điều cao đẹp ư? Hùng tâm tráng khí ư? Sở dĩ đạo Phật hấp dẫn người ta đến hôm nay, một phần cũng nhờ vào điều đó. Hãy tự trải nghiệm. Hãy tự tìm đức Phật trong bản thân ta.
Ý nghĩ trên chắc sư tổ Vô Chấp đã dạy. Và sư phụ tôi, sư thúc tôi vẫn giữ. Không biết đến bây giờ nó còn ảnh hưởng đến chính ủy Vô Trần không? Trong cuộc nói chuyện hôm nay, có một câu của sư thúc làm tôi rất suy nghĩ:
- Trong chiến tranh, để chiến thắng, đừng tưởng người chiến sĩ chỉ cần dũng cảm. Nó còn đòi hỏi sự thông minh. Một dân tộc muốn giành tự do, rất biết cái giá bằng máu mà nó phải trả. Khi đã tự do rồi, chắc chắn nó sẽ đủ thông minh và biết dùng sự thông minh để xây dựng và bảo vệ đất nước mà mất bao xương máu mới có được.
Trong khung cảnh một khu rừng, dưới một căn hầm, xa xa vẫn vẳng nghe thấy tiếng đạn pháo và tiếng bom, ông Trần mắt sáng quắc nói với tôi sang sảng như nói trước hàng quân. Tôi thấy ông có một niềm tin tự cường của một người phật tử. Cộng vào đó là niềm tin của một người cách mạng. Phải nói hình ảnh của ông lúc đó làm tôi xúc động.
Đôi mắt sáng của ông một lúc sau mới dịu đi được khỏi cơn phấn khích. Rồi, đột nhiên ông chuyển đề tài. Có lẽ đó là đề tài mà tôi thích nghe hơn cả.
- Cái Huệ nó đã vào đây. Chắc cháu biết rồi chứ.
- Dạ...
- Trong thư gửi chú, nó hỏi thăm cháu. Chỉ mới cách đây nửa tháng, đơn vị dưới báo cáo về tình hình của cháu, chú mới để ý và biết cháu là người chùa Sọ. Chú liền báo tin cho cái Huệ biết. Thế nó đã gửi thư cho cháu chưa?
- Dạ chưa.
- Các cháu là bạn thân cùng đi học thầy Hải từ ngày xưa?
- Dạ, vâng.
- Thế thì chú đặc cách cho cháu đến thăm nó đấy. Cái Huệ đang ốm. Mà chú thì không thể đi được. Việc đơn vị ngập đầu ngập cổ. À, người ta còn báo cáo, trong bận đi lấy gạo bị phục kích, cháu bị một mảnh đại bác vào vai vẫn chưa lấy ra được. Thôi, nhân tiện kỳ này cháu đến Trạm Quân y 7, nơi Huệ làm việc, rồi lấy ra luôn.
Sáng hôm sau, sương mù dày đặc. Bình minh Trường Sơn muộn quá. Chính ủy xem đồng hồ tay. Rồi kêu lên:
- Ôi chao! Đã chín giờ rồi!
Mặt trời lúc này mới chịu nhô lên khỏi dãy núi, lấp ló sau màn sương đục. Ánh sáng và sương trắng đùa giỡn nhau, tạo ra một bầu trời và quang cảnh núi non cực kỳ mỹ lệ. Thiên nhiên như một họa sĩ vẽ rồi lại xóa. Gió thổi, sương tan. Một đám mây xa xa được ánh mặt trời núp ở phía sau biến thành một đám mây ngũ sắc. Dãy núi màu xanh sẫm bỗng nhiên đổi màu. Cả một vạt rừng bao la bỗng long lanh, cánh rừng như được nhìn qua một chiếc kính vạn hoa.
Núi chuyển màu, mây đổi sắc. Thoắt hiện thoắt biến kỳ ảo.
Chính ủy giơ cánh tay:
- Cậu có nhìn thấy cây chò trên ngọn núi trước mặt không?
Cây chò ấy vươn lên khỏi khu rừng. Ở vùng ấy nó là cây cao nhất. Người ta bảo cây chò hơn trăm tuổi. Trạm quân y của Huệ ở chính quả núi ấy. Cứ nhắm cây trò ấy mà đi là tới. Trông gần thế thôi, nhưng cũng phải ba bốn chục cây số.
Cái ba lô sau lưng tôi nặng trĩu. Chính ủy bỏ vào đấy hộp thịt, hộp sữa chiến lợi phẩm làm quà cho con gái. Tôi leo đèo lội suối, hỏi thăm đường đến xế chiều thì tới nơi.
Trạm quân y nằm dưới muôn vàn tán lá. Những vòm lá rậm rịt giấu kín những tán lá. Giả dụ máy bay trực thăng địch bay ngay trên đầu dùng cánh quạt quạt thốc lên cho những tán lá ngả nghiêng xiên vẹo cũng chịu không thể phát hiện được những gì xảy ra dưới đất, bởi vì không phải một tầng mà là hai ba tầng lá che chồng lên nhau. Đại úy trạm trưởng bảo tôi:
- Chị Huệ y sĩ của chúng tôi bị sốt rét ác tính nằm ở lán số 6 cuối dãy. Bị đã mười ngày rồi.
Tôi đến lán số 6. Thấy tôi Huệ tíu tít:
- Anh An thiêng thật. Đêm qua em vừa mới mơ thấy anh thì hôm nay anh đến.
Nói xong, Huệ rơm rớm nước mắt.
- Sao Huệ lại khóc?
- Chiều hôm qua, chúng em chôn chị Thủy. Chị cũng bị sốt rét ác tính như em. sốt cao quá đến nỗi phát rồ phát dại. Nhiệt độ liên miên 40 độ, 41 độ. Lúc tỉnh lúc mê. Suốt đêm ngày đòi đi xây dựng đài vinh quang. Mắt lúc nào cũng sáng quắc như có điện. Tiêm bao nhiêu ký ninh vào người đến nỗi hai tai điếc đặc. Lúc sắp chết lên cơn co giật. Ba người lực lưỡng đè xuống mà vẫn giật lên đùng đùng. Khổ thân chị ấy. Chồng là đại úy đặc công hoạt động ở vùng đồng bằng Nam Bộ. Có lúc tỉnh, chị ấy bảo em: “Chắc tao chết mất. Lúc cưới nhau, anh ấy tặng tao chiếc nhẫn. Mày giữ hộ tao rồi trao cho anh ấy và nói hộ tao rằng tao giải lời nguyền cho anh ấy. Bao giờ lấy vợ mới trao cái nhẫn này cho cô ta. Ở dưới cõi âm tao sẽ phù hộ cho”. Lúc đưa ma chị Thủy, em khóc như mưa như gió. Và không hiểu sao, thế là ban đêm em lại chỉ mơ thấy gặp anh. Mơ tới hai lần gặp anh. Kỳ lạ thế! Tỉnh dậy em khóc, vì cứ nghĩ là anh đã làm sao. Bởi vì anh có làm sao thì hồn mới hiện về đến hai lần để gặp em như thế.
Huệ thổ lộ về giấc mơ với tôi xong, hai tai và gò má ửng hồng. Tôi cũng không thể ngờ là Huệ lại nghĩ đến tôi nhiều thế. Chú Trần là người thân thiết nhất của Huệ đáng lẽ Huệ phải nằm mơ thấy chú, chứ sao lại là tôi. về sau này nghĩ lại tôi cứ mắng mình: “Có thế mà cũng không hiểu. Rõ đồ ngốc”.
Tôi mở ba lô, lấy ra mấy hộp thịt, hộp sữa chiến lợi phẩm của chú Trần:
- Những thứ này chú Trần gửi cho em. sắp vào trận đánh ông già không đến được. Em cất đi. Hết sốt đem ra bồi dưỡng. Còn mấy ngày tới, em không lo. Anh đã nhìn thấy những thứ bồi dưỡng cho người ốm rồi.
Chẳng là trên đường vào đây, tôi đã thấy một con suối. Đúng ra là một thác nước chảy từ trên núi xuống. Nó tạo nên một cái ao nhỏ chừng hơn mười mét vuông nước trong văn vắt. Tôi đã xuống đó ngâm mình dưới làn nước lạnh. Quanh vũng nước và bên suối toàn là đá. Nhưng cách suối chừng mười mét là đất thịt, cỏ mọc xanh rì. Nhìn đám cỏ, tôi chợt phát hiện có một vùng bị giẫm nát. Lúc lên bờ, tôi tò mò đến nơi quan sát. Toàn là vết chân của một loài móng guốc. Tôi không thạo rừng nên không biết đó là vết chân của hươu nai, hay là hoẵng, là bò rừng. Nhưng điều chắc chắn mà tôi nhận biết: đó là thú rừng thường đến đây uống nước.
Ở lán số 6 ra, tôi đến gặp đồng chí trạm trưởng quân y. Sau khi nghe tôi trình bày, chị đại úy nói:
- Anh định đi săn đêm à? Tốt thôi. Mấy tháng trước có đồng chí thương binh cũng hay săn đêm. Nhờ đó, thương bệnh binh ở đây được cải thiện tốt. Nhưng anh ấy đã phục hồi sức khỏe, quay trở về đơn vị chiến đấu. Trạm sẽ cho đồng chí mượn một khẩu AK. Có cả đèn ló nữa.
Đêm hôm ấy, tôi một mình ra bờ suối. Tôi tìm một chỗ nấp kín đáo sau một tảng đá, nhìn xuống vũng nước. Đó là quãng rừng thưa ở chân núi. Tôi im lặng nằm chờ nghe tiếng rừng đêm. Nền âm thanh là nước chảy rì rào, lá rừng xào xạc. Trên dòng suối, lũ nhái rừng được sự lặng im cổ vũ, cất tiếng khoe giọng gọi tình râm ran cả một góc rừng. Thỉnh thoảng một con chim đêm vỗ cánh, một con tắc kè lên tiếng như thể cũng muốn tham gia vào dàn đồng ca bất tận. Một con chim lợn, có lẽ tổ ở hang vách núi, từ trên cao bay xuống cất tiếng kêu đều đều, nghe rờn rợn. Hóa ra ở rừng cũng có loài chim mà người ta nguyền rủa ấy. Nó làm tôi lại nhớ tới ngôi chùa Sọ. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi đi săn. Cũng là lần đầu tiên tôi có ý định sát hại sinh vật. Đã có ai là người tu hành mà đi săn nhỉ. Có lẽ là lục tổ Huệ Năng. Lục tổ sau khi được Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao truyền y bát, đã phải trốn chạy xuống phương Nam, vì bọn xấu đuổi theo định cướp y bát. Lục tổ Huệ Năng phải đi theo những người thợ săn suốt mười lăm năm ròng. Đến bữa, người thả nắm rau vào nồi luộc thịt, và chỉ ăn nắm rau ấy thôi.
Còn cái hồi hai thầy trò tôi bị giam ở trại cải tạo, thầy tôi đã mắc bệnh lỵ rất nặng, ỉa ra toàn máu. Về sau, bệnh quá nguy cấp, không đi ngoài, máu cũng tự động chảy ra từ hậu môn. Chính Trắm đã cứu sư cụ. Nó cho thầy tôi uống nước luộc thịt. Nước thật đặc rất nhiều chất đạm.
Đúng! Quả là hiệu nghiệm. Bệnh lỵ của thầy tôi, sau lần ấy tự nhiên khỏi hẳn. Như là uống thuốc tiên vậy.
Cho nên, khi gặp lại Huệ, thấy Huệ gầy gò chỉ còn da bọc xương, môi thâm xịt, da tái ngoét, tôi chợt nghĩ tới bệnh lỵ của thầy tôi ngày xưa. Chính vì thế, tôi mới quyết định đi săn. Tôi nghĩ có thể tôi đã sai. Nhưng nếu vì việc làm sai này mà Huệ khỏi bệnh thì tôi cũng cam lòng.
Tôi đang mải nghe tiếng rừng đêm và lan man lạc vào những suy nghĩ hồi ức, thì bỗng rùng mình. Cảm giác như có ai đang lén nhìn vào khối óc mình. Tôi nhìn xuống vũng nước và bỗng giật mình. Lúc trước nó đen sì, bây giờ nó trắng xóa. Như có ai vứt bạc xuống nước làm cho nó trở nên lóng lánh. Ô, hóa ra trăng đã lên từ lúc nào chẳng hay. vầng trăng đang rung rinh dưới nước. Nhưng mà chẳng phải chỉ có trăng lên là điều ngạc nhiên. Còn có điều gì đó mà tôi cảm thấy trong không gian. Bởi vì... bởi vì không gian đang run rẩy bỗng dưng bặt lặng. Những con nhái đang say sưa ộp oạp đã bặt tiếng tự lúc nào không biết. Rồi nghe thấy những tiếng lủm tũm của chúng từ những búi cỏ nhảy xuống nước. Một mùi gì khác lạ lẫn trong gió. Còn mơ hồ dấy lên những tiếng động lạ. Tiếng động lạ mỗi lúc một rõ. Tiếng phì phì của hơi thở. Tiếng lắc đầu của một con vật làm cái tai đập vào da thịt. Tôi vội nín thở, căng mắt ra, hồi hộp chĩa súng vào vũng nước. Mắt tôi đã nhìn thấy một con vật to lù lù đang đứng trên phiến đá phẳng. Con vật ngước đầu lên. Mặt nó phản chiếu ánh trăng. Không biết hươu hay là nai. Tôi nhắm giữa ức nó rồi nín thở bóp cò. Tiếng nổ vang lên chát chúa. Con vật hộc lên mấy tiếng chạy sang phía phải. Nhưng chỉ chạy được vài bước, nó ngã lăn trên bãi cỏ non.
Tôi từ chỗ nấp chạy xuống. Chiến lợi phẩm của tôi là một con nai to gần bằng con bò ba tuổi. Tôi vội bắn lên trời ba phát súng như quy ước với chị đại úy. Đó là tục lệ của người đi săn. Tất cả bản sẽ có mặt ở đây trong chốc lát để chia phần. Ở đây không phải là dân bản mà là trạm quân y. Tất cả bác sĩ, y tá, hộ lý, thương binh sau mười lăm phút đều tìm đến nơi nổ súng. Giống như đám mổ trâu, người ta nhanh chóng lột da con vật, trải rộng tấm da làm chiếu. Rồi pha thịt, chặt xương ngay trên tấm da ấy.
Sáng hôm sau, Huệ được bồi dưỡng một bát cháo tim gan đặc biệt. Cháo ngọt chưa từng thấy. Nóng bỏng lưỡi và thơm phưng phức. Huệ kêu đắng miệng mấy hôm không chịu ăn, mà sáng hôm ấy cũng húp gần hết bát cháo to. Phần thịt săn được chia của Huệ, vì có khách là tôi, nên được chia một tảng thịt nạc ngon chừng ba kilôgam. Tôi hì hục làm ruốc để dành cho Huệ ăn dần. Rồi còn cả một niêu thịt rim. Bữa sáng hôm ấy tôi làm món thịt nạc nấu canh chua. Huệ ăn cứ khen nức nở.
- Hồi bé, em thích nhất món này. Mẹ nấu, em cứ khen còn ngon hơn ăn cỗ. Anh nấu ăn cũng khéo thật đấy. Món này mẹ nấu em cho điểm 9. Còn anh, em cho điểm 10.
Tôi cười.
- Điểm 10 em cho anh chỉ dám nhận 5. Còn 5 phần là nhờ thịt nai tươi. Thịt thú rừng bao giờ cũng thơm và ngon ngọt hơn thú nuôi trong nhà.
Huệ cũng bẻo lẻo không kém:
- Sở dĩ em cho anh hơn mẹ 1 điểm. Đó là điểm tình cảm.
Tôi ngớ ra.
- Tình cảm nghĩa là thế nào. À... à...
Vì có cái đuôi đằng sau. À... à... nên Huệ đoán ngay ra ý nghĩ trong đầu tôi. Cô rất nhanh trí, chữa luôn.
- Đừng tưởng bở nhé. Tình cảm nghĩa là: bát canh của anh làm cho em nhớ tới mẹ. Khen là chỉ khen cái điểm ấy thôi.
Nói xong, Huệ ngồi thần người ra một lát. Rồi cô bùi ngùi:
- Em cảm ơn anh. Đúng là em nghĩ tới mẹ. Mẹ chết oan uổng quá. Và kể từ khi mẹ chết, em chẳng được ai chăm sóc như... như là hôm nay.
Không hiểu sao lời nói của Huệ làm tôi trở thành ngượng nghịu. Huệ còn nói:
- Lạ thật anh An ạ. Thông thường người ta hay ghi nhớ những kỷ niệm. Với mọi người, kỷ niệm là những chuyện quan trọng, đặc biệt, thậm chí vĩ đại. Riêng em, em chỉ hay nhớ tới những bữa ăn. Mọi việc vui buồn em thường quên hết, hay là không muốn nghĩ tới. Riêng kỷ niệm về những bữa ăn đặc biệt thì em nhớ như in. Ví dụ cái bận em đi chăn trâu với anh Trắm, cái Rêu. Hồi ấy đang mùa cà cuống đẻ. Chúng em đi bên bờ ruộng nhìn những gốc lúa. Gốc nào có trứng cà cuống đẻ ở mấp mé nước, thì ngồi xuống, lấy ngón tay búng khẽ tùm tũm trên mặt nước. Lập tức những con cà cuống nằm ở dưới bùn tưởng có con gì ăn trứng liền ngoi lên mặt nước bám vào ngón tay. Ta chỉ còn việc tóm ngay lấy. Hôm ấy bắt được hơn chục con. Đốt lửa lên rồi nướng. Ôi chao! Thơm và ngọt. Cái Rêu lần đầu ăn cà cuống nướng cứ khen nức nở. Tro than đen nhẻm mồm miệng. Trông nó như con quỷ con. Đó là bữa ăn đáng nhớ.
- Còn bữa thứ hai đáng nhớ?
- Là cái bữa anh lên trường y sĩ thăm em. Đố anh hôm ấy chúng mình ăn gì nào?
- Làm sao mà anh quên được. Cơm nắm muối vừng.
- Phải nói vừng đen mới chính xác. Bữa ấy muối vừng bám quanh môi. Trông anh cũng như con quỷ chẳng khác gì cái Rêu.
- Thế còn bữa thứ ba.
- Là bữa thịt nai hôm nay. Anh không thấy nó đặc biệt hay sao? Em đố nó đặc biệt thế nào? Anh phải tìm ra những đặc điểm của nó, mới có thể nhớ lâu.
- Anh chịu.
- Ngốc ơi là ngốc. Nó gồm những đặc điểm như sau: Thứ nhất: Con nai do anh đi săn, mà lại săn đêm. Thứ hai: Anh nấu canh thịt. Nấu chua. Mà lại là lần đầu tiên anh tập nấu. Thứ ba: Em khen cho anh điểm 10. Thế nào. Đã nhớ được chưa?
Đấy! Câu chuyện giữa tôi với Huệ là thế đấy. Toàn những chuyện vớ vẩn không đâu vào đâu.
Mai tôi sẽ trở về đơn vị, cho nên hôm nay tôi ngồi với Huệ suốt ngày, lúc thì giã ruốc, lúc thì chuyện gẫu. Nhớ lại bao nhiêu chuyện hồi đi học lớp thầy Hải ở trường làng. Ngày xưa ấy, ngày nào hai đứa chả gặp nhau. Huệ là đứa con gái nhu mì, hiền hậu. Tôi cứ nghĩ cô bạn gái thời thơ ấu của tôi mềm yếu như một cây sậy. Tôi không thể tưởng tượng người bạn gái ấy có thể chịu đựng nổi những quằng quật bão tố của cuộc đời. Tôi không thể nghĩ rằng đã có lúc hai mẹ con cô đã nhảy xuống dòng sông Hồng hung dữ. Mẹ cô đã bị dòng nước dìm chết. Còn Huệ thì lang bạt mấy tháng trời, có lúc phải đi ăn mày ở thủ đô để tìm cha. Mười năm hai đứa không gặp nhau. Đến lúc biết tin nhau, lần gặp gỡ này là lần thứ ba, tôi thấy Huệ vẫn chẳng khác trí tưởng tượng của tôi mấy tí. Vẫn là cô gái nhu mì hiền hậu ngày xưa. Nhưng có lẽ Huệ có hai gương mặt. Đằng sau cái gương mặt nhu thuận ấy, còn ẩn tàng một gương mặt cứng rắn quyết liệt. Có lẽ gương mặt thứ hai ấy vốn tồn tại từ lúc thơ ấu mà tôi không biết đấy thôi. Chỉ đến lúc hoàn cảnh sinh tử xảy ra thì nó mới xuất hiện. Huệ bảo tôi:
- Cách lán số 6 này chừng năm mươi mét là cây chò hai trăm năm tuổi. Đứng cách xa vài chục cây số còn trông thấy. Ở gần gốc cây, em đào một cái hầm dài. Em bảo với các chị ở đây: “Đấy là hầm trú ẩn của em. Nhưng nếu chẳng may, lỡ ra em có hy sinh thì các chị cứ chôn em trong hầm ấy. Nếu chết, em chọn cây chò cao ngất này làm bia mộ”. Lát nữa, anh cũng ra mà xem để mà nhớ lấy phần mộ của em khi em hy sinh.
Tôi gắt lên với Huệ:
- Sao em nghĩ vớ vẩn thế. Anh không thích cái ý tưởng ấy của Huệ đâu.
- Nếu không thích cây chò làm bia mộ, thì hãy coi nó là cái cột đánh dấu chỗ ở của em. Em rất thích phong cảnh chỗ này. Dưới chân núi là suối là thung lũng. Trên núi thì toàn cây to. Đất ở đây lại tốt. Mình chỉ thích sau này hết chiến tranh làm cái nhà ở đây mà ở.
Tôi nói với Huệ.
- Ở Trung đoàn bộ nhìn rất rõ cây chò này. Đại đội anh cách E hơn mười kilômét chắc cũng nhìn thấy. Vậy bao giờ nghĩ tới em, anh cứ ra nhìn thấy ngọn cây chò, cũng coi như đã gặp em rồi. Còn bao giờ viết thư, anh sẽ đề địa chỉ là Trần Thị Huệ, Trạm Quân y Cây chò trăm tuổi. Không biết viết thế em có nhận được không nhỉ.
- Chắc chắn là được. Vì ở vùng này có ai không biết cây chò này.
Đang nói chuyện Huệ bỗng cảm thấy ngây ngấy, cơn sốt rét cách nhật đã đến hành hạ cô bạn tôi. Cái nóng đùng đùng ập đến. Trán Huệ như hòn than rừng rực.
Tôi vội vàng lấy mấy viên kí ninh thường xuyên giắt trong người bắt Huệ uống. Đến chiều tối cơn sốt vẫn không lui. Huệ định bỏ bữa chiều nhung tôi không cho. Tôi phải dỗ dành ép buộc cô ăn bát cháo. Phải bón cho Huệ từng thìa. Huệ kêu đắng nhưng rồi ép mãi cũng hết. Ăn xong, mồ hôi trên nguời Huệ vã ra nhu tắm. Chị đại úy trạm truởng khen tôi:
- Anh An dỗ cô Huệ khéo thật. Mọi khi lên cơn sốt, Huệ dứt khoát bỏ bữa không ăn. Chúng tôi dỗ thế nào cô ấy cũng chẳng nghe. Vì thế nên sốt nửa tháng, nguời mới gầy nhom. Da mới bủng beo ra.
Nghe chị đại úy nói, tôi xót xa trong lòng. Năm ngoái gặp Huệ ở Truờng Y sĩ, cô xinh đẹp biết nhường nào. Tóc muợt và đen láy, đôi má lúc nào cũng ửng hồng. Còn bây giờ, mớ tóc thì xỉn, nuớc da thì tái màu chì. Chỉ còn đôi mắt. Đôi mắt hình như to hơn xưa, nhưng chúng vẫn đen láy và sáng long lanh. Đôi mắt ấy nhìn tôi. Chúng gặp đôi mắt của tôi. Hình như chúng nhận ra sự xót thuơng từ đáy linh hồn của tôi. Chắc tia mắt của tôi vẫn giống hệt những tia mắt thời thơ ấu. Tôi không tự nhìn đuợc vào mắt mình nhưng tôi biết chắc chắn chúng là như vậy. Thuở ấu thơ, khi nhìn mắt Huệ tôi thuờng bắt gặp ở đấy sự tin cậy, tôi bảo đảm bây giờ, Huệ hoàn toàn có thể tìm lại đuợc tình cảm ấy. Thậm chí tình cảm ấy có thể còn sâu đậm hơn. Bây giờ chúng tôi đã lớn, sự thông cảm cộng thêm sự xót thương do hoàn cảnh đem lại chắc chắn là sẽ đậm đà, bởi vì chúng tôi đã là những con người có ý thức.
Hết cơn nóng, đến cơn rét. Tôi đắp chăn cho Huệ. Rồi lấy thêm tất cả những chăn thừa trong phòng đắp hết lên người cô. Thế mà Huệ vẫn run cầm cập. Tôi phải đốt thêm một đống củi ở cạnh giường nằm.
Sau những cơn mưa mấy ngày hôm trước, nhiệt độ trong rừng già Trường Sơn xuống dưới 20 độ. Đêm ấy có trăng. Đứng trong lán nhìn ra, sương mù ban đêm bắt ánh trăng trông như một tấm màn sữa mênh mông giăng khắp chốn. Mù mịt, nhìn không rõ cảnh vật chung quanh. Hình như có tiếng Huệ gọi. Tôi lập cập chạy vào:
- Huệ bảo gì cơ. - Tôi hỏi.
Phải nghe mãi mới hiểu được yêu cầu của cô. Huệ muốn tôi dìu cô ngồi xuống gần bên đống lửa. Tôi xốc nách nhưng cô bước không vững. Tôi phải bế Huệ, như bế một em bé đặt cô gần đống củi.
Lửa rát cả mặt mà Huệ không thấy nóng. Tôi giở chiếc chăn trùm lên vai cô. Tôi hiểu ngoài cái nóng của đống lửa, Huệ còn muốn nương nhờ thêm vào cái nóng tỏa ra từ cơ thể tôi. Thú thực, Huệ muốn gì mà tôi chẳng phải chiều. Chỉ riêng ngày hôm ấy, tôi đã phạm hai giới luật của người tu hành. Thứ nhất là tội sát sinh: đã giết một con nai - một sinh linh đẹp đẽ của núi rừng. Thứ nhì là tội ôm một người khác giới trong đêm lạnh Trường Sơn.
Đêm hôm ấy, thú thật, hai chúng tôi hoàn toàn trong sáng, mặc dù hai đứa choàng chung một chiếc chăn và tôi ôm lấy nàng. Một lát sau tôi hỏi Huệ.
- Em đã hết rét chưa?
- Em vẫn còn rét.
- Phải làm sao bây giờ?
- Hãy ôm chặt em thêm chút nữa.
Trong vòng tay tôi, quả thực tôi cảm thấy Huệ vẫn còn run. Rồi cơn run rẩy dần dần dịu đi. Đầu Huệ ngả vào vai tôi lúc nào chẳng hay. Tôi bảo:
- Huệ ngủ đấy ư?
- Không. Em vẫn thức. Trong lòng hết run rồi An ạ.
- Sao đầu em cứ dụi dụi, y như một con mèo.
- Ứ. Em không là mèo.
Tôi chợt nhớ cuộc gặp Huệ ở Trường Y tế. Hôm ấy Huệ bảo tôi hay làm nũng. Tôi cười khẽ. Hôm nay tôi hỏi lại Huệ:
- Chắc thuở sơ sinh em cũng khóc dạ đề như anh?
Huệ ừ ừ rồi nói:
- Cứ gì phải khóc dạ đề mới biết làm nũng. Em còn biết có người thích được người khác làm nũng. Mà lại làm nũng suốt đời cơ.
Phật giáo có một sức hút tinh thần ghê gớm. Song đến lúc này tôi mới biết người đàn bà cũng có một sức hút gớm ghê chẳng kém. Và tôi chợt hiểu ra tại sao thời xưa, đức Phật lại dạy ông Ananđà rằng phải tránh xa người nữ.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa