Việt Nam Máu Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 24: Đồng Bằng Bắc Việt
ồng Bằng Bắc Việt là nơi hai bên quân đội đối thủ luôn luôn rình mò tìm kiếm nhau, nhằm những chỗ chông chênh sơ hở của nhau để đánh úp bất nhờ.
Muốn chấm dứt trò chơi ‘’ú tim’’ đó, Bộ Tư Lệnh Pháp mở một loạt những trận đánh lớn cùng chung một tính chất tảo thanh, diễn ra ngay sau ba cuộc hành binh Lạng Sơn-Quảng Trị và Nà Sản:
– Trận Tarentaise, vùng Bùi Chu, dưới quyền điều khiển của Đại Tá Galibert. Trận Tarentaise khởi xuất ngày 5 tháng 8.1953, đã đem lại kết quả tiêu diệt được phần lớn tổ chức hành chính kháng chiến của địch trong vùng. Bộ Tư Lệnh Pháp đã chuyển giao lại quyền chỉ huy khu Bùi Chu cho Đại Tá Phạm Văn Đồng với các Tiểu Đoàn Khinh Quân, ngày 1.9.53, sau khi đánh bật Việt Minh ra khỏi địa phận.
– Trận Claude, vùng Tiên Lãng (Kiến An).
Tiên Lãng là một Huyện, một ‘’hòn đảo’’ ở đất liền xung quanh có sông nước bao bọc. Biển cả ở phía Nam, sông Văn Cừ chảy phía Đông, sông Thái Bình ở phía Tây và con kênh Khuôn Ngàn phía Bắc với khu vực ‘’đầu rắn độc’’ (Tête de vipère, Ninh Giang).
Tiên Lãng rộng khoảng 120 cây số vuông với dân cư chừng 70.000 người là một vùng chuyên trồng thuốc lào, rất giầu có Việt Minh đã khai thác được ở đấy, nhân lực, tiền bạc và đặc biệt sử dụng được địa hình địa vật để tạo nên những làng kháng chiến kiểu mẫu.
Cuộc hành binh Claude dưới quyền Đại Tá Nemo, Tư Lệnh Duyên Hải, khởi xuất ngày 28.8 và chấm dứt ngày 18.9.1953.
Thanh toán căn cứ vững chắc của Việt Minh miền bể thiết lập từ tháng 9 năm 1952, mối hy vọng của Đại Tá Nemo, là chấm dứt các cuộc phục kích giao thông chiến trên đường số 10, chấm dứt các cuộc đột kích vào đô thị lân cận mà hai vụ mới nhất là trận phá khó đạn Kiến An và trận phá kho ét-săng Hải Phòng.
Đối phó với Việt Minh vùng Tiên Lãng, với các chiến thuật ‘’độn thổ, độn thủy’’, du kích chiến, mìn chiến, chống với những chiến đấu viên cuồng tín ‘’muốn chết hơn là muốn hàng’’, chống với những chiến đấu viên tí hon 12-13 tuổi, quân đội Liên Hiệp Pháp thật cũng đã phải lao đao khó nhọc mới đạt được kết quả đầu tiên mong muốn. Chiếm lại lãnh thổ.
– Cuộc hành binh Flandre tại Tri Lễ (Hà Nội-Hà Đông) dưới quyền Đại Tá Vanuxem với mục đích tảo thanh một căn cứ địa của ủy ban kháng chiến hành chính Lưỡng Hà không đem lại được kết quả khả quan lắm.
– Cuộc hành binh Brochet, một trận tảo thanh lớn nhất trên Đồng Bằng Bắc Việt.
Giữa vùng ruộng lầy thuộc Hưng Yên, Việt Minh đã thiết lập được một căn cứ địa rất vững chắc và từ địa điểm đó Việt Minh luôn luôn mở những cuộc đột kích, phục kích, ẩn hiện chập chờn như ma trơi.
Một số lớn thôn xóm sau lũy tre xanh giữa khu đồng chiêm bùn lội được Việt Minh biến thành những ổ kháng chiến kiên cố, có hàng rào bảo vệ phòng thủ gồm những hầm trú ẩn, canh gác xây bằng bê tông, rồi nhà nọ thông sang nhà kia, xóm này liền qua xóm khác do những giao thông hào đào ngầm dưới đất lại có cả những đường hầm chạy dài xa ra ngoài đồng ruộng, bờ ao để dễ dàng tháo lui hay xuất hiện.
Tất cả mỗi cơ cấu phòng ngự lại được bao bọc bởi hệ thống ‘’Ba không’’ (Không nghe, không biết, không thấy).
Phát khởi ngày 23 tháng 9, cuộc hành binh Brochet đã sử dụng một quân số rất lớn đánh vào phía Bắc Hưng Yên cả phá sào huyệt của trung đoàn 42, trung đoàn thiện chiến số một của Việt Minh trong vùng Đồng Bằng Bắc Việt.
Nói đến trung đoàn 42, phải nhắc tới tiền thân của đơn vị chính quy ấy: Trung đoàn 41 và ít nhiều phần tử của trung đoàn 58 trên bờ sông Luộc, những cuộc giao tranh nảy lửa, đẫm máu của đơn vị 41 và 58 với Trung Đoàn Pháo Binh thuộc địa thứ IV (IV.R.A.C.M), với Trung Đoàn Bộ Binh thuộc địa thứ 23 (23e R.I.C.) dưới thời Tư Lệnh Dèbes năm 1947, trên đường số 5, số 10, trên giòng sông Luộc.
Đối với địa hình địa vật nguy hiểm của vùng Bãi Sậy Hưng Yên, đối với quá trình chiến đấu mãnh liệt quả cảm của trung đoàn 42, một trung đoàn có tương lai tiến tới sư đoàn (như sư đoàn Bình-Trị-Thiên tiền thân cũng chỉ là một trung đoàn của ba Tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên, và như sư đoàn 316, tiền thân là trung đoàn Sông Lô), Trung Tướng Cogny quyết tâm thanh toán dứt khoát món nợ dây dưa từ những trận Citron, Manderine, Nice 1, Nice 2 v.v…
Tấn công trung đoàn 42, một việc khó khăn ghê gớm vì đối phương ẩn hiện xuất quỷ nhập thần, lẩn tránh như lươn trạch, không thể mỗi lúc dễ dàng áp đảo.
Dùng mẹo đối mẹo, Tướng Cogny áp dụng chiến thuật ‘’điệu hổ ly sơn’’ cố gắng dử bộ đội Việt Minh phải nhoai mình ra khỏi nơi ẩn nấp của họ.
Thoạt tiên, một số các cuộc hành binh nho nhỏ, lẻ loi và sơ hở, tiếp diễn lung tung quanh khu vực Hưng Yên, Hải Dương. Đó là những ‘’miếng mồi’’ có vẻ ngon lành khiến quân đội Việt Minh thi nhau nổ súng, vô tình để lộ mục tiêu toan diện.
Sau một cuộc suy luận tính toán kỹ càng về hỏa lực rải rác của Việt Minh, Tướng Cogny đã nắm được chóp, đâu là quân lực chính và phụ đồng thời phác họa được hệ thống dàn quân của trung đoàn 42 trong vùng để rồi, bất thình lình, ngày 23.9.53, 24.000 quân Pháp-Việt nhảy sổ thẳng vào tận hang cọp dữ, bắt buộc đối phương phải nhận giao chiến.
Từng thước đất trong khu vực gồm 3-4 trăm làng thuộc Hưng Yên bị cày xới lên như ruộng nương trước ngày gieo mạ.
Tuy phải chịu đựng nào mìn, nào bẫy, nào bàn chông, nào những viên đạn lẻ tẻ, bí mật, quân đội Pháp-Việt cũng đã khiến trung đoàn thiện chiến của Việt Minh phải sức mẻ nặng nề, thiệt hại kể hàng ngàn người.
Ngoài những trận tảo thanh lớn ở miền Đồng Bằng Bắc Việt, quân đội Liên Hiệp Pháp còn mở nhiều cuộc hành binh khác trên khắp lãnh thổ Đông Dương như:
Trận Savoie giữa vùng sông Bé và Hậu Giang. Nào phi đội Grunman Goose, nào phi đội Bearcat, nào thủy đội Dinassaut, Hải-Lục-Không Quân Pháp đã tấn công Việt Minh miền Nam nước Việt, gây được tổn thất khá nặng nề trong hàng ngũ đối phương.
– Trận Bearn, thượng tuần tháng 9, của Tướng Cardet bên Ai Lao.
Từ tháng 5.1953, giữa các vùng Ban Ban-Nòng Hét, dựa vào giải Hoành Sơn, Việt Minh đã kiến tạo được nhiều ổ kháng chiến quan trọng. Cuộc hành binh Bearh của Liên Quân Pháp-Việt-Lào đã lấy lại được kiểm soát trên một khu vực rộng lớn, xua đuổi các đơn vị địa phương quân của đối phương ra khỏi biên giới Trung Việt-Ai Lao và giải phóng dân chúng thoát ảnh hưởng của cộng sản.
– Cuộc hành binh Dampierre với kết quả thu lại hai Thị Trấn Pakseng và Mường Sung (Ai Lao).
Trận Dampiere do nhiều lực lượng bộ binh quan trọng tham dự đã phải tiến hành một cách cực kỳ khổ nhọc trong vùng địa thế hiểm trở bên bờ Cửu Long Giang.
Trận đánh đã diệt trừ được nạn hăm dọa thường trực của đại đội 98 Việt Minh bao quanh Thủ Đô Luang Prabang.
Tóm lại, từ khi Đại Tướng Navarre giữ quyền Tổng Tư Lệnh, trong 3 tháng liền, một loạt tấn công giành chủ động đã được thực hiện trên khắp chiến trường Đông Dương.
Ý tưởng lạc quan đó, Đại Tướng Navarre đã nêu lên rõ ràng trong bức thư thứ hai, ngày 20,9.1953, gửi cho toàn thể binh sĩ dưới quyền.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa