Chương 28
ị lôi cuốn theo các biến cố, chúng tôi không có thì giờ phác họa cái nòi giống hài hước những triều thần nhung nhúc trong cung đình Parme chúng bình luận rất lố lăng về những sự kiện chúng tôi đã kể. Ở cái xứ này, một anh quí tộc nhỏ nhoi, có ba bốn nghìn francs lợi tức đã xứng đáng được mang bít tất đen dự nghi lễ thức giấc của quận vương nếu trước hết, anh không hề đọc Voltaire hay Rousseau, điều kiện này thỏa mãn không khó. Sau đó anh phải biết nói một cách cảm khái đến chứng nghẹt mũi của nhà vua hoặc là nói về thùng khoáng sản ngài mới nhận được từ xứ Saxe gửi tới. Nếu sau những cái đó mà anh không vắng mặt một buổi xem lễ nào ở nhà thờ và anh có vài tu sĩ cỡ lớn là bạn thân thiết thì anh có thể được hoàng thân hạ cố hỏi đến mỗi năm một lần, mười lăm hôm trước hoặc mười lăm hôm sau ngày mồng một tháng Gênes; điều đó làm cho anh nổi bật lên trong bản hạt, và người viên chức sở thuế không dám quấy rầy anh quá nhiều nếu anh chậm trả khoản thuế đồng niên một trăm francs đánh vào những thổ địa ít ỏi của anh.
Ông Gonzo là một kẻ nhỏ nhoi loại ấy, một người rất quí tộc, ngoài chút ít tài sản ra, còn nhờ thế lực hầu tước Crescenzi mà có được một chức vụ vẻ vang thu thuế bổng một nghìn một trăm năm mươi francs. Anh chàng ấy có thể ăn cơm ở nhà đàng hoàng, nhưng anh có một say mê, anh ta chỉ thấy thoải mái và sung sướng khi nào được ở trong phòng khách của một nhân vật quyền quí thỉnh thoảng mắng anh: “Im đi Gonzo, anh chỉ là một thằng ngốc." Ông chủ nhà nói như vậy là vì bực tức chứ thực ra hầu như lúc nào Gonzo cũng thông minh hơn ông lớn đó. Về việc gì ý kiến của hắn cũng thức thời và khá thông sáng; hơn thế hắn sẵn sàng thay đổi ý kiến khi thấy ông chủ nhà nhăn mặt. Nói cho đúng thì dù hắn rất khéo chăm sóc quyền lợi riêng, hắn cũng không có một ý kiến nào gọi là của hắn và khi quận vương không nhức đầu nghẹt mũi thì cũng lắm khi hắn lúng túng khi bước vào một phòng khách. Ở Parme, Gonzo nổi tiếng là nhờ một cái mũ ba góc đồ sộ cắm một chiếc lông chim đen hơi sờn, mà hắn đội cả những khi mặc lễ phục; nhưng cần phải thấy hắn đội cái lông chim ấy trên đầu hoặc cầm trên tay kia, con người tài hoa và quan trọng hiện ra ở đấy. Hắn thực sự lo ngại khi hỏi thăm sức khỏe con chó nhỏ của nữ hầu tước. Nếu lâu đài bị hỏa hoạn, hắn sẽ không ngần ngại hy sinh tính mệnh để cứu một trong những chiếc ghế bành đã bao năm nay móc kéo dài quần chẽn bằng hàng tơ đen, khi họa hoằn hắn dám ngồi vào chốc lát.
Bảy tám nhân vật vào loại ấy mỗi tối đến phòng khách nữ hầu tước vào lúc bảy giờ. Họ vừa ngồi xuống thì một tên hầu mặc đồng phục sang trọng màu vàng nhạt với nhiều tua bạc, ngoài khoác một áo vét đỏ để cho thêm sang trọng, đến cầm mũ và can của họ. Ngay sau đó một người hầu phòng bưng tới một tách cà phê nhỏ xíu, chân bằng chì bạc quấn; cứ nửa giờ một lần, một đầu bếp mang gươm và áo rực rỡ theo kiểu Pháp đến mời một món kem đông lạnh.
Sau các anh triều thần nhỏ bé và cũ kỹ đó nửa giờ thì có năm sáu sĩ quan đến, họ nói to, họ có dáng điệu nhà võ và thường thường họ tranh luận với nhau về số lượng cúc và loại cúc cần có trên một áo lính để cho tướng tổng tư lệnh chiến thắng. Trong phòng khách đó, viện dẫn báo Pháp ra là dại, bởi vì dù cái tin dẫn ra có làm vui lòng người ta bao nhiêu đi nữa - chẳng hạn: Có năm mươi tên tự do bị bắn ở Tây Ban Nha! Thì anh cũng cứ bị xem là đã đọc báo Pháp. Kiệt tác trong tài hoa của họ là tranh thủ được sự gia tăng bổng lộc một trăm năm mươi francs mỗi chu kỳ mười năm. Quận vương chia với quí tộc cái thú ngự trị trên nông dân và thị dân như thế đó.
Nhân vật chính trong phòng khách bà hầu tước rõ ràng là hiệp sĩ Foscarini, không nói khác được; hoàn toàn lương thiện cho nên dưới chế độ nào ông cũng có ở tù một ít. Ông nguyên là đại biểu trong viện dân biểu Milan, cái viện nổi tiếng vì đã bác khước luật đăng ký quân tịch của Napoléon, một việc hiếm thấy trong lịch sử. Hiệp sĩ Foscarini sau khi là bạn của thân mẫu hầu tước trong hai mươi năm vẫn còn là người có ảnh hưởng nhất trong gia đình. Ông luôn có một chuyện vui nhộn để kể, nhưng lại không có gì lọt qua được con mắt tinh tế của ông; cho nên bà hầu tước non trẻ, trong thâm tâm thấy mình tội lỗi, đã run sợ trước mặt ông.
Vì Gonzo mê tít các quan to, họ thường mắng hắn, văng tục với hắn và cho hắn khóc một vài lần mỗi năm, cho nên hắn rất ham tìm cách giúp đỡ họ trong những việc lặt vặt. Giá những thói quen của một người kiết xác không làm hắn tê liệt thì một lượng tinh tế nhất định cộng với một lượng trâng tráo lớn hơn nhiều.
Gonzo đã như vậy cho nên coi thường nữ hầu tước Crescenzi vì cả đời nàng chưa hề nói với hắn một tiếng thiếu lễ độ. Nhưng dù sao, bà vẫn là vợ ông hầu tước Crescenzi nổi tiếng, kị sỹ danh dự của thái phi, một người cứ mỗi tháng một đôi lần mắng hắn: “Im đi, Gonzo, anh chỉ là một con lừa”.
Thường thường, nữ hầu tước ở trong trạng thái mơ màng và lơ đễnh, cho đến khi có tiếng đồng hồ đánh mười một giờ thì bà pha trà và gọi tên từng người hiện diện mời uống trà. Gonzo để ý thấy mỗi khi người ta nói đến cô bé Anetta Marini thì nữ hầu tước tỉnh ra một lát khỏi trạng thái mơ màng đó. Sau bữa trà, lúc sắp được trở về buồng riêng, hình như nữ hầu tước có vui lên, và người ta chọn lúc ấy để đọc cho bà nghe những bài thơ trào phúng.
Ở Ý người ta làm thơ châm biếm rất hay, đó là thể loại văn học còn có ít nhiều sinh lực. Thực ra, loại văn chương này không bị kiểm duyệt. Những tân khách của nhà họ Crescenzi bao giờ cũng rao bài thơ của mình bằng câu: “Hầu tước phu nhân có vui lòng cho phép tôi đọc trước mặt phu nhân một bài thơ rất dở hay không?" Khi bài thơ làm cho người ta cười và đã được đọc đi đọc lại hai ba lần thì bao giờ cũng có một sĩ quan kêu lên:
— Ông bộ trưởng bộ công an đáng lẽ phải lo bắt những tác giả các thứ ô trọc này mà treo cổ thử chơi.
Giới thị dân trái lại đón nhận những bài thơ ấy với sự khâm phục chân tình nhất và bọn thư ký của các biện lý đem sao ra bán.
Căn cứ trên lối tọc mạch riêng của nữ hầu tước, Gonzo tưởng là người ta tán dương sắc đẹp của con bé Marini thái quá trước mặt bà, và con bé lại có đến bạc triệu nữa, cho nên bà ganh ghét. Vì Gonzo luôn có nụ cười trên môi và hoàn toàn coi thường những ai không quí tộc, cho nên hắn có thể chui vào khắp mọi nơi. Ngay hôm sau, hắn đội cái mũ có lông chim một cách đắc thắng thế nào đó mà đến nhà nữ hầu tước, cách đội mũ ấy người ta chỉ thấy hắn dùng một lần trong năm, những khi quận vương vừa nói với hắn: Nhà ngươi về nhé, Gonzo.
Sau khi kính cẩn chào nữ hầu tước, hắn không lui ra xa như thường lệ để ngồi vào cái ghế bành mà người ta đẩy tới cho hắn. Hắn đứng giữa đám đông, kêu lên thô bạo: “Tôi đã thấy bức chân dung của Đức cha Del Dongo”. Clélia ngạc nhiên đến nỗi phải tựa vào tay vịn của chiếc ghế bành; nàng đương đầu với bão táp, nhưng rồi cũng phải mau chóng bỏ phòng khách mà đi. Một sĩ quan vừa ăn xong cốc kem thứ tư lớn lối kêu:
— Anh Gonzo tội nghiệp ạ, phải công nhận là anh vụng về một cách hiếm có. Thế nào mà anh lại không biết đức phó chủ giáo, nguyên là một đại tá gan dạ nhất của Napoléon, trước đây y đã chơi một vố rất cay cho thân sinh nữ hầu tước, khi ông trốn khỏi ngục thành do tướng Conti trấn giữ, dễ dàng như đi ra khỏi nhà thờ Steccata? (nhà thờ chính ở Parme?)
— Đúng là tôi không biết rất nhiều chuyện, ông đại úy thân yêu ạ, và tôi là một thằng ngốc đáng thương cả ngày chỉ những lầm cùng lẫn.
Lời đáp đúng khẩu vị Ý ấy làm cho mọi người cười chê anh sĩ quan tài hoa. Nữ hầu tước lại trở vào ngay, nàng lấy lại can đảm và không phải không có mối hy vọng mập mờ tự mình được ngắm nghía bức chân dung của Fabrice, mà người ta đồn là đẹp tuyệt vời. Nàng khen tài hoạ sĩ Hayez, người đã vẽ bức chân dung. Nàng hướng những nụ cười duyên dáng về phía Gonzo mà không biết Gonzo nhìn viên sĩ quan một cách ranh mãnh. Vì tất cả những thị thần ở nhà này cũng đều làm theo Gonzo một cách thích thú, cho nên viên sĩ quan kia phải chuồn đi, nhưng không quên khắc dạ mối thù không đội trời chung với Gonzo. Gonzo đại thắng, và buổi tối, lúc cáo từ, hắn được mời đến ăn trưa vào hôm sau.
Ngày hôm sau, khi ăn xong và bọn tôi tớ đã ra ngoài. Gonzo vùng la lên:
— Lại còn chuyện này nữa chứ! Phải chăng đức phó giáo chủ của chúng ta cũng đâm ra cảm con bé Marini rồi!
Có thể đoán được nỗi xúc động trong lòng Clélia khi nghe câu nói lạ lùng đó. Ngay đến ông hầu tước cũng xúc động:
— Ấy! Gonzo anh bạn ạ, anh lại lẩn thẩn rồi. Anh cần phải dè dặt hơn khi nói về một quan chức đã có được vinh dự hầu bài điện hạ mười một lần.
— Ồ! Thưa hầu tước. Gonzo trả lời thô bỉ như những kẻ loại đó. Tôi có thể cam đoan là đức cha cũng thích được hầu cô bé Marini lắm! Nhưng mà hầu tước đã không ưa chi tiết đó thì thôi, nó không tồn tại đối với tôi nữa, tôi chỉ muốn trước hết không muốn làm phật lòng ngài hầu tước kính yêu của tôi.
Sau bữa cơm bao giờ hầu tước cũng đi ngủ. Hôm đó ông không chịu làm giấc trưa. Tuy vậy Gonzo thà là cắt lưỡi chứ không chịu nói thêm một tiếng nào về cô bé Marini, nhưng mà lúc nào hắn cũng bắt đầu những câu nói của hắn cách thế nào để cho hầu tước cứ hy vọng là hắn sắp trở lại với chuyện yêu đương của cô bé thị dân. Tay Gonzo có cái tài đó của người Ý ở mức cao, tài lui lại một cách khoái trá, cái cách ném ra câu mà mọi người ao ước. Ông hầu tước tội nghiệp suýt chết vì tọc mạch buộc phải mở lối, ông nói với Gonzo là khi ông được hưởng cái thú ngồi ăn với hắn, ông ăn gấp đôi. Gonzo không hiểu, lại lao vào tả phòng tranh mà nữ hầu tước Balbi, nhân tình của cố quận vương đã tạo nên. Ba bốn lần hắn nói đến Hayez, nói chậm rãi như người khâm phục ông sâu sắc nhất. Hầu tước tự nhủ: Tốt lắm! Hắn sắp đi đến bức chân dung mà con bé Marini đặt vẽ đây! Nhưng đó là điều mà Gonzo tránh cầu thân. Đồng hồ buông năm tiếng làm ông hầu tước rất bực tức, vì ông có thói quen hễ cứ đến năm giờ rưỡi, sau giấc trưa, là đi chơi ở con đường dạo mát của thành phố.
— Anh cứ như thế đấy với những chuyện dớ dẩn của anh! Hầu tước nói cục cằn với Gonzo, anh làm cho tôi phải tới nơi dạo mát sau thái phi dù tôi là kị sĩ danh dự của bà, và bà có thể sai bảo tôi việc nọ việc kia. Nào, mau lên! Nếu có thể, hãy vắn tắt kể cho tôi nghe chuyện gì mà anh gọi là chuyện yêu đương của ngài phó chủ giáo!
Nhưng Gonzo lại muốn dành câu chuyện cho nữ hầu tước là người đã mời cơm hắn. Vậy nên hắn vội vàng kể rất sơ lược cái chuyện hầu tước đòi hỏi, xong, hầu tước mắt ríu lại, chạy đi ngủ. Tay Gonzo xử sự khác hẳn đối với bà hầu tước tội nghiệp. Trong giầu sang, Clélia vẫn cứ non trẻ và ngây thơ như xưa, cho nên tưởng phải sửa chữa sự thô bỉ trong lời lẽ của chồng đối với hắn. Say sưa với thắng lợi đó, Gonzo lấy lại được hết tài hùng biện của mình và kể sự việc cho phu nhân nghe với những chi tiết bất tận, coi đó là một thú vui vừa là một bổn phận.
Cô bé Anetta Marini tới một xó cạnh một chỗ ngồi mà người ta giữ cho cô ở buổi thuyết pháp, lúc nào cô cũng đến với hai bà dì và người thủ quỹ cũ của ông bố. Những chỗ ngồi ấy cô bảo giữ từ hôm trước và thường thường bắt chọn như thế nào cho gần như đối diện với bục giảng, nhưng hơi chếch về phía đại hương án, vì cô để ý thấy vị phó chủ giáo thường quay nhìn hương án. Thế mà, điều này công chúng cũng để ý thấy đôi mắt biết nói của vị giảng sư trẻ cũng không hiếm lúc ưa dừng lại trên người cô thừa kế đẹp mặn mà; và rõ ràng là cha cũng có ít nhiều chú ý vì hễ mắt cha đăm đăm nhìn cô bé là bài thuyết giáo của cha trở nên uyên bác, lời dẫn kinh truyện tuôn ra dồi dào, người ta không nghe thấy nữa những náo nức của tâm hồn. Và các bà, các cô vì thế mà tức khắc hết say bài giảng, xoay ra ngắm nhìn cô Marini và nói xấu cô.
Clélia bắt lặp lại đến ba lần những chi tiết lạ lùng đó. Đến lượt thứ ba, nàng trở nên nghĩ ngợi. Nàng nhẩm tính thấy đã mười bốn tháng rồi nàng không thấy mặt Fabrice. Nàng tự nhủ: “Vào nhà thờ một giờ không phải để nhìn Fabrice mà để nghe một bài giảng đạo nổi tiếng có phải là tội lỗi lớn lắm không? Vả chăng, ta sẽ ngồi xa bục giảng và chỉ nhìn Fabrice một lần khi vào và một lần khi nghe xong bài giảng… Không, có phải ta đi ngắm Fabrice đâu, ta sẽ đi nghe một giảng sư lạ lùng!” Giữa những lý lẽ đó, phu nhân vẫn còn hối hận mười bốn tháng qua, thái độ của mình đã rất đẹp đẽ mà! Để có chút yên tĩnh trong, tâm hồn, bà tự nhủ: “Thôi thì thế này, nếu người phụ nữ đầu tiên đến nhà ta chiều nay là người đã có đi nghe đức cha Del Dongo thuyết giáo thì ta sẽ đi nghe; nếu người ấy chưa từng đi thì ta cũng không đi”.
Đã quyết định như thế nên Clélia làm cho Gonzo khôn xiết vui mừng khi bảo hắn:
— Anh hãy cố gắng hỏi cho biết đức Cha phó chủ giáo sẽ giảng vào ngày nào kỳ tới và ở nhà thờ nào? Tối nay, trước khi anh ra về, có lẽ tôi có việc muốn nhờ anh.
Gonzo vừa ra khỏi để đi đến đường dạo mát thì Clélia xuống vườn cho thoáng khí. Nàng không tự dằn vặt mình với cái ý nghĩ vì sao sáu tháng nay nàng không xuống. Nàng nhanh nhẹn, sinh động, hồng hào. Buổi tối đó một tên chán phè nào vào phòng khách cũng khiến nàng hồi hộp. Cuối cùng, kẻ hầu báo có Gonzo đến và anh này liếc mắt qua đủ thấy mình sẽ là con người cần thiết trong tám hôm. “Nữ hầu tước ghen với cô bé Marini, hắn tự nhủ, và vở kịch này sẽ hay lắm nếu phu nhân thủ vai chính, con bé Anetta đóng nàng hầu và đức cha Del Dongo giữ vai chàng si tình. Nói thật, giá vé có lên tới hai francs cũng còn là rẻ!” Gonzo khôn xiết vui mừng và buổi tối, hắn hớt lời tất cả mọi người, kể những chuyện vô duyên nhất (chẳng hạn chuyện nữ diễn viên nổi tiếng và hầu tước Pequigny mà hắn mới nghe hôm trước, từ miệng một khách du lịch Pháp). Về phần mình hầu tước phu nhân cũng không ngồi yên được, bà đi lại trong phòng khách, bà sang phòng kế cận ở đó hầu tước chỉ chịu bày những bức tranh giá hơn hai vạn francs mỗi bức. Những bức tranh đó tối hôm ấy tự báo ý nghĩa rõ ràng quá khiến phu nhân thấy tim quặn đau vì xúc động. Cuối cùng, Clélia nghe tiếng hai cánh cửa mở toang, nàng chạy ngay trở về phòng khách, đó là nữ hầu tước Raversi. Khi nói những câu chào mừng theo lễ, Clélia cảm thấy mình nghẹn lời. Nữ hầu tước bắt nàng nói lại câu hỏi mà lần đầu bà không nghe rõ:
— Phu nhân nghĩ thế nào về cha giảng đạo được mọi người ưa chuộng?
— Trước tôi tưởng ông ta chỉ là một anh chàng trẻ tuổi đầy những mưu đồ tính toán, xứng đáng là cháu bà bá tước Mosca lẫy lừng, quả thế. Nhưng lần ông thuyết pháp vừa rồi ở, vâng, ở nhà thờ Visitation đối diện với lâu đài phu nhân đây, ông ta tỏ ra kỳ diệu, tuyệt vời, khiến tôi quên hết hằn học mà coi ông là người hùng biện nhất trong những người mà tôi được nghe.
— Thế phu nhân đã có dự một buổi thuyết pháp của cha à? Clélia run lên vì sung sướng, hỏi:
— Thế nào? Bà hầu tước cười, nói. Phu nhân không nghe tôi vừa nói ư? Có cho gì tôi cũng không chịu vắng mặt! Người ta nói đức cha đau phổi và chẳng bao lâu nữa, người sẽ không giảng được.
Bà hầu tước vừa đi khỏi thì Clélia gọi Gonzo qua phòng tranh và nói:
— Tôi hầu như đã quyết định phải đi nghe nhà thuyết pháp được tâng bốc đó. Ngày nào ông ta sẽ giảng vậy?
— Thứ hai sau, nghĩa là trong ba hôm nữa. Tuồng như ông ta đã đoán được dự định của bà lớn vì ông sẽ đến giảng ở nhà thờ Visitation.
Còn có những điều cần giải thích, nhưng Clélia không nói được nữa. Nàng đi năm sáu vòng trong phòng tranh, không nói thêm một lời nào. Gonzo thầm nghĩ: “Lòng hằn thù đang dày vò bà ta đây. Phải chứ! Sao có thể hỗn láo đến mức vượt ngục, nhất là khi mình có vinh dự được một vị anh hùng như tướng Fabio Conti canh giữ”.
Hắn lại mỉa mai một cách tế nhị: “Vả lại, phải nhanh chân mới được. Cha mắc bệnh phổi rồi. Tôi nghe bác sĩ Rambo nói cha không sống nổi một năm nữa. Chúa đã phạt cha về tội hủy bỏ hạn cấm cố bằng cách trốn khỏi ngục thành một cách phản phúc”.
Clélia ngồi xuống chiếc trường kỷ ở phòng tranh và ra hiệu cho Gonzo làm theo. Lát sau nàng đưa cho hắn một túi nhỏ trong đó có mấy đồng sequins.
— Anh giữ cho tôi bốn chỗ.
— Gã Gonzo tội nghiệp này có được phép theo hầu bà lớn không ạ?
— Hẳn chứ! Giữ cho tôi năm chỗ ngồi… Tôi chẳng muốn ngồi gần bục giảng, nàng nói thêm, nhưng tôi muốn được xem mặt tiểu thư Marini, mà người ta đồn là xinh lắm.
Hầu tước phu nhân có vẻ như người mất hồn trong ba ngày phải chờ đợi, cho đến cái ngày thứ hai vang dội kia là ngày có giảng đạo.
Được người ta thấy mình tùy tòng một bà lớn quyền quí như vậy, Gonzo cho là một vinh dự có một không hai, cho nên đã mặc y phục kiểu Pháp và đeo gươm. Cũng chưa hết, lợi dụng việc lâu đài Crescenzi ở gần nhà thờ, hắn cho mang từ lâu đài sang một chiếc ghế thiếp vàng sáng chói để cho nữ hầu tước ngồi, điều này những người thị dân coi là quá đỗi xấc láo. Có thể tưởng tượng bà hầu tước đáng thương lúng túng như thế nào khi trông thấy chiếc ghế bành ấy, hơn nữa, thấy người ta đặt nó đối diện với bục giảng. Clélia xấu hổ quá, cúi mặt và nép mình vào một xó trong chiếc ghế bành rộng mênh mông; nàng không có đủ can đảm để nhìn đến ngay cả cô bé Marini nữa, mà Gonzo lấy tay chỉ trỏ một cách trắng trợn khiến cho nàng vô cùng kinh ngạc. Những ai không là quí tộc thì cũng không là gì cả dưới con mắt của tên thị thần đó.
Fabrice hiện ra trên diễn đàn. Chàng gầy quá, xanh quá, héo hắt quá, khiến cho đôi mắt Clélia lập tức giàn giụa lệ. Chàng nói đôi lời rồi ngừng dường như bị tắt tiếng đột ngột; chàng cố bắt đầu lại nói mấy câu nữa nhưng vô hiệu. Chàng quay lại cầm một tờ giấy có viết chữ.
— Các đồng bào ơi! Có một linh hồn khổ sở đáng cho đồng bào rủ hết lòng thương, nhờ tiếng nói của tôi xin đồng bào cầu nguyện cho nó thoát khỏi những đau đớn dày vò chỉ chấm dứt khi đời nó chấm dứt mà thôi.
Chàng đọc phần sau trên tờ giấy, rất chậm rãi. Nhưng âm hưởng của giọng chàng không biết thế nào mà chưa tới giữa bài cầu nguyện, mọi người đều khóc, kể cả anh chàng Gonzo. “Nhờ vậy mà không ai để ý đến ta”, Clélia nghĩ thầm và thổn thức.
Trong khi đọc trên giấy, Fabrice tìm được hai ba ý về tình trạng người khốn khổ mà chàng đến đây xin con chiên cầu nguyện cho. Rồi thì ý kiến hiện lên hàng loạt. Chàng có vẻ nói với công chúng kỳ thực chỉ nói với Clélia. Chàng nghỉ giảng hơi sớm hơn thường lệ, vì cố hết sức cũng không ngăn được dòng nước mắt cứ dâng lên khiến chàng nghẹn ngào, không nói rõ thành tiếng. Những người công minh nhận thấy bài thuyết pháp này khác thường, nhưng vì lâm ly cảm động cho nên ít ra cũng ngang giá trị với bài thuyết pháp nổi tiếng nhất thực hiện trong xán lạn. Về phần Clélia, nàng vừa nghe được mười dòng trong lời cầu nguyện mà Fabrice đọc lên, thì đã thấy là mình để trôi qua mười bốn tháng trời không gặp Fabrice là phạm một tội ác. Về đến nhà nàng đi nằm ngay để được tha hồ nghĩ đến người yêu, và ngày hôm sau, vào sáng sớm, Fabrice nhận được một mảnh giấy viết.
“Người ta tin vào lòng quí trọng danh dự của ông, hãy tìm bốn người dũng cảm mà ông có thể tin cậy ở tính kín đáo, và đến mai, lúc chuông đồng hồ nhà thờ Steccata đánh mười hai tiếng, hãy chờ ở gần một cái cửa nhỏ mang số 19, phố Saint Paul. Chớ quên rằng ông có thể bị tấn công, cho nên đừng đi một mình”.
Nhận ra nét chữ thần tiên kia, Fabrice quì xuống và khóc. Chàng kêu to:
— Thế là cuối cùng… sau những mười bốn tháng tám ngày! Vĩnh biệt những cuộc thuyết pháp.
Nếu diễn tả hết những điều kiện điên dại mà Fabrice và Clélia đã để cho lòng mình buông theo thì dài lắm. Cái cửa nhỏ nói trong thư chẳng qua là cửa vườn cam ở lâu đài Crescenzi mà trong ngày hôm đó Fabrice kiếm cớ tới xem có đến mười bận. Chàng mang theo dao, súng và trước lúc nửa đêm một ít, chàng đi một mình, bước nhanh, đi qua gần cái cửa sổ đó và khôn xiết vui mừng khi nghe quen thuộc thầm thì:
— Hãy vào đây, bạn lòng ơi.
Fabrice rón rén đi vào đã thực sự lọt vào nhà che cây cam, nhưng đối diện với một cửa sổ có chấn song khỏe, cao hơn mặt đất khoảng hơn một thước. Đêm tối mò, Fabrice nghe có tiếng động ở cửa ấy, anh đưa tay sờ chấn song và cảm thấy có một bàn tay luồn qua song nắm bàn tay anh đưa lên môi hôn. Một giọng thân yêu nhỏ nhẻ nói:
— Em đây anh ạ, em đến đây để nói em yêu anh và để hỏi anh có chịu nghe lời em không.
Ai cũng có thể đoán được lời đáp,sau những phút bồng bột ban đầu. Clélia nói:
— Em đã phát nguyện với Đức Mẹ, như anh biết là không bao giờ được nhìn thấy anh. Bởi vậy, em tiếp anh trong bóng tối dầy đặc này. Em muốn nói cho anh biết rằng có khi nào anh bắt phải nhìn anh giữa ban ngày ban mặt thì thôi đấy, giữa chúng ta không còn có quan hệ gì với nhau nữa. Nhưng mà trước hết, em không muốn anh giảng đạo trước mặt con Anetta Marini nữa. Và anh đừng nghĩ rằng tự em đã cho mang một chiếc ghế bành vào nhà Chúa.
— Thiên thần của anh ạ, anh sẽ không giảng đạo nữa trước bất kỳ ai; anh chỉ giảng để mong có một ngày được thấy mặt em mà thôi.
— Đừng nói như thế với em, hãy nghĩ rằng em không được phép nhìn thấy anh đâu.
Đến đây, chúng tôi xin phép cho trôi qua một thời gian ba năm, không nói một tiếng nào đến khoảng đó.
Vào thời kỳ mà chúng tôi kể tiếp đây thì bá tước Mosca đã trở về Parme từ lâu, làm thủ tướng và có quyền thế hơn bao giờ hết.
Sau ba năm hạnh phúc thần tiên, Fabrice bỗng nẩy ra trong lòng một ham muốn yêu thương khiến cho mọi việc thay đổi.
Bà hầu tước có một đứa con trai hai tuổi rất kháu khỉnh, tên là Sandrino, nguồn vui của mẹ nó. Nó luôn luôn theo mẹ, hoặc là chơi trên đầu gối của hầu tước Crescenzi. Trái lại, Fabrice hầu như không bao giờ gặp nó. Chàng không muốn con mình quen âu yếm một người cha khác. Chàng nẩy ra ý định bắt con về trước khi ký ức của nó có khả năng ghi nhớ rõ ràng sự việc.
Trong những giờ phút dài dằng dặc ban ngày, Clélia không thể gặp bạn, thì Sandrino là nguồn an ủi của nàng. Bởi vì chúng tôi phải thú nhận một điều có vẻ kỳ quặc lắm đối với người ở phía bắc dãy núi Alpes, mặc dù làm một việc tội lỗi như vậy, nàng vẫn giữ lời nguyền; nàng đã thề với Đức Mẹ, chắc ai cũng còn nhớ, là không bao giờ nhìn thấy Fabrice; đó là nguyên văn lời thề của nàng; do đó nàng chỉ tiếp Fabrice vào đêm, và không khi nào để đèn lửa trong phòng.
Tối nào Fabrice cũng được người yêu tiếp đón. Điều đáng phục là ở giữa cái triều đình ốm dở vì buồn chán, và vì bệnh tọc mạch những biện pháp đề phòng của Fabrice đã được tính toán khéo léo đến nỗi không bao giờ thiên hạ nghi ngờ là có cái “tình bạn” [127] ấy, theo cách người ta vẫn nói ở Lombardie. Mối tình này nồng nàn quá cho nên không thể không có bất hòa. Clélia rất dễ ghen, tuy nhiên hầu hết những xích mích đã xảy ra vì một duyên cớ khác. Fabrice lợi dụng một vài vụ lễ bái công khai để đến cùng một nơi với Clélia và ngắm nhìn nàng, tức thời nàng kiếm cớ để nhanh chóng rời khỏi nơi đó và cấm cửa bạn một thời gian dài.
Đám triều thần ở Parme lấy làm lạ sao một phụ nữ đẹp đến thế, thông minh và có học thức đến thế lại không có một quan hệ yêu đương thầm kín nào. Nàng làm nảy sinh những say đắm gây nên nhiều hành động điên dại và Fabrice cũng nhiều khi ghen tuông.
Đức giám mục Landriani đôn hậu đã qua đời lâu rồi. Lòng thành tín, tác phong đạo đức gương mẫu và tài hùng biện của Fabrice đã khiến thiên hạ quên đức cố tổng giám mục từ lâu. Người anh cả của chàng cũng qua đời, tất cả tài sản gia đình đều qua tay chàng. Từ ngày ấy, mỗi năm chàng phân phát cho các cha xứ trong địa phận số bổng lộc hơn một trăm nghìn francs về chức vụ tổng giám mục mà chàng được hưởng.
Thật khó mà mơ ước đến một cuộc sống được quí trọng hơn, danh giá hơn và có ích hơn cuộc sống của Fabrice! Tuy nhiên mọi việc đã bị đảo lộn bởi cái khát vọng tình cảm tai hại của chàng.
Một hôm Fabrice nói với Clélia:
— Vì lời phát nguyện mà anh tôn trọng nhưng đã làm anh đau khổ suốt đời bởi em không muốn gặp anh vào ban ngày, anh buộc lòng phải luôn sống cô đơn, chỉ lấy công việc làm khuây khỏa; thế mà công việc cũng thiếu. Trong khi dùng cái cách khắc khổ và buồn bực đó để sống cho qua những giây phút dằng dặc mỗi ngày, anh bỗng nghĩ tới một điều dày vò lòng anh, mà từ sáu tháng nay anh xua đuổi đi không được; con anh sẽ không yêu anh; nó không nghe nói đến anh bao giờ. Nuôi dưỡng trong cảnh xa hoa êm ái ở lâu đài Crescenzi, nó biết mặt anh đã may! Những lần hiếm hoi anh gặp con, anh nghĩ đến mẹ nó, vì nó gợi nhớ cái nhan sắc tiên nga của em mà anh không được phép nhìn ngắm; tất thằng bé cho anh là nghiêm nghị, nghĩa là buồn bực, theo cảm nghĩ của trẻ con.
— Ấy, Clélia nói, qua những lời lẽ khiến anh sợ hãi đó, anh định đạt đến mục đích gì?
— Muốn có lại được đứa con anh. Anh muốn nó ở với anh; anh muốn được nhìn thấy nó ngày ngày, muốn nó tập yêu mến anh và anh cũng được tha hồ âm yếm nó. Bởi một tiền định khe khắt có một không hai trong thiên hạ đã tước mất của anh cái hạnh phúc mà bao nhiêu tâm hồn trìu mến được hưởng, và anh không được sống gần gũi người anh yêu quí, anh muốn ít ra là có bên cạnh mình một sinh linh nhắc nhở với lòng anh hình ảnh em, hầu như thay thế em. Trong cảnh cô đơn bắt buộc, công việc mà con người đối với anh là gánh nặng; em đã biết tham vọng đối với anh là một chữ không có nghĩa từ khi anh có diễm phúc được Barbone tống lao, và cái gì không phải là cảm khái của tâm hồn đối với anh đều buồn cười, vô nghĩa trong cảnh sống phiền muộn xa em.
Chúng ta có thể hiểu nỗi đau đớn mà sự âu sầu của Fabrice gây ra trong tâm hồn Clélia; càng cảm thấy Fabrice nói có lý, nàng càng buồn thấm thía. Có lúc nàng đã toan nghĩ đến việc thử cởi bỏ lời thề. Thế rồi nàng sẽ tiếp Fabrice giữa ban ngày cũng như bất cứ một nhân vật nào khác và cái tiếng tiết hạnh của nàng đã quá vững, sẽ không ai có điều dị nghị gì. Nàng tự nhủ nếu bỏ ra nhiều tiền chắc có thể khiến người ta cởi giải lời thề cho mình, nhưng nàng cảm thấy cách giải quyết có tính chất phù hoa đó sẽ không đem lại yên tĩnh trong tâm hồn nàng và có lẽ trời căm giận sẽ trừng phạt nàng về tội lỗi mới này.
Mặt khác, nếu nàng chiều theo lòng ham muốn rất tự nhiên của Fabrice, nếu nàng tìm cách giải khổ cho con người đa cảm mà nàng hiểu sâu sắc lòng dạ, con người mà lời phát thệ lạ lùng của nàng đã làm cho cuộc sống mất yên tĩnh một cách dị thường, thì cũng có thể dẫu mơ hồ là qua việc cướp con của một nhân vật quyền quí nhất nước Ý, điều gian dối của hai người lại không bị phát hiện? Hầu tước Crescenzi sẽ tuôn tiền ra như nước, sẽ tự mình điều khiển việc tìm kiếm và không sớm thì muộn, việc bắt cóc sẽ bại lộ. Chỉ có một cách đề phòng là mang nó đi xa. Edimbourg chẳng hạn, hoặc là Paris, nhưng lòng trìu mến của người mẹ không đành làm thế. Cách thứ hai, do Fabrice đề nghị, trên thực tế là cách hợp lý nhất nhưng tự nó lại như mang một điềm tiên báo thảm khốc còn đáng kinh hãi hơn đối với người mẹ lạc hồn phách đó. Fabrice nói phải bày ra một cơn bệnh giả, đứa bé phải ngày càng ốm nặng, rồi thì chết trong lúc hầu tước Crescenzi vắng nhà.
Clélia ghê tởm việc ấy, tởm đến kinh hoàng, và họ bất hòa với nhau, nhưng cũng không bất hòa được lâu.
Clélia cho là không nên thách thức Chúa, đứa con thân yêu ấy là con của tội lỗi, nếu bây giờ còn chọc Chúa giận nữa thì Chúa không khỏi bắt nó về trời. Fabrice lại nói về số kiếp đặc biệt của chàng.
— Chức phận mà ngẫu nhiên anh được ban, chàng nói với Clélia, cùng với mối tình của anh đã buộc anh sống vĩnh viễn trong cô đơn, anh không thể như phần lớn bạn đồng nghiệp, có được một cảnh gần gũi êm ái, bởi em chỉ muốn tiếp anh trong bóng tối, khiến cho phần thời gian sống bên cạnh em chỉ còn là những khoảnh khắc.
Nước mắt đã tuôn nhiều. Clélia phát ốm. Nhưng quá yêu Fabrice, nàng không thể từ chối mãi sự hy sinh mà chàng đòi hỏi ở nàng. Người ta làm như là Sandrino ốm; hầu tước vội vã cho mời những thầy thuốc trứ danh nhất và từ lúc đó, Clélia đã gặp một rắc rối ghê gớm mà nàng không dự kiến, làm thế nào đây để đứa con yêu quí không uống một thứ thuốc nào hết do thầy thuốc chỉ định, đó không phải là một việc nhỏ.
Bị bắt buộc nằm nhiều hơn hạn độ cần thiết cho sức khỏe của nó, đứa trẻ đó ốm thực sự. Làm sao bảo cho thầy thuốc biết nguyên nhân bệnh này? Bị xâu xé giữa quyền lợi trái ngược nhau của hai người chí thân, Clélia suýt mất trí. Cô nên vờ cho là con đã bình phục và vất bỏ kết quả của một sự xếp đặt dối trá mất nhiều thì giờ và công sức? Về phần Fabrice, chàng không thể tự tha thứ việc mình bức bách người yêu, cũng không thể bỏ dự định của mình. Chàng tìm được cách đêm đêm vào bên giường chú bé ốm, điều này gây một rắc rối khác. Clélia đến săn sóc con và một đôi khi Fabrice buộc phải nhìn thấy nàng dưới ánh nến, điều này, trái tim đau yếu khổ sở của Clélia coi là một tội lỗi ghê gớm, nó báo trước cái chết của Sandrino. Nhiều nhà thần học nổi tiếng nhất, khi được hỏi về trường hợp nếu thực hiện một lời phát nguyện mà kết quả có hại rõ ràng thì thế nào, đã trả lời rằng việc hủy bỏ lời nguyện sẽ không bị coi như một tội lỗi nếu người phát nguyền từ bỏ lời nguyền, không vì sắc dục mà để tránh một tai hại tất yếu; sự lý giải đó không có hiệu lực đối với Clélia, nàng vẫn đau đớn tuyệt vọng. Và Fabrice sắp thấy ý muốn kỳ quặc của mình mang cái chết đến cho Clélia và con chàng.
Fabrice nhờ cậy người bạn thân của mình là bá tước Mosca; vị thủ tướng này tuy già cũng cảm thấy xúc động trước mối tình kia mà ông chỉ mới biết một phần nhỏ.
— Tôi sẽ vì anh mà cho ông hầu tước đi vắng ít nhất là năm sáu hôm. Anh muốn vào lúc nào?
Ít lâu sau, Fabrice đến báo cho bá tước biết mọi việc đã được chuẩn bị để lợi dụng thời gian hầu tước vắng mặt.
Hai ngày sau, trong lúc hầu tước đi ngựa từ một trang ấp ở vùng Mantoue về, có mấy tên cướp, có vẻ như do một cá nhân có thù hằn thuê, đã bắt cóc ông nhưng không hành hung gì; họ đặt ông vào một chiếc thuyền và cho thuyền xuôi dòng sông Pô mất ba ngày, lại cuộc hành trình mà Fabrice đã thực hiện ngày trước, trong vụ Giletti nổi tiếng. Ngày thứ tư, bọn cướp cho hầu tước lên bộ tại một hòn đảo hoang vu trên sông Pô, sau khi cướp hết của cải của ông, không để cho ông một đồng tiền nào hay một vật gì có chút giá trị. Hầu tước phải mất hai ngày mới về đến lâu đài của mình ở Parme. Ông thấy lâu đài chăng vải đen và tôi tớ ủ rũ.
Cuộc bắt cóc thực hiện một cách tài tình đó đã mang đến một hậu quả rất tai hại; Sandrino được nuôi dưỡng bí mật trong một ngôi nhà lớn và đẹp ở đấy bà hầu tước đến thăm con hầu như hàng ngày, nhưng Sandrino chết sau mấy tháng điều dưỡng, Clélia nghĩ rằng nàng đã bị trừng phạt đích đáng vì không giữ lời nguyền với đức mẹ; nàng đã nhìn Fabrice khá nhiều lần trong ánh sáng và hai lần giữa cả ban ngày, trong sự sôi nổi âu yếm, vào thời gian mà Sandrino đau ốm! Nàng chỉ sống thêm được mấy năm sau khi đứa con yêu quí qua đời; tuy nhiên nàng có được sự an ủi tắt thở trên tay người yêu.
Fabrice si tình quá và ngoan đạo[128] quá cho nên không tự tử để tự giải thoát; chàng hy vọng được gặp lại Clélia ở một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng chàng cũng đủ thông minh để cảm thấy là còn phải sửa chữa, đền bồi nhiều nữa.
Sau khi Clélia mất không lâu, Fabrice ký nhiều văn kiện qua đó chàng cấp cho mỗi tôi tớ một món trợ cấp đồng niên là một nghìn francs và dành cho mình cũng chừng ấy. Chàng biếu nữ bá tước Mosca một số đất đai có lợi tức khoảng mười vạn francs, cũng một số tiền như thế cho nữ hầu tước Del Dongo, bà mẹ, còn lại bao nhiêu trong gia tài bố thì chàng cho cô em lấy chồng nghèo. Ngày hôm sau, chàng gửi đơn xin từ chức tổng giám mục đến những nơi có thẩm quyền và cũng xin từ tất cả những chức vị gì mà ân sủng của Ernest V và cảm tình của vị thủ tướng đã ban cho chàng; rồi chàng vào Tu viện dòng Chartreuse ở Parme trong những khu rừng cạnh sông Pô, cách Sacca hai dặm.
Nữ bá tước Mosca phu nhân trước đây rất tán thành việc chồng trở về làm thủ tướng, nhưng phu nhân không khi nào chịu trở về trên đất nước quận vương Ernest V. Phu nhân có triều đình riêng của mình ở Vignano cách Casal Maggiore một phần tư dặm trên tả ngạn sông Pô, tức là đất Áo. Trong tòa lâu đài tráng lệ mà bá tước xây dựng tại Vignano cho bà, cứ đến ngày thứ năm mỗi tuần, bà tiếp tất cả xã hội thượng lưu thành Parme, còn ngày thường bà tiếp những bạn bè đông đảo của bà. Thế tất rồi Fabrice cũng đến Vignano một ngày kia. Tóm lại bá tước phu nhân có đủ vẻ của một người có hạnh phúc, nhưng bà không sống thêm được bao nhiêu lâu sau khi Fabrice, người mà bà yêu quí qua đời, Fabrice chỉ sống được một năm trong tu viện Chartreuse.
Các nhà tù công quốc Parme trống rỗng, bá tước Mosca giàu không kể xiết, Ernest V được thần dân sùng bái vì chính quyền của ngài với chính quyền của các đại công tước Toscane.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme