Chương 31: Sài Gòn
ôi đến thăm một bác họ xa, một người Bắc di cư vào Sài Gòn. Tôi đi dọc một công viên nơi sáng sáng, những người lớn tuổi đến để tập tài chí chuẩn. Nghĩa trang Sài Gòn từng nằm ở đây. Ông nội tôi đã được chôn ở đây sau khi xác được chuyển từ Pháp về. Những năm 80, nghĩa trang bị ủi, người chết bị đào lên. Cô L em gái cha tôi đến nhận hài cốt của ông nội. Khi cô chuyển sang Pháp sinh sống, cô hầu như không mang gì theo người ngoại trừ những khúc xương được rửa sạch và tẩy trắng, gói ghém cẩn thận trong giấy. Những khúc xương này mới cồng kềnh làm sao! Ðồ trang sức, tiền mặt, có thể nhét vào áo ngực, trong bít tất hay lớp váy lót: Như trước đây những nguời phụ nữ đến đảo Ellis thường làm thế, cổ rụt lại vì váy áo nặng trĩu của cải, như bây giờ những người phụ nữ tới Lampedusa hay Hy Lạp vẫn còn làm. Cô L của tôi đã làm thế nào để qua mắt hải quan? Có thể cô đã ép những khúc xương ấy sát vào ngực, vào bụng, như ôm một đứa trẻ, giấu trong trang phục rộng thùng thình.
Người bác ở Sài Gòn mà tôi tới thăm đã bảy mươi tuổi. Bác rất diện trong chiếc quần đen mềm và áo dài. Nhìn thì biết ngay là một người sang trọng. Trước đây hồi còn ở Việt Nam, các chị của cha tôi đều như vậy. Bây giờ các bác sống trong những căn hộ buồn tẻ của ngoại ô Paris. Ðó là những di dân. Tôi rầu rĩ nhìn các bác bé nhỏ và yếu ớt trong những tà áo dài. Các bác vẫn sợ khi phải ra đường: các bác không nói được tiếng Pháp. Thế nên các bác đành ngồi nhà, trước màn hình vô tuyến, và giống như bà ngoại, các bác dán mắt vào Paris by night, chương trình ca nhạc Việt Nam do cộng đồng hải ngoại ở Mỹ tổ chức, với những bài hát nổi tiếng từ trước năm 1975. Phản xạ của những người tha hương rất giống nhau: tìm lại âm nhạc của cố quốc. Mẹ tôi, môn đồ của chương trình Nostalgie 2.0, đã bỏ nhiều giờ liền để lướt mạng tìm MP3 và video các bản tình ca, rồi hát theo bằng cách đọc lời trên màn hình như kiểu karaoke, trong âm thanh kinh hoàng của máy tính và tiếng não nề của đàn oóc-gan.
Căn nhà của người bác họ xa rất đẹp, với gạch hoa trắng, cây me giữa sân và bàn ghế gỗ theo kiểu Tàu. Bác chỉ ghế mời tôi ngồi, mang nước dừa tươi lại cho tôi và tặng các con gái tôi một gói kẹo. Rồi bác ngồi xuống, chiếu cặp mắt sắc vào tôi và nói: “Ra cháu là con gái lớn của cái cậu ở với đầm đây hả? Bất hạnh làm sao, giá mà cháu biết gia đình bên nội cháu đã khóc như thế nào. Ông cháu đã phát ốm vì xấu hổ. Ông ấy đã sang Pháp để thử khuyên bảo cha cháu quay về với lẽ phải. Và ông đã qua đời. Cháu biết chứ? Ông nội cháu đã chết vì buồn khổ.”
Tôi quay về Pháp, đầu óc đầy ắp ngôn từ và hình ảnh. Tôi đã tóm được sợi chỉ dẫn đường đầu tiên, nhưng tôi tiếp tục loanh quanh, lạc lối trong mê lộ của câu chuyện về gia đình chúng tôi. “Cha của cháu, con trai yêu dấu của ông bà”, các cô, các bác gái của tôi nhắc đi nhắc lại. Cha tôi, cậu con trai thần đồng, đứa con được thương quý nhất trong gia đình.
Sau năm 1975, nước Việt Nam như bị cắt khỏi phần còn lại của thế giới. Ông nội tôi đã mất và cha tôi trở thành người chủ gia đình, có trách nhiệm với mẹ, các chị gái và em gái của cha. Nhưng cha ở xa. Cha có thể làm gì? Chẳng gì cả. Trừ việc tự kết tội bản thân. Cha ở chỗ bình an, sung túc. Tất cả gia đình đã hy sinh để cha được sang Pháp ăn học. Gia đình đã cho cha món quà quý giá nhất, đó là cuộc sống của cha hiện nay.
Chị gái của cha đã gửi cho tôi một bức ảnh gia đình. Tôi dễ dàng nhận ra cha, cậu con trai mảnh dẻ mặc sơ mi trắng. Bác gái tôi đứng ở bên phải, trong chiếc váy đầm kiểu con gái nhà lành. Ở mép trái của bức ảnh, tôi thấy một cậu con trai nhỏ hơn với khuôn mặt tròn xoe và cặp mắt mở to, nhìn thẳng vào ống kính với vẻ cương quyết, như thể để nói: “Nhìn tôi đây, hãy nhớ lấy tôi!”.
Ðó là chú Cầu, em họ của cha, trẻ hơn cha năm tuổi. Chú Cầu cũng học ở trường trung học của cha, cũng học y và muốn sang Pháp như cha. Nhưng chính phủ ra sắc lệnh tổng động viên vào năm 1963 và chú đã đăng lính làm bác sĩ trong quân đội miền Nam Việt Nam. Tháng Tư năm 1975, chú bị coi là phản động vì đã là sĩ quan trong quân đội cũ và bị gửi đi cải tạo. Ra trại, chú chỉ có một ám ảnh duy nhất: lên tàu. Nhưng tàu của chú đã mất tích ngoài biển. Cha mẹ của chú không bao giờ biết điều gì đã xảy đến với xác tàu, hoặc có ai còn sống hay không. Họ không thể đặt bất kỳ câu hỏi nào: giống như mọi người vào thời buổi ấy, họ đã giấu chuyến đi của con trai.
Sự im lặng kéo dài qua nhiều thế hệ. Không ai nói về bản sao của cha tôi đã bị đại dương nuốt chửng ấy. Những kỷ niệm về chú Cầu không còn mấy. Những bức ảnh trong hồ sơ của trường chú trôi nổi trên mạng, chú cười khoe hết răng. Trong phần dành cho chú, mục “Thú vui”, chú ghi “bơi”.
Trong gia phả, tôi nhìn thấy tên chú. Cùng hàng chữ: “Mất tích ngoài biển”. Người ông họ ở làng Sét đã kể cho tôi nghe rằng một lời nguyền đã giáng vào dòng họ tôi. Những người họ Bùi rất ghét biển, họ ghét bơi vì ngày xưa nhiều người trong số họ từng bị chết đuối. Ngày nay vẫn thế, trên bãi tắm, các bác gái và các cô của tôi quay lưng lại phía biển. Cha tôi bao giờ cũng thích núi và tuyết hơn. Chú Cầu, với nụ cười ngoác miệng, hẳn không tin vào những chuyện hoang đường của các bà già. Chú biết bơi. Chú không sợ. Chú đã thử vượt biển lần đầu và bị bắt lại. Chú thử lần thứ hai, cũng bất thành. Rồi lần thứ ba. Lúc ấy chú vừa làm đám hỏi. Cô chú phải chia tay nhau ngoài bãi, khi bình minh còn chưa lên và cả bọn người lao ra, những cái bóng nép vào đêm đen, luồn xuống các con tàu đang đợi ở mép biển. Cô vợ chưa cưới của chú cuối cùng đến được Hồng Kông. Còn chú không được vậy. Mẹ tôi khám phá câu chuyện về chú Cầu cùng lúc với tôi. Mẹ nhìn những bức ảnh ấy, xúc động trước nụ cười của người đã khuất đang lấp ló trong góc của một trang web. Mẹ cho lướt trên màn hình máy tính những tấm ảnh trong bộ lưu trữ về những con tàu quá tải. Thế nhưng mẹ vẫn luôn giữ khoảng cách với bi kịch đó. “Dù sao chúng ta cũng không như họ”, như thể giữa di dân với nhau có những thứ bậc, một bên là tầng lớp thượng lưu đến bằng máy bay, một bên là những kẻ tới sau, nghèo khó, những kẻ chen chúc trên tàu vượt biển. Cha tôi cũng không bao giờ kể về chú Cầu, cậu em họ đã chết của mình.
Cha tôi không biết Sài Gòn sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975. Trong các cuộc nói chuyện với tôi, nét gãy vô hình ấy được vẽ lên giữa những người ra đi từ trước như cha mẹ tôi và những kẻ còn lại, những kẻ từng sống ở Việt Nam sau 1975, dưới chính quyền mới. Họ đã kể cho tôi về những ngày ấy. Trong giọng nói phẳng lì của họ, trong khuôn mặt bình thản của họ, tôi chẳng nhận thấy điều gì cả. Thế rồi bỗng nhiên, câu chữ trở nên tàn nhẫn, hóa đá bởi nỗi chua chát đang đục khoét tâm hồn. Chất muối của thời gian đã ngăn không cho những vết thương khép miệng lại, chúng rỉ máu, giấu mình dưới vẻ ngoài tươi cười.
Ðối với những người đã ra đi cũng như những người đã ở lại, quá khứ không bao giờ trở thành quá khứ, nó xâm chiếm cơ thể ta, đó là một thứ bệnh rất khó chữa. Anh trai của chú Cầu, một cựu quân nhân Cộng hòa từng bị đi học tập, sau đó đã trốn thoát sang California, nhưng bị “tâm bệnh”, theo cách nói kín đáo của các cô tôi. Người chú họ ấy đã chọn im lặng: Chú đặt máy xuống mỗi khi ai đó định nói chuyện với chú.
Cha tôi sống xa Paris, xa cộng đồng người Việt, nơi không ai đến gặp cha để nhắc nhở quá khứ kia. Ðến Le Mans, cha bắt đầu lại từ số 0. Có lẽ cha đã tự sáng chế ra một số phận mới. Cũng tuyệt hảo như những vùng công nghiệp vô danh và khu biệt thự nơi tôi lớn lên. Một cuộc đời trinh bạch và trắng tinh như tuyết mà cha ngưỡng mộ và đã tìm thấy được ở đây, trên đất Pháp. Cha tôi thích những phong cảnh huyền ảo của núi, băng và tuyết, nơi ông có thể mơ về tương lai.
Cô T, em út của cha ra đi vào năm 1978. Cô cũng là một thuyền nhân (boat people). Trong một bức mail dài cô kể cho tôi nghe về sự kiện Sài Gòn tháng Tư năm 1975 và sự loạn lạc trong thành phố. Ðám người vô vọng chen chúc trên tầng thượng Ðại sứ quán Mỹ để chui vào một chiếc máy bay, những người phụ nữ khóc và tặng con của mình cho bất kỳ ai để đứa trẻ được mang đi nơi khác. Cô T không muốn ra đi, cô muốn hòa bình, cô tin vào những lời hứa của chính quyền mới, sự thống nhất của hai miền, sự hàn gắn, và đó là một giấc mộng dài.
Giống tất cả mọi người trong gia đình, cô T im lặng. Ðặt chân đến Mỹ, cô làm hết việc này đến việc kia, bồi bàn, công nhân, vừa làm vừa học để thi lại bằng cấp tương đương ở California. Bây giờ, cô đã “thành công”, một ngôi nhà đẹp, một đứa con gái giỏi giang, một công việc tử tế, và cô không bao giờ kể gì với cha tôi, người anh xa cách đã làm lại cuộc đời trên đất Pháp. Tất cả câu chữ chất chứa trong ngần ấy năm, cô trao chúng cho tôi, mặc dù với con gái đẻ của cô, cô không kể bất cứ điều gì. “Cô viết cho cháu thư này, nhưng cô giữ lấy, và có thể một ngày nào đấy, cô sẽ đưa cho con gái cô.”
Cha tôi không bao giờ gợi đến chuyến đi mạo hiểm của gia đình bên nội. Cũng như sự xa cách nhiều năm giữa họ. Khi cha gặp lại bà nội vào năm 1984 là hai người đã xa nhau hơn hai mươi năm. Bà nội tôi nhuộm răng đen, theo phong tục của người miền Bắc, nhưng vì không muốn gây sợ hãi cho các cháu nội và cô con dâu mà bà chưa từng biết mặt, bà đã nhổ răng đen và lắp răng giả, trắng tinh, theo kiểu phương Tây. Ở sân bay, bác T suýt không nhận ra mẹ. Còn cha tôi? Cha không bao giờ nói gì về điều này.
Cha tôi xấu hổ. Xấu hổ vì đã không thể bảo vệ mẹ và các chị em gái của mình, xấu hổ vì đã ở nơi an toàn trong thời chiến, xấu hổ vì đứng nhìn quê hương từ xa, xấu hổ vì đã phản bội cha mình, xấu hổ vì đã im lặng, xấu hổ vì là người nước ngoài, vì không tìm thấy chỗ đứng của mình ở đâu, giữa người Việt cũng không mà giữa người Pháp cũng không, xấu hổ vì những bí mật ấy, những bí mật cha mang trong mình như một khối u tàn phá người cha.
Thế là cha đắm mình vào công việc. Cha nhìn những khối u của các bệnh nhân trên những mảnh kính phòng thí nghiệm, hết ca này tới ca khác, cha làm việc như trâu như bò. Ở đó, trước kính hiển vi, cha không còn xấu hổ nữa, cha là một trong những chuyên gia giỏi nhất. Ở đó, không còn gì là bí mật nữa: Trong sự nghèo nàn khô khan của bản báo cáo kết quả giải phẫu học, điều mà cha đưa ra là sự thật, sống sượng và trần trụi.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng