Máy Thu Thanh
ột lần trên đường từ trường về nhà vào chiều thứ bảy, Ô-lép đã bảo tôi:
- Mai cậu sang nhà tớ chơi nhé.
Tôi đoán ngay ra cậu ta đã chuẩn bị sẵn một món quà bất ngờ gì đó. Bởi vì chúng tôi thường vẫn gặp nhau vào các ngày chủ nhật, do đó việc sang nhà nhau chơi đâu có cần phải mời mọc đặc biệt. Nhưng tôi cố giấu vẻ tò mò của mình.
- Được, tớ sẽ sang, - tôi thản nhiên đáp.
- Cậu sang vào lúc 1 giờ chiều đấy, - Ô-lép nói, - Nhớ đừng có sang muộn.
Đến chủ nhật tôi sang nhà Ô-lép từ lúc 12 giờ 30 phút và tôi xoi mói nhìn khắp phòng của Ô-lép nhưng không thấy có gì đặc biệt cả.
- Ta có nên chơi một ván cờ không nhỉ? - Ô-lép bàn.
- Có sao đâu, chơi tí, - tôi đồng ý, coi như không có chuyện gì xảy ra, nhưng thâm tâm cảm thấy hơi chán: cậu ta mời tôi đến đây đâu phải để chơi cờ!
Hôm nay Ô-lép chơi cờ có vẻ không chăm chú và cứ hay lo lắng liếc nhìn đồng hồ, mặc dù thời gian để suy nghĩ là không hạn định. Cậu ta thua luôn hai ván và đến ván thứ ba thì tình thế của cậu ta nhanh chóng trở nên vô vọng. Nhưng ngay lúc cần phải đặt quân vua vào vị trí chứng tỏ đã thất bại, thì Ô-lép vụt đứng lên khỏi bàn, đi vào góc phòng, tới chỗ có đặt “cái cốt” máy thu thanh của mình. Tôi gọi đó là “cái cốt”, vì Ô-lép không có một cái hộp nào thích hợp với cái máy thu thanh thực sự, mà chỉ có những bộ tách sóng trần trụi, hay như người ta thường gọi như vậy. Ô-lép gọi cái công cụ của mình là chiếc máy thu tách sóng.
Và kia, Ô-lép đang đứng bên “cái cốt” ấy. Ở đó vang lên tiếng lạo xạo khe khẽ. Rồi bỗng nhiên:
“Bọn chiếm đóng Đức sẽ phải chết!”.
Những tiếng nói bằng tiếng E-xtô-ni-a rất rõ ràng.
Tôi ngạc nhiên đến mức nhảy ngay ra khỏi bàn.
- Đây là bản tin truyền đi từ Mát-xcơ-va, - Ô-lép bình thản nói, nhưng cậu ta không giấu nổi nụ cười thắng lợi.
Phát thanh viên đọc bản tin của Phòng thông tin Xô-viết.
Những xe tăng bị phá hủy…
Những máy bay bị bắn rơi…
Cuộc chống trả anh dũng của Hồng quân chống lại một bộ phận tinh nhuệ của quân đội Đức đang đánh chiếm miền Nam…
Phải rồi, mọi việc hoàn toàn khác với những điều đăng trên báo “E-e-xti-xư-na”.
- Bọn Đức đang gặp phải khó khăn đây, - Ô-lép nhận xét.
- Bọn chúng đang bị đánh tơi bời, - tôi nói.
Ô-lép nói thêm:
- Và chúng ta cần phải góp phần vào việc đó.
Tôi có cảm giác cậu ta lại vừa mới nghĩ ra được một ý đồ gì đó nên hỏi ngay:
- Cậu đã có kế hoạch cụ thể nào chưa?
- Tạm thời tớ chưa nghĩ được gì, - Ô-lép đáp, - Nhưng tớ cho rằng chúng ta không thể giữ nguyên những gì đã nghe được qua ra-đi-ô. Thành phố chúng ta không có nhiều máy thu thanh lắm. Và không phải tất cả mọi người đều hiểu đúng đắn tình hình ngoài mặt trận. Mọi người chỉ được biết những gì đăng trên báo chí, hoặc nghe đủ thứ chuyện đơm đặt thôi.
- Đúng đấy, - tôi hoàn toàn tán thành Ô-lép. - Mà một số người tuy cũng có máy thu thanh, nhưng lại không dám nghe tin tức Mát-xcơ-va. Chả là vì việc đó bị cấm mà.
Tôi bỗng nghĩ đến việc cha của cô bé Ê-lô bị bắt.
- Đúng thế. Ví dụ như trong căn hộ trước cửa nhà tớ người ta chỉ nghe tin tức của ba đài phát thanh: Tan-lin, Ta-rơ-tu-xơ và Chi-u-ri.
Chúng tôi cùng cười. Ai mà chẳng biết rằng ở Tan-lin, Ta-rơ-tu-xơ và Chi-u-ri chỉ truyền đi một chương trình của bọn giặc chiếm đóng.
- Làm gì đây?
- Phải suy nghĩ đã.
Và chúng tôi bắt đầu bàn bạc.
Ngay sau đó thấy rõ dù sao Ô-lép cũng đã có sẵn một kế hoạch.
- À này, nếu chúng ta phổ biến tin tức nghe được ở trong trường thì sao nhỉ?
- Ở trong trường toàn là học sinh, - tôi nói có ý nghi hoặc.
- Thì sao? Học sinh trung học đâu còn là trẻ con. Học sinh các lớp lớn sắp phải vào quân đội rồi còn gì. Nay mai sẽ đến lượt cả những em bé. Và việc biết những tin tức đúng đắn không có hại gì đối với học sinh trung học cả.
- Được rồi, - tôi đồng ý, - Nhưng cậu định thực hiện việc đó như thế nào? Hay là ta sẽ nói?
- Có mà điên! Không được. Tớ nghĩ là có thể viết thông báo lên bảng.
- Lên bảng à? Bảng lớp chúng ta ấy à?
- Không phải chỉ riêng ở lớp ta, mà cả ở trong các lớp khác nữa, nếu không chúng ta sẽ bị theo dõi ngay.
- Hẳn là sẽ bị theo dõi rồi, - tôi nói và nghĩ rằng thể nào chúng tôi cũng sẽ bị theo dõi, ngay cả khi chúng tôi viết ở các lớp khác.
- Như vậy là cậu đồng ý chứ? - Ô-lép hỏi.
- Tất nhiên rồi. Có điều tớ nghĩ rằng…
- Sao cơ?
Tôi muốn nói rằng chúng tôi phải hết sức thận trọng. Nhưng không hiểu vì sao tôi không nói thế.
- Tớ nghĩ là chúng ta chỉ viết những gì chính nhất.
- Tất nhiên rồi, - Ô-lép đồng ý ngay. Chúng ta chỉ viết những gì quan trọng nhất. Và chấm hết.
- Dấu chấm than tốt hơn.
Ô-lép cười.
- Tớ nói câu đó với nghĩa bóng đấy. Nói chung chúng ta có thể đánh ba dấu chấm than vào cuối bảng thông báo.
Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối - Eno Raud Lửa Trong Thành Phố Sẩm Tối