Chương 31: Những Ngày Bình Yên
ừ ngày ly hôn với Tuyết, Nam đã có ý định vứt bỏ cả danh tiếng một cây bút chủ lực của toà báo tỉnh để vào Đà Nẵng sống với Thương Huyền. Lâu nay Nam vẫn đóng trọn vai người cao thượng nhận lỗi lầm thay cho Đào Vương, người anh hùng đã tàn phế. Nam hiểu rõ Thương Huyền hơn ai hết, sẽ không ai chữa lành căn bệnh của nàng ngoài Nam. Nàng yêu Nam, kính trọng Nam và cả căm thù Nam (Nàng căm thù vì hiểu lầm). Nhân dịp này có Hall và Ngọc Lan về Việt Nam, Hoàng Kỳ Nam nhận lời cùng Hall, và Ngọc Lan vào gặp lại Thương Huyền. Nam sẽ động viên thuyết phục nàng cùng con gái và Hall sang Mỹ để chữa bệnh.
- Con hy vọng lần này ba sẽ thuyết phục được má con sang Mỹ. Ngọc Lan nói, con biết má con chỉ nghe lời khuyên của ba.
- Cậu cứ vào trong ấy một chuyến, Đào Kinh nói, nhưng đến ngày đón danh hiệu xã anh hùng cậu phải về. Cả ông Hall và Ngọc Lan nữa, đừng quên nơi này, tôi còn có rất nhiều kế hoạch dự định làm ăn lâu dài với các vị.
Đào Kinh ra tận xe căn dặn Hoàng Kỳ Nam, bắt tay Hall và Ngọc Lan chào tạm biệt và nhìn mãi theo chiếc xe lao vút ra khỏi Trung Tâm Hoàng Thiên Long.
Chiếc máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng, Hoàng Kỳ Nam và Hall cùng Ngọc Lan hồi hộp gọi tắc xi về với Thương Huyền. Về với thương Huyền trong tình cảnh này, mỗi người đều mang một nỗi niềm riêng. Với Hoàng Kỳ Nam, từ phút giây quyết định đến với Thương Huyền, anh cảm nhận thấy cuộc đời mình đã mở sang trang mới. Với Hall và Ngọc Lan, chuyến này về chỉ mong sao đưa được Thương Huyền sang Mỹ.
Nghe có tiếng xe ngoài cổng, Thương Huyền từ trong nhà ra đứng ngây giữa cửa.Vừa nhìn thấy Hall, đôi mắt nàng rực lửa. Nàng xua đuổi Hall như xua đuổi một bóng ma. Nàng nhìn Hall là kẻ đã cướp đi thằng Bin, cướp cả con Ngọc Lan của nàng. Hành động điên khùng của Thương Huyền làm Hall lo sợ. Nàng không còn nhận ra Hall, chàng phi công Mỹ năm nào có cặp mắt lơ xanh đã đưa nàng bay lên cao mãi trên bầu trời. Lâu nay nàng luôn sống trong mặc cảm tội lỗi. Nàng đâu biết thời cuộc đã đổi thay. Nàng sống chôn vùi tuổi xuân trong căn nhà này như trả thù đời. Ngày ngày nàng ngồi bất động nhìn qua ô cửa sổ quan sát nhịp sống đang diễn ra trong ngôi biệt thự Thu Cúc Vàng. Nàng đâu hiểu thời hoàng kim của dinh thự Đức Cường xưa đã tiêu tan. Trong ánh mắt buồn thăm thẳm với gương mặt lạnh lùng của nàng vẫn toát lên vẻ kiêu kì. Ngọc Lan nhào vào long mẹ.
- Con là Ngọc Lan của mẹ đây, mẹ không nhận ra con sao?
Thương Huyền lạnh lùng nhìn Ngọc Lan như kẻ xa lạ.
- Còn anh là Hoàng Kỳ Nam, em có nhận ra anh không?
Hoàng Kỳ Nam kinh hoàng nhận ra ánh mắt Thương Huyền đã trở nên vô hồn- ánh mắt của người điên.
Sự việc bất ngờ diễn ra khiến Hall và Ngọc Lan buồn chán. Con Ngọc Lan tỏ ra thương mẹ nhưng không có cách nào đưa được mẹ sang Mỹ. Cuối cùng Hall và Ngọc Lan buộc phải về Mỹ.ẻTước khi về Mỹ, Ngọc Lan nói với Nam:
- Con hứa với ba, con về Mỹ thu xếp công việc, con sẽ trở về. Ngọc Lan nói trong nước mắt. Con van ba hãy ở đây với má.
Tiễn Hall và Ngọc Lan ra sân bay, Hall bắt tay Nam rõ chặt, hứa hẹn ngày gần nhất hai người lại được gặp nhau.
- Tội nghiệp Thương Huyền, Hall nói, ông đừng bỏ cô ấy. Cô ấy cần có ông hơn bao giờ hết.
Hoàng Kỳ Nam đứng tần ngần nhìn theo chiếc máy bay cất cánh gầm rú trên bầu trời rồi mất hút tron vũ trụ bao la.
Để có điều kiện chăm sóc chữa bệnh cho Thương Huyền, Hoàng Kỳ Nam đã phải nhận hợp đồng với chị Thu Cúc viết lịch sử thành phố và nhận viết một số kịch bản phim để có tiền sinh sống nuôi hi vọng Thương Huyền khỏi bệnh. Từ ngày Nam về ở hẳn với Thương Huyền, chị Thu Cúc đã nhiều lần bóng gió: Tôi không ngờ cậu lại là kẻ si tình đến thế. Đây là lẽ tất yếu của chiến tranh, đâu cần cậu phải chịu hy sinh. Chiến tranh đâu chỉ riêng ở Việt Nam, mất mát đau thương đâu chỉ riêng người Việt Nam. Đại chiến thế giới thứ nhất thứ hai nước Nga đã phải mất đi cả triệu người.
Lời chị Thu Cúc dửng dưng, cũng giống như cuộc sống của chị đang dửng dưng. Ngày ngày chị ngồi trên chiếc Toyota màu trắng sang trọng đi về êm ru qua cánh cổng sắt ngôi biệt thự bốn mùa hoa nở, bốn mùa có bồn nước với những vòi nước trắng bạc phun lên cao một màu sương khói.
Nam âm thầm sống bên Thương Huyền trong tâm trạng mơ hồ nửa hư nửa thực. Trong tâm trí Hoàng Kỳ Nam nảy nở bao ước vọng lớn lao về một cuốn tiểu thuyết Nam đang viết. Nam muốn nói tiếng nói riêng của mình, muốn có quan điểm riêng của mình. Chiều đến, Nam tìm mọi cách đưa Thương Huyền ra khỏi nhà ngồi lên chiếc ghế đá trong mảnh vườn sau nhà. Chiếc ghế đá vương đầy những cành lá khô. Dần dà Nam dẫn được nàng ra bờ sông. Nàng ngơ ngác nhìn ngắm những chiếc xà lan chở cát phành phành chạy trên dòng sông Thu. Dòng sông Thu vẫn miệt mài trôi ra biển cả. Tới tuần trăng, Nam dắt Thương Huyền ra bờ sông vừa ngắm trăng vừa kể cho nàng nghe những câu chuyện làng Đoài quê Nam. Nam hát cho nàng nghe những câu hát ru của mẹ từ thuở nào “Trai Đoài gái Đông- Sông cạn đá mòn- Sắt son một dạ” Nàng đã nhận biết được những cảm xúc giữa Nam và nàng. Nam bàng hoàng nhìn nàng lục lọi trong ngăn tủ lôi ra những con búp bê, những con gấu bông của con Ngọc Lan để lại âu yếm ôm vào lòng miệng mấp máy nức lên những lời than thở từ sâu thẳm tâm hồn nàng. Có lúc nàng ngồi lặng nhìn trộm Nam viết. Khi Nam ngẩng đầu nhìn nàng, nàng lại vội quay mặt đi. Ngày mới về ở với nàng, Nam quyết định tự mình nấu ăn cho nàng. Nam nhờ cô cháu gái chị Thu Cúc đi chợ mua rau mắm và những thứ Nam cần trong sinh hoạt và cả tắm rửa cho nàng hằng ngày.
Sức khỏe của nàng giờ đã hồi phục. Nàng đã tự lo tắm rửa được cho mình. Nam mang tất cả những bộ đồ của nàng ra sắp xếp lại, chọn cho nàng mặc những bộ quần áo thời sinh viên của nàng. Quần áo tư trang của nàng ngày xưa nhiều đến nỗi Nam không ngờ tới. Nam vẫn nhận ra bộ đồ trắng nàng mặc lần đầu tiên Nam và Vương gặp nàng trong cái đêm nàng bị chấn thương vì sức ép của quả bom rơi vào đầu hồi phía Tây ngôi biệt thự nhà nàng. Bộ quần áo dài sinh viên của nàng đêm ấy Vương đã vấy bẩn lên màu trắng tinh khôi để chiếm hữu nàng. Vương chiếm hữu nàng, nàng lại ngỡ nàng đang dâng hiến cho Nam. Sự lầm lẫn của nàng khiến cả cuộc đời Nam trăn trở. Bao năm nay nàng luôn nhìn Nam bằng ánh mắt dận hờn.
Nam mang bộ quần áo dài trắng thời sinh viên của nàng ra là phẳng chờ nàng tắm xong Nam muốn trực tiếp đưa cho nàng qua cánh cửa phòng tắm. Nam đứng bên ngoài nói với nàng:
- Anh thích nhất em mặc bộ đồ trắng này. Nam nói. Nàng đón nhận bộ quần áo từ tay Nam.
Khi nàng bước từ phòng tắm ra trong bộ đồ trắng, Nam xúc động nhào đến ôm nàng vào lòng. Nàng đứng sững lại cố dẫy khỏi vòng tay Nam như một phản xạ tự nhiên:
- Bác sĩ không được làm thế. Nàng nói khẽ mà Nam nghe lạnh cả người.
- Tại bữa nay anh trông em đẹp quá. Nam buông nàng ra nói lời xin lỗi.
Nam cố tạo nụ cười nói với nàng những câu tuyệt vời nhất. Bữa mới vào, Nam đưa nàng đi khám bác sĩ. Bác sĩ bảo nàng bị chấn thương nặng về tinh thần phải tránh gây ức chế cho nàng. Nam cố tạo mọi điều kiện để nàng sống trong môi trường thoải mái không được làm cho nàng xúc động mạnh. Đêm không ngủ, Nam theo dõi từng hơi thở của nàng. Nam sống trong tâm trạng thấp thỏm bên cạnh nàng. Vừa lo sợ vừa hi vọng, lại vừa yêu thương nàng. Những lúc nàng ngủ say, Nam khẽ nằm xuống bên cạnh nàng. Những phút giây được ôm nàng vào lòng, tim Nam rạo rực. Cho dù nàng không cảm nhận được gì. Nàng vẫn thường gọi Nam là bác sĩ.
- Thương Huyền ơi! Em có nhận ra bộ quần áo dài này của em từ hồi simh viên không, Nam cố tỏ ra quan tâm đến nàng. Lúc này trông em khỏe và đẹp ra đấy, em có nhận ra không. Anh không phải là bác sĩ. Anh chính là người yêu của em, là chồng của em.
- Bác sĩ là chồng em? Thương Huyền ngỡ ngàng nhìn Nam.
- Đúng vậy, anh là chồng em, anh về đây ở hẳn với em. Nam dìu nàng ngồi xuống trước mâm cơm Nam đã sắp sẵn, ân cần cho nàng ăn ngon lành. Nam cố cư xử với nàng bằng những cử chỉ âu yếm, những lời nói ngọt ngào: Tối nay chúng mình sẽ cưới nhau, em có vui không? Dù chỉ là nói những lời để chiều và để thăm dò nhận biết về nàng nhưng Nam vẫn thấy rạo rực trong lòng. Tối đến, Nam ngồi vào bàn viết, Thương Huyền không ngủ sớm như mọi khi, nàng ôm con búp bê khẽ ra cửa hát ru “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ...” Giọng nàng nghe rạo rực lạ thường. Nam không sao viết tiếp trên trang bản thảo kịch bản phim “tên cướp có bàn tay đen” đã sắp đến hạn phải nộp bản thảo. Hình bóng Thương Huyền trong bộ quần áo thời sinh viên lấp lóa trong mắt Nam. Nam khẽ cất tiếng goi:
- Thương Huyền lại đây với anh!
- Bác sĩ gọi em.
- Đã bảo anh không phải là bác sĩ. Anh chính là Hoàng Kỳ Nam, là chồng em, là bố con Ngọc Lan đây.
- Thật vậy sao? Bác sĩ chính là Hoàng Kỳ Nam thật sao?
- Đúng vậy, anh là chồng em, đêm nay chúng mình cưới nhau. Nam đứng dậy kéo Thương Huyền vào lòng, nàng không giẫy dụa như mọi khi, mắt nàng long lanh nhìn Nam. Nam muốn kiểm tra lại trí nhớ nàng, muốn đánh thức niềm khát khao và yêu thương của nàng. Nam muốn gợi cho nàng nhận biết đã bao ngày nay Nam chăm sóc cho nàng. Nam nhẹ nhàng hôn lên đôi môi nàng, tạo cho nàng niềm sung sướng. Nam âu yếm vuốt ve thân thể nàng. Nam thất vọng thấy nàng vẫn lạnh băng, không một biểu hiện rung động nào. Nam xót xa thương cho thân phận nàng, thương thân phận mình. Lời chị Thu Cúc lại vẳng lên trong tâm trí “Nó có mất trí mới không theo con Ngọc Lan sang Mỹ, nó có mất trí mới để cậu sống với nó. Biết đâu đến ngày nào đó khỏi bệnh, nó cũng sẽ theo con Ngọc Lan sang Mỹ rồi suốt đời cậu sẽ không bao giờ có được nó” Nam thấy rùng mình ớn lạnh. Không! Nam ôm trầm lấy Thương Huyền như sợ mất nàng. Thương Huyền phải là của Nam. Em sẽ được hạnh phúc! Anh vứt bỏ mọi công danh sự nghiệp, vứt bỏ dư luận đàm tiếu để về với em. Nam xiết chặt nàng vào lòng. Đêm nay chúng mình cưới nhau. Nam run run cởi tấm áo dài trắng nàng đang mặc. Vẻ ngây ngô của nàng cuốn hút Nam lạ thường. Mùi cơ thể nàng thơm phức. Làn da nàng mịn màng. Nam lặn ngụp chìm đắm trong niềm đam mê nàng. Nam dồn hết sức lực đàn ông còn lại cuối đời để cố đánh thức niềm khát khao hưng phấn trong thân xác lạnh giá của nàng lâu nay.
- Em có muốn anh yêu em mãi thế này không?
Nàng cười ngu ngơ. Nam rướn người yêu nàng. Nam cảm nhận rõ thân thể nàng đang nóng dần lên. Những ngón tay nàng mềm mại khẽ mơn man trên da thịt mình. Nam đánh thức được bản năng đã chết trong nàng từ lâu. Nam mê mải yêu nàng cuồng nhiệt. Cả Nam và nàng đều chìm đắm trong nỗi niềm vừa sung sướng vừa đau khổ...
Sáng dậy, nàng còn đang ngủ, Nam mở cửa, chiếc xe Toyota màu trắng của chị Thu Cúc vừa lướt qua cánh cổng sắt màu xanh xám lao ra phố. Nắng buổi sáng chiếu lên màn sương khói trong bồn nước trước ngôi biệt thự nhà chị Thu Cúc. Bóng con cháu gái giúp việc thấp thoáng trên hàng hiên. Nó khẽ cất tiếng hát nghe nao nao lòng người. Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…
Nhìn thấy Nam, cô bé cười rõ tươi:
- Chú Nam ơi, cháu đi chợ, bữa nay cô chú ăn thứ chi để cháu mua. Nam bảo cô bé mua những thứ mà Thương Huyền thích. Bóng cô bé tung tẩy bước ra khỏi cổng, Nam vào nhà hôn nhẹ lên gương mặt Thương Huyền...
o O o
Nam liên tiếp nhận được những tin quan trọng. Tin đầu tiên của Đào Kinh gọi Nam về dự lễ khai trương trung tâm thương mại. Ông còn bảo con Măng nó yêu cầu Nam phải về. Tiếp đến là tin bố mẹ nhắn Nam phải về ngay để “xem mặt” cô gái nào đó bố mẹ đã “nhắm” trước cho Nam bên làng Đông. Nếu Nam đồng ý là cưới liền. Mẹ Nam còn đe, nếu Nam không cưới vợ năm nay sang năm sẽ không được tuổi. Mẹ còn báo tin cậu Hiền đã xây dựng xong ngôi chùa làng Đông đẹp lắm. Và cuối cùng là tin con Ngọc Lan lần này từ Mỹ về, sẽ cho cả chồng con nó ra thăm ông bà nội ngoài miền Bắc. Tất cả mọi tin tức đều không làm Nam xúc động bằng Thương Huyền hồi phục trí nhớ. Nam chăm sóc yêu thương nàng, bù đắp lại bao năm tháng Nam và nàng phải xa nhau. Nam không cho Thương Huyền biết những lá thư của mẹ viết cho Nam về cô gái nào đó mà mẹ Nam nhắn về xem mặt. Chị Thu Cúc bảo:
- Nếu con Ngọc Lan từ Mỹ về lần này phải dứt khoát cho Thương Huyền sang Mỹ. Người ta còn đăng ký kết hôn giả để được ra đi hợp pháp. Cậu thương yêu nó liệu có lo được hạnh phúc cho nó cả đời.
Chị Thu Cúc cho xe Nam và Thương Huyền ra sân bay đón vợ chồng con Ngọc Lan. Thời tiết vào thu nhưng trời miền Trung vẫn nắng nóng, Nam nắm chặt tay Thương Huyền, khi chiếc máy bay hạ cánh trên đường băng. Trong dòng người từ đường băng bước ra, con Ngọc Lan nhận ra Thương Huyền và Nam trước, nó lao đến ôm mẹ. Thương Huyền khóc nức nở, Ngọc Lan quay sang ôm cổ Nam, giọng nó nghèn nghẹn:
- Com mừng ba đã làm cho má khỏi bệnh. Con mong có ngày được gọi tên ba thật to. Ba Nam! Ngọc Lan sung sướng cười mà nước mắt ứa ra.
Cả Nam và Thương Huyền sững sờ nhìn con Ngọc Lan thay đổi quá nhiều. Khuôn mặt nó hồng rực trẻ trung. Khi nó ào đến ôm lấy Thương Huyền, Nam vẫn nghĩ như có sự nhầm lẫn nào đó. Khi con Ngọc Lan ôm cổ gọi“ ba Nam của con” Nam mới bừng tỉnh. Chồng Ngọc Lan là anh chàng người Mỹ to cao, mắt xanh mũi lõ, da trắng, vóc dáng hào hoa lịch thiệp. Cậu ta tay dắt đứa bé trai chừng năm tuổi đứng ngẩn ngơ. Đứa trẻ có gương mặt lai Mỹ mở cặp mắt thao láo đứng ngây nhìn Nam và Thương Huyền. Con Ngọc Lan xúc động lau nước mắt:
- Con xin giới thiệu với ba má, đây là Tim, chồng con và cháu Gion.
Nam bắt tay chàng trai người Mỹ với danh nghĩa nó là chàng rể của mình.
- Con khoanh tay chào ông bà ngoại đi. Ngọc Lan giục con, đứa bé mở to đôi mắt xanh, nó khoanh tay lễ phép nói:
- Cháu chào ông bà ngoại ạ. Thương Huyền cúi ôm choàng lấy đứa bé, nghe nó nói những âm tiếng Việt không dấu ngồ ngộ. Chắc mẹ nó đã bắt nó học thuộc câu chào này từ bên Mỹ.
Thương Huyền tỏ ra quấn quýt yêu quý ngay đứa cháu ngoại của mình. Vậy là nàng đã có cháu ngoại, có chàng con rể người Mỹ đẹp trai hào hoa. Nam xúc động nhìn Thương Huyền hạnh phúc. Hình bóng Vương tàn phế ngồi trên xe lăn lại hiện lên trong tâm trí Nam. Nhiều lúc Nam lẫn lộn không xác định rõ mình đang hạnh phúc hay đau khổ, niềm vui hay nỗi buồn đang đến với Nam. Liệu Nam có nên giữ mãi bí mật này suốt đời với Ngọc Lan, với đứa cháu ngoại và chàng rể người Mỹ. Nam hình dung ra ngày nào đó Thương Huyền và con Ngọc Lan biết sự thực Đào Vương mới chính là cha đẻ của nó...
Ngồi vào xe rời sân bay, con Ngọc Lan thông báo:
- Chuyến này vợ chồng con về có ý định đưa cả ba má sang Mỹ. Chúng con muốn ba má được chứng kiến cuộc sống của người dân Mỹ, con tin bá má sẽ có cái nhìn mới mẻ hơn về dân Mỹ.
- Má cảm ơn các con đã quan tâm đến ba má. Nhưng ba má mong muốn được sống cuộc sống của riêng ba má, sống ở chính mảnh đất quê hương mình, dù có khó khăn vất vả. Ba má tuy không tới nước Mỹ nhưng ba má vẫn hiểu được người dân Mỹ, hiểu được nền văn minh nước Mỹ ngày nay. Ba má muốn được sống hạnh phúc ở chính mảnh đất mình sinh ra.
- Ôi, ba má vẫn cứ như xưa, chẳng thay đổi được gì. Chúng con nói thế đều mong cho ba má có được cuộc sống tốt đẹp.
- Ba má biết rất rõ điều mong muốn của các con. Nam nói đỡ lời Thương Huyền, cuộc sống của ba má khác xa với những gì con đã trải qua nên các con không thể cảm nhận được lớp người như ba má bây giờ cần nhất điều gì.
- Con sẽ còn tranh luận với ba má nhiều về chuyện này. Ngọc Lan quả quyết, bây giờ ba má nghĩ vậy, chỉ cần ba má sang Mỹ một lần, con tin ba má sẽ thay đổi quan điểm của mình. Cha Hall bên đó giao nhiệm vụ cho con lần này phải mời băng được ba má sang Mỹ. Nếu ba má không ở hẳn bên đó thì sang chơi với chúng con ít ngày.
Suốt chặng đường từ sân bay về nhà, Ngọc Lan nói liến thoắng. Anh chàng người Mỹ chồng nó luôn nhoẻn cười ngây ngô. Hoàng Kỳ Nam và Thương Huyển cũng không hiểu anh ta cười chuyện gì. Thằng Gion líu ríu như chim nhảy qua nhảy lại, ôm cổ ba má nó thì thào to nhỏ chuyện gì đó bí mật. Về đến nhà, chị Thu Cúc đã mở rộng hai cánh cổng dinh thự Hoa Cúc Vàng đón khách. Cậu lái xe bấm còi toe toe, chiếc xe lao vào trong sân đỗ sịch bên bồn hoa cúc vàng rực có chiếc vòi nước đang phun lên cao những tia nước tạo thành màn sương trắn bạc. Gương mặt vợ chồng chị Thu Cúc cười rạng rỡ.
o O o
Xã Chiến Thắng được nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng. Anh hùng chứ sao không. Cả nước anh hùng. Việt Nam ra ngõ gặp anh hùng. Sở dĩ buổi lễ đón danh hiệu anh hùng của xã Chiến Thắng chậm lại so với dự kiến gần một năm là vì chuyện rắc rối của anh đội ba (Làng Đoài) đã làm ảnh hưởng đến thành tích chung của xã suýt mất toi danh hiệu anh hùng. Nếu không được chủ tịch Tuyết có quan hệ tốt với trên, cộng với tiếng nói của tướng Hoàng Kỳ Trung, và Trần Tăng thì cái danh hiệu anh hùng của xã Chiến Thắng cũng đi tong.
Nhận được giấy mời của xã do chính Tuyết ký đóng dấu “Trân trọng kính mời nhà văn Hoàng Kỳ Nam về dự ngày hội đón danh hiệu anh hùng...” Nam háo hức, nhân chuyến này cho cả Thương Huyền và vợ chồng con Ngọc Lan về quê. Nam cứ tiếc mãi chuyến về làng Đoài này Hall không có mặt...
Từ đời thượng cổ tới nay, chưa bao giờ xã Chiến Thắng lại tràn ngập cờ đỏ sao vàng như lúc này. Xe của Nam đi chầm chậm trên con đường ruột xã thẳng tắp chạy về làng Đoài. Qua mỗi thôn làng, con Ngọc Lan lại háo hức thấy những chiếc cổng chào lộng lẫy được kết bằng những tầu dừa xanh cài lẫn hoa tươi với những chùm đèn trang trí đủ mầu rực rỡ. Băng rôn biểu ngữ, khẩu hiệu chăng kín hai bên đường làng. Trước cửa mỗi nhà, cờ đỏ sao vàng rừng rực tung bay trước gió.
- Ôi đẹp quá! Thương Huyền reo lên, cả thế giới không đâu có được không khí náo nức như ở đây. Đội múa kì lân mặc áo quần lễ hội đỏ rực ngồi trên xe chạy dọc đường làng khua trống cổ động cho ngày hội. Học sinh mặc đồng phục quần xanh áo trắng thắt nơ xanh, khăn quàng đỏ, đầu đội mũ Trào Mào tay vẫy cờ hoa đi đều bước. Đội võ thuật mặc áo đỏ thắt đai xanh, đầu vấn khăn kiểu võ sư, tay múa gậy nhào lộn các bài võ cổ truyền. Hội cựu chiến binh xếp đội hình hàng đôi diễu trên các lối ngõ. Thi thoảng lại có những chiếc xe con bóng loáng của những người con xa quê từ mọi miền đất nước ra đi nay có quyền chức, có danh có tiếng, hoặc làm ăn kinh doanh thành đạt trở về. Đội dân quân tự vệ thắt đai gài lựu đạn gỗ, vác súng đi đều bước theo đội hình diễu binh trước kỳ đài. Đội quân nhạc mặc lễ phục trắng viền đỏ, mũ kê pi trắng viền vàng đứng trước kỳ đài thổi kèn đồng theo nhịp trống rộn rã.
Nam về đến nhà, mẹ Yến Quyên nhào ra líu nhíu cầm tay Thương Huyền, ôm lấy con Ngọc Lan rồi bế bé Gion lên thơm vào má nó, nói nhỏ với Nam:
- Mẹ bảo bà Cam và Vương sang nhá? Bà ấy và Vương đã chờ đợi phút dây này từ lâu lắm rồi.
- Và cả mẹ nữa chứ, mẹ không mong có phút giây này sao? Mẹ thấy Thương Huyền có làm dâu mẹ được không?
- Tất nhiên rồi. Yến Quyên nói.
Nam nhận ra nét mặt mẹ rạng rỡ. Bố Hoàng Kỳ Trung với bộ quân phục ngực đỏ rực huân chương lấp lánh. Bé Gion ngơ ngác nhìn những tấm huân chương trên ngực Hoàng Kỳ Trung. Cả Thương Huyền, cả Ngọc Lan, cả Tim và bé Gion cũng nhìn mãi vào những tấm huân chương trên ngực Hoàng Kỳ Trung. Gương mặt Hoàng Kỳ Trung sáng ngời hạnh phúc, ông cười tự hào nói:
- Ông vừa đi diễn tập về, nay mới chỉ làm thử thôi, mai mới chính thức khai mạc. Các con về đúng ngày này quả là vẻ vang thay.
- Em sợ nhìn vào mặt bố, Thương Huyền đưa bàn tay run rẩy níu lấy tay Nam nói, bố còn đang say xưa hạnh phúc chưa nhận ra em đâu.
Nam đến bên bố giới thiệu Thương Huyền để bố nhận mặt con dâu mới.
- Bố ơi đây là Thương Huyền vợ con. Còn kia là cháu Ngọc Lan và chồng nó tên là Tim, và cháu Gion các cháu hiện đang sống ở bên Mỹ.
- Chuyến này chúng cháu về Việt Nam thăm ba má, thăm ông bà, ăn tết xong chúng cháu lại đi mỹ. Con Ngọc Lan ríu rít nói thay lời ba má.
Hoàng Kỳ Trung lúc này mới sững sờ nhìn kỹ vào từng người như thể ông đang kiểm tra duyệt đội quân của ông hồi nào. Ông lừ lừ nhìn xoáy vào chồng con Ngọc Lan, nét mặt ông biến đổi dần, hàng my đã bạc trắng của ông khẽ nhíu lại, giọng nói trở nên dè giặt:
- Gia đình cháu hồi chiến tranh có ai sang Việt Nam đánh nhau với ông, đánh nhau với bố vợ cháu không?
Bố xúc động tay run rẩy khi ông đưa mắt nhìn sang con Ngọc Lan rồi lại nhìn Thương Huyền, bố đã nhận ra cái cô Thương Huyền hai mươi năm về trước giống mặt con Ngọc Lan bây giờ. Thương Huyền hiểu rất rõ ký ức trong ông đang tưởng nhớ lại những ngày ông sống trong phòng tra tấn của kẻ thù. Ông lập cập bước vào trong nhà như thể chạy trốn.
- Tính bố các con thế đấy, Yến Quyên nói, lúc vui lúc buồn thất thường lắm, nhất là từ hôm cậu Hiền đưa cả gia đình từ Mỹ về.
Ngọc Lan bảo cậu lái xe taxi ở lại vài ngày để đi lại cho tiện. Nó tỏ ra tháo vát không để ý tới thái độ của ông Hoàng Kỳ Trung. Nó líu ríu nắm tay chồng, dịch cho chồng hiểu mọi chuyện đang diễn ra.
- Em không ngờ Đỗ Hiền đại tá quân lực Việt Nam Cộng Hoà lại có thể là cậu ruột của anh, Thương Huyền nói.
- Em hãy quên mọi quá khứ để sống cho thanh thản.
Mẹ Yến Quyên đã chuẩn bị trước bữa cơm tối đón con trai con dâu mới của mẹ thật chu đáo. Yến Quyên là người hiểu rõ mọi chuyện đang diễn ra biến động từng giờ từng phút trong gia đình mình.
- Con có sang nhà Vương không?
- Con đang băn khoăn không biết nên xử sự thế nào với Vương cho phải.
Mâm cơm bày ra với đủ các món do Yến Quyên nấu nướng và cô Lùn phụ giúp. Yến Quyên tỏ ra yêu quý lấy thức ăn cho Thương Huyền, dịu dàng bảo với vợ chồng con Ngọc Lan: Các cháu lần đầu về quê cứ ăn uống cho no. người nhà quê nghèo nhưng tình cảm chân thực.
Hoàng Kỳ Trung lặng lẽ trong hoài niệm về nỗi căm hờn. Nam rót cho bố cốc rượu cố làm cho bố vui:
- Con chúc mừng bố trong ngày vui trọng đại của tất cả người dân làng Đoài ta, của tất cả nhân dân xã Chiến Thắng anh hùng.
- Ăn cơm xong con phải sang bà ngoại, cậu Hiền đang mong con từng ngày. Mẹ Yến Quyên nói. Hoàng Kỳ Trung uống cạn chén rượu mặt đỏ rực, những tấm huân chương cũng đỏ rực, sáng lấp lánh trên ngực ông. Nam ra bể nước rửa tay bảo cậu lái xe Ta xi chuẩn bị cho Nam sang làng Đông thăm bà ngoại. Bóng tối làng quê gợi lại trong Nam cảm xúc xa vời. Hàng cau trước cửa nhà vẫn vươn thẳng trên nền trời cao. Cây cau gần bể nước đêm nào Nam còn giữ thang cho bà nội trèo lên hái cau ăn trầu và giấu lời di chúc của bà trên ngọn cau.
Nam bảo mẹ Yến Quyên cho Thương Huyền và vợ chồng con Ngọc Lan và bé Gion cùng sang làng Đông thăm bà ngoại. Tất cả ngồi chật cứng trên chiếc xe ta xi chạy trên đường làng mà vẫn nghe vang vọng tiếng trống tiếng hô khẩu hiệu của đội thiếu niên cổ vũ cho ngày hội. Trên sân uỷ ban đèn hoa cờ sao bay phơi phới sáng rực cả trời đêm. Nam biết tin cậu Hiền về xây nhà cho bà ngoại nhưng vẫn sững sờ nhìn ngôi nhà cậu Hiền mới xây cao lừng lững khoảng trời làng Đông. Ngôi nhà trông hiện đại, sang trọng nhất xã Chiến Thắng này. Hai cánh cổng được làm bằng gang đúc sơn xanh đen, hai trụ cổng ốp đá xanh được gắn hai bóng điện sáng lung linh hình búp sen. Cổng được xây theo kiểu bốn mái lợp ngói trang trí đỏ chót. Bức tường dậu trước cửa xây ốp đá hoa cương. Bước qua hai cánh cổng là khoảng sân lát gạch đỏ không còn cây na cây ổi ngày nào Nam thường trèo lên vặt quả về chia cho lũ trẻ làng Đoài. Dưới ánh đèn Neon sáng xanh, bà ngoại Nam quần áo lụa màu nâu thẫm ngồi trên bộ sa lông tím lịm. Mặt bà rạng ngời, mắt bà như sáng ra. Mái tóc bà bạc trắng, Nam có cảm giác bà đã tới trăm tuổi. Tóc cậu Hiền cũng bạc trắng. Cậu Hiền sang trọng comle cà vạt giầy đen bóng lộn ra sân đón khách. Mẹ Yến Quyên xúc động nói:
- Giới thiệu với cậu Hiền và các cháu, đây là hai vợ chông cháu Nam và con gái, con rể cháu về thăm cụ, thăm cậu và các em.
Cậu Hiền nhìn Nam xúc động. Nam thấy cậu gần gũi dễ thương, không thấy ở cậu điều gì là gian ác. Nhìn gương mặt cậu Hiền phúc hâụ tràn đầy niềm vui, lòng Nam dịu lại. Con trai của cậu là Đỗ Hoàng và các cháu chạy ra chào ríu rít.
- Em chào bác Nam! Đỗ Hoàng nói, các con đâu ra chào bà Yến Quyên và bác Nam cùng các anh các chị. Từ mấy bữa nay em nghe cụ kể hoài về bác.
Đỗ Hoàng đang nắm chặt tay Nam chợt sững lại bối rối khi nhận ra Thương Huyền.
- Quả là trái đất tròn, Đỗ Hoàng bật lên sững sốt, không ngờ bác Nam lại chọn được nàng dâu lẫy lừng xứ Quảng. Nam không rõ lời khen hay chê của Đỗ Hoàng. Thương Huyền bám lấy tay mẹ Yến Quyên như muốn được che chở. Nam hiểu ra Thương Huyền và Đỗ Hoàng đã quen nhau. Vợ chồng con Ngọc Lan vẫn vô tư. Hai đứa con của Đỗ Hoàng cũng vô tư, anh em chúng hỏi nhau đủ chuyện.
- Cụ nội bảo bác Nam ngày mai được đi đón anh hùng, sao bố và ông cháu mai lại không được đi đón anh hùng?
- Cái thằng trẻ con biết gì - Đỗ Hoàng mắng át các con.
Lời con trẻ đau lòng người lớn. Bà ngoại Nam héo hắt một đời giờ bỗng nở mày nở mặt. Chẳng e ngại gì khi có mẹ con Thương Huyền, bà ngoại cười sảng khoái:
- Ôi thằng cháu tôi! Bà nói, ông trời quả có mắt đấy cháu ạ, con Tuyết đấy, chính con Tuyết mà bà và mẹ cháu phải đến cầu xin nhà người ta bây hôm qua phải đến thăm bà với danh nghĩa đại diện cho chính quyền xã Chiến Thắng.
- Bà ơi nói chuyện ấy làm gì, Yến Quyên vội gạt đi, các cháu về thăm bà, đây là cháu dâu của bà đấy.
Bà ngoại đưa bàn tay nhăn nheo run rẩy nắm tay Thương Huyền rờ nắn như người xem bói.
- Bà nhìn rõ rồi cháu dâu à, cháu có khuôn mặt gần giống mẹ chồng cháu đấy, đẹp lắm, đẹp lắm. Nhưng người đẹp thường vất vả đấy cháu ạ. Đàn bà hồng nhan bạc phận. Con Ngọc Lan ngơ ngác nghe cụ nói là lạ cười rúc rích ôm cổ cụ.
- Cụ ơi cụ biết xem bói hả cụ? Cụ xem cho cháu sau này có sướng không hả cụ.
Bà ngoại Nam nhìn vào gương mặt tươi rói của con Ngọc Lan, bà nói:
- Sướng! cái mặt này thì ăn ngon ngủ kỹ vô lo lại giàu sang phú quý.
Con Ngọc Lan cười ngây ngất dịch cho chồng nó nghe. Anh chàng người Mỹ ngỡ ngàng nhìn cụ ngưỡng mộ khẽ rụt rè đưa bàn tay trắng mịn ra trước mặt cụ. Cụ khoái chí cười:
- Ta nói chơi vậy thôi, chứ ta có biết xem bói bao giờ đâu. Nhưng tướng thằng này trông cũng hiền lành nhân đức lắm.
Cậu Hiền bảo Đỗ Hoàng mang bia ra mời cả nhà. Cậu luôn là người tinh tế, vừa rót bia vừa nói chuyện, giọng cậu khỏe và ấm áp lạ lùng.
- Thú thực với chị Yến Quyên và các cháu, em có ngày được trở lại quê nhà gặp bà, gặp chị và các cháu đông vui thế này có chết cũng sung sướng lắm rồi.
- Cậu còn lâu mới chết, đến như bà đây còn sống lâu, Yến Quyên nói vui.
Cậu Hiền lại cười:
- Em nói để bày tỏ nỗi lòng với các cháu, nhất là với cháu Nam. Những ngày còn lại cuối đời cậu mong muốn làm được gì cho bà, cho chị, cho tất cả bà con xã nhà được hạnh phúc là cậu vui. Đây là tấm lòng chân thành của cậu. Cậu và các em không có ý gì khoe khoang hãnh diện cả. Cậu muốn chuộc lại lỗi lầm. Cậu có tội với dân làng quê hương đất nước, nhất là đối với bố Hoàng Kỳ Trung cháu. Cậu hiểu trên con đường chiến chinh ngông cuồng đi tìm lý tưởng của cậu, cậu là kẻ đã thất bại trước bố con cháu, trước dân tộc này. Cũng may thời đại đã nhìn nhận công bằng, nhân đạo, nên cậu mới được như ngày nay. Cậu đã phải ra trình bày ước nguyện của cậu trước chính quyền xã xin được xây dựng ngôi trường học, xây dựng lại ngôi chùa làng Đông. Ngôi chùa Đông là nơi đã ghi đậm dấu ấn tuổi thơ của cậu suốt những tháng năm xa quê. Cậu đã xin xã cho làm cả con đường ra cánh mã Rốt cho người đang sống và cả cho linh hồn những người đã chết. Còn các em, chúng còn trẻ cứ để chúng ra đi, chúng sang Mỹ để được mở mang tầm mắt với nền văn minh thế gới. Còn cậu sẽ xin ở lại để được phụng dưỡng bà tuổi già và xin nguyện được chết trên mảnh đất này.
Cậu Hiền rơm rớm nước mắt- Cháu có hiểu cho lòng cậu không? Cậu chỉ buồn một nỗi, cả làng cả xã đã tha thứ cho cậu mà riêng bố cháu lại không hu…hu… Ôi anh Hoàng Kỳ Trung ơi! Tôi đã không phải với anh, tôi đã sai rồi…
- Cậu chấp với anh cậu làm gì? Yến Quyên nói. Anh cậu bao giờ chả thế. Suốt đời anh cậu cũng không thay đổi được gì đâu.
Hoàng Kỳ Nam giật mình khi nghe mẹ nói, bố là người không bao giờ thay đổi. Mãi mãi không bao giờ thay đổi được gì ở bố.
Dưới Chín Tầng Trời Dưới Chín Tầng Trời - Dương Hướng Dưới Chín Tầng Trời