Chương 28
hỉ ít lâu sau cải cách, làng Sọ lại rộn ràng lên một phong trào cách mạng mới: hợp tác hóa nông nghiệp. Người dân hỏi nhau:
- Lại cách mạng nữa à? Hợp tác xã là gì? Mới chia ruộng chưa được hai năm mà. Liệu lần này có đấu tố như lần trước hay không?
- Giai cấp bóc lột bị tiêu diệt rồi. Còn địa chủ đâu mà đấu. Lần này là ruộng nương, trâu bò. Tập trung tất cả lại. Làm chung. Ăn chung. Kiểu như nông trường bên Liên Xô. Làm theo năng lực, hưởng theo lao động. Ông không nghe trẻ con chúng nó hát hay sao:
Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa.
Kỳ này, tha hồ mà sướng.
- Rõ chán mớ đời! Vừa mới chia cho mấy sào ruộng xong. Rồi nay lại thu lại. Chả biết đường nào mà lần.
- Này, này... Có mồm thì cắp có nắp thì đậy. Kẻo rồi vạ miệng.
Cán bộ xã được cử đi tập huấn, học tập chính sách và các bước tiến hành. Bà Thêu cũng được cử đi học. Bà Thêu từ khi tái giá với anh đội Khoát đã tiến bộ hẳn lên. Bà đã len chân vào hàng ngũ cán bộ xã. Làm phụ nữ xã rồi được đi bồi dưỡng để trở thành nòng cốt của phong trào hợp tác hóa. Là một cán bộ nữ xinh đẹp, điều này cả làng cả xã ai chả biết. Vốn là bà sáu của ông chánh cơ mà. Ngoài cái đẹp người ra, bà còn là người có tài ăn nói. Nói đâu ra đấy. Có bài có bản hẳn hoi. Bởi vì bà là người lanh lợi, thông minh. Lại ham học tập, đọc sách. Người ta kể rằng, cái hồi làm vợ ông chánh, tối nào ông cũng bắt bà đọc một đoạn trong cuốn sách Tàu Đông Chu liệt quốc. Nghe xong, hai vợ chồng còn bàn luận với nhau khi nằm ở trên giường. Nhờ thế mà bà Thêu trở thành một người đàn bà thông thái hiếm có so với những người đàn bà cùng lứa với bà.
Khi đi học hợp tác hóa về, trong cuộc họp xóm, bà giải thích cho dân làng:
- Đã qua cải cách ruộng đất rồi. Các ông các bà có còn ai thích làm địa chủ nữa không? Có còn ai thích bóc lột đồng bào nữa không? Hoặc giả có vị nào còn thích làm cố nông mảnh đất cắm dùi không có nữa không? Có vị nào còn thích chế độ bóc lột tàn tệ, kẻ ăn không hết người lần chẳng ra nữa không? Hẳn là không chứ gì? Nhưng nếu cứ để tự nhiên như thế này, thì mười năm nữa, hay hai mươi năm nữa, lại có người giàu lên, lại có kẻ nghèo đi. Làng ta lại mọc lên những địa chủ mới, những cố nông mới. Chẳng lẽ đến lúc ấy, chúng ta lại tiến hành cải cách ruộng đất lần thứ hai, rồi lần thứ ba... nữa hay sao. Người ta gọi tình trạng đó là phân hóa giai cấp. Đảng ta tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, tức là muốn xóa bỏ sự phân hóa giai cấp. Mọi người góp ruộng đất, trâu bò, cày bừa lại làm của chung. Cùng làm ăn tập thể. Cùng làm ăn có kế hoạch. Như thế gọi là hợp tác xã.
Giai đoạn đầu: Ai làm nhiều, hưởng nhiều. Ai làm ít, hưởng ít. Thế gọi là làm theo năng lực, hưởng theo năng lực.
Giai đoạn sau: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Đó là giai đoạn chúng ta đã tới Chủ nghĩa Cộng sản.
Lẽ dĩ nhiên, bà Thêu được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã. Toàn bộ dân làng Sọ nghe bà giải thích đều đồng lòng vào hợp tác nông nghiệp hết. Không một ai chần chừ. Tổng kết đợt công tác hợp tác hóa, làng Sọ được bầu là thôn tiến bộ nhất huyện, bà Thêu được bằng khen.
Ông Khoát, chồng bà Thêu, sau cải cách ruộng đất được điều lên tỉnh làm Phó ty nông nghiệp. Trong hợp tác hóa, ông nghỉ phép ở nhà một tuần, lăn lộn từng xứ đồng với các cụ lão nông rồi lên một kế hoạch sản xuất rất khoa học. Toàn bộ hợp tác xã có bao nhiêu ruộng nhất đẳng điền, bao nhiêu ruộng loại B, loại C, cho năng suất tổng cộng bao nhiêu tấn thóc đều rõ ràng rành mạch. Lại thống kê cả xóm có bao nhiêu lao động chính, phụ. Cũng rất chi tiết. Rồi lại tỉ mỉ cộng lại số công lao động của từng thửa ruộng, số ruộng đất đã rõ. Số lao động dự trữ đã có. Số công lao động phải dùng đã có. Người ta chỉ dùng bốn phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản cũng tính ra giá trị của mỗi ngày công.
Kết quả của kế hoạch trên giấy thật mỹ mãn, mỗi công lao động sẽ được chia năm kilôgam thóc.
Trong cuộc hợp tác hóa ấy, lẽ dĩ nhiên tất cả ruộng đất nhà chùa đều phải vào hợp tác. Sư cụ Vô úy quá tuổi lao động nên không phải ra đồng làm việc. Đến vụ ăn chia hợp tác xã điều luơng thực cho. Nghĩa là, cụ đuợc hợp tác xã bán cho luơng thực đủ sống. Còn sư Khoan Độ và vãi Nguyệt vẫn còn trong tuổi lao động, lại là những lao động chính nên được hợp tác điều đi làm việc hàng ngày. Cô Nguyệt thì chẳng làm sao. Cô có thể làm cho hợp tác bất cứ lúc nào. Riêng sư Khoan Độ thì có chút khó khăn. Bởi vì sư cụ đã quá già. Mọi việc nhà chùa, sư bác phải một mình cáng đáng. Ngoài việc nhang khói tụng niệm hàng ngày, lại còn những Phật sự như tang lễ, cầu siêu cho các gia đình. Thấy có sự khó khăn cho sư trong việc lao động hợp tác, cho nên có bận sư cụ gặp bà Thêu chủ nhiệm. Cụ bảo:
- Thưa bà chủ nhiệm, đối với người tu hành Phật giáo, việc lao động là một việc tốt. Nhà chùa vốn có luật lệ “bất tác, bất thực”. Nghĩa là không lao động thì không ăn. Ngày xưa, có một vị tổ của chúng tôi chấp hành luật lệ này quá nghiêm khắc. Đến nỗi, lúc tổ ngoài tám mươi tuổi rồi, vẫn ngày ngày vác cuốc đi trồng sắn trồng khoai. Các đệ tử thấy vậy rất xót xa. Họ liền bảo nhau giấu cuốc đi, không cho tổ lao động nữa, sợ rằng hại sức khỏe của thầy. Tổ không được lao động, liền bỏ bữa không ăn cơm nữa. Và tổ cứ thi hành cung cách ấy rất nghiêm túc. Nghĩa là tất cả những ngày không lao động, người đều nhịn ăn. Học trò thấy việc ngăn không cho thầy lao động, hóa ra lại làm hại thầy. Cho nên sau đó để mặc cho thầy lao động hàng ngày. Tổ nhờ lao động, đã sống ngoài chín mươi tuổi mới thị tịch.
Đối với nhà chùa chúng tôi, chúng tôi coi trọng việc lao động là thế. Cho nên nhà nước ta bảo lao động là vinh quang chúng tôi rất tán thưởng. Cả việc lập hợp tác để tránh việc phân hóa giàu nghèo chúng tôi cũng xin chấp hành nghiêm chỉnh.
Chỉ có điều, đi làm phải theo kẻng, theo giờ giấc hợp tác, thì có điều bất tiện cho chúng tôi khi làm Phật sự. Vì vậy chúng tôi xin bà chủ nhiệm xem xét tình hình riêng của chúng tôi, mà linh động cho phép nhà chùa được lĩnh riêng ra hai sào ruộng, để chúng tôi có thể tùy nghi lúc lao động ngày, lúc ban đêm, tùy theo giờ giấc lúc bận lúc rỗi. Dạ thưa bà chủ nhiệm, lẽ dĩ nhiên bao nhiêu hoa lợi, nhà chùa sẽ giao nộp toàn bộ lại cho hợp tác. Rồi đến vụ thu hoạch nhà chùa sẽ chỉ ăn chia tùy theo sự bình chấm công của hợp tác... Vâng ạ... Chắc chắn sẽ không bao giờ có chuyện man trá.
- Không man trá. Điều ấy, tôi có thể tin sư cụ. Tuy nhiên, vấn đề không phải ở đấy. vấn đề là nhà chùa lấy ra hai sào làm riêng. Hóa ra nhà chùa muốn làm ăn riêng lẻ. Khi thành lập hợp tác, chính sư cụ là người đã tự nguyện, đã ký vào đơn xin gia nhập, tự nguyện đưa toàn bộ ruộng nhà chùa vào làm ăn tập thể. Không bao giờ có chuyện chia nhỏ ruộng đất giao cho từng hộ. Việc đó là phá hợp tác, là quay trở lại con đường tư hữu. Bất cứ kẻ nào quay trở lại con đường tư hữu, đều là những phần tử phản cách mạng, chống lại đường lối của Đảng. Không thể có chuyện hai sào ruộng ấy đâu. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch.
Như đã nói, bà Thêu là người đàn bà đẹp của làng Sọ mà ông chánh đã phát hiện. Nhưng, ngoài cái đẹp, bà Thêu còn là người đàn bà thông minh sắc sảo. Điều này mãi về sau ông chánh mới biết. Người đàn bà đẹp lại thông minh, thì cái thông minh lại làm cái đẹp tăng lên bội phần. Không biết có phải vì những đêm đọc truyện Đông Chu và luôn được tiếp xúc với các bậc hào lý bạn ông chánh mà cái sắc sảo của bà được phát lộ ra không. Hay là bởi vì bà là người nhạy cảm, mà thời thế thì biến động thay đổi đã liên tục xô đẩy nên cái trí thông minh nhạy cảm của bà đã bị va đập mà trở thành sắc bén. Cũng có thể vì bà là người phụ nữ. Mà phụ nữ, thì từ bao đời kiếp nay ở chốn thôn quê, chỉ là cái túi để dồn chứa đầy ắp những tủi nhục xót xa của kiếp người. Hơn nữa, những tủi nhục ấy, chính mẹ bà và bản thân bà đều đã trải qua. Mà cách mạng thì sao? Đúng là cách mạng đã cởi xiềng xích cho bà.
Vì thế cho nên, lúc Cách mạng tháng Tám sắp nổ ra, bà Thêu đã khuyên ông chánh nên đứng về phía cách mạng. Khi xảy ra vụ đói năm 1945, cán bộ Việt Minh đến nhà vận động giúp dân. Ông tiếc của có vẻ chần chừ, bà nói:
- Ông đọc sách mà chẳng sáng láng tẹo nào. Thủy Hử đấy. Lương Sơn Bạc đấy. Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo đấy. Vua ngày xưa còn chẳng làm gì nổi, huống chi ông chỉ là một phú ông ở chốn quê mùa. Thà ông mở kho thóc chia cho dân còn được tiếng thơm là kẻ nhân từ, biết thời thế. Ông mà chần chừ, người ta sẽ vào cái nhà này cướp sạch, phá sạch.
Ông chánh nghe lời, vét kho được năm trăm thùng thóc đem chia cho dân nghèo. Thấy ông là người giác ngộ, nên cướp chính quyền xong, ông được dân bầu làm phó chủ tịch hành chính xã. Nghĩa là, sau cách mạng, ông vẫn được cưỡi con ngựa hồng, nay lên tỉnh, mai lên huyện họp. Đâu vẫn hoàn đấy. Trước ông là chánh, còn bây giờ là phó chủ tịch. Chỉ khác cái tên gọi đi thôi.
Còn chuyện ông chánh ghen với bà, nghi ngờ cái Rêu không phải con mình, chuyện ấy bà không thanh minh và chẳng nói với ai. Nhưng thực ra, đó chẳng qua là bà muốn bảo vệ cho chính quyền lợi của mẹ con bà thôi.
Hồi ấy, có một ông cán bộ Việt Minh thường hay lui tới nhà bà thật. Bà đã giúp đỡ và che chở cho con người ấy thật. Như ta đã biết, bà là người nhìn xa. Bà nhìn thấy thời thế, biết là Việt Minh đang lên. Trước sau, chính quyền sẽ về tay họ. Cho nên bà muốn tìm chỗ cậy dựa cho mẹ con bà lúc về sau này, tưởng cũng là chuyện bình thường.
Chuyện đám tuần phiên, đang đêm thấy một bóng đen từ cái trổ che nhà bà chui ra, rồi lặn xuống sông Đào mất hút, là chuyện có thật. Nhưng bảo rằng cái Rêu là đứa con trăng gió của bà thì sai. Bà không muốn thanh minh vì càng thanh minh thì người ta càng không tin. Ở thôn quê vẫn thế. Vả lại, nếu người ta nghi nó là con một ông Việt Minh, thì điều ấy chưa chắc đã là bất lợi.
Đến thời tạm chiếm, khi Tầy quay trở về, lý Phượng lên làm lý trưởng, quản Mật đi lính cho Tây, bà Thêu nói với ông chánh:
- Các con ông chẳng khôn ngoan chút nào?
- Ý bà là thế nào?
- Họ quá thân thiết với người Pháp.
- Bà nói rõ hơn xem sao.
- Họ không tính bước lùi. Sợ rằng lúc chết không có đất mà chôn.
Cả sư cụ cũng khuyên ông chánh nên răn dạy con nên bớt hung hăng với bà con và đừng quá gắn bó với người Pháp. Chánh Long nghe theo vợ và sư cụ khuyên nhủ, nhưng lý Phượng và quản Mật nào có nghe. Họ đã bị bão tố và danh lợi cuốn đi. Điều bi thảm được bà Thêu tiên đoán “Chết không có đất chôn” đã xảy ra. Nhưng buồn thay, người gánh chịu không phải hai người con, mà lại là ông chánh.
Lúc ông chánh bị treo trên cành ngang cây muỗm, và bà ngồi trên cao chót vót làm người xử án, quả thực bà thấy thương ông, bà biết ông bị chết oan, nhưng biết làm thế nào được. Bà có quyền gì trong việc này. Ông bị chết là do một người nào đó ký. Và lại chính người ký ấy cũng đâu có quyền gì. Hình như nó do một nguyên tắc tối cao nào đó quyết định. Vả lại, lúc đó bà hoàn toàn cảm thấy mình là một người cách mạng. Và cách mạng thì giống như một guồng máy. Khi đã ở trong guồng, thì máy luôn quay, và phải tuân thủ đúng những nguyên tắc của guồng. Nếu không chính bản thân ta cũng sẽ bị nghiền nát.
Bà đau đớn xót thương cho cái Rêu. Con gái bà ít trải nghiệm. Nó quá thơ ngây. Cái chết của nó làm bà khóc tức tưởi hàng đêm suốt một tháng trời. Có lẽ con bé đã nghĩ vì bà nên ông chánh mới chết. Nó có biết đâu mẹ nó đã đau khổ thế nào khi bị ông chánh ép buộc. Nó có biết đâu thân phận người đàn bà xưa là thế nào. Nó có biết đâu những khát khao của người đàn bà. Mẹ nó là đàn bà. Tức thị mẹ nó cũng cần sống chứ. Con bé chưa đủ từng trải chưa đủ độ lượng để nghĩ cho thân phận bọt bèo của mẹ nó. Cho nên nó không chịu tha thứ. Cái chết của nó là sự phản kháng là sự kết tội người mẹ. Nhất là khi bà Thêu lại lấy anh đội Khoát.
Bà Thêu cảm thấy như vậy nên có những bứt rứt trong lòng. Và để giải tỏa những bứt rứt ấy, bà liền biến chuyển những tình cảm của mình thành những mối thiện cảm với lũ bè bạn của Rêu. Bạn của Rêu có thằng An, thằng Trắm, cái Huệ, cái Hiếu. Tất cả đã rời khỏi làng. Chỉ còn lại cái Hiếu. Cho nên bà coi Hiếu như con. Thực ra, đứng về thế thứ gia tộc nhà ông chánh thì bà Thêu là dì ghẻ lý Phượng. Cái Hiếu là con lý Phượng, nó phải gọi bà là bà trẻ. Rêu, Hiếu là hai cô cháu nhưng cũng là bạn thân với nhau. Không hiểu sao cái tình bè bạn của lũ trẻ làng Sọ hình như lại quá thắm thiết, đến nỗi lắm khi cái tình họ hàng như bị mờ đi. Vì vậy nên bà Thêu coi cái Hiếu như con gái mình là điều người ta hiểu được. Tuy nhiên, mặc dù thế, cái Hiếu vẫn gọi bà là bà trẻ. Hiếu làm công tác đoàn xã, khá lanh lợi. Như vậy ở Hiếu hội đủ khá nhiều điều kiện để bà Thêu giúp đỡ gây dựng. Cô gái đã học xong lớp bảy. Đã kinh qua công tác lãnh đạo. Ông Phệ, anh bà Bệu, bác ruột đằng ngoại của Hiếu lại là trưởng ty nông nghiệp trên tỉnh. Cho nên, khi bà Thêu được đề bạt lên phó chủ tịch xã, bà liền tìm hết cách để vận động đưa Hiếu lên làm chủ nhiệm hợp tác xã thôn, kiêm bí thư chi bộ. Bà Thêu lên xã làm phó chủ tịch, được bầu vào Đảng ủy xã. Bà được phân công theo dõi và kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ hợp tác xã thôn Sọ. Cho nên bà Thêu và Hiếu gắn bó với nhau lắm.
Sáng hôm ấy Hiếu đến nhà bà trẻ Thêu. Nhà bà là một căn nhà khá xinh xắn trong làng. Mỗi người vợ của ông chánh đều có nhà riêng. Lẽ dĩ nhiên, bà thứ sáu, bà Thêu phải có ngôi nhà đẹp nhất. Một căn nhà gỗ ba gian giữa một khu vuờn ba sào. Và có lẽ thích nhất trong ngôi nhà ấy là khu vườn. Ở thôn quê, hiếm có một khu vườn như vậy. Ba phía đằng sau và bên cạnh có lũy tre bao bọc. Riêng dãy hàng rào phía trước hướng nam trồng dâm bụt. Thứ nhất, rào dâm bụt thấp tạo khoảng trống cho gió nồm ùa tới vào mùa nóng nực. Thứ nhì, hoa dâm bụt rực rỡ chói lọi, tạo thành một lũy hoa đỏ ối trước mặt tiền, khiến căn nhà có một vẻ riêng độc đáo, nó như luôn tươi cười đón khách. Đó là thị hiếu riêng của ông chánh khi cưới bà Sáu. Ông chánh là một tài tử. Tài tử rước một mỹ nhân về thì chiếc lồng son phải làm sao cho xứng với vưu vật đó chứ. Ngoài hàng rào dâm bụt đặc biệt, ông còn cho trồng một cây ngọc lan ở trước sân nhà. Người ta bảo hoa lan thơm ngát, nên ma quỷ hay về trú ngụ. Ông nói:
- Người xưa bảo người đẹp còn dễ thành tinh hơn cả hoa thơm. Thế mà tôi còn chẳng sợ nữa là.
Ông sai mua một cây lan tơ mập mạp, cao quá đầu người, rồi sai mấy tay lực điền đào nấm thật to, rồi chằng buộc kỹ càng đem về trồng. Cây to khỏe, lại được chăm sóc cẩn thận, nên chỉ ba năm sau, nó đã trĩu trịt những hoa.
Hiếu mới bước đến đầu ngõ đã thấy sực nức mùi ngọc lan. Cả một vùng trời như được ướp hương lan. Chạm vào cành dâm bụt, những giọt sương đêm rơi lộp độp. Có giọt rơi vào má Hiếu. Tưởng như sương ấy cũng đượm hương ngọc lan.
Cây hoa có một cành chĩa vào sân gạch. Hoa nở rụng trắng một góc sân. Hiếu vào đúng lúc có người đang lúi húi nhặt hoa rụng. Hiếu ngỡ ngàng dụi mắt. Một lát sau mới à lên một tiếng. Người nhặt hoa ngẩng đầu lên. Hóa ra là bà Thêu.
Hai bà cháu vào ngồi ở thềm nhà. Hiếu ríu rít:
- Bà trẻ ơi! Cháu nói câu này bà trẻ đừng buồn nhé.
- Sao?
- Lúc nãy nhìn bà nhặt hoa. Cháu cứ ngỡ bà là cô Rêu. Chao ôi! Bà và cô Rêu giống nhau như đúc.
Người mẹ buồn buồn:
- Chả cứ gì cháu. Nhiều người trong làng nhìn ta đằng sau lưng, cũng nói giống như cháu.
Đó là câu chuyện người ta thường tránh nói vì không muốn động tới nỗi buồn ngày xưa. Nhưng rồi người ta vẫn nói, bởi vì thực sự hai mẹ con bà Thêu giống nhau như hai giọt nước. Vả lại cũng còn bởi vì bà Thêu tuy thế song hình như vẫn thích gợi lại những kỷ niệm về con gái. Cuộc cải cách ruộng đất đi qua đã lâu. Những vết thương tâm hồn làng xóm đã lành trở lại. Riêng bà Thêu, vết thương vẫn chưa lành. Bà vẫn bị giày vò. Như một mặc cảm tội lỗi vậy. Có lẽ bà quá nhạy cảm và lương thiện. Sự thực thì chẳng phải lỗi của bà. Rêu là một thiên thần. Thiên thần quá trong trắng nên làm sao chịu đựng được những cảnh độc ác, ô trọc của cõi nhân gian này. Vì thế nên thiên thần mới vỗ cánh bay đi, để lại tiếc thương cho những người trần tục. Vả lại, còn biết nhớ tới, biết tiếc thương cái mảnh pha lê trong văn vắt ấy cũng là điều đáng quý rồi. Tiếc thương cái đẹp làm cho con người tốt hơn lên. Hơn nữa, việc nhắc lại ký ức còn là tác dụng giải tỏa cho bà Thêu những ấm ức. Nhớ lại rồi nói ra thì lòng cũng được vơi nhẹ. Cái Hiếu bảo:
- Bà trẻ còn nhớ bà cụ Thầm, bà vãi chùa làng không?
- Ai mà quên được.
Cô gái kể một chuyện như hoang đường:
- Bà ngoại của chồng cháu có cái tài nói chuyện được với người âm. Thuở nhỏ, lũ chúng cháu hay ra căn nhà lá mà dân làng hay gọi là am ni ở cạnh ao chùa. Chúng cháu ngồi nghe kể chuyện cõi âm. Sợ run người mà vẫn thích. Bà vãi Thầm thường chỉ những con đom đóm bay trên ao bèo mà nói: “Con đom đóm to nhất và xanh lét kia là bà Thắm. Hồi trẻ hai bà thân với nhau lắm. Bà Thắm yêu một ông thợ cày nhưng cha mẹ chê nghèo không gả. Các cụ cứ bắt bà Thắm lấy một ông già nhà giàu bên làng Thượng. Bà Thắm phẫn chí lấy thắt lưng treo cổ lên cây đa tự vẫn. - Bà cụ Thầm giải thích: “Khi người ta chết, trong thời gian còn chờ đợi để đi đầu thai. Hồn người ta thường nhập vào loài đom đóm. Chùa ở ngay cạnh nghĩa địa làng nên ở đây lắm đom đóm”. Nghe vậy, bọn trẻ thắc mắc: “Bà Thắm vào trạc tuổi bà. Như vậy đã chết lâu lắm rồi. Sao bà Thắm ở kiếp đom đóm lâu thế? Mãi chưa được sang kiếp người”. Bà cụ Thầm giải thích: “Đạo Phật cấm sát sinh. Giết người là tội to nhất. Không những giết kẻ khác, mà tự giết chính mình cũng không được phép”. Nghe thế, chúng cháu rất hoang mang - Bởi vì cái Rêu đã nhảy xuống giếng. Như vậy, tức là nó cũng tự sát. Nó tự sát nên chậm được đi đầu thai chăng? Cho đến một buổi sáng, khi cháu đến căn nhà lá cạnh chùa thì thấy bà cụ Thầm đang đứng ngẩn người dưới giàn mướp. Thấy mặt cháu, bà cụ vẫy gọi rối rít:
- Hiếu ơi, lại đây mà nghe.
- Nghe gì ạ?
- Tai mày điếc à? Thấy chưa? Thấy chưa?
- Thấy gì ạ?
- Tiếng chim hót chứ còn gì? Khẽ thôi nhé. Chả động nó bay mất.
Đến lúc ấy, cháu mới thực sự nghe thấy tiếng chim. Một con chim nhỏ bé hót trên cây táo, cạnh cây sung. Cháu căng mắt nhìn xuyên qua giàn lá mướp. Tìm mãi tìm mãi qua kẽ lá mới trông thấy một con chim nhỏ xíu. Lông màu vàng chanh óng ả. Con chim như một nghệ sĩ hót mê đắm, đến nỗi hai bà cháu đứng ngay phía dưới mà cũng không biết. Cháu có cảm giác nếu không có giàn mướp, thì chỉ cần giơ tay khỏi đầu là chạm tới cành táo nơi con chim đậu. Nói tóm lại, con chim chỉ cách đầu hai bà cháu một với tay. Đúng là thứ chim nghệ sĩ. Một con chim vành khuyên nghệ sĩ. Bà cụ Thầm thì thào vào tai cháu:
- Nó. Nó đấy.
- Nó là cái gì hở bà?
- Nó là nó chứ còn là gì. À... à... - Lúc bấy giờ, bà Thầm mới giảng giải rõ hơn. - Chả là đêm qua bà nằm mơ thấy cái Rêu. Nó bảo sáng nào nó cũng về chào bà hẳn hoi mà bà chẳng biết. Bà hỏi: Thế mày chào bà thế nào thì phải nói ra. Bây giờ âm dương cách trở rồi mà. Lúc đó nó mới nói sáng nào nó cũng nhập vào con chim vành khuyên líu lo nói chuyện với bà. Nó bảo nếu bà không tin, sáng mai nó sẽ về hót trên giàn mướp.
Hiếu kết luận:
- Hóa ra con vành khuyên sáng hôm ấy là cái Rêu hiện về. Cháu cố nhìn kỹ. Con vành khuyên thật xinh đẹp. Mà hót thì hay vô chừng, bà trẻ ạ. Nhưng tiếc quá, cháu và cụ Thầm nói quá to nên nó bay đi mất.
Bà Thêu nghe Hiếu kể đến lúc ấy mới dám nói:
- Hiếu ạ. Thế thì bà chỉ cho cháu xem cái này hay lắm. - Bà Thêu và Hiếu ra gốc cây lan, ngửa cổ nhìn lên vòm lá xanh biếc màu ngọc. Cây lan rụng đã vợi hoa, bắt đầu đơm lá non. Ánh nắng qua tán lá tỏa xuống đất biến thành mầu xanh cốm. Nửa vàng nửa xanh. Cây lan non tơ nên vòm lá rậm rịt. Lá mơn mởn khá to. Bà Thêu giơ tay chỉ:
- Kia kìa! Ở giữa cành chĩa ra vườn ấy. Cháu đã nhận ra chưa? Cái tổ chim vành khuyên.
- Cháu thấy rồi. Nó được khâu bằng ba cái lá.
- Đúng thế. Tuần trước bà thấy một đôi chim tha rác về. Nó hót rất hay. Hóa ra đôi vành khuyên.
Hiếu đã thấy nhiều tổ chim sâu, vành khuyên. Thường thường chúng hay làm ở những bụi lá ngải gần bờ ao. Những con chim nhỏ xíu rất khéo léo. Chúng lợi dụng hai chiếc lá ngải kề nhau, rồi dùng mỏ làm kim dùng bông làm chỉ khâu ngọn hai chiếc lá lại. Sau đó, tha rác vào trong xếp đặt ràng buộc lại với nhau rất khéo léo tinh vi, tạo thành một cái tổ êm ấm. Phải chọn lá thế nào để khi trứng nở, hai chiếc lá chưa kịp già úa. Phải bố trí thế nào để dù mưa to gió lớn, nước mưa vẫn không thể lọt vào trong. Bà Thêu nói:
- Từ hôm thấy đôi vành khuyên, bà cứ thấy trong lòng hồi hộp xốn xang. Hôm nay được nghe cháu kể chuyện bà Thầm và con vành khuyên trên giàn mướp, bà càng thêm hồi hộp. Không biết có phải...
- Cháu hiểu ý bà trẻ rồi. Chắc bà trẻ ngờ một con chim vành khuyên làm tổ kia là hồn cô Rêu nhập về phải không?
- Ừ, bà nghĩ như vậy.
- Cũng dễ thôi. Để kiểm tra thôi bà trẻ ạ. Bà cho cháu xin ba nén nhang. Bà thắp lên và cắm dưới gốc lan. Sau rồi bà khấn. Khấn rằng nếu phải đúng là con trở về thăm mẹ thì con hãy hiển hiện về làm một điều gì đó cho mẹ chứng kiến và được yên lòng.
Bà Thêu nghe lời Hiếu lầm rầm khấn vái vẻ mặt rất thành kính.
Và kỳ lạ thay! Một điều khác thường đã xảy ra. Trời không một sợi gió. Cây cối trong vườn đứng im phăng phắc. Thế mà bỗng dưng ngọn cây lan đột nhiên lay động rồi múa lên, rung lên bần bật. Khi những chiếc lá thôi múa, thì đôi chim vành khuyên ở đâu cũng chợt bay về tán ngọc lan và ríu rít hót.
Bà trẻ Thêu và Hiếu nhìn nhau. Hiếu nói thêm.
- Cụ Thầm nói với cháu rằng những người thường thì chết đi hồn nhập vào lũ đom đóm ngoài nghĩa địa. Riêng những người đặc biệt như cô Rêu và những người cả đời chỉ làm việc từ bi thì khi chết đi được nhập thân vào những bông hoa đẹp hoặc những con chim có giọng hót hay, như con chim họa mi, con chim sáo. Nhập vào nhưng không vĩnh viễn. Họ chỉ chờ dịp đầu thai trở lại cõi trần, hoặc đầu thai vào cõi trời làm các cô tiên nữ rắc hoa.
Cuộc nói chuyện về con chim vành khuyên tưởng như tầm phào, nhưng thực ra đã làm cho Hiếu và bà Thêu gần nhau rất nhiều. Cho đến khi họ ngồi vào chiếc chiếu ở thềm nhà để nói chuyện công việc, thì công việc trở nên dễ dàng vô cùng. Bây giờ không phải là cô chủ nhiệm hợp tác xã nói chuyện với bà phó chủ tịch xã kiêm Đảng ủy nữa, mà là câu chuyện trong gia đình giữa cháu và bà. Cô Rêu, một nguời đã chết, đã làm chiếc cầu nối cho những nguời sống. Bà Thêu, như ta biết, khi làm chủ nhiệm hợp tác xã đã rất nguyên tắc. Sư cụ Vô úy xin hai sào ruộng cho nhà chùa làm riêng bà kiên quyết phản đối. Cô Hiếu, khi lên nắm hợp tác xã, thì tìm cách làm cho nhà chùa đỡ khổ. Hiếu chẳng lạ gì hoàn cảnh nhà chùa. Hơn nữa, bà cụ Thầm và cả bà Thì mẹ chồng cô,lại chịu ơn nhà chùa rất nhiều. Vậy cô không thể nào đành tâm để cho họ gặp khó.
Bà Thêu hỏi:
- Tôi nghe báo cáo, cô họp ban quản trị đề nghị cắt ra một sào đất cho hội bà vãi và hai sào đất cho nhà chùa...
- Báo cáo bà trẻ. Họ báo cáo thế là chưa đầy đủ. Thực ra, con đã bớt ra một ít sào, phân cho tất cả các đoàn thể. Con thiết nghĩ hợp tác xã giống như một con rết, có rất nhiều chân. Con rết muốn chạy được nhanh, thì tất cả các chân đều phải khỏe. Những chân đó là các đoàn thể. Mà các đoàn thể muốn khỏe thì ta phải có cơ sở vật chất cho họ. Tức là phải gây quỹ cho họ. Có gạo có tiền thì việc mới chạy. Vậy nên, hợp tác xã đã đồng ý cho các cụ phụ lão bốn sào. Bốn sào để làm vườn thuốc đông y.
- Tôi nghe các cụ chỉ trồng hơn một sào thuốc. Còn ba sào kia họ trồng đậu.
- Thì cũng phải linh động chứ ạ. Ngoài làm thuốc ra, các cụ còn phụ trách hội khuyến học, rồi tổ thơ. Cháu nghĩ các cụ già rồi. Mỗi lần họp cũng cần có ấm trà, điếu thuốc. Không có ruộng thì các cụ lấy tiền ở đâu ra. Đoàn thanh niên cũng vậy. Họ muốn hoạt động cho rôm rả cũng cần có tiền. Đội văn nghệ này. Đội bóng đá này. Mua trống cho thiếu nhi này v.v... Còn các bà vãi, cháu chỉ cắt cho một sào thôi, cắt chân ruộng tốt, gần làng. Để các cụ trồng lúa nếp. Bà trẻ tính. Trẻ vui nhà, già vui chùa mà. Để cho các vãi ngày rằm mồng một còn có cái mà thổi xôi đóng oản lễ Phật.Nhà sư cũng vậy. Nhà chùa dạy người ta làm việc thiện. Tức là các nhà sư làm nghề tôn giáo. Trước cháu được ra Hà Nội đoàn thanh niên mời các giáo sư đại học đến giảng. Thưa bà, nhà chùa không phải là mê tín dị đoan đâu. Người ta nói nghĩa lý hay lắm nhưng cháu không nhớ được. Cháu chỉ nhớ lời dặn cuối cùng của ông giáo sư già: “Chùa chiền là của quý của văn hóa dân tộc. Đó là điều rất tinh tế, rất sâu sắc. Chưa hiểu hết thì hãy lặng lẽ quan sát, dè dặt và trân trọng. Đừng đối xử thô bạo với nó. Kẻo mà rồi hối không kịp”.
Bà phó chủ tịch trầm ngâm một lúc rồi mới nói:
- Cháu đáo để thật. Nhưng mà, bà tán thành việc cháu làm. Từ ít lâu nay, bà suy nghĩ nhiều về cái lẽ cứng mềm. Mà vừa qua, có lẽ bà hơi cứng thì phải. Mới rồi, bà có gặp ông chủ tịch tỉnh. Ông ấy cùng có ý thích như bà: đọc các chuyện cổ bên Tàu. Thấy bà là nữ mà ham đọc sách ông ấy quý lắm. Cứ nhắc đi nhắc lại câu tục ngữ xưa của dân quê mình: “Lạt mềm buộc chặt”. Ông ấy bảo đó là lời dạy làm nghề chính trị sâu sắc nhất. Ông ấy nói: Làm lãnh đạo tức là phải thực hiện ý kiến của trên nhưng cũng đồng thời phải thỏa mãn được nguyện vọng của dưới. Nếu chỉ làm được vế trên, thiếu vế dưới, thì cũng thất bại. Nay, cháu ví hợp tác xã như con rết, và chú ý đến các chân rết, biết thỏa mãn nguyện vọng của các cụ phụ lão làm thơ, rồi nguyện vọng của đám thanh niên yêu văn nghệ, ngay cả các bà vãi già đi chùa cũng không quên. Tức là cháu đang làm cái vế thứ hai trong câu nói. Vì thế nên bà ủng hộ công việc của cháu. Tốt quá! Bà nghĩ rằng cháu còn tiến xa hơn.
Bà Thêu là người thông minh sắc sảo. Bà lại là phụ nữ nên mềm dẻo, không ưa cực đoan. Nay bà gặp Hiếu cô gái trẻ này cũng giống bà, Hiếu lại là bạn Rêu. Gây dựng được cho Hiếu, bà cũng có cảm giác bù đắp được cho Rêu. Người đàn bà sắc sảo ấy hình như cũng giải tỏa được phần nào cái mặc cảm tội lỗi với người con gái đã khuất của mình.
Việc Hiếu lên làm chủ nhiệm cũng là điều thật may mắn cho những con người ở ngôi chùa làng Sọ.
* * *
Ở mỗi làng quê đều có những nhân vật đặc biệt của riêng mình. Đời sống của họ tạo nên những giai thoại, thậm chí những huyền thoại, làm cho mỗi làng lại có những màu sắc riêng; ví dụ những anh hùng đánh giặc giỏi, những thần đồng trong bụng chứa hàng bồ chữ, những cô gái đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lấy vua chúa. Đó là cái tài cái đẹp làm ai cũng tự hào và nhớ mãi. Nhưng không phải người ta chỉ nhớ tới những điều tốt đẹp mà thôi. Cả những con người kỳ dị xấu xí cũng làm người ta nhớ mãi. Có thể nói mỗi làng đều có những quái nhân của nó. Những quái nhân ấy cũng đóng góp cho màu sắc riêng của làng. Và những câu chuyện về họ, người làng cũng khó có thể quên. Có thể nói ông cụ Khố, chồng bà cụ Thầm là một quái nhân. Chồng thì đêm ngày bì bõm ngoài đồng như con rái cá. Đêm thì nằm quay lơ trên những chiếc mả cao mà ngáy khò khò. Đã thế, bà vợ lại cũng điên khùng chả kém. Đêm ngày chỉ trò chuyện với người cõi âm.
Song, ngoài cụ Khố ra, làng Sọ còn có một gia đình quái nhân thứ hai. Đó là ông cụ Xuân. Những quái nhân làng xã thường là những chàng khổng lồ. Ông Xuân cao chừng một mét tám, chân tay vạm vỡ. Quái nhân thông thường nghèo khổ. Chắc chắn từ lúc chào đời đã đói khát. Vì vậy, họ phải có một thể chất đặc biệt, một sức sống dẻo dai thế nào mới sống sót nổi trên cõi đời này. Ông Xuân quê quán nơi nào, xuất xứ ra sao, vì sao phải lưu lạc đến vùng này, người ta không biết. Chỉ biết ông lực lưỡng, làm việc đồng áng giỏi, lại hiền lành nên người ta thuê ông làm việc. Ông Xuân để ý đến các cô gái trong làng, nhưng người ta đều sợ. Các cô bảo nhau:
- Hắn cao lớn thế kia. Người ta bảo cái “của ấy” của hắn to bằng cái chày giã cua. Hắn mà đè xuống, rồi tống vào thì chỉ có nước rách ra mà chết.
Tán tỉnh mãi mà chẳng có cô nào đi theo làm vợ, ông Xuân chán nản bỏ lên mạn ngược mấy năm. Người ta đồn ông Xuân may mắn gặp được một cô gái người đẫy đà như cái bồ. Cô gái đẫy đà quá nên ế chồng. Nay gặp được Xuân vừa đôi phải lứa nên quấn lấy nhau. Cô gái người Mường to béo là thế mà khi gặp Xuân, bị hắn quần cho, cũng trở nên xanh lướt như tàu lá. Hắn dâm dê và quá khỏe nên người đàn bà sinh bệnh ốm lơ ốm lửng. Người ta bảo Xuân cuồng dâm, lúc nào trông thấy vợ cũng muốn đè ra ngủ. Lẽ dĩ nhiên người chồng quái nhân như thế thì vợ hắn phải chết thôi. Cũng may, trước khi lìa đời, chị sinh cho hắn một đứa con trai. Ông Xuân ôm đứa con đỏ hỏn trở về làng Sọ. Đứa bé mồ côi mẹ, không có sữa bú, nhưng sức sống của nó thì vô địch. Thằng bé đói sữa khóc, ông Xuân nhá ngô sống, nhá gạo sống. Nhá thật nhuyễn ra thành sữa rồi mớm cho nó. Thằng bé tên là Hạ - Ăn sống ăn sít thế mà Hạ chẳng hề gì. Chẳng những không ốm, Hạ còn lớn nhanh như thổi. Hạ cũng giống ông Xuân bố hắn. Loại người to lớn ngoại khổ. Cứ tiếc cho họ sinh bất cập thời. Giá mà họ sinh vào thời xưa. Những con người khổng lồ hiếm hoi như vậy chắc chắn được ưa chuộng, chắc chắn được giới nữ săn tìm.
Người giàu và người nghèo vốn là một cặp song trùng. Có người giàu ở đâu là có người nghèo xô ngay tới đó. Như có một sức hút giữa hai đối cực ấy. Cả hai đều cần đến nhau. Do đó oán cừu được sinh ra từ đấy. Mà ân nghĩa cũng sinh từ đấy. Người giàu ở đây là ông trưởng bạ Hiệp. Và người nghèo là bố con ông Xuân. Khi ông Xuân ẵm đứa con đỏ từ trên Mường trở về, ông trưởng bạ liền giơ tay ra cứu giúp. Ông nhà giàu nào cũng muốn có những đày tớ tâm phúc, tuyệt đối trung thành với mình. Và nếu kẻ tâm phúc ấy lại là một người cơ bắp, dũng mãnh thì càng tốt. Bởi vì người giàu thường là kẻ cơ mưu có thừa. Cái họ thiếu là lũ tay sai thừa hành. Để tìm kẻ tâm phúc trung thành cũng cần phải có cơ duyên. Cơ duyên ấy là khi người nghèo rơi vào hoàn cảnh bước đường cùng, một sống một chết, lúc ấy người giàu phải lập tức sẵn sàng ra tay tế độ. Tế độ một cách thành thật. Điều này rất quan trọng. Bởi vì người nghèo không hề ngờ nghệch. Thậm chí họ còn nhạy cảm hơn những người bình thường, sống ở đáy thẳm cuộc đời, nên cảm xúc của họ được mài giũa vô cùng bén nhọn. Ai tử tế thực bụng, ai đâu môi chót lưỡi. Chỉ ngửi qua, họ đã biết ngay mùi vị.
Về chuyện này, gia đình ông trưởng bạ hiểu khá rõ. Bố mẹ ông Hiệp xưa kia nghèo khổ, được một người làm hương nhận làm con nuôi rồi truyền nghề cho. Nhờ nghề se hương gia đình khá giả dần lên. Gia đình có nhiều ruộng, ông trưởng bạ được học hành là nhờ thế. Ông Xuân và thằng Hạ không chết đói nhờ vào lòng nhân đức của bà cụ mẹ ông Hiệp và vợ chồng ông Hiệp.
Thằng Hạ đi chăn trâu cho nhà ông trưởng bạ. Mười lăm tuổi mà to lớn như đứa mười tám. Nó cũng như ông Xuân bố nó, dậy thì rất sớm. Lúc nào nó cũng cảm thấy trong người thừa mứa sức sống. Một bận đi trâu cùng cái Xim, một đứa đày tớ khác của nhà trưởng bạ. Nhân lúc ở trên đồi vắng, nó đè ngửa cái Xim ra trên bãi cỏ. Nó giao cấu với Xim giữa mênh mông gió đồi và những tiếng sơn ca véo von trên tầng trời cao. Cái Xim nếm mùi vị kỳ diệu của thằng Hạ đâm nghiện, ngày nào cũng rủ Hạ đi chăn trâu ở đồi hoang xa, ở đó chỉ có hoa mua tím và tiếng sơn ca lảnh lót. Đó là quãng đời thần tiên, sung sướng nhất của Hạ và Xim.
Bốn tháng sau. Bụng cái Xim đã lùm lùm. Ông Xuân sợ hãi, lúng túng, không biết giải quyết ra sao. Ông trưởng bạ lên tiếng:
- Sợ các cụ trong làng phạt vạ ư? Không lo. Đã có tôi. Tôi nhận chúng là con nuôi. Cưới cho chúng nó là được chứ gì.
Cả bà trưởng bạ, vốn là người lắm mồm. Chửi kẻ ăn người ở như hát hay. Ác khẩu thế thôi chứ bụng dạ chẳng có gì. Xim đẻ được đứa con gái, bà đặt tên cho nó là Mua. Mẹ Xim, con Mua. Toàn thứ cây cỏ dại ngoài đồi hoang mà bà bứng đem về để mong sau này chúng thành hoa thơm quả ngọt. Cái ý này là của bà cụ Hiệp, mẹ ông trưởng bạ. Bà cụ bảo:
- Nhà ta làm hương. Hương hoa là đồ cúng Phật. Nhà ta có khá lên là nhờ hương cúng Phật. Nếu ta gây dựng được cho vợ chồng Hạ Xim, tức là ta đã trồng được phúc. Hồi giặc Pháp chiếm đóng lập tề, ruộng nhà ông trưởng bạ đều ở quanh đình. Tây lập bốt, bắt dân bỏ hoang ruộng gần bốt để không cho Việt Minh xâm nhập. Việc đồng áng chẳng còn nhiều. Ông trưởng bạ liền cho nhà ông Xuân ra phố huyện. Ở đấy ông trưởng bạ có mảnh đất hoang. Ông lại sắm cho họ chiếc xe bò để cha con ông Xuân chở hàng. Bốt PC. ở gần ngay đấy. Nhà giam huyện thỉnh thoảng có người chết, Tầy liền thuê cha con họ chở xác người đem chôn.
Cái hôm sư cụ Vô úy được thả từ nhà giam “Đơ Bê” ra, chính ông Xuân đã cùng chú tiểu An kéo xe bò đưa sư cụ về chùa. Ông Xuân nhớ mãi buổi hôm ấy. Ông không định lấy tiền công, nhưng sư cụ bắt ông phải lấy. Rồi lại nắm lấy tay ông mà lắc lắc:
- Xin cám ơn ông. Ông rất có duyên với nhà chùa. - Ông sư già nói xong rồi nhắm mắt lại. Ông Xuân không hiểu ý tứ câu nói ấy, liền về hỏi ông trưởng bạ. Ông trưởng bạ nghĩ cũng không ra, liền bảo rằng:
- Bà cụ nhà tôi hay đi chùa. Không ngày sóc vọng nào vắng mặt ở chùa. Tôi sở dĩ giúp ông cũng do bà cụ thích làm việc phúc đức. Có lẽ sư cụ muốn nói đến sự ấy chăng. Ý nghĩa khác nữa thì tôi xin chịu.
Bà cụ Hiệp, mẹ ông trưởng bạ, chăm làm việc thiện như thế mà đến khi cải cách ruộng đất lại là người lâm nạn trước tiên.
Hôm trước khi đội về, thằng Trắm nói với bà trưởng bạ xin nghỉ việc. Chuyện ấy bà cụ hàng hương đã bàn với con dâu từ trước. Bà cụ bảo: “Mẹ nghe ở các nơi khi đội về, kẻ ăn người ở trong nhà sẽ xin nghỉ hết. Họ bảo phải dứt khoát cắt đứt với địa chủ bóc lột. Ở nhà ta thì phải khác mọi nhà. Ai xin về, con cứ biếu họ thêm thúng thóc, ngoài công xá ra”. Khi Trắm vào chào bà cụ, nó nói:
- Bà ơi! Thế là từ nay bà cháu mình chẳng được nói chuyện với nhau nữa. Bà ạ. Cháu rất thích khi nói chuyện với bà.
- Có ai cấm đâu hở cháu?
- Không ai cấm, nhưng người ta bảo địa chủ là kẻ thù của nông dân. Mà cháu đọc chính sách rồi. Theo tiêu chuẩn, bà là địa chủ. Còn nhà cháu là cố nông.
Bà cụ làm hương cười.
- Kẻ thù ư? Bà mà là kẻ thù của cháu ư?
Thằng Hạ cũng từ phố huyện trở về. Bà cụ cứ tưởng nó về để cắt đứt với gia đình ông trưởng bạ. Đó là chuyện mọi đứa con nuôi nhà địa chủ vẫn làm. Khi nó vào chào, bà cụ mới hỏi:
- Này, Hạ ơi! Cháu thù bà lắm phải không?
- Gì cơ ạ? Bà nói thù bà ư? Sao bà lại bảo thế?
- Thì người ta bảo địa chủ là kẻ thù của bần cố nông mà.
- Con xin bà đừng nghe lời người ta. Con thù bà ư? Nếu con nghĩ thế, liệu con có đáng là con người nữa không?
- Mày nghĩ thế thật hở con?
Bà cụ hàng hương đang rầu rí, nghe Hạ nói, bỗng tươi tỉnh hẳn lên, Bà cụ cười:
- Con nói thế là bà mãn nguyện rồi. Con đã thành người. Thế là bõ công bà.
Tối hôm ấy, bà cụ nấu xôi vò chè đường cúng Phật. Cụ mặc quần áo đẹp ngày Tết. Cụ giục con cháu ăn, cười cười nói nói rất vui. Cả nhà thấy cụ như vậy đều lấy làm lạ.
Khoảng canh hai đêm ấy, có tiếng mèo gào đêm làm mọi người sởn hết tóc gáy. Cùng với tiếng mèo, còn có mùi hương ngạt ngào khắp nhà. Tiếng mèo tru tréo như tiếng đứa trẻ con bị ai bóp cổ hay đâm dao vào ngực. Tiếng kêu lúc thì khò khè ằng ặc, lúc thì rên rỉ lạy van, lúc lại như khóc thét lên ai oán. Tiếng kêu ấy lúc ở trên nóc nhà, có lúc lại như từ căn buồng đầu hồi, nơi bà cụ ngủ phát ra. Tiếng mèo thật bất thường. Cứ như thể một điềm báo, cứ tưởng như có một hồn ma lang thang vơ vẩn quanh nhà.
Ông trưởng bạ không chịu đựng nổi tiếng mèo, phải bật dậy. Ông ra sân quan sát. Nghe ngóng mãi, cuối cùng ông nhận định tiếng mèo từ căn buồng bà cụ phát ra. Từ khe cửa vẫn lọt ra ánh đèn dầu. Và lạ chưa! Cả mùi hương ngào ngạt khắp nơi cũng từ đó tỏa ra. Bà cụ còn thức hay sao? Ông vội đến gõ cửa, nhưng chẳng thấy trả lời. Biết là có chuyện, ông vội hô hoán và phá cửa.
Cửa buồng vừa hé mở, một con mèo đen mắt xanh lè, không biết từ xó xỉnh nào phi ra như trận cuồng phong, biến vào đêm tối. Cùng đi theo nó là khói. Không biết khói bị nhốt từ khi nào, nay được thả ra đặc kịt. Khói của những cây hương thơm quá hóa thành hắc, xộc vào óc làm ông choáng váng. Ông chưa thấy gì mà đã bủn rủn tay chân. Chiếc đèn hoa kỳ leo lét nhưng cũng đủ để ông nhìn quang cảnh bên trong. Căn buồng được cắm hương la liệt khắp nơi. Những đốm hương lấp lánh như sao. Và ở trên cao, giữa căn buồng là xác bà cụ đung đưa. Bà mẹ ông đã tự vẫn bằng chiếc hầu bao màu xanh hoa lý. Mẹ ông đã tự vẫn trong bộ quần áo đẹp nhất. Xác bà được tẩm mùi hương nhà chùa. Bà đã chết đẹp đẽ và thơm tho. Bà cụ hàng hương đã quyết không chịu cho người đời đấu tố. Cụ nghĩ thật giản dị. Cụ mặc áo mớ ba, váy lĩnh để đi vào cõi vĩnh hằng. Đến trước Phật thì phải ăn mặc chỉn chu, đàng hoàng. Ngày Tết còn phải ăn mặc thế huống hồ ngày cuối cùng làm người ra mắt Phật. Bà đã theo lời Phật dạy suốt đời. Thế nhân, đã hiểu biết gì về bà mà có quyền phán xét bà. “Suốt cả đời hành thiện. Chắc là Phật cũng phải vui vì ta. Thế mà các người định lôi ta ra làm nhục hay sao. Suốt cả đời ta chỉ ân hận vì một lỗi lầm. Đó là chuyện tự tử quyên sinh. Đức Phật thương xót mọi sinh linh, không cho phép người ta tự vẫn. Thương xót mọi sinh linh, điều đó bao gồm cả sự sống của bản thân mình. Ta đã vi phạm lời Phật dạy. Ta thực có lỗi. Nhưng các người cũng phải dè chừng. Hãy tỉnh lại đi”.
Anh đội Khoát quyết định đưa vợ chồng ông trưởng bạ ra đấu ở xóm. Hôm ấy, người ta bắt cả nhà ông Xuân phải trở về làng để làm nhân chứng và tham gia đấu tố. Cả buổi tối, ông Xuân không hé miệng nói nửa lời. Anh Hạ thì khăng khăng chỉ nói: “Ông trưởng bạ không bóc lột chúng tôi”. Chỉ riêng cô Xim, cô tố đủ điều. Hạ lầm bầm chửi Xim:
- Con đĩ vợ! Con đĩ vợ! Mày không là người. Là đồ con chó.
Hạ thật bướng bỉnh, thật ngông cuồng. Nhất đội, nhì trời.
Ai ai cũng sợ, mà anh dám coi trời bằng vung. Đến nỗi, anh đội Khoát phải kết tội Hạ là phần tử phản bội giai cấp bần cố.
Mấy hôm sau, Hạ còn có hành động điên rồ hơn. Anh có một căn lều ở phố huyện. Giữa thanh thiên bạch nhật, giữa trăm con mắt của mọi người, Hạ công khai đuổi vợ con ra khỏi căn lều.
- Đây là căn nhà ông bà trưởng bạ cho bố con tao. Mày đã đấu tố, đã chửi ông bà, thì mày không có quyền ở đây.
Lôi mẹ con Xim ra khỏi nhà xong, Hạ châm lửa đốt nhà. Căn lều xiêu vẹo cháy đùng đùng. Còn cháy lan sang cả nhà hàng xóm.
Như vậy, tức là Hạ đã chuyển hẳn thành một phần tử phản động công khai chống đối cách mạng rồi. Họ lập tức cùm anh lại đưa vào trại cải tạo.
Tội phạm đã bị bắt ngay tại trận. Hơn nữa, tất cả bàn dân thiên hạ đều chứng kiến. Cho nên tội trạng của Hạ vừa mang tính chất chính trị, vừa có tính chất hình sự. Chẳng có cách nào bào chữa.
Trong sửa sai, người ta xét thấy Hạ không bị oan sai. Bắt anh là đúng. Anh là kẻ bệnh hoạn rồ dại, một con người nguy hiểm cho xã hội. Có nhà chuyên môn còn nói:
- Hạ là týp người mang tính tội phạm từ trong gien. Thứ người cao to hung hãn, thứ người siêu đực, cực dương tính. Nếu anh ta không là kẻ giết người thì cũng là kẻ cuồng dâm. Thứ người rồ dại luôn có khuynh hướng bạo hành.
Hạ bị bắt giam khá lâu. Hơn mười năm tù ngục. Anh ta được thả khi Mỹ ném bom.
Khi Hạ đi tù, cô Xim ở nhà được nhiều người đàn ông săn đón. Trong số đó có anh Tư Đờn người miền Nam tập kết. Xim và Tư Đờn sống với nhau không có giấy tờ gì cả. Xim cũng chưa làm đơn ly dị với Hạ. Tư Đờn sống phóng khoáng. Anh làm việc ở xưởng nông cụ huyện. Chủ nhật nào cũng tụ tập bè bạn đầy nhà. Uống rượu rồi đờn ca vọng cổ. Tư Đờn ham chơi vậy nhưng thương Xim và Mua lắm. Xim đã vào tuổi ba mươi. Nước da bánh mật, thân hình nung núc những thịt. Người đàn bà vào độ chín, làm những gã đàn ông phóng túng như Tư Đờn bị hớp hồn, bị ngất ngây suốt đêm ngày. Chả thế mà Tư Đờn hùng hục lao động. Gã làm thợ đúc lưỡi cày. Thợ đúc được xếp vào loại lao động nặng nhọc nên lương thưởng của Tư Đờn cũng khá. Tư Đờn đưa hết cho Xim không giữ lại một hào một cắc. Tư Đờn coi cái Mua như con. Lúc Mua còn nhỏ, tối nào anh Tư cũng công kênh con nhỏ trên vai, đem con nhỏ ra tận cuối phố mua kẹo vừng cho nó. Con bé gọi Tư bằng ba Đờn ngọt xớt. Tư Đờn nóng tính, lại có võ nữa. Nghe nói, hồi ở bộ đội anh ở đặc công, có những đêm không đánh đờn ca hát, người ta thấy anh Tư cùng mấy ông miền Nam biểu diễn võ huỳnh huỵch ngoài sân. Nói chung Xim và Tư Đờn là một gia đình không có điều tiếng, được dân phố quý mến.
Buổi chiều hôm ấy, dân phố thấy Hạ xuất hiện ngoài chợ Huyện. Ở đây, chẳng ai lạ gì Hạ. Nhiều người còn được mục kích cái hôm anh châm lửa đốt cái lều của mình và đuổi vợ con đi. Hạ đeo cái túi dết mầu xanh, mặc bộ quần áo màu cứt ngựa, ngồi ở quán nuớc. Bà bán nuớc mau miệng:
- Anh Hạ phải không? Đúng là anh Hạ rồi. Lần thế nào được đôi lông mày sâu róm kia. Thế nào? Anh được về hẳn rồi chứ. Rõ khổ. Ngồi xuống cái đã. Trà tôi mới pha. Vừa chín tới rồi. Uống một ngụm rồi hẵng hay.
Rồi bà bỗ bã:
- Này hỏi thật. Anh biết chuyện rồi chứ.
- Chuyện gì cơ ạ?
- Thì... cái chuyện ấy... Chuyện chị Xim nhà anh ấy. Anh đã biết chưa?
- Thì sao?
- Cô ấy đã lấy chồng. Một anh cán bộ miền Nam... Anh ấy tốt lắm.
- Thế a?
Bà bán nước cố tìm sự biến đổi trên gương mặt của anh, nhưng chẳng thấy gì. Chỉ thấy im lìm như đá. Trong khi ấy, ở đầu kia, tức trước cửa ngôi lều nhà chị Xim, lũ trẻ con phố huyện cũng làm công việc thông báo:
- Chú Tư Đờn ơi! Đã biết chuyện gì chưa?
- Chuyện gì?
- Anh ấy về rồi đấy.
- Anh ấy là ai?
- Là chú Hạ.
- Chú Hạ nào? - Anh Tư Đờn nhướn mày lên như thể đang kiểm kê những người quen trong óc. Rồi đôi mày đã dãn ra. Hình như óc anh đã thoáng thấy một điều gì. Lũ trẻ trả lời:
- Chú Hạ là chồng củ của cô Xim.
- Thế a?
Ở hai đầu, hai con người đều nói cùng một câu “Thế a”. Người ta chờ đợi nhiều hơn thế. Điều mà mọi người rất muốn biết là thái độ của hai người chồng sẽ ra sao khi đối mặt với sự thật này. Nhưng lạ thật, cả hai đều kín mít. Nhưng là dù kín mít thì cuối cùng họ cũng phải gặp nhau. Lúc họ gặp nhau sẽ thế nào? Đó mới là vấn đề mọi người nóng lòng chờ đợi. Anh Hạ thì khỏi bàn. Một người mà trong cải cách cũng chẳng sợ gì. Rồi còn dám châm đuốc đốt nhà mình trước mắt bàn dân thiên hạ, trong lúc đồng quê đang sôi lên như một chảo dầu sôi. Còn anh Tư Đờn thì sao? Một anh hai Nam Bộ nóng như lửa. Một lính đặc công vào sinh ra tử, võ nghệ đầy mình. Những đêm trăng, Tư Đờn múa võ, tay vờn vờn trông dáng dấp tựa cọp beo. Hai người cùng lấy một người đàn bà, lại cũng là hai tay sừng sỏ. Cuộc chạm trán của họ chắc lắm cái hay. Vì thế nên đám thanh thiếu niên phố huyện cứ đứng chờ ở quán nước. Họ chờ anh Hạ đứng lên. Dù sao anh ta cũng phải gặp mặt bà Xim và con Mua.
Quả nhiên, Hạ không thể ngồi lì ở quán nước mãi. Anh đâu phải thằng hèn. Đúng tám giờ thì Hạ đứng lên, rời quán nước đi về phía căn lều xưa. Người đi theo rần rần.
Căn nhà của chị Xim mới dựng lại sau khi lấy Tư Đờn, là căn nhà tre trát nhứng, lợp rạ. Trông giản dị nhưng gọn gàng xinh xắn. Đằng trước là cái sân đất nện. Phía trên là dàn mướp quả lúc lỉu. Ngăn cách với đường là hàng rào cúc tần ngang tầm mắt.
Khi đoàn người hộ tống anh Hạ từ hàng nước đến, đã thấy anh Tư Đờn dáng người lùn và đậm đứng chờ sẵn ở cái cổng tre. Anh Hạ cao to lừng lững bước tới. Mọi người bỗng tản rộng thành một vòng tròn. Họ chờ đợi phút giây này đây.
Hai con người đối địch đã gần nhau. Hình như mọi người đều cảm thấy hai con người đều hầm hầm, họ cố nén sự tức giận vào trong, sắp rồi đây. Người ta nín thở. Kìa! Anh Tư Đờn đã giơ tay ra trước. Họ lắp bắp gì đó với nhau. Cánh tay anh Tư ngắn nhưng là một thỏi sắt. Người ta đã thường thấy anh quai cái búa tạ choang choang trên đe ngoài xưởng nông cụ.
Còn anh Hạ thì sao. Anh cũng giơ một cánh tay ra. Anh Hạ cao to, lưng gù gù như một con gấu. Cánh tay anh dài hơn nhiều và gân guốc cũng chẳng kém.
Hàng phố đang hy vọng cái cánh tay gấu ấy đấm thẳng vào mặt Tư Đờn. Nhưng ô kìa? Không phải họ giơ tay để đánh nhau mà là để bắt tay nhau.
- Chào anh!
- Chào anh!
Dân phố càng chưng hửng hơn, khi sau cái bắt tay, họ còn khoác tay nhau đi vào trong nhà. Trước khi quay lưng, Tư Đờn nói với dân phố.
- Xin cám ơn bà con đã dẫn đường cho anh Hạ tới đây. Chẳng có chuyện gì đâu. Xin bà con giải tán cho.
Dân phố chờ cho tới khi họ chui qua giàn mướp, vào nhà, khép cửa sau lưng mới chịu ra về. Mọi người về nhưng mấy chú nhóc nghịch ngợm thì không. Chúng còn nán lại để nhìn trộm, nghe trộm qua khe cửa hoặc qua những lỗ hổng ở vách.
Tư Đờn, vẫn như mọi khi, tiếp khách trên chiếc chiếu trải xuống đất, giữa căn nhà. Chỉ có khác là lần này, anh bắt Xim trải chiếc chiếu hoa mới mua. Chị Xim đưa ấm chén ra. Tư Đờn vẩy tay:
- Chắc hẳn anh Hạ uống được rượu. Thôi, bà dẹp cái vụ này đi. Lấy cho chúng tôi cái hũ rượu đế mà thằng Sáu nó cho tuần trước.
Hình như Hạ định nói gì nhưng Tư lại gạt đi:
- Chuyện đâu có đó. Anh em mình uống cái đã. Trên đời này, có chuyện gì mà chẳng giải quyết được. Nào, xin mời anh, ta “vô” cái đã.
Hai người uống rượu suông chén đầu tiên. Tư lại bảo Xim:
- Bà kiếm cho chúng tôi chút mồi. Phải rồi! Ra đầu phố mua cân lòng lợn. Lấy nhiều dạ dày nhé. Đừng có quên miếng gan cho con gái.
Con bé Mua, không biết từ lúc nào, đã ngồi chễm chệ trong lòng Tư Đờn. Anh Tư âu yếm vuốt tóc con nhỏ rồi bảo nó:
- Ba Tư là ba của con. Nhưng ba giới thiệu nhé. Ông đây cũng là ba của con.
- Vậy là con có hai ba. Ông ấy là ba gì hở ba?
- Ba ruột của con.
Vừa nói Tư vừa bế đứa bé đặt lên lòng Hạ. Con người khổng lồ đưa bàn tay thô nháp dày chai vuốt tóc con bé. Tình cha con mà hơn chục năm nay hầu như đã quên mất làm anh run run. Anh vụng về vuốt tóc đứa trẻ máu thịt của anh. Con bé cầm lấy bàn tay ấy xem xét, lật đi lật lại, rồi nói:
- Tay ba ruột nhiều sẹo hơn tay ba Đờn.
Rồi nó nói thêm:
- Chú Sáu bảo tay ba Đờn có sẹo, nhưng ba Đờn đánh đờn nên ngón tay nó mềm ra. - Rồi con bé lại nói - Ba ruột cũng đánh đờn đi ngón tay nó mới mềm ra.
- Bố không biết đánh đờn.
Nhân tiện, anh Hạ liền chỉnh lại cách gọi cho con gái:
- Từ rày con gọi ba Đờn bằng ba, còn ta, con gọi bằng bố. Anh lúng túng giải nghĩa cho con bé:
- Bố là người đẻ ra con. Ba là người nuôi con lớn lên.
Cái định nghĩa khập khiễng ấy hình như chẳng làm con bé vừa lòng. Nó liền hỏi thêm:
- Thế ba hơn bố, hay bố hơn ba?
Chị Xim lúng túng từ khi Hạ vào nhà, đến lúc này càng thêm lúng túng. Chị đưa cho con bé cái bát có mấy miếng gan rồi quát:
- Con đừng hỏi vớ vẩn nữa. Ăn cho xong, rồi đi ngủ. Mau lên.
Khi con bé vào giường rồi. Chỉ còn ba người lớn đối diện với nhau, đối diện với vấn đề nhức nhối mà con bé con vừa mới lướt nhẹ qua. Cũng hay là con bé đã nói trước. Chứ hình như cả ba người đều ngại phải nói đầu tiên. Tuy nhiên, dù sao cũng vẫn phải có một người lên tiếng để phá vỡ sự lúng túng. Anh Tư Đờn, con người trực tính bảo:
- Trong ba người chúng ta Xim là quan trọng nhất. Ý kiến của bà là quyết định nhất. Bà thử nói xem chúng ta xử sự thế nào là phải.
Chị Xim ngần ngừ mãi mới nói:
- Ông Hạ ạ, tôi thực có lỗi với ông. Đáng lẽ ra tôi phải nói với ông trước khi tôi đi bước nữa. Nhưng xin ông hiểu cho. Khi ông đi cải tạo, tôi phải bỏ làng Sọ ra đây dựng ba cái tranh dăm cái cọc, lấy chỗ trú thân. Tôi không ở trong làng được nữa. Người ta bảo vì tôi nên ông bị đi tù. Người ta bảo tôi tố với đội rằng ông là phản động nên ông mới bị bắt. Khổ thân tôi. Tôi thề trước ngọn đèn với ông rằng tôi có thể có lỗi với người khác, chứ với ông thì tuyệt nhiên không. Tôi thề là không tố ông một lời, dù anh Khoát gợi ý cho tôi mấy lần. Tôi mà nói sai ngọn đèn tắt thì tôi cũng tắt. Tôi có lỗi với ông là đi bước nữa nhưng ông cũng phải thể tình cho tôi. Tôi ra phố huyện phải gồng gánh trên vai buôn cái rau cái cỏ nuôi con Mua. Chỗ này thì tôi phải nói thật. Tôi chịu ơn ông Tư. Nói thực nhé, nếu không có ông Tư thì mẹ con tôi đã chết rồi cũng nên. Cái hôm mưa gió ấy, túi không còn một xu, gạo không còn một hạt, con cái Mua sốt nóng như hòn than. Anh Tư ở bên xưởng nông cụ may mắn sang kịp, cho gạo để tôi nấu cháo, cho tiền để tôi mua thuốc. Bác sĩ bảo con bé bị mắc bệnh gì nhỉ... À bệnh bạch hầu... Ông ấy bảo chậm tí nữa thì con bé không chữa được. Tôi nhận lời ông ấy là vì mẹ con tôi đội ơn ông ấy...
Chị Xim vừa nói vừa khóc. Chị kể lể. Chị sụt sịt. Dài dòng lắm song có tình có lý. Cuối cùng chị kết luận:
- Nếu ông còn thương đến con, còn nghĩ đến tôi, thì ông bảo thế nào, tôi cũng xin theo lời ông. Và nếu cả hai ông cho lời tôi là phải. Thì một ngày là ngãi là tình. Nếu thế, trước khi trở về với chồng cũ, tôi xin cho phép được lạy sống anh Tư ba lạy. Nói thật, ơn của anh tôi xin ngậm vành kết cỏ.
Tư Đờn vội giơ tay rồi cười cười, nói bông phèng.
- Chết cha! Tôi ở với bà gần chục năm. Giờ tôi mới biết bà này nói hay quá ta. Kết cỏ ngậm vành. Bà lại nói cả chữ trong Truyện Kiều. Nhưng xin khoan đã. Để cho tôi nói mấy câu.
- Anh Hạ ạ. Riêng chuyện này tôi phục anh đấy. Bình tĩnh. Chẳng nói một lời. Nếu ở địa vị anh, chắc tôi đã choảng nhau rồi. Nhưng mà tôi đã bảo rồi. Chuyện đâu khắc có đó. Tức là từ bây giờ tôi xin trả lại vợ cho anh. Sáng mai, tôi sẽ ra đi. Còn bây giờ. Vò rượu còn đấy. Tôi với anh, ta nhậu cho đến sáng.
Câu chuyện tưởng đã ngã ngũ. Bây giờ, đến lượt Hạ, người thứ ba phát biểu. Anh nói:
- Chưa xong đâu. Chúng ta còn người thứ tư trong chuyện này. Sao ta không hỏi ý kiến bé Mua xem sao nhỉ. Nhân vật tí hon này cũng chẳng kém phần quan trọng.
Thế là bé Mua đã bắt đầu ngủ cũng được đánh thức để hỏi ý kiến. Anh Hạ nói:
- Lúc nãy con hỏi chúng ta: “Bố hơn ba hay ba hơn bố?” Bây giờ ta cho con chọn. Nếu phải theo một trong hai người thì con theo ba hay con theo bố.
Cô bé Mua nhìn hai người đàn ông, lúc đầu như có chút lưỡng lự, nhưng rồi nó đi thẳng đến chỗ Tư Đờn và giơ tay ra. Tư Đờn vội cúi xuống. Con bé ôm lấy cổ ba của nó. Lúc bấy giờ Hạ mới nói:
- Ý kiến của cái Mua là khôn ngoan nhất. Thực ra, khi suy xét cho kỹ, nếu tôi trở về, thì cái nhà này có được ổn định không? Chắc chắn là không. Tôi là kẻ tù trở về. Không nghề nghiệp. Làm sao nuôi vợ con nổi. Còn nếu anh Tư ở lại. Tình hình vẫn tốt như xưa. Anh lại yêu con bé. Và con bé cũng yêu anh. Như vậy là tôi thỏa mãn. Tôi cám ơn anh đã chăm nom con bé như là con của mình. Tôi đã sai lầm. Đáng lẽ ra tôi không nên quay về đây thì hơn. Tuy nhiên, không sao! Tôi sẽ không làm phiền mọi người đâu.
Lại nói tới cái hồi Hạ còn đi tù, và lúc ấy ông Xuân còn sống. Một bận, ông Xuân đến nhà tù tiếp tế cho Hạ. Ông bảo con trai:
- Lạ lắm con ạ. Mày có nhớ cái bận ta kéo xe bò đưa sư cụ Vô Úy từ nhà giam “Đơ Bê” về chùa không? Tao đã kể với con rồi đấy. Không hiểu sao sư cụ lại nói: “Ông có nhiều duyên với nhà chùa lắm”. Tao cứ ngẫm nghĩ mãi. Rồi chiêm nghiệm cũng thấy đúng. Bà mẹ ông trưởng bạ chẳng phải người nhà Phật sao. Không có bà cụ thì bố con ta đã chết rồi. Trong cải cách, mày không tố ông trưởng bạ, lại còn trung thành với ông bà ấy. Chẳng phải duyên với nhà Phật sao? Nhưng sư cụ bảo còn nhiều duyên với Phật. Khi ấy chắc bố chết rồi. Có chuyện gì, thì con nhớ cũng phải cư xử cho phải đạo.
Khi người ta chết, thường dặn dò con cháu những lời di chúc. Vì không được ở bên cạnh ông Xuân khi ông chết, nên Hạ coi những lời nói của ông khi lên trại cải tạo thăm mình lần cuối cùng cũng là những lời di chúc.
Đội Gạo Lên Chùa Đội Gạo Lên Chùa - Nguyễn Xuân Khánh Đội Gạo Lên Chùa