Tuyết epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 29: Cái Anh Đánh Mất - Không Chỉ Là Em
Ở Frankfurt
Tôi đã đến thăm căn hộ nhỏ ở Frankfurtnơi Ka sống tám năm cuối đời mình, bốn năm sau khi ông từ Kars quay về và bốn mươi hai ngày kể từ khi ông mất. Đó là một ngày tháng Hai nhiều gió trộn lẫn mưa tuyết. Tôi từ Istanbul đến vào buổi sáng, và trong mắt tôi Frankfurt còn ủ rũ hơn nhiều so với những tấm bưu thiếp mà Ka gửi cho tôi từ mười sáu năm nay. Đường phố vắng tanh, ngoại trừ mấy chiếc ôtô sẫm màu phóng qua, tàu điện hiện ra rồi biến đi như những bóng ma, và những bà nội trợ cầm ô tất tưởi.Bầu trời mây phủ tối sầm, mới giữa trưa đã phải bật đèn đường vàng ệch chết chóc.
Mặc dù vậy tôi vui mừng vì vẫn thấy trên vỉa hè xung quanh nhà ga trung tâm gần đó các quầy bán Kehab, phòng du lịch, quầy kem và cửa hàng bán đồ kích dục, dấu vết của năng lượng bất tử giữ mạch đập cho các đô thị lớn. Ổn định xong xuôi mọi thứ trong khách sạn tôi gọi điện cho một người bạn yêu văn chương người Đức gốc Thổ đã theo đề nghị của tôi gửi giấy mời tôi thuyết trình tại nhà cộng đồng Thổ. Tại tiệm cà phê Ý trong ga tôi gặp Tarkut Ölçün. Em gái Ka ở Istanbul đã cho tôi số điện thoại của ông. Một người đàn ông thiện chí, mệt mỏi, chừng sáu chục tuổi. Trong những năm Ka sống ở Frankfurt ông là người biết rõ Ka nhất. Trong vụ điều tra sau cái chết của Ka ông đã hỗ trợ cảnh sát với nhiều thông tin, gọi điện về Istanbul, lập đường dây liên lạc với gia đình Ka và giúp chuyển xác ông về Thổ. Khi đó tôi đang đi tìm bản thảo đánh máy của tập thơ Ka nói mình đã vất vả hoàn thành từ khi trở về Đức bốn năm về trước. Tôi đã hỏi bố và em gái Ka xử lý di vật của Ka ra sao. Do ngày đó họ không đủ sức sang Đức nên đã nhờ tôi thu thập hộ đồ đặc của Ka và thanh lý căn hộ.
Tarkut Ölçün là một trong những người nhập cư đầu tiên đến Đức hồi đầu thập kỷ sáu mươi. Ông đã nhiều năm phụ trách các khóa học và tư vấn ở các hiệp hội và tổ chức hỗ trợ Thổ. Ông có hai người con đẻ ở Đức, một trai một gái, chỉ cho tôi xem ảnh các con và tự hào khoe chứng học ở đại học tổng hợp. Trong cộng đồng Thổ ở Frankfurt ông có uy tín cao, nhưng trên nét mặt ông tôi đọc ra những nét cô đơn và nhẫn nhục dễ thấy ở thế hệ nhập cư đầu tiên và những người tị nạn chính trị.
Trước tiên Tarkut Ölçün cho tôi xem chiếc túi du lịch nhỏ mà Ka mang theo bên người lúc bị bắn chết. Cảnh sát trao cho ông chiếc túi này sau khi bắt ký nhận. Tôi mở ngay ra và lục trong túi, tìm thấy một bộ đồ ngủ Ka mua trước đây mười tám năm ở Nişantaşi, một chiếc áo len xanh lá cây, đồ cạo râu, bàn chải răng, tất và đồ lót đã giặt sạch sẽ, tạp chí văn học của tôi gửi cho ông từ Istanbul, nhưng cuốn vở xanh chép thơ thì không.
Một lát sau, trong khi chúng tôi uống cà phê và quan sát hai người Thổ đứng tuổi vừa vui vẻ tán chuyện vừa lau sàn giữa đám đông xuôi ngược trong ga, Tarkut Ölçün nói: "Orhan Bey ạ, ông Ka bạn ông là một người cô đơn. Ở Frankfurt chẳng ai biết rõ ông ấy làm gì, chỉ có tôi biết chút ít."Ông vẫn hứa kể hết cho tôi nghe những gì ông biết.
Đầu tiên chúng tôi đi dọc mặt tiền những nhà máy hàng trăm năm tuổi và các trại lính cũ để tới ngôi nhà gần phố Gutleut, nơi Ka sống tám năm cuối đời. Chúng tôi không gặp được bà chủ nhà để xin mở cửa ngôi nhà hướng mặt ra một quảng trường con con và sân chơi, cũng như mở cửa căn hộ của Ka. Trong lúc chúng tôi đứng trong mưa tuyết đợi cánh cửa tróc sơn mở ra, tôi quan sát tựa như những chốn đó là kỷ vật của chính mình - sân chơi nhỏ hoang phế, cửa hàng tạp phẩm ở góc phố và cửa kính tối om của một cửa hàng bán báo và rượu đằng xa xa mà Ka vẫn nhắc đến trong thư từ và mấy cuộc điện thoại hiếm hoi giữa hai chúng tôi (chứng bách hại cuồng khiến Ka không thích gọi điện về Thổ, luôn sợ có người nghe lén). Trên những chiếc đu và bập bênh, trên ghế băng mà Ka hay ngồi uống bia cùng các công nhân người Ý và Nam Tư vào những hôm nắng ấm, bây giờ là một lớp tuyết nhão dày hàng đốt tay.
Chúng tôi lần theo con phố mà trong những năm cuối Ka mỗi sáng vẫn đi đến thư viện thành phố và ra quảng trường ga.Như sở thích của Ka là hay thong thả đi giữa đám người tất bật vội vã chúng tôi bước vào ga và đi qua trung tâm thương mại ở tầng hầm, qua những cửa hàng bán đồ kích dục ở phố Kaiser, cửa hàng lưu niệm, hàng bánh ngọt và hiệu thuốc, đi theo đường tàu điện và đến Sở cảnh sát. Trong khi thỉnh thoảng chào những người Thổ hay người Kurd làm việc ở mấy quầy bán Döner, Kebab và rau quả. Tarkut Ölçün kể với tôi rằng tất cả bọn họ sáng nào cũng nói "Xin chào ông giáo sư!" với Ka trên đường đến thư viện. Sau đó ông chỉ cho tôi cửa hàng bách hóa lớn mà tôi đã hỏi thăm trước đó: Kaufhof. Tôi kể là Ka đã mua ở đây chiếc áo choàng mà ông mặc ở Kars, nhưng từ chối khi Tarkut Ölçün gợi ý đi vào cửa hang. Thư viện thành phố của Frankfurt là một tòa nhà hiện đại và không có dấu ấn riêng. Khách ở đây cũng đặc trưng như mọi thư viện cùng loại: mấy bà nội trợ và hưu trí đến đây giết thời gian, người thất nghiệp, vài người Ẳ Rập và người Thổ, lũ học sinh rúc rích cười đùa trong khi làm bài về nhà và đám khách ruột không thể tránh khỏi ở những chốn như thế này: đám người béo phị, tàn tật dở hơi và thiểu năng trí tuệ. Một người trong số họ, còn rất trẻ, miệng rỏ dãi, ngước mắt lên khỏi cuốn truyện tranh đang xem và thè lưỡi ra với tôi. Tôi để người dẫn đường vốn thấy thiếu thoải mái giữa rừng sách lại trong quán giải khát ở tầng dưới, ra đến ngăn thơ Anh và tìm tên người bạn tôi trên tờ phiếu in tên khách mượn ở trang cuối: Auden, Browning, Coleridge... Mỗi khi nhìn thấy chữ ký của Ka, mắt tôi lại ngấn nước khi nghĩ đến những giờ bạn tôi đã phung phí trong thư viện này. Tôi chấm dứt việc tra cứu vì nó làm tôi sầu muộn ghê gớm.
Chúng tôi im lặng đi theo đường cũ quay về. Ở đâu đó giữa phố Kaiser, trước một cửa hàng với biển tên quái đản "Trung tâm sex thế giới", chúng tôi quẹo trái và đi tiếp một phố. Tôi đã nhận ra từ lâu là Tarkut Ölçün định chỉ cho tôi xem gì. Tim tôi đập thình thịch, mắt tôi lần lượt lướt trên khay cam và tỏi tây của cửa hàng rau quả, quan sát người ăn mày cụt một chân. Ánh đèn pha ôtô phản chiếu trong cửa kính khách sạn Eden, và giữa màu buổi tối xám chì đang buông xuống, là chữ K đèn tuýp tỏa ánh sáng hồng nổi bật.
"Đây", Tarkut Ölçün nói, "vâng, đúng ở đây người ta đã tìm thấy xác Ka." Mắt tôi đờ đẫn nhìn xuống vỉa hè ướt át. Hai đứa trẻ vừa chảnh chọe vừa lao ra từ cửa hàng rau, lúc chạy qua dẫm lên tấm đá lát đường ẩm ướt mà cơ thể Ka đổ vật lên sau khi bị trúng ba viên đạn. Đèn hậu màu đỏ của chiếc xe tải đứng đằng xa phản chiếu trên nền nhựa đường. Sau mấy phút quằn quại đau đớn trên chính vỉa hè này. Ka đã chết trước khi xe cấp cứu kịp đến.
Tôi ngước mắt nhìn một lát khoảng trời mà Ka đã nhìn thấy trước khi nhắm mắt: một rẻo trời hẹp giữa những ngôi nhà cũ kỹ tối tăm với quầy bán Döner, phòng du lịch, tiệm uốn tóc và quán bia ở tầng trệt, giữa những đường dây điện và cột đèn đường. Ka bị bắn chết lúc gần nửa đêm. Tarkut Ölçün cho tôi biết là vào giờ ấy thường có gái làm tiền thơ thẩn ở đây. Thực ra khu nhà thổ ở cách đó một phố về phía Bắc. Ở phố Kaiser, nhưng vào những đêm đông người, cuối tuần hay dịp hội chợ thì các cô gái tràn ra tận đây."Người ta không tìm được gì cả," ông nói khi thấy tôi nhìn quanh quẩn như kiếm dấu vết gì. "Mà cảnh sát Đức không như cảnh sát Thổ, họ làm việc tử tế." Khi tôi hỏi han mấy cửa hiệu xung quanh đó, ông giúp tôi với sự đồng cảm chân thành. Các cô gái ở hiệu uốn tóc đều quen mặt và hỏi thăm sức khỏe ông, nhưng lúc xảy ra vụ án họ không ở cửa hiệu và cũng hoàn toàn không nghe nói gì về vụ ấy. "Các gia đình Thổ chỉ cho con gái học nghề làm đầu."Ông nói với tôi khi ra đến ngoài đường. "Ở Frankfurt có hàng trăm phụ nữ Thổ làm thợ uốn tóc." Những người Kurd ở cửa hàng rau thì biết quá rõ về vụ giết người và công tác điều tra của cảnh sát sau đó. Có thể vì vậy mà họ không mặn mà lắm với chúng tôi. Có cậu bồi bàn thân thiện của quán Kebab Bayram đã dùng chính chiếc giẻ bẩn thỉu mà hôm nay đang cầm trong tay để lau mặt bàn tráng nhựa hôm xảy ra vụ án. Cậu có nghe tiếng súng và sau khi đợi một chút thì chạy ra xem, cũng là người cuối cùng thấy Ka còn sống.
Sau khi ra khỏi quán Kebab chúng tôi đi nhanh qua một ngõ gần nhất và vào sân sau một ngôi nhà tối đèn. Tarkut Ölçün dẫn tôi đi xuống hai cầu thang, qua một cánh cửa và vào một căn nhà khủng khiếp to như nhà để máy bay, rõ ràng đã từng được sử dụng làm kho. Thế giới ngầm này lan tỏa dưới ngôi nhà và chạy đến tận bên kia phố. Những tấm thảm trải dưới đất và một cộng đồng khoảng năm, sáu chục đàn ông đang tụ tập ở đây cầu kinh tối cho thấy ngôi nhà này được dùng làm nhà nguyện. Giống các phố ngầm ở Istanbul, bao xung quanh là các cửa hàng bẩn thỉu tăm tối. Tôi thấy một thợ kim hoàn có cái tủ kính không thèm tỏa sáng lấp lánh, một người bán rau quả lùn tịt, ngay cạnh đó là một người hàng thịt luôn tay bận bịu, một nhà buôn hàng tạp nham đang xem vô tuyến nhưng không ngừng tay bán xúc xích vòng.Bên tường là những thùng đựng nước quả đóng chai từ Thổ đem sang, mì và đồ hộp Thổ, một quầy bán sách tôn giáo, một quán cà phê còn đông hơn nhà nguyện và mịt mù khói thuốc. Những người đàn ông mệt nhọc tập trung xem phim Thổ trên ti vi, thỉnh thoảng một người đứng dậy đi ra máy nước nối từ một thùng chứa bằng nhựa bên lề để rửa tay theo nghi lễ. "Vào các buổi cầu nguyện ngày lễ và ngày nghỉ, trong phòng này có tới hai nghìn người," Tarkut Ölçün nói. "Người ta đứng tràn ra cả cầu thang và ra đến sân." Tôi mua một số Truyền đạt ở một trong những quầy sách báo tạp chí - dù chẳng biết để làm gì.
Sau đó chúng tôi vào một quán bia kiểu Munich cổ ở tầng trên nhà nguyện."Nhà nguyện dưới đó của những người theo Süleyman." Tarkut Ölçün nói và chỉ tay xuống nền. "Họ theo chủ nghĩa toàn thống, nhưng không dính dáng gì tới khủng bố cả. Họ không dại gây sự với nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ như phe 'Phù trợ dân tộc' hay 'Những con hổ Cemalettin'." Tuy nhiên, ánh mắt nghi ngại của tôi hay việc tôi lật trang trong Truyền đạt như thể đi tìm một chỉ dẫn nào đó khiến ông thấy bất ổn, và ông kể cho tôi nghe tất cả những gì biết được từ cảnh sát và báo chí về vụ sát hại Ka.
Bốn mươi hai ngày trước, vào lúc 23 giờ 30 ngày thứ Bảy đầu tiên trong năm. Ka quay về từ một buổi đọc thơ ở Hamburg mà ông có tham gia. Ngay sau chuyến tàu hỏa dài sáu tiếng, ông rời ga qua cửa phía Nam, và thay vì về ngay nhà mình ở phố Gutleut thì ông lại đi ngược lên phố Kaiser, lang thang hai mươi lăm phút ở đó trong đám đàn ông độc thân, khách du lịch, dân say rượu và gái làm tiền đợi khách, giữa các cửa hàng đồ kích dục còn mở cửa. Nửa tiếng sau, ông rẽ phải ở "Trung tâm sex thế giới" và bị bắn chết khi sang đến vỉa hè bên kia của phố Munich. Rất có thể ông định mua quýt ở cửa hàng Günzel Antalya trước khi về nhà, hiệu bán rau duy nhất ở Frankfurt mở đến nửa đêm. Người bán hàng nhớ là Ka hay tới đây mua quýt vào ban đêm. Cảnh sát ngờ vực khi người bán rau nói là anh ta không biết tí gì; anh ta bị tra khảo lấy cung đến giữa đêm nhưng không kết quả.
Cảnh sát không tìm ra được ai nhìn thấy kẻ bắn Ka. Cậu bồi bàn của quán Kebab Bayram có nghe tiếng súng nhưng do tiếng ti vi và khách khứa ầm ĩ nên không biết có mấy phát súng. Do cửa kính của quán bia phía trên nhà nguyện đóng hơi nước nên không ai thấy gì bên ngoài. Một gái làm tiền đang hút thuốc đợi khách cách đó một phố khai rằng vào thời điểm đó ả thấy một người đàn ông thấp nhỏ, tóc sẫm như người Thổ, mặc áo choàng sẫm màu chạy về hướng Kaiser, nhưng không thể miêu tả người đó chính xác hơn. Một người Đức đã gọi xe cấp cứu, người này tình cờ ra bao lơn khi Ka vừa ngã xuống vỉa hè, nhưng cũng chẳng nhìn thấy ai. Viên đạn thứ nhất xuyên vào sau đầu Ka và trổ ra mắt trái. Hai viên kia xé nát mạch máu gần tim và phổi ông, xuyên thủng chiếc áo choàng màu xám tro ở lưng và ngực, làm nó thấm đẫm máu.
"Vì ông ấy bị bắn từ phía sau nên sát thủ là người có chủ định và đã bám chân ông."Một nhân viên điều tra đứng tuổi luôn miệng ho sù sụ kết luận. Có thể kẻ sát nhân đã theo dõi ông từ Hamburg. Cảnh sát cũng lần theo đủ thứ phỏng đoán khác như giết người vì ghen tuông hoặc thanh toán chính trị rất thường thấy trong nội bộ người Thổ. Ka không liên quan gì đến thế giới ngầm vùng ga. Được cho xem ảnh Ka. những người bán hàng cho cảnh sát biết rằng đôi khi Ka lang thang qua những của hàng bán đồ kích dục và vào các ngăn chiếu phim khiêu dâm. Do không có tin tức nào chắc chắn, cũng như không thấy báo giới hay các cơ sở có ảnh hưởng lớn gây áp lực tìm cho được sát thủ, một thời gian sau cảnh sát cũng bớt năng nổ.
Hành vi của nhân viên điều tra đứng tuổi với chứng ho kinh niên đôi lúc đi lạc khỏi mục đích điều tra cho ra kết quả. Ông hẹn gặp các người quen Ka và trong quá trình điều tra thì ông chủ yếu nói về mình. Qua nhân viên già xuề xòa ưa người Thổ này, Tarkut Ölçün biết đến hai phụ nữ bước vào đời Ka trong tám năm trước chuyến đi của ông đến Kars. Tôi cẩn thận chép số điện thoại của hai phụ nữ này vào sổ địa chỉ, một người Đức và một người Thổ.Trong bốn năm sau khi từ Kars trở về, Ka không hề quan hệ với phụ nữ nào cả.
Vì không tìm ra được chút manh mối gì, cảnh sát cuối cùng bỏ lửng cuộc điều tra.
Chúng tôi câm lặng trên đường quay về căn hộ ngày xưa của Ka.Lần này chúng tôi đã gặp được bà chủ nhà to như con voi, dễ chịu mặc dù luôn mồm ca thán về đủ mọi thứ. Bà mở cho chúng tôi tầng áp mái mát lạnh có mùi bồ hóng, độc miệng thông báo là bà đang chuẩn bị cho thuê phòng này, và nếu chúng tôi không đem đống đồ đạc kinh tởm kia đi thì bà sẽ vứt ra bãi rác. Rồi bà đi mất. Tôi trào nước mắt khi bước vào căn hộ nhỏ tối tăm, trần thấp nơi Ka sống tám năm cuối cùng, và nhận ra mùi đặc trưng của ông mà tôi quen từ hồi nhỏ. Đó là mùi chiếc áo len chui cổ mà mẹ ông đan cho, mùi chiếc cặp sách và phòng của ông khi tôi tới thăm nhà. Tôi nghĩ rằng mùi ấy từ loại xà phòng Thổ nào đó mà tôi không biết tên nhưng chẳng bao giờ nhớ ra để hỏi.
Trong những năm đầu sang Đức, Ka làm khuân vác ở khu chợ, thợ phụ chuyển nhà, dạy tiếng Anh cho người Thổ, quét sơn v. v... nhưng đã cắt đứt quan hệ với giới cộng sản ở nhà cộng đồng Thổ là những người đã giúp ông được nhận những công việc nói trên, từ khi ông được công nhận là tị nạn chính trị và bắt đầu nhận trợ cấp xã hội. Những người cộng sản Thổ lưu vong cho rằng ông quá khó gần và quá tư sản". Một nguồn thu nhập khác của Ka trong mười hai năm qua là những buổi đọc thơ ở các thư viện thành phố, trung tâm văn hóa và hội đoàn của người Thổ. Nếu mỗi tháng ông kiếm được ba buổi đọc thơ (chỉ có người Thổ đến dự, và hiếm khi quá hai chục khách) thì sẽ được tám trăm mình và vừa đủ sống vì người tị nạn chính trị còn được lĩnh sáu trăm mark nữa; nhưng rõ ràng những tháng may mắn đó đã qua lâu rồi. Mấy chiếc ghế đẩu tồi tàn, gạt tàn sứt sẹo, lò sưởi điện gỉ sét. Bực mình vì bà chủ nhà gây áp lực, thoạt tiên tôi định cho hết mọi đồ đạc của bạn tôi vào chiếc vali cũ trong phòng và các túi xách để đem đi: chiếc gối có mùi tóc ông, thắt lưng và cà vạt tôi còn nhớ đã thấy từ hồi học cấp ba, đôi giày Bally mà trong một bức thư ông kể là vẫn dùng nó như "dép đi trong nhà" bởi đầu ngón chân đã xuyên thủng mũi giày, bàn chải răng để trong chiếc cốc bẩn, mấy trăm quyển sách, một ti vi cũ và đầu videomà ông chưa bao giờ nhắc đến, áo vest sờn cũ, sơmi và bộ đồ ngủ có từ mười tám năm.
Nhưng tôi phát điên lên khi không tìm thấy trên bàn giấy thứ mà tôi hy vọng tìm được, mà khi đặt chân lên ngưỡng cửa phòng này tôi hiểu ra rằng thực ra chính vì nó mà tôi đã tới Frankfurt.
Trong những lá thư cuối cùng gửi từ Frankfurt cho tôi, ông vui mừng kể rằng sau bốn năm làm việc ông đã hoàn tất cuốn thơ mới. Đầu đề của nó là Tuyết. Phần lớn được ông chép vào quyển vở màu xanh trong những phút cảm hứng bùng phát đột ngột ở Kars. Từ Kars về ông có cảm giác là cuốn sách sở hữu một trật tự"sâu kín và bí hiểm" mà chính ông cũng không rõ. Bốn năm tiếp theo ông dành ra để lấp kín những "chỗ trống" trong sách. Đó là một nỗ lực hành xác làm ông rã rời, vì những vần thơ đã nghĩ ra ở Kars như có người thì thào vào tai lại không sao nghe được ở Frankfurt.
Nhưng ông vẫn bắt tay vào giải mã thứ logic kỳ bí của cuốn sách, và lấp kín những chỗ trống trong sách theo logic đó. Trong lá thư cuối cho tôi, ông viết rằng rốt cuộc mọi nỗ lực đã được đền đáp, ông sẽ đọc và thử thách các bài thơ ấy ở một số thành phố Đức và mặc dù không có bản sao nào của cuốn vở xanh chép tay, khi chắc chắn rằng mọi thứ đã tìm được đúng vị trí của nó thì ông sẽ đánh máy lại và gửi một bản cho tôi, một bản nữa cho nhà xuất bản Istanbul. Liệu tôi có thể viết vài dòng cho bìa bốn và gửi đến tay Fahir, người xuất bản cuốn sách này?
Bàn giấy của Ka, gọn gàng tới mức không ai mong đợi ở một nhà thơ, nhìn ra những mái nhà phủ tuyết của Frankfurt chìm trong bóng tối. Bên phải mặt bàn bọc len xanh lá cây là chồng vở ghi chép của Ka về thời gian ở Kars và giải thích các bài thơ mà ông sáng tác ở đó, bên trái là sách vở báo chí đang đọc. Một chiếc đèn bàn chân đồng và máy điện thoại đứng đối xứng nhau qua đường trung tuyến tưởng tượng giữa mặt bàn. Tôi tuyệt vọng ngó vào ngăn kéo, tìm trong sách vở và tập tư liệu cắt từ báo ra mà người Thổ lưu vong nào cũng có, trong tủ quần áo, giường, tủ ở nhà tắm và bếp, tủ lạnh và hòm quần áo, tóm lại là khắp các xó xỉnh của căn hộ khả dĩ đút vừa quyển vở. Tôi không thể tin là quyến vở ấy lại mất, và tìm lại khắp mọi nơi lần nữa trong lúc Tarkut Ölçün im lặng đốt thuốc và nhìn ra các mái nhà phủ tuyết.
Nếu quyển vở không nằm trong túi du lịch mà ông đem theo đi Hamburg thì ông phải để nó ở nhà. Trước khi hoàn tất một cuốn thơ không bao giờ Ka chép lại một bài thơ nào của mình; ông thường nói chuyện đó đem lại điềm rủi. Nhưng như đã viết cho tôi ông đã làm xong cuốn thơ và chuẩn bị cho đánh máy rồi.
Hai tiếng sau, thay vì chấp nhận là quyển vở xanh Ka chép những bài thơ làm ở Kars đã thất lạc, tôi cố nghĩ là nó nằm ngay trước mắt, chẳng qua vì xúc động mà tôi đã không nhìn thấy. Khi bà chủ nhà gõ cửa, tôi gói tất cả các quyển vở đã tìm thấy trong ngăn kéo, mọi mảnh giấy có nét chữ của Ka, nhét bừa tất cả vào các túi nylon. Những băng hình khiêu dâm quẳng bừa bãi cạnh đầu video (chứng tỏ là Ka không bao giờ có khách) tôi cho vào một túi gói hàng in chữ "Kaufhof". Như một người đi du lịch trước một chuyến đi xa đem theo một đồ dùng hằng ngày, tôi ngó quanh tìm một kỷ vật cuối cùng nhắc nhở đến Ka, nhưng như vẫn hay xảy ra, nhưng không quyết định nổi và không chỉ nhét vào túi cái gạt tàn, bao thuốc lá và con dao mà ông dùng mở thư, đồng hồ đặt đầu giường, chiếc áo vest đã xơ xác sau hai mươi lăm năm mà ông vẫn mặc ra ngoài áo ngủ nên còn mang mùi người ông, bức ảnh ông và em gái chụp bên bờ Dolmabahçe, mà lấy cả tất bẩn và khăn tay chưa bao giờ dùng ở trong tủ, bộ dĩa trong bếp và bao thuốc lá moi ra từ thùng giấy lộn. Tôi làm việc ấy với sự hăng say của một người làm bảo tàng. Trong một lần trò chuyện gần đây ở Istanbul Ka có hỏi về cuốn tiểu thuyết tôi sắp viết, và tôi kể ông nghe cốt truyện của "Bảo tàng của trong trắng" mà tôi giấu kỹ trước những người khác.
Sau khi chia tay người dẫn đường và lui về khách sạn, tôi bắt đầu lục lọi trong đống đồ vật của Ka. Tôi tự hẹn với mình sẽ quên đi người bạn trong đêm nay để khỏi quỵ xuống vì đau buồn. Đầu tiên tôi xem qua đống băng hình khiêu dâm. Khách sạn không có đầu video, nhưng theo những ghi chú viết tay của bạn tôi trên vỏ băng thì ông ấy đặc biệt thích một diễn viên Mỹ tên là Melinda.
Sau đó tôi đọc đến chú giải các bài thơ của Ka làm ở Kars. Vì sao ông ấy giấu tôi tất cả các trải nghiệm khủng khiếp và mối tình ở Kars? Tôi tìm được câu trả lời trong khoảng bốn chục bức thư tình trong một kẹp giấy mà tôi lôi từ trong ngăn kéo ra. Tất cả viết cho một người tên là Ipek, nhưng không lá nào được gửi đi, và thư nào cũng bắt đầu bằng một câu như nhau: "Em yêu, anh đã băn khoăn suy nghĩ rất lâu, liệu có nên viết cho em những dòng này hay không." Nhưng trong mỗi bức thư là một kỷ niệm khác nhau của Ka ở Kars, một chi tiết đau xót và cảm động đến chảy nước mắt trong câu chuyện tình của họ kèm một vài quan sát về sự đơn điệu và tầm thường trong cuộc sống của Ka ở Frankfurt. (Ông ấy đã viết cho tôi về con chó bị què trong công viên Von Bethmann và những chiếc bàn kẽm buồn thảm trong Bảo tàng Do Thái.) Do những lá thư không có vết gập, có thể thấy Ka chưa một lần đủ quyết tâm nhét chúng vào phong bì.
Ka có viết trong một bức thư: "Chỉ cần em nói một câu, anh sẽ đến." Ở một bức khác ông viết là sẽ không bao giờ quay lại Kars. vì ông không cho phép Ipek hiểu lầm mình thêm nữa. Một thư khác nhắc đến một bài thơ (đã mất). Lại một thư nữa, khi đọc có cảm giác đó là câu trả lời cho thư Ipek. "Tiếc rằng em đã hiểu lầm thư anh." Ka viết. Tối hôm đó tôi đã bày tất cả các đồ vật lấy từ trong túi lên sàn phòng khách sạn và trên giường để lục tìm, do vậy tôi chắc chắn là trong đó không có thư nào của Ipek gửi cho ông cả. Mặc dù vậy, mấy tuần sau tôi vẫn hỏi lại khi gặp cô ở Kars và được biết rằng cô không bao giờ viết thư cho Ka. Vì sao Ka làm như trả lời thư Ipek trong khi ông biết chắc ngay trong khi viết thư là sẽ không bao giờ gửi đi?
Có lẽ chúng ta đã xâm nhập đến tận tim gan câu chuyện này. Người ta có thể hiểu đến chừng mực nào nỗi đau và tình yêu của một người khác? Chúng ta có thể hiểu đến mức nào những người từng chịu đựng đày đọa, khổ ải và tổn thương ghê gớm hơn nhiều so với những gì bản thân ta đã trải qua? Nếu những người giàu có và quyền thế trên đời này có cố gắng đặt mình vào vị trí phía bên kia, liệu họ hiểu được đến đâu hàng tỉ người nghèo đang rên xiết chung quanh họ? Nhà tiểu thuyết Orhan có thể thấu thị đến mức nào những góc tối trong cuộc đời nhọc nhằn và đau khổ của người bạn thi sĩ?
Có một chỗ Ka viết: "Cả cuộc đời anh đã trôi qua trong cảm giác mất mát và thiếu hụt sâu sắc nhất, trong nỗi đọa đày của con thú bị thương. Có lẽ nếu anh không ôm em thật chặt, nếu anh không làm em nổi giận vào phút cuối thì anh đã không mất đi sự thăng bằng đã tìm được trong tám năm, quay lại điểm xuất phát ban đầu. Bây giờ anh lại tràn đầy cảm giác khôn nguôi mất mát và bị bỏ rơi. Nó làm anh ứa máu khắp cơ thể. Đôi khi anh nghĩ cái anh đánh mất không chỉ là em, mà là cả thế gian." Tôi đọc đấy, nhưng tôi có hiểu được không?
Khi chỗ whisky trong tủ lạnh khách sạn đã làm tôi đủ lơ mơ, tôi đến phố Kaiser lúc tối muộn để điều tra về Melinda.
Cô gái có cặp mắt to, rất to, màu ô-liu buồn bã, hơi hiếng, nước da cô trắng, đôi chân dài, cặp môi nhỏ nhưng dày - các thi sĩ phương Đông ắt sẽ ví nó với trái anh đào. Cô khá nổi tiếng: sau hai mươi phút lục tìm trong ngăn thuê băng hình của "Trung tâm sex thế giới" tôi tìm ra sáu băng mang tên cô trên bìa. Sau này, khi xem mấy băng trong số đó ở Istanbul, tôi hiểu được vì sao Ka chịu ấn tượng sâu sắc về cô đến thế. Kệ cho người đàn ông nằm giữa hai đùi cô xấu xí hay thô tục đến mức nào, biểu cảm trên khuôn mặt trắng trẻo của cô khi hắn rên lên sung sướng luôn luôn là một nét âu yếm đích thực, chỉ thấy ở những người mẹ. Khi mặc quần áo cô khêu gợi đến chừng nào (một nữ doanh nhân nhiều kỳ vọng, một cô nội trợ khốn khổ vì ông chồng liệt dương, một nữ phục vụ hàng không dâm đãng) thì khỏa thân ra cô vẫn mỏng mảnh và yếu đuối như thủy tinh Và như tôi nhận ngay ra khi tới Kars, rõ ràng cặp mắt rất to, bộ ngực căng và một nét gì đó trong phong thái của cô gợi nhớ đến Ipek.
Tôi biết, khi nói là bạn tôi trong bốn năm cuối đời đã mất khá nhiều thì giờ giải trí theo cách này tôi sẽ làm một số người nổi giận, những người vì yêu chuộng tưởng tượng và huyền thoại - đặc trưng cho kẻ bần hàn - muốn thấy trong Ka một thi sĩ trong sáng và thánh thiện. Trong khi lò dò giữa đám đàn ông, những bóng ma cô đơn, trong "Trung tâm sex thế giới" để tìm thêm các băng hình Melinda, tôi nghĩ, cái chung duy nhất của ông với lũ lợn đàn ông thảm hại trên thế giới này là cùng chui vào một góc xem phim khiêu dâm với ý thức tội lỗi. Trong những rạp phim phố 42 ở New York, phố Kaiser ở Frankfurt hay mấy ngõ nhỏ thuộc quận Beyoğlu ở Istanbul, lũ mày râu ấy trăm người như một đi xem phim con heo trong sự ngượng ngập và cảm giác lạc lõng. Ở tiền sảnh xám xịt tránh nhìn vào mắt nhau - một điểm chung khả dĩ làm rung chuyển mọi thành kiến dân tộc chủ nghĩa và lý thuyết nhân chủng học. Cầm trong tay một túi nylon đựng các băng hình Melinda. tôi rời khỏi Trung tâm sex thế giới, qua những phố vắng đi về khách sạn dưới những bông tuyết dày xốp.
Bên quầy bar ở tiền sảnh tôi còn uống hai ly whisky, ngó qua cửa sổ ra ngoài trời tuyết và đợi rượu ngấm. Tôi tin là nếu nốc cho đủ rượu trước khi lên phòng thì đêm nay tôi sẽ không thèm để ý tới Melinda hay các cuốn vở của Ka. Nhưng vào đến phòng thì tôi vớ hú họa một quyển, không cởi quần áo mà nằm xuống giường và bắt đầu đọc. Sau ba, bốn trang tôi thấy bông tuyết này.
Tuyết Tuyết - Orhan Pamuk Tuyết