Chương 27
uộc trao đổi ý kiến nghiêm túc ấy diễn ra sau ngày Fabrice trở về lâu đài Sanseverina; lúc bấy giờ nữ công tước hãy còn ấm ức với nỗi vui sướng bộc lộ trong mỗi một hành động của Fabrice. Bà tự nhủ: “Thế là cái con bé ngoan đạo ấy đã lừa ta! Nó không thể cự tuyệt tình nhân của nó quá ba tháng”.
Ông hoàng thân trẻ tuổi nhu nhược đã có gan yêu vì tin rằng chuyện tình duyên này sẽ kết thúc tốt đẹp. Ông có biết ít nhiều về việc chuẩn bị đi xa xảy ra ở lâu đài Sanseverina. Viên hầu phòng người Pháp của ông vốn ít tin ở đức hạnh của các bà lớn, khuyến khích ông mạnh dạn đối với nữ công tước. Quận vương Ernest V đã làm một việc mà thái phi cũng như tất cả những người nghiêm chỉnh ở triều đình đều phê phán nghiêm khắc; dân chúng thì lại thấy ở đó dấu ấn của sự ân sủng kỳ lạ mà hoàng thân dành cho nữ công tước. Đó là việc hoàng thân đến gập bà ở lâu đài bà.
Ông nói với giọng nghiêm trang mà nữ công tước thấy đáng ghét:
— Phu nhân đi. Phu nhân sắp lừa tôi và phản bội lời thề! Giá ngày ấy, tôi chuẩn y ân xá cho Fabrice chỉ chậm đi mười phút là y đã chết rồi. Thế mà giờ đây phu nhân bỏ mặc tôi đau khổ! Không có những lời thề ước của phu nhân, tôi đâu dám có cái can đảm yêu phu nhân như tôi đã yêu. Phu nhân không coi trọng danh dự rồi!
— Điện hạ ơi! Xin Người hãy suy nghĩ chín chắn đi. Suốt cả đời Người, đã có thời gian nào Người được có hạnh phúc như trong bốn tháng qua hay chưa? Vinh quang làm vua, và tôi dám tin rằng cả hạnh phúc được làm người tuấn nhã nữa, cũng chưa bao giờ đạt đến điểm cao ấy ở Điện hạ trước kia. Xin đề nghị với hoàng thân một hiệp ước, nếu Người hạ cố chấp nhận thì tôi sẽ không là nhân tình của Điện hạ trong chốc lát thoáng qua để thực hiện một lời thề bị bắt ép vì lo sợ, nhưng tôi sẽ sử dụng tất cả năm tháng trong đời tôi để tạo hạnh phúc cho Điện hạ; tôi sẽ luôn luôn làm như tôi đã làm trong bốn tháng vừa qua và biết đâu tình yêu không đến nở hoa trên tình bạn? Tôi đâu dám cam đoan là sự việc sẽ không xảy ra như thế.
— Thế thì phu nhân hãy đóng một vai trò khác, Hoàng thân sung sướng nói. Phu nhân hãy làm hơn thế, hãy ngự trị trong lòng tôi và trên đất nước tôi, hãy là thủ tướng của tôi; tôi hiến dâng người một cuộc hôn nhân trong điều kiện những lễ nghĩa đáng buồn của địa vị tôi cho phép. Chúng ta đã có một ví dụ ở gần ta, quốc vương Naples vừa cưới nữ công tước Partana. Tôi hiến phu nhân tất cả gì tôi có thể làm, nghĩa là một cuộc hôn nhân theo kiểu ấy. Tôi nói thêm một toan tính chính trị dung tục để chứng tỏ với phu nhân tôi không phải là một trẻ con nữa và tôi đã nghĩ đến mọi việc. Tôi không kể công với phu nhân về cái điều kiện tôi đặt cho mình là phải làm ông vua cuối cùng trong dòng họ, cũng như về nỗi buồn thấy liệt cường xử lý quyền kế vị mình trong lúc mình đang còn sống. Tôi cảm ơn những điều khó chịu thực sự đó bởi vì nó giúp tôi chứng minh niềm quí trọng và lòng say đắm của tôi đối với phu nhân.
Nữ công tước không chút nào do dự, quận vương thì chán ngắt còn bá tước thì bà thấy hoàn toàn đáng ưa; ở trên đời này, chỉ có mỗi một người có thể đáng ưa hơn bá tước mà thôi. Vả chăng, bà điều khiển bá tước còn hoàng thân thì do địa vị đòi hỏi, sẽ ít nhiều chỉ huy bà. Rồi thì hoàng thân có thể chán bà và lo kiếm nhân tình. Sự chênh lệch về tuổi tác, trong ít năm nữa sẽ công nhận cho người cái quyền đó.
Ngay từ đầu, cái triển vọng buồn chán đã quyết định tất cả. Tuy nhiên, muốn nhã nhặn, nữ công tước xin phép được để cho mình suy nghĩ.
Thuật lại ở đây những lời gần như âu yếm và những tiếng vô cùng êm dịu mà nữ công tước dùng để gói ghém sự từ khước e quá dài dòng. Hoàng thân nổi giận, ông thấy hạnh phúc của mình sắp tuột mất. Khi nữ công tước bỏ triều đình của ông ra đi thì ông sẽ thế nào đây? Vả lại, bị từ chối thì nhục quá: “Rồi tên hầu phòng Pháp sẽ nói thế nào khi ta thuật lại sự thất bại của ta?”.
Nữ công tước có cái thuật làm cho quận vương bình tĩnh và kéo cuộc thương lượng trở về trong giới hạn thích đáng.
— Nếu Điện hạ vui lòng đừng thúc giục tôi thực hiện một điều hứa hẹn tai hại mà tôi ghê tởm vì nó khiến tôi tự khinh bỉ mình, thì tôi sẽ sống ở triều đình ngài và cái triều đình đó sẽ luôn luôn như trong mùa đông vừa qua. Tôi sẽ tận dụng ngày giờ của tôi để góp phần tạo nên cho Điện hạ hạnh phúc làm người và vinh quang làm vua. Nếu ngài đòi tôi thực hiện lời hứa thì ngài sẽ làm ô nhục những ngày còn lại trong đời tôi và tôi sẽ tức khắc rời bỏ đất nước của ngài để không bao giờ trở lại. Ngày tôi bị nhục cũng sẽ là ngày cuối cùng tôi được gặp Điện hạ.
Nhưng hoàng thân gan lì như những người bạc nhược. Vả chăng có lòng tự ái vừa của người đàn ông vừa của bậc vua chúa, ông lấy làm bất bình vì việc cầu hôn của mình bị bác bỏ. Ông nghĩ đến tất cả những khó khăn ông phải vượt qua để làm cho cuộc hôn nhân được chấp nhận, những khó khăn mà ông định kiên quyết khắc phục.
Suốt ba tiếng đồng hồ, hai bên lặp lại những lý lẽ đã trao đổi, một đôi khi xen những tiếng khá bực dọc. Hoàng thân kêu:
— Phu nhân muốn tôi nghĩ rằng phu nhân không quí trọng danh dự hay sao? Nếu tôi cũng do dự lâu như vậy trong cái ngày tướng Conti đầu độc Fabrice thì ngày hôm nay, phu nhân đang phải lo xây mộ cho hắn trong một nhà thờ nào đó ở Parme rồi.
— Chắc là không ở Parme, cái xứ của những kẻ đầu độc này.
— Thế thì bà cứ đi đi, hoàng thân giận dữ đáp, và bà sẽ mang theo sự khinh bỉ của tôi.
Khi hoàng thân ra cửa, nữ công tước thấp giọng bảo:
— Thế thì ngài hãy đến đây lúc mười giờ tối, trong bí mật tuyệt đối, và ngài sẽ thua lỗ trong việc mua bán này mà thôi. Ngài sẽ gặp tôi một lần cuối mà thôi, trong khi tôi có thể hiến dâng cả cuộc đời tôi để làm cho ngài trở thành ông vua chuyên chính sung sướng nhất ở thời đại những người Jacobins này. Và ngài hãy tưởng tượng cái triều đình của ngài sẽ như thế nào khi tôi không còn ở đây nữa để lôi nó ra khỏi sự tầm thường ti tiện, sự độc ác cố hữu của nó.
— Về phần phu nhân, phu nhân đã từ chối ngai vàng xứ Parme và một cái gì còn hơn là ngai vàng nữa, bởi vì phu nhân sẽ không là một vương phi tầm thường cưới xin vì lý do chính trị, và không được yêu chuộng. Trái tim tôi là của phu nhân, và phu nhân sẽ làm chủ tuyệt đối những hành động của tôi cũng như của triều đình tôi.
— Vâng, nhưng mà lúc thái phi lệnh mẫu sẽ có quyền khinh bỉ tôi như là một người xúc xiểm xấu xa.
— À, nếu thế thì tôi sẽ phát lưu biệt xứ thái phi với một món trợ cấp.
Họ có nhiều lời đối đáp chua cay với nhau trong bốn mươi lăm phút nữa. Có một tâm hồn tế nhị, hoàng thân do dự, không dám dùng quyền của mình, cũng không cam để cho nữ công tước đi mất. Người ta từng nói với ông rằng vô luận bằng cách nào, hễ đã chung chạ với ta một lần đầu rồi thì thế nào người đàn bà cũng sẽ trở lại.
Bị nữ công tước bất bình xua về, ông đánh liều trở lại, run rẩy và khổ sở, vào lúc mười giờ kém ba phút. Đến mười giờ rưỡi; nữ công tước lên xe đi Bologne. Ra khỏi đất nước quận vương, bà viết thư ngay cho bá tước:
“Cuộc hiến sinh đã hoàn thành. Trong vòng một tháng nữa, đừng bảo em vui vẻ lên. Em không gặp lại Fabrice nữa. Em đợi anh ở Bologne và em sẽ là nữ bá tước Mosca lúc nào đó thì tùy anh. Em chỉ yêu cầu anh một điều là đừng buộc em trở lại cái đất nước mà em vừa rời bỏ, và anh cần nhớ là đáng lẽ có một trăm năm mươi ngàn livres lợi tức, anh sắp chỉ có ba mươi hay bốn mươi ngàn là nhiều nhất. Những đứa ngu sẽ há hốc mồm nhìn anh và anh sẽ chỉ được kính trọng trong chừng mực anh chịu khó hạ mình xuống thông cảm với tất cả những tư tưởng ti tiện của chúng. Bụng làm dạ chịu thôi bá tước ạ”.[126]
Tám hôm sau, hôn lễ được cử hành ở Pérouse, trong một nhà thờ có những ngôi mộ của tổ tiên bá tước. Quận vương thất vọng. Nữ công tước có nhận được của ông ta, bốn phong thư, phong nào bà cũng gửi trả lại nguyên xi, không bóc, Ernest V đã tặng bá tước một số tiền rất lớn và ban huân chương thượng đẳng của mình.
Bá tước nói với tân bá tước phu nhân Mosca Della Rovere:
— Cái làm cho tôi thích nhất trong cuộc chia tay với người là khoản ấy đấy. Chúng tôi từ biệt nhau như những người bạn hữu thân nhất trên đời. Người đã ban cho tôi một huân chương Tây Ban Nha thượng đẳng và một số kim cương cũng đáng quí ngang với huân chương kia. Người nói giá người không dành phương tiện ấy để thỉnh phu nhân trở về Parme thì người đã phong tước công cho tôi. Thế là tôi được ủy thác tuyên bố với phu nhân - sự vụ này quả là đẹp mặt cho một người chồng! - Là nếu phu nhân hạ cố trở về Parme, dù chỉ trong một tháng thôi, thì tôi sẽ được phong công tước, với danh hiệu phu nhân sẽ chọn, và phu nhân sẽ có một thái ấp lớn.
Bà công tước khước từ điều đó một cách ghê tởm.
Sau sự việc xảy ra trong vũ hội ở triều đình, một sự việc hầu như có tính cách quyết định. Clélia có vẻ không nhớ gì đến mối tình mà nàng đã có lúc chia xẻ. Tâm hồn trong sạch và tin Chúa đó đang bị giày vò bởi những ân hận kịch liệt nhất. Fabrice hiểu rõ điều đó và mặc dù chàng cố tìm hết cách để hy vọng, chàng cũng thấy một tai ương đen tối đang xâm chiếm tâm hồn. Tuy nhiên, lần này tai họa không đưa chàng đến tĩnh cư, như vào dịp hôn lễ Clélia.
Bá tước đã nhờ cháu ông báo cáo tường tận cho ông mọi việc xảy ra ở triều đình. Fabrice bắt đầu hiểu mình đã nhờ bá tước nhiều lắm cho nên tự hứa làm nhiệm vụ này một cách chu đáo, cũng như những người khác trong thành phố và ở giữa triều đình. Fabrice tin rằng bá tước có ý định trở lại nội các với nhiều uy quyền hơn trước nữa. Những dự kiến của bá tước không bao lâu sau đều tỏ ra là đúng, ông đi chưa đến sáu tuần thì Rassi trở thành thủ tướng. Fabio Conti bộ trưởng Bộ chiến tranh, và các nhà tù mà bá tước hầu như đã quét trống, nay lại đầy. Hoàng thân muốn đưa những người này lên để báo thù nữ công tước, ông say mê phu nhân đến như điên dại và ghét bá tước Mosca trước hết vì là một tình dịch.
Fabrice rất bận. Đức cha Landriani đã bảy mươi hai tuổi, mắc bệnh mệt mỏi biếng lười, hầu như không đi ra khỏi dinh nữa, vị phó chủ giáo phải cáng đáng hầu hết mọi nhiệm vụ.
Nữ hầu tước Crescenzi đầy lòng hối hận và bị cha rửa tội hăm dọa nên lo sợ, đã tìm thấy một cách tuyệt diệu để tránh Fabrice. Lấy cớ có thai con so, nàng trốn trong lâu đài của mình. Nhưng tòa lâu đài ấy lại có một cái vườn rộng mênh mông. Fabrice tìm cách vào được trong vườn và đặt ở con đường mà Clélia thích nhất những bó hoa xếp đặt để cho nó một ngôn ngữ, cũng như trước kia trong những ngày cuối Fabrice ở tù trong tháp Farnèse, Clélia gửi hoa đến cho chàng mỗi tối.
Nữ hầu tước rất bực tức về hành động ấy. Tâm hồn nàng lúc thì bị lòng hối hận giữ lại, lúc thì bị tình yêu cuốn đi. Suốt mấy tháng, bà tự kiềm chế, không ra vườn một lần nào. Bà cẩn thận đến nỗi không nhìn xuống vườn nữa.
Fabrice bắt đầu nghĩ rằng chàng phải vĩnh viễn xa nàng, và tuyệt vọng cũng bắt đầu xâm chiếm tâm hồn chàng. Thế giới mà chàng sống, chàng chán đến chết đi được; nếu chàng không tin sâu sắc là bá tước không thể có sự yên tĩnh của tâm hồn nếu không ở trong nội các, thì chàng đã lui vào ẩn cư trong cái phòng nhỏ của chàng ở tòa tổng giám mục rồi. Giá được sống hoàn toàn với cảm nghĩ của mình và không phải nghe tiếng người, ngoài những lúc chính thức thực hiện nhiệm vụ, thì thú biết bao nhiêu! Chàng tự nhủ: “Nhưng mà, vì quyền lợi của bá tước Mosca và phu nhân, không ai thay thế ta được”.
Hoàng thân vẫn đối xử với chàng một cách đặc biệt quí, sự quí trọng này đưa chàng lên hàng đầu trong triều đình và ân huệ ấy phần lớn do tự chàng tranh thủ được, Fabrice hết sức dè dặt trong cư xử, vì chàng hờ hững đến ngán ngẩm đối với những tình cảm hay dục vọng nhỏ nhen choán hết cuộc sống của một con người; tính dè dặt ấy kích thích tính khoe khoang của ông hoàng thân trẻ tuổi, ông thường nói Fabrice cũng thông minh ngang với cô chàng. Tâm hồn ngây thơ của hoàng thân đã gần như ý thức được một sự thực, đúng là không một người nào có tấm lòng thành của Fabrice khi giao thiệp với ông. Có một điều không ai không nhận thấy, dù đó là một quan triều tầm thường nhất, là sự trọng vọng mà Fabrice đạt được không phải là sự tôn trọng đối với một phó chủ giáo bình thường, nó đã vượt lên trên cả sự trọng vọng mà hoàng thân dành cho đức tổng giám mục. Fabrice viết thư cho bá tước nói nếu có khi nào hoàng thân đủ sáng suốt để nhận thấy mó bòng bong mà bọn quan thượng Rassi, Conti, Zurla và một lũ nữa cân tài cân sức đã gây ra trong công vụ, thì Fabrice sẽ là một trung gian để ông tiến hành một cuộc vận động không thương tổn đến lòng tự ái lắm.
Giá không nhớ cái tiếng tai hại chú bé ấy - Fabrice viết cho nữ bá tước Mosca - cái tiếng do một nhân vật thiên tài dùng để nói về một đấng chí tôn, thì đấng chí tôn kia đã kêu lên: “Hãy về ngay và đuổi hộ tôi cái bọn khố rách ấy đi”. Ngay ngày hôm nay, nếu bà vợ nhân vật thiên tài ấy hạ cố vận động, dù vận động nhẹ nhàng gọi là cho có, người ta cũng sẽ vời bá tước về một cách hăng hái. Nhưng bá tước sẽ về qua một cái cửa đẹp đẽ hơn nhiều nếu ông vui lòng đợi cho quả chín muồi đã. Ngoài ra họ chán ngấy các phòng khách của thái phi; ở đấy họ chỉ biết lấy sự điên dại của Rassi làm điều tiêu khiển, vị này từ khi được phong bá tước thì đâm ra mắc bệnh si quí tộc. Người ta vừa ra những lệnh nghiêm ngặt để cho những ai không chứng minh được là mình đã qua tám đời quí tộc thì không dám đến dự những tối tiếp khách của thái phi nữa (nguyên bản viết rõ như vậy). Tất cả những ai đã từng được vào cung buổi sớm và đứng chầu vua lúc ngài ra đi dự lễ ở nhà nguyện thì vẫn được tiếp tục giữ đặc ân kia, nhưng những người mới đến thì phải chứng minh tám đời quí tộc. Người ta nói thế rõ ràng là Rassi không có “đời quí tộc nào”.
Tất ai cũng đoán biết những thư từ như thế không gửi qua đường bưu điện. Từ Naples, nữ bá tước trả lời:
“Ở đây mỗi thứ năm có hòa nhạc, mỗi chủ nhật có tiếp khách. Các phòng khách của cô chủ đông đến không có chỗ cựa quậy. Bá tước thích mê những cuộc khai quật của ông, ông bỏ ra mỗi tháng một nghìn francs chi tiêu vào việc đó, và mới đây, ông gọi thợ từ dãy núi Abruzze đến, họ chỉ lấy tiền công hai mươi ba xu mỗi ngày. Anh nên đến đây chơi với cô chú. Ấy, tôi đã kêu gọi ông đến hơn hai mươi lần, ông bất nghĩa vô ơn ạ”.
Fabrice có khi nào vâng chịu! Bức thư thông thường chàng gửi hàng ngày cho bá tước hay phu nhân, chàng đã thấy như một khổ dịch khó chịu nổi rồi. Người ta sẽ tha thứ cho chàng nếu người ta biết rằng đã một năm tròn sống như thế, chàng vẫn không làm cách nào nói được với Clélia một câu. Tất cả những cố gắng của chàng để trao đổi thư từ đều bị cự tuyệt một cách ghê tởm. Sự im lặng thường ngày và bất cứ ở đâu, trừ trong việc thờ Chúa và việc triều đình, im lặng vì chán đời cộng với lối sống tuyệt đối trong sạch đã khiến Fabrice được sùng kính phi thường, cho nên cuối cùng chàng quyết định làm theo lời khuyên của bà cô. “Quận vương sùng kính anh quá - bà công tước đã viết - cho nên anh phải nghĩ đến một sự thất sủng xảy ra trong không lâu nữa. Ông sẽ tỏ ra hết sức hững hờ, và sự khinh bỉ ghê gớm của quần thần sẽ đi liền theo sự khinh bỉ của ông. Những ông vua chuyên chế cỏn con ấy, dù lương thiện bao nhiêu, cũng thường thay đổi như thời trang và vì lý do tương tự: Chán. Anh chỉ có thể tìm thấy đủ sức chống tính tùy hứng của nhà vua trong sự thuyết pháp. Anh ứng tác thơ rất cừ mà! Hãy thử giảng nửa giờ đạo lý xem sao. Lúc đầu anh có thể lạc vào tà thuyết. Nhưng hãy thù lao cho một nhà thần học thông thái và kín đáo để hắn dự các buổi giảng của anh và lưu ý anh về những lỗi lầm. Ngày hôm sau anh sẽ sửa chữa những lỗi lầm đó”.
Khi tim người ta mang nỗi đau khổ của một mối tình bị ngăn trở thì mọi công việc bắt người ta chú ý và phải hoạt động đều trở thành một khổ dịch ghê gớm. Tuy nhiên Fabrice tự nhủ nếu chàng gây được uy tín trong công chúng thì uy tín đó một ngày kia sẽ có thể có ích cho cô chàng và bá tước; đối với hai người này, lòng sùng kính của chàng cứ ngày càng tăng lên, khi qua công việc, chàng càng nhận thấy sự độc ác của người đời.
Fabrice quyết định thuyết pháp. Nhờ thân thể gầy gò và áo quần sờn cũ góp sức trước vào, sự thành công của Fabrice phải công nhận là không tiền khoáng hậu. Người nghe tìm thấy trong bài giảng của chàng một hương vị sầu tư sâu sắc, hương vị đó gộp với gương mặt đáng yêu và những huyền thoại về cảnh ân sủng vô thượng của chàng tại triều, đã chinh phục trái tim của tất cả phụ nữ. Họ sáng tạo ra là chàng đã từng là một trong các vị tướng chỉ huy dũng cảm nhất trong quân đội hoàng đế Napoléon. Không bao lâu sau, cái chuyện vô lý đó được người ta tin răm rắp. Người ta giữ chỗ trước ở những nhà thờ chàng sắp giảng. Những người nghèo đến từ lúc năm giờ sáng, choán ghế để bán lại chỗ ngồi.
Fabrice thành công quá nên cuối cùng, chàng nẩy ra một ý kiến làm thay đổi tất cả trong tâm hồn chàng, chàng nghĩ rằng một ngày kia, dù chỉ vì tò mò mà thôi, nữ hầu tước Crescenzi có thể đến nghe một bài thuyết pháp của chàng. Cho nên bỗng nhiên công chúng vui sướng nhận thấy tài hoa của chàng tăng tiến bội phần; khi chàng cảm động, chàng đánh bạo sử dụng những hình ảnh có thể làm cho những diễn giả thành thạo nhất cũng phải rùng mình vì sự táo tợn của nó; những khi khác, chàng quên mực thước và đắm đuối trong cảm hứng, thế là cả cử tọa ứa nước mắt. Tuy nhiên chàng mất công chíu mày tìm trong hàng nghìn gương mặt hướng về diễn đàn cái gương mặt có thể là một biến cố lớn trong đời chàng.
“Tuy nhiên, nếu ta được có diễm phúc ấy, chàng tự bảo, thì ta sẽ lịm đi, hoặc là ta líu lưỡi không nói được nữa”. Đề phòng nguy hại thứ hai, chàng đã đặt ra một bài cầu nguyện trìu mến và thiết tha mà chàng luôn luôn đặt một bên diễn đàn, trên một chiếc ghế đẩu. Chàng dự định nếu mà nữ hầu tước đến khiến chàng luống cuống không nghĩ ra lời để nói, thì chàng sẽ đọc bài cầu nguyện đó.
Một hôm, những tên người nhà của hầu tước đã nhận thù lao của chàng, cho chàng biết người ta ra lệnh chuẩn bị buồng lô nhà họ Crescenzi ở nhà hát lớn cho ngày hôm sau. Đã một năm qua, nữ hầu tước không dự một cuộc biểu diễn nào; nàng phá lệ là vì lần này, người biểu diễn là một danh ca giọng cao làm mọi người say khướt và nhà hát đầy ăm ắp mỗi tối. Thoạt tiên Fabrice vui mừng khôn xiết kể. “Thế là ta được ngắm nhìn nàng cả một buổi tối. Người ta nói nàng xanh xao lắm”. Và chàng cố hình dung xem cái gương mặt đáng yêu kia đã trở nên như thế nào với những màu sắc phai nhợt sau các cuộc bão táp trong lòng.
Anh bạn Ludovic sững sờ trước sự điên rồ liều lĩnh của ông chủ, tìm được, nhưng phải vất vả lắm, một buồng lô ở dẫy thứ tư, hầu như đối diện với buồng của hầu tước phu nhân. Fabrice nảy ra một sáng kiến: “Ta hy vọng gợi được cho nàng cái ý muốn đi nghe thuyết pháp và ta sẽ chọn một nhà thờ rất nhỏ, để có thể nhìn nàng được tường tận”.
Thường thường don Cesare thuyết pháp vào lúc ba giờ. Từ sáng sớm cái hôm nữ hầu tước định dự buổi ca nhạc, chàng cho loan báo là vì nhiệm vụ, chàng phải có mặt ở tòa tổng giám mục suốt cả ngày, cho nên lần này chàng sẽ cá biệt thuyết pháp lúc tám giờ rưỡi tối, ở tại nhà thờ nhỏ Đức bà Visitation nằm đối diện một chái của lâu đài Crescenzi. Ludovic thay mặt chàng đem đến hiến các bà xơ ở nhà thờ đó một số nến rất lớn, yêu cầu các bà thắp sáng rực nhà thờ lên trong đêm thuyết pháp. Người ta phái đến cho chàng cả một đại đội lính thủ pháo trong đội cấm vệ, và người ta đặt ở trước nhà nguyện một lính gác, súng cắm lưỡi lê, để đề phòng trộm cắp.
Cuộc thuyết pháp được báo bắt đầu lúc tám giờ rưỡi, nhưng mới hai giờ, nhà thờ đã đầy ắp người, người ta có thể hình dung cái phố vắng vẻ ở đó nổi bật kiểu kiến trúc nguy nga của tòa lâu đài Crescenzi, hôm nay trở nên huyên náo như thế nào. Fabrice có cho báo là để tỏ lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Tình Thương, chàng sẽ thuyết giáo về lòng thương xót mà một tâm hồn quảng đại cần có đối với một kẻ đau khổ, ngay cả khi kẻ ấy phạm tội.
Trá hình hết sức cẩn thận, Fabrice đến buồng lô của mình ở nhà khi cửa vừa mở và chưa có ngọn đèn nào thắp lên. Buổi ca nhạc bắt đầu vào lúc tám giờ. Mấy phút sau, chàng được hưởng cái thú không trí tuệ nào hình dung được, nếu tự nó không được hưởng, chàng thấy cửa buồng lô Crescenzi mở và giây lát sau, nữ hầu tước đi vào. Fabrice chưa hề được nhìn nàng rõ như vậy từ cái hôm nàng tặng chàng cây quạt. Chàng mừng tưởng như đến nghẹt thở. Chàng cảm thấy trong người có những biến chuyển kỳ lạ đến nỗi phải nghĩ thầm: “Có lẽ ta sắp chết! Chấm dứt cuộc đời đáng buồn theo kiểu này thì cũng mê thật! Có thể ta sẽ ngã xuống trong cái buồng này. Những con chiên tập hợp ở nhà thờ Visitation sẽ không thấy ta đến, và ngày mai họ sẽ biết là vị tổng giám mục tương lai của họ đã phạm giới trong một buồng lô nhạc viện, lại đã hóa trang làm một tên người hầu, mặc đồng phục người hầu nữa chứ! Thôi thì xong đời cái danh tiếng của ta! Nhưng danh tiếng để mà làm gì kia chứ?”
Tuy nhiên, đến tám giờ bốn mươi lăm, Fabrice miễn cưỡng rời bỏ buồng lô hàng thứ tư và phải khó nhọc lắm mới đi bộ đến được nơi đã bố trí để trút bỏ quần áo người hầu nhà quan và mặc y phục đúng đắn. Cho đến khoảng chín giờ, chàng mới đến nhà thờ Visitation, trong tình trạng xanh xao và yếu một đến nỗi người ta đồn là đức cha phó chủ giáo tối nay không thuyết giáo được. Người ta có thể đoán các bà xơ săn sóc đức cha sốt sắng như thế nào, ở cổng nhà tiếp khách trong, là nơi cha tạm nghỉ. Các bà xơ ấy nói chuyện huyên thuyên; Fabrice yêu cầu để yên cho chàng ngồi một mình trong mấy phút, rồi chàng chạy đến diễn đàn. Một phụ tá của chàng từ hồi ba giờ đã báo cho chàng biết nhà thờ Visitation chật ních người, nhưng toàn là người ở tầng lớp cố cùng, chắc là vì thấy có hoa đăng rực rỡ mà kéo tới. Lên diễn đàn, Fabrice ngạc nhiên một cách vui vẻ khi thấy các hàng ghế đầu đầy những thanh niên phong nhã và những nhân vật quyền quí nhất.
Chàng bắt đầu bài thuyết pháp bằng vài lời tạ lỗi được chào đón bằng những tiếng rít khẽ khâm phục. Rồi chàng diễn tả nồng nhiệt con người khốn khổ cần phải thương xót để tỏ lòng sùng thương Đức Mẹ Tình Thương. Người cũng đã chịu biết bao đau khổ trên quả đất này. Diễn giả rất xúc động. Có những lúc chàng chỉ có thể nói vừa đủ nghe cho mọi người ở mọi nơi trong cái nhà thờ nhỏ ấy. Trước con mắt của tất cả phụ nữ và một số khá đông trong nam giới, thì đức cha trông như chính là con người đau khổ cần được thương xót đó, bởi vì mặt cha xanh xao nhợt nhạt quá. Mấy phút sau những câu thanh minh bắt đầu bài giảng, người ta đã nhận thấy đức cha phó chủ giáo khác thường, tối hôm nay người buồn rười rượi, buồn sầu thương hơn mọi lần. Có lúc thấy mắt người rớm lệ, tức thời trong cử tọa nổi lên những tiếng nấc đều khắp và ồn ào đến nỗi phải ngừng giảng.
Sau lần gián đoạn này, còn đến mười lần khác nữa. Thính giả kêu lên vì khâm phục, lại có khi khóc rưng rức. Từng lúc người ta nghe những tiếng suýt xoa: “Đức Thánh Mẫu ôi!” “Ôi! Lạy Chúa!” Trong đám cử tọa thượng lưu ấy, sự xúc động đều khắp và không cưỡng được; không ai thấy xấu hổ vì kêu to và những người ngồi cạnh họ cũng không thấy lố bịch, buồn cười.
Trong giờ nghỉ theo lệ ở giữa buổi thuyết pháp, có người nói với Fabrice là không còn một ai ở buổi ca nhạc nữa, chỉ còn một phu nhân ngồi trong buồng lô của mình, đó là bà hầu tước Crescenzi. Trong giờ nghỉ đó, thình lình người ta nghe có tiếng ồn ào lớn trong buồng, do các con chiên, họ biểu quyết dựng một tượng đài cho đức cha phó chủ giáo. Sự hoan nghênh của cử tọa đối với phần giảng thứ hai của bài thuyết pháp sôi sục và có tính cách phù hoa quá, những hưng phấn tín ngưỡng nhường chỗ cho những tiếng kêu reo có vẻ phàm tục: “Del Dongo muôn năm!"
Fabrice vội vã xem đồng hồ của mình và chạy đến cái cửa sổ có chắn song lấy ánh sáng cho buồng để phong cầm ở trong tu viện. Vì phép lịch sự đối với đám đông bất thường, đông khó tưởng ở đường phố, người gác cổng ở lâu đài Crescenzi đã đặt một tá đuốc trong những nắm tay sắt nhô ra ở các bức tường tiền điện của mấy lâu đài xây dựng từ thời Trung thế kỷ, sau mấy phút trong khi những tiếng reo hò còn kéo dài mãi về sau nữa, sự kiện mà Fabrice hồi hộp chờ đợi đã xảy ra, xe nữ hầu tước từ nhà hát về hiện ra trên đường phố, người đánh xe buộc phải dừng lại, và phải cho ngựa nhích từng bước, rồi phải hò hét nhiều, xe mới đến được cổng lâu đài.
m nhạc tuyệt vời ở nhà hát đã khiến nữ hầu tước vô cùng xúc động, cũng như mọi tâm hồn đau khổ, nhưng phu nhân còn cảm động hơn vì cảnh vắng vẻ hoàn toàn của nhà hát, khi bà nghe giải thích nguyên nhân của sự vắng vẻ đó. Giữa màn hai, trong khi danh ca giọng cao nổi tiếng ra sân khấu, công chúng, kể cả công chúng ở tầng nền đã đột ngột bỏ trống các hàng ghế để đi cầu may đến cố chen vào nhà thờ Visitation. Thấy công chúng đông quá, xe mình đến trước cổng mà không đi lên được nữa, hầu tước phu nhân khóc và tự nhủ: “Quả ta chọn không lầm!"
Tuy nhiên, cũng vì phút cảm động ấy mà nàng cương quyết chống lại những lời khuyên bảo của hầu tước và tất cả bạn bè của gia đình, họ không quan niệm được có thể là nàng không đi nghe một nhà thuyết giáo lạ lùng như vậy. “Chung quy, ông ta ăn đứt danh ca giọng cao xuất sắc nhất của nước Ý”. Người ta bảo vậy. Clélia tự nhủ: “Nếu ta nhìn thấy chàng thì ta nguy mất!”
Tài hoa của Fabrice ngày càng rực rỡ, chàng còn thuyết giáo ở cái nhà thờ nhỏ ấy nhiều lần nữa, nhưng cũng hoài công; không bao giờ chàng nhìn thấy Clélia. Hơn thế, cuối cùng Clélia nói tức về việc chàng kiên trì đến quấy rối cảnh yên tĩnh ở đường phố hiu quạnh của mình, sau khi đã đuổi khỏi vườn mình.
Nhìn qua những gương mặt phụ nữ đến nghe mình giảng đạo, đã từ khá lâu, Fabrice để ý thấy một cô bé tóc đen rất xinh, mắt long lanh ánh lửa. Đôi mắt tuyệt vời đó hễ cứ đến câu thứ chín thứ mười bài thuyết pháp là đẫm lệ. Khi chàng buộc phải nói dài dòng và nói những điều chán ngắt đối với riêng mình, thì chàng vui lòng nhìn vào gương mặt trẻ măng đáng mến ấy để cho mắt được nghỉ ngơi. Chàng được biết người thiếu nữ đó tên là Anetta Marini con một và là người thừa kế gia tài của người buôn len dạ giàu nhất Parme mới chết mấy tháng trước.
Không bao lâu cái tên Anetta Marini, con gái người buôn len dạ đã ở trên cửa miệng mọi người, người ta nói cô chết mê chết mệt Fabrice. Khi những cuộc thuyết pháp bắt đầu, cuộc hôn nhân của cô với Giacomo Rassi, con trưởng vị bộ trưởng bộ tư pháp đã được quyết định; cô cũng có cảm tình với chàng trai đó. Nhưng chỉ mới nghe Đức cha Fabrice nói hai lần, cô đã tuyên bố không muốn lấy chồng nữa; khi người ta hỏi vì sao có sự thay đổi ý kiến lạ lùng như vậy, cô nói một người con gái lương thiện mà chịu lấy một người làm chồng trong khi say mê một người khác là không xứng đáng. Lúc đầu, gia đình cô ta tìm kiếm xem người khác đó là ai, nhưng vô hiệu.
Nhưng rồi những giọt nước mắt nóng bỏng mà Anetta nhỏ ra trong các buổi nghe giảng đạo đã đưa họ vào con đường chân lý. Mẹ và các chú, các cậu cô thiếu nữ hỏi có phải cô yêu Đức cha Fabrice không, cô mạnh dạn trả lời rằng vì người ta đã khám phá ra sự thực, nên cô không đành hạ mình nói dối. Cô nói thêm là đã không có hy vọng gì lấy người mà cô yêu thì ít ra cô cũng không muốn gai mắt phải nhìn bộ mặt lố bịch của công tử Rassi. Con trai của một người mà tất cả thị dân thành Parme ghen tị đã bị cô gái coi là dơ dáy, việc đó mấy hôm sau đã trở thành đầu đề cho sự bàn kháo trong thành phố. Người ta thấy câu trả lời của Marini rất thú vị, nên ai cũng thuật lại. Ở lâu đài Crescenzi, người ta nói đến chuyện này cũng như ở khắp mọi nơi.
Clélia hẳn là giữ miệng không nói gì về việc này trong phòng khách của mình. Nhưng nàng hỏi dò chị hầu phòng, và chủ nhật sau, khi xem lễ ở nhà nguyện trong lâu đài xong, nàng cho chị hầu phòng lên xe đi theo nàng để đến một buổi lễ thứ hai ở giáo khu cô Marini. Nàng thấy đã có mặt đông đủ tất cả những chàng trai trẻ của thành phố, họ đều đến đó vì cùng một duyên cớ. Các vị ấy đang đứng gần cửa ra vào. Giây lát sau có một sự chuyển động lớn trong đám thanh niên ấy và Clélia hiểu rằng tiểu thư Marini đang đi vào nhà thờ. Nơi Clélia đứng rất thuận lợi để nhìn cô thiếu nữ; mặc dù ngoan đạo, nàng không chú ý gì đến cuộc hành lễ. Nàng tìm thấy ở cô gái thị dân xinh đẹp ấy một vẻ tự thị mà nàng cho là cùng lắm cũng chỉ có thể hợp với một phụ nữ đã có chồng nhiều năm. Tuy nhiên, thân hình nhỏ nhắn của cô rất cân đối và đôi mắt linh hoạt có vẻ như người xứ Lombardie nói, “trò chuyện với những vật mà nó nhìn”. Nữ hầu tước ra về trước khi cuộc hành lễ chấm dứt.
Từ ngày hôm sau những bạn bè nhà Crescenzi - những người này tối nào cũng đến chơi ở đấy kể thêm một chuyện lố lăng mới của cô bé Marini. Sợ cô làm những điều điên rồ liều lĩnh, mẹ cô chỉ cho cô ít tiền thôi, cô đến trao một chiếc nhẫn kim cương rất đẹp cho ông Hayez trứ danh, lúc đó đang ở Parme để lo trang trí các phòng khách lâu đài Crescenzi; chiếc nhẫn đó là tặng phẩm của cha cô, cô đến đưa cho Hayez để nhờ ông ta cho mình một bức chân dung ngài Del Dongo. Nhưng cô muốn chân dung ấy mặc áo đen bình thường chứ không khoác y phục cha cố. Thế mà ngày hôm trước, mẹ cô đã lấy làm ngạc nhiên, hơn nữa bất bình khi tìm thấy trong buồng con gái mình một bức chân dung của Fabrice Del Dongo rồi, một chân dung lộng lẫy lồng trong chiếc khung thiếp vàng đẹp nhất trong số được làm ra ở Parme hai mươi năm qua.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme