Chương 28: Đại Sứ
hi Jules Hardouin-Mansart, kiến trúc sư trưởng của Cung Điện Versaillé, cho Corradino xem sơ đồ của ông gọi là Đại sảnh Gương thì cả Corradino cũng đã có lúc nghĩ rằng nó không thể thực hiện được. Phải có hai mươi mốt tấm gương thật lớn, mỗi tấm gồm hai mươi mốt ô kính. Mỗi ô kính phải toàn bích, phẳng, đúng với sự phản chiếu pha lê. Không được có độ chênh ở các mép để mặt kính có vẻ như một tấm, không có sự đứt quãng ở hình phản chiếu. Hơn nữa,mỗi tấm kính phải phản chiếu đúng tấm kính đối diện nó để ánh sáng bên ngoài và ánh sáng bên trong kết hợp lại, để tạo nên, như Hardouin Mansart nói, gian phòng sáng nhất trên thế giới. Cũng cần phải có một loạt bức bích họa tuyệt mỹ trên trần, mô tả cuộc đời của Vua và những vinh quang của Pháp Quốc. Những bức tranh này phải do họa sĩ Hoàng gia Charles Le Brun và các thợ học việc của ông vẽ.
Bản thân Le Brun cũng thường xuyên có mặt tại công trường, không ngớt hỏi Corradino về hướng ánh sáng, góc phản chiếu và những hàm ý sâu xa cho tranh của ông. Dần dần, những bức tranh kỳ diệu của Le Brun thành hình – trên cao, những con bồ câu bằng thạch cao vỗ cánh trên tầng bình lưu, còn những mỹ nữ ngực trần nằm dài trên những đám mây dày nhìn những chiến xa chiến thằng bằng vàng của Vua. Corradino nhận thấy một tài năng tương đồng, nhưng cảm thấy gánh nặng nhiệm vụ bày ra cho chàng. Thủy tinh của chàng phải được thể hiện được những tiên cảnh này.
Ngay cả nhà thiết kế những khu vườn lớn, André Le Nôtre, cũng đến xem gian phòng để xem xét nghệ thuật của mình sẽ được phản chiếu ra sao trong bức tường gương.
Thế nhưng, dù vẫn có những nghi ngại, Corradino cũng thấy rằng tất cả sự trợ giúp đều có sẵn cho chàng tùy nghi sử dụng. Những cuộc họp bàn với các thợ mộc và thợ nề, sự trợ giúp của các thiết bị đo đạc mới nhất, những nhà toán học đến từ Paris. Xưởng - được xây có chủ ý giữa các vườn rau của cung điện - được trang bị đầy đủ, còn Jacques Chauvire thì làm việc chăm chỉ và tấn tới thấy rõ. Khi Corradino chỉ cho Jacques phuơng pháp bí mật của mình thì chàng trai tấn tới, và cùng nhau thầy trò đã bắt đầu làm ra những ô kính mỗi lúc một lớn hơn. Corradino dần dần ít phải nấu chảy lại những sản phẩm của Jacques, và đến cuối tháng đầu tiên Corradino ở Paris thì Jacques đã làm đuợc ô gương hình vuông khá tốt của mình.
Đêm đến Corradino trở về ngôi nhà được bày biện đầy đủ ở làng Trianon lân cận. Với sáu gian, một cô hầu và một vườn rau nhỏ, nó đem lại sự sang trọng nhiều hơn chàng được nếm trải từ sau khi rời dinh thự Manin. Chàng đã bắt đầu thong dong - để cảm thấy, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm trời, là mình không bị theo dõi. Đôi khi, trong nắng chiều nhạt dần khi chàng đứng cuối vườn ngắm nhìn cung điện khổng lồ lớn dần, một cốc ruợu Pháp ngon trong tay, nghĩ về Leonora, chàng gần như hạnh phúc.
Cái cảm giác thỏai mái mới mẻ này đã được đặt định phải ngắn ngủi.
Vào cái ngày trọng đại khi những ô kính tráng thủy đầu tiên được đặt vào vị trí trong Đại sảnh Gương. Corradino đứng chống nạnh, giảm sát công việc khi tấm kính cuối cùng đựoc đặt vào chỗ. Cả một đám người đã tụ tập để ngắm công trình, kể cả Hardouin Massart và Le Nôtre. Thật sự là một nhóm người được đặc ân, và cuối cùng họ đã được tưởng thưởng khi công trình gương được hoàn tất và đám đông đứng lùi lại kính sợ. Một sự nín lặng buông xuống khi những người đàn ông quan sát công trình do chính nó làm ra – tấm gương uốn vòng cung trên đầu, cao và rõ, những thanh giằng mạ vàng bắc ngang qua các ô kính như ánh sáng bị nhốt lại cùng vàng. Cũng như hình phản chiếu của chính họ, những người tụ tập nhìn thấy những khu vườn gần như hoàn thành, và những cái hồ đang được làm đầy trải dài ra xa, đến tận nơi chân trời, trong một phép lạ thiết kế quang học. Công trình quả là một kỳ quan, và tất cả những người tụ tập đã thấy những điều phi thường nào nữa mình có thể chờ thấy khi đại sảnh hoàn tất. Không một ai nhúc nhích, không thể rời mắt đi được. Trò chuyện, khi đã nín lại, tan thành im lặng. Nhưng không chỉ do sự thán phục, hay trọng vọng dành cho kỹ xảo mà tất cả họ đã được chứng kiến. Họ nín lặng vì sự có mặt của hoàng tộc, Vua đang bước vào đại sảnh.
Louis sải bước đến tấm gương, và tất cả những người tụ tập liền quỳ mọp sát đất. Corradino cúi thấp, tim chàng đập mạnh.
Không biết ông vua thất thường này có chấp thuận tác phẩm của mình hay không?
Chẳng mấy chốc chàng có một nỗi lo lớn hơn phải tính đến - hai mắt nhìn xuống của chàng nhìn kỹ đôi giày của Vua, rồi đưa qua đôi giày kế nó - đôi giày Bauta thắt dây đỏ, chỉ có bán ở Rialto.
Giày Venice
Tóc Corradino dựng đứng trên da đầu. Chàng không dám ngước mắt lên. Nhưng khi đám đông quanh chàng đứng thẳng lại thì chàng tính chuyện thụt lùi ra cuối đám đông, khi Hardouin-Mansart và Le Nôtre tiến lên phía trước để yết kiến. Vua đang nói. Máu giật trong tai Corradino to đến độ chàng không thể, tức thì, nghe thấy gì.
"Thế là, ngài đại sứ, cũng khá hả? Có lẽ ngay đến ngài cũng buộc lòng công nhận là lâu đài bé nhỏ của ta khi hòan thành sẽ được sánh với những dinh thự đang đổ sụm của ngài?"
Đại sứ nhã nhặn cúi đầu nhưng Corradino có thể thấy là mắt ngài ẩn kín dưới hàng mi dày, cái nhìn của nó lạnh lùng và phòng thủ. Chàng nghĩ mình có biết chút ít về đại sứ, một người dòng họ Guilini ở Venice, tùy viên của Arsenale nhiều năm trước khi cha Corradino còn buôn bán với vùng Baltic. Lúc đó ngài là một thanh niên trẻ ít nói nhưng rất thông minh. Ngài chắc hẳn đã nhờ thế lực của dòng họ mà vươn lên địa vị xã hội cao trọng này, nhưng trông như thể trí tuệ của ngài xứng đáng với địa vị. Mặc nhung và xa tanh thượng hạng xứ Venice, tóc râu cắt tỉa và thoa dầu, Đại sứ trông không giống một công tử bột mà là một con người bình tĩnh, tự tin và rất nguy hiểm.
Vua nhận ra Hardouin-Mansart và Le Nôtre đứng trong đám đông. Vua đưa bàn tay đeo nhẫn béo núc ra hiệu và hai vị này cúi thấp khi Vua bắt đầu giới thiệu chẳng đầu chẳng đuôi. "Đây là Hardouin-Mansart, kiến trúc sư vẽ cung điện cho ta. Còn kia là Le Nôtre, người làm ra những khu vườn. Mọi việc tốt chứ?" Vua xua câu trả lời của họ đi. "Phải, phải, nhưng tấm gương này còn hay hơn cả công sức của hai người, không phải sao? Ta cho là hai ngươi ghen tỵ? Đi mà bảo một thợ nề của các ngươi thả một viên gạch lên nó đi, Jules?". Vua cười câu hóm hỉnh của mình và triều thần phụ hóa. Thế rồi, khi Corradino bắt đầu thư thả, Luois thốt ra một câu hỏi làm máu chàng đông lại. "Thầy Gương của ta đâu? Không thể để cả hai ngươi nhận hết hoa…" Mắt Vua lục tìm trong đám đông, tìm thấy ánh mắt Corradino. Tim Corradino đập mạnh đến nỗi chàng nghĩ mình sắp chết. Một nụ cười vụt qua những nét mặt của Vua như một đám mây mùa hè. "Hắn ta đây rồi".
Mình tiêu rồi - đời mình kết thúc rồi.
Những bàn tay múp míp ra hiệu cho Jaques Chauvire. Guillaume Seve, bị bỏ qua không được giao việc, nhiễu sự xô nhẹ Jacques, và chàng trai ngã nhào tới trước lóng ngóng, nắm chặt cái mũ da trong tay.
Baldasar Guilini độc địa nhìn Jacques chòng chọc từ dưới cặp mày nhướng lên. Ngài đi quanh chàng trai trên gót giày Venice, nhìn chàng từ đầu xuống chân. Rồi ngài bước tới tấm gương, rút bàn tay, từng ngón một, khỏi đôi găng tay da của mình. Ngài chìa ngón trỏ ra và sờ vào mặt kính phẳng, lạnh, để lại một dấu vân tay mờ. Corradino, dù không muốn, đã nhăn mặt như thế một kẻ quyến rũ đang chạm ngón tay lên con gái mình.
Baldasar quay lại Jacques.
"Có gì sao, ngài Đại sứ?" Louis hỏi, dường như đang kiềm chế một trò giễu cợt riêng tư.
Đại sứ rõ là đã tỉnh trí lại. "Xin thứ lỗi cho thần, thưa bệ hạ. thần đang nghĩ rằng người đàn ông này – Chauvire, phải chăng – là quá trẻ không thể nào lại sáng tạo được một kiệt tác như vậy."
Jacques dịch sức nặng thân người, khi Louis đáp, "Có lẽ khó mà chấp nhận rằng nước Pháp cuối cùng cũng đã đạt được phẩm chất đồ thủy tinh mà người Venice đã được hưởng bất nhiêu năm qua."
Baldasar nhìn từ tấm gương qua Jacques rồi lại nhìn tấm gương. "Trong tấm gương này có bao nhiêu ô kính, thưa Thầy?" ngài nhấn mạnh dịu dàng và châm biếm ở danh hiệu.
Jacques, đúng mực, nhìn qua Vua, người gật đầu là chàng có thể trả lời. "Hai mươi mốt, thưa Quý Ngài 1."
"Và ông đã sống trên cõi đời này bao nhiêu năm rồi!?"
"Hai mươi mốt, thưa Quý Ngài."
"Thật khít khao làm sao. Có một sự cân xứng thú vị trong chuyện đó, ông không thấy thế sao? Quả thực, đó là một tác phẩm với vẻ đẹp phi thường so với một người ở độ tuổi non trẻ ấy. Nó có sự rõ ràng, trong sáng, gần như có thể nói nó có một phẩm chất Venice." Mắt ngài lục tìm trong đám đông và Corradino dịch người, cụp mắt xuống, nấp sau một trong mấy người thợ nề vạm vỡ hơn.
"Thần xin chúc mừng bệ hạ, tâu bệ hạ." Đại sứ cúi chào một lần nữa, nhưng mắt ngài đăm chiêu đằng sau vẻ mặt ngoại giao.
"Được rồi, được rồi." Vua xua lời khen một cách khiêm nhường chẳng khác nào chính ngài đã chế tác ra tấm gương. Ngài bỏ đi về cuối gian phòng, Đại sứ và đoàn tùy tùng theo sau. Thế rồi, trong tích tắc, đầu Vua quay lại. Nhanh như chớp, mắt Louis tìm thấy Corridano. Một mắt nhắm lại trong tích tắc. Rồi Vua quay lại và đi tiếp. Toàn bộ sự việc diễn ra không hơn một giây, và triều thần thậm chí còn chưa đổi nhịp bước. Corridano, khi đã cho phép mình thở lại rồi, cố hiểu cho ra cái mình vừa nhìn thấy.
Vua vừa nháy mắt với chàng.
Đó là một trò chơi đối với ông ta. Một chút vui đùa. Sự thật là mạng sống của mình sẽ chẳng còn nếu mình bị phát hiện, rằng toàn bộ trò kịch câm với Jacques, tất cả ấy là một trò chơi. Một chút trò ngông của Vua để giết thời gian.
Chàng để bàn tay rịn mồ hôi, bị thủy tinh cắt cứa lên trái tim đang đập dồn, như thể để giữ cho bộ phận đó không nhảy khỏi lồng ngực mình. Guilini chưa thấy chàng, thậm chí cũng sẽ không nhận ra chàng nếu ngài có nhìn thấy, vì Corradino chỉ mới tám tuổi đầu khi chàng gặp Guilini trai trẻ tại Arsenale trong chuyến công việc với cha. Nhưng Louis có bốc đồng mà để lộ danh tính thật của Thầy Gương của ngài trong bữa brandy sau buổi chiêu đãi tối dành cho Đại sứ không? Không, Corradino lập luận, tự hào dân tộc của Vua, đã thể hiện đầy đủ đấy rồi, sẽ ra lệnh là mọi tán tụng Đại sảnh Gương sẽ phải quy về cho thợ thủ công Pháp, bây giờ và mãi mãi về sau. Thế rồi, Đại sứ sẽ lưu lại trong bao lâu? Không hơn một tuần, hai tuần? Tốt nhất là ẩn mình kín đáo cho đến khi chàng nghe thấy là Guilini đã đi rồi. Run rẩy, Corradino trở về lò nấu, xua những lời xin lỗi khổ sở của Jacques vì mình đã được khen về công trình của Corradino. Mình phải nói chuyện với Duparcmieur, Corradino nghĩ. Mình phải đưa Leonora đến với mình.
Nhưng Corradino đã quên một điều trong lập luận của mình. Chính tấm gương đã để lộ chàng. Vào cái khoảnh khắc khi Louis nhìn lui, Baldasar Guilini, nhanh như mèo, đã nhìn thấy qua những ô gương. Corradino đã nghĩ đúng, Guilini vẫn chưa nhận ra chàng. Nhưng ngài nhận ra chàng là một người Ý, và từ đó đến chuyện biết ra chàng là một người Venice thì chỉ là một bước ngắn.
Đêm đó, sau bữa tiệc tối cấp đại sứ để chào mừng ngài, và bữa rượu brandy mà Louis đã không hé lộ điều gì với ngài, Baldasar Guilini trở về phòng riêng của mình trong Cung điện hoàng Gia. Ngài từ chối sự săn sóc của các kỹ nữ ngài đưa theo từ Venice, và thay vì vậy, ngồi xuống bên bàn viết mạ vàng hoa văn trang trí của mình.
Một mình, những tấm rèm dày che kín, trong sự gần gũi ấm áp hương thơm trong các gian phòng bày biện công phu, ngài cầm cây bút lông ngỗng lên và bắt đầu thảo một bức thư. Cuối cùng ngài rắc cát lên tờ thư giấy da, gấp lại hai lần, và hơ một cây sáp đỏ trên ngọn nến. Ngài ấn sáp chảy lên lá thư, nơi nó nằm như một giọt máu. Ngài xoay cái nhẫn có dấu ấn riêng của mình lại một cách dễ dàng do đã làm nhiều năm để in lên miếng sáp rõ ràng hình ảnh của nó – con sư tử có cánh của San Marco. Ngài lật bản viết giấy da lên và viết hướng dẫn trên mặt cho người đưa tin của Vua Louis, đang chờ bên ngoài cửa phòng ngài.
Lá thư gửi cho Tổng trấn Venice của Ngài.
Chú thích
1 Tiếng Pháp: Gracieux, Monsieur.
Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano - Marina Fiorato Người Thổi Thủy Tinh Xứ Murano