Người Hai Đầu epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 32: Trên Đường Gian Truân Xây Tổ Ấm - Động Hồng Loan Tâm Tình Bạn Nguyệt
rên đường gian truân xây tổ ấm
Động hồng loan tâm tình bạn nguyệt
Hoa Gia lãnh cao hơn mặt bể hai nghìn thước tây, là một ngọn núi rất hùng vĩ và không kém hiểm trở. Dù mùa hè nóng nực đến đâu, ở trên đỉnh núi ấy cũng mát mẻ như mùa thu. Lúc ấy đang là mùa đông, tất nhiên tiết trời phải rất giá lạnh.
Nhóm Thiên Tứ các người nghênh tiếp Hoa Thương Nguyên dẫn đầu đội kỵ binh ở Lan Châu về. Lão bảo chủ thấy con gái và con rể cùng đều bình yên vô sự mừng rỡ vô cùng.
Các người vào trong dịch trạm nghỉ ngơi qua loa, ăn xong bữa cơm chiều rồi cũng lên đường đi luôn. Thiên Tứ với hai nàng Thiến Thiến cưỡi chung con Ngân ngưu, nhường con hươu Mai Hoa cho Bại Sự lão nhân với Thích Thích Ông cưỡi. Đêm hôm đó đã tới An Định, mọi người liền vào nhà trọ nghỉ ngơi, sáng sớm ngày hôm sau lại lên đường đi tiếp.
Đi liền hai ngày đã lên tới đỉnh núi Hoa Gia lãnh. Trên đỉnh núi trơ trọi toàn những băng tuyết, người ta hà hơi ra cũng có thể thành băng được, như vậy làm gì có nhà cửa lâu đài để ở?
Thiên Tứ thấy thế ngạc nhiên vô cùng, cả Hàn Thiến Thiến cũng vậy. Hoa Thiến Thiến biết ý ngay, không đợi chờ hai người lên tiếng đã nói trước:
- Nơi đây đã gần tới Hoa Gia Bảo rồi, đại ca với Thiến muội khỏi cần phải thắc mắc vội.
Hàn Thiến Thiến vẫn thắc mắc, nhịn không nổi, nàng vội lên tiếng hỏi luôn:
- Nơi đây lạnh lẽo thế này, trên mặt đất không có ngọn cỏ nào cả, vậy đại tỷ với người nhà lấy gì mà ăn uống? Chẳng lẽ ngày nào cũng ăn băng tuyết này ư?
Hoa Thiến Thiến chỉ mỉm cười và lắc đầu thôi chứ không trả lời. Hàn Thiến Thiến lại hỏi tiếp:
- Núi này tại sao lại gọi là Vương Gia lãnh hay Lý Gia lãnh như thế?
Hoa Thiến Thiến cười khì một tiếng rồi đáp:
- Nghe đồn dân tộc Hoa Hạ chúng tôi từ ở Tây Bắc di cứ sang phía đông, đi qua nơi đây tạm ở một thời gian. Vì vậy mà nơi đây mới được gọi là Hoa Gia lãnh. Hơn nữa, dân cư trên núi này đa số là họ Hoa…
Hàn Thiến Thiến lườm nàng ta một cái nói tiếp:
- Nơi đây vừa hoang vu vừa giá lạnh, người thường ở trên này nếu không chết đói thì cũng chết rét. Em không tin người đời lại dại dột, không ở dưới đồng bằng mà lại lên trên đỉnh núi cao chót vót này để chịu khổ sở…
Nàng nói tới đó đã lên tới đỉnh núi cao chót vót, qua đấy là xuống mặt núi bên kia. Như vậy chỗ ba người đang đứng đó có thể nói là chỗ cao nhất của ngọn núi Hoa Gia lãnh.
Hàn Thiến Thiến vừa nói tới đó đã trông thấy đằng trước là đèo núi dài hơn mười dặm. Đèo ấy bằng phẳng như một một bãi đất bằng thực lớn, trên đèo cây cối rậm rạp, nhà cửa san sát, bốn chung quan là những thửa ruộng rất ngăn nắp, từ trên núi nhìn xuống, trông như những viên gạch vuông vậy, thích mắt khôn tả.
Hàn Thiến Thiến thấy thế kinh ngạc vô cùng, quên cả nói tiếp nữa. Hoa Thiến Thiến trông thấy vẻ mặt của nàng ta kinh ngạc như vậy, liền phì cười, rồi lên tiếng hỏi:
- Thế nào, cô nương đã trông thấy chưa? Đó là Hoa Gia bảo đấy.
Hàn Thiến Thiến lườm Hoa Thiến Thiến một cái có vẻ hờn giận đáp:
- Chị không nói trước cho em hay, lại còn diễu em như vậy, em không chơi với chị nữa đâu!
Hoa Thiến Thiến cả cười, vội đuổi theo xin lỗi, hai nàng cùng lôi kéo nhau đi xuống bên dưới ngay. Thiên Tứ thấy hai người vợ đùa giỡn nhau như vậy, cũng khó mà quên cả ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên kia.
Khi Hàn Thiến Thiến đi xuống tới Hoa Gia bảo lại càng cảm thấy ngạc nhiên, vì khí hậu dươi này khác hẳn trên đỉnh núi, nhiều chỗ tuy cũng có băng tuyết nhưng cây cối xanh rì, cỏ mọc khắp nơi. Những căn nhà nho nhỏ khi ở trên đỉnh núi nhìn xuống trông thấy đã biến đi đâu mất không hay, chỉ thấy có một hàng rào tường rất cao bao vây một lâu đài đồ sộ thôi.
Tường thành vây xung quanh đó xây bằng những tảng đá lớn nhưng bề ngoài bao phủ một làn rêu rất dày, từ xa chỉ trông thấy một hàng rào xanh rì mà thôi. Trước hàng rào tường ấy lại có một cái hào ngăn cách. Trên cửa cổng ra vào có ba chữ “Hoa Gia Bảo” nổi thật to. Khi đội kỵ binh đi tới đại lộ phủ đá lớn, liền có tiếng kêu ầm ầm như tiếng trống trận nổi lên vậy.
Lúc ấy, trong Bảo bỗng có tiếng tù và nổi lên, cái cầu treo trước cổng đá lớn đã từ từ hạ xuống, và mọi người đã trông thấy một cái cửa lớn màu xanh. Tiếp theo đó, hai cánh cửa lớn từ từ mở ra cũng có tiếng kêu “ùm ùm” như khi cửa thành mở ra vậy.
Một lát sau, cầu treo đã hạ xuống xong, hai cánh cửa lớn cũng vừa mở rộng thì bên trong đã có hai đội thiết ky phóng ra luôn.
Hai người đi đầu phi ngựa tới trước mặt mọi người liền gò cương ngựa lại, hai con ngựa đen ấy rú lên một tiếng và đứng chồm lên luôn. Hai người cưỡi ngựa như đóng đanh vào yên không hề té ngã chút nào.
Hai con ngựa ấy hình như đã được huấn luyện từ lâu, nên chúng vừa chồm lên xong, chưa hạ chân xuống mặt đất, đã xoay người sang hai bên để giành một lối đi ở giữa, rồi chúng mới hạ hai chân xuống và quay đầu lại để đón mọi người vào. Sau hai người cưỡi ngựa ấy, còn lại hơn năm mươi người nữa cũng bắt chước hai người kia, làm theo một động tác như thế, làm xong cũng đứng sang hai bên thành hai hàng kỵ binh trông rất chỉnh tề.
Thiên Tứ thấy vậy lấy làm kính phục và nghĩ bụng:
“Đội thiết kỵ của Tần Châu Nhất Quân quả thật phi thường.”
Hàn Thiến Thiến trông thấy hành động của đội kỵ binh ấy, kinh ngạc đến mắt trợn to mồm há hốc, và cứ ngẩn người ra xem hoài. Bại Sự lão nhân với Thích Thích Ông cũng đều có cảm tưởng như vậy. Bại Sự lão nhân vội tiến lên vừa cười vừa lớn tiếng khen ngợi Hoa Thương Nguyên rằng:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm! Thiết kỵ của Hoa Gia bảo quả thật phi phàm.
Thương Nguyên vuốt râu mỉm cười tỏ vẻ rất đắc ý, nhưng vẫn khiêm tốn giơ tay mời khách vào. Lúc ấy hai đội người đã xuống cả ngựa đứng cạnh ngựa xếp hàng rất chỉnh tề.
Bại Sự lão nhân và Thích Thích Ông đi sát cánh với Thương Nguyên đi tới trước kỵ sỹ nào, người đó cũng giơ tay lên chào một cách lễ phép.
Thương Nguyên vừa mỉm cười vừa gật đầu đáp lễ, và ung dung tiến thẳng vào trong bảo, thái độ của ông ta thật không hổ thẹn với một nhân vật lãnh tụ cả một đoàn người lớn lao như thế.
Hai nàng Thiến Thiến với Thiên Tứ dắt hai con thần thú đi sau. Hai đoàn ngựa đứng ở hai bên trông thấy con Ngân ngưu đều có vẻ sợ hãi, con nào con ấy vội lui về sau một bước và quay mặt đi nơi khác không dám nhìn Ngân ngưu.
Thiên Tứ vừa khen ngợi, bắt chước Hoa Thiến Thiến gật đầu đáp lễ.
Khi đi qua cửa Bảo rồi, mọi người thấy khí thế ở bên trong lại khác hẳn. Ở giữa có một quảng trường rộng gần mấy mẫu, xung quanh quảng trường đều có những lầu cao xây bằng đá đỏ, nơi chính giữa có một lâu đài rất hùng vĩ tráng lệ, khiến ai trông thấy cũng phải tắc lưỡi khen ngợi ngay.
Lúc ấy, trước tòa lâu đài, ở xung quanh quảng trường đều có một nhóm người hoặc nhiều, có cả nam nữ lão ấu, đang phủ phục bái lễ, thái độ rất cung kính.
Hoa Thương Nguyên cùng hai ông già xuyên qua quảng trường tiến thẳng vào lâu đài đỏ ở nơi chính giữa. Ông ta mời Bại Sự lão nhân với Thích Thích Ông vào trong lâu đài rồi, mới xua tay ra hiệu. Sau thấy những người vái lạy ở trước những căn lâu kia đều đứng dậy giải tán, lúc ấy hai người mới biết ông ta ra hiệu cho miễn lễ cho họ.
Ngân ngưu với con hưu Mai Hoa vẫn cứ theo sau, đi hết quảng trường Thiên Tứ rất phân vân, không biết nên cho chúng vào trong sảnh, hay để cho chúng dạo quanh quảng trường? Sau chàng nhờ Hoa Thiến Thiến giải quyết hộ. Hoa Thiến Thiến liền gọi người nhà đến dắt hai con thần thú vào trong chuồng ngựa để cho chúng ăng uống.
Thiên Tứ phải dặn bảo con Ngân ngưu vài câu, vì sợ nó không chịu theo người nhà của Hoa Thiến Thiến, rồi chàng mới đi vào trong đại sảnh.
Đại sảnh của Hoa Gia bảo lơn rộng và lịch sự lắm, tuy không xa hoa bằng nhà của Trương Thiến Thiến, nhưng bề thế có vẻ đồ sộ hơn. Các người không ngồi trong sảnh mà do Thương Nguyên dẫn lên lầu hai.
Trên lầu có một con đường ở nơi chính giữa đi thẳng tới phía sau, hai bên đều có những căn phòng to nhỏ. Khi các người lên tới trên lầu, đã có năm sáu nữ tỳ trẻ tuổi đứng chầu chực sẵn ở lối đi. Chúng chờ các người lên hết rồi, vội thỉnh an và mở cửa hầu hạ.
Thương Nguyên gật đầu đáp lễ, rồi mời các người vào một gian phòng rất ở gần cầu thang nhất. Căn phòng này là một khách sảnh nhỏ, một bên có lò sưởi lớn xây ở ngay sát vách. Trên mặt lầu phủ một tấm thảm rất dày, những ghế ngồi đều phủ bằng những da: hổ, báo, gấu… Trên tường treo đầy thập bát ban khí giới, những khí giới thường tựa như là đồ chơi trẻ con vậy.
Mọi người ngồi xuống xong, Thương Nguyên thấy Thiên Tứ với Hàn Thiến Thiến hai người cứ ngắm nhìn những món khí giới nhỏ treo ở trên vách hoài, liền cười và giải thích rằng:
- Đó là những trò chơi của Thiên nhi hồi còn nhỏ, khi nó lên mười còn nghịch ngợm hơn cả con trai…
Bại Sự lão nhân cười ha hả, đáp lời:
- Lão rất tán thành với lối nói của Hoa huynh. Nghĩ đến năm xưa hồi Thiến điệt nữ còn nhỏ, nghịch ngợm và bướng bỉnh lắm. Lúc ấy vợ chồng lão làm khách ở nơi đây suốt ngày bị điệt nữ đòi vợ chồng lão dạy võ công…
Hoa Thiến Thiến nghe tới, đó hổ thẹn đến mặt đỏ bừng, và khẽ ngắm nhìn Thiên Tứ, thấy chàng ta nhìn lại, nàng lại vội quay mặt đi luôn. Nàng thấy Bại Sự lão nhân nói chuyện mình lúc hồi nhỏ, vội đứng dậy kéo Hàn Thiến Thiến đi theo luôn, vừa đi vừa nói với mọi người rằng:
- Mời quý vị ngồi chơi, cháu với Thiến muội phải vào lầu trong một chút…
Hoa Thương Nguyên vội đỡ lời:
- Phải đấy con đưa Thiến điệt nữ về phòng nghỉ ngơi, chờ lát nữa lúc nào ăn cơm cha sẽ cho người vào gọi…
Hoa Thiến Thiến vâng lời, liền cùng Hàn ThiếnThiến cáo từ ngay. Lúc ấy, còn lại bốn người ở trong phòng, ba ông già liền nhắc đến chuyện hôn nhân của Thiên Tứ với hai nàng.
Thiên Tứ là người trong cuộc, đương nhiên chàng rất ngượng nghịu và mới tới đây lần đầu không tiện lảng ra nơi khác, nên chàng cứ phải ngồi yên tại đó để mặc ba ông già bàn tán. Ba ông già chuyện trò rất vui vẻ. Sau cùng, ba người cùng hiệp nghị đến mùng Một tháng Giêng sẽ cử hành hôn lễ cho cả hai nàng Thiến Thiến một lúc.
Còn về danh phận của hai nàng, thì Bại Sự lão nhân với Thương Nguyên đã thỏa thuận với nhau là cả hai nàng Thiến Thiến đều là bình thê của Thiên Tứ, chứ không có danh nghĩa thê với thiếp gì hết. Khi hai ông già hỏi ý kiến Thiên Tứ, thì chàng chỉ trả lời được một câu: “Tùy ở hai vị tiền bối muốn thế nào cũng được.”
Mọi việc giải quyết xong, thế là chỉ mười ngày nữa thôi. Thiên Tứ sẽ thành tân lang mà ai ai cũng đều hâm mộ.
Vừa giải quyết xong mọi việc. Bại Sự lão nhân bỗng thở dài một tiếng. Ai nấy đều ngạc nhiên, cả Thiên Tứ đang hổ thẹn cuối đầu cũng ngửng lên nhìn. Bại Sự lão nhân thấy mọi người ngơ ngác nhìn mình, liền nói luôn:
- Hôm nay là mười lăm tháng chạp rồi, mụ già của lão hiện đang ở nhà họ Trương tại Tửu Toàn, đừng nói là mụ ấy sẽ không tới kịp mà dù có báo tin cho mụ ấy cũng không phải là chuyện dễ.
Nói tới đó ông ta lại lẩm bẩm tự nói tiếp:
- Từ xưa tới này lão với mụ già không hề rời nhau nửa bước, ngờ đâu đến lúc tuổi già vì việc của bề dưới mà mỗi người phải một nơi. Ha… thực là… mụ già lại hiếm hoi, nhưng lão đến lúc già lại bỗng dưng được một đứa con nuôi, nếu lão không cho mụ già hay có lẽ mụ ấy sẽ trách cứ…
Tới lúc này mọi người mới hay ông ta thở dài vì lẽ gì, nhưng không ai dám lên tiếng cười cả.
Thích Thích Ông đã có tình với Âm Bà Bà, tuy không lấy nhau được, nhưng lúc này ông ta nghe thấy Bại Sự lão nhân nói như vậy, nhận thấy nên cho bà ấy hay tin này để bà ta được vui mừng. Vì vậy ông ta xen lơi nói:
- Nếu vậy bạn hãy mau đi báo tin cho bà ta biết ngay…
Bại Sự lão nhân trợn mắt lên nhìn, lại hậm hực đáp:
- Nếu có thể đi báo tin được thì chả cần bạn phải nói. Lão đã sớm không ngồi yên ở đây rồi…
Lúc này, Thích Thích Ông đã thay tâm đổi tính rồi, nên không tức giận chút nào, trái lại còn nói tiếp:
- Chả lẽ trong mười lăm ngày mà không kịp đi và về hay sao?
Bại Sự lão nhân càng tức giận thêm:
- Chả lẽ lão có thể đi kịp ư?
Thích Thích Ông không trả lời chỉ nhìn Thiên Tứ thôi, Thiên Tứ hiểu ý ngay, vội gật đầu. Thích Thích Ông cười ha hả đáp:
- Khó gì? Đưng nói chỉ đem thơ cho vợ của bạn thôi, dù có đón vợ bạn tới đây cũng được…
Công lực của Bại Sự lão nhân không kém gì Thích Thích Ông. Ông ta tự tin trong mười lăm ngày không thể đi lại Tửu Toàn với Hoa Gia lãnh được, mà tại sao Thích Thích Ông lại bảo đi nổi như thế? Thoạt tiên ông ta rất thắc mắc, sau ông ta mới vỡ nhẽ liền cười ha hả, dậm chân xuống đất rồi lên tiếng hỏi ngay:
- Lão gia tự cho mình là thông minh, cứ tưởng lão có tài ba gì đặc biệt hơn người. Thì ra lão đình nhờ con Ngân ngưu của tiểu tử phải không?
Thích Thích Ông thấy Bại Sự lão nhân đã nói trúng mưu kế của mình nên làm thinh ngay. Bại Sự lão nhân càng khoái trá cười ha hả thêm.
Thương Nguyên thấy hai ông già này rất lý thú nhưng ông ta không tin con Ngân ngưu lại có thể đi nhanh như thế, liền hỏi Thiên Tứ rằng:
- Hiền tế, có thực con Ngân ngưu lại có thể đi lại nơi đây với Tửu Toàn trong mười lăm ngày hay không.
Thiên Tứ vừa cười vừa đáp:
- Việc này tiểu tế chưa thử thách bao giờ, không biết nó có thể đi nổi hay không? Nhưng căn cứ vào những cuộc hành trình trước đây, thì từ đây đi Tửu Toàn và trở về có lẽ nó chỉ chừng mười hai ngày là cùng, chứ chả cần phải đến những mười lăm ngày như thế.
Bại Sự lão nhân thấy Thiên Tứ nói như vậy liền la lớn:
- Hay lắm! Nếu vậy già này phải đi thử một phen mới được.
Thương Nguyên xen lời hỏi:
- Âm huynh đi sao được, công việc nơi đây còn phải…
Bại Sự lão nhân vội cướp lời đáp:
- Công việc nơi đây do Hoa huynh là chủ nhân, toàn quyền xử trí, chứ mỗ là người tứ cố vô thân, túi không có một xu nhỏ như thế này, thì còn biết lấy gì mà sắm sửa cho con gái nuôi của mình. Còn về tân phòng thì tất nhiên thế nào cũng phải nhờ vả nhà của huynh rồi chứ còn đi đâu nữa?
Ông ta nói như vậy thực là coi mọi việc như trò chơi, nhưng ông ta trao hết cả đại quyền cho Thương Nguyệt như thế, người chủ nhân này có muốn từ chối cũng không được. Nên Thương Nguyên gật đầu đáp:
- Tất nhiên những việc đó Hoa mỗ hoàn toàn chịu trách nhiệm. khỏi phải để Âm huynh bận tâm đến…
Bại Sự lão nhân lại cười ha hả và nói tiếp:
- Như vậy có phải là xong hết rồi không? Còn có việc gì phải cần lão già này phải ở lại đây nữa?
Nhất thời Thương Nguyên không nghĩ ra được việc gì, nên không sao bắt bẻ Bại Sự lão nhân được. Ông ta thấy chủ nhân không nói năng gì nữa, liền quay lại hỏi Thiên Tứ:
- Tiểu tử có việc gì nhờ lão phu không?
Thiên Tứ ngẩn người ra và lắc đầu, Bại Sự lão nhân thấy thế liền sầm nét mặt lại hỏi:
- Chả lẽ ngươi không có việc gì nhờ lão phu thật ư? Thế còn vợ ngươi thì sao?...
Lúc ấy, Thiên Tứ mới hiểu ý và chàng nghĩ Bại Sự lão nhân nhắc nhở mình như vậy cũng phải, mình với Trương Thiến Thiến đã động phòng hoa chúc rồi và dù sao cũng đã có tình nghĩa vợ chồng với nhau. Nay mình không cho nàng ta hay một tí gì đã tự tiện đi lấy hai người vợ khác, như vậy mình có khác gì là đình thê tái thú không? Dù người ta không trách cứ gì mình thì những người khác cũng sẽ cho mình là kẻ bạc tình. Chàng lại nghĩ lại, chuyện này ngượng mồm lắm, làm sao mà nói với Bại Sự lão nhân được? Bất đắc dĩ chàng phải gượng cười đáp:
- Việc này để tiểu tế viết một lá thư nhờ nhạc phụ mang đi hộ.
Thấy chàng nói như vậy. Bại Sự lão nhân mới hết giận và nói tiếp:
- Được, được! Ngươi mau vào viết thơ đi. Đừng có làm mất thì giờ của lão nữa.
Thương Nguyệt liền bảo một con sen dẫn Thiên Tứ vào thư phòng viết thơ. Thiên Tứ cáo lui và theo con sen đi sang một căn phòng khác luôn.
Phòng này bốn chung quanh đều có tủ sách bày biện rất tinh xảo và tao nhã, trước cửa sổ có một cai bàn lớn, trên bàn có bày văn phong tứ bảo. Ngoài ra còn có mấy chậu hoa rất đẹp, trong phòng cũng có lò sưởi.
Con sen dẫn chàng đến cạnh bàn, kéo ghế cho chàng ngồi, rồi cô mở nắp nghiêng ra mài mực. Thấy con sen hầu hạ mình chu đáo như thế, Thiên Tứ rất ngượng và nói:
- Cô nương cứ để tôi mài mực lấy cũng được.
Con sen bịt mồm cười và đáp:
- Thưa công tử, mấy ngày nữa công tử sẽ là tân cô gia của chúng tôi, sao công tử còn khách sáo như thế? Công tử cứ để yên cho tiểu tỳ hầu hạ và xin công tử chớ nên gọi tiểu tỳ là cô nương như thế. Tiểu tỳ là Phi Phi, sau này công tử cứ gọi tiểu tỳ là Tiểu Phi là được rồi.
Con sen Tiểu Phi bẻm mép quá, khiến Thiên Tứ mặt đỏ bừng và chàng quay đầu lại ngắm nhìn con nhỏ, thấy con bé này mày thanh mục tú, trông rất khôn ngoan.
Phi Phi trông thấy chàng nhìn mình, hai má đỏ hồng cười khanh khách và thao thao bất tuyệt nói tiếp:
- Tiểu tỳ được lệnh chuyên môn hầu hạ tiểu thư, tiểu thư chúng cháu xưa nay là người rất kiêu ngạo, nói trắng ra thì tiểu thư của cháu coi đàn ông như cỏ rác, không ngờ chuyến này đi Lũng Tây không những quan niệm thay đổi hết mà lại còn…
Nữ tỳ nói đến đây không sao nói tiếp được nữa. Thiên Tứ thấy con nhỏ thông minh lanh lợi như vậy cũng quên cả sự lạ lùng bỡ ngỡ liền mỉm cười hỏi:
- Vả lại cái gì nữa? Tiểu Phi nói nốt đi?
Tiểu Phi bịt mồm cười và đáp:
- Nếu tiểu tỳ nói ra, chỉ sợ công tử giận. Cho nên tiểu tỳ mới không giám nói tiếp là thế.
Thiên Tứ ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện đó là chuyện gì mà tôi phải tức giận? Tôi cam đoan với Tiểu Phi trước là tôi sẽ không tức giận đâu. Tiểu Phi cứ nói tiếp đi?
- Cháu chả dám nói đâu. Tuy công tử không tức giận, nhưng tiểu thư nghe thấy thì cháu kể như cũng bị đòn chứ không sai.
- Có phải Tiểu Phi muốn tôi không nói cho tiểu thư biết phải không? Được, tôi nhận lời không nói cho tiểu thư nghe đâu, như vậy Tiểu Phi đã bằng lòng nói chưa?
Phi Phi mừng rỡ, khẽ quỳ gối hớn hở đáp:
- Tiểu tỳ đa tạ công tử trước. Vừa rồi, ý kiến của tiểu tỳ là muốn hỏi công tử câu này, công tử đã có vợ rồi, tại sao tiểu thư chúng cháu lại còn… lại còn…
Nghe tới đây, Thiên Tứ đã biết con nhỏ định hỏi gì rồi. Chàng lại đỏ mặt và trả lời:
- Việc này Tiểu Phi nên hỏi tiểu thư thì hơn, chứ tôi không thể nào trả lời thay tiểu thư được.
- Ối chà! Công tử bảo cháu đi hỏi tiểu thư ư? Nếu cháu hỏi thì thế nào cũng bị một trận đòn gia pháp ngay.
Cửa phòng vừa mở rộng, Hoa Thiến Thiến đã bước vào. Phi Phi trông thấy chủ nhân của mình vào, vội quỳ một chân và thỉnh an ngay.
Thiến Thiến tủm tỉm cười hỏi:
- Phi Phi, mày lại đang nói bậy bạ gì thế?
Thiên Tứ vội đứng dậy đỡ lời.
- Thiến muội…
Nhưng thấy có Phi Phi ở đó, chàng nhận thấy mình gọi nàng ta như vậy không tiện, nên lại vội ngắt lời ngay là thế.
Tiểu Phi rất khôn ngoan, thấy vậy vội lên tiếng hỏi:
- Thưa công tử, cháu đã mài mực xong rồi, công tử còn dặn bảo điều gì nữa không?
Thấy Thiên Tứ lắc đầu, nó liền vội lui ra ngay, khi ra tới cửa nó còn thuận tay khép cửa phòng lại.
Thiến Thiến thủng thẳng bước vào tươi cười hỏi:
- Đại ca viết gì thế? Tại sao lại phải vội vã viết như vậy?
Ngẫm nghĩ giây lát, Thiên Tứ mới kể cho nàng hay Bại Sự lão nhân định về Tửu Toàn đón vợ, Thiến Thiến trầm ngâm một lát, rồi vừa cười vừa hỏi lại:
- Kể ra con Ngân ngưu đi Tửu Toàn rồi lại trở về không phải đi tới mười lăm ngày thực. Đồng thời nó lại có thể chở được người, sao đại ca không bảo Âm bá bá đón bá mẫu và cả chị họ Trương đến đây mấy ngày có hơn không?
Ngẫm nghĩ giây lát Thiên Tứ mới đáp:
- Việc này e là không tiện.
- Có cái gì là không tiện? Nơi đây có nhiều phòng như thế, mời chị ấy tới đây chơi để chị em chúng tôi được quen biết nhau có phải là hơn không? Đại ca cứ yên tâm, tôi với Thiến muội không phải là người hay ghen tuông đâu mà sợ và cũng không khi nào hai chúng tôi lại hợp nhau bắt nạt chị ấy, mà đại ca chưa chi đã phải lo ngại trước như thế.
Thấy nàng nói như thế, Thiên Tứ đã phải cười khì, vội cải chính ngay:
- Không phải là tôi không muốn nàng ta tới đâu, nhưng vì nàng rất yếu ớt, mấy tháng nay lại theo Âm bá bá luyện võ công không biết có thành tích gì không. Cho nên tôi chỉ e nàng ta tới đây chỉ có một thân một mình, nhỡ bị hai người xúm lại bắt nạt nàng ta thì sao?
Hoa Thiến Thiến trợn trừng đôi mắt lên, giơ một ngón tay lên điểm vào ngực chàng, giả bộ hờn giận đáp:
- Hừ, thế ra anh thiên vị như thế đấy, nêu sớm biết như vậy thì em…
Không để cho nàng nói tiếp, Thiên Tứ đã vội ôm chặt nàng vào lòng hôn hít rồi hỏi:
- Có thực như thế không? Có thực ngu huynh tây vị không?
Thiến Thiến cứ để cho chàng ôm hôn như vậy không kháng cự gì hết, mồm chỉ khẽ nói rằng:
- Đại ca hư lắm! Đại ca hư lắm!...
Đang lúc ấy lại có tiếng cửa mở kêu đến “kẹt” một tiếng rất khẽ, Phi Phi ló đầu vào hỏi:
- Công tử đã viết xong chưa? Sắp dọn cơm rồi đấy…
Thiên Tứ với Thiến Thiến vội tránh ngay ra, rồi Thiên Tứ đáp:
- Sắp viết xong rồi, cám ơn Tiểu Phi nhé.
Chàng vội kéo cái ghế ra, cầm bút lên làm như đang viết, ngờ đâu Phi Phi lại không vào trong phòng. Thiến Thiến đi tới cạnh chàng bảo rằng:
- Đại ca viết mau lên đi, đến bữa cơm mà chưa viết xong thế nào cũng bị Âm bá bá nói cho đấy.
Thiên Tứ nhìn nàng ta một hồi, không biết nên viết gì cho phải. Nàng là người rất biết điều, thấy thế vội nói:
- Thôi, em không xem anh viết đâu, sự thực anh cũng chả cần phải giấu diếm ai hết. Tuy chúng em chưa được gặp chị họ Trương, nhưng em chắc chị ấy thế nào cũng phải rất rộng lượng…
Thiên Tứ gật đầu cầm bút viết, chỉ trong giây lát đã viết xong hai lá thư, một lá viết cho Trương Vân Đạt, còn một lá thì gửi cho Trương Thiến Thiến.
Hoa Thiến Thiến không ngờ chàng lại viết nhanh đến thế, liền kêu ủa một tiếng rồi hỏi:
- Anh viết xong rồi ư? Nếu vậy chúng ta đi ăn cơm đi.
Thiên Tứ gật đầu, rồi hai người liền rời khỏi thư phòng ngay, quay trở lại khách sảnh, quả nhiên thấy người nhà đã dọn thức ăn lên rồi.
Bại Sự lão nhân cầm lấy hai bức thơ bỏ vào túi, đồng thời Hoa Thiến Thiến cũng nói với ông ta thế nào cũng mời Âm bá bá với Trương Thiến Thiến đến đây ở. Nàng lại còn lấy một hạt trân châu đỏ hồng đưa cho Bại Sự lão nhân và nói tiếp:
- Âm bá bá, hạt châu này đeo ở trong người thì không sợ rét nữa. Chị Trương Thiến Thiến người yếu ớt, chắc thế nào cũng sợ rét mướt. Cháu xin nhờ bá bá đem hộ hạt châu này đến cho chị ấy, để lúc đi đường chị ấy đeo ở trên người cho đỡ rét.
Bại Sự lão nhân bỏ hạt châu ấy vào túi, rồi khen ngợi Thiến Thiến rằng:
- Điệt nữ thực là người hiền đức, lão rất lấy làm kính phục!
Mọi người thấy thế, kể cả Hàn Thiến Thiến cũng cảm động vô cùng, nên bữa cơm đó lại càng thêm mặt vui vẻ thêm.
Ăn xong, Bại Sự lão nhân đã vội lên đường luôn.
Thiên Tứ đi kéo con Tiểu Ngân tới, dăn bảo nó một hồi, rồi lại dặn bảo Bại Sự lão nhân cách điều khiển con Tiểu Ngân vân vân.
Lúc ấy cửa Bảo đã mở rộng, Tiểu Ngân vâng lời kêu một tiếng hí thực dài và phóng như bay đi luôn. Lần đầu tiên Thương Nguyên trông thấy tốc độ phóng chạy của con Tiểu Ngân, ông ta kinh ngạc vô cùng và cứ tắc lưỡi khen ngợi hoài.
Thời gian trôi rất nhanh thoáng cái đã đến ngày hai mươi tám tháng chạp, phần thì sắp tết phần thì vì sửa soạn cho con gái, Hoa Gia bảo từ Bảo chủ trở xuống ai nấy đều bận khôn tả. Không bao lâu từ trong chí ngoài, tất cả các nhà cửa trong Hoa Gia bảo đều quét vôi và trang hoàng rất mới mẻ và lộng lẫy, ai ai cũng hớn hở tươi cười. Nhưng trong đó có một người rất an nhàn, người đó là chú rể La Thiên Tứ, ngoài việc mặc đủ quần áo mới ra, chàng không phải làm một việc nhỏ nhặt nào hêt.
Thiên Tứ thấy Thương Nguyên bảo thợ may cho mình bốn bộ quần áo mới một lúc, chàng nhận thấy quá phí phạm, đã đề nghị chỉ xin hai bộ thôi. Nhưng Thương Nguyên nhất định không nghe và còn cho chàng biết, may nhiều quần áo mới như thế không phải bắt chàng mặc hết, mà là vì sĩ diện của Hoa Gia bảo, nên không may nhiều như thế không được.
Đã quyết định ngày kết hôn rồi, đội thiết kỵ với chim bồ câu đưa thư của Hoa Gia bảo lại bắt đầu nhộn nhịp, tất cả những thân bằng cố hữu ở cách Hoa Gia bảo chừng năm trăm dặm đều được mời hết, không sót một người nào. Không những thế, ở trên các phố xá lại còn niêm yết cáo thị, hoan nghênh những bạn võ lâm với khách thương qua lại nơi đây, nếu không kịp về quê ăn tết thì xin mời đến Hoa Gia bảo ăn tết cho vui.
Thế là tân khách của Hoa Gia bảo không sao biết được con số chính thức là bao nhiêu hết.
Dưới Hoa Gia lãnh là Tần Châu, tất nhiên trong Tần Châu phủ ai ai cũng đều biết tin Hoa lão bảo chủ gả chồng cho con gái, nên người nào người nấy dù không nhận được thiếp cũng muốn lên Hoa Gia lãnh để góp vui. Và hôm đó mới là hai mươi tám tháng chạp đã có các tân khách đến tấp nập rồi, những khách này đều là ở phương xa tới. Trên quãng đường đến Hoa Gia bảo, với hai bên cửa lối đi vào trong bảo đều có những chòi to nhỏ của những người bán buôn dựng lên, bán đủ các thứ hàng hóa để bán cho những khách đến ăn cưới.
Thế là Hoa Gia bảo bỗng tấp nập và náo nhiệt thay đổi hẳn.
Thiên Tứ đã đi ra ngoài dạo chơi một lần, vì chàng chưa bao giờ thấy cảnh tượng náo nhiệt như thế này hết, nhưng đi đến đâu cũng thấy người ta nhìn mình và chỉ trỏ thì thầm bàn tán khiến chàng ngượng nghịu khôn tả. Cũng vì vậy mà chàng vội trở về ngay, rồi suốt ngày chỉ ở trong thư phòng xem sách, viết chữ và tập vẽ thôi.
Trong mấy ngày hôm đó, Hoa Thiến Thiến rất ít gặp mặt chàng, chỉ có Hàn Thiến Thiến là đến kiếm chàng luôn luôn để hỏi chuyện này chuyện nọ. Bất cứ việc to nhỏ, nàng cũng đến hỏi ý kiến của chàng, sự thực nàng muốn đến gặp chàng thì đúng hơn. Nghe nàng ta nói, chàng mới biết Hoa Thiến Thiến đã sắm rất nhiều quần áo và đồ trang sức, Thương Nguyên không bạc đãi nàng, sắm gì cho con gái cũng đều sắm cho nàng hết.
Chiều hôm đó, trong quảng trường bỗng có tiếng thất thanh kêu la, với tiếng ngựa vọng vào trong thư phòng. Thiên Tứ vội vàng chạy ra ngoài khách sảnh, mở cửa sổ ra xem chuyện gì đã xảy ra. Chàng thấy con Ngân ngưu đã về tới, trên lưng nó đang có ba người ngồi rất chững chạc. Ba người đó là vợ chồng Bại Sự lão nhân với một thiếu nữ rất xinh đẹp, thiếu nữ ấy chính là Trương Thiến Thiến, vợ mình và là người rất yếu ớt hay ốm đau luôn.
Bại Sự lão nhân với Âm bà bà đã nhảy xuống đất. Thiến Thiến cũng nhảy xuống theo. Chàng hổi hộp vô cùng, không ngờ Trương Thiến Thiến lại mau lành mạnh đến như thế, chỉ có mấy tháng trời mà nàng đã khỏe mạnh như người thường, chân tay lại nhanh nhẹn đến như thế. Chàng vội đi ra ngoài khách sảnh đang định vội xuống lầu, đã thấy Thương Nguyên với nàng Thiến Thiến ở dưới lầu đi ra bên ngoài nghênh đón rồi.
Chàng trù trừ một hồi, nhưng vì lòng khát vọng thúc đẩy, chàng liền vội rảo bước xuống lầu ngay. Lúc ấy, ba ngươi ở bên ngoài đã đi vào, chàng vội tiến lên nghênh đón. Chàng với Trương Thiến Thiến cùng trố mắt lên nhìn nhau một hồi và cùng mừng rỡ mỉm cười, rồi chàng chào vợ chồng Bại Sự lão nhân và nói:
- Phen này hai vị đại nhân vất vả lắm, tiểu tế…
Nói tới đó chàng định quỳ xuống hành lễ, ngờ đâu vợ chồng Bại Sự lão nhân đã vội xua tay và cùng trợn mắt đồng thanh nói:
- Tiểu tử đừng có giở cái trò đáng ghét đó ra nữa, nam nhi đại trương phu tại sao lại phải khúm núm quỳ lạy như thế làm chi? Nêu ngươi mà còn làm cái trò mất mặt đó thì con gái nuôi của lão bà sẽ không gả cho ngươi nữa đâu.
Hàn Thiến Thiến vội nắm tay Âm bà bà rất thân mật và gọi một tiếng “Mẹ nuôi!”.
Bại Sự lão nhân đã cười ha hả và đỡ lời:
- Vợ chồng lão không thấy mệt nhọc chút nào, chỉ có phu nhân của ngươi là thấy mỏi mệt thôi…
Trương Thiến Thiến cùng Hoa Thiến Thiến dắt tay Hàn Thiến Thiến đứng sang một bên, ba người đều đẹp như tiên, không ai hơn ai kém hết.
Trương Thiến Thiến thấy Bại Sự lão nhân nói đến mình, liền liếc nhìn Bại Sự lão nhân mỉm cười xen lời nói:
- Sư công, con có mệt gì đâu mà sư công lại nói thế?
Thiên Tứ rất cởi mở, bút mực không tài nào tả xiết được. Thương Nguyên liền cười ha hả, lên tiếng nói:
- Nơi đây không phải chỗ nói chuyện, xin mời lên trên lầu đã.
Nói xong, ông ta giơ tay mời vợ chồng Bại Sự lão nhân lên lầu. Bại Sự lão nhân đi trước, vừa đi vừa hỏi:
- Sao không thấy Thích lão nhi thế?
Thương Nguyên liền đáp:
- Thích huynh đi Tần Châu đã được ba ngày rồi, có lẽ nay mai thế nào cũng về tới.
Mọi người vào trong khách sảnh ngồi xuống, chỉ trong nháy mắt người nhà đã bày cơm ra ngay. Hai cô dâu tương lai bỏ hết tục lệ, cùng Thiên Tứ với Trưởng Thiến Thiến ngồi cạnh nhau để tiếp khách.
Vì hai người sợ người khác nói bông mình, hơn nữa Trương Thiến Thiến cũng muốn gây cảm tình với hai nàng Thiến Thiến kia, nên không có thì giờ nói chuyện với Thiên Tứ nữa…
Cơm nước xong, các người lại chia thành hai nhóm, Bại Sự lão nhân, Thương Nguyên và Thiên Tứ một nhóm, chuyện trò vui vẻ, đàm luận đủ mọi việc, còn nhóm kia Âm bà bà với ba nàng Thiến Thiến ngồi cạnh lò sưởi chuyện trò rất khẽ, phần nhiều ba nàng trao đổi ý kiến với nhau. Cả hai nhóm chuyện trò đến canh đầu mới chịu đi nghỉ. Âm bà bà rất cưng đồ đệ của mình vội nói ngay:
- Thiên nhi, con đi suốt ngày như vậy chắc mệt nhọc lắm phải không?
Trương Thiến Thiến lắc đầu phủ nhận, nhưng Bại Sự lão nhân đã xen lời nói:
- Đã muộn lắm rồi, các ngươi nên đi nghỉ sớm đi thì hơn.
Thương Nguyên thấy ông ta nhìn mình nói như vậy, liền đỡ lời ngay:
- Hiền phu thê nghỉ ở phòng sau, còn cháu Trương Thiến Thiến với Thiên Tứ thì ngủ ở phòng đằng kia.
Ông ta nghĩ Thiên Tứ với Trương Thiến Thiến đã kết hôn với nhau và đã cách biệt lâu ngày, thế nào cũng có nhiều chuyện muốn nói riêng với nhau, nên ông ta mới sắp đặt như thế.
Ngờ đâu Trương Thiến Thiến vưa nghe thấy ông ta nói như thế mặt đỏ bừng, vội kéo Hoa Thiến Thiến rỉ tai khẽ nói:
- Em hãy tạm cùng đại tỷ ngủ chung một phòng trước nhé?
Hoa Thiến Thiến nghe nói ngẩn người ra giây lát, rồi vội đáp:
- Chị không nên làm như thế, chắc đại ca của chúng ta không bằng lòng đâu.
Trương Thiến Thiến không biết nói năng gì nữa, quay đầu lại nhìn Thiên Tứ muốn nói lại thôi, muốn hỏi nhưng không biết nên hỏi việc gì. Vì vậy, nàng không dám nói năng gì cả.
Thiên Tứ cũng giống như nàng ta, nhất thời không biết nên nói gì với nàng. Tuy hai người đã làm lễ thành hôn rồi, nhưng vẫn chưa động phòng với nhau. Bây giờ, đột nhiên thấy Thương Nguyên bảo mình ngủ chung một phòng với Trương Thiến Thiến, chàng vừa ngạc nhiên vừa cao hứng.
Bại Sự lão nhân liền đứng dậy nói:
- Thôi, ngày mai chúng ta lại gặp nhau, vợ chồng lão đã cách biệt lâu ngày, bây giờ gặp lại nhau có rất nhiều chuyện phải nói riêng với nhau.
Lời nói ấy của ông ta tỏ ra rất thực thà và cũng để cho mọi người khỏi bàn tán, nhưng tai hại nhất là ông ta lại nháy mắt Thiên Tứ một cái, như vậy có khác gì là chế riễu chàng không. Bất đắc dĩ, Thiên Tứ đành phải cúi xuống giả bộ không trông thấy và cùng không nghe thấy gì cả.
Âm bà bà nghe thấy Bại Sự lão nhân nói như vậy liền nguýt chồng một cái, rồi nửa cười nửa trách mắng:
- Đã già như thế mà cũng không đứng đắn chút nào, thực không biết xấu hổ. Tôi với ông già nua như thế này thì còn có chuyện gì mà nói với nhau nữa.
Bà ta nói như vậy xong liền đứng dậy đi ra ngoài phòng tức thì. Thương Nguyệt thấy thế cũng phải cười thầm nghĩ bụng:
“Đôi vợ chồng này còn trẻ hơn cả những người thiếu niên”.
Ông ta vừa nghĩ vừa tiễn vợ chồng Bại Sự lão nhân ra khỏi phòng khách. Hoa Thiến Thiến với Hàn Thiến Thiến thấy vợ chồng Bại Sự lão nhân với Thương Nguyên đã ra khỏi phòng, cũng vội cáo biệt Thiên Tứ với Trương Thiến Thiến rồi đi về phòng ngay.
Mấy lần muốn nói nhưng lại thôi, sau cùng Trương Thiến Thiến mới thốt ra được một câu:
- Đại ca nên đi nghỉ chứ?
Lúc ấy, trên hành lang chỉ còn lại hai người với một con sen đứng hầu cạnh đó, nàng thấy có con sen đứng ở đấy không tiện nói tiếp nữa, chỉ lẳng lặng đi đến căn phòng của Thiên Tứ đang ở thôi. Phòng này tuy không lớn lắm, nhưng dù sao vẫn là phòng để dành cho một đôi vợ chồng ở nên đủ tiện nghi.
Nữ tỳ ấy biết điều, vào trong phòng pha nước nóng để cho hai vợ chồng Thiên Tứ tắm và thêm ít than củi vào trong lò sưởi, rồi ra bên ngoài ngay.
Lúc ấy, trong phòng chỉ còn lại hai người thôi. Thoạt tiên, Trương Thiến Thiến còn hơi thẹn thùng, nhưng khi nàng với Thiên Tứ nhìn nhau giây lát như sắt gặp đá nam châm, hai người đã chạy lại ôm lấy nhau tức thì.
Hôn hít nhau hồi lâu. Thiến mới như người thức tỉnh. Thiên Tứ không muốn nàng rời khỏi mình nhưng buộc lòng phải buông nàng ra.
Thiến Thiến rất cảm động nhìn chàng một cách rất tình tứ và nói tiếp:
- Tứ đại ca đã tắm rửa chưa?
- Đã, hiền muội cứ việc đi tắm ngay đi.
Thiên Tứ trả lời như vậy, rồi cứ nhìn theo cử chỉ lấy quần áo và đi vào trong phòng tắm của nàng, vân vân…
Một lát sau, chàng không sao nhịn được, định vào trong phòng tắm mấy lần, nhưng thấy cửa đóng kín, không tiện đẩy hay gõ cửa, nên bất đắc dĩ chàng phải cởi áo lên giường nằm.
Một lát sau, chàng đã thấy một tiên nữ ở bên trong bước ra, không sao chịu nhịn được nữa, chàng vội ngồi dậy ôm nàng vào lòng…
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu