Chương 30: Phố Hàng Bún - Làng Họ Bùi
ôi đi bộ một mình trong phố Hàng Bún, phố của những người làm bún, nơi cha tôi đã sống ngày trước. Cha tôi rất thích vũ điệu của những sợi bột trắng và dẻo kéo dài mãi giữa những ngón tay khéo léo của người thợ, chúng tôi cùng xem bộ phim Mãn Hán toàn tiệc của Tsui Hark, chúng tôi bồn chồn đợi những battles[68] của ẩm thực Á châu trong chương trình Cuisine TV. Cha tôi khẳng định rằng người Ý không phát minh ra cái gì cả. Cha cao giọng, mặt mũi bừng bừng, Marco Polo đã ăn cắp bí quyết làm mì của người Trung Quốc, đó là một thứ thuộc về chúng ta, những kẻ bị gọi là da vàng, mũi tẹt, mắt xếch, và đó là một niềm tự hào, ẩm thực của chúng ta thanh nhã hơn ẩm thực châu Âu, lúc đó chúng ta đã ăn mì bằng đũa trong khi bọn mọi rợ kia xé thịt bằng tay, và mì có bao nhiêu loại. Cha tiếp tục nói, loại nào cha cũng thích, có loại mỏng và trong suốt, có loại lại to như dải mây, có loại nhỏ như sợi chỉ dùng để làm bún thang, món bún có bốn màu mà cha yêu thích, gồm thịt gà, giò lụa, trứng tráng cắt mỏng, và đặc biệt là không thể thiếu tinh dầu cà cuống để làm dậy mùi tất cả những vị đấy: “Có cà cuống mới có bún thang”. Cha rồ dại vì cà cuống, và thốt lên mỗi khi hít hà hương thơm tinh tế của nó. Ôi, tinh dầu cà cuống! Bây giờ tìm khó lắm, trừ khi đó là hóa chất tổng hợp.
Chẳng còn gì ở phố Hàng Bún. Không một bóng thợ làm bún, hay một quán bún. Chỉ có một tiệm KFC. Và một cửa hàng Zara sắp khai trương. Tôi chụp biển hiệu ghi chữ Hàng Bún. Tôi chưa bao giờ đi Việt Nam với cha tôi. Tôi vòng đi vòng lại trong con phố nơi chẳng còn sót lại cái gì từ tuổi thơ của cha, nơi chẳng cái gì có thể kể với tôi về cha, tôi đi tìm cha, và một lần nữa, cha lại biến mất.
Về khách sạn, tôi bật iPad lên. Biểu tượng Skype nhấp nháy. Mẹ tôi ở đầu kia. Tôi nhấn chuột. Có cả cha tôi nữa. Cha đang ngồi trong ghế bành. Cha vượt ra khung màn hình. Như trong các album ảnh hay phim gia đình mà cha không bao giờ xuất hiện trọn vẹn, luôn bị cắt tay hay đầu. Có tiếng động của vô tuyến từ xa. Tôi quay màn ảnh máy tính để cha mẹ có thể ngắm căn phòng tôi đang ở. Mạng chậm và đôi khi khuôn mặt của mẹ tôi căng cứng. Mẹ vẫn khó chịu về cuộc nói chuyện hôm qua? Tôi thử nhắc lại. Mẹ lảng đi: “Con đã ăn chả cá chưa? Cá với rau thơm, món ăn người Bắc mà cha thích ấy, cha nói là con nhất định phải nếm món này.”
Tôi ra ngoài ăn chả cá một mình. Nhưng với cảm giác đang ở nhà. Mùi thơm, tiếng Việt, âm thanh. Cả gia đình tụ tập quanh bữa cơm. Cha tôi các buổi tối Chủ nhật thái miếng trứng tráng mảnh như đăng-ten để làm món bún thang, một cách điêu luyện, đôi khi còn tỉa cà rốt hay các loại củ khác thành hoa hay thú vật, mẹ tôi nhúng những sợi bún trắng vào nước sôi, khuấy nước dùng, rên rỉ lại phải ngồi bếp.
Ở Việt Nam, tôi ăn, một cách thành kính. Và tôi nghe. Tôi bắt đầu hiểu câu chuyện của gia đình bên nội. Từ năm 1951, trong một số vùng của miền Bắc, Việt Minh tiến hành cải cách ruộng đất. Tương đương với cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Tất cả giấy tờ sở hữu đất đai đều bị đốt. Trong các thôn làng của miền Bắc, giới “tư bản hút máu” bị trừng phạt. Bị đưa ra đấu tố. Có những trường hợp bị giết không qua xét xử.
Ông nội tôi đã không đồng tình với hành động đó. Ông trốn khỏi chiến khu về Hà Nội, và sau đó, đi Sài Gòn, năm 1954, sau hiệp định Genève. Như hàng triệu người dân miền Bắc. Cha tôi không có quá khứ. Quá khứ của cha đã bị xóa hết rồi.
Tuổi thơ của cha bị đánh dấu bởi vết thương đầu tiên của tha hương. Linh hồn gia đình cha đã ở lại Hà Nội. Giọng kim của người miền Bắc không bao giờ rời khỏi họ. Họ không bao giờ quên Hà Nội. Và những hồ nước trong như gương, liễu rủ trên mặt nước vàng óng của hồ Hoàn Kiếm. Trên bờ hồ, trẻ con nhảy nhót tìm cụ rùa huyền thoại, trai gái đi dạo e ấp không dám cầm tay, nữ sinh kề vai nhau trò chuyện. Và những đại lộ thênh thang trồng phượng với bàng lá đỏ, những người bán hàng ngồi xổm nướng mực khô hay bắp ngô. Và hương thơm dịu dàng của mùa thu, hương thơm không hề có ở Sài Gòn nắng lửa. Và bầu trời xanh cao. Và không khí trong veo.
Tôi không phải là người Pháp “gốc”. “Gốc” của tôi, tôi tìm kiếm đã lâu, tôi từng mơ được có gốc từ vùng Bretagne hay Perigord. Bây giờ thì tôi biết gốc của tôi ở đâu. Cách trung tâm Hà Nội 20 phút, có một làng nhỏ, nơi ấy tất cả mọi người hoặc gần như tất cả đều mang họ như tôi: làng họ Bùi. Làng có tên là làng Sét. Tổ tiên của tôi đã sinh ra ở đây, cưới nhau ở đây rồi cũng được chôn ở đây. Trước khi tới đây tôi đã tưởng đó là một ngoại ô vô hồn. Giờ đây tôi lại phát hiện một nơi chốn thuộc về thời đại khác. Gần chùa, cây đa thiêng rễ ngoằn ngoèo giống cây baobab được vẽ cho Hoàng Tử Bé. Những cây bưởi hoa nở như mây. Một con gà trống uể oải bước đi trong những ngõ nhỏ đầy bụi và cỏ dại mọc từ kẽ gạch lát đường. Một người ông họ mở cửa đón tôi, mặt nhọn, tay khô và xương xẩu, mỉm cười như thể đã đợi tôi từ lâu lắm rồi. Ông đưa cho tôi cuốn gia phả. Tôi nhận ra tên cha tôi và tên của chị em chúng tôi. Rồi bao nhiêu cành, nhánh, đất nước: Canada, Mỹ, Pháp, Úc. Trong số bộ tộc khổng lồ này chỉ còn bốn người hiện đang sống ở Hà Nội. Tôi là người đầu tiên của nhánh gia đình phân tán ấy quay về làng. Ông dẫn tôi ra mộ của cụ tôi. Chúng tôi cùng đốt hương. Trước mắt tôi, khói bay thành những cuộn mảnh mai, và tôi nhấm nháp mùi thơm ấy, thật dịu dàng, quyện làm một với mùi của bà ngoại tôi và ngôi nhà của ông bà ở Les Ulis. Mùi thơm ấy, đó là ký ức về những người quá cố trong gia đình chúng tôi.
“Theo lẽ thường thì cha cháu, con trai duy nhất trong nhà, có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên. Nhưng hôm nay cháu thay mặt bố cháu”.
Người Cha Im Lặng Người Cha Im Lặng - Doan Bui Người Cha Im Lặng