Đăng Nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Quên Mật Khẩu
Đăng ký
Trang chủ
Đăng nhập
Đăng nhập iSach
Đăng nhập = Facebook
Đăng nhập = Google
Đăng ký
Tùy chỉnh (beta)
Nhật kỳ....
Ai đang online
Ai đang download gì?
Top đọc nhiều
Top download nhiều
Top mới cập nhật
Top truyện chưa có ảnh bìa
Truyện chưa đầy đủ
Danh sách phú ông
Danh sách phú ông trẻ
Trợ giúp
Download ebook mẫu
Đăng ký / Đăng nhập
Các vấn đề về gạo
Hướng dẫn download ebook
Hướng dẫn tải ebook về iPhone
Hướng dẫn tải ebook về Kindle
Hướng dẫn upload ảnh bìa
Quy định ảnh bìa chuẩn
Hướng dẫn sửa nội dung sai
Quy định quyền đọc & download
Cách sử dụng QR Code
Truyện
Truyện Ngẫu Nhiên
Giới Thiệu Truyện Tiêu Biểu
Truyện Đọc Nhiều
Danh Mục Truyện
Kiếm Hiệp
Tiên Hiệp
Tuổi Học Trò
Cổ Tích
Truyện Ngắn
Truyện Cười
Kinh Dị
Tiểu Thuyết
Ngôn Tình
Trinh Thám
Trung Hoa
Nghệ Thuật Sống
Phong Tục Việt Nam
Việc Làm
Kỹ Năng Sống
Khoa Học
Tùy Bút
English Stories
Danh Mục Tác Giả
Kim Dung
Nguyễn Nhật Ánh
Hoàng Thu Dung
Nguyễn Ngọc Tư
Quỳnh Dao
Hồ Biểu Chánh
Cổ Long
Ngọa Long Sinh
Ngã Cật Tây Hồng Thị
Aziz Nesin
Trần Thanh Vân
Sidney Sheldon
Arthur Conan Doyle
Truyện Tranh
Sách Nói
Danh Mục Sách Nói
Đọc truyện đêm khuya
Tiểu Thuyết
Lịch Sử
Tuổi Học Trò
Đắc Nhân Tâm
Giáo Dục
Hồi Ký
Kiếm Hiệp
Lịch Sử
Tùy Bút
Tập Truyện Ngắn
Giáo Dục
Trung Nghị
Thu Hiền
Bá Trung
Mạnh Linh
Bạch Lý
Hướng Dương
Dương Liễu
Ngô Hồng
Ngọc Hân
Phương Minh
Shep O’Neal
Thơ
Thơ Ngẫu Nhiên
Danh Mục Thơ
Danh Mục Tác Giả
Nguyễn Bính
Hồ Xuân Hương
TTKH
Trần Đăng Khoa
Phùng Quán
Xuân Diệu
Lưu Trọng Lư
Tố Hữu
Xuân Quỳnh
Nguyễn Khoa Điềm
Vũ Hoàng Chương
Hàn Mặc Tử
Huy Cận
Bùi Giáng
Hồ Dzếnh
Trần Quốc Hoàn
Bùi Chí Vinh
Lưu Quang Vũ
Bảo Cường
Nguyên Sa
Tế Hanh
Hữu Thỉnh
Thế Lữ
Hoàng Cầm
Đỗ Trung Quân
Chế Lan Viên
Lời Nhạc
Trịnh Công Sơn
Quốc Bảo
Phạm Duy
Anh Bằng
Võ Tá Hân
Hoàng Trọng
Trầm Tử Thiêng
Lương Bằng Quang
Song Ngọc
Hoàng Thi Thơ
Trần Thiện Thanh
Thái Thịnh
Phương Uyên
Danh Mục Ca Sĩ
Khánh Ly
Cẩm Ly
Hương Lan
Như Quỳnh
Đan Trường
Lam Trường
Đàm Vĩnh Hưng
Minh Tuyết
Tuấn Ngọc
Trường Vũ
Quang Dũng
Mỹ Tâm
Bảo Yến
Nirvana
Michael Learns to Rock
Michael Jackson
M2M
Madonna
Shakira
Spice Girls
The Beatles
Elvis Presley
Elton John
Led Zeppelin
Pink Floyd
Queen
Sưu Tầm
Toán Học
Tiếng Anh
Tin Học
Âm Nhạc
Lịch Sử
Non-Fiction
Download ebook?
Chat
Dưới Chín Tầng Trời
ePub
A4
A5
A6
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Chương 30: Ly Hôn
C
ả Nam và Tuyết đều thanh thản nhận ra đã đến lúc hai người phải chia tay mà không ai đòi hỏi ở nhau bất kì điều gì. Sau lần viết bài “Tỉ phú Đào Kinh” đăng báo tỉnh, Hoàng Kỳ Nam về kí giấy li hôn với Tuyết. Từ tòa án ra, Nam bảo Tuyết:
- Chúng mình có thể chia tay nhau bằng bữa cơm đoàn kết.
- Được thôi, Tuyết cười, hi vọng nhà văn nhà báo viết được gì hay hay về xã nhà.
- Tất nhiên rồi.
Nam vui vẻ dẫn Tuyết vào quán ăn Gió Biển cạnh chợ huyện. Bao năm cuộc sống vợ chồng, Nam và Tuyết chưa bao giờ đi ăn ngoài quán mà lại thoải mái như lúc này. Quán Gió Biển lồng lộng thoáng mát nhưng vắng khách. Tuyết luôn tỏ ra tự tin, ân cần tiếp Nam như người khách quý. Có lẽ Nam và Tuyết đều vui mừng nhận ra từ nay đã thoát khỏi sự ràng buộc day dứt đau khổ bấy lâu. Tuyết tự tay mở bia rót vào hai cốc.
- Anh uống đi! Tuyết nói, chúng mình uống rõ say vào, uống để chào vĩnh biệt tình vợ chồng.
Nam đón cốc bia từ tay Tuyết uống cạn. Tuyết cũng uống cạn rồi vội rót tiếp hai cốc đầy nữa chắm chặp nhìn Nam. Mặt Tuyết đỏ hồng, mắt long lanh, Tuyết uống tiếp cốc bia thứ hai. Người phục vụ đưa ra món tôm hấp đỏ au, Tuyết bóc con tôm to nhất trên đĩa đặt vào bát của Nam nói dửng dưng:
- Suy đến cùng cuộc hôn nhân của chúng ta tới phút này chẳng ai được gì- Toàn khổ đau và uất hận. Em biết anh căm thù em. Cũng phải thôi. Em là đứa hư hỏng, háo danh, nông nổi một thời. Nhưng anh nên hiểu cái thời ấy những đứa con gái quê mùa như em đứng trước Trần Tăng ai mà không ngưỡng mộ.
Lời Tuyết vừa nói, Nam nghe cay đắng. Đúng vậy, Trần Tăng giống như vị thần mặt trời vậy. Ông ta soi vào đâu, ở đó cũng đều cháy rực lên. Người làng Đoài đầu tiên Trần Tăng chiếu rọi chính là Yến Quyên, mẹ Nam. Nhưng mẹ Nam là người đàn bà đặc biệt, gặp lửa chỉ sáng lên chứ không hề cháy rụi. Còn Tyuết đã bị Trần Tăng thiêu cháy ngay từ mồi lửa ban đầu. Và người thứ hai cũng cháy rụi trước sức mạnh của Trần Tăng là cô Cam. Còn sau đó thì không biết bao nhiêu người đàn bà khác nữa bị Trần Tăng thiêu cháy.
- Anh hỏi thật em lần cuối cùng, Nam nhìn sâu vào mắt Tuyết nói, tại sao một cán bộ xã có trình độ năng lực như em lại phải phụ thuộc mãi vào trần Tăng?
- Chẳng phải mình em phụ thuộc vào Trần Tăng. Khi Em nhận ra điều này thì đã quá muộn. Có điều chính em cũng không hiểu, tuy em phản bội anh nhưng lại sợ mất anh nên vẫn cố tình níu kéo anh. Có lẽ lúc sắp mất anh em mới bừng tỉnh thấy mình thực lòng yêu anh. Em hiểu tất cả những người đàn bà đến với Trần Tăng cũng giống như những món thực đơn trong tiệm ăn vậy, thích món nào ông ta gọi liền. Vậy đấy! Thôi, em chẳng nói chuyện ấy nữa. Anh uống đi, uống thật say với em bữa nay nữa rồi chẳng bao giờ chúng ta lại được ngồi với nhau. Chẳng giấu anh làm gì, chỉ hết khóa này nữa là em em xin nghỉ chức chủ tịch. Trước khi em nghỉ, em muốn giải quyết dứt điểm với dân đội ba đổi lại thành làng Đoài. Ông cậu Đỗ Hiền của anh từ Mỹ gửi thư về xin được đầu tư xây trường học, theo em đây là động cơ tốt, những người ra đi xa tổ quốc một thời lầm lỗi giờ muốn được góp sức mình cho quê hương, điều này em thấy cần khích lệ. Anh có ủng hộ em quan điểm này không?
- Cho dù chúng mình không còn là vợ chồng, Hoàng Kỳ Nam cảm động nói, nhưng còn tình bạn tình quê hương, anh ủng hộ em. Anh sẽ thuyết phục Vương không đối đầu với em nữa. Vương nó là người tốt, bị ức chế nên nói càn đừng chấp làm gì.
Nam và Tuyết ăn cơm xong cùng nhau về nhà Vương. Dân làng Đoài thấy Nam và Tuyết đi bên nhau lại ngỡ anh chị đã làm lành. Cũng không ai ngờ rằng Nam và Tuyết vừa ở tòa ra. Hai người bước vào nhà Vương thấy Vương ngồi buồn thiu trên giường.
- Cô cậu hồi này tình cảm nhỉ, tưởng không bao giờ thèm nhìn mặt nhau nữa cơ đấy. Vương cười mỉa mai.
Nam và Tuyết không thanh minh. Vương từ trên giường đu người ngồi lọt thỏm vào chiếc xe đẩy, tay thoăn thoắt điều khiển cho chiếc xe chạy quanh nhà như thể biểu diễn cho Nam và Tuyết thấy rõ cuộc sống của Vương đang bức bách, quẩn quanh nơi xó nhà.
- Đây là chiếc xe hội chữ thập đỏ tặng tớ chứ không phải chiếc xe ông ta mang về đâu nhá. Vương thanh minh, chiếc xe ông ta mang về tớ tống khứ cho anh Câm rồi. Nghe nói từ bữa anh Câm được tín nhiệm làm quản trang toàn mang cái xe lăn ấy phục vụ các đám bốc mộ. Cô cậu rủ nhau đến thăm tôi có việc gì quan trọng? Giọng Vương đầy khiêu khích vì nỗi mặc cảm quá lớn. Cô chủ tịch lại lôi kéo cậu đến đây thuyết phục thằng què này chứ gì. Đừng hòng, nói cho cô chủ tịch biết thằng Vương này còn sống không để các người muốn làm gì thì làm. Tôi sẽ đấu tranh cho quyền lợi của dân làng Đoài đến hơi thở cuối cùng. Làng này phải được gọi đúng tên làng Đoài. Phải xây dựng lại đình Đoài đúng vị trí ngôi đình xưa! Phải phải…
- Ông đừng có gàn, lời nói của ông chẳng khác gì chị Thu Cúc bắt cậu lập biên bản ở trong rừng ngày xưa í. Nam nói, tư tưởng ấy vừa ấu trĩ vừa mông muội. Cậu chẳng hiểu gì thời cuộc đã đổi thay.
- Đổi thay gì cũng không bao giờ cách mạng cần những đồng tiền bố thí của Đỗ Hiền, của Đào Kinh. Cho dù Đỗ Hiền là em ruột mẹ cậu, Đào Kinh là ông bố đẻ ra tôi, tôi vẫn phản đối. Vương lý sự, dân mình có ngèo đói cũng không bao giờ chịu nhục vì phải sống nhờ vào đồng tiền nhơ bẩn của những kẻ phản bội tổ quốc. Thằng Đào Vương này đổ máu xương ngoài chiến trường không phải để cho những kẻ yếu hèn phản đông muốn làm gì thì làm. Cậu mở mắt nhìn thiếu tướng Hoàng Kỳ Trung, bố đẻ của cậu, ông đã phải đối mặt với Đỗ Hiền, phải chịu tra tấn giã man trong nhà tù Mỹ Ngụy năm nào.
Tuyết quá quen tính cách của Vương nên thản nhiên đến bám vào chiếc xe lăn đẩy Vương quanh nhà.
- Tôi không tranh luận nhiều với đồng anh Vương, Tuyết vừa đi vừa nói, tôi biết tấm lòng trung kiên vì dân vì nước, biết những mất mát hi sinh của anh. Nhưng xin anh hiểu rằng có những điều mình đinh ninh là đúng, đến lúc nào đó sẽ bừng tỉnh hiểu ra sự sai lầm trầm trọng của mình. Ai ngờ chính bố đồng chí ngày xưa chỉ là kẻ làm thuê cho gia tộc Hoàng Kỳ bây giờ đã thành tỉ phú. Ai ngờ cô Măng em gái của đồng chí bây giờ có ngôi biệt thự lộng lẫy bên Hồ Tây. Ai ngờ mới ngày nào Đỗ Hiền còn là tên ác ôn giờ đã có tấm lòng yêu quê hương đất nước. Điều đó là tốt đẹp, sao anh lại khăng khăng phản đối. Chính anh mới là người bảo thủ ích kỷ. Tất cả mọi người ai cũng thương yếu quý mến anh, tại sao anh lại khước từ lòng tốt của mọi người. Giả dụ giờ có người nào đó mong được làm vợ anh? Tuyết cười nhìn Vương thân thiện.
- Tôi đã thành kẻ tàn phế, ai người ta lấy, Vương nói, tôi mong cô chủ tịch đừng nói đến chuyện này với tôi.
- tôi biết chắc có người đang muốn được anh yêu thương.
Vương tự lăn chiếc xe đến bên giường, bằng động tác thuần thục, Vương nhún người bật khỏi chiếc xe ngồi lên giường, giọng gay gắt.
- Xin cô chủ tịch thông cảm, tôi muốn được nói chuyện riêng với Nam, đã lâu chúng tôi chưa gặp nhau.
- Anh Vương lại đuổi khéo tôi rồi! Tuyết cười, thôi được, để lúc khác tôi sẽ tranh luận tiếp với anh. Tạm biệt, chúc hai người vui vẻ.
- Ông còn lôi kéo cô ta vào đây làm gì? Tuyết vừa ra khỏi cổng, Vương gay gắt, cô ta đã làm cho ông mất mặt với làng với xóm mà ông vẫn không tỉnh ra sao?
- Cô ấy muốn đến với ông tôi cấm sao được.
- Cậu với cô ta hồi này vui vẻ rồi sao?
- Vừa ra tòa xong. Kết thúc rồi. Vương ngỡ ngàng khi Nam đưa tờ quyết định ly hôn của tòa án cho Vương xem.
- Vậy là tôi và ông đều trắng tay, Nam cười vui, ông hơn tôi còn có được đứa con đang ở bên Mỹ. Quả đất tròn, con Ngọc Lan sẽ có ngày về Việt Nam, lúc ấy dứt khoát nó sẽ đến tìm tôi bởi nó vẫn đinh ninh tôi là bố nó. Tôi hứa với ông, tôi sẽ bàn giao nghĩa vụ làm bố cho ông. Tới đây tôi sẽ vào lại trong ấy, không biết bệnh tật Thương Huyền giờ ra sao.
Vương ngồi ngơ ngẩn trên giường, quá bất ngờ về chuyện Nam và Tuyết ly hôn.
- Ông nói thật đi, ông vẫn còn yêu thương Huyền đúng không? Bất chợt Vương tóm lấy tay Nam giọng xúc động.
Câu hỏi bất ngờ của Vương làm mặt Nam nóng ran. Vương biết lâu nay Nam vẫn thầm yêu Thương Huyền. Nam nhìn vào mặt Vương hiểu rõ Vương đang muốn gì. Vương đã tàn phế thế này. Nam đã ly hôn Tuyết, hai người bây giờ được tự do.
- Hãy làm điều gì đi Nam! Vương tha thiết nói, cậu phải vào với Thương Huyền. Mấy năm ru rú giam mình trên chiếc xe lăn này tớ hiểu rõ cái hư vô của cuộc đời. Hóa ra những người cứ cố vượt lên, cố làm được gì đó như ông bà nội Hoàng Kỳ Bắc nhà cậu, như ông bà Đức Cường, bố mẹ của Thương Huyền giầu có vậy, kết cục cũng trắng tay. Thật khủng khiếp, nếu đặt vào địa vị mình, có lẽ cũng chẳng chịu nổi. Còn Thương Huyền, không còn biết khốn khổ đến bao giờ. Đến như bố cậu, đánh Nam dẹp Bắc chỉ huy xe tăng thiết giáp rùng rùng lên đến tướng rồi cũng sẽ làm được gì? Ngay đến như tôi và ông giờ cũng thấy bơ vơ nữa là. Mẹ kiếp, lớ ngớ như mấy mẹ con bà cháo, như bố Kinh mình, như cái Măng lại trở nên giầu sang phú quý mới lạ. Tôi đọc bài “Nhà tỉ phú Đào Kinh” cậu viết mà ngỡ ai xa lạ chứ không phải ông bố đẻ ra mình. Đời cũng roã là...
- Cậu cũng thật nhỏ nhen, người thân của mình làm ăn giầu sang mình mừng chứ sao.
- Mừng con khỉ! Ông tưởng tôi què quặt ngồi xó nhà không biết gì sao. Người như con Măng không có bố Trần Tăng nó thao túng thì làm ăn được gì. Mẹ con bà cháo tôi lạ gì. Cả ba cô con gái cái Muôi, cái Muỗng, cái Thìa giỏi dang gì, loại chân đất mắt toét lại học dốt không lấy cái L kinh doanh thì mọt kiếp.
- Người ta đã đổi tên Mây, Mẫn, Thuần từ đời nào mà ông cứ Muôi, Muỗng, Thìa mãi, ông chẳng hiểu gì thời cuộc đổi thay. Thời cuộc đổi thay, con người cũng thay đổi.
Nam nói cốt để Vương yên lòng. Nam biết Vương đang mặc cảm nặng nề. Bản tính Vương mạnh mẽ từ bé, làm gì cũng muốn nổi tiếng, tính khí lại ngang tàng, sức sống hừng hực, dục vọng tràn trề giờ chịu ngồi xe lăn quả ông trời đã trừng phạt nó. Chính Vương mới là kẻ đã hãm hại Thương Huyền. Nam mới chính là người yêu thương và trân trọng nàng. Nam mạnh dạn nói thẳng cho Vương hiểu hết nỗi lòng của mình.
- Chỗ bạn bè thân tình, tôi nói để cậu biết, cậu đã sai rồi. Tất cả mọi người đều thực lòng muốn điều tốt cho cậu, từ chú Kinh, cái Măng đến Tuyết đều chân tình giúp đỡ cậu. Không chấp nhận lòng tốt của họ thì cậu quả là kẻ điên khùng.
Những lời vừa bỗ bã vừa chân tình của Nam, Vương bứt rứt ngồi ngây nghe Nam nói về dự định tương lai.
o O o
Nam li hôn Tuyết đúng vào dịp bố Hoàng Kỳ Trung sắp đến tuổi hưu trở về làng Đoài. Có lẽ ngày bố Hoàng Kỳ Trung “hạ cánh” Mẹ Yến Quyên mới thực sự được sống những ngày tháng yên bình. Mẹ Yến Quyên bảo với Nam, khi nào bố về bắt bố phải sửa sang lại cơ ngơi gia tộc Hoàng Kỳ nhà ta. Sẽ phá bức tường ngăn giữa năm gian của ông bà từ hồi cải cách. Từ ngày Tuyết bỏ về nhà bố mẹ đẻ, hai gian nhà vẫn để hoang lạnh. Còn ba gian nhà ngang vẫn bỏ hoang từ ngày mẹ con bà Cháo theo chú Kinh ra biên giới làm ăn giờ dã dột nát. Nam lấy gói chè Thái Nguyên mang biếu cô Lùn.
- Cám ơn cậu Nam lại còn có quà cho tôi nữa, cô Lùn cảm động nói, cậu xem tôi sửa sang lại gian nhà này có đẹp không? Tiền mấy mẹ con bà Cháo về chơi cho đấy. Thật là sung sướng, rời làng Đoài ra đi trông đứa nào cũng như bà hoàng bà chúa. Giá không xảy ra chuyện người Hoa ngày ấy tôi ở với chúng nó tới bây giờ thì sung sướng biết bao nhiêu. Giờ tôi có tuổi rồi chúng có mời tôi ra ở với chúng tôi cũng chịu. Mảnh đất của gia đình cậu đối với tôi bây giờ đã trở nên thân thiết máu thịt. Thân tôi một mình, có chết đi sau này căn nhà này cũng trả lại gia tộc Hoàng Kỳ nhà cậu. Không hiểu tại sao anh và chị Tuyết cứ như mặt trăng mặt trời mãi thế.
- Cô ơi! Chúng cháu ra tòa li hôn rồi ạ. Nam nói.
- Thật vậy sao? Cô lùn sững người, thế thì đúng rồi, ông thầy bói nói đúng quá! Mảnh đất gia tộc Hoàng Kỳ nhà anh chỉ phát đến đời ông bà nội anh là hết. Anh thấy có đúng không? Đấy anh xem, từ ngày ông bà Hoàng Kỳ Bắc chết đi, có ai ở được yên lành trên mảnh đất này đâu. Đến như mẹ con bà Cháo, rồi chú Kinh cô Cam cũng không sống nổi phải bỏ đây mà đi, giờ lại đến cả chị Tuyết đã làm vợ anh bao năm giờ cũng phải bỏ đi. Chẳng phải duy tâm, điều này tôi cho rằng ông bà Hoàng Kỳ Bắc đã trừng phạt chúng ta đấy. Trừng phạt đến cả bố cả mẹ anh nữa đấy. Ai đời đi theo cách mạng bao năm làm lên cấp tướng rồi mà không giữ nổi mảnh đất này, cơ ngơi này của tổ tiên bố mẹ mình để hoang để lạnh bao năm nay.
- Cô ơi nhắc chuyện ấy mãi mà chi nghe buồn quá. Nam nói.
- Tôi biết có nói anh cũng chả tin. Rồi anh xem, nếu anh không lo tính sớm chuyện này cứ đi biền biệt không về, không vợ con gì, bố mẹ anh sau này khuất núi, mảnh đất gia tộc Hoàng Kỳ này lại cũng bỏ hoang hoặc rơi vào tay kẻ khác mất thì có tội với tổ tiên đấy. Tôi thấy anh ăn ở hiền lành mới nói trước. Đã năm mươi tuổi rồi còn bỏ vợ, anh định sống độc thân đến bao giờ? Tôi đã chịu độc thân cả một đời tôi hiểu.
- Cô yên tâm, cháu sẽ lấy vợ, về đây ở và sẽ đẻ ba bốn đứa con, lúc đó chỉ sợ không có sức mà nuôi nổi chúng. Nam nói với cô Lùn cho vui, thực sự Nam thấy lòng hoang mang, chả lẽ mọi chuyện lại như cô Lùn vừa nói. Nam về nói với mẹ ý định đi tìm Thương Huyền. Mẹ Nam nhận ra có điều gì không bình thường ở Nam. Mắt mẹ hoảng loạn, cuộc đời mẹ luôn gặp những sự bất thường. Và lúc này mẹ đã nhận ra sự không bình thường ở Nam.
- Chả lẽ con vẫn yêu cái cô Thương Huyền mất trí đó sao? Câu hỏi bất ngờ của mẹ, khiến Nam không thể không thành thực. Mẹ đâu biết Nam sống vật vờ lâu nay chẳng phải cũng vì Thương Huyền đó sao. Nam đã nói trước với mẹ, Nam là một nhà văn, mang dòng máu gia tộc Hoàng Kỳ, phải sống theo đúng những gì ông bà nội Nam đã từng sống, từng dạy bảo Nam từ những tháng ngày thơ dại. Thương Huyền mới đích thực là tình yêu của Nam. Cũng giống như mẹ là mối tình cao cả của bố. Nam bây giờ đã thành người tự do một nửa, Nam muốn bỏ cả nghề làm báo để thành người tự do hoàn toàn. Lâu nay Nam viết theo sự sắp đặt của ông tổng biên tập. Giờ Nam phải viết theo sự mách bảo của trái tim. Trái tim Nam đang thổn thức muốn đi tìm Thương Huyền. Nam linh cảm chị Thu Cúc đã cố tình làm tan nát cả gia đình Thương Huyền.
o O o
Tướng Hoàng Kỳ Trung về hưu, người hạnh phúc nhất là Yến Quyên.
- Bà cũng rõ lạ kỳ, tôi làm tướng bà không vui bằng tôi về làm dân thường, Hoàng Kỳ Trung nói.
- Có gì hơn tình cảm vợ chồng, suốt bốn mươi lăm năm làm vợ ông, giờ tôi mới thực sự yên lòng. Ông cứ ngẫm xem, ở làng Đoài này chẳng nhà nào được giàu có như nhà mình, chức tước cũng chẳng ai bằng ông, suốt một đời chinh chiến, giờ ông về làm dân cày tôi vẫn thấy vui.
Tướng Hoàng Kỳ Trung không ngờ Yến Quyên lại nói ra những lời cay đắng, trần trụi đến thế. Hoàng Kỳ Trung buồn bã lặng lẽ bước ra khỏi nhà. Ông ra cầu Đình Đoài, chiếc cầu cong cong soi bóng chiều tà lung linh dưới mặt nước. Lững thững theo bờ sông ra cánh đồng làng, ông bất chợt thấy lòng ấm lại muốn được nhìn ngắm cảnh vật đồng đất làng Đoài. Đã lâu lắm ông mới lại có những phút giây chiêm ngẫm lại cuộc đời như lúc này. Đúng là quyền uy của một vị tướng như ông không còn, và nhan sắc Yến Quyên giờ cũng đã tàn phai, con sông làng Đoài thì vẫn thao thiết trôi về biển cả mãi không bao giờ ngưng. Muôn đời sông vẫn cứ trôi về biển cả như thế. Đã bao năm, đồng làng Đoài vẫn ngan ngát xanh. Ngoài cánh mã Rốt, hai ngôi mộ ông bà Hoàng Kỳ Bắc vẫn nằm cạnh nhau im lìm nhìn thời thế đổi thay. Hoàng Kỳ Trung đứng trước hai ngôi mộ bố mẹ mà lòng se lại. Ông ân hận đã không mang theo thẻ hương thỉnh cầu báo cáo cho hương hồn hai cụ biết ông đã về làng, kết thúc một đời binh nghiệp. Lần này thì ông về ở hẳn với dân làng Đoài không đi đâu nữa. Đứng tần ngần mãi tới khi trời sập tối lúc nào, ông bừng tỉnh vội vã ra về. Đêm xuống, bóng tối bao trùm không gian. Ông về ngồi lên chiếc sập gụ ăn bữa cơm đầu tiên của một vị tướng về hưu mà Yến Quyên đã sắp sẵn đợi ông.
- Mình ăn cơm sớm, lát nữa thế nào bà con xóm láng họ cũng sang chơi. Yến Quyên nói, ông đi đâu để tôi đợi mãi?
- Tôi ra thăm đồng làng! Hoàng Kỳ Trung nói, đã lâu lắm tôi mới lại có được những giây phút yên bình. Có gắn bó với quê hương mới nhận ra đồng đất làng Đoài mình đẹp thật.
Bữa cơm diễn ra vui vẻ, Yến Quyên dọn bát đũa, Hoàng Kỳ Trung pha ấm nước chè thật ngon đón khách láng giềng. Loại chè Thái thơm nhất ông đã chuẩn bị từ tháng trước để đãi dân làng Đòai. Yến Quyên còn đang rửa bát ở sân giếng đã nghe có bước chân bước vào ngõ. Người đầu tiên là lão Khi. Lão khua gậy vào cánh cổng cộc cộc nói như chửi giữa giời.
- Mẹ kiếp, làm lên tướng, ngỡ có nhà lầu xe hơi ở Thủ Đô chứ sao lại chịu về xó xỉnh làng Đoài này hả. Rõ đếch bằng Kỳ Bắc ngày xưa. Lão già này nói thật đấy! Hoàng Kỳ Bắc bố anh ngày xưa không bị thằng Trần Tăng giết oan thì bây giờ khá hơn các anh là cái chắc. Bốn chục năm trước Hoàng Kỳ Bắc đã lên xe xuống ngựa tung hoành khắp nơi.
- Mời cụ sang xơi nước, Hoàng Kỳ Trung nói, chuyện cũ nhắc lại làm gì cụ ơi.
- Cũ là thế nào, lão Khi cãi, anh đi biền biệt không hiểu thế sự làng Đoài mình. Tôi già rồi, sắp xuống lỗ rồi chẳng sợ gì mà không nói thật. Mấy tay ủy ban tôi cũng đếch sợ, anh là ông tướng tôi cũng đếch sợ. Tướng về hưu còn gì uy quyền. Sau này anh ngẫm lại lời lão già này nói chỉ có đúng, về làng Đoài này anh lại khổ cho mà xem.
Hoàng Kỳ Trung cười, rót chén nước chè đặc mời lão Khi.
- Cháu không sợ khổ, vào nhà tù của Mỹ Ngụy bị đánh đập tra tấn dùi cui roi điện cháu chịu được, giờ về làm dân thường có khổ cũng vui.
- Ông tướng ơi là ông tướng, Lão Khi cười hầng hậc, ông chỉ giỏi đi đánh nhau, về làng ngu ngơ như bò đội nón chả hiểu gì thế thái nhân tình. Ông đi quanh năm suốt tháng có biết được nổi khổ của dân làng Đoài không?
- Làng Đoài mình gần một năm nay sống vô chính phủ, vị tướng về hưu đã biết chưa? Cô Lùn từ giếng nước nói vọng vào.
- Mấy người nói năng thận trọng nhá, ông Ban cán bộ thuế vụ về hưu vừa mới vào sân đã oang oang, người ta là tướng lo tính việc quân cơ, ba cái chuyện vặt ở làng này đã là gì mà mấy người quan trọng hóa vấn đề. Tôi chỉ muốn biết ông tướng chuyến này về có dự tính lớn lao gì không? Nghe nói ông em vợ Đỗ Hiền của vị tướng sắp sửa từ Mỹ về đầu tư xây trường học cho xã. Rõ là thời cuộc đổi thay mới tuyệt vời làm sao.
Câu chào mở đầu của ông Ban khiến Hoàng Kỳ Trung ớn lạnh sống lưng. Ông ngồi lặng rót nước vào ấm tràn cả ra sập gụ mà không biết. Hoàng Kỳ Trung ngồi thừ ra nhìn mọi người kéo đến nhà mỗi lúc một đông. Ông Ban vừa vào đến cửa thấy hai mẹ con cô Cam và Vương lọc cọc chống nạng dắt díu nhau bước vào sân. Cuộc tranh luận bàn tính chuyện xã hội, chuyện làm ăn mỗi lúc một sôi động. Hoàng Kỳ Trung không ngờ mọi người lại quan tâm đến chuyện chính trị hơn cả dân thành phố. Vương cố rướn người chống chiếc nạng gỗ bước lên bậc thềm nhìn Hoàng Kỳ Trung cười, nói rõ to:
- Báo cáo thiếu tướng, trung úy Đào Vương đã có mặt. Hoàng Kỳ Trung vội đỡ Vương ngồi xuống sập gụ cạnh mình.
- Nghe nói cậu đấu tranh với chính quyền xã dữ lắm phải không. Chuyện của cậu vang lên đến tỉnh rồi đó.
- Báo cáo thủ trưởng lên đến trung ương cũng không sợ. Trong chiến trường mất cả cẳng chân tôi còn không sợ, giờ về làng chuyện chi mà tôi phải sợ. Tôi thiếu úy Đào Vương nguyện một đời cống hiến hi sinh cho đảng đến hơi thở cuối cùng.
- Phải thế chứ! Hoàng Kỳ Trung nói, mấy năm cậu về quê, gái làng Đoài đã cô nào để mắt tới cậu chưa? Hy sinh cống hiến cho Đảng cho dân thế là tốt rồi, nhưng vẫn phải lấy vợ nữa.
- Vị tướng đi xa không biết đó thôi, Nghe nói nó đã có vợ có con trong Nam rồi. Lão Khi nói.
- Hoàng Kỳ Trung chợt ngây người nhớ tới câu chuyền tình rắc rối mấy năm trước của Vương.
- Từ ngày chúng tôi vào trong ấy thấy cảnh tình người ta thế, nó nguyện suốt đời không yêu ai nữa. Mẹ Vương thanh minh, tôi đang tìm cách liên lạc với đứa con của nó ở bên Mỹ để bố con nó nhận nhau. Bà Cam nói nhìn Hoàng Kỳ Trung.
- Bố Đào Kinh của Vương lâu nay ra sao rồi? Hoàng Kỳ Trung hỏi.
- Năm ngoái bố Kinh nó về thăm, cho nó cái xe đẩy nó còn quẳng xuông sông, nó có thèm nhận bố nó đâu, chú giúp tôi khuyên bảo nó.
- Con đâu còn con nít. Mẹ còn thương ông ấy thì đi với ông ta. Con còn sống ngày nào con cấm cửa. Phải là những người lính đổ xương máu nơi chiến trường như con, như tướng Trung đây mới thấy căm thù những kẻ phản bội Tổ quốc. Chuyến này về đề nghị đồng chí thiếu Tướng phải kiên quết đấu tranh với chính quyền xã trả lại tên làng Đoài xưa cho dân đội ba ta. Nếu cứ gọi làng xóm theo thứ tự đánh số một hai ba bốn mãi, sau này sẽ chẳng còn ai biết tên làng tên xóm mình nữa. Và cứ đà này mấy ông trên huyện trên tỉnh lại đua nhau đặt lại tên các xã theo thứ tự đánh số, xã một xã hai xã ba, rồi huyện một huyện hai huyện ba, rồi tỉnh một tỉnh hai tỉnh ba thì cái đất nước này sẽ là một đất nước lạ lùng nhất thế giới ha ha...
Vương khoái chí cười ngất. Chú Bành đồng tình nói:
- Cậu Vương nói phải, tôi phản đối cả chuyện Đỗ Hiền đầu tư xây dựng trường học. Dù con em làng Đoài có thiếu trường thiếu lớp phải ngồi ngoài gốc mít để học cũng không cần đến kẻ phản bội Tổ quốc giúp đỡ. Chính quyền xã mà lại nhận thức lơ mơ về lập trường giai cấp. Cô Yến Quyên có giận tôi cũng nói. Đỗ Hiền tuy là em trai cô nhưng cậu ta là kẻ nợ máu, là kẻ thù của dân tộc, là tên ác ôn hành hạ tra tấn ngay cả anh rể mình trong nhà tù Mỹ Ngụy. Chuyện này thiếu tướng Hoàng Kỳ Trung rõ hơn ai hết.
- Kể cũng trái khoáy thế nào, bà Sen vó bè nói, cả làng cả xã mình xưa nay có truyền thống cách mạng, có lòng yêu nước căm thù giặc đến tận xương tuỷ, gìơ lại để cho thằng phản động nó xây trường học giáo dục con em mình thì cũng lấy làm điều chướng.
- Đã nghèo rớt mồng tơi mà các ông các bà cứ sỹ diện, lão Khi nói, không để Đỗ Hiền tình nguyện bỏ tiền ra xây dựng lại ngôi chùa làng Đông, thánh thần phải nằm phơi sương nắng đến bao giờ. Đấy các ông các bà lên Đông Phương mà xem bà con người ta còn vận động kiều bào nước ngoài ủng hộ quyên góp xây dưng lại ngôi chùa đẹp như cung Điện nhà vua.
Yến Quyên không ngờ câu chuyện trở nên gay gắt. Với Đỗ Hiền, Yến Quyên vẫn đau đáu mong sao có ngày gặp lại người em trai duy nhất của mình. Mẹ của Yến Quyên đã trông ngóng tháng ngày khóc con mờ cả mắt. Giờ thời thế đã đổi thay thì ắt mọi chuyện phải thay đổi cũng là lẽ thường tình.
- Các người rõ ác, Yến Quyên gay gắt, Cậu Đỗ Hiền nhà tôi đã có tội, muốn chuộc lại lỗi lầm với dân làng Đoài mình bằng cách xây dựng trường học, những mong cho lớp con cháu chúng ta được học hành tử tế là điều tốt, tại sao mọi người lại cho đó là điều sỉ nhục. Quan điểm của Đảng và nhà nước cũng đã khác xưa, bắt tay làm bạn với tất cả các nước trên thế giới kể cả kẻ thù lớn nhất như đế quốc Mỹ bây giờ cũng đã là bạn thì đối với cậu Hiền nhà tôi tại sao mọi người lại không thể hoà đồng?
Câu chuyện trở nên nặng nề, mọi người lần lượt ra về. Đêm trở lại yên tĩnh. Yến Quyên nhìn gương mặt Hoàng Kỳ Trung thâm trầm, mái tóc bạc trắng, đôi mắt đục màu tro thỉnh thoảng lại giật giật, miệng mấp máy muốn nói điều gì đó mà không nói được. Hai vợ chồng cứ để điện sáng thâu đêm như muốn ngồi mãi với nhau trên chiếc sập gụ này. Đã bao năm dân làng Đoài đã quen nhận ra ánh sáng thâu đêm trong ngôi nhà vợ chồng Hoàng Kỳ Trung, nó vẫn sáng chói lên qua mỗi biến cố đổi thay của thời cuộc, nó vẫn sáng chói lên quá khuya mỗi lần vị tướng về nhà thăm vợ. Ngôi nhà này là chứng nhân của lịch sử thăng trầm của người làng Đoài. Chiếc sập gụ vẫn sáng lên theo năm tháng, nó vẫn in rõ hình bóng bà Kỳ Bắc ngồi têm trầu ngóng chồng đánh xe ngựa về làng thả đèn giời, hát cô đầu ở đình Đoài vào dịp rằm tháng tám. Chiếc sập gụ trở nên lạnh lẽo từ ngày hai ông bà Hoàng Kỳ Bắc mất đi. Bà Kỳ Bắc đã phải tự móc ruột moi gan mình cũng chính trên chính chiếc sập gụ này để cứu danh gia dòng tộc Hoàng Kỳ. Yến Quyên đưa tay xoa đi xoa lại trên sập gụ nhìn chồng.
- Giá mình nghe tôi lên Hà Nội thì tôi đã được phân nhà từ lâu rồi. Hoàng Kỳ Trung nói.
- Dù anh có được phân nhà ở Hà Nội thì tôi vẫn ở làng Đoài này, vẫn ở mãi ngôi nhà này, vẫn ngồi mãi trên cái sập vụ này.
- Tôi chịu thua mình rồi. Hoàng Kỳ Trung dịu giọng.
- Mình vẫn chưa nhận ra cái quý giá nhất của đời người là được sống gần gũi với chồng con. Yến Quyên ngước nhìn chồng, đời lính đã cuốn hút mình không còn nhận ra điều đó.
- Tôi hiểu rõ tình cảm của mình với tôi. Không có mình gia tộc Hoàng Kỳ này đã tan biến từ lâu. Trong quân đội tôi là tướng giờ trở về, mình lại là tướng của tôi. Mọi chuyện từ nay mình quyết định hết.
- Ông sẽ phải chấp hành mọi mệnh lệnh của tôi chứ? Yến Quyên cười vui vẻ.
- Xin được tuân lệnh. Hoàng Kỳ Trung nắm chặt đôi bàn tay Yến Quyên.
- Khuya rồi ông nên đi nghỉ, sáng mai còn lên xã nộp giấy tờ, giọng Yến Quyên xúc động, ông hãy nghe tôi, chỉ cần làm tròn bổn phận của một công dân tốt. Hãy quên là mình đã làm tướng. Sáng mai ra ủy ban có ai nhắc đến chuyện con Tuyết và thằng Nam hãy liệu mà nói kẻo người ta lại bảo bố con ông về cậy quyền cậy thế ruồng rẫy chê bai cô chủ tịch xã này.
- Tình hình con Tuyết gì ra sao?
- Từ ngày tòa xử hai đứa ly hôn, con Tuyết về đằng nhà mẹ đẻ nó. Bao năm nay làm dâu nhà mình, giờ trắng tay, phận đàn bà như nó cũng rõ tội.
Hoàng Kỳ Trung xúc động ôm Yến Quyên vào lòng. Bao năm làm tướng tôi thấy bình thường, giờ về làm dân thường lại thấy lo. Chỉ mỗi chuyện găp lại con Tuyết ngoài xã không biết nói thế nào với nó.
- Ngủ đi, nếu sợ để mai tôi cùng lên xã với ông.
- Bà cứ làm tôi còn bé lắm.
Yến Quyên vùi đầu vào ngực chồng mãn nguyên. Đêm làng Đòai trầm lắng tiếng sóng biển từ xa vọng về.
- Chiều nay thấy có bóng rươi. Ông còn nhớ bóng rươi không. Mai rươi nhiều lắm đó, tôi sẽ đãi ông món chả rươi trứng gà ngon tuyệt trần.
o O o
Tướng Hoàng Kỳ Trung bước vào trụ sở ủy ban xã, một cán bộ văn phòng đang mải mê viết gì đó.
- Mời ông cứ ngồi chờ ít phút tôi phải chuyển cho đồng chí chủ tịch cái đơn, anh ta nói mà không nhìn ông, rõ cái anh đội ba này toàn những thành phần cứng đầu cứng cổ kiện cáo tùm lum.
- Kiện chuyện gì vậy đồng chí? Hoàng Kỳ Trung hỏi.
- Còn chuyện gì nữa, vẫn là chuyện đất đai, chuyện trả lại tên làng tên xóm cũ cho cái anh đôi ba. Rõ rách việc, cái tên làng Đoài, làng Đông nghe cũ rích chứ hay ho gì mà nuối tiếc. Đây đích thị là âm mưu của bọn xấu tìm cách gây khó dễ cho chính quyền xã đây mà. Chỉ khổ quần chúng nhân dân chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì cứ a dua chống đối chính quyền. Phải tóm cổ mấy thằng cầm đầu là yên chuyện. Cậu văn phòng vừa nói vừa cầm tờ đơn bước ra cửa. Hoàng Kỳ Trung ngồi một mình chờ đợi. Lát sau cậu văn phòng tất bật bước vào nhìn Hoàng Kỳ Trung.
- Ông ở đội mấy? Có việc gì gì xin cứ trình bày tôi nghe. Trông ông như người ở xa về?
- Báo cáo đồng chí, cũng chẳng có việc gì quan trọng, ngày đầu tiên rời quân ngũ về địa phương, tôi lên trình diện chính quyền.
- Thì đi mãi, đến tuổi cũng phải về chứ. Ông ở đội mấy?
- Tôi ở làng Đoài.
- Đấy, lại làng Đoai, cậu văn phòng ngỡ ngàng. Ông về đúng vào thời điểm làng Đoài nhà ông đang nóng làm chính quyền xã điêu đứng, dân tình kiện cáo tùm lum không chịu bầu trưởng thôn. Đã một năm nay cả làng sống vô chính phủ không chịu nộp sản cho nhà nước. Dân tình cứ sôi lên sùng sục. Có khi phải nhờ vào những tay súng cừ khôi của những người lính hồi hương như ông trừng trị thì mới yên được.
- Bà con làng xóm mà đồng chí làm như giặc không bằng.
- Ông về rồi ông sẽ thấy, còn hơn cả giặc. Nếu là giặc lại dễ đánh, chỉ pằng pằng nổ súng. Đằng này súng không được nổ, gậy cũng chẳng đánh được ai thế mới tức. Lãnh đạo mà chỉ được dùng lý lẽ thì khó quá. Dân trí thấp, lý lẽ lại chả có, toàn những lý sinh sự. Đến đồng chí chủ tịch xã là con dâu làng Đoài mà cũng chịu.
- Đồng chí cho tôi gặp đồng chí chủ tịch xã.
- Xin ông cho biết quý danh.
- Tôi là Hoàng Kỳ Trung ngưòi làng Đoài.
Tay văn phòng sững người.
- Ông là tướng Hoàng Kỳ Trung đây sao? Sao ông không nói trước để tôi báo các đồng chí lãnh đạo đón tiếp ông chu đáo.
Cậu văn phòng vồn vã dẫn Hoàng Kỳ Trung sang phòng chủ tịch thanh minh:
- Đồng chí chủ tịch thông cảm, ông nhà chẳng nói trước nên tôi đã để ông nhà ngồi chờ lâu quá.
- Không sao, Tuyết nói, đồng chí về phòng làm việc. Con mời bố ngồi. Con biết bố về từ hôm qua, bố có khỏe không ạ? Chắc mẹ đã nói hết chuyện chúng con với bố rồi. Con không ngờ bố lại về hưu nhanh đến thế. Tình kình làng Đoài bây giờ phức tạp lắm ạ, bố có cách gì giúp chúng con, giúp xã. Con tin dân làng Đoài sẽ nghe bố. Còn chuyện giữa anh Nam và con, chúng con đã tự giải quyết êm thấm rồi. Đối với con trước sau con vẫn là con cái của bố mẹ.
- Chị đã nói thế thì tôi cũng hỏi thật, ai là đối tượng để dân làng Đoài phẫn nộ đòi đổi tên làng, kiện cáo chuyện xã bán mấy xuất đất trên ngã tư.
- Con mời bố sang văn phòng đảng ủy, các đồng chí bên ấy sẽ nói cụ thể hơn. Bố về thật đúng lúc, Đảng uỷ xã hôm nay tổ chức gặp mặt ông Hiền bàn chuyện xây dựng ngôi chùa làng Đông, bố sang bên đó trước dự luôn thể, lát nữa con sang. Còn chuyện bán đất thì thú thực với bố cũng là chủ trương của xã muốn tổ chức thật to, thật hoành tráng cho buổi đón danh hiệu anh hùng của xã sằp tới, nên đành phải xin huyện mở lối bằng cách bán vài xuất đất lấy tiền cũng là chuyện cực chẳng đã. Muốn giải quyết dứt điểm những chuyện này, trước tiên phải thuyết phục được anh Vương. Từ ngày bố đưa anh Vương về làng, anh ấy làm mình làm mẩy coi chính quyến xã chẳng ra gì, kiện cáo, yêu sách đủ chuyện. Làng Đoài vẫn gọi anh ấy là người hùng số một. Dân làng gọi thế vừa có ý ca ngợi lại vừa có ý nói anh ấy là một người đặc biệt. Anh ấy còn tỏ ra khoái chí được dân làng Đoài gọi là người đứng đầu nổi dậy chống lại chính quyền xã. Việc gì anh ta cũng biết. Anh ta là con ngươi kỳ quặc nhất, ngang bướng nhất, và cũng anh hùng nhất, dám làm mọi chuyện.
- Thôi được rồi, Hoàng Kỳ Trung đứng dậy nói, vấn đề không phải tay Vương kỳ quặc như thế nào, cái chính là quan điểm của xã nhìn nhận sự việc của dân đội 3 đòi trả lại tên làng Đoài là đúng hay sai? Nếu đúng thì xã phải sửa sai. Nếu không đúng xã phải có trách nhiệm giải thích cho dân hiểu.
- Bố ơi, mọi chuyện đâu phải đơn giản có thế. Bố quá rõ chuyện này, vấn đề đâu chỉ đổi tên làng Đoài là xong. Vẫn là chuyện ngày xưa, đình Đoài bị phá đi, ai là người trực tiếp chỉ đạo phá đi bố biết rồi. Đồng chí Trần Tăng và bố anh Vương chứ ai. Giờ lại đến lượt anh Vương đấu tranh đòi trả lại tên làng Đoài. Dân làng họ chả bảo, đời bố phá đi thì đời con phải đòi lại. Đòi được tên làng Đoài rồi, họ sẽ đòi lại cái nền đình Đoài cũ. Nền đình Đoài cũ chính là trụ sở Đảng bộ xã bây giờ. Nếu bố ở cương vị bí thư Đảng bộ, bố có dám cho dân phá trụ sở Đảng bộ để khôi phục xây dựng lại đình Đoài không? Đã có ý kiến trong ban chấp hành Đảng ủy cho rằng đây là âm mưu của kẻ địch chống đối lại chính quyền phải kiên quyết trừng trị, phá trụ sở Đảng tức là phá Đảng đem bỏ tù được.
- Lại đến thế sao? Hoàng Kỳ Trung nói, chuyện này để bố gặp tay Vương, nhưng chính quyền xã cũng cần xem xét kỹ mọi chuyện, không nên quy chụp vội vàng.
Hoàng Kỳ Trung từ phòng chủ tịch bước sang văn phòng Đảng ủy với tâm trạng rối bời. Sống tới cuối đời, hôm nay là ngày đầu tiên trở về làm người dân bình thường, ông mới thực sự thấy cuộc sống này không đơn giản chút nào. Ông đi trên hành lang văn phòng Đảng uỷ, cảm giác lâng lâng. Nơi đây chính là nền móng ngôi đình Đoài cũ, một ngôi đình lừng lững cổ kính rêu phong chất chồng bao kỷ niệm tuổi thơ ông. Ông bâng khuâng nhìn ra khoảng sân trước mặt thấy trống vắng hình bóng hai cây quéo cổ thụ cao to lồng lộng tán lá rợp cả khoảng trời làng quê năm nào. Hai cây quéo đã chết dần chết mòn từ ngày hợp tác xây cái sân kho ra khoảng đất trống cạnh bờ sông. Ngày ấy lão Khi làng Đoài còn doạ cán bộ xã: “Tôi nói cho các ông xã biết, cây cao bóng cả là nơi thần linh trú ngụ, hai cây quéo làng Đoài chết đi báo hiệu điềm gở cho dân làng, nếu không giặc giã thì cũng lũ lụt bão gió mất mùa đói kém dịch bệnh cho mà xem” Lời lão Khi nói quả không sai, sau đó mấy năm liền dân tình đói dài đói rạc, làng xóm xác xơ. Ngày ấy Hoàng Kỳ Trung về phép thăm nhà để đi chiến trường, trong nhà trống huơ trống hoác chẳng thấy thóc lúa đâu, Yến Quyên phải đi đào củ chuối độn cơm. Thời gian trôi nhanh, con người già đi, cảnh vật biến đổi, thấm thoắt đã mấy chục năm.
Có tiếng nói hùng hồn từ trong văn phòng Đảng uỷ khiến Hoàng Kỳ Trung sững lại.
- Chúng ta đang bước vào thế kỷ hai mốt, mỗi chúng ta phải có một tư duy mới. Việt Nam ta đã bắt tay làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, kể cả nước Mỹ, kẻ thù của ta xưa. Chủ trương của Đảng và nhà nước xoá bỏ hận thù giai cấp, cùng nhau xây dựng một đất nước giàu đẹp. Bởi thế cho nên, việc ông Đỗ Hiền từ Mỹ trở về có tấm lòng hảo tâm, vì quê hương vì tình làng nghĩa xóm đã bỏ ra khoản tiền lớn xin được xây dựng lại ngôi chùa làng Đông lâu nay bị tàn phá đổ nát là một việc làm đáng hoan nghênh. Thay mặt Đảng bộ xã, thay mặt nhân dân xã nhà, tôi chân thành cảm ơn ông Đỗ Hiền. Với việc làm tốt đẹp này của ông Đỗ Hiền chúng ta cần biểu dương ủng hộ. Hoàng Kỳ Trung gai người nghe tiếng vỗ tay đầy hào hứng của mọi người và tiếng Đỗ Hiền vang lên. Và lúc này vẫn là giọng nói ấy, giọng nói trong phòng hỏi cung của trung tâm tâm lý chiến phi trường năm nào vẫn vang lên trong tâm trí Hoàng Kỳ Trung. Những lời lẽ cao ngạo, lối hùng biện tài tình của viên đại tá nguỵ quyền Sài Gòn Đỗ Hiền, và những ngón đòn tra tấn kiểu Mỹ ngày ấy đã gây cho Hoàng Kỳ Trung nỗi căm hờn suốt đời không sao quên được. Và lúc này, tiếng nói của kẻ thù đang vang lên trong trụ sở Đảng uỷ xã, tiếng nói của người em vợ ông đã bao năm phiêu bạt xứ người nay mới được trở về. Ôi cuộc đời, ôi quê hương, ôi niềm vui và nỗi buồn, vinh quang và điếm nhục. Hoàng Kỳ Trung chếnh choáng đang định quay về thì Tuyết từ văn phòng uỷ ban cắp cặp bước tới. Tuyết nói như reo lên:
- Bố vào đi, con vừa được các anh ấy điện bảo phải sang ngay, Tuyết hồn nhiên kéo Hoàng Kỳ Trung vào văn phòng Đảng uỷ.
- Bố về thế này thật đúng lúc. Bố phải làm quen với mọi nề nếp sinh hoạt ở địa phương. Tuyết và Hoàng Kỳ Trung bước vào, mọi người ngỡ ngàng nhận ra Hoàng Kỳ Trung. Đỗ Hiền đang nói bỗng im bặt, bắt gặp ánh mắt Hoàng Kỳ Trung, cả hai người đứng ngây trong giây lát nhìn nhau.
- Xin giới thiệu với các đồng chí, giọng Tuyết lanh lảnh, Thiếu tướng Hoàng Kỳ Trung nay đã có quyết định nghỉ hưu, ông về lại quê hương cùng chúng ta góp sức xây dựng xóm làng giàu mạnh, rất mong được các đồng chí quan tâm. Và giờ đây chúng ta mời ông cùng dự buổi gặp mặt vui vẻ này. Hoàng Kỳ Trung chào bắt tay mọi người.
- Các đồng chí thông cảm, cả đời chỉ quen việc quân cơ, giờ về địa phương không còn tướng tá chi hết, tôi chỉ muốn bình đẳng cùng mọi người, có gì khiếm khuyết mong được mọi người chỉ bảo.
Tuyết mời Hoàng Kỳ Trung ngồi lên hàng ghế trên, cuộc gặp mặt càng thêm long trọng. Đỗ Hiền tiếp tục nói, tiếng nói âm vang và gương mặt Đỗ Hiền lúc này chỉ cách Hoàng Kỳ Trung vài mét. Đã vào tuổi ngoài sáu mươi, vời dáng cao lớn, từng trải, Đỗ Hiền luôn tỏ ra tự tin. Giọng Đỗ Hiền say sưa, lúc chậm rãi lúc cao trào.
- Tất cả mọi người chúng ta ngồi đây ai cũng hiểu, dân tộc Việt Nam ta đều có chung một dòng máu Lạc Hồng. Tôi là kẻ tha hương gần trọn cuộc đời, nay trở về mang nặng nỗi đau buồn mặc cảm lớn lao với bà con làng xóm. Thời trẻ của tôi đầy tham vọng ngông cuồng và kiêu ngạo nên đã phải trả giá. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều có quyền chọn riêng cho mình con đường đi khi đã nhận biết được lẽ sống. Kết cục tôi là kẻ đã thất bại và phải chấp nhận mọi hậu quả trước cuộc đời. Tôi không có quyền yêu cầu bất kỳ điều gì ở bà con làng xã. Trong cuộc chiến bao giờ cũng có người thắng kẻ bại- đó là quy luật tất yếu. Tôi là kẻ bại trận, nhưng kẻ bại trận vấn phải sống bà con ạ, thậm chí phải sống sao cho tốt và chịu trách nhiệm trước dân tộc, trước nhân dân, trước người thân của mình. Tôi biết dân tộc Việt Nam ta đã trải qua bao năm chiến tranh, đổ không biết bao xương máu mới có được ngày hôm nay. Tất cả chúng ta đều thấy cái giá trị vô cùng lớn lao của một dân tộc là phải giữ cho đất nước được yên bình, dân tình no ấm. Nếu tôi không nghĩ tới điều này, tôi có thể cùng các con tôi yên phận sống mãi ở nước Mỹ, một đất nước văn minh giàu có nhất thế giới. Thưa bà con, tôi đưa con cháu tôi về lại quê hương còn bởi rất nhiều lẽ, vì tương lai lâu dài của các cháu, vì nhớ quê hương đất nước, vì hiếu nghĩa với gia đình và còn một điều vô cùng hệ trọng nó luôn thôi thúc để tôi được gặp lại người anh rể của tôi kia, Anh Hoàng Kỳ Trung. Trong cuộc chiến tranh vừa qua, hai anh em tôi đã đi về hai ngả và đã trực tiếp đối mặt nhau trong thời điểm cuộc chiến cam go nhất ở trong chiế trường.
Hoàng Kỳ Trung không ngờ trong lúc này Đỗ Hiền lại có thể nhắc lại câu chuyện năm xưa giữa ông và Đỗ Hiền một cách thản nhiên đến vậy. Mọi người đổ dồn ánh mắt vào ông, biến ông thành nhân vật trung tâm của cuộc gặp mặt hôm nay. Đỗ Hiền kể lại mọi tình tiết câu chuyện cuộc gặp mặt bất ngờ giữa ông và Đỗ Hiền trong nhà tù Mỹ Nguỵ năm nào như một câu chuyện huyền thoại.
Chương trước
Mục lục
Chương sau
Dưới Chín Tầng Trời
Dương Hướng
Dưới Chín Tầng Trời - Dương Hướng
https://isach.info/story.php?story=duoi_chin_tang_troi__duong_huong