Chương 29
ôi mơ hồ cảm thấy thời gian ở Hỏa Lò đã kết thúc.
Có những dấu hiệu không rõ rệt của một sự thay đổi, không rõ là cái gì nhưng đúng là thay đổi, trong động thái của đám cán bộ chấp pháp, mà đám này thì bao giờ cũng vậy - kín như bưng. Chẳng hạn, trong những lần hỏi cung thưa thớt vào thời gian cuối tôi chỉ gặp toàn nhân viên cấp dưới của Huỳnh Ngự, thoạt trông cũng biết là mới vào nghề, hoặc được chuyển từ quân đội qua. Những người này nhìn tôi như những bác sĩ tập sự nhìn con thỏ trong phòng thí nghiệm, không tình cảm mà cũng chẳng hằn thù.
Huỳnh Ngự và Hoàng biến đi đâu không biết. Khi đưa tôi đi cung, những biện pháp bảo mật không còn được tuân thủ nghiêm ngặt như trước, thậm chí chểnh mảng. Cán bộ quản giáo có lần gặp bạn giữa đường dừng lại nói chuyện bỏ mặc tôi tự đi một quãng xa mà không cần áp sát từng bước. Rõ ràng họ không còn lo tôi chạm trán với người cùng vụ. Nói chung, đó là sự lỏng lẻo. Ðiều này chỉ có thể giải thích bằng việc những tên xét lại hiện đại không còn ở Hỏa Lò nữa.
- Có thể người ta bắt đầu từ từ giải quyết vụ cậu chăng?
Thành đưa ra một giả thuyết.
Bầu không khí nghi kỵ đã nhạt. Thành thuyết phục được tôi rằng anh không bao giờ làm chỉ điểm.
- Cũng không loại trừ khả năng đó. - tôi nói - Chúng tôi có tội gì đâu.
- Vấn đề không phải ở chỗ các cậu có tội hay không có tội. - Thành cười mũi - Vấn đề bây giờ là thả các cậu ra bằng cách nào?
Tôi thấy anh tỉnh táo. Ít nhất cũng hơn tôi.
- Nhưng nếu thả, tôi nghĩ người ta sẽ thả tôi trước, chứ không phải thả những cán bộ to trước.
Thành gật gù:
- Có lý!
Nói thì nói thế chứ tôi cũng chẳng chờ đợi. Tôi lì ra rồi. Tôi chờ bất cứ cái gì khác, trừ lòng tốt của Ðảng.
Rồi đến một hôm, tôi đang nằm thì nghe có tiếng động khẽ ở le judas. Nhòm ra thì thấy Hoàng. Nhìn thấy anh ta, tim tôi đập rộn. Chưa bao giờ tôi thấy cán bộ chấp pháp vào xà lim. Chắc có chuyện gì quan trọng.
Trong óc tôi thoáng nhanh ý nghĩ về một chuyện không may. Hay là cha tôi...? í nghĩ ấy làm tôi bủn nhủn chân tay.
Nhìn quanh, Hoàng lấy ngón tay trỏ ngoắc ngoắc tôi rồi ngập ngừng thì thào:
- Tôi đến để từ biệt anh...
Vừa nói Hoàng vừa đưa mắt về phía Thành. Thành đang ngủ say hoặc giả vờ ngủ say. Tôi ra hiệu không có gì đáng ngại.
- Anh đi công tác?
- Không, tôi vẫn ở Hà Nội... - Hoàng ngập ngừng - Nhưng tôi không được làm việc với anh nữa.
- Tức là...?
- Nói cho rõ hơn: người ta không cho tôi làm việc với anh nữa.
- Họ cho rằng anh không được việc?
- Ðại khái là như vậy.
- Tôi muốn bắt tay anh, nhưng ô cửa hẹp quá.
- Tôi mang đến biếu anh chút quà.
Hoàng móc mọi túi, lấy ra bốn bao Ðiện Biên.
- Cảm ơn anh, nhưng dạo này tôi quen không hút rồi, không có thuốc không sao.
- Anh đừng nghĩ đây là caisse noire (1) của Công an. - mặt thoáng buồn, Hoàng nói -Không phải đâu. Ðây là tiền của tôi.
- Thế thì xin cảm ơn anh. Tôi nghĩ không sai về anh. Cho tôi gửi lời thăm chị và các cháu.
Hoàng đút từng bao thuốc qua khe cửa.
- Cảm ơn anh. Hi vọng chúng ta sẽ còn gặp lại nhau.
Tôi giơ mấy ngón tay vẫy Hoàng:
- Tôi tin như vậy.
Tỉnh dậy, Thành không hỏi tôi một câu về mấy bao thuốc lá. Chúng tôi lẳng lặng đốt mỗi người một điếu, nhàn tản nằm nhả khói lên trần.
- Tôi thấy cái chuyện tha không có đâu. Ba la phiêu lắm. - tôi nói - Có một cái gì khác kia. Tôi thấy nóng ruột.
- Cậu nghĩ là cái gì?
- Cũng không rõ. Có thể là chuyển trại.
Thành nhăn trán, suy nghĩ. Rồi nhỏm dậy:
- Có thể lắm. Trong tù, trực giác, hay linh tính, rất quan trọng. Nếu cậu linh cảm thấy sắp phải đi khỏi đây thì ta cứ sẵn sàng là hơn.
- Có gì mà chuẩn bị? - tôi thờ ơ - Ði đâu bây giờ với tôi cũng thế mà thôi. Chỉ tiếc anh em mình không được ở cùng nhau nữa.
- Chưa chắc gì cậu sẽ được ở trại chung. - Nhiều phần vẫn là ở xà lim. Tôi sẽ cho cậu con dao mang đi. Trong xà lim con dao là vật thiết yếu, không có nó không được.
- Cho tôi rồi anh lấy gì dùng?
- Tôi còn một con nữa. Tôi rồi, nhưng chưa mài.
- Trại giam bình thường cũng có xà lim chứ?
- Sao không. Có điều xà lim trại chung dùng để cùm tù kỷ luật, chứ không phải xà lim giam cứu. Nhưng nghe nói có trại chỉ toàn xà lim giam cứu không thôi, không có khu ở chung. Lại còn có trại toàn xà lim bí mật, không biết giam thứ tù này mà khi kẻng đưa cơm nổi lên thì cả tù lẫn người đưa cơm đều phải trùm túi vải đen lên đầu, chỉ hở có hai con mắt, không ai được nhìn thấy ai, không ai được biết ai. Quản giáo không được phép nói với tù, tù không được phép nói với quản giáo. Muốn nói gì phải viết ra giấy.
Chắc chúng tôi ở trại đó quá. Rõ ràng người ta muốn giấu chúng tôi, không cho biết chúng tôi ở đâu, đến nỗi gia đình cũng không được gặp. Cái chuyện này thật lạ. Cứ như thể không còn một chính quyền nữa, mà một sơn trại, trong đó Lê Duẩn là đầu lĩnh.
Nói cho tôi biết về cái trại hũ nút đó hẳn Thành cũng nghĩ thế. Tính chu đáo, anh chuẩn bị tư tưởng cho tôi để tôi khỏi bị đột ngột.
Sau này, khi đã qua mấy trại, rốt cuộc tôi cũng chưa tới cái trại mà Thành nói. Chắc nó là cái trại huyền thoại, chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng phong phú của những người tù giàu sợ hãi. Biết đâu cái trại Thành nói lại chả có thật. Mọi sự đều có thể trên đất nước mà từ việc nhỏ tới việc lớn đều không công khai. Tính bí mật, tính âm mưu là đặc điểm của mọi nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Thành mổ một chỗ kín đáo trong áo bông của tôi, luồn con dao vào đó.
Bóp đi bóp lại cái áo bông vài lần, Thành hài lòng:
- Thế này chúng nó không khám ra đâu.
Giờ đây anh không còn giữ gìn với tôi nữa. Cách gọi chúng nó tạo ra cảm giác ngang hàng giả tạo giữa chúng tôi và bọn cai ngục.
Thành tỉ mẩn xẻ thức ăn gia đình gửi vào làm hai phần bằng nhau, cho từng thứ vào bao nylon lành, thắt nút thật chặt để tránh ẩm, một nửa để trong bọc quần áo của tôi, nửa còn lại để trong bọc quần áo của anh. Anh dặn tôi đi đâu cũng phải cẩn thận trước hết với chuột và kiến, hai kẻ thù thường trực của người tù nghèo khổ.
- Thế là tạm ổn.
Hoàn tất việc chuẩn bị cho tôi, anh nói. Vẻ hài lòng hiện lên mặt.
Giờ thì bất thình lình tôi có bị đưa đi nơi khác cũng không còn là chuyện đáng ngại.
Của cải người tù xà lim có một giá trị trong đời thường không được biết đến, không thể tưởng tượng ra. Một mảnh giẻ, một cái đinh rỉ, một cái túi nylon thủng cũng là quý. Không phải người ta dễ dàng chia xẻ cho nhau. Thế mà Thành không tiếc tôi một chút gì.
Lòng tôi nao nao nghĩ tới ngày phải xa Thành. Anh tốt với tôi chẳng khác nào người anh lo cho đứa em. Cầu Trời cho hai anh em không phải xa nhau cho tới khi cả hai cùng thoát khỏi chốn này! Than ôi, đó là điều không thể có, bởi vì chúng tôi không cùng vụ, chúng tôi sẽ ra khỏi đây, nếu chúng tôi còn sống để ra được, vào những thời điểm khác nhau.
Sau hơn nửa năm chung sống, từ chỗ nghi ngờ nhau tới chỗ tin nhau, Thành đã hiểu tôi. Không những thế, anh còn giống tôi ở cách nhìn xã hội hiện tại. Nếu chúng tôi quen nhau ở ngoài kia chắc chắn Thành phải là một người trong "nhóm xét lại chống Ðảng". Không cần ai tuyên truyền anh tư tưởng xét lại, mà tự anh sẽ xét lại cả anh, xét lại cả Ðảng, cả chủ nghĩa Mác mà một thời anh tin theo. Anh nhìn đời bằng cặp mắt tỉnh táo. Trong anh không có chỗ cho niềm tin mù quáng. Thực ra, trong tâm thức anh đã hết là cộng sản từ lâu. Anh còn xét lại hơn tôi nhiều.
Thành có tư cách đáng trọng. Vẻ ngoài hiền lành, nhưng anh thuộc loại người không chịu khom lưng uốn gối. Cung cách ứng xử làm tôi hiểu lầm anh những ngày đầu sống trong xà lim, tưởng anh khiếp nhược trước bọn quản giáo, thực ra chỉ là trò tiêu khiển của anh. Anh muốn kiểm tra khả năng tự kiềm chế, anh huấn luyện nó, và cũng là cách để giết thời gian.
Hách không phải không đọc được ý nghĩ của anh. Một lần thấy anh khúm núm vâng dạ, y nguýt dài:"Này, dẹp cái trò ấy đi nhá. Tôi biết thừa các anh là thế nào, trong bụng các anh ấy à, các anh coi tôi bằng mẻ. Ai chả biết ở ngoài kia các anh hơn tôi, nhưng đây là Hỏa Lò, là trại cải tạo, ở đây tôi hơn đứt các anh".
Trong mấy ngày chờ đợi cuộc chia tay mà trực giác mách bảo, Thành ít nói hẳn. Anh ngồi bó gối, trong tư thế lần đầu tôi gặp anh, đắm mình trong suy tưởng. Thỉnh thoảng, chợt nhớ ra điều cần dặn tôi, anh mới rũ mình khỏi giấc mơ.
- Nhớ phải tập luyện tay chân luôn, kẻo ở lâu trong xà lim bị teo cơ đấy.
- Khi đi cung, trên đường gặp cái gì dùng được là phải nhặt, có lúc sẽ cần đến. - anh dặn thêm, vào một hôm khác.
- Mưu ma chước quỷ nhiều nhất là ở trong tù. Nhớ cho kỹ điều này. Lúc nào cũng phải cảnh giác. Bạn ở trong tù là của hiếm, hiếm lắm. Cần nhất đừng có hấp tấp. Không nên tâm sự với ai. Nghĩ thật kỹ rồi hãy nói, suy tính thật lung rồi hãy làm.
Mặc dầu có chuẩn bị, cuộc chia tay với Thành diễn ra vào lúc tôi không ngờ nhất.
Cửa xà lim mở ra trước giờ ăn sáng. Người bước vào không phải là quản giáo, mà là một chấp pháp tôi đã gặp nhiều lần.
- Anh thu xếp đồ đoàn.
Y nói nhẹ nhàng. Ðó là một người tầm thước, mặt tròn, hiền lành, cử chỉ chậm rãi và điềm đạm, hẳn do số phận trớ trêu mới rơi vào đám chấp pháp.
Thành sững sờ. Ðột nhiên, anh ôm choàng lấy tôi. Tôi cũng ôm cứng lấy anh, nước mắt ứa ra.
- Chân cứng đá mềm nhá! - Thành nghẹn ngào - Vững vàng nhá!
Viên chấp pháp không can thiệp vào cuộc chia tay của chúng tôi. Anh ta ngạc nhiên, thậm chí có vẻ hơi xúc động, nhưng giả bộ nhìn đi chỗ khác.
Tôi rời xà lim 1, lòng nặng chĩu.
Hôm ấy là 27 tháng 7 năm 1968. Thế là tôi ở Hỏa Lò đã được bảy tháng. Sáng tinh mơ, vừa tỉnh giấc Thành còn bảo tôi: "Mình hôm nay phải ăn vận tử tế. Lỡ có phái đoàn nào đến úy lạo chăng?".
"Ai đến? Mà úy lạo cái gì?", tôi hỏi. Thành cười hì hì:"Ngày thương binh liệt sĩ mà! Mình cũng là thương binh".
Trong một phòng hỏi cung Lê Thanh Tài đã đợi tôi. Y ngồi chễm chệ trong chiếc ghế bành bọc vải dày đã sờn, lò so lòi ra ở vài chỗ, hai chân bắt chéo.
Nhân vật này không lạ. Tôi đã gặp y vài lần tại phòng hỏi cung. Tôi đoán y cũng đang hỏi cung ai đó, biết Huỳnh Ngự đang hỏi tôi về người mà y đang hỏi thì y đến nghe. Cao to, hùng hổ, cử chỉ phóng đãng, nói năng thô lỗ - tất cả chứng tỏ y có nguồn gốc gần cống rãnh hơn sách vở. Tôi biết tên y do Hoàng một hôm hỏi tôi xem có phải bữa trước tôi làm việc với ông Lê Thanh Tài không.
- Có một người ngồi nghe bên cạnh chấp pháp Ngự, tôi không được giới thiệu. Ông ta là ai vậy?
- Anh biết làm gì? Cũng đại loại như ông Ngự.
Như vậy, y cũng là cục phó.
- Ðâu ra những thứ này? - Lê Thanh Tài trịch thượng hỏi.
Ðó là một gói bánh quy, một gói bánh xốp, một ít ruốc thịt, mấy cái kẹo và ba bao Ðiện Biên. Tôi lo lắng cho Hoàng. Nếu theo dõi Thành, chúng sẽ biết vợ anh chỉ gửi Tam Ðảo (2), chúng sẽ cật vấn về ba bao Ðiện Biên kia.
- Người tù ở cùng cho tôi.
Y gườm gườm nhìn tôi.
- Giỏi, giỏi, chuẩn bị sẵn cả.
Tôi nhún vai.
- Sao anh biết anh sẽ chuyển đi nơi khác? Ai cho anh biết?
Tôi không trả lời. Lê Thanh Tài nhắc lại, giọng giận dữ. "Thằng khốn kiếp này không quen thấy có người không sợ nó", tôi nghĩ.
- Tôi hỏi, anh phải trả lời! Ai cho anh biết?
- Chẳng ai cho tôi biết gì hết.
- Những thứ này ở đâu ra?
- Anh bạn tù cho tôi. Quà của gia đình anh ấy. - tôi điềm tĩnh trả lời - Anh ấy xẻ ra cho mỗi người một phần. Ai hết sớm thì nhịn.
Y rời mắt khỏi đám đồ.
- Nó tốt với anh gớm, hả? Anh Quỳnh, xem lại thái độ chính trị thằng đó nghe.
- Dạ.
Viên chấp pháp ném trở lại các thứ vừa khám vào túi vải, cũng Thành khâu cho tôi.
Cuộc khám xét kết thúc ở đó. Lê Thanh Tài phẩy tay cho qua. Chất chuyên chính vô sản ở viên cục phó này xem ra còn ghê gớm hơn ở Huỳnh Ngự một bậc. Chỉ vì cho bạn tù mấy cái bánh mà người cho đã bị coi là có thái độ chính trị xấu.
- Các anh đưa tôi đi đâu? - tôi hỏi Lê Thanh Tài.
Y lừ mắt. Tôi nhắc lại.
- Không được hỏi. Ði đâu rồi khắc biết.
Ðể củng cố cho câu nói, y hất hàm ra hiệu cho một tên Công an trẻ, vận thường phục. Tên này đưa còng tay ra. Một tiếng cách gọn, cái khóa đã ngậm chặt cổ tay tôi. Nó đã cũ lắm, đầy vết sứt sẹo và han rỉ, nhưng hàng chữ khắc chìm Fabriqué en France (3) vẫn còn đọc được.
Chiếc com-măng-ca vọt ra khỏi cổng Hỏa Lò. Ðã quen với không khí vắng lặng của xà lim, tôi bàng hoàng rơi vào cái ồn ào kinh khủng của Hà Nội đời thường. Nhất là khi xe chạy qua chợ Cửa Nam. Chao ôi, tưởng chừng cả Hà Nội mà tôi biết bỗng dưng chìm ngập trong một nghìn thứ tiếng ồn đinh tai nhức óc. Tôi đi chợ Cửa Nam nhiều lần, chưa bao giờ tôi thấy nó đông đúc đến thế, ồn ào đến thế!
Thành phố hiện ra trước mắt tôi cũng lạ, như thể nó già hẳn đi bởi những bức tường mốc thếch đã bợt hết vôi.
Qua chợ Cửa Nam, xe rẽ vào đường Nguyễn Thái Học.
Tôi ngoái nhìn ngôi nhà số 65 quen thuộc ngay đầu đường. Tưởng chừng nghe thấy cả tiếng dương cầm bay ra từ căn phòng trên gác của Ðỗ Nhuận. Tôi muốn được thấy Nguyễn Sáng đứng trên ban công nhìn xuống như anh thường đứng, dáng mệt mỏi khi rời giá vẽ. Cửa ra ban công khép chặt. Chẳng lẽ Nguyễn Sáng còn ngủ? Giờ này, theo lệ thường, bữa sáng ở cà phê Lâm đã xong rồi, Nguyễn Sáng đã về nhà rồi. Hay anh đi đâu vắng? Khi xe đi qua hẳn, tôi chợt thấy Văn Giáo lộc ngộc dắt xe đạp ra cổng, chiếc mũ lá trên đầu. Theo sau anh là Nguyễn Tư Nghiêm ưu tư không cần biết đến thế giới.
Một ngọn triều hồi ức tràn ngập tâm hồn tôi. Không hiểu Nguyễn Sáng đã lấy vợ chưa? Ðường vợ con anh vất vả, chỉ có đường sáng tác là nhẹ nhàng - dưới cây cọ của anh những bức tranh hình thành như nó có sẵn, chỉ cần anh lên tiếng gọi là nó nằm lên mặt vải. Khác hẳn Nguyễn Sáng, Văn Giáo vẽ tranh vất vả, bằng cơ bắp và mồ hôi.
Nhớ một đêm rừng Việt Bắc Văn Giáo lòng khòng bưng đĩa đèn soi cho khán giả xem tranh mình. Dầu cọ sôi lên trong đĩa, rớt xuống tay, làm anh bị bỏng, nhưng Văn Giáo không để rơi cái đĩa. Tranh Văn Giáo không được đồng nghiệp đánh giá cao, nhưng trong các cuộc triển lãm tôi thường gặp tranh anh. Chúng bao giờ cũng phản ảnh kịp thời những phong trào do Ðảng đề ra.
Lão họa sĩ Nguyễn Phan Chánh (4) giờ này hẳn đang uống trà. Sau một lần trót dại trao thân gửi phận cho hiện thực xã hội chủ nghĩa vào đầu những năm 60, cụ quyết định trở lại với mình, với thời Ô ăn quan của một Nguyễn Phan Chánh đích thực. Tôi xin phép cụ cho in tranh trên báo ảnh. Cụ tiếp tôi thân ái nhưng tranh thì không đưa:"Gần đây chẳng có bức nào là tôi cả, cứ như có thằng nào vẽ rồi ký tên mình vậy. Ðể khi khác!".
Người của thế giới nội tâm, Nguyễn Tư Nghiêm sáng tác không thèm nhìn nhõm đến sự tồn tại của những nhà phê bình hội họa quan phương, những chuyên viên mua tranh của SUNHASABA (5), như thể không có họ trên đời. Bức tranh "Kiều tắm đêm" của Nguyễn Tư Nghiêm được Nguyễn Tuân khoái đến nỗi xem xong ông phải đạp xe khắp Hà Nội để tri hô cho thiên hạ đến mà chiêm ngưỡng. Nhưng chẳng mấy ai được chiêm ngưỡng - Nguyễn Tư Nghiêm không thích tiếp khách. Anh vẽ tranh không để khoe, không để bán, anh tạo ra cái Ðẹp chỉ cốt được sống một mình với nó.
Tôi có một kỷ niệm khó quên với Nguyễn Sáng. Một hôm anh tìm tôi từ sáng sớm, đứng dưới đường gọi vọng lên:"Lại nhà mình ăn cuốn". Tôi biết Nguyễn Sáng cần gì - anh đang lên cơn cô đơn. Những lúc như vậy anh cần có một người ở bên, bất kể người đó là ai. Buổi sáng hôm ấy tôi là kẻ được chọn, hoặc anh không tóm được ai khác.
Món anh rủ tôi đến ăn hóa ra là món cuốn mạo danh. Chúng tôi ngồi bên con nghê sứ mất trán không biết Nguyễn Sáng nhặt được ở đâu. Anh hào phóng rót rượu. Rượu còn cả vò. Trời đất, cuốn gì thế này? Không rau thơm, không tôm, không thịt ba chỉ, độc có bún suông cuộn trong rau diếp. Nguyễn Sáng luôn miệng khoe tài pha nước chấm:"Mình mà pha nước chấm thì khỏi chê đi, khó tính đến như Nguyễn Tuân cũng phải ưng". Chừng thấy tôi không hào hứng hơn, anh rủ tôi bỏ cuốn đấy đi kiếm con gà. "Mình còn nhiều gạo lắm, ta mang đổi. Gà luộc, nhắm rượu là nhất rồi!", anh dỗ dành.
Trong hũ gạo của anh, chính là con nghê sứ bị vỡ đầu với nụ cười ngây độn, đúng là còn đầy ắp. Nguyễn Sáng ăn ngày một bữa ở cà-phê Lâm - hai lát bánh mì chấm trứng ốp-la và một cà phê đen, thế là đủ. Ăn ký sổ, trả bằng tranh. Gạo tiêu chuẩn vì thế mà thừa.
Chúng tôi vớ được một bà nhà quê có bu gà đứng ngơ ngẩn bên bức tường có hàng chữ "Cấm đái bậy" to đùng ngay dưới khẩu hiệu "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Nguyễn Sáng bỗng luống cuống, bỗng ì ra, không dám tới gần bà ta. "Này, cậu đổi đi". "Mình đã đi đổi gà lần nào đâu", tôi thoái thác. Mặc kệ, Nguyễn Sáng cứ dúi bọc gạo vào tay tôi:"Nhà báo mua bán là phải hơn họa sĩ. Không được cãi. A lê, đổi".
Người đàn bà bán gà nhìn thấy chúng tôi đùn đẩy cho nhau, cười toe toét:"Lại đây, các cậu lại đây tôi đổi cho". Tôi chìa bọc gạo. Bà ta nhìn tôi thông cảm, ao gạo xong, tóm cổ một con gà tơ lôi tuột nó lên đưa cho "hai cậu". Cuộc đổi chác thành công, không có bóng công an phòng thuế nào xuất hiện để cản trở. "Hai cậu" ồn ào ra về, lòng phấn chấn.
Con gà ngon, vừa đủ mềm, vừa đủ dai, nói chung là tuyệt. Ngà ngà say Nguyễn Sáng kể cho tôi nghe chuyện tình của anh. Ðó là câu chuyện buồn, nhưng nó lý giải được cái đẹp tôi bắt gặp trong mấy bức tranh mới đây của anh. Anh yêu say đắm một cô gái có đôi mắt đen cách xa nhau, rất lạ, làm cho sắc đẹp của cô trở thành hoang dã. Bố cô gái không bằng lòng ."Tưởng nó định lấy ai, hóa ra thằng Sáng cánh ta!", ông nói với bè bạn, cố ý cho con gái nghe thấy. Cô đau lòng rời xa anh. Trời cho anh tình yêu đối với cái Ðẹp, nhưng bớt lại của anh tình yêu đối với một người.
Chiếc com-măng-ca phóng nhanh về phía Sơn Tây.
Chú thích
1. Caisse noire = quỹ đen, tiếng Pháp.
2. Tam Ðảo là loại thuốc lá rẻ hơn thuốc lá Ðiện Biên, rất phổ cập trong thời kỳ ấy. Thuốc sang nhất là thuốc Thăng Long.
3. Chế tạo tại Pháp .
4. Nguyễn Phan Chánh (1892- ), tốt nghiệp Trường cao dẳng mỹ thuật Hà Nội khóa đầu tiên năm 1931. Nổi tiếng về tranh lụa.
5. Công ty xuất nhập khẩu sách báo, người đặt hàng và mua tranh nhiều nhất, theo giá nhà nước.
Đêm Giữa Ban Ngày Đêm Giữa Ban Ngày - Vũ Thư Hiên Đêm Giữa Ban Ngày