Cái Trống Thiếc epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Băng Quét Bụi
skar vốn không được tạo sinh để nối dõi Chúa Kirixitô vì một lẽ: gã không có năng khiếu thu nạp môn đồ. Tuy nhiên, lời kêu gọi của Jêxu "Hãy theo ta" đã nhập vào tim tôi một cách gián tiếp, theo đường vòng và tôi trở thành người kế tục của Chúa Kirixitô mặc dù tôi không tin ở Người. Nhưng, như người ta thường nói, kẻ nào ngờ tức là tin, và chính kẻ không tin lại tin lâu bền nhất. Jêxu đã cho tôi chút phép màu nho nhỏ trong Nhà thờ Thánh Tâm và tôi không thể chôn cái phép màu ấy dưới những nghi ngờ; trái lại, tôi còn tìm mọi cách để khiến Jêxu lặp lại màn trình diễn của mình.
Sau đó, Oskar còn trở lại Nhà thờ Thánh Tâm nhiều lần không có Maria đi cùng. Chuồn khỏi Mamăng Truczinski ngồi đóng đinh ở ghế đâu phải là chuyện khó khăn gì. Tôi có thể chờ đợi gì ở Jêxu đây? Tại sao tôi ở lại trong gian bên trái gần như suốt đêm và để ông bõ nhà thờ khóa cửa nhốt tôi bên trong? Tại sao Oskar đứng mãi ở ban thờ bên trái cho đến khi chân tay phát cóng và hai tai đông cứng lại? Với tất cả sự nhịn nhục ê chề cùng như những lời báng bổ không kém ê chề, tôi vẫn không làm sao nghe được trống tôi hay tiếng của Jêxu vang lên một lần nữa.
Misère [1]! Cả đời, tôi chưa bao giờ nghe thấy rằng tôi đánh đàn như trong những giờ khuya khoắt ấy ở Nhà thờ Thánh Tâm. Đã có gã hề nào kiếm được một chiếc phách giòn hơn Oskar này? Ran ran như một ổ súng liên thanh, giữa hàm trên và hàm dưới tôi là cả một bầy thư ký đánh máy. Đàn răng tôi vang đi khắp phía, làm dậy lên những hồi âm và tiếng hoan hô. Những hàng cột rung lên, những mái vòm nổi da gà và khi răng tôi không đánh đàn thì tôi lại ho. Tiếng ho của tôi nhảy lò cò trên những ô bàn cờ của sàn đá lát, xuôi theo hai cánh, ngước lên chính điện, đánh đu vào dàn đồng ca, nhân lên sáu mươi lần như một Hội J.-S. Bach không hát mà lấy ho làm nghiệp vụ chuyên môn và đúng lúc tôi bắt đầu nghĩ rằng cơn ho của mình đã chui vào những ống của đại phong cầm và im tiếng, thì kìa, một tiếng ho vang lên trong phòng mặc áo lễ rồi một tiếng khác từ chỗ bục giảng kinh cho đến khi, chung cuộc, tiếng ho tắt dần, trút hồn đằng sau ban thờ chính, cách chỗ Lực sĩ Vác Thánh giá không xa. Xong rồi, cơn ho của tôi nói; nhưng chưa có gì xong cả. Chúa hài đồng Jêxu ngồi đấy, cứng đơ và kiêu kỳ, kẹp cái trống của tôi giữa hai đùi thạch cao, tay cầm dùi mà không chơi, khước từ việc xác nhận sứ mệnh của tôi. Vì Oskar muốn có sự xác nhận bằng văn bản.
Thời kỳ ấy để lại trong tôi một thói quen hay một thói xấu: cứ đến giáo đường, kể cả những nhà thờ lớn nổi tiếng, là tôi bắt đầu ho, ngay cả những lúc sức khoẻ tôi tốt nhất. Đặt chân vào chính điện một cái là một cơn ho xâm chiếm tôi; nó có thể mang phong cách Gô-tich, hay Rô-man hay thậm chí Ba-rốc, tuỳ theo kiểu kiến trúc của ngôi nhà thờ. Tôi dám chắc rằng nhiều năm nữa tôi vẫn có thể dùng trống thể hiện cơn ho của Oskar trong Nhà thờ lớn ở Ulm hay Speyer. Tuy nhiên, hồi ấy tôi đang chịu tác động của một thứ Thiên Chúa giáo cực kỳ băng giá; chẳng có cơ hội nào để thăm những nhà thờ ở những vùng đất xa xôi, trừ phi anh là lính tham gia những cuộc rút lui nằm trong kế hoạch của Reichswhr, mỗi lần rút lại ghi trong nhật ký, chẳng hạn: "Hôm nay, rút khỏi Orvieto; nhà thờ tuyệt mỹ. Sau chiến tranh phải quay lại cùng Monica ngắm cho đã.”
Với tôi, trở thành một người chăm đi nhà thờ là chuyện dễ ợt, vì chẳng có gì níu chân tôi ở nhà. Có Maria. Nhưng Maria còn có Matzerath. Có thằng Kurt con trai tôi. Nhưng nó ngày càng trở nên không chịu nổi, nó ném cát vào mắt tôi, cào cấu tôi hung đến nỗi những mảnh móng tay gẫy của nó mắc lại trong thịt cha nó. Nó còn dứ hai nắm đấm về phía tôi và chỉ nhìn những khớp ngón căng đến trắng ra, tôi đã muốn đổ máu mũi.
Lạ thay, Matzerath lại bênh vực tôi, tuy có vụng về nhưng đầy thương mến. Trong một tâm thái ngỡ ngàng, Oskar để cho con người vốn chang quan trọng gì với gã, bế lên lòng ghì lấy, nhìn ngắm và thậm chí có lần còn hôn hít nữa. Nước mắt lưng tròng, Matzerath nói, cho riêng mình hơn là với Maria: "Không thể được. Tôi không thể cho con tôi đi. Mặc cho các bác sĩ muốn nói gì thì nói. Tôi dám chắc rằng họ không có con nên mới thế."
Maria đang ngồi ở bàn dán những tem thực phẩm vào sổ cái như mọi tối, nghe vậy, nàng ngẩng lên: "Bình tĩnh nào, Alfred. Mình nói như thể tôi không thiết ấy. Nhưng khi người ta bảo đó là cách làm hiện đại, tôi chả còn biết nghĩ sao nữa.”
Matzerath chỉ vào cây dương cầm đã ngừng thánh thót từ khi mẹ tội nghiệp của tôi mất: "Agnes ắt không bao giờ làm thế, cô ấy ắt không cho phép làm thế."
Maria liếc mắt về phía cây dương cầm, nhún vai và chỉ hạ vai xuống khi nàng mở miệng để nói: "Dĩ nhiên, vì bà ấy là mẹ, bà ấy vẫn hy vọng nó sẽ đỡ hơn. Nhưng mình thấy đấy: chẳng có gì khả quan, đâu đâu cậu ta cũng bị khước từ, không còn biết sống như thế nào, chết như thế nào nữa."
Không biết có phải bức chân dung Beethoven vẫn treo trên cây dương cầm, rầu rầu nhìn lão Hitler rầu rầu, đã tiếp thêm sức mạnh cho Matzerath không? "Không!" ông quát. "Không bao giờ!" và đấm mạnh xuống bàn, xuống mớ giấy ướt dính, ông bảo Maria đưa ông bức thư của viện, đọc đi đọc lại, rồi xé nát, vung vãi những mảnh vụn giữa những tem bánh mì, tem mỡ, tem thực phẩm, tem đi đường, tem lao động nặng, tem lao động cực nặng, tem phụ nữ có thai và nuôi con thơ. Mặc dầu, nhờ có Matzerath, Oskar không rơi vào tay các bác sĩ ss đó, gã vẫn giữ trong trí một hình ảnh, và cho đến nay, mỗi lần nhìn Maria, gã vẫn thấy hình ảnh một bệnh viện đẹp giữa không khí miền núi trong lành, một phòng phẫu thuật hiện đại sáng, thoáng, thân mật; bên ngoài cánh cửa có đệm, một Maria rụt rè nhưng tươi cười, tin cậy trao tôi cho một nhóm bác sĩ hạng nhất, cũng tươi cười và đáng tin cậy, tay cầm những ống kim tiêm hạng nhất, đáng tin cậy và hiệu nghiệm tức thì dưới những áo blu trắng sát trùng.
Vậy là toàn thế giới đã bỏ rơi tôi. Chính cái bóng của mẹ tội nghiệp của tôi đổ xuống những ngón tay của Matzerath làm chúng tê liệt mỗi khi ông ta định ký vào tờ giấy cho phép do Bộ Y Tế thảo sẵn, đã cứu sống tôi.
Oskar không muốn là kẻ vô ơn. Tôi vẫn còn cái trống, còn cái giọng hát diệt-thuỷ-tinh-giờ đây, khi quý vị đã biết mọi chiến tích của giọng tôi, nó trở thành vô bổ đối với quý vị và có lẽ đã bắt đầu làm những ai thích cái mới lạ trong số quý vị chán ngấy, nhưng đối với tôi, giọng của Oskar, thậm chí còn hơn cả cái trống, là bằng chứng sự tồn tại của tôi và do đó, vĩnh viễn mới; chừng nào giọng tôi còn đập nát được thuỷ tinh, tôi vẫn tồn tại.
Thời kỳ này, Oskar hát-đập rất nhiều. Gã hát bằng nghị lực của tuyệt vọng. Mỗi lần tôi rời Nhà thờ Thánh Tâm vào một giờ muộn, tôi lại hát-đập một cái gì đó. Tôi không đi tìm những mục tiêu gì đặc biệt hay ho. Trên đường về nhà, tôi chọn một cửa sổ ở tầng áp mái nào đó che sáng phòng không chưa đúng quy định hoặc một ngọn đèn đường sơn xanh theo quy định. Mỗi lần ở nhà thờ về nhà, tôi lại chọn một đường khác. Một buổi tối, Oskar đi đường Ariton-Mỏller rồi rẽ theo phố Đức Bà. Tối khác, gã qua tháp Conradinum và đập vỡ kinh cửa chính. Một hôm vào cuối tháng tám, tôi tới nhà thờ quá trễ và thấy cửa khoá chặt. Muốn đi dạo cho hả cơn về nhà. Xuất phát từ phố Ga, ở đó cứ ba bóng đèn đường tôi đập một, tôi đi qua Cung Điện ảnh và rẽ phải vào phố Adolf Hitler. Tôi tha cho các cửa sổ của doanh trại bộ binh để trút cơn giận vào một chuyến tàu điện gần như trống rỗng từ Oliva chạy về phía tôi, lột toàn bộ kính che đèn tù mù của một bên sườn tàu.
Phanh rít, tàu đỗ lại, người túa ra, chửi rủa một hồi rồi lại lên tàu. Có thể coi đó là một chiến tích, nhưng Oskar không mất thì giờ nghĩ nhiều đến nó. Gã lại đi tìm một món tráng miệng cho cơn khùng. Một miếng khoái khẩu trong cái thời kỳ nghèo nàn vị khoái khẩu này, và chỉ dừng lại khi, gần tới Langfuhr, gã trông thấy Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic trải ra dưới ánh trăng giữa xuởng mộc của Berendt và những hăng-ga rộng thênh thang của sân bay.
Tuy nhiên, lúc này, cơn cuồng nộ của tôi đã giảm phần nào cường độ. Thay vì tự giới thiệu ngay với xí nghiệp, tôi lại thủng thỉnh đếm những cửa sổ lấp lánh ánh trăng. Làm xong việc đó, tôi đã sẵn sàng để tự giới thiệu, nhưng trước hết, tôi muốn xem thử cái bọn nhóc đi theo tôi từ Hochstriess, mà có khi suốt từ phố Ga đến đây, định giở trò gì. Sáu bảy đứa đang đứng cạnh hầm trú ẩn gần bến tầu điện và tôi còn phát hiện ra năm đứa nữa sau hàng cây trên đại lộ.
Tôi đã quyết định hoãn cuộc thăm xí nghiệp sô- cô-la lại, giữ một khoảng cách an toàn với chúng và về nhà theo lối cầu vượt, qua nhà máy bia Akrien, thì bỗng nghe thấy những hiệu lệnh bằng sáo miệng từ phía cầu vượt. Không còn nghi ngờ gì nữa: cuộc điều binh này đích thị nhằm vào tôi.
Tôi đã trông thấy những kẻ đuổi bắt tôi, nhưng cuộc săn chưa bắt đầu. Trong những tình huống như thế này, người ta thường khoái kể những khả năng thoát thân tối hậu. Oskar có thể gọi cha, gọi mẹ.Tôi có thể dóng trống kêu cứu bất cứ ai, chẳng hạn một cảnh sát viên. Tầm vóc tôi chắc chắn tranh thủ được sự ủng hộ của người lớn, nhưng ngay cả Oskar cũng có những nguyên tắc riêng của mình và đôi khi tuân thủ chúng triệt để. Và như vậy tôi quyết không nhờ đến sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc bất kỳ người lớn nào ở trong tầm nghe. Kích thích bởi tò mò và khoái trí thấy mình được chú ý đến như vậy, tôi quyết định cứ để sự tình diễn biến tự nhiên và làm điều ngu xuẩn nhất có thể tưỏng tượng được: tôi đi tìm một cái lỗ ở hàng rào hắc ín bao quanh xí nghiệp sô-cô-la. Chẳng thấy một lỗ nào. Từ từ và điềm đạm, bọn cướp nhí dồn về điểm tập kết: từ hầm trú ẩn cạnh bến xe điện, từ sau hàng cây trên đại lộ và cuối cùng, từ cầu vượt. Oskar di chuyển dọc hàng rào, vẫn tìm lỗ nấp. Chúng để cho tôi vừa đủ thời gian để phát hiện thấy một chỗ khuyết mất mảnh ván. Nhưng khi tôi lách ngừơi qua với hậu quả là rách toạc quần, thì phía bên kia đã có bốn đứa mặc áo gió chờ sẵn, tay đút túi quần trượt tuyết.
Nhận thấy không thể làm gì để cứu vãn tình thế, tôi đưa tay rờ rờ quần tìm chỗ rách. Nó ở đít quần. Tôi xoè ngón tay ra đo, thấy nó rộng đến tệ hại, nhưng vẫn làm bộ dửng dưng; và, sẵn sàng đón nhận hậu quả, tôi chờ đến khi cả bọn từ bến xe điện, từ đại lộ và cầu vượt trèo qua hàng rào, vì chúng to xác quá không lách qua khe hở được.
Đó là vào cuối tháng tám. Thi thoảng, mặt trăng khuất sau một đám mây. Tôi đếm được khoảng hai mươi đứa. Đứa bé nhất độ mười bốn tuổi, đứa lớn nhất mười sáu, hoặc gần mười bảy. Mùa hè năm 44 nóng và khô. Bốn thằng to con nhất mặc đồng phục bổ trợ quân của Luftwaffe [2]. Tôi nhớ năm ấy được mùa anh đào. Chúng đứng quây quanh Oskar thành từng nhóm nhỏ, trò chuyện khe khẽ, dùng một thứ biệt ngữ mà tôi chẳng hơi đâu mà cố gắng hiểu. Chúng gọi nhau bằng những cái tên kỳ quái, mà tôi chỉ nhớ được một phần nhỏ. Chẳng hạn, một thằng trạc mười lăm tuổi có đôi mắt nai được mệnh danh là Lướt, hoặc đôi khi là Choi Choi. Thằng đứng cạnh nó là Mát-Tít. Thằng nhỏ con nhất, tuy chắc chắn không phải ít tuổi nhất, trều môi và có tật nói đớt, được đặt tên là Ăn cắp Lửa. Trong đám bổ trợ quân của Luftwaffe, một thằng được kêu là Me-xừ, một thằng khác có cái tên rất hợp là Gà Nấu Xúp. Cũng có những tên lịch sử như Sư Tử Tâm và Râu Xanh - thằng này có vẻ mặt thỏ đế - và cả những bạn cũ của tôi nữa như Totila và Teja. Thậm chí có hai thằng trâng tráo tự xưng là Belisarius và Narses. Thằng cầm đầu, mười sáu tuổi, lấy tên của trùm hải tặc khét tiếng Störtebeker. Nó đội một chiếc mũ phớt nhung thứ thiệt với phần chỏm bóp võng xuống cho giống một cái ao vịt và mặc một cái áo mưa quá dài đối với nó.
Không đứa nào mảy may chú ý đến Oskar; chúng đang tìm cách làm Oskar rời rã trong trạng thái nơm nớp. Nửa buồn cười, nửa bực mình vì giây với những tên thiếu niên lãng mạn này, tôi ngồi lên cái trống của mình, ngắm vầng trăng đã gần tròn và cố hướng ý nghĩ quay về Nhà thờ Thánh Tâm.
Ngày hôm nay, lẽ ra Cậu đã có thể chơi trống và nối một đôi lời. Thế mà tôi lại ngồi đây, trong cái sân của Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic, tiêu phí thì giờ vào cái trò chơi cảnh sát và kẻ trộm này. Rất có thể Cậu đang chờ tôi, có thể sau một khúc dạo đầu ngắn, Cậu sẽ mở miệng một lần nữa, nói rõ thêm về sứ mệnh kế tục Chúa Kirixitô. Thất vọng vì không thấy tôi, có lẽ chính lúc này đây, Cậu đang nhướn cặp lông mày lên theo cái cách ngạo mạn của Cậu. Không biết Jêxu sẽ nghĩ gì về lũ nhãi ranh này nhỉ? Liệu Oskar, hình ảnh của Cậu, môn đồ và đại diện của Cậu, phải làm gì với cái lũ này? Liệu gã có thể lấy lời của Jêxu "Các con nhỏ, hãy chịu khó đến với ta!" để nói với lũ tiểu yêu tự mệnh danh là Mát-Tit, Râu Xanh, Ăn cắp Lửa và Störtebeker này không?
Störtebeker tiến lại, theo sau là Ăn cắp Lửa, cánh tay phải của nó. Störtebeker: "Đứng dậy!"
Mắt Oskar vẫn còn dán vào mặt trăng, ý nghĩ còn quanh quẩn nơi ban thờ bên trái của Nhà thờ Thánh Tâm. Gã không đứng dậy và Ăn cắp Lửa, theo một hiệu lệnh của Störtebeker, đá cái trống tôi đang ngồi lên văng ra.
Tôi đứng dậy vì không còn cái để ngồi lên và thu cái trống vào dưới áo blu để bảo vệ cho nó khỏi hư hại thêm.
Cái thằng Störtebeker này xinh trai đấy chứ, Oskar nghĩ thầm. Mắt nó hơi quá sâu và kề nhau, nhưng miệng nó sinh động và gợi cảm.
"Mày từ đâu tới?"
Vậy là chúng bắt đầu tra hỏi tôi. Khó chịu vì cách vào đề đó, tôi lại nhìn trăng, chợt nghĩ vầng trăng giống như cái trống (muốn nghĩ gì thì nghĩ, trăng đâu có quan tâm!) và ý tưỏng vĩ cuồng vô hại đó khiến tôi tủm tỉm cười một mình.
"Nó đang nhăn nhở cười kìa, Störtebeker!"
Ăn Cắp Lửa nhìn tôi từ đầu đến chân và đề xuất một hoạt động mà nó gọi là "quét bụi". Những đứa khác ở phía sau - Sư Tử Tâm mặt đầy mụn trứng cá, Me-xừ, Choi Choi và Mát-Tít - cũng tán thành "quét bụi".
Hồn vẫn ở cung trăng, tôi thầm đánh vần từ "quét bụi". Một từ hay đấy, nhưng chắc chắn nó mang một ý nghĩa chẳng thú vị gì.
Störtebeker khẳng định uy quyền của nó: "Tao là người quyết định quét bụi ai và vào lúc nào." Rồi nó quay sang tôi: "Chúng tao thấy mày rất nhiều lần ở phố Ga. Tại sao? Mày ở đâu đến?"
Hai câu hỏi liền một lúc. Chí ít Oskar phải trả lời một nếu muốn vẫn làm chủ tình thế. Tôi rời cung trăng, quay lại nhìn nó bằng đôi mắt xanh đầy sức thuyết phục và bình thản nói: "Nhà thờ."
Đằng sau cái áo mưa của Störtebeker, bọn nó bình luận câu trả lời của tôi. Ăn cắp Lửa giải thích nhà thờ đây có nghĩa là nhà thờ Thánh Tâm.
"Mày tên gì?"
Một câu hỏi tất yếu, một câu hỏi xuất hiện bất cứ khi nào người gặp người và đóng một vai trò sống còn trong đối thoại giữa người với người. Nó cung cấp cốt lõi cho các vở kịch, thậm chí cả ôpêra nữa - như Lohengrin chẳng hạn.
Tôi chờ cho vầng ngọc thỏ ló ra giữa hai đám mây, để ánh trăng long lanh trong mắt tôi tác động đến Störtebeker trong khoảng thời gian đủ để húp ba thìa xúp. Rồi tôi lên tiếng, chăm chăm gây hiệu quả, tôi xưng danh - nếu tôi nhận tên mình là Oskar, ắt chỉ chuốc lấy một tràng cười - "Tên ta là Jêxu." Im lặng kéo dài. Cuối cùng, Ăn Cắp Lửa hắng giọng: "Ta phải quét bụi cho nó thôi, sếp."
Lần này, Ăn Cắp Lửa không vấp phải sự phản đối nào. Störtebeker búng tay cho phép và Ăn Cắp Lửa túm lấy tôi, thúc các khớp ngón vào cánh tay tôi ngay trên khuỷu và nhay đi nhay lại, làm tôi đau nhói và rát như phải bỏng, cứ thế cho đến khi Störtebeker lại búng tay ra hiệu dừng lại- vậy ra quét bụi là thế đó!
"Nào, bây giờ tên mày là gì?’ Tên trùm đội mũ phớt nhung làm ra bộ ngán ngẩm, làm một động tác đấm bốc khiến ống tay áo mưa xốc lên tới khuỷu, và giở đồng hồ ra ánh trăng. "Mày có một phút để suy nghĩ," nó khẽ nói. "Sau đó, tao sẽ bật đèn xanh cho bọn nó."
Oskar có cả một phút để yên ổn nghiên cứu mặt trăng, để tìm một lối thoát giữa những hố mặt trăng, để xem xét lại cái ý định xỏ chân vào giày của Chúa Kirixitô. Tôi không thích cái cụm từ "bật đèn xanh" và chắc chắn là tôi sẽ không để cho bọn tiểu yêu này định đoạt hành động của tôi từng giờ từng phút. Tôi chờ khoảng ba mươi lãm giây; rồi Oskar nói: "Ta là Jêxu."
Điều xảy ra tiếp theo thật tuyệt vời, nhưng tôi không thể nhận là do tôi dàn dựng nên. Ngay sau khi tôi tuyên bố lần thứ hai rằng tôi là Jêxu trước khi Störtebeker kịp búng tay ra hiệu hoặc Ăn cắp Lửa kịp quét bụi, còi báo động phồng không rú lên.
"... Jêxu," Oskar nói và hít một hơi dài. Lập tức, danh tính tôi được xác nhận liên tiếp bởi các nhịp còi, còi ở sân bay gần đó, còi ở tòa nhà chính của doanh trại bộ binh Hochstriess, còi trên mái trường trung học Horst- Wessel, còi trên cửa hàng bách hoá tổng hơp sternfeld và tận đằng xa từ phía đại lộ Hindenburg, còi của trường Cơ khí. Chỉ một lát là tất cả các còi trong khu ngoại ô này, như một hợp xướng của những thượng đẳng thiên sứ cuồng nhiệt, phổi thép, cất lên hưởng ứng thông điệp tôi vừa tuyên bố, làm cho đêm phập phồng, những giấc mơ xoè ra như pháo hoa; tiếng còi luồn vào tai những người đang ngủ và biến vầng trăng lạnh lẽo, thờ ơ thành một ánh sáng tàn bạo không cách nào che đi được.
Oskar biết cuộc báo động về hùa với gã; với Störtebeker thì ngược lại, tiếng còi làm nó lo lắng. Đối với một số tay chân của nó, báo động là hiệu lệnh gọi đi làm bổn phận. Bốn tên bổ trợ quân Luftwaffe phải trèo qua hàng rào, chạy cho nhanh về mâm pháo 88 của chúng ở giữa bến xe điện và sân bay. Ba thằng khác, trong đó có Belisarius, tối nay trực gác ở trường Oonradinum. Störtebeker tập hợp số còn lại, khoảng mười lăm đứa. Thấy trên trời không xảy ra chuyện gì nữa, nó tiếp tục tra hỏi tôi: "Được lắm, nếu tai tao không đánh lừa tao, thì mày là Jêxu, phải không? Ô-kê. Một câu hỏi nữa: mày giở cái ngón gì với những ngọn đèn đường và những ô kinh cửa số, mày làm thế nào? Đừng có quanh co. Chúng tao biết cả rồi."
Dĩ nhiên là chúng chẳng biết gì hết. Chúng đã chứng kiến một, hai chiến tích âm thanh của tôi, có thế thôi. Oskar tự nhủ mình không nên quá nghiêm khắc trong việc đánh giá lũ tiểu yêu này hay thiếu niên phạm pháp, theo cách gọi hiện nay. Cách hành động của chúng là tài tử, quá hăm hở, quá trực tiếp, nhưng trẻ con vẫn là trẻ con, tôi quyết định phải kiên nhẫn với chúng Vậy ra chúng là bọn Quét Bụi nổi tiếng mà ai ai cũng nhắc đến trong mấy tuần qua, cái băng mà cảnh sát và nhiều đội tuần tra Thanh niên Hitler đã ra sức truy tìm. Sau này mới vỡ ra chúng đều là học sinh các trường trung học Conradinum, Petri và Horst-Wassel. Có một nhóm Quét Bụi thứ hai ở Neufahrwasser chủ yếu gồm các thợ học việc ở xưỏng đóng tàu Schichau và nhà máy toa xe, nhưng cũng do học sinh cầm đầu. Hai nhóm hoạt động riêng rẽ và chỉ hợp tác vào những đêm lùng sục Công viên Steffens và đại lộ Hindenburg, mai phục bọn nhóm trưởng của Liên đoàn Thiếu nữ Đức từ các lớp học tối trở về nhà. Hai nhóm tránh đụng độ nhau; ranh giới lãnh thổ được phân định rõ ràng và Störtebeker coi tên trùm của nhóm Heufahrwasser là bạn chứ không phải kình địch. Bọn Quét Bụi chống lại tất cả. Chúng tấn công các trụ sở Đoàn Thanh niên Hitler, lột huân chương, huy chương của những gã lính đi phép mà chúng vớ được đang mần tình với gái ở công viên và, với sự hỗ trợ "tay trong" của các thành viên là bổ trợ quân Luftwaffe, ăn trộm vũ khí, đạn dược, xăng dầu của các đơn vị pháo phòng không. Nhưng dự định lớn, chủ yếu mà chúng nung nấu từ đầu là một cuộc tập kích tổng lực vào Phòng Phân phối Lương thực Thực phẩm.
Hồi ấy, Oskar chẳng biết gì về bọn Quét Bụi, về tổ chức và những kế hoạch của chúng, nhưng gã đang cô đơn, phiền muộn và ở giữa đám thiếu niên này, gã bỗng cảm thầy an toàn như trong gia đình. Bất chấp sự chênh lệch về tuổi tác - tôi sắp hai mươi - tôi đã thầm tự coi mình là một thành viên của nhóm. Tại sao, tôi tự nhủ, không trổ một ngón làm mẫu cho chúng thấy nghệ thuật của mày như thế nào? Tuổi trẻ bao giờ cũng ham học. Bản thân mày cũng đã từng có lần mười lăm, mười sáu tuổi. Hãy nêu gương cho chúng, hãy cho chúng thấy những thành quả của mày. Chúng sẽ kính trọng mày. Có thể chúng sẽ chọn mày làm lãnh tụ. Rồi cuối cùng, mày sẽ có thể gây ảnh hưởng để trí thông minh và kinh nghiệm của mày phát huy tác dụng; đây là cơ may cho mày tuân theo thiên hướng thu nạp môn đồ và tiếp bước Chúa Kirixitô.
Có lẽ Störtebeker linh cảm thấy sự suy tư của tôi thực sự có cơ sở. Nó để cho tôi có thì giờ suy nghĩ và tôi cảm ơn nó về điều đó. Một đêm sáng trăng cuối tháng tám. Loáng thoáng mây. Báo động phòng không. Hai ba ánh đèn pha tìm máy bay địch dọc bờ biển. Có lẽ một máy bay trinh sát. Quân ta vừa rút khỏi Paris. Trước mặt tôi, toà nhà chính của Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic rất nhiều cửa sổ. Sau một cuộc rút lui dài, Tập đoàn quân trung tâm cố thủ bên bờ sông Vistula. Xí nghiệp Sô-cô-la Baltic không cung cấp cho thị trường bán lẻ nữa, toàn bộ sản lượng dành cho Luftwaffe. Oskar đang tập làm quen với ý nghĩ là lính của Tướng Patton vận quân phục Mỹ đang dạo chơi dưới chân Tháp Eiffel. Điều đó làm tôi đau lòng - Ôi! Những giờ hạnh phúc với Roswitha - và Oskar giơ một chiếc dùi trống lên. Störtebeker nhận thấy cử chỉ của tôi, nó nhìn theo cái dùi hướng về xí nghiệp sô-cô-la. Trong khi giữa thanh thiên bạch nhật, bọn Nhật Bản bị quét sạch khỏi một hòn đảo ở Thái Bình Dương, thì ở bên này trái đất, ánh trăng lấp lánh trên những cửa sổ của một nhà máy làm sô-cô-la. Và với tất cả những ai lắng tai nghe, Oskar nói: "Jêxu sắp hát cho thuỷ tinh vỡ vụn đây".
Trước khi tôi đập ba ô kính đầu tiên, tôi nghe thấy một con ruồi vo ve trên đầu tôi. Trong khi hai ô kính nữa giã từ ánh trăng, tôi nghĩ: con ruồi này chắc sắp chết nên mới vo ve to thế. Tiếp đó, tôi hát cho đen ngòm những khung cửa sổ còn lại của tầng trên cùng. Những tia đèn pha trắng bệch kia thật gớm ghiếc, tôi nghĩ thầm trước khi chùi sạch mọi phản quang (có lẽ từ khẩu đội pháo gần Trại Narvik) khỏi các cửa sổ của tầng một và tầng hai. Các khẩu đội ven biển khai hỏa và tôi hoàn tất công việc ở tầng hai. Lát sau, các khẩu đội ở Altschottland, Pelonken và Schellmuhl nổ súng theo. Thêm ba cửa sổ tầng trệt và máy bay tiêm kích cất cánh, rà thấp trên nhà máy. Trước khi tôi kết thúc tầng trệt, pháo phòng không ngừng để cho máy bay tiêm kích săn sóc một chiếc máy bay oanh tạc bị ba chùm đèn pha ở Oliva phát hiện cùng một lúc.
Thoạt đầu, Oskar sợ rằng những cố gắng ngoạn mục của pháo phòng không có thể làm phân tán sự chú ý của các bạn mới của tôi. Nhưng khi hoàn tất công việc, tôi vui mừng khôn xiết khi thấy cả bọn há hốc miệng ngắm những cải cách tôi mang lại cho xí nghiệp sô-cô-la. Ngay cả khi những tiếng vỗ tay và "hoan hô!" dậy lên từ Hohenfriedberger-Weg gần đấy như trong rạp hát vì chiếc máy bay oanh tạc đã bị bắn rơi và bốc cháy bên trên khu rừng Jeschkenthan, cũng chỉ có vài đứa, trong đó có Mát-Tít, ngoảnh mặt khỏi nhà máy bị lột hết kính cửa sổ. cả Störtebeker lẫn Ăn cắp Lửa - hai đứa này mới là đáng kể - đều không quan tâm gì đến chiếc máy bay oanh tạc bị hạ.
Một lần nữa, bầu trời lại vắng ngắt, chỉ còn vầng trăng và những vì sao vụn. Các máy bay tiêm kích đã hạ cánh. Từ rất xa, vắng lại tiếng xe cứu hoả. Störtebeker quay lại, phô cái vành miệng khinh khỉnh, và giơ nắm tay lên tháo chiếc đồng hồ, đưa cho tôi không nói một lời. Rồi nó thở dài, toan nói gì đó, song phải chờ còi báo yên tắt hắn. Cuối cùng, giữa những tiếng vỗ tay của thủ hạ, nó bật ra: "Ô- kê, Jêxu. Nếu cậu ưng thì bọn tớ kết nạp cậu vào băng. Chúng mình là những kẻ Quét Bụi, nếu điều ấy có ý nghĩa gì đối với cậu."
Oskar nhấc nhấc chiếc đồng hồ trong tay, một đồ vật xinh xẻo có cái mặt dạ quang và đôi kim chỉ hai mươi ba phút sau nửa đêm, và đưa nó cho Ăn cắp Lửa. Thằng này đưa mắt nhìn sếp, dò hỏi. Störtebeker gật đầu đồng ý. Chuyển cái trống sang một vị trí thuận tiện để cử hành khúc về nhà, Oskar nói: "Jêxu sẽ dẫn dắt các con. Hãy theo Người."
Chú thích:
[1] Tiếng La-tinh trong nguyên bản: Khốn khổ.
[2] Không quân Đức.
Cái Trống Thiếc Cái Trống Thiếc - Günter Grass Cái Trống Thiếc