Việt Nam Máu Lửa epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6  
Chương 22: Chiến Trường Đông Dương Với Ba Thắng Lợi
háng 7.1953 mở đầu hai cuộc hành binh lớn của ‘’Thời Navarre’’, hai cuộc hành binh quật khởi bắt buộc quân đội Võ nguyên Giáp phải tăng thêm ý thức chuẩn bị và không được khinh địch, đó là trận Hirondelle tại vùng Ải Nam Quan và trận Camargue trên chiến khu Quảng Trị.
Trận Hirondelle bắt đầu sớm ngày 18 tháng 7 dưới quyền điều khiển trực tiếp của Thiếu Tướng Gilles, 5.000 quân với sự chỉ huy của Đại Tá Ducourneau bất thần rơi từ không trung xuống các động chứa đầy vũ khí bên giòng sông Kỳ Cùng, nơi cách đây hơn hai năm, quân đội Pháp đã từng làm chủ.
Để bảo vệ đường về cho bộ đội nhảy dù ở Lạng Sơn, binh sĩ Liên Hiệp Pháp một mặt nhảy dù xuống Lộc Bình cách Lạng Sơn 27 cây số trên khúc đường số 4 Lạng Sơn-Khe Tù, một mặt tiến quân từ Hải Phòng đến Tiên Yên đón tiếp.
Cuộc hành binh chớp nhoáng đã đem lại ngạc nhiên cho Việt Minh vì họ chắc đã khinh thường lực lượng quân Pháp từ sau Thu-Đông 1950.
Trận Hirondelle nêu rõ:
– Quân đội Pháp đã cụ thể hóa được nhanh chóng kế hoạch Navarre áp dụng chiến thuật lưu động trong cuộc tấn công chủ động vào hậu địch. Nửa vạn quân bất tình lình đánh phá hậu tuyến địch và rút lui một cách cực kỳ nhanh chóng (Rút khỏi Lạng Sơn ngay đêm 17).
– Trận đánh xứ Lạng còn có một giá trị về thời gian vô cùng quan trọng. Thế giới tự do đột nhiên nhìn vào trận Lạng Sơn, phấn khởi và tin tưởng. Đó là một hành động thực tế thức tỉnh lại lòng tin của mọi người đang bị tinh thần chiến bại ám ảnh.
– Ngoài những kết quả về phương diện quân nhu vũ khí (Việt Minh mất 18.000 lít ét-săng, 250 lốp xe vận tải 6 xe vận tải, 57 động cơ xe hơi, 8 chiếc máy làm dụng cụ, 1 máy phát điện, một ổ điện thoại, 1.000 thước khối đạn dược, 1.000 súng liên thanh các cỡ…) trận Lạng Sơn còn đem lại cho binh sĩ Pháp chí phấn khởi chiến thắng, thêm tự tin ở năng lực của mình.
Trận đánh lớn thứ hai phát động ngày 29.7.53.
Cuộc hành binh Camargue cách cuộc hành binh Hirondelle 11 ngày, xảy ra trên ‘’Dãy phố buồn thiu’’ miền Nam Quảng Trị.
‘’Dãy phố buồn thiu’’ là căn cứ địa của một số tiểu đoàn thuộc sư đoàn 325, sư đoàn giữ Bình-Trị-Thiên, khu hắc búa nhất trên chiến trường Việt Nam. Một năm trước, tháng 7 và 8.1952, những cuộc hành binh Quadrille, Sauterelle đã từng làm mưa gió trên khu Mỹ Lợi, Phú Vang, gây tổn thất nặng cho trung đoàn 101 (thuộc sư đoàn 352).
Trước khi khởi trận Camargue, không quân Pháp đã luôn luôn đánh phá các cuộc chuyển dịch khả nghi trong khu vực, trái với tính chất tuyệt đối bí mật của trận nhảy dù Lạng Sơn, quân đội Việt Minh ở ‘’Dãy phố buồn thiu’’ đã được báo hiệu trước bằng những trận oanh tạc của nhóm không quân chiến thuật miền Trung Việt. Những phi đội khu trục oanh tạc cơ B-26 và Bearcat liên tiếp tưới bom xuống khu Tam Giác, một giải làng mạc chạy dài từ Tây-Bắc sang Đông-Nam miền Nam Quảng Trị, dựa vào cồn cát đối diện với biển xanh, nơi trung đoàn 95 đã phải thay thế cho trung đoàn 101.
Sáng ngày 29 tháng 7, từng đợt phi cơ xuất phát từ căn cứ Bắc Việt chở hàng ngàn quân nhảy dù dưới quyền Đại Tá Grandremy rầm rộ bay đến khu vực hành binh. Rồi từ mặt bể, binh sĩ ào ạt đổ bộ lên phía Bắc, vùng An Hội. Từ căn cứ Huế, những xe lội nước, xe thiết giáp tiến quân bao vây chận vùng Tây. Khu Tam Giác bị quây tròn, chặt chẽ.
Trung Tướng G. Leblanc, Tư Lệnh Lục Quân Trung Việt, người điều khiển hơn một vạn quân trong trận Camargue đã thu được những kết quả gì?
Trước hết: ‘’2 tiểu đoàn Việt Minh bị thất tán và bị tiêu diệt một phần’’, ‘’Tất cả các căn cứ Việt Minh trong khu vực Tam Giác của dãy phố buồn thiu, mối hăm dọa cho Quốc Lộ số 1 và Thành Phố Huế, đã bị phá hủy…’’
Thế là trong vòng nửa tháng, hai cuộc hành binh chủ động đã phát hiện cách xa nhau hằng trăm, sáu trăm cây số, nhanh và mạnh. Quân đội Việt Minh bị đánh bất ngờ chỉ còn kịp chạy và để lại hàng kho vũ khí.
Chiến tranh Đông Dương đã tiến vào một bước ngoặc mới, hy vọng cho quân đội Pháp.
Vừa lúc Hoa Kỳ ký kết ngưng bắn ở Cao Ly và có dư luận xôn xao rằng như vậy là Mỹ ‘’đầu hàng’’ cộng sản, thì ở Việt Nam, Đại Tướng Navarre cố gắng dùng những miếng đòn táo bạo: Hai ‘’trái đấm’’ dương Đông kích Tây mục đích buộc Đại Tướng Việt Minh phải thay đổi chiến thuật của mình.
Trận Camargue đã chứng tỏ khả năng liên hợp những tiểu đoàn miền Bắc Việt với những đơn vị miền Trung Việt. Phương tiện và phương pháp di chuyển nhanh chóng của quân đội Pháp đã được khôi phục sẽ làm cho Việt Minh phải chú trọng nhiều về phòng thủ, tự vệ, bỏ lỡ mọi cơ hội tấn công trong những mùa chiến dịch của họ.
Mùa chiến dịch!
Danh từ quân sự ấy phát sinh từ 1947 sau cuộc hành binh LEA trên chiến khu Việt Bắc, đã ẩn ý nghĩa dài rộng của cuộc chiến tranh trên phạm vi chiến lược.
Nguyên tắc ‘’không nên hành binh vào mùa Hạ’’ do Tướng Lyautey nêu lên hàng bao chục năm về trước vẫn thường được các Tướng lĩnh Pháp noi theo ở Bắc Việt.
Từ 1947, cứ đến Thu-Đông là Việt Minh phải sửa soạn, chuẩn bị chờ đợi những cuộc tiến quân của bộ đội Pháp. Để ngăn ngừa những cuộc hành binh trong mùa Thu-Đông khô ráo, Việt Minh cố gắng mở những trận đánh chận đầu và từ Thu Đông 1950, sau trận ác liệt Cao Bằng, Lạng Sơn, ‘’quyền’’ mở chiến dịch trong ‘’mùa’’ đã chuyển qua tay bộ tư lệnh Việt Minh.
Hai năm rưỡi trôi qua…Ngày nay Đại Tướng Navarre quyết ý lấy lại quyền chủ động. Những cuộc hành binh mới đều tiềm tàng một tính chất ‘’muôn thuở’’ trong chiến cuộc Đông Dương: Ngăn ngừa đối phương, chận họ trước mùa chiến dịch.
Việt Nam Máu Lửa Việt Nam Máu Lửa - Nghiêm Kế Tổ Việt Nam Máu Lửa