Chương 26
rạng thái sầu muộn sâu sắc, chỉ có những phút đứng nấp sau tấm kính cửa sổ may chăng Fabrice mới thoát được; tấm kính ấy do chàng lắp thay tấm giấy dầu ở ô cửa buồng đối diện với lâu đài Contarini, nơi Clélia trú ngụ. Từ khi ra khỏi ngục thành chàng ít gặp Clélia, nhưng mỗi khi gặp, chàng đều rất buồn về một sự thay đổi rõ rệt, mà chàng cho là một triệu chứng xấu. Sau khi phạm lỗi, vẻ mặt nàng đượm một vẻ cao quý và nghiêm trang đáng chú ý, người ta tưởng nàng phải đến ba mươi tuổi. Trong sự thay đổi lạ thường ấy, Fabrice nhận thấy phản ánh của một ý định cương quyết nào đó. “Mỗi giây phút, chàng nghĩ thầm, Clélia vẫn tự hứa là phải giữ điều phát nguyện với Đức Mẹ và không bao giờ gặp lại ta nữa”.
Fabrice chỉ đoán được một phần tai họa của Clélia thôi. Nàng biết rằng ông bố thất sủng nặng nề chỉ có thể trở về Parme và xuất hiện ở triều đình (không đạt điều đó ông không sống nổi!) vào ngày hầu tước Crescenzi cưới nàng, cho nên nàng viết thư sang cho bố nói nàng mong đợi ngày cưới đó; tướng Conti lúc ấy trốn ở Turin và đang phát ốm vì phiền muộn. Phải nói rằng điều quyết định của Clélia có hậu quả làm nàng già đi mười năm.
Clélia đã phát hiện thấy Fabrice có một cửa sổ đối diện với lâu đài Contarini nhưng nàng chỉ có một lần phạm tội nhìn chàng. Mỗi khi thấy có một dáng mặt hay một bóng người hao hao giống chàng, nàng nhắm mắt lại tức khắc. Tính ngoan đạo sâu sắc và lòng tin vào sự cứu vớt của Đức Mẹ từ nay là nguồn an ủi duy nhẩt của nàng. Nàng đau đớn vì biết mình không mến phục bố, còn tư cách của ông chồng tương lai thì nàng thấy quá tầm thường chi ngang tầm với lối cảm nghĩ của giới thượng lưu; sau hết, nàng sùng bái một người mà nàng sẽ không bao giờ được nhìn mặt nữa, nhưng lại có những quyền hạn đối với nàng. Sự tổng hợp những số kiếp ấy, nàng thấy là một tai họa trọn vẹn, và chúng tôi cho rằng nàng nghĩ đúng. Lấy chồng rồi, chắc phải đi xa Parme hai trăm dặm mới sống nổi.
Fabrice biết Clélia rất khiêm tốn; chàng biết là một hành vi khác thường có thể làm đầu đề chuyện vãn cho người đời, nếu bị khám phá chắc chắn sẽ làm cực lòng nàng. Tuy vậy, vì quá buồn phiền, vì đôi mắt của Clélia cứ tránh đi không đoái hoài đến chàng, cùng kế, chàng đánh liều mua chuộc hai tên người nhà của bà Contarini, cô nàng. Một hôm, vào lúc sẩm tối, Fabrice ăn mặc giả dạng một tư sản nông thôn, đến gõ cửa lâu đài, ở đó có một tên đầy tớ đã bị mua chuộc. Chàng nói là từ Turin đến, có mang tới cho Clélia thư từ của bố nàng. Tên người nhà đi báo tin rồi đưa chàng đến một phòng đợi mênh mông ở tầng một. Có lẽ ở nơi đó, Fabrice đã sống cái khoảnh khắc hồi hộp nhất trong đời mình. Nếu Clélia từ chối, chàng không còn hy vọng sống yên ổn nữa. “Nếu vậy thì để cắt ngang những bổn phận khó chịu mà địa vị mới bắt ta gánh vác, ta sẽ trừ một linh mục xấu cho nhà Thờ và đổi một tên giả, ta sẽ trốn vào một tu viện chartreuse[124] nào đó”. Mãi sau tên người nhà mới đến báo tiểu thư Clélia vui lòng tiếp. Bây giờ Fabrice mất cả can đảm; khi đi lên cầu thang tầng hai, chàng suýt ngã vì lo sợ.
Clélia đang ngồi trước một chiếc bàn con chỉ cắm một cây nến. Vừa nhận ra Fabrice dưới lốt cải trang nàng chạy trốn vào tận cuối phòng.
— Anh lo nghĩ cứu phần hồn của tôi như thế đấy, nàng thét lên và lấy hai bàn tay che mặt. Anh vốn biết khi cha tôi suýt chết vì thuốc độc tôi đã phát nguyện với Đức Mẹ là sẽ không bao giờ nhìn thấy anh nữa. Tôi chỉ vi phạm lời thề vào cái hôm khốn khổ nhất trong đời tôi là hôm tôi thấy có trách nhiệm phải cứu mạng anh. Theo một cách giải thích gò ép và có lẽ là tội lỗi, tôi chịu nghe anh nói đã quá lắm rồi.
Câu cuối cùng khiến Fabrice ngạc nhiên đến nỗi giây phút sau mới cảm thấy sung sướng. Trước đây chàng ngỡ Clélia sẽ nổi giận dữ dội và sẽ chạy đi mất. Chàng lấy lại bình tĩnh, thổi tắt phụt ngọn nến độc nhất. Mặc dù tin là đã hiểu rõ mệnh lệnh của Clélia, chàng vừa đi vừa run đến cuối phòng khách, nơi đó nàng đang nấp sau một trường kỷ. Chàng không biết hôn tay nàng có làm phật ý nàng không. Nàng run lên vì trìu mến và ngã vào tay chàng. Nàng nói:
— Ôi, Fabrice thân thương! Sao lâu thế anh mới đến? Em chỉ có thể nói chuyện với anh được một lát thôi vì đây hẳn là một tội to. Vì khi em thề là sẽ không nhìn thấy anh nữa, hẳn em cũng hiểu rằng như thế có nghĩa là cũng không chuyện trò với anh. Tuy nhiên tại sao anh trừng phạt cha em một cách tàn nhẫn như vậy về cái ý định báo thù của người. Bởi vì ban đầu chính người ta suýt giết người bằng độc dược để cho anh dễ dàng trốn đi. Không phải anh cũng cần phải làm một cái gì vì em, người đã liều thân danh để cứu anh hay sao? Vả chăng ngày nay anh đứng hoàn toàn trong hàng ngũ thiêng liêng những người phụng sự Chúa, anh không thể cưới em giả dụ em có tìm được cách nào tống cổ cái anh hầu tước đáng ghét đó đi nữa. Sau cùng, làm sao buổi chiều hôm rước thánh anh dám liều lĩnh muốn nhìn tận mặt em giữa thanh thiên bạch nhật? Bằng hành động đó, anh đã vi phạm một cách lộ liễu nhất lời phát thệ thiêng liêng của em trước Thánh Mẫu.
Fabrice ôm siết nàng trong tay, ngây ngất vì ngạc nhiên vì sung sướng.
Một cuộc chuyện trò bắt đầu bằng bấy nhiêu việc để trao đổi với nhau thì chắc là không thể nào kết thúc mau chóng, Fabrice thuật lại cho Clélia nghe sự thật về việc phát lưu bố nàng, nữ công tước không can dự gì vào đấy cả bởi cái lẽ lớn là bà không hề ngờ sáng kiến đầu độc lại do tướng Conti mà ra; bà luôn luôn nghĩ đó là một thủ đoạn trí thuật của cánh Raversi, chúng muốn đẩy bá tước Mosca đi. Chân lý lịch sử được khai triển miên man đó cho Clélia hết sức sung sướng; phải thù ghét một người thân của Fabrice thì nàng khổ tâm lắm. Bây giờ nàng không nhìn bà công tước với con mất ghen tuông nữa.
Cái hạnh phúc mà buổi tối do xây dựng nên chỉ tồn tại trong mấy ngày.
Cha Cesare đôn hậu từ Turin trở về. Mạnh dạn vì tấm lòng mình hoàn toàn trung thực, ông đến xin yết kiến nữ công tước. Sau khi yêu cầu và được bà hứa hẹn sẽ không phụ lòng tin cậy của ông về điều tâm phúc mà ông sắp nói, ông thú nhận rằng anh ông lầm lạc vì sĩ diện hão và tưởng mình bị thách thức, mình mất mặt trước dư luận vì sự vượt ngục của Fabrice, nên đã cho rằng mình cần phải trả thù.
Don Cesare nói chưa đầy hai phút đã đạt thắng lợi rồi. Đạo đức toàn thiện của cha đã làm cho bà công tước cảm động vì bà không quen gặp những cảnh như thế; bà thích thú vì tính chất mới lạ của cảnh tượng này.
— Cha hãy thúc đẩy cho lễ cưới xin giữa tiểu thư Conti và hầu tước Crescenzi được tiến hành mau chóng thì tôi cam đoan sẽ làm hết sức tôi để cho quan tướng được tiếp đón như người đi xa trở về. Tôi sẽ mời ông ấy ăn cơm; cha bằng lòng chưa? Chắc là lúc đầu còn có lạnh nhạt đấy và quan tướng cũng đừng nên vội xin lại làm trấn thủ ngục thành. Nhưng cha cũng biết rằng tôi có cảm tình với hầu tước và tôi sẽ không nuôi thù hằn đối với bố vợ ông ta đâu.
Bỏ bụng những lời hứa hẹn ấy, don Cesare đến nói với cô cháu là cô cầm tính mệnh bố cô trong tay, bố cô hiện ốm vì thất vọng. Từ nhiều tháng nay, ông không ra mặt giữa nơi đông đảo nào.
Clélia đi thăm bố, lúc ấy đội tên giả trốn ở một thôn gần Turin; ông tướng triều đình Parme yêu cầu triều đình Turin bắt ông và giao hoàn cho Parme để truy tố. Nàng thấy bố ốm và gần như điên rồ. Tối hôm đó, nàng viết cho Fabrice một bức thư vĩnh viễn đoạn tuyệt. Tính tình của Fabrice cũng phát triển y như tính tình người yêu, nhận được thư đó, chàng vào ẩn ở tu viện Velleja ở trong núi, cách Parme mười dặm, Clélia viết cho chàng một bức thư mười trang giấy. Ngày trước nàng đã thề với Fabrice là sẽ không bao giờ lấy hầu tước nếu chàng không đồng ý, bây giờ nàng yêu cầu chàng đồng ý và từ trong chỗ ẩn trú Velleja, Fabrice đã viết một lá thư chứa chan một tình trạng trong sạch để bày tỏ sự thuận tình của mình.
Phải thú nhận là cái tình bạn trong thư làm cho Clélia ấm ức; nhận được thư, Clélia tự mình định ngày tổ chức lễ cưới, lễ hội, yến tiệc trong đám cưới càng làm cho triều đình Parme thêm rực rõ trong mùa đông ấy.
Ranuce Ernest V tính vốn hà tiện, nhưng ông say mê nữ công tước và hy vọng giữ bà ở triều đình; ông yêu cầu mẹ nhận một số tiền lớn và tổ chức khánh tiết. Bà tổng quản lý sử dụng số bội thu tài chính ấy một cách tài tình; những lễ hội ở Parme mùa đông ấy khiến người ta nhớ đến những ngày tươi đẹp của triều đình Milan và hoàng thân phó vương Eugène đáng yêu, mà tính hào hiệp để lại kỷ niệm lâu dài trong lòng người.
Nhiệm vụ phó chủ giáo bắt buộc Fabrice trở về Parme; nhưng chàng tuyên bố vì thành tâm mộ đạo, chàng sẽ tiếp tục sống thanh tịnh ở cái phòng nhỏ tại tòa tổng giám mục mà người đỡ đầu cho chàng, đức cha Landriani đã buộc chàng phải nhận; thế rồi chàng vào đấy và đóng cửa lại, chỉ đem theo một người hầu. Thế là chàng không dự một lễ hội huy hoàng nào ở triều đình cả, và được dậy tiếng tăm là bậc thánh tăng ở Parme và trong địa phận hành giáo tương lai của chàng, Fabrice ẩn cứ là vì buồn phiền quá sức và vô vọng, nhưng việc đó có một hậu quả bất ngờ, đức cha Landriani đôn hậu xưa nay vẫn quí mến Fabrice và trên thực tế đã có ý kiến cử chàng làm phó chủ giáo, nay lại đâm ra có chút ít ganh tị với chàng. Đức tổng giám mục nghĩ rất đúng là mình phải dự tất cả những lễ hội tại triều, theo tục lệ Ý. Trong những dịp đó, đức cha vận trang phục đại lễ, không khác mấy với trang phục hành lễ ở nhà thờ lớn của người. Hàng trăm kẻ hầu tụ tập ở phòng chờ của cung điện không quên đứng dậy xin Đức cha ban phước và ngài vui lòng đứng lại ban phước cho họ. Một lần, vào lúc cảnh im lặng long trọng đó đang diễn ra thì Đức Cha Landriani nghe có một người nói: “Đức tổng giám mục của chúng ta đi dự khiêu vũ, còn Đức cha Del Dongo thì không bước ra khỏi phòng!”.
Từ lúc đó Fabrice không được hưởng cảnh ân sủng dồi dào ở tòa tổng giám mục như xưa nữa. Nhưng chàng đã có thể bay với đôi cánh riêng của mình. Tuyệt vọng vì Clélia đi lấy chồng cho nên chàng đã hành động như vậy, nhưng người đời lại cho là vì lòng mộ đạo tự nhiên và cao quí, và các bà mộ đạo muốn xác định lòng tin, đã đọc bản dịch gia phả họ Del Dongo trong đó có một sự khoa trương cuồng nhiệt. Bọn hàng sách đem chân dung chàng in thạch bản, chỉ trong mấy hôm là bán sạch, kẻ mua đông đảo nhất là đám bình dân. Vì dốt nát, người thợ vẽ bảng đá đã vẽ chung quanh chân dung những trang trí đáng lẽ chỉ được có ở chân dung các vị giám mục, chứ phó chủ giáo thì không có quyền. Đức tổng giám mục trông thấy bức chân dung đó và nổi giận ghê gớm; người cho gọi Fabrice và khiển trách chàng một cách nghiêm khắc nhất bằng những lời lẽ đôi khi thô bạo vì hằn học.
Chắc ai cũng đoán biết Fabrice không mất công phu gì để xử sự như Fénelon có thể làm nếu ông ta gặp trường hợp tương tự. Chàng lặng nghe đức tổng giám mục một cách nhún nhường và kính cẩn hết sức và vì Đức Cha nói xong, chàng thuật lại tất cả việc phiên dịch gia phả mà người ta đã làm theo lệnh bá tước Mosca trong lần ở tù thứ nhất của chàng. Bá tước cho xuất bản nhằm một mục đích phô trương mà chàng vẫn thấy không hợp với chức nghiệp chàng. Còn về chân dung thì chàng hoàn toàn không biết đến khi xuất bản cũng như khi tái bản; người hàng sách đã gửi cho chàng hai mươi bốn bản trong kỳ tái bản gửi về tòa tổng giám mục trong lúc chàng ẩn cư, chàng đã cho người hầu đi mua một bức thứ hai mươi lăm; nhờ có cách ấy chàng biết giá bán mỗi bức là ba mươi xu cho nên chàng đã gửi một trăm quan để trả tiền chỗ hai mươi bốn bức chân dung trước.
Tất cả những lý lẽ ấy làm cho đức tổng giám mục giận đến phát khùng, mặc dù Fabrice đã trình bày với sự ôn tồn của một người đang có những điều phiền muộn lớn hơn nhiều trong tâm trí. Đức cha tức tối đến nỗi bảo Fabrice là giả dối:
“Những người xuất thân dân dã làm như thế đấy. Fabrice nghĩ thầm, dù họ thông minh cũng thế thôi!”.
Lúc đó chàng có một điều lo nghĩ quan trọng hơn, đó là những thư của bà cô, bà nhất thiết đòi chàng về ở cái phòng ở tòa lâu đài Sanseverina hay ít ra cũng thỉnh thoảng về thăm bà. Ở đấy thì chắc là Fabrice phải bị nghe nói đến những lễ hội lộng lẫy hầu tước Crescenzi tổ chức nhân lễ thành hôn của ông; mà chàng thì không dám tin là mình có thể nhìn cảnh tượng ấy mà vẫn có đủ bình tĩnh để khỏi làm trò lạ mắt cho thiên hạ.
Khi lễ cưới tiến hành thì Fabrice đã im lặng tuyệt đối, không nói năng gì trong tám ngày liền sau khi ra lệnh cho tên hầu và những người giúp việc trong tòa tổng giám mục có quan hệ với chàng đừng nói gì với chàng.
Đức tổng giám mục nghe nói đến điều giả dối mới này bèn cho gọi Fabrice đến nhiều hơn lệ thường và muốn nói chuyện nhiều với chàng; ngài lại buộc chàng tiếp mấy chanoines nông thôn đã cho là tòa tổng giám mục có những hành động làm thiệt đến quyền lợi của họ. Fabrice xem xét những việc ấy với sự hững hờ tuyệt đối của người đang bận tâm về những việc khác. “Có lẽ ta vào một viện ẩn tu thì hơn, chàng nghĩ thầm; ở trong núi đá Velleja ta ít đau khổ hơn”.
Chàng đi thăm nữ công tước và không cầm được nước mắt khi hôn bà. Bà công tước thấy chàng thay đổi nhiều quá, mắt chàng càng to thêm vì người quá gầy, có vẻ như lồi hẳn ra khỏi mặt, dáng dấp mảnh khảnh và khổ sở, với cái áo dài đen sờn chật hẹp của người cha cố bình thường; thoạt nhìn chàng công tước phu nhân cũng khóc. Nhưng giây lát sau, bà tự bảo là tất cả sự thay đổi trên dáng dấp người thanh niên tuấn tú ấy đều xảy ra do việc Clélia lấy chồng và bà đâm ra giận dỗi không kém ông tổng giám mục mấy tí, tuy khéo che đậy hơn. Bà tàn nhẫn nói mãi mấy chi tiết ngoạn mục đánh dấu các cuộc vui chơi hấp dẫn mà hầu tước tổ chức. Fabrice không trả lời, nhưng mắt chàng lim dim như bị co giật và mặt càng xanh tái thêm tuy đã nhợt nhạt hết sức rồi. Trong những giây phút đau đớn cực độ ấy, da mặt chàng từ tái nhợt, đã chuyển sang màu xanh lục.
Bá tước Mosca chợt đến, cảnh tượng khó tin mà ông chứng kiến đã làm tiêu tan hoàn toàn lòng ghen tuông chưa bao giờ dứt mà trước đây Fabrice làm nẩy ra. Con người khôn ngoan ấy dùng nhiều lời tế nhị và khéo léo để làm Fabrice quan tâm đến việc đời. Bình thường bá tước trọng Fabrice lắm và cũng khá mến chàng, ngày nay cảm tình đó không bị ghen tuông chống phá đã hóa nên gần như một tình bạn tận tụy. “Quả vậy, cái chức vị cao của hắn, hắn phải mua đấy!” bá tước tự nhủ khi ôn lại những tai họa của Fabrice. Lấy cớ đưa Fabrice đi xem bức tranh của họa sĩ Parmesan mà hoàng thân đã gửi biếu nữ công tước, bá tước kéo riêng chúng ra.
— Nào anh bạn, chúng ta hãy nói chuyện với nhau như những người đàn ông đi, tôi có thể giúp được gì cho anh không? Anh không ngại tôi hỏi anh vài điều chứ? Tiền bạc có ích gì cho anh không? Uy quyền có thể giúp anh được gì? Anh cứ nói, tôi sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của anh; nếu anh thích viết hơn thì cứ viết thư cho tôi.
Fabrice ôm hôn bá tước âu yếm và nói về bức tranh. Bá tước trở lại với giọng nhẹ nhàng của những câu chuyện phòng khách:
— Hạnh kiểm của anh là một kiệt tác về loại chính trị tinh vi nhất; anh chuẩn bị cho anh một tương lai rất dễ chịu, quận vương biệt đãi anh, dân chúng sùng bái anh, cái áo đen sờn tội nghiệp của anh đã khiến đức cha Landriani băn khoăn, trằn trọc. Tôi có ít nhiều kinh nghiệm về công việc và tôi có thể cam đoan với anh là tôi không biết khuyên anh gì nữa để cải tiến điều tôi nhìn thấy. Bước đầu tiên của anh trên đường đời vào lúc mới hai mươi lăm tuổi đã đạt trình độ hoàn thiện rồi. Người ta nói đến anh rất nhiều ở triều đình. Anh có biết nhờ đâu mà anh được quí trọng đặc biệt ở tuổi trẻ như thế không? Ở cái áo đen sờn chật hẹp đó. Nữ công tước và tôi được sử dụng, anh biết đấy, cái nhà cũ của Pétrarque trên một ngọn đồi đẹp đẽ giữa rừng, trong vùng sông Pô, nếu có khi nào anh chán những thủ đoạn xấu xa của bọn ganh tị, tôi tưởng anh có thể làm người kế nghiệp Pétrarque mà tiếng tăm sẽ làm cho người ta biết đến anh thêm.
Bá tước vắt não để làm nẩy một nụ cười trên mặt ẩn sĩ đó, nhưng ông thất bại. Điều khiến cho sự thay đổi đập vào mắt người ta là trước đây, gương mặt Fabrice chỉ còn một nhược điểm là một đôi khi bừng lên một vẻ khoái lạc và hoan hỉ vô cớ.
Trước khi Fabrice ra về, bá tước còn nói mặc dù sống tĩnh cư, thứ bảy tới, ngày lễ sinh nhật của thái phi, Fabrice cũng nên có mặt kẻo người ta có thể cho là kiểu cách. Câu ấy như một nhát dao đâm vào ngực Fabrice. “Chúa ôi! Con đến làm gì ở cái lâu đài này chứ!”. Chàng không thể nghĩ đến cuộc gặp gỡ ở triều đình mà không rùng mình. Cái ý nghĩ ấy át tất cả những ý nghĩ khác, chàng cho là chỉ có một cách thoát là đến đúng lúc người ta mở cửa các phòng khách.
Quả vậy cái tên đức cha Del Dongo là một trong những tên được báo trước nhất trong buổi đại dạ hội và bà thái phi tiếp Fabrice một cách trân trọng nhất. Mắt chàng dán trên chiếc đồng hồ treo, và vào lúc chàng đến vừa đúng hai mươi phút, chàng đứng lên định cáo từ, thì quận vương vào phòng khách mẹ. Chầu hầu hoàng thân được một lát, Fabrice vận động khéo léo để tiến ra phía cửa; lúc ấy xảy ra một sự việc cỏn con vào loại mà bà tổng quản lý biết cách sắp đặt rất tài tình; quan nghi lễ trực ban chạy theo Fabrice nói với chàng là chàng được chọn để đánh bài whist với hoàng thân. Ở Parme, đó là một vinh dự lớn, quá tầm với của một phó chủ giáo nhiều lắm. Được đánh bài với quận vương là một vinh dự rõ rệt ngay cả đối với đức tổng giám mục. Nghe quan nghi lễ nói, Fabrice thấy nhói trong tim; mặc dù rất sợ làm trò lạ cho mọi người, chàng suýt bảo với quan nghi lễ là chàng bị choáng đột ngột; tuy nhiên chàng kịp nghĩ lại và thấy rằng bị hỏi han về bệnh tình, bị chúc bình phục còn khó chịu hơn là đánh bài nữa. Ngày hôm đó chàng rất sợ phải mở miệng nói năng.
May sao vị chưởng giáo dòng tu ở Catanzara, một trong số những đại nhân vật đến chầu hầu thái phi. Vì thầy tu thông thái đáng đọ với những Fontana và Duvoisin ấy ngồi vào một góc cách biệt trong phòng khách, Fabrice đến đứng đối diện với ông để cho khỏi nhìn thấy cửa ra vào, và nói chuyện về thần học. Nhưng chàng không làm thế nào để khỏi phải nghe báo ngài hầu tước và bà lớn hầu tước Crescenzi đến. Chàng thấy giận bừng bừng, trái với sự phản ứng mà mình chờ đợi từ trước. Chàng nghĩ thầm:
“Nếu ta là Borso Valserra (đó là một tướng của quận công Sforce đầu tiên), ta đã đến đâm tên hầu tước nặng nề kia, chính với con dao cán ngà mà Clélia cho ta cái hôm hạnh phúc đó, và ta sẽ báo cho nó biết nó có nên hỗn láo cùng đi với ả nữ hầu tước kia đến một nơi có mặt ta hay không?”
Mặt chàng biến sắc quá, đến nỗi vị chưởng giáo phải nói:
— Có lẽ Đức Cha thấy trong người khó chịu chăng?
— Tôi nhức đầu như búa bổ… đèn sáng quá làm tôi khó chịu… tôi nán lại chỉ vì được chỉ định hầu bài hoàng thân. Nghe đến đây, vị chưởng giáo, vốn là một thị dân bị bất ngờ đến nỗi không biết làm gì, bèn cúi đầu chào Fabrice, về phần Fabrice, chàng càng lúng túng hơn và nổi lên nói thao thao một cách quái lạ, là vì chàng nghe thấy phía sau bỗng nhiên im ắng, mà chàng không muốn quay nhìn. Thình lình có tiếng một cái cung đàn gõ lên bàn gỗ. Người ta đánh một bản nhạc dạo rồi thì nữ danh ca P. hát bài hát của Cimarosa[125] ngày xưa rất thịnh hành:
“Nghĩa tử khả át sao!"
Qua mấy nhịp đầu, Fabrice vẫn tự chủ, nhưng sau đó cơn giận của chàng tiêu tan và chàng thấy lòng nao nao, cứ muốn khóc. “Lạy chúa! Chàng tự nhủ, sẽ lố bịch biết bao nhiêu nếu khóc! Lại với cái áo này nữa chứ!” Chàng thấy cứ nói về mình là khôn ngoan hơn cả:
— Bệnh nhức đầu quá đáng này, Fabrice nói với vị chưởng giáo, khi tôi mắc phải mà kiềm chế như tối hôm nay, thì nó kết thúc bằng những dòng nước mắt có thể làm cho người ta dị nghị đối với một người làm loại chức nghiệp của chúng ta. Vì vậy, xin Đức Cha cho phép tôi khóc trong khi nhìn người và đừng để ý đến nhiều hơn nữa.
— Cha viên trưởng tỉnh Catanzara của chúng tôi cũng mắc cái bệnh khó chịu ấy, vị chưởng giáo nói. Và ông bắt đầu kể khe khẽ một câu chuyện bất tận.
Câu chuyện đưa Fabrice đến chi tiết những bữa ăn chiều của cha viện trưởng tỉnh nhỏ ấy, và tính cách lố bịch của nó khiến chàng mỉm cười, điều từ lâu không xảy ra. Nhưng rồi chàng không nghe vị chưởng giáo nói nữa. Giọng hát của bà P. thật là thần tiên; bà hát một điệu của Pergolèse (thái phi ưa những bản nhạc quá thời). Có tiếng động nhỏ ở cách Fabrice ba bước, lần đầu tiên trong buổi tối đó chàng quay nhìn lại; Nữ hầu tước Crescenzi ngồi ở chế ghế bành vừa làm cho sàn nhà động khẽ. Mắt Clélia đẫm lệ gặp ngay mắt của Fabrice cũng đầm đìa. Clélia cúi đầu Fabrice còn tiếp tục nhìn nàng mấy giây nữa; chàng làm quen với cái đầu tóc nặng trĩu kim cương đó, nhưng mắt chàng hằn vẻ căm giận và khinh bỉ. Rồi chàng thầm nhắc: Và mắt ta không bao giờ lại nhìn em nữa rồi quay trở về với cha chưởng giáo, chàng nói:
— Tôi lại thấy khó chịu với cái chứng ấy hơn bao giờ hết.
Quả vậy, Fabrice khóc ròng ròng trong hơn nửa tiếng đồng hồ. May thay, một bản nhạc giao hưởng của Mozart đánh rất tồi như thường lệ ở Ý đã giải cứu cho chàng và giúp chàng ráo lệ.
Fabrice cố giữ bình tĩnh không đưa mắt về phía nữ hầu tước nữa. Nhưng rồi P. lại hát và tâm hồn chàng nhẹ nhõm vì khóc được đã đạt tới một trạng thái yên tĩnh hoàn toàn. Thế là cuộc đời hiện ra dưới một ánh sáng mới. Chàng tự nhủ: “Ta tưởng có thể quên ngay được nàng sao? Đâu có thể như thế!” Chàng lần đến ý nghĩ: “Ta có thể nào khổ sở hơn thời gian hai tháng qua? Và nếu không gì có thể làm tăng nỗi khắc khoải của ta thì tại sao ta phải cưỡng lại cái thú được nhìn nàng? Người ta đã quên lời thề, người ta nhẹ dạ, chẳng phải tất cả phụ nữ đều như thế hay sao? Nhưng mà ai lại không thấy nàng đẹp như tiên sa? Nàng có cái nhìn làm ta ngây ngất, trong khi ta phải tự cưỡng bức để nhìn lướt qua những phụ nữ được coi là đẹp nhất! Vậy thì tại sao ta lại không để cho ta say sưa ngây ngất? Ít ra cũng đỡ khổ được giây lát chứ!”.
Fabrice có hiểu biết chút ít về người đời nhưng không có kinh nghiệm gì về tình yêu! Nếu hiểu biết tình yêu, tất anh phải tự bảo rằng cái thú nhất thời mà anh tự cho phép đó sẽ làm cho những cố gắng trong hai tháng qua để quên Clélia trở nên vô ích.
Người thiếu phụ đáng thương ấy đi dự lễ chỉ vì chồng ép uổng; nàng muốn chỉ dự trong nửa tiếng đồng hồ rồi về, lấy cớ là kém sức khỏe, nhưng hầu tước nói cho đánh xe ra trong lúc nhiều xe khác đang tới là một việc làm quá thất cách, có thể bị coi là một cách phê phán gián tiếp cuộc lễ của thái phi.
— Với tư cách là một kỵ sĩ danh dự, hầu tước nói tiếp, tôi phải ở trong phòng khách chờ lệnh của thái phi để thi hành cho đến lúc mọi người đã về hết. Bây giờ có thể cần và lấy nữa chắc chắn sẽ cần sai báo bọn tôi tớ, chúng nó lơ đễnh lắm! Và phu nhân cam để cho một kỵ mã bình thường chiếm đoạt cái vinh dự đó chăng?
Clélia đành nhẫn nại, cho đến lúc đó, nàng chưa thấy Fabrice, nàng còn hy vọng là chàng không đến dự lễ này. Nhưng đến lúc sắp bắt đầu cuộc hòa tấu, bà thái phi cho phép các phụ nữ ngồi, thì Clélia, vốn luôn luôn chậm chạp trong những việc đó, để cho người ta giành hết những chỗ tốt bên cạnh bà thái phi và đành tìm một ghế bành ở tận cuối phòng, đúng ở cái xó mà Fabrice lẩn trốn. Đến đó, y phục của vị chưởng giáo dòng tu ở Catanzara rất lạ mắt ở nơi lễ lạt này khiến nàng để ý; thoạt đầu nàng không trông thấy cái người mảnh khảnh chỉ mặc chiếc áo đen giản dị đang nói chuyện với ông ta; nhưng rồi có một linh tính nào báo cho nàng để mắt đến người ấy. Ai ở đây cũng mặc võ phục hoặc áo đen đơn sơ ấy là ai nhỉ? Nàng đang chăm chú nhìn thì một bà khách đến kiếm chỗ ngồi chạm phải ghế nàng, Fabrice ngoảnh lại; nàng không nhận ra chàng vì chàng thay đổi nhiều quá. Lúc đầu, nàng tự nhủ: “Đây là một người nào giống Fabrice, có lẽ anh của chàng chăng, nhưng anh chàng ta tưởng chỉ hơn chàng vài tuổi thôi chứ còn người này phải đến bốn mươi”. Đột nhiên miệng chàng động đậy và nàng nhận ra.
“Khổ thân chàng! Chàng đã buồn khổ bao nhiêu!”. Clélia tự nhủ như vậy và nàng cúi đầu vì thương cảm, chứ không phải để thực hiện lời nguyền. Lòng nàng thắt lại vì thương xót: “Chàng đâu có cái dáng ấy sau chín tháng ở tù!”. Nàng không nhìn chàng nữa. Tuy không đưa mắt về phía chàng, nhưng chàng cử động thế nào, nàng vẫn nhìn thấy hết.
Sau buổi hòa tấu, nàng thấy chàng đi lại gần bàn bài của hoàng thân, đặt cách ngài chỉ mấy bước. Fabrice đi ra xa nàng như thế, nàng mới thấy khỏi nghẹt thở.
Tuy nhiên hầu tước Crescenzi thấy vợ bị đẩy ra xa ngai bà thái phí thì ấm ức lắm. Suốt buổi tối, ông lo thuyết phục một bà lớn đổi ghế cho nữ hầu tước, ghế của bà lớn này chỉ cách bà thái phi có ba ghế, và ông chồng bà ta có mắc nợ hầu tước. Người đàn bà tội nghiệp ấy không chịu, lẽ tự nhiên, hầu tước đi tìm ông chồng là con nợ của mình, ông chồng nói cho bà vợ nghe lọt tai tiếng nói thảm hại của lẽ phải và cuối cùng hầu tước được thỏa mãn trong việc đổi chác. Ông đi tìm vợ ông.
— Phu nhân sao cứ luôn luôn quá khiêm tốn như thế? Ông nói. Sao cứ cúi mặt mà đi như thế? Người ta sẽ lầm phu nhân với một mụ tư sản nào đó, một trong những mụ tư sản lấy làm kinh ngạc được đến đây và người ta cũng ngạc nhiên trông thấy ở đây. Bà tổng quản lý ngông cuồng này thì cứ hay chơi những trò như thế đấy! Thế mà, người ta lại bàn phải hãm sự phát triển của chủ nghĩa Jacobins lại! Phu nhân hãy nhớ lại chồng phu nhân chiếm địa vị cao nhất trong hàng nam giới ở triều đình thái phi; vì dù bọn cộng hòa làm cách nào mà hủy bỏ được triều đình, hủy bỏ cả giới quí tộc đi chăng nữa, thì chồng bà lớn cũng còn là người giàu có nhất trong quốc gia này. Đó là một ý niệm mà phu nhân chưa thấm vào đầu óc.
Chiếc ghế bành mà hầu tước sung sướng đặt bà vợ vào cách bàn bài của hoàng thân có sáu bước. Clélia chỉ nhìn thấy Fabrice ở dáng nghiêng, nhưng vẫn thấy chàng gầy quá, nhất là chàng có vẻ ở trên mọi việc xảy ra trong đời này, trong khi ngày xưa chàng không bỏ qua một sự biến nào mà không có ý kiến; rốt cuộc nàng đã đi đến kết luận ghê gớm này: Fabrice đã thay đổi hoàn toàn, chàng đã quên nàng, chàng gầy như vậy là vì đã chay tịnh một cách nghiêm khắc bởi ngoan đạo. Sự tin tưởng ấy càng được củng cố khi nàng nghe lỏm lời của tất cả những kẻ ngồi gần mình; tên vị phó chủ giáo ở trong miệng mọi người; người ta tìm nguyên nhân cái ân huệ đặc biệt mà ông ta được ban; ông ta ít tuổi như thế mà đã được mời chơi bài với hoàng thân! Người ta khâm phục vẻ hờ hững lịch sự của ông và dáng cao đạo trong cử chỉ đánh con bài xuống, cả những khi cất bài của hoàng thân.
— Điều này thật quá sức tưởng tượng! Một số ông quan già kêu lên. n sủng của bà cô làm ông cháu choáng váng… nhưng ơn trời, tình trạng này sẽ không kéo dài đâu! Nhà vua không ưa, người ta có vẻ cao đạo như thế. Nữ công tước đi lại gần hoàng thân. Bọn triều thần đứng ở một quãng cách kính cẩn chỉ có thể nghe họa hoằn một vài tiếng trong cuộc đối thoại của hoàng thân, để ý thấy Fabrice đỏ mặt. Họ bảo với nhau: “Chắc là bà cô lên lớp ông cháu về cái dáng điệu kiêu kỳ phớt tỉnh của ông ta”.
Fabrice vừa nghe giọng nói Clélia, bà thái phi đi một vòng qua đám hội vũ đã dừng lại và hỏi han bà vợ người kỵ sĩ danh dự của mình, và Clélia trả lời. Đến lúc Fabrice phải đổi chỗ ở bàn bài thì chàng đứng đúng ngay trước mặt Clélia. Chàng ngắm nàng thoải mái và lấy làm sung sướng. Bà hầu tước tội nghiệp thấy chàng ngắm mình đâm ra mất hẳn tự chủ. Nhiều lúc nàng quên lời thề, muốn biết lòng dạ Fabrice thế nào, nàng nhìn chàng đăm đăm.
Cuộc chơi bài của hoàng thân chấm dứt, các bà lớn đứng lên để qua phòng ăn. Trong lúc có ít nhiều lộn xộn, Fabrice tình cờ đứng một bên Clélia. Chàng hãy còn rất cương quyết. Nhưng chàng vừa nhận ra mùi nước hoa thoảng nhẹ nàng quên ướp áo; cái cảm giác ấy lật nhào hết những điều chàng dự định. Chàng lại gần nàng và như tự nói với mình, đọc hai câu thơ của Pétrarque, mà chàng đã từ hồ Majeur gửi đến cho nàng, in trên một chiếc khăn tay lụa: “Hạnh phúc ta không gì lớn bằng khi kẻ tục cho là ta khổ sở, nhưng đến bây giờ thì số phận ta đã thay đổi biết bao nhiêu!”.
”Không, chàng không quên ta, Clélia sung sướng tự nhủ. Tâm hồn đẹp đẽ ấy không phụ tình phụ nghĩa đâu!"
“Hỡi đôi mắt đẹp đã dạy ta yêu.
Không, các người sẽ không thấy ta thay lòng đổi dạ."
Clélia dám tự nhắc với mình hai câu thơ đó của Pétrarque.
Sau bữa ăn, bà thái phi lui ngay. Hoàng thân tiễn mẹ đến tận buồng rồi không trở về phòng khách nữa. Khi nghe tin ấy, mọi người đều muốn ra về cùng một lúc. Trật tự mất hẳn ở các phòng chờ. Clélia đứng cạnh Fabrice. vẻ thiểu não trên mặt chàng khiến nàng thương hại; nàng nói:
— Chúng ta phải quên dĩ vãng đi và chàng hãy giữ vật này làm kỷ niệm cái tình bạn của chúng ta.
Nàng vừa nói mấy lời ấy, vừa đặt chiếc quạt của nàng ở chỗ chàng có thể lấy được.
Mọi vật biến đổi trước con mắt Fabrice, trong một thoáng, chàng đã trở nên một người khác. Ngay hôm sau, chàng tuyên bố thời hạn tĩnh cư của chàng đã chấm dứt và chàng trở về cái phòng lộng lẫy trong lâu đài Sanseverina. Đức tổng giám mục nói và cũng tin là ân huệ mà quận vương đã ban qua việc cho chàng hầu bài đã làm cho vị tân thánh đó hoàn toàn loạn óc. Nữ công tước thấy chàng và Clélia đã hòa hợp. Cái tư tưởng ấy hùn vào làm cho tai họa của phu nhân nghiêm trọng thêm, đó là cái họa phải nhớ tới một lời thề tai hại. Hai việc buồn khổ, chồng lên nhau xui bà quyết định từ giã triều đình một thời gian. Người ta khâm phục việc làm ngông cuồng của bà. Thế nào! Rời bỏ triều đình trong lúc được hưởng ân sủng không bờ bến như vậy ư? Bá tước hoàn toàn sung sướng từ khi thấy Fabrice và nữ công tước không yêu nhau, nói với người bạn gái:
— Ngài quận vương mới này là hiện thân của đạo đức, nhưng anh trót bảo: Chú bé con này, không biết rồi ra ông ta có tha thứ cho anh hay không? Anh chỉ thấy có một cách hòa giải tốt với ông mà thôi, là vắng mặt. Anh sắp chiều chuông ông và cung kính với ông hết sức, sau đó anh sẽ ốm và xin nghỉ việc. Em cho phép anh nhé, vì sự nghiệp của Fabrice đã bảo đảm. Nhưng em có đành làm sự hy sinh lớn lao này vì anh hay không, bá tước cười và nói tiếp, - là đổi cái danh hiệu nữ công tước tuyệt vời lấy một danh hiệu thấp hơn nhiều. Để đùa nghịch một tí chơi, anh sẽ để công vụ lại rối bời như một mớ bòng bong. Anh có bốn năm tay làm việc cừ trong các bộ của anh, anh đã cho họ về và hưởng trợ cấp từ hai tháng nay vì đọc báo Pháp. Anh đã thay thế bằng những tên bất tài khó tưởng tượng nổi.
Sau khi chúng ta đi rồi, hoàng thân sẽ lâm vào cảnh lúng túng ghê gớm, đến nỗi dù rất tởm tính cách Rassi, ông ta cũng buộc phải gọi nó về, và anh, anh chỉ đợi lệnh vị bạo chúa nắm vận mệnh của anh để viết một bức thư thắm tình bạn hữu cho ông bạn Rassi của anh, nói là anh có đủ lý do để hy vọng rằng không bao lâu nữa, người ta sẽ biết trọng dụng tài năng của ông ta.
Tu Viện Thành Parme Tu Viện Thành Parme - Stendhal Tu Viện Thành Parme