Phần II - Tiểu Thuyết - Ngày Mới - Phần Thứ Nhất - Chương 1
rường bước từng bước nhẹ nhàng trên hè phố, ngước mắt nghịch nhìn ngôi sao Hôm cùng theo chàng đi lấp vào sau các lá cây, các vì sao lấp lánh như cùng một điệu. Trường thấy tâm hồn mình cũng cùng một điệu vui vẻ như thế, và vòm trời ngàn sao, với những cơn gió mát thoảng đến đối với Trường như hòa hợp, thân mật lắm.
Cái vui của Trường chỉ là một cái vui rất giản dị. Hai ngày trước, chàng vừa thi đỗ bằng thành chung một cách không ngờ. Khi nhận thấy tên mình trên bảng, Trường hồi hộp cảm động. Tuy chàng coi sự thi đỗ là việc thường, và thấy người ta chú trọng đến cuộc thi một cách thái quá, chàng sinh ra khinh bỉ cuộc thi, vậy mà giờ Trường vẫn còn thấy người nhẹ nhõm và khoan khoái. Chàng muốn đi thật mau lên để chóng về tới nhà.
Qua một phố, Trường thấy đông đúc và ồn ào quá. Vì nóng nực, nên mọi người đều bắc ghế hay trải chiếu nằm ngổn ngang cả trên hè. Trẻ con chạy nhảy nô đùa, và các hàng quà cất tiếng rao lanh lảnh.
Trường phải đi chậm lại, vì rìa đường người ta gánh nước rỏ ướt như tưới. Nhìn vào các căn nhà, Trường thấy tối tăm và có hơi nóng nặng nề đưa ra; thỉnh thoảng, một nhà mới có ngọn đèn còn leo lét. Chàng cảm thấy cái sống eo hẹp của những người phố ấy, cái nghèo hèn của họ.
Sự liên tưởng nhắc Trường nghĩ đến căn nhà mình ở, cũng nhỏ hẹp và nóng như thế. Nhà chàng từ quê dọn lên trên này được ba năm. Dọn được nhà lên tỉnh là nhờ hồi đó Xuân, anh cả chàng cũng đỗ bằng thành chung như chàng bây giờ, và được bổ đi làm việc nhà nước. Mẹ chàng bèn thu xếp lại ngôi hàng xén ở chợ quê, rồi đem cả gia đình lên thuê một căn nhỏ ở Ngõ huyện chỗ chàng ở bây giờ.
Một lần nữa, Trường thấy rõ rệt sự thi đỗ của chàng sẽ có một kết quả tốt cho cái đời sống chung của gia đình chàng. Đó là cái hy vọng độc nhất của những nhà nghèo như nhà chàng để bước lên được một địa vị cao hơn. Mẹ chàng đã để vào đấy bao nhiêu điều mong ước! Lúc chàng nộp giấy má để thi, mẹ chàng không ngần ngại mở cái tráp con lấy ra năm tờ giấy bạc mới nguyên đưa cho; sự tin cậy ấy Trường thấy ân cần và thấm thía, bởi vì vốn nghèo chàng đã hiểu biết giá trị của đồng tiền.
Trường bước đi, nghĩ ngợi, về đến đầu phố nhà lúc nào không biết. Bóng tối của căn nhà nhỏ bao bọc lấy chàng. Trường rảo bước mau. Gần đến nhà, chàng thấy trên hè, những người ở bên cạnh bắc ghế ngồi hóng mát. Tiếng nói chuyện vụi vẻ: chàng nhận ra lẫn trong đó có tiếng nói trong trẻo và dịu dàng của một người con gái.
Đẩy cửa bước vào nhà, Trường thấy đèn thắp sáng hơn mọi ngày thường. Biết là có khách đến chơi, Trường ngập ngừng toan quay ra; nhưng em gái chàng đã vui vẻ chạy ra hỏi:
- Anh đi chơi đâu mà bây giờ mới về? Bác Hai đến đợi anh mãi.
- Bác đến tự bao giờ?
- Đến đã lâu rồi. Bác ăn cơm ở đây, giờ đang nói chuyện với mẹ trong kia.
Trường treo mũ trên mắc, theo em đi vào buồng trong. Vừa thấy con, mẹ Trường âu yếm bảo:
- Con đi đâu không về ăn cơm. Cả nhà đợi mãi, vừa mới ăn xong thôi, (và quay lại phía con gái) Lan dọn cơm cho anh con ăn đi.
Bà Hai nhìn Trường, cất tiếng nói to: “Đây, có lê táo tôi mang đến mừng cậu cử mới đấy”. Một dịp cười khanh khách để lộ hai hàm răng đen của bà và làm răn cái mặt hồng hào phinh phính.
- Xin cảm ơn bác, bác lại còn cho...
Trường vừa lúng túng nói vừa nhìn bà Hai một cách vui vẻ.
Chàng ngồi xuống ghế, vô tình với tay mân mê quyển sách để trên bàn; những quyển sách không bìa, góc giấy đã cong, chằng chịt những chữ và nét mực. Bao nhiêu đêm thức khó nhọc để làm việc!
Bà Hai săn sóc hỏi:
- Hết hè, cậu Trường mới xin vào học chứ.
- Thưa bác, học đâu cơ ạ?
- Vào cao đẳng chứ còn đâu nữa.
- À, vâng. Nhưng cũng còn lâu.
Trường vừa trả lời vừa mơ màng nghĩ ngợi: “Với lại cháu cũng chưa định xin vào ban nào”.
- Tôi tưởng chỉ có một cao đẳng thôi.
Bà Hai quay về phía mẹ Trường: “Cậu Tuyết đỗ tham biện cũng ở cao đẳng ra đấy bà ạ”.
Trường đáp:
- Vâng, ông ấy học trường luật. Còn nhiều trường nữa, như trường sư phạm, trường thuốc, trường lục lộ, canh nông.
Tự nhiên chàng nói thêm:
- Có lẽ cháu xin học vào canh nông. Để về làm ruộng.
Bà Hai khanh khách cười, vì bà cho cậu nói đùa không quan hệ. Có lẽ bà, cũng không hiểu trường canh nông là gì. Đối với bà chỉ có trường học thi đỗ ra làm quan biện mà thôi.
Trường ngẫm nghĩ: chính chàng cũng chưa biết hết hè sẽ làm gì. Xin đi làm hay lo vào cao đẳng học nữa? Trường lấy làm lạ thấy đối với một vấn đề quan hệ tới tương lai của đời chàng như thế, mà chàng không thiết tha lắm. Thật ra, từ lúc nhỏ bắt đầu đi học cho đến bây giờ, chàng chưa bao giờ thấy sự học biết là thích. Chỉ có những cái thỏa mãn cỏn con của lòng tự ái: đứng đầu lớp, được giải thưởng, lời thầy bạn khen hay một lời cảm phục thốt ra miệng những bạn học về một bài luận. Còn ngoài ra, Trường thấy đi học cũng như làm một việc gì, chàng học bởi vì chung quanh chàng người ta cũng học. Tuy nhà chàng nghèo, và chàng vẫn nghe thấy các kha mẹ khuyên con cố học để sau đi làm lấy tiền, chàng cũng không biết cái liên lạc gì trong việc và tiền bạc cả.
Khi chàng còn nhỏ ở nhà quê, ông cậu họ ngoại của chàng thi đỗ về mở tiệc ăn khao linh đình, mời cả hàng huyện. Trường đứng dựa một bên cột nhà nghe những lời chúc tụng, nhìn vẻ mặt hân hoan sung sướng của bà cụ “cố” lấy làm lạ lùng lắm. Nhưng khi nhìn đến mẹ chàng cũng được mời sang ăn cỗ, thấy mẹ ngồi trầm ngâm có vẻ khác, Trường tuy bé cũng cảm thấy có một cái gì mà chàng không nhận biết được sự quan trọng của nó.
Thấy Trường nghĩ ngợi, bà Hai nhìn chàng có vẻ âu yếm và kính phục. Bà quay phía mẹ Trường, khẽ nói:
- Cậu ấy bây giờ xanh và gầy nhỉ. Tôi có mấy lạng cao của bà Cửu để lại, tốt lắm. Để mai tôi cho nó mang lại cậu ấy dùng nhé.
Bà lại lộ vẻ lo lắng:
- Bà phải cho cậu ấy tẩm bổ luôn mới được. Học mãi nó rạc người ra. Như cậu gì con bà huyện Thanh ấy, về sau ho lao mà chết đấy.
Trường nghe nói buồn cười. Mẹ Trường cũng cười, và hơi có vẻ kiêu, đáp:
- Cậu nó nhà tôi thì chả bao giờ ho lao vì học cả, vì có học mấy đâu? Hễ tôi có khuyên bảo thì nó lại nói chẳng cần học cũng thi đỗ.
Bà cụ cười, tiếp thêm:
- Ấy bà tính con nhà rắn đầu rắn cổ thế đấy.
Cả hai bà lại cùng nhau cười vang giòn như tiếng nhạc. Mẹ Trường giở gói lê, táo, từ nãy vẫn để nguyên, lấy dao gọt vỏ:
- Thứ này bây giờ cũng đến năm, sáu hào một cân, nhỉ bà nhỉ?
Bà Hai trả lời dung dị, ra vẻ không quan tâm đến:
- Tôi cũng chẳng biết nữa. Ấy, cháu ở nhà nó mua đấy. (Rồi bà nhìn cân lê, táo, gật gù cái đầu). Dễ cũng như thế. Bây giờ cuối kỳ tầu nên hoa quả đắt lắm.
Bà quay gọi Lan:
- Này chị mang ra cho anh ấy ăn, - và chọn đĩa ngon nhất đưa cho.
Trông thấy đĩa lê, táo, cắt từng miếng xinh xắn và gọn ghẽ, Trường tưởng đến những ngón tay búp măng của một thiếu nữ con nhà nề nếp xén gọt thức ăn mời khách. Chàng mỉm cười: người thiếu nữ mà chàng tưởng tượng đó chính là cô Hảo con gái bà Hai. Chàng có sẽ lấy cô Hảo không? Trường chưa bao giờ trả lời câu hỏi ấy và chàng cũng không muốn quyết định nữa.
Trường được nghe nói đến cô Hảo từ lâu lắm, hồi chàng còn nhỏ. Mẹ chàng và bà Hai là bạn thân, hai bạn lối cổ ngày xưa, nghĩa là không những hai bà chơi thân với nhau, cả đến chồng con và họ hàng cũng thành quen biết nhau nữa. Ai là người có ý và nói đến trước? Chỉ biết hai bà đã định với nhau là sẽ gả lẫn con. Anh Xuân thì nhiều tuổi; cho nên chàng rể của bà Hai định sẽ là Trường.
Mẹ chàng đã nhiều lần nói chuyện ấy với Trường, nhưng lần nào chàng cũng chỉ yên lặng nghe, không tỏ ý kiến gì cả. Vả lại, Trường có ý kiến gì mà tỏ bầy? Chàng chẳng hiểu việc nhân duyên ra sao: chưa bao giờ chàng nghĩ đến sự này. Cũng như những người trẻ tuổi khác, nếu có ai hỏi về sự lấy vợ, có lẽ chàng sẽ không biết trả lời đấy là một việc tốt hay xấu. Tuy vậy, khi còn ở nhà quê, Trường thường được xem những đám cưới mà cô dâu chú rể hãy còn bé con. Trường thấy mọi người có vẻ trân trọng về việc ấy như một việc rất quan trọng, chàng tự nhủ rằng đấy là công việc của người lớn mà chàng không hiểu được.
Chỉ có một sự chắc chắn: là bà Hai vì thế đối với Trường rất ân cần. Bà săn sóc đến sức khỏe, đến sự học của chàng, giúp đỡ chàng trong việc ăn học, và giúp đỡ cả mẹ chàng tiền để buôn bán nữa.
Trường lại nhìn bà Hai, quan sát nét mặt và dáng điệu của bà. Trường biết hôm nay, bà sung sướng và mãn nguyện lắm. Một cái vui chắc chắn và giản dị, vì tâm hồn bà cũng giản dị. Bà là một người đàn bà ở hạng trưởng giả, sống và nghĩ theo một vài khuôn khổ đã định sẵn, những khuôn khổ truyền nối mãi trong gia đình. Cho nên lúc nào bà cũng bình tĩnh thản nhiên, không có lúc nào nghĩ quanh quẩn.
Trường để mặc hai bà trò chuyện với nhau, bắc ghế ra ngoài hè ngồi. Trời lại nóng và oi ả hơn lúc trước. Một thân sấu cằn và khô héo đứng sững bên kia đường, cành lá im lặng như chờ đợi. Đây là tất cả cây cỏ xanh tươi mà chàng được nhìn ngắm từ khi đến ở căn phố chật hẹp này.
Những người ở bên cạnh đã vào cả trong nhà. Mấy cái ghế với một cái bàn mây nhỏ, trên bày bừa bãi khay và chén, hãy còn để ngoài. Một lát sau, Trường thấy một người thiếu nữ đi ra xếp dọn. Trong bóng tối, chàng đoán một khuôn mặt trái xoan, một thân hình nhỏ nhắn và yểu điệu. Thiếu nữ thu dọn rất nhanh chóng, rồi lễ mễ một mình khiêng bàn ghế vào. Trường vui mắt nhìn theo mãi.
Gió nhẹ bắt đầu hiu hắt, cùng với cái êm dịu của ban đêm; trời trong ban nãy không còn nữa. Mây kéo che kín cả, và ánh mấy ngôi sao lờ mờ như sắp tắt.
Lan trong nhà bước ra, đứng tựa bên ghế anh, nghiêng đầu một tay giữ mớ tóc, một tay vuốt cho chóng khô. Tóc của Lan rất dài và đẹp, nàng chăm chú đến luôn.
Trường hỏi em:
- Hai bà đã xong chuyện chưa? Không biết bao giờ mới được đi nghỉ.
Trường nghĩ phàn nàn cho mình vì căn nhà chật hẹp không có buồng riêng để nằm trong khi tiếp khách.
- Còn lâu anh ạ. Lan cúi đầu khẽ nói: “Em thấy hai bà đương bàn chuyện quan trọng lắm. Đố anh biết chuyện gì?” Rồi không để Trường kịp trả lời, Lan cười, tiếp: “Chuyện cô Hảo với anh đấy. Em thấy bác Hai rủ mẹ đi xem bói ở cầu Giấy”.
Trường cau mày nói:
- Bói với toán, chỉ vẽ nhảm. - Thực ra chàng khó chịu vì thấy bà Hai và mẹ chàng lại bàn đến chuyện ấy. Nhưng không muốn để em biết, chàng hỏi lảng:
- Anh Xuân đi đâu chưa về?
- Anh ấy bảo đi xem chớp ảnh. Em chả tin tí nào. Hôm nay thứ bảy, chắc anh ấy lại đi chơi suốt đêm chứ gì.
Hai anh em thoáng nhìn nhau, yên lặng. Đã mấy tháng nay, từ ngày chị cả giận chồng trở về quê thì Trường thấy anh hay đi chơi khuya luôn luôn. Anh Xuân trước khỏe mạnh, bây giờ thành ra bơ phờ, mắt sâu và có quầng đen. Trường nhớ lại những câu gắt gỏng của anh cả nói với mẹ, chàng có khi thấy mẹ ngồi một mình nghĩ ngợi, mắt đỏ lên như mới khóc. Trường biết mẹ buồn, nhưng không dám hỏi rõ việc gì. Chàng cũng không muốn nghĩ hơn về chuyện ấy nữa, và bảo em:
- Em Lan, em vào xem mẹ có sai gì không đi.
Lan vâng lời nhẹ nhàng đi vào. Trường nhìn em âu yếm.
Khi bà Hai về rồi. Trường vào trong nhà thay quần áo đi nghỉ.
Ngọn đèn dầu tây có chụp bằng lụa xanh mỏng đã để lên giữa bàn học, ánh đèn dìu dịu chiếu một khoảng sáng xuống mặt bàn, thân mật và êm đềm. Trường nhớ lại những đêm chàng thức khuya ngồi học, bên mẹ, anh và em Lan, cảnh gia đình đầm ấm dưới ánh đèn khuya như trong những truyện cổ của Tầu mà chàng được nghe đọc hồi còn nhỏ.
Trường muốn hưởng lại cái thú đơn sơ ấy. Chàng kéo ghế ngồi bên bàn. Mẹ chàng vừa thu dọn xong mặt giường bề bộn những xơ cau và vỏ gọt, đến trước tủ đứng xếp mấy quả lê, táo còn lại trên đĩa:
- Bà Hai thấy con đỗ mừng lắm đấy. Mai bà ấy lại không đi khoe hết mọi người cho mà xem.
Trường không trả lời, Lan đứng quạt màn cho anh, nói chen:
- Tính bác ấy vui chuyện mà hay nói. Nói chuyện với mẹ từ chiều đến giờ mà không biết mệt, con chịu.
Bà phán vui vẻ đến bàn ngồi trước mặt con. Trong vòng ánh sáng đèn, Trường thấy nét mặt mẹ hoan hỉ, hai con mắt long lanh vui sướng. Mẹ chàng hơi cúi mặt xuống xem quyển lịch, mái tóc điểm nhiều sợi trắng phía trên và hai bên thái dương. Những đường răn dài và đi sâu ngang trán, sát xuống lông mày, càng thêm rõ rệt.
Trường cảm động nhìn mẹ. Nét mặt lo nghĩ của mẹ, Trường đã quen lắm rồi. Đã nhiều lần, không biết bao nhiêu lần nữa, khi đi học về, thỉnh thoảng Trường thấy mẹ đang ngồi coi hàng tự nhiên yên hẳn người, mắt nhìn vào quãng không, và trán răn lại, đang suy nghĩ sự gì khó khăn và đau đớn lắm. Nỗi đau đớn mà Trường đoán trong những lúc đó làm chàng e sợ, lẳng lặng vào nhà cất sách và rón rén ra sân sau, không dám động mạnh.
Bây giờ chàng cũng ngồi yên lặng, Lan buông màn xong, dịu dàng đến bên mẹ, nhập vào vùng ánh sáng của ngọn đèn. Hai má nàng trơn tru và mái tóc dài mượt đen, trái ngược hẳn với nét mặt già nua của mẹ.
Trường cảm thấy cái đầm ấm của gia đình. Chàng muốn cái thời khắc ấy cứ lâu. Chàng nghĩ theo những con bọ xanh lá mạ bay vòng quanh đèn và nhảy trên giấy trắng, nói vu vơ:
- Ở đây cũng có những con này như ở nhà quê, Lan nhỉ.
- Không nhiều bằng, anh ạ. - Lan đưa tay tinh nghịch đuổi bắt một con.
- Ở nhà quê, khi anh với em ngồi học ngoài sân, nó bay đến bao nhiêu. Có kể hằng hà sa số.
Bà phán bỏ quyển lịch xuống, ngẩng lên nhìn hai con:
- Cả con muỗm này nữa. Ngày xưa, thầy không cho giết, cứ bảo có nó đến thì giầu.
Lan bật cười đáp:
- Thế mà nhà ta cũng chẳng thấy giầu đâu cả.
Bà cụ nghĩ ngợi không trả lời, rồi nói:
- Giá thầy còn thì hôm nay con thi đỗ thế nào cũng phải giết gà ăn mừng.
- Vâng!
Trường hơi lo thấy mẹ nhắc đến dĩ vãng. Chàng sợ cái vui sẽ mất. Lần nào cũng thế, hễ ngồi nói chuyện với mẹ, là Trường thấy mẹ nói đến những sự đã qua; hoặc than thở những chuyện trong gia đình. Thành ra tuy yêu mẹ, mà Trường ít khi dám nói chuyện một mình với mẹ đâu. Chàng trốn tránh những lúc đối diện ấy.
Nhưng lần này, bà phán không nói thêm nữa. Bà gấp quyển lịch, đứng dậy treo vào cái đinh trên tường, vươn vai rồi bảo con gái:
- Thôi đi ngủ đi con, - và bảo Trường: “Con cũng đi nghỉ thôi, khuya rồi”.
Lan cúi xuống dưới bàn khoa chân tìm guốc, rồi đứng dậy thắp cái đèn hoa kỳ nhỏ. Cử chỉ đã quen ấy khiến Trường trông thấy sinh buồn ngủ.
Chàng ra phòng ngoài, buông màn rồi trèo lên giường. Không bao giờ chàng đợi giấc ngủ tin cẩn như đêm nay.
Chàng khoan khoái duỗi mình trên nan tre giường kêu cót két, đẩy cái gối sát vào tường, rồi để tay lên ngực, nhắm mắt lại. Mơ màng chàng thấy hiện ra cái quang cảnh các thí sinh đợi xem bảng, dưới rặng xoan tây, hoa đỏ lẫn lá xanh bên đường lên Bưởi. Rồi nét mặt vui vẻ, thực thà của bà Hai, mớ tóc bạc của mẹ bên đèn, những hình ảnh ấy thoáng qua trước mắt.
Trường xoay mình cho đỡ mệt. Chàng thoáng nghe tiếng mẹ và em thì thào trong buồng trong, mơ thấy cô Hảo, con gái bà Hai, tới nằm bên cạnh chàng. Rồi Trường đắm đuối trong giấc ngủ say sưa của tuổi trẻ.
Thạch Lam Tuyển Tập Thạch Lam Tuyển Tập - Thạch Lam Thạch Lam Tuyển Tập