Chương 29 - Bích nô cô trở về với bà tiên. Bích nô cô sắp được thoát lốt người gỗ.
úc lão chài sắp ném nó vào chảo, thì một con chó to lớn đánh hơi dầu rán, chạy thẳng vào hang.
- Cút mau!
Lão chài hét một giọng dọa nạt, tay vẫn cầm Thằng người gỗ trắng toát.
Nhưng con chó đói quá, vừa sủa vừa ve vẩy đuôi và nói:
- Cho tôi một miếng cá rán rồi tôi không quấy rầy nữa đâu!
- Cút mau!
Lão chài lặp lại và đưa chân ra để cho nó một đá. Nhưng trong lúc đói, con chó không muốn ai gây sự với nó. Nó quay lại phía lão chài gầm gừ và đưa hàm răng nhọn ra. Và cũng trong lúc ấy, người ta nghe một tiếng nho nhỏ như hơi thở:
- Cứu tôi với A li đô! Nếu không cứu tôi thì tôi bị rán mất.
Con chó biết ngay giọng nói của Bích nô cô và nó hết sức ngạc nhiên nhận thấy cái tiếng nho nhỏ ấy đưa ra từ cái gói bột mà lão chài đang cầm trên tay.
Làm thế nào bây giờ? Nó nhảy lên đớp lấy và dùng hàm răng cẩn thận giữ lấy gói bột, thoát ra khỏi hang và chạy như tên bắn.
Tức giận con chó đã phỗng mất trên tay con cá mà lão đang thích nhấm, lão đuổi theo nó. Nhưng vừa được mấy bước thì lão bị ngay một cơn ho dữ dội khiến lão phải trở lui.
A li đô tìm được con đường vào trong làng, nó dừng lại, đặt Bích nô cô xuống đất.
Bích nô cô nói:
- Tôi cảm ân bác quá!
- A li đô tìm đáp:
- Ân với huệ gì? Chính bác đã cứu tôi. Ân trả, nghĩa đền. Trên đời này phải biết giúp đỡ lẫn nhau mới được.
- Nhưng làm thế nào bác lại chạy vào tận trong hang.
- Tôi đang nằm dài trên bãi cát như sắp chết thì một làn gió đưa mùi chiên xào đến. Mùi này khiến tôi thèm thuồng. Tôi mới tìm cho biết mùi ấy từ đâu mà lại. Nếu tôi chỉ đến chậm một phút…
- Thôi đừng nhắc lại chuyến ấy nữa, Bích nô cô còn giật mình kinh sợ. Nếu bác chỉ đến chậm một phút thì trong lúc này tôi đã bị rán vàng khè, bị ăn và tiêu hóa mất rồi còn đâu nữa! Chỉ nghĩ đến tôi cũng còn run.
A li đô cười, đưa chân mặt ra cho Bích nô cô bắt để tỏ tình bằng hữu rồi từ giã nhau.
Chó tìm đường về nhà, còn Bích nô cô một mình đi đến một cái nhà gần đấy, hỏi một ông cụ già đang sưởi nắng trước cửa.
- Cụ ơi! Cụ có biết tin gì về đứa bé bị thương trên đầu và tên là Âu Diên không?
- Mấy người thuyền chài đã đem nó vào cái nhà này, nhưng bây giờ thì …
Với một giọng đầy đau thương, Bích nô cô ngắt lời của ông cụ:
- Bây giờ nó chết rồi sao??
- Không. Nó còn sống và trở về nhà nó rồi.
- Thật à? Bích nô cô nhảy nhót mừng rỡ. Vết thương của nó không đến nỗi nặng à?
- Nặng lắm chứ! Có thể chết được đấy! Vì nó bị ném vào đầu một quyển sách đóng bằng da.
- Ai ném nó thế?
- Bạn học của nó, thằng Bích cô nô nào đấy!
- Bích nô cô là đứa nào thế? Thằng người gỗ giả vờ không biết.
- Nghe nói nó là một thằng bé hung tợn, một thằng ma cà bông, một thằng khốn nạn.
- Vu khống! Đó là những điều họ vu oan cho nó đấy!
- Thế cháu cũng biết Bích nô cô à?
- Biết sơ thôi.
Cụ già lại hỏi:
- Thế cháu có biết thằng Bích nô cô ấy là đứa bé thế nào không?
- Nó là một đứa bé tốt cụ ạ. Nó siêng năng, biết vâng lời, yêu mến bố và gia đình nó.
Khi Thằng người gỗ nói láo một cách trắng trợn như thế và không biết hổ thẹn thì bỗng cái mũi nó dài ra một tấc. Nó sợ hãi vội la lớn:
- Những điều cháu vừa nói về thằng bé ấy không đúng tí nào cả, cụ đừng tin. Cháu biết nó lắm. Nó là một thằng kỳ cục, lười biếng, không biết vâng lời người trên. Đáng lẽ đi đến trường thì nó theo chúng bạn để lêu lổng.
Nói xong những lời này thì mũi nó tự nhiên ngắn lại và thu nhỏ lại như bình thường.
Bỗng nhiên ông lão hỏi:
- Sao thân thể trò lại trắng cả như thế?
- Vì vô ý cháu chạm vào một bức tường mới quét vôi. Nó thẹn quá không dám thuật lại câu chuyện bị lăn bột như một con cá để bỏ vào chiên trong một cái chảo.
- Thế thì quần áo và mũ của cháu đâu?
- Cháu gặp bọn cướp bóc lột mất cả. Nếu cụ! Cụ có thể cho cháu một cái áo bành tô cũ để cháu mặc về nhà được không?
- Tội nghiệp cho cháu chưa! Lão chỉ còn có cái bao đựng đậu nho nhỏ. Nếu cháu muốn thì cứ việc lấy đi! Đấy! Lão cho cháu đấy!
- Bích nô cô không đợi phải mời đến lần thứ hai, nó chộp ngay lấy cái bao không, dùng kéo khoét một lỗ ở phía dưới và hai lỗ bên, đoạn mặc vào như một cái áo sơ mi.
Mặc một cách giản dị như thế, nó chạy về làng. Trong lúc đi đường nó không yên dạ, khốn tới, khốn lui. Nó tự nhủ:
- Làm thế nào mà nhìn mặt mẹ ta bây giờ. Trông thấy ta, mẹ ta sẽ bảo sao? Mẹ ta có tha thứ việc trốn học vừa rồi không? Mẹ ta không tha thứ đâu! Mà cũng đáng đời lắm! Vì ta là một đứa gian ác bao giờ cũng thề thốt là sẽ sửa mình mà rốt cục không bao giờ giữ lời hứa cả.
Nó vào làng thì trời đã tối. Vì về tiết mưa nên nó lội bì bõm, nước lên đến mắt cá …
Nó định đi thẳng đến nhà bà tiên, gõ cửa để vào, nhưng lúc đến nơi, nó thấy không đủ can đảm nữa. Nó đâm đầu chạy hơn vài mươi bước. Rồi nó trở lại trước cửa nhưng vẫn còn do dự. Qua lần thứ ba rồi đến lần thứ tư nó mới dám đưa tay ra, run run gõ vào cửa một tiếng nho nhỏ.
Nó đợi rất lâu, Nửa giờ sau, cánh cửa tầng lầu từ từ mở. Tầng này là tầng cao nhất. Bích nô cô thấy một con Ốc Sên, đội trên đầu một ngọn đèn sáng, đi ra cửa sổ. Nó hỏi vọng xuống Bích nô cô:
- Ai lại đến trong giờ này thế?
Bích nô cô hỏi:
- Bà tiên có ở nhà không?
- Bà đang ngủ và không muốn một ai đánh thức cả. Nhưng ngươi là ai?
- Chính tôi …
- Tôi là ai?
- Bích nô cô.
- Ai? Bích nô cô?
- Thằng người gỗ ở trong nhà bà Tiên ấy mà!
- Tôi biết rồi! Ốc Sên đáp. Đợi dưới một chốc, tôi xuống mở cửa cho!
- Lạnh quá! Nhanh lên không thì tôi chết rét mất.
- Ông bạn này! Tôi là một con Ốc sên. Mà đã là Ốc sên thì có biết gì là gấp.
Một giờ qua, hai giờ qua, cửa cũng vẫn không mở.
Bích nô cô đã run vì sợ, lại run vì rét. Nước chảy dài trên lưng nó. Nó đem hết can đãm gõ cửa một lần nữa, và mạnh hơn lần trước. Lần này cửa sổ tầng thứ ba mở và Ốc Sên lại xuất hiện.
Bích nô cô từ dưới đường gọi vọng lên:
- Tôi đợi đã hằng giờ rồi.Trong một đêm như đêm nay, hai giờ cũng dài bằng hai năm. Chị làm phúc nhanh lên cho một chút.
Con vật kỳ diệu có tài kiên nhẫn và trầm tĩnh trả lời với Thằng người gỗ:
- Này ông bạn trẻ ơi! Ta là một con Ốc Sên. Mà đã là Ốc Sên thì còn biết gì mà gấp.
Cửa sổ lại đóng sầm lại.
Chẳng bao lâu đã nửa đêm, rồi thì một giờ, hai giờ sáng. Cửa vẫn đóng.
Bích nô cô mất hết kiên nhẫn, nổi giận cầm lấy thanh sắt trên cửa đánh mạnh vào cửa làm rung động cả nhà. Nhưng thanh sắt bỗng biến thành con lươn thoát khỏi tay nó bò lần xuống rãnh nước biến mất.
Bích nô cô càng nổi giận hơn:
- À, không có thanh sắt thì ta lại lấy chân để tống vào cửa!
Nó bước lùi lại đằng sau, nhảy sổ đến đạp vào cửa một cái rất hùng dũng.
Gỗ ở cửa thì mềm, mà nó đạp thì mạnh nên chân đâm thấu qua cửa đến một nửa, không thể nào rút ra được nữa. Chân nó đã mất hẳn vào cửa như đinh đóng.
Hãy tưởng tượng nỗi khổ của Bích nô cô trong cảnh nguy khốn ấy! Nửa đêm về sáng, nó vẫn phải chịu một chân dưới đất, một chân trên trời như vậy.
Qua ngày mai, trong lúc rạng trời, thì cửa mở. Ra chị Ốc Sên này chỉ mất có chín tiếng đồng hồ để đi từ tầng lầu thứ tư xuống cửa lớn ăn thông ra đường cái. Và có cần phải nói thêm rằng như thế mà chị ta lại còn phải toát mồ hôi nữa không?
Ốc Sên cười nói:
- Chú mày làm gì lại thọc chân vào cửa như thế?
- Thật là một tai nạn cho tôi. Chị Ốc Sên ơi! Chị hãy xem thử có cách nào giải thoát cho tôi được không?
- Chú bé ơi! Phải có một người thợ mộc mới được, mà tôi thì không bao giờ làm thợ mộc cả.
- Chị kêu cầu cứu với bà Tiên giúp tôi với!
- Bà Tiên đang ngủ và không muốn ai đánh thức cả.
- Thế thì chị bảo tôi phải làm gì bây giờ? Chân tôi thì như bị đóng đinh vào cửa rồi.
- Thì chú bé cứ việc đếm bầy kiến đang bò giữa đường mà chơi!
- Chị cho tôi thứ gì để ăn không tôi chết đói mất!
- Được! Có ngay bây giờ!
Nhưng mãi ba giờ đồng hồ sau. Bích nô cô mới thấy chị ta trở lại, đội một cái mâm bằng bạc trên đầu. Trong mâm một ổ bánh, một con gà quay và mấy quả mơ chín.
Ốc Sên:
- Đây là bữa ăn sáng mà bà Tiên bảo tôi đem cho chú mày đó.
Trong thấy các thứ tuyệt phẩm này, Bích nô cô trong lòng được an ủi nhiều lắm. Nhưng nó xíu ngay vì lúc ăn vào miệng nó mới nhận thấy bánh làm bằng thạch cao, bà làm bằng một thứ bìa cứng, còn quả mơ là một thứ đá tô điểm giống hệt như thật.
Nó muốn la khóc, muốn chìm đắm trong thất vọng, ném thật xa cái khay và các thức ăn, nhưng sức cùng lực kiệt khiến nó bất tỉnh.
Lúc hoàn hồn, nó thấy mình đang nằm trên một cái ghế tràng kỷ và bà Tiên ngồi bên cạnh. Bà Tiên nói với nó:
- Mẹ tha lỗi cho con một lần nữa. Nhưng nếu con còn phạm tội thì con hãy coi chừng.
Bích nô cô hứa từ rày về sau nó quyết chí học hành và luôn luôn giữ gìn hạnh kiểm. Và nó đã giữ trọn lời hứa cho đến hết năm.
Nhờ thế, kỳ thi thất niên nó đã được hân hạnh đứng dầu cả trường và hạnh kiểm của nó được xem là hoàn toàn, nên bà Tiên sung sướng nói:
- Ngày mai đây, những điều ước nguyện lớn lao của con sẽ đạt được.
- Thế nghĩa là sao hở mẹ?
- Nghĩa là ngày mai, con sẽ thoát khỏi lốt người gỗ mà trở thành một đứa bé khôn ngoan.
Ai không trông thấy nỗi vui mừng của Bích nô cô trong lúc nghe tin ấy, thì thật không sao tưởng tượng ra được.
Các bạn thân và các bạn đọc của nó qua ngày hôm sau đều được méơi đến dự tiệc trong nhà bà Tiên để mừng ngày đại khánh ấy.
Bà Tiên bảo sắp đặt sẵn hai trăm cốc cà phê sữa, bốn trăm cái bánh phết đầy bơ.
Ngày lễ mừng ấy hẳn là đẹp đẽ và vui vẻ lắm, nhưng …
Khổ thay! Trong cuộc đời của Thằng người gỗ có cái chữ “nhưng” làm hư hại tất cả.
Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio - Carlo Collodi Những Cuộc Phiêu Lưu Của Pinocchio