Chương 28
ời kể của Colin Lamb
Tôi tới Crowdean lúc mười một giờ đêm, năm ngày sau đó. Tôi đi đến khách sạn Clarendon, lấy một phòng rồi lên giường. Đêm hôm trước tôi bị mệt nên ngủ quá giấc. Tôi tỉnh dậy lúc mười giờ kém mười lăm.
Tôi nhờ người đi mua cà phê, bánh mì nướng và một tờ nhật báo. Nó được đem tới và kèm theo là một mẩu giấy vuông khổ rộng đề gửi cho tôi bằng những chữ viết tay ở góc trên bên trái.
Tôi xem xét nó, có ngạc nhiên đôi chút. Thật bất ngờ. Tờ báo dày và đắt tiền, tiêu đề bên trên được in rất sắc nét.
Sau khi lật lui lật tới và đùa vui với nó, cuối cùng tôi mở ra xem.
Bên trong có một tờ giấy. Được in bằng chữ lớn những dòng sau đây:
KHÁCH SẠN CURLEW
11:30 Phòng 413
Gõ cửa ba tiếng
Tôi nhìn chằm chặp, lật lui lật tới trong tay mình — tất cả vụ này là gì đây?
Tôi để ý phòng số 413 — cũng như những chiếc đồng hồ. Một trùng hợp ngẫu nhiên? Hay là không phải?
Tôi đã nghĩ tới việc gọi điện thoại cho khách sạn Curlew. Rồi định gọi cho Dick Hardcastle. Tôi đã không làm cả hai việc ấy.
Tôi đã hết lừ đừ. Tôi ngồi dậy, cạo râu, tắm rửa, thay đồ rồi cuốc bộ theo con đường trước mặt tới tận khách sạn Curlew và đến đó đúng giờ hẹn.
Thời tiết mùa hè lúc bấy giờ khá tốt. Không có nhiều người bên trong khách sạn.
Tôi chẳng hỏi han gì ở quầy tiếp tân. Tôi đi thang máy lên tầng bốn rồi bước dọc theo hành lang tới phòng số 413.
Tôi đứng đó một lúc rồi cảm thấy mình hoàn toàn là một thằng ngu ngơ ngốc nghếch, tôi gõ ba cái…
Có một giọng nói: “Vào đi!”
Tôi vặn tay nắm, cửa không khóa. Tôi bước vào bên trong và đứng sững như trời trồng.
Tôi đang nhìn thấy người cuối cùng trên đời mà tôi mong được gặp.
Hercule Poirot ngồi đối diện với tôi. Vẻ mặt ông tươi cười.
“Une petite surprise, n’est-ce pas?” ông nói. “Nhưng là một sự ngạc nhiên vui thích, tôi hy vọng thế.”
“Poirot, bác thật là cáo già,” tôi la lên. “Bác đã tới đây bằng cách nào?”
“Tôi đi một chiếc limousine hiệu Daimler đến đây — cực kỳ thoải mái.”
“Nhưng bác đang làm gì ở đây?”
“Chuyện hết sức bực mình. Họ cứ nằng nặc, nằng nặc yêu cầu trang trí lại căn hộ của tôi. Thử hình dung tôi khó khăn thế nào! Tôi làm gì được chứ? Có thể đi đâu?”
“Rất nhiều nơi,” tôi lạnh lùng đáp lại.
“Có thể là thế, nhưng bác sĩ của tôi gợi ý không khí vùng biển rất tốt cho tôi.”
“Một trong những bác sĩ sốt sắng ấy phát hiện bệnh nhân của mình muốn đi đâu và khuyên ông ta tới đó! Có phải bác đã gửi cho cháu cái này không?” tôi vung vẩy lá thư đã nhận được.
“Còn ai vào đây nữa chứ?”
“Bác thuê phòng số 413 có phải là trùng hợp ngẫu nhiên không vậy?”
“Không hề trùng hợp. Tôi chủ động yêu cầu đấy.”
“Tại sao?”
Poirot nghiêng đầu về một bên và hấp háy mắt với tôi.
“Như thế có vẻ thích hợp.”
“Còn gõ cửa ba cái thì sao?”
“Tôi không cưỡng lại nổi. Giá tôi có thể gửi kèm theo thư một nhành hoa hương thảo nhỏ chắc hẳn còn hay ho hơn nữa. Tôi đã nghĩ đến việc làm đứt tay chảy máu rồi để lại dấu vân tay dính máu trên cửa nữa đấy. Nhưng biết đủ là đủ! Tôi sợ bị nhiễm trùng.”
“Cháu cho đây là thời thơ ấu thứ nhì,” tôi lạnh lùng nhận xét. “Chiều nay cháu sẽ mua cho bác bong bóng và một con thỏ nhồi bông.”
“Tôi không nghĩ cậu vui thích khi tôi bất ngờ xuất hiện. Cậu tỏ ra chẳng hề vui vẻ khi gặp tôi.”
“Bác đã mong là cháu vui thích sao?”
“Pourquoi pas? Nào, ta hãy nói chuyện nghiêm túc nhá, bây giờ tôi đã chán cái trò hề nho nhỏ của mình rồi. Hy vọng có thể trợ giúp. Tôi đã gọi cho ông cảnh sát trưởng, ông ấy đã cực kỳ nhã nhặn, và ngay giây phút này tôi đang đợi bạn cậu, thanh tra Hardcastle.”
“Và bác định nói gì với ông ấy?”
“Trong đầu tôi đã sẵn cái ý nghĩ cả ba chúng ta có thể tham gia cuộc đàm đạo.”
Tôi nhìn ông và bật cười. Ông ta có thể gọi là đàm đạo — nhưng tôi biết ông sắp sửa nói dông dài.
Hercule Poirot!
Hardcastle đã tới nơi. Chúng tôi làm cái việc giới thiệu và chào hỏi. Giờ đây chúng tôi yên vị bên nhau theo cái kiểu cách của những người dễ kết tình thân ái. Thanh tra thỉnh thoảng lén liếc nhìn Poirot với dáng vẻ của một người ở sở thú đang quan sát một cuộc thu nhận loài vật mới. Tôi không rõ trước đây ông có bao giờ gặp ai giống như Hercule Poirot hay chưa!
Sau cùng, Hardcastle đằng hắng rồi nói một cách thận trọng.
“Tôi cho rằng, ông Poirot à, ông muốn đích thân xem — à, toàn bộ quá trình điều tra, đúng không? Nói đích xác, sẽ không dễ đâu ạ.” Ông ngần ngừ, rồi nói tiếp: “Ông cảnh sát trưởng đã dặn tôi phải làm mọi việc có thể làm được cho ông. Nhưng ông phải hiểu rõ có những khó khăn, những câu hỏi có thể hỏi, những phản bác. Tuy thế, vì ông đã cất công xuống tận đây…”
Poirot ngắt lời, có vẻ hơi lạnh nhạt: “Tôi đến đây vì căn hộ của tôi ở London đang được tân trang.”
Tôi cười khà khà giễu cợt và Poirot trừng mắt nhìn tôi quở trách.
“Ông Poirot không phải đi xem điều này việc nọ đâu,” tôi nói. “Ông vẫn luôn khăng khăng bảo mình có thể làm toàn bộ chuyện ấy từ trên ghế bành. Nhưng sự thật không hoàn toàn đúng như vậy, phải không bác Poirot? Nếu đúng thì tại sao bác lại tới đây hả?”
Poirot đáp một cách đường bệ.
“Tôi đã bảo không cần thiết phải là chó săn chồn, chó đánh hơi, chó lần theo dấu vết chạy lui chạy tới ngửi tìm mùi này vị nọ. Nhưng tôi xin thừa nhận chó cần thiết cho một cuộc đi săn. Một con biết tìm và nhặt về con mồi đã bị bắn hạ, cậu bạn à, một con chó săn giỏi.”
Ông quay về phía thanh tra. Một bàn tay xoắn hàng ria mép với vẻ mãn nguyện.
“Xin cho tôi thưa với anh,” Poirot nói, “rằng tôi không giống như người Anh, bị ám ảnh về chó. Cá nhân tôi có thể sống chả cần đến chó. Nhưng dẫu thế tôi vẫn chấp nhận quan niệm của các anh về loài chó. Một người yêu mến và tôn trọng con chó của mình. Anh ta nuông chiều nó, anh ta khoe khoang về sự thông minh linh lợi của con chó với bạn bè của mình. Bây giờ hãy tự mình hình dung đi, điều ngược lại cũng có thể xảy đến! Con chó say mê chủ của nó. Nó nuông chiều người chủ ấy! Nó cũng khoe chủ của mình, khoe khoang về sự linh lợi thông minh của chủ. Và để tự động viên khi mình thực sự không muốn ra ngoài, người ấy dắt con chó đi theo vì chó rất thích đi dạo. Vì thế nó cũng gắng sức cho chủ điều mà chủ nó thiết tha mong muốn.”
Ông nói tiếp: “Cậu bạn trẻ Colin tốt bụng của tôi đây cũng thế. Cậu ấy đã đến gặp tôi, chẳng phải để nhờ tôi giúp giải quyết vấn đề của riêng mình; cậu ấy tin có thể tự giải quyết và tôi được biết cậu ấy đã làm thế. Không, cậu ấy ái ngại khi thấy tôi nhàn rỗi và cô độc nên mang đến cho tôi một vấn đề mà cậu ấy cảm thấy sẽ khiến tôi thích thú và cho tôi có cái gì đấy để tiếp tục làm việc. Cậu ấy thách tôi làm việc ấy—thách tôi làm điều tôi vẫn thường bảo cậu ta là có thể làm được… mà vẫn ngồi trên ghế của mình và — theo một tiến trình thích đáng — giải quyết vấn đề nan giải ấy. Tôi đồ rằng có thể có một chút ác tâm, chỉ là một trò trẻ con đằng sau thách thức ấy. Phải nói là cậu ta muốn chứng tỏ với tôi rốt cuộc việc ấy chả dễ dàng như thế. Mais oui, mon ami, đúng là thế đấy! Cậu ta muốn đích thân chế giễu tôi — chỉ một chút thôi! Nhưng tôi không trách cậu ta. Tất cả những gì tôi nói là cậu ta vẫn chưa biết Hercule Poirot của cậu ấy là thế nào đâu.”
Ông ưỡn ngực ra và mân mê hàng ria mép.
Tôi nhìn ông và toét miệng cười thân ái.
“Được thôi, vậy hãy cho chúng tôi đáp án của vấn đề ấy nếu ông biết đi!”
“Dĩ nhiên tôi biết chứ.”
Thanh tra ngó ông ta lom lom, tỏ vẻ không tin.
“Có phải ông đang nói mình biết ai đã giết người đàn ông ở số 19, Wilbraham Crescent?”
“Chắc chắn như thế.”
“Và cũng biết ai đã giết Edna Brent?”
“Dĩ nhiên.”
“Ông biết rõ nhân thân của người chết à?”
“Tôi biết hắn chắc hẳn là ai.”
Hardcastle nghi ngờ ra mặt. Nhớ tới cảnh sát trưởng, ông vẫn giữ phép lịch sự.Nhưng giọng ông nói vẫn rất hoài nghi.
“Xin lỗi ông Poirot, ông tuyên bố mình biết ai đã giết ba người. Và vì sao lại giết?”
“Phải.”
“Ông có một vụ án mở ra rồi khép lại ngay hay sao?”
“Điều ấy thì không.”
“Tất cả những gì ông ấy muốn nói là có một linh cảm,” tôi nói vẻ tàn nhẫn.
“Tôi sẽ không cãi với cậu một từ nào, mon cher Colin. Tất cả những gì tôi nói là: tôi biết!”
Hardcastle thở dài.
“Nhưng ông biết đó, ông Poirot, tôi phải có chứng cứ.”
“Lẽ dĩ nhiên, nhưng với những biện pháp nghiệp vụ các anh tùy nghi sử dụng, tôi nghĩ sẽ có khả năng để anh có được chứng cứ ấy.”
“Tôi không chắc lắm.”
“Nào nào, anh thanh tra, nếu anh biết — thật sự biết — đó chẳng phải là bước đầu tiên? Từ đó anh không thể nào đi tiếp, gần như lúc nào cũng thế?”
“Không phải lúc nào cũng thế,” thanh tra thờ dài. “Ngày nay có những kẻ bước đi lang thang vô định phải vào tù đấy ông à. Họ biết điều ấy và chúng tôi cũng biết.”
“Nhưng đấy chỉ là một tỷ lệ phần trăm rất nhỏ. Chẳng phải…”
Tôi ngắt lời Poirot.
“Được rồi. Được rồi. Bác biết… Vậy bây giờ hãy cho bọn cháu cùng biết đi!”
“Tôi nhận thấy cậu vẫn còn hoài nghi. Nhưng trước tiên hãy cho tôi nói điều này: để biết chắc chắn nghĩa là khi đã đạt đến đáp án đúng, mọi chuyện sẽ đâu vào đấy thôi. Các anh sẽ nhận thấy chẳng có cách nào khác cả.”
“Vì tình thương với ông bố Mike của cháu,” tôi nói, “bác cứ tiếp tục như thế đi! Cháu công nhận tất cả những điều bác nói.”
Poirot thoải mái dựa ngửa trên ghế và ra hiệu cho thanh tra rót đầy rượu vào ly của ông.
“Một điều, mes amis, cần phải được hiểu rõ. Để giải quyết bất cứ vấn đề nào ta cũng cần phải có các sự kiện. Để làm việc ấy người ta cần có chó, một con chó biết thu nhặt xác con mồi từng mảnh từng mảnh một và đặt…”
“Dưới chân chủ nó,” tôi tiếp lời ông. “Chấp nhận.”
“Ta chẳng thể ngồi trên ghế giải quyết một vụ án mà duy nhất chỉ đọc về nó trên báo. Cần biết các sự kiện xác thực, nhưng các báo hiếm khi xác thực, nếu có lúc nào đấy chúng xác thực. Chúng đưa tin một chuyện xảy ra lúc bốn giờ khi lúc ấy là bốn giờ mười lăm, chúng bảo một người đàn ông có em gái tên Elizabeth khi đích xác hắn có em vợ tên Alexandra. Vân vân và vân vân. Nhưng ở cậu Colin đây, tôi có một con chó có năng lực đặc biệt — một năng lực có thể nói đã đưa cậu ấy đi xa trong sự nghiệp của mình. Cậu ấy luôn có trí nhớ rất tốt. Có thể nhắc lại cho anh nghe, thậm chí rất nhiều ngày sau đấy, những cuộc trò chuyện đã diễn ra. Cậu ấy có thể lặp lại chúng thật chính xác — nghĩa là chẳng hề đổi khác đi như hầu hết chúng ta thường làm, chẳng thay đổi do ấn tượng của cậu ta với các cuộc nói chuyện ấy. Giải thích một cách đại khái — cậu ấy thường không nói: ‘Và lúc mười một giờ hai mươi thư đưa đến’ thay cho việc mô tả chuyện thực tế đã xảy ra, ấy là một tiếng gõ cửa rồi ai đó đi vào phòng trên tay cầm những lá thư. Toàn bộ chuyện này rất quan trọng. Nghĩa là cậu ấy đã nghe thấy những gì lẽ ra tôi đã nghe thấy nếu có mặt ở đấy và đã trông thấy những gì lẽ ra tôi đã trông thấy.”
“Chỉ là con chó đáng thương chưa có suy luận cần thiết hả?”
“Như thế cho đến nay tôi đã có các sự kiện có thể có được — tôi đang ‘biết diễn tiến của sự việc’. Đấy là thuật ngữ thời chiến của các anh, phải thế không? Cho người ta biết diễn tiến của sự việc. Điều khiến tôi ngạc nhiên trước hết khi Colin kể lại từng chi tiết của câu chuyện cho tôi nghe, chính là tính chất cực kỳ quái dị của nó. Bốn chiếc đồng hồ, mỗi chiếc đều chạy nhanh hơn chừng một giờ so với giờ chính xác, và được đưa vào nhà mà chủ nhà không hề hay biết, hoặc bà ta nói thế. Bởi chúng ta không bao giờ được tin những gì người ta kể cho mình, cho đến khi những lời khai như thế được kiểm tra lại thật kỹ lưỡng, phải không?”
“Ông suy nghĩ giống hệt như tôi,” thanh tra tán đồng.
“Nằm trên nền nhà là một người chết — một người đàn ông cao tuổi trông rất đáng kính. Chả ai biết hắn là ai (hoặc lại là người ta nói thế). Trong túi ông ta có một danh thiếp mang tên ông R. H. Curry, 7, đường Denvers. Công ty Bảo hiểm Metropolis. Nhưng chẳng hề có Công ty Bảo hiểm Metropolis. Chẳng hề có đường Denvers và dường như chẳng hề có người nào là ông Curry cả. Đấy là chứng cứ phủ định, nhưng cũng là chứng cứ. Bây giờ chúng ta tiếp tục tiến xa hơn. Rõ ràng khoảng hai giờ kém mười có người gọi đến một công ty dịch vụ thư ký, một cô Millicent Pebmarsh đã yêu cầu phái một người ghi tốc ký đến số 19, Wilbraham Crescent lúc ba giờ. Yêu cầu đích danh cô Sheila Webb. Cô Webb đã được phái đi. Cô đến đấy vài phút trước ba giờ, đi vào phòng khách theo lời chỉ dẫn, thấy một người đàn ông đã chết trên nền nhà, rồi vừa hấp tấp chạy ra ngoài vừa thét lên. Cô nhào vào vòng tay của một chàng trai trẻ.”
Poirot tạm dừng và ngó tôi. Tôi cúi đầu.
“Rồi người hùng trẻ tuổi của chúng ta vào cuộc,” tôi nói.
“Cậu thấy đấy,” Poirot chỉ rõ. “Ngay cả cậu cũng chẳng thể nào cưỡng lại nổi cái giọng cường điệu khôi hài khi nói đến chuyện ấy. Toàn bộ vụ việc cũng cường điệu, quái đản và hoàn toàn siêu thực. Đấy là một kiểu vụ việc có thể xuất hiện trong tác phẩm của một người như là Garry Gregson chẳng hạn. Có thể kể cho anh nghe khi cậu bạn trẻ của tôi đến nhà với câu chuyện này, tôi đang mải mê nghiên cứu một loạt các tác giả viết truyện trinh thám đã ra sức trổ tài nghệ của họ trong vòng sáu mươi năm vừa qua. Cực kỳ thú vị. Người ta hầu như đi đến chỗ xem xét tội ác đời thực dưới ánh sáng của tiểu thuyết. Nghĩa là nếu tôi quan sát thấy một con chó không sủa khi nó nên sủa, tôi sẽ tự nhủ: ‘Hà! Một tội ác kiểu Sherlock Holmes!’ Tương tự, nếu một xác chết được tìm thấy trong một gian phòng đã niêm phong, dĩ nhiên tôi nói: ‘Chà! Một vụ án kiểu Dickson Carr!’ Rồi còn có bà Oliver bạn của tôi nữa chứ. Nếu tôi phải tìm kiếm — nhưng thôi tôi chả nói gì nữa đâu. Các anh nắm được ý tôi muốn nói gì rồi chứ? Ở đây tội ác được sắp đặt trong những hoàn cảnh quá man rợ không thể có thật khiến người ta ngay lập tức cảm thấy ‘chuyện này không đúng với cuộc sống. Toàn bộ chuyện này hoàn toàn không có thật.’ Nhưng hỡi ôi, ở đây không thể vậy, vì chuyện này là có thật. Nó đã xảy ra. Điều ấy khiến người ta suy nghĩ đến tức điên lên, chẳng phải thế sao?”
Hardcastle chắc không nghĩ như thế, nhưng anh vẫn hoàn toàn đồng ý với cảm nhận đó, và gật đầu lia lịa. Poirot nói tiếp: “Cũng như trước đây, thật trái ngược với tác phẩm của Chesterton, ‘Anh sẽ giấu một chiếc lá ở đâu? Trong rừng. Anh sẽ giấu một viên sỏi ở đâu? Trên bãi biển.’ Ở đây có sự quá mức, kỳ quặc, cường điệu! Khi tôi tự nhủ phỏng theo Chesterton: ‘Một phụ nữ trung niên giấu nhan sắc tàn phai của mình ở đâu? Tôi không đáp lại: ‘Giữa những khuôn mặt trung niên tàn phai khác.’ Hoàn toàn không phải, cô ta giấu nó dưới lớp phấn son trang điểm và thuốc chải lông mi, với những áo lông chồn đẹp đẽ phủ quanh mình, nữ trang vòng quanh cổ và đeo trên tai cô ấy. Tôi nói có theo kịp không?”
“À…” thanh tra nói để che đậy việc mình không theo kịp.
“Ấy là vì, các anh thấy đấy, người ta sẽ trông vào những áo lông chồn và nữ trang, kiểu tóc và haute couture. Họ sẽ hoàn toàn không để ý xem bản thân người đàn bà ấy như thế nào. Bởi thế tôi thường tự nhủ và nói với bạn Colin của tôi — vì án mạng khoác bên ngoài quá nhiều lớp vỏ bọc kỳ quái để đánh lạc hướng người ta nên chắc chắn là nó thực ra rất đơn giản, chẳng phải tôi đã nói thế sao?”
“Bác đã nói thế,” tôi đáp. “Nhưng cháu vẫn không hiểu làm sao bác có thể đúng.”
“Điều ấy thì cậu phải đợi. Bởi thế chúng ta vứt bỏ lớp vỏ bọc bên ngoài tội ác, và đi vào điểm thiết yếu. Một người đàn ông đã bị giết. Vì sao lại bị giết? Hắn ta là ai? Câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất hiển nhiên tùy thuộc vào đáp án của câu thứ hai. Chừng nào chưa trả lời đúng cả hai câu ấy, các anh sẽ chẳng thể nào tiếp tục điều tra. Hắn có thể là một gã tống tiền, một kẻ lừa gạt lòng tin hay là chồng của ai đấy mà sự tồn tại có thể gây khó chịu hay nguy hiểm cho vợ hắn. Hắn có thể là một trong số nhiều hạng người. Tôi càng nghe nhiều, dường như mọi người càng đồng ý trông người này có vẻ là một người đàn ông cao tuổi hoàn toàn bình thường, khá giả và danh giá. Bất chợt tôi thầm nghĩ: ‘Mi nói đây hẳn là một tội ác đơn giản. Hay lắm, cứ như thế đi. Hãy để người này chính xác như vẻ bề ngoài là một người đàn ông cao tuổi khá giả đáng kính.’” Ông nhìn thanh tra. “Anh hiểu không?”
“À…” thanh tra đáp, rồi lịch sự dừng lại.
“Như thế ở đây là, một người đàn ông cao tuổi bình thường vui tính mà việc trừ khử ông ta cần thiết đối với ai đấy. Với ai thế? Và ở đây cuối cùng chúng ta có thể thu hẹp trận địa một chút. Có những hiểu biết tại chỗ—về cô Pebmarsh và các thói quen của cô ta, về Phòng Thư ký Cavendish, về một cô gái làm việc ở đấy tên là Sheila Webb. Và thế là tôi nói với bạn Colin của tôi: Các láng giềng. Hãy trò chuyện với họ! Tìm hiểu về họ. Những điều căn bản của họ. Nhưng trên tất cả là tham gia đối thoại. Vì trong khi đối thoại các anh không đơn thuần có được câu trả lời cho các câu hỏi — trong những chuyện phiếm bình thường được bàn qua tán lại, các sự việc thường bị vuột mất. Người ta luôn cảnh giác khi đề tài có thể nguy hiểm với họ. Nhưng trong cuộc nói chuyện bình thường, tinh thần họ thư thái, họ đành khuất phục và tiết lộ sự thật, vì việc này dễ làm hơn nói dối rất nhiều. Và thế là họ để lộ ra một sự kiện nho nhỏ mà họ không hề hay biết sẽ làm tất cả đổi khác đi.”
“Một sự phơi bày đáng khâm phục,” tôi nói. “Thật không may nó đã không xảy ra trong vụ án này.”
“Nhưng, mon cher, đã xảy ra đấy. Một câu nho nhỏ với tầm quan trọng khôn lường.”
“Câu nào chứ?” tôi hạch hỏi. “Ai nói? Khi nào?”
“Xảy đến thật đúng lúc, mon cher.”
“Ông vừa nói mà, ông Poirot?” Thanh tra lịch sự lôi ông già trở lại với chủ đề.
“Nếu các anh vẽ một vòng tròn quanh nhà số 19, bất kỳ ai ở trong ấy cũng có thể đã giết ông Curry. Bà Hemming, nhà Bland, nhà McNaughton, cô Waterhouse. Nhưng còn quan trọng hơn nữa, có những người sẵn có vị trí trên hiện trường. Cô Pebmarsh có thể đã giết hắn trước khi ra ngoài lúc 1 giờ 35 hay khoảng chừng thời gian ấy và cô Webb có thể đã sắp xếp để gặp hắn ở đấy, rồi giết đi trước khi chạy ra khỏi nhà và báo động.”
“A,” thanh tra nói. “Ông đang đi vào vấn đề cụ thể rồi đấy.”
“Và dĩ nhiên,” Poirot xoay trở lại nói với tôi, “cậu đấy, Colin thân mến ạ, cậu cũng đã ờ hiện trường. Đang tìm một số nhà lớn ở nơi toàn là số nhỏ.”
“À, đúng vậy,” tôi bực tức nói. “Tiếp theo bác sẽ bảo gì?”
“Tôi ấy à, tôi nói bất cứ điều gì!” Poirot long trọng tuyên bố.
“Nhưng cháu là người đến và vứt toàn bộ vụ việc cho bác!”
“Bọn sát nhân thường tự cao tự đại,” Poirot vạch trần. “Và ở đây cũng thế, điều đó có thể khiến cậu thích thú—vì đã chơi trò đùa bỡn với tôi.”
“Nếu bác tiếp tục sẽ thuyết phục được cháu đó,” tôi nói. Tôi bắt đầu cảm thấy không được thoải mái.
Poirot quay sang thanh tra Hardcastle.
“Ở đây, tôi tự nhủ, chủ yếu là một vụ hình sự đơn giản thôi. Sự có mặt của những chiếc đồng hồ không thích hợp, việc chạy nhanh hơn chừng một tiếng, sự sắp đặt có tính toán quá kỹ lưỡng để cái xác được phát hiện, tất cả những chuyện ấy ngay lúc này phải gác sang một bên. Cũng như tôi từng nói về chuyện nàng ‘Alice’ bất tử của cậu thích ‘giày, tàu thủy và xi gắn, bắp cải cùng vua chúa khắp nơi’. Điểm mấu chốt có ý nghĩa là một người đàn ông cao tuổi bình thường đã chết và ai đấy đã muốn ông ta chết đi. Nếu chúng ta biết người chết là ai, sẽ giúp chúng ta chỉ điểm hung thủ. Nếu nạn nhân là một kẻ tống tiền nổi tiếng, thế thì chúng ta phải tìm một người hắn có thể đã tống tiền. Nếu ông ta là thám tử, như thế chúng ta tìm một người có một bí mật tội ác; nếu ông ta là người có của, thì chúng ta tìm trong số những kẻ thừa kế. Còn nếu như chả biết người đàn ông đó là ai, công việc của chúng ta sẽ khó khăn hơn khi săn lùng trong số những người ở trong vòng tròn bao quanh để tìm ra kẻ có lý do để giết người.”
Ông tiếp tục nói: “Để sang một bên cô Pebmarsh và Sheila Webb, liệu có ai có thể liên can đến vụ án, mặc dù vẻ bề ngoài thì không phải thế? Câu trả lời thật đáng thất vọng. Ngoại trừ ông Ramsay là người mà tôi hiểu dường như chả có liên can?” Nói tới đây ông nhìn tôi có ý dò hỏi, và tôi gật đầu. “Mọi người đã chân thành nói thật. Bland là một thầu khoán nổi tiếng ở địa phương, McNaughton đã chán chường cái ghế ở trường Cambridge, bà Hemming là quả phụ của một người bán đấu giá ở địa phương, nhà Waterhouse là gia đình đáng kính đã cư trú ở đấy lâu năm rồi. Vậy chúng ta hãy quay trở lại với ông Curry. Ông ta từ đâu đến? Điều gì đã đưa ông ta đến nhà số 19, Wilbraham Crescent? Và ở đây một nhận xét rất có giá trị đã được một láng giềng là bà Hemming nói ra. Khi nghe nói người chết không sống ở số 19, bà đã nói: ‘Ôi, tôi hiểu rồi. Ông ta chỉ đến đấy để bị giết. Kỳ quái biết bao!’ Bà ấy có năng khiếu bẩm sinh, thường thuộc về những người quá bận rộn với suy nghĩ riêng của mình đến nỗi chả để ý lời người khác nói, và chợt đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Bà ấy đã tóm tắt toàn bộ tội ác này. Ông Curry đã đến số 19, Wilbraham Crescent để bị giết. Đơn giản như thế đấy!”
“Khi ấy lời nhận xét của bà ta khiến cháu chấn động,” tôi nói.
Chẳng để ý gì tới tôi, Poirot tiếp tục: ““Người phi thường, phi thường, phi thường—đến và bị giết. Ông Curry đã đến và đã bị giết. Nhưng chả phải chỉ có thế. Điều quan trọng là ông ta chẳng được nhận diện. Chả có ví tiền, chả có giấy tờ tùy thân, nhãn hiệu thợ may đã bị gỡ ra khỏi y phục của. Nhưng thế vẫn chưa đủ. Tấm danh thiếp in của Curry, nhân viên bảo hiểm, chỉ là biện pháp tạm thời mà thôi. Nếu căn cước của người ấy bị che giấu luôn, thì sẽ có một căn cước giả. Chẳng chóng thì chầy, tôi chắc chắn, ai đấy rồi sẽ xuất hiện, nhận diện hắn một cách xác thực. Một anh em trai, một chị em gái, một bà vợ. Đấy là một bà vợ. Bà Rival — và chỉ cái tên ấy thôi cũng đủ khiến người ta nghi rồi. Có một ngôi làng ở Somerset — tôi đã lưu lại gần đấy với bạn bè — làng Curry Rival… Trong tiềm thức dù chả biết vì sao lại nảy ra chính hai cái tên ấy, chúng đã được lựa chọn. Ông Curry — Bà Rival. Cho đến nay — hiển nhiên đã có kế hoạch, nhưng điều khiến tôi băn khoăn là vì sao kẻ sát nhân của chúng ta lại cho là dĩ nhiên sẽ không có nhận dạng đích thực. Nếu người ấy không có gia đình, chí ít cũng có các bà chủ nhà, những người giúp việc, những kẻ hợp tác làm ăn. Điều ấy đưa tôi đến giả định kế tiếp — người này không được biết là đã mất tích. Một giả định đi xa hơn là ông ta chả phải người Anh mà chỉ đến viếng thăm đất nước này. Điều ấy gắn với chuyện răng của ông ta không hợp với bất cứ hồ sơ nha khoa nào ở đây cả.
“Tôi bắt đầu có một hình ảnh lờ mờ về cả nạn nhân lẫn kẻ giết người. Không, hơn thế. Tội ác đã được vạch kế hoạch rất tài tình và tiến hành rất thông minh — nhưng lại xảy đến một điều cực kỳ xúi quẩy mà chẳng kẻ sát nhân nào có thể đoán trước được.”
“Là gì thế?” Hardcastle hỏi.
Thật bất ngờ Poirot ngửa đầu ra sau và ngâm nga đầy kịch tính:
“Vì một móng chân, móng sắt mất rồi,
Vì một móng sắt ngựa này đã mất,
Vì một ngựa thôi trận này đã thất,
Vì trận đã thua vương quốc mất rồi,
Chỉ bởi vì cái móng ngựa thôi.”
Ông ngả người về phía trước: “Rất nhiều người có thể giết ông Curry. Nhưng chỉ một người có thể đã giết, hay có lý do để giết cô gái Edna.”
Cả hai chúng tôi ngó ông ta chằm chặp.
“Chúng ta hãy xem Phòng Thư ký Cavendish. Tám cô gái làm việc ở đấy. Vào ngày 9 tháng 9 bốn cô được phân công công tác ở bên ngoài hơi xa một chút — tức là họ được khách hàng mà họ đến làm việc cho ăn bữa trưa. Họ là bốn cô bình thường ăn trưa đợt đầu tiên từ 12 giờ 30 đến 1 giờ 30. Bốn cô còn lại gồm Sheila Webb, Edna Brent cùng với hai cô Janet và Maureen ăn đợt hai từ 1 giờ 30 đến 2 giờ 30. Nhưng ngày hôm ấy Edna Brent gặp tai nạn rất sớm sau khi rời văn phòng. Cô làm sút cái gót giày vì bị kẹt trong một tấm lưới sắt. Chẳng thể nào bước đi như thế. Cô mua mấy cái bánh mì tròn nhỏ rồi trở về văn phòng.”
Poirot lúc lắc một ngón tay để nhấn mạnh với chúng tôi: “Chúng ta được nghe kể lại Edna Brent đã lo lắng về chuyện gì đấy. Cô ta đã cố gặp Sheila Webb bên ngoài cơ quan nhưng không gặp được. Chuyện ấy đã được giả định có liên quan gì đấy với Sheila Webb, nhưng chẳng hề có chứng cứ nào về điều ấy cả. Có thể cô ta chỉ muốn hỏi ý kiến Sheila Webb về điều gì khiến cô bị rối trí — nhưng nếu thế một chuyện đã sáng tỏ. Cô muốn nói chuyện với Sheila Webb ở cách xa Phòng Thư ký. Lời cô nói với anh cảnh sát tại buổi điều tra chính thức là manh mối duy nhất cho chúng ta biết chuyện gì đang làm cô lo lắng. Cô đã nói gì đấy như là: ‘Tôi không hiểu làm sao điều cô ấy nói lại có thể là sự thật.’ Ba phụ nữ đã khai báo trước tòa sáng hôm ấy. Edna có thể đã nhắc đến cô Pebmarsh. Hay như nói chung đã được giả định, cô ta có thể đã nhắc đến Sheila Webb. Nhưng còn có khả năng thứ ba, ấy là cô Martindale.”
“Cô Martindale sao? Nhưng mà lời khai của bà ta chỉ kéo dài vẻn vẹn vài phút thôi mà.”
“Chính xác. Chỉ nói về cuộc gọi điện thoại bà đã nhận, dường như do chính cô Pebmarsh gọi đến.”
“Ý ông muốn nói Edna đã biết không phải do cô Pebmarsh gọi hả?”
“Chắc là đơn giản hơn thế. Tôi đang giả định hoàn toàn chả có điện thoại gì cả.”
Ông nói tiếp: “Gót giày của Edna bị sút ra. Cái lưới sắt rất gần văn phòng. Cô đã trở về đấy. Nhưng cô Martindale ở trong văn phòng riêng không biết Edna đã về. Vì tưởng chẳng có ai khác trong phòng, bà ta chỉ cần nói đã có một cuộc gọi lúc 1 giờ 49 phút. Thoạt tiên Edna chả hiểu ý nghĩa của điều cô ta biết được. Sheila được gọi vào gặp cô Martindale và bà ta bảo cô ra ngoài công tác. Cuộc hẹn ấy được sắp đặt như thế nào và lúc nào họ không nói cho Edna biết. Tin tức về án mạng đã nhận được, và câu chuyện dần dần được xác định. Cô Pebmarsh đã gọi điện thoại và yêu cầu phái Sheila đến. Nhưng cô Pebmarsh lại bảo mình không có gọi. Cuộc gọi nói là đã nhận được lúc hai giờ kém mười, nhưng Edna biết điều ấy không thể đúng sự thật. Lúc ấy chả nhận được cuộc gọi nào cả. Chắc hẳn cô Martindale đã nhầm lẫn — nhưng rõ ràng bà ta đâu có nhầm. Edna càng suy nghĩ càng rối thêm. Cô phải hỏi Sheila về chuyện ấy. Sheila sẽ biết.
“Và rồi buổi sơ thẩm đã đến. Và các cô gái đều tham dự. Cô Martindale lặp lại câu chuyện về cú điện thoại, và Edna lúc bấy giờ biết chứng cứ bà ta đưa ra quá rõ ràng và có giờ giấc chính xác ấy chả phải là sự thật. Chính lúc ấy cô đã hỏi anh cảnh sát mình có thể gặp thanh tra hay không. Tôi nghĩ có lẽ cô Martindale lúc rời khỏi Cornmarket trong một đám đông người đã nghe lỏm cô ấy hỏi thế. Có lẽ khi ấy bà ta đã nghe các cô gái giễu cợt Edna về tai nạn sút gót giày của cô mà bà chẳng nhận ra là giễu cợt chuyện gì. Dẫu sao bà ta cũng đã đi theo cô gái đến Wilbraham Crescent. Tôi tự hỏi vì sao Edna lại đến đấy?”
Thanh tra đáp với một tiếng thở dài: “Để nhìn kỹ nơi xảy ra vụ án, tôi mong là như thế. Người ta thường làm thế.”
“Phải. Khá đúng sự thật đấy. Có lẽ cô Martindale nói chuyện với cô ta ở đấy, cùng đi với cô xuôi con đường ấy và Edna nói toạc ra câu hỏi của mình. Bà ta hành động thật nhanh. Họ đang ở ngay cạnh buồng điện thoại công cộng. Bà ta bảo: “Chuyện này rất quan trọng. Cô phải gọi cho cảnh sát ngay lập tức. Số của đồn cảnh sát là thế này, thế này. Hãy gọi và cho họ biết bây giờ cả hai chúng ta đang đến đây.” Chính thói quen ăn sâu trong tiềm thức đã khiến cô gái riu ríu làm theo. Cô đi vào và nhấc ống nghe, còn bà trưởng phòng cũng theo sau, kéo chiếc khăn quàng quấn quanh cổ của cô và siết cô chết.”
“Thế mà chẳng ai trông thấy sao?”
Poirot nhún vai.
“Họ có thể nhìn, mà không thấy. Lúc ấy đúng một giờ. Giờ ăn trưa. Và có nhiều người ở trên đường Crescent đang bận nhìn chằm chặp vào nhà số 19. Đấy là thời cơ để một mụ đàn bà táo bạo và hết sức thận trọng đánh liều chộp lấy.”
Thanh tra lắc đầu quầy quậy tỏ vẻ hoài nghi.
“Cô Martindale ư? Tôi không hiểu làm sao bà ta lại dính vào vụ này chứ.”
“Không. Thoạt tiên người ta chả hiểu đâu. Nhưng vì không còn nghi ngờ gì nữa, trưởng phòng đã giết cô gái — à phải rồi — chỉ có bà ta mới có thể giết cô ấy, cho nên phải dính vào vụ này. Tôi bắt đầu nghi trong cô Martindale có bóng dáng của Phu nhân Macbeth, một người đàn bà tàn nhẫn và tầm thường không có óc sáng tạo.”
“Tầm thường không có óc sáng tạo ư?” thanh tra thắc mắc.
“Đúng thế, hoàn toàn tầm thường không có óc sáng tạo. Nhưng lại rất có năng lực. Một kẻ vạch kế hoạch rất giỏi.”
“Nhưng vì sao? Động cơ gây án ở đâu?”
Hercule Poirot nhìn tôi. Ông nhúc nhắc một ngón tay.
“Như thế nói chuyện với các láng giềng chả ích lợi gì cho các anh ư? Tôi đã phát hiện một câu cực kỳ sáng tỏ. Các anh có nhớ không, sau khi nói về việc sống ở nước ngoài bà Bland lưu ý mình thích sống ở Crowdean vì có một người chị ở đây. Nhưng được biết bà chẳng có người chị nào cả. Bà đã được thừa kế một gia tài lớn cách đây một năm từ một ông chú người Canada, vì bà là người thân duy nhất còn sống sót trong dòng họ của ông ta.”
Thanh tra ngồi nhổm dậy, có vẻ cảnh giác: “Như thế ông nghĩ là…”
Ông già dựa ngửa trên ghế của mình, đan những ngón tay vào nhau, ông lim dim đôi mắt và nói với vẻ mơ màng.
“Giả sử anh là một người đàn ông, một người rất bình thường và không tính toán quá chi ly, đang gặp khó khăn về tài chính thật tồi tệ. Một hôm có thư từ một hãng luật sư gửi đến báo tin vợ anh đã được thừa kế một gia tài kếch xù từ một ông chú ở Canada. Thư đề gửi bà Bland. Và điều khó khăn duy nhất là bà Bland nhận thư không đúng là bà Bland — bà ta là vợ thứ nhì—không phải bà thứ nhất — thử hình dung nỗi buồn chán! Cơn giận dữ! Và rồi một ý tưởng đã đến. Ai biết được đây là bà Bland nhầm lẫn? Chẳng một ai ở Crowdean biết trước đây Bland đã từng kết hôn. Hôn nhân đầu tiên của ông ta cách đây nhiều năm, đã xảy ra trong thời chiến, khi ấy ông đang ở hải ngoại. Có thể đoán được là bà vợ đầu tiên đã chết chẳng bao lâu sau đấy, và hầu như ông đã tái giá ngay lập tức. Ông còn giữ bản chính giấy hôn thú, nhiều giấy tờ khác nhau của gia đình, những tấm ảnh chụp những họ hàng người Canada bây giờ đã chết — tất cả đều thuận buồm xuôi gió. Dù sao đi nữa liều lĩnh cũng đáng. Họ đánh liều làm việc ấy, và đã trót lọt. Các thủ tục pháp lý được thông qua. Và đến đấy gia đình Bland trở nên giàu có sung túc, tất cả rắc rối về tài chính đều chấm dứt —
“Và rồi một năm sau có chuyện xảy ra. Chuyện gì xảy ra? Tôi nảy ra ý nghĩ rằng ai đấy đã từ Canada sang đất nước này — và người này biết bà vợ đầu tiên quá rõ, chẳng thể nào bị kẻ giả danh lừa dối. Đó có thể là một người cao tuổi được gia đình ủy thác hay thân hữu của gia đình — dù là ai đi nữa người đó cũng sẽ biết. Có lẽ họ đã nghĩ tới những phương cách để tránh gặp mặt. Bà Bland có thể giả bệnh, bà ta có thể xuất ngoại — nhưng bất cứ điều gì kiểu ấy chỉ tổ gây nghi ngờ mà thôi. Khách sẽ đòi gặp người phụ nữ ông ta đến để gặp mặt…”
“Và thế là — sát hại?”
“Phải. Và đến đây tôi cho rằng có thể chị của bà Bland đã làm con ma xúi bẩy. Bà ta suy tính kỹ rồi vạch ra kế hoạch thực hiện toàn bộ vụ này.”
“Ông cho rằng cô Martindale và bà Bland là chị em sao?”
“Đấy là cách giải thích duy nhất cho cả vụ việc này.”
“Bà Bland quả có nhắc đến ai đấy khi tôi gặp bà ta,” thanh tra nói. “Tính cách của họ rất khác biệt — nhưng đúng là… có giống nhau. Nhưng làm thế nào họ có thể mong thoát tội được chứ? Người kia sẽ mất tích. Các cuộc điều tra sẽ tiến hành…”
“Nếu người này ra nước ngoài — có lẽ để du lịch chứ không phải đi làm ăn, lịch trình của ông ta sẽ mơ hồ không định sẵn. Một lá thư từ nơi này — một bưu thiếp từ nơi khác — sẽ mất một thời gian trước khi người ta thắc mắc sao không nghe tin tức gì về ông ta cả. Khi ấy thì liệu ai sẽ liên kết một kẻ được nhận dạng và chôn cất với cái tên Harry Castleton với một du khách người Canada giàu có đến đất nước này mà thậm chí chưa ai từng gặp? Nếu tôi là kẻ sát nhân, hẳn tôi đã lẻn đi qua Pháp hay Bỉ, vứt hộ chiếu của nạn nhân trên tàu hỏa hay xe điện, để cho cuộc điều tra được tiến hành ở một nước khác.”
Bất giác tôi cựa quậy, và Poirot đảo mắt nhìn sang tôi.
“Gì hử?”
“Bland từng đề cập với tôi chuyện ông ta vừa mới đi chơi một ngày đến Boulogne — với một cô tóc vàng, tôi hiểu rồi.”
“Việc ông ta làm có vẻ hoàn toàn tự nhiên. Chắc chắn đấy là một thói quen.”
“Chuyện này vẫn còn là phỏng đoán,” thanh tra phản đối.
“Nhưng có thể điều tra mà,” Poirot nói.
Ông lấy một tờ giấy viết thư của khách sạn từ cái giá trước mặt mình và trao cho thanh tra.
“Anh cứ viết thư cho ông Enderby ở số 10, Vườn Ennismore, S.W.7 đi, ông ấy đã hứa sẽ tiến hành một số điều tra giúp tôi ở Canada, ông ấy là một luật sư quốc tế nổi tiếng đấy.”
“Còn chuyện những chiếc đồng hồ thì sao?”
“Ôi! Đồng hồ. Những chiếc đồng hồ lừng danh ấy!” ông già Poirot mỉm cười. “Tôi nghĩ các anh sẽ thấy rằng cô Martindale có trách nhiệm với chúng. Vì vụ án này như tôi đã nói là một vụ án hình sự đơn giản, nó đã được ngụy trang để trở thành một kỳ án. Chiếc đồng hồ có chữ Rosemary mà Sheila Webb đã mang đi sửa ấy. Phải chăng cô ta đã làm mất nó ở Phòng Thư ký? Phải chăng cô Martindale đã lấy nó để làm nền cho chuyện rối rắm không đâu vào đâu của mình, và phải chăng phần nào vì chiếc đồng hồ ấy mà bà ta đã chọn Sheila làm người phát hiện cái xác?”
Hardcastle buột miệng: “Ông bảo người đàn bà ấy tầm thường không có óc sáng tạo mà. Bà ta bịa ra tất cả chuyện này khi nào thế?”
“Bà ta đâu có bịa chuyện. Đấy là điều cực kỳ thú vị. Tất cả đều ở đấy—chờ sẵn bà ta. Ngay từ đầu tôi đã khám phá ra một kiểu mẫu — một mô-típ mà tôi đã biết. Một kiểu mẫu quen thuộc vì tôi vừa mới đọc một truyện y như thế. Tôi đã rất may mắn. Như cậu Colin đây sẽ cho anh biết, tuần này tôi đã dự một cuộc bán đấu giá bản thảo viết tay của các tác giả. Trong đấy có một số truyện của Garry Gregson. Hầu như tôi chả dám hy vọng, nhưng may mắn đã đến với tôi. Đây này… ” Y hệt ảo thuật gia, Poirot vụt lôi ra từ một ngăn kéo bàn giấy hai quyển tập cũ nát, “…tất cả đều ở đây! Trong số nhiều cốt truyện ông ấy dự định viết ra. Ông đã không sống để viết truyện này — nhưng cô Martindale là thư ký của ông nên biết hết cả. Bà ta chỉ đơn giản là cuỗm toàn bộ cốt truyện ấy để hợp với mục đích của mình.”
“Nhưng những chiếc đồng hồ chắc phải có ý nghĩa gì đó trong nguyên bản — tôi muốn nói những chiếc đồng hồ của Gregson đó.”
“Ô, có chứ. Những chiếc đồng hồ của ông ấy được để đứng ở năm giờ một phút, năm giờ bốn phút và năm giờ bảy phút. Đấy là mã số của một két sắt: 515457. Cái két sắt được giấu đằng một bản chép lại của bức tranh Mona Lisa. Bên trong két sắt,” Poirot nói tiếp với vẻ chán ghét, “là những viên ngọc trên vương miện hoàng gia Nga. Toàn bộ chuyện ấy là un tas de bêtises! Và dĩ nhiên có một câu chuyện về các hạng người — một cô gái bị ngược đãi. À, phải đúng thế, nó đã đến đúng lúc Martindale cần. Bà ta chỉ việc chọn nhân vật ở chỗ mình và cải biên câu chuyện lại cho phù hợp. Tất cả các manh mối rực lửa ấy sẽ dẫn đến… đâu? Chính xác là chả đến đâu cả! À, đúng thế, một người đàn bà có năng lực. Người ta thắc mắc — ông ấy để lại di sản cho bà ta — chẳng phải thế sao? Tôi tự hỏi: ông ấy đã chết như thế nào và vì chuyện gì?”
Hardcastle không thèm quan tâm tới chuyện quá khứ. Ông cầm lên hai quyển tập và lấy tờ giấy của khách sạn từ trên tay tôi. Trong hai phút vừa qua tôi đã nhìn nó chằm chặp, mê mẩn. Ông đã ghi lại địa chỉ của Enderby mà không chịu xoay trở lên cho đúng chiều. Địa chỉ khách sạn bị lộn ngược ở góc bên tay trái. Nhìn tờ giấy, tôi mới hiểu mình đã là một thằng ngu ngốc.
“À, cảm ơn ông Poirot,” thanh tra nói. “Quả thật ông đã cho chúng tôi điều gì đấy để suy nghĩ. Dù chuyện gì sẽ xảy ra cũng…”
“Tôi hết sức vui mừng nếu như mình đã hỗ trợ được điều gì đấy.”
Poirot vờ khiêm tốn.
“Tôi sẽ phải kiểm tra nhiều điều…”
“Đương nhiên — đương nhiên…”
Lời tạm biệt đã thốt ra rồi. Hardcastle ra đi.
Poirot chuyển sang quan tâm tới tôi. Lông mày ông rướn lên.
“Eh bien…, tôi muốn hỏi cái gì khiến cậu bần thần khó ở thế? Trông cậu giống như một kẻ vừa thấy ma quỷ hiện hình.”
“Cháu vừa thấy ra mình đã quá đỗi ngu ngốc.”
“A ha. À, điều ấy thường xảy đến với rất nhiều đàn ông chúng ta.”
Nhưng có thể đoán biết chẳng xảy ra với Hercule Poirot đâu! Tôi phải tấn công ông ta.
“Nói cho cháu biết một điều thôi, bác Poirot! Nếu như bác đã nói, bác có thể làm toàn bộ việc này khi ngồi trên ghế bành của bác ở London, và có thể gọi cháu và Dick Hardcastle tới gặp bác ở đấy, thế thì tại sao… Ôi, tại vì sao thế, sao bác lại cất công xuống tận đây?”
“Tôi đã bảo cậu người ta sửa chữa trong căn hộ của tôi rồi mà.”
“Lẽ họ có thể cho bác mượn một căn hộ khác. Hay bác có thể tới ở khách sạn Ritz, ở đó sẽ thoải mái hơn ở khách sạn Curlew.”
“Rõ ràng là cà phê ở đây, mon Dieu, cà phê!” Poirot nói.
“Tại sao hả?”
Hercule Poirot nổi sùng.
“Eh bien, bởi cậu quá ngu si chả đoán được, tôi sẽ bảo cho cậu biết. Tôi là con người, chẳng phải thế sao? Tôi có thể là cái máy nếu cần thiết. Tôi có thể nằm ngửa ra mà suy nghĩ. Tôi có thể giải quyết vấn đề thế đấy. Nhưng tôi là con người, tôi bảo cho cậu biết như thế. Và mọi sự đều liên quan đến con người cả.”
“Thì sao?”
“Lời giải thích cũng đơn giản như án mạng đơn giản này. Những gì tôi làm đều xuất phát từ tính hiếu kỳ của con người,” Hercule Poirot cố làm ra vẻ đường hoàng.
Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ - Agatha Christie Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ